Đơn Phương Thất Bại
C10: Chắc Vậy

Sáng thứ Hai, đang trong tiết học thứ ba thì có một giáo viên tới trước cửa lớp và gọi Kiều ra ngoài.

Tiếng xôn xao nổi lên, đám học sinh phía dưới lầm rầm thắc mắc đoán già đoán non lí do Kiều bị gọi ra ngoài giữa chừng một giờ học. Thưởng phạt gì thì cũng có thể đợi sau khi học xong cơ mà?

Về việc này, Kiều cũng rất thắc mắc.

Tới lúc giáo viên đưa cô tới tận cổng trường, cô thấy xe ô tô của bố đỗ trước cổng, nhưng cô vẫn không biết lý do là gì.

"Bố về lúc nào thế? Sao không bảo con." Kiều ngồi vào ghế phụ, vừa gắn đai an toàn vừa hỏi mấy câu linh tinh. Lúc ban đầu cô thoáng vui vẻ khi biết mình sẽ đi đâu đó trong lúc các bạn cùng lớp vẫn đang nai lưng ra học hành, sau đó cô nhớ ra mình cần hỏi bố rằng mình đang đi đâu, nhưng một linh cảm nào đó liên tục nhắc nhở cô: đừng hỏi.

Ngày trẻ bố là một thợ xây, nhưng nhờ việc chăm học hỏi, qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc cuối cùng cũng mở được một công ty xây dựng với một đội thợ lành nghề. Tuy nhiên do quy mô công ty không quá lớn, nên khi nhận thầu công trình thì bố cũng đồng thời làm giám sát xây dựng luôn, và mỗi lần như thế bố đều vắng nhà trong thời gian rất dài. Kể ra thì bố công tác ở tỉnh khác đã ngót nghét hai tuần, nay vừa về đã ghé trường của cô luôn, có khi còn chưa về qua nhà.

"Bố mới về lúc sáng thôi." Bố cô chỉ đáp như vậy, "Dạo này con học hành thế nào?"

"Vẫn tốt ạ."

Kiều chỉ đáp một câu chung chung, nhưng nó lại là một câu trả lời đầy đủ thông tin với bố.

Sau khi bố đáp "ừ", trong xe chỉ còn lại tiếng động cơ xe kêu khe khẽ và âm thanh ồn ào của đường phố không thể cách âm nổi. Kiều với tay bật một video Youtube bất kì trên bảng điều khiển cảm ứng của xe để xua đi bầu không khí ngột ngạt này.

Khoảng 15 phút sau, xe dừng đỗ ở sân trong của Toà án Nhân dân Quận. Tới lúc ấy bố mới nói với cô: "Hôm nay bố mẹ li dị, người ta cần con tới xác nhận muốn ở với ai."


Kiều hiểu ra, gật đầu: "Vâng ạ."

Bố dẫn cô lên một căn phòng ở tầng hai, ngoài cửa đang có mẹ đứng đợi sẵn.

Trông gương mặt của mẹ không tươi tỉnh chút nào, hai mắt đỏ hoe. Vừa thấy Kiều, mẹ đứng dậy từ hàng ghế chờ và tiến tới gần cô, vừa khóc vừa nói: "Kiều ơi... hôm nay bố mẹ li dị rồi."

Kiều gật đầu, nhìn xuống bàn tay mẹ đang nắm chặt lấy cánh tay mình, suy nghĩ một lúc mới quyết định vỗ nhẹ lên mu bàn tay của mẹ tỏ ý an ủi.

Mẹ cô cứ vậy khóc nấc lên, không có hơi sức để nói chuyện, bố đứng ở một góc không quá xa, không nói gì.

Kiều cứ tưởng thủ tục này triệu hồi cả con cái tới thì sẽ có gì ghê gớm lắm, thì ra mọi thứ rất đơn giản. Một chị gái trông khá trẻ tiến đến, trên tay vẫn còn ôm một sấp tài liệu, nhẹ nhàng tách mẹ ra khỏi Kiều sau đó dùng giọng nói cực kì mềm mỏng hỏi cô: "Chị biết bố mẹ mình chia tay, em là người buồn nhất, nhưng mà bố mẹ cũng có nỗi khổ riêng, em thông cảm và hiểu cho bố mẹ nhé. Còn bây giờ em ở đây là để quyết định mình sẽ theo bố hay theo mẹ sau khi hai người không ở cùng nhau nữa. Em cứ thoải mái nói ra mong muốn của mình."

"Em sẽ ở với bố ạ."

Kiều trả lời không cần tốn tới nửa giây suy nghĩ, vì mẹ cô vừa dặn cô như thế.

***

Trên đường lái xe đưa Kiều trở về trường, bố đột nhiên hỏi cô: "Giờ cũng trưa rồi, hay bố con mình đi ăn trưa luôn nhé?"

Kiều nhìn đồng hồ trên màn hình cảm ứng của xe, áng chừng giờ đã là tiết cuối, chỉ còn nửa tiếng nữa là hết giờ học. Thời gian bố lái xe đưa cô về đến lớp chắc cũng chỉ đủ để cô cầm cặp sách mang về, nên nếu đồng ý đi ăn với bố thì hôm nay cô tiết kiệm được thời gian đi xe bus và đỡ phải nghĩ xem trưa nên ăn gì.


Cô đánh mắt ra cửa sổ, nhìn hàng cây xanh mướt bên đường, đáp: "Thôi, con về lớp học tiếp, còn nghe cô dặn dò cuối giờ. Năm nay cuối cấp rồi."

Bố cô chưa bao giờ nghi ngờ bất cứ lí do gì liên quan đến học hành, vì ngày trước bố chỉ học hết cấp hai đã ra xã hội và đi làm kiếm tiền nên cũng chẳng hay rằng ở trường lớp người ta học gì, làm gì.

"Nhưng mà bố sẽ đi luôn đấy. Con không muốn ăn cơm với bố à?"

Kiều hít một hơi thật sâu, nói: "Không phải hôm nay bố ạ."

Nhìn gương mặt đăm chiêu của bố, Kiều ép bản thân nói thêm: "Bố đừng lo, do tiết cuối con có bài kiểm tra ấy mà."

"À, ra là thế." Lông mày của bố giãn ra.

"Vâng, bài kiểm tra quan trọng lắm. Con ôn mất cả đêm."

Bố hơi cười, nói: "Đừng cố quá."

"Con biết mà."

Trước khi Kiều xuống xe, bố rút vài tờ tiền màu xanh có vẽ nhà tranh quê Bác từ trong ví ra đưa cho Kiều, nói: "Lần này bố công tác chắc là sẽ lâu, thiếu cứ bảo bố nhé."


"Vâng." Cô nhận lấy và cất vào túi của váy đồng phục, nơi đang có sẵn vài tờ tiền mà mẹ cho cô không bao lâu trước đó.

Kiều bước trên hành lang trở về lớp học, vừa đi vừa hít thở. Hít vào thở ra, đều đặn.

Kiều nghĩ con người có hai chế độ: lái tự động và lái thủ công. Ví dụ như con người vẫn có thể hít thở bình thường và liên tục khi bản thân cô không hề ra lệnh cho nó thở; nhưng mỗi khi não cô muốn vượt quyền để điều khiển cơ thể thì mọi hoạt động tự động sẽ ngừng hết lại để nhường đường cho chế độ lái thủ công, và lúc đó thì cô bảo hít vào thì mũi sẽ hút không khí vào, bảo thở ra thì mũi thải không khí ra, chỉ đơn giản như vậy.

Kiều mới chuyển mũi sang chế độ lái thủ công nên hoàn toàn phải tự thở bằng điều lệnh của não, trong lúc chân vẫn tự động đi thoăn thoắt lên cầu thang và hành lang về lớp mà chẳng cần nhìn đường.

Ngồi xuống bàn học, Nga tò mò hỏi cô vừa đi đâu, nhưng cô chỉ lắc đầu, trong lúc vẫn hít thở.

Cô lấy mấy tờ tiền màu xanh trong túi quần ra, nhét vào trong chiếc ví nhỏ xinh vốn chỉ để đựng thẻ ngân hàng, căn cước, bảo hiểm y tế, card visit, thẻ tích điểm và mấy thứ giấy tờ linh tinh. Nga vừa thấy đã hỏi: "Vừa gặp mẹ phải không? Hay là bố? Lại được cho tiền, mày sướng thật ấy. Tao chẳng bao giờ được cho cầm thừa đồng nào, điện thoại cũng kiểm soát thời gian dùng, chán thật chứ. Ước gì được như mày. Mà cho tao vay ít đi bạn hiền, khi nào có tiền trả."

Kiều chẳng buồn hỏi bao giờ trả, cứ vậy rút một tờ đưa cho Nga.

"Úi xin nhé, hứa sẽ trả sớm. Dạo này túng thiếu bần hàn quá." Nga đút vội tiền vào ốp điện thoại rồi nhìn Kiều hỏi: "Mà sao trông mặt mũi mày suy thế? Lại có vấn đề gì à?"

Thấy Kiều lắc đầu, Nga xuề xoà an ủi: "Thôi cứ vui lên, tích cực lên đê, được cho tiền mà cứ như mới mất tiền không bằng. Mày phải như tao mới biết không có tiền mới phải buồn chứ chẳng có chuyện gì phải buồn nữa cả. À không, còn chuyện bị bố mẹ ép thành tích nữa, à mà mày cũng có bị ép thành tích bao giờ đâu."

"Chắc vậy." Kiều cất ví lại vào trong balo.

Tiết học vẫn đang tiếp diễn, Kiều dọn sách vở của tiết trước cất vào balo và lôi sách vở tiết Ngữ Văn ra. Nhìn cái bảng đã dày đặc chữ phân tích bài thơ "Đất Nước", Kiều theo thói quen cứ vậy cặm cụi chép vào vở, thi thoảng chép thêm từ vở của Nga cùng bàn.

Chỉ tốn mười phút cuối để chép lại nội dung tiết học, chữ nghĩa vẫn nắn nót ngay hàng thẳng lối để chứng minh chế độ tự động lái vẫn hoạt động hoàn hảo. Rồi cô xuống sân trường sau khi hết tiết từ lúc nào mà cô cũng chẳng nhớ nổi, đầu óc chỉ kịp tỉnh táo lại đôi chút khi não vội vã gửi tín hiệu cho bước chân dừng lại vì bị ai đó chặn đường.


"Trông Kiều nay ủ rũ thế? Cần ôm một cái an ủi khum nhở?"

Nghe giọng nói, Kiều ngẩng đầu thấy trước mặt là Minh (cái thằng đòi đi cùng ô với Kiều mấy chap trước đã được đổi tên). Lúc này cậu ta đang mở rộng hai tay tỏ ý sẵn sàng cho cô ôm bất cứ lúc nào.

Minh học lớp chọn kế bên, học hành ổn, ngoại hình tốt, tuy nhiên do tính cách ngả ngớn và hay đùa cợt không nghiêm túc nên Kiều không ưa cậu ta cho lắm.

Đây không phải là lần đầu tiên Minh đùa kiểu này.

Nhưng là lần đầu tiên Kiều bước về phía trước, ngã đầu vào trong ngực cậu ta.

Minh hơi bất ngờ vì hành động này của Kiều, hai tay vội ôm lấy cô, đồng thời vỗ vỗ lưng cô nói: "Thương thương, bé sao đấy kể anh nghe nào. Muốn ăn gì anh mua cho?"

Kiều không đáp, cứ vậy đứng im trong khi trán vẫn đang dựa vào ngực của Minh, còn cậu ta bắt đầu chuyển từ vỗ lưng sang xoa đầu cô, ra sức dỗ dành: "Thôi bé đừng buồn nữa. Đi chơi với anh là vui ngay này, có gì đâu mà phải buồn. Đi không?"

Đột nhiên Kiều nhấc đầu khỏi Minh, sau đó nói: "Về đây bạn Minh ạ."

"Ơ bạn Kiều, thế rốt cuộc là làm sao? Gây thương nhớ rồi gọi bạn xưng tớ à? Để đây đưa về nhé?" Minh hơi bất ngờ nhưng vẫn phản ứng rất nhanh để nắm bắt cơ hội.

Kiều nhìn quanh sân trường thấy có vài đứa tò mò đang nhìn về phía cô, nhưng đây cũng không phải điều cô quan tâm lúc này nữa. Kiều nhìn Minh nói: "Không cần đâu. Nãy bị chóng mặt ấy mà."

"Ơ kè?"

Minh đi theo Kiều, liên tục ăn vạ cô và nhất quyết muốn hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Nhưng Kiều không nói, mà Minh thì phải rẽ vào nhà gửi xe nên không đuổi theo cô được nữa, còn cô vừa tới bến đã thấy xe bus, cứ vậy không nhanh không chậm vật vờ hoà mình vào đoàn người bước lên xe.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương