Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện
-
Chương 4: Về Hàng Châu
Lắng cảnh sầu bi lụy lụy vương
Hồng châu rơi rụng giọt giọt buồn
Sau một hồi suy tính cô gái áo hồng quyết định trở về Hàng Châu thay vì đi Hồi Cương theo như lời Cửu Dương biên ở trong thư.
Nàng cùng với Hiểu Lạc và Nhạc Tam Nguyên, ba người ba ngựa lập tức lên đường.
Vì quá gấp rút nên cô gái và Hiểu Lạc không thu dọn được hành lý nhiều.
Chỉ đem theo vài ba bộ áo quần, mấy lọ thuốc trị thương và lương khô.
Tất cả xếp vào một tấm vải rồi cột bốn đầu vải thành cái gút đeo ở trên vai.
Riêng cô gái không quên mang theo một bộ kim châm được đúc bằng vàng, di vật sư phụ nàng để lại cho nàng.
Có khách giang hồ kể rằng sư phụ nàng từng dùng chúng cứu sống được cả người vừa tắt thở.
Thực hư thế nào không rõ song với nàng đó là vật bất khả ly thân.
Do Nhạc Tam Nguyên lo xa nên chàng chọn những con đường mòn hoang vắng mà đi.
Nhạc Tam Nguyên cưỡi ngựa đi đầu, Hiểu Lạc cho ngựa phi ở giữa và cô gái phía sau cùng.
Vì Nhạc Tam Nguyên chọn đường mòn và hơn nữa mỗi canh giờ phải dừng ngựa cho cô gái nghỉ ngơi nên đến giờ Thân, Nhạc Tam Nguyên chỉ mới dẫn Hiểu Lạc và cô gái tới được Giang Tô thôi.
Bấy giờ màn chiều đang dần buông, vầng thái dương chênh chếch gác về ngọn núi phía Tây, đã mất đi vẻ chói rực ban ngày.
Ba người cho tuấn mã chạy thêm nửa canh giờ nữa trời nhá nhem tối.
Ở vùng hoang dã này ngay cả một hộ nông gia cũng không sao tìm thấy, huống chi quán trọ.
Nhưng từ nhỏ ba người đã quen sống cảnh thanh bần nên không kén cá chọn canh gì, họ nhìn thấy một tảng đá lớn phía trước nên cho ngựa tiến tới dùng tảng đá để ngả lưng đêm này.
Ba người xuống ngựa, đặt hành lí trên tảng đá.
Trong khi Nhạc Tam Nguyên cột ba sợi dây cương cùng chung vào một thân cây cô gái mở túi hành lí lấy gói giấy dầu ra, mở bọc giấy trải trên tảng đá.
- Hai người ăn tạm bánh quế hoa cho đỡ đói nhé - Cô gái nói.
Nhạc Tam Nguyên nói:
- Cám ơn sư nương, nhưng một lát nữa học trò mới ăn, học trò đi cắt cỏ cho bọn tuấn mã đây.
Chàng nói xong rời đi.
Hiểu Lạc cũng nói nó muốn đi sục sạo quanh đó để tìm hái táo rừng.
Cô gái gật đầu, Hiểu Lạc cầm hai cái bánh làm bằng bột gạo, mật ong và hoa quế chạy theo Nhạc Tam Nguyên.
Cô gái áo hồng rất thích ăn bánh quế hoa nhưng nàng chỉ đưa mắt nhìn tứ bề thấy bóng tối dần dần bao trùm khắp nơi.
Nàng ngẩng đầu lên thấy những ngôi sao một khắc trước còn mờ ảo giờ hiện ra rõ rệt.
Một vầng trăng tròn như chiếc mâm bạc trong vắt, lơ lửng trên bầu trời thăm thẳm.
Ánh trăng bàng bạc nhuộm khắp cây cối, núi đồi.
Cảnh vật thật đẹp nhưng trong lòng nàng trùng trùng tâm sự nên không có tâm tình ngắm cảnh, thực đúng với câu người ta thường hay nói: “Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”
Ước gì nàng như Hiểu Lạc, hoàn toàn tin tưởng vào tài nghệ của tổng đà chủ và bảy vị đương gia, hoặc bản tính nàng vô tư vô lo, nghe chuyện buồn một lát sau quên đi hết.
Nửa khắc sau Hiểu Lạc ôm một mớ táo rừng về, nó để mớ táo cạnh bên gói bánh.
Cô gái lấy bình hồ lô nước treo bên lưng ngựa đưa Hiểu Lạc uống.
Hiểu Lạc nói cảm ơn, mời cô gái ăn táo, nàng lắc đầu.
Hiểu Lạc uống nước và ăn táo rừng, chỉ nhoáng cái đã xử lý hết bốn trái táo.
Hiểu Lạc cầm lên quả thứ năm, Nhạc Tam Nguyên về, chàng đặt một nửa mớ cỏ trong tay xuống đất cho bọn tuấn mã, một nửa còn lại chàng phủ xuống dưới chân tảng đá làm cái giường cho cô gái và Hiểu Lạc nằm nghỉ.
Nhạc Tam Nguyên trải thảm cỏ xong nói:
- Thưa sư nương, học trò làm được cái giường cỏ, mời sư nương ngả lưng nghỉ ngơi.
Vừa lúc Hiểu Lạc ăn táo no nê, nghe được liền xoa xoa cái bụng căng to nói:
- Hay quá, cám ơn Nhạc huynh!
Hiểu Lạc nhảy lên đệm cỏ nằm xuống, ngáp một cái thật dài nói tiếp:
- Người ta nói buồn ngủ mà gặp chiếu manh nghĩa là như vầy đó phải chăng Nhạc huynh?
Nhạc Tam Nguyên cười.
Cô gái bước lại ngồi trên thảm cỏ bên cạnh Hiểu Lạc.
Nhạc Tam Nguyên ngồi trên đất cách cô gái và Hiểu Lạc nửa thước, tựa lưng vào tảng đá.
Hiểu Lạc nói:
- Nhạc huynh, huynh ăn táo đi, giòn và ngọt, rất ngon.
Mặc dù hồi sáng Nhạc Tam Nguyên lên tiếng trấn an cô gái và Hiểu Lạc rằng tổng đà chủ cùng bảy vị đương gia sẽ không sao nhưng thực bụng chàng cũng rất lo, bây giờ trước mặt chàng dẫu có sơn hào hải vị cũng không nuốt trôi.
Song chàng vẫn giữ nét mặt bình thản.
Nhạc Tam Nguyên cầm một miếng bánh quế hoa lên bỏ vào miệng, chàng cầm trái táo lên cắn một miếng khen ngon rồi nói cám ơn cô gái áo hồng và Hiểu Lạc.
Chàng đưa tay xoa đầu Hiểu Lạc.
Thằng bé khoái chí cười khanh khách rồi lim dim nhắm mắt, thoáng cái đã chìm vào giấc ngủ say.
Nhạc Tam Nguyên ăn táo xong, cơn buồn ngủ kéo đến làm hai mi mắt chàng nặng trĩu, chàng đi đường suốt mấy ngày rồi, hôm nay cũng đi liên tục hết mấy canh giờ, mệt mỏi lắm, nhưng chàng không dám ngủ.
Sương đêm bắt đầu rơi.
Nhạc Tam Nguyên cũng không dám đốt lửa để sưởi ấm cho chàng, cô gái và Hiểu Lạc, vì ánh lửa trong đêm tối rất dễ gây sự chú ý.
Nhất là giữa nơi hoang vu hẻo lánh thế này, binh lính công sai thì chưa chắc song giặc cướp lại rất nhiều.
Ngộ nhỡ có kẻ bất lương tìm đến, xui nhất là cả một đám thì phiền phức to.
Không dưng có ba người, một nam một nữ một trẻ con lang thang giữa rừng sâu hoang vu vào đêm hôm khuya khoắt.
Của cải nhiều ít chưa cần biết nhưng cô gái sắc nước hương trời thế kia kẻ bất lương nào cầm lòng cho được.
Nhạc Tam Nguyên nghĩ dẫu chàng có dũng mãnh đến mấy cũng rơi vào cảnh mãnh hổ nan địch quần hồ.
Cứ cẩn tắc vô áy náy cho xong.
Trời càng khuya, sương trắng mờ mặt đất.
Cô gái áo hồng cũng vẫn chưa ngủ.
Nhạc Tam Nguyên thấy nàng so vai vì lạnh, ngần ngừ một chút, cởi áo khoác đang mặc trên người xuống.
Chàng đứng dậy đi đến trước mặt cô gái đưa nàng chiếc áo, nói:
- Học trò biết việc này thật không phải phép, nhưng hiện thời ngộ biến tòng quyền, kính mong sư nương giữ gìn sức khỏe.
Cô gái cầm lấy chiếc áo.
Một cơn gió ùa qua thổi tung mái tóc cô gái làm tóc nàng bay lòa xòa qua hai vai nàng.
Cô gái ngồi giữa rừng cây lộng gió, dưới suối trăng bàng bạc trông càng diễm lệ, thanh khiết.
Nhạc Tam Nguyên lại được một phen sững sờ, bất giác nghĩ ra hai câu thơ:
“Nguyệt thượng thanh phong giai nhân ngọc
Hoài vọng Khuê phu bất năng vong”
Song chàng làm gì dám đọc lên hai câu thơ này? Chàng chỉ cúi đầu chào nàng một cái rồi trở về chỗ ngồi.
Trắng đêm hôm đó cô gái không ngủ một giây một phút nào, nàng ngồi tựa lưng vào tảng đá nhìn trời, nghĩ về một người một lúc kềm lòng không được, lệ tuôn không ngớt trên gương mặt xuống ướt cả cổ áo nàng.
Nhạc Tam Nguyên nghe tiếng khụt khịt chàng quay nhìn thấy cô gái vừa khóc vừa đưa tay vào ống tay áo nàng tìm gì đó, chiếc áo khoác của chàng nàng không mặc.
Nhạc Tam Nguyên thấy chiếc áo đã được nàng đắp lên mình Hiểu Lạc.
Thằng nhóc nằm dang rộng hai tay hai chân trên cỏ như con sao biển, ngủ như chết, không biết trời trăng mây nước.
Cô gái lấy trong ống tay áo nàng ra một chiếc vòng cỏ đeo vô cổ tay trắng ngà, mịn màng không tì vết của nàng.
Nhạc Tam Nguyên nhìn thấy chiếc vòng cỏ, nhớ lại lúc trước, chàng từng có một khoảng thời gian du ngoạn qua phía Tây Bắc Hồi Cương, biết phong tục đeo vòng cỏ là tượng trưng cho sự cầu may.
Lời trấn an thì ban sáng chàng đã nói với nàng rồi, Nhạc Tam Nguyên không biết nói thêm điều gì với nàng, thầm ảo não.
Nhạc Tam Nguyên tự nhủ tuy chàng không phải là một chuyên gia văn chương thư pháp hay tuyệt như Cửu Dương, nhưng dầu gì cũng là tú tài, thường ngày cũng hay đệ mấy câu thơ trêu chọc mấy cô gái giặt giũ bên Tây hồ, sao lại tay chân thừa thãi chẳng biết làm gì như lúc này?
Bởi vậy mới hay, cười cười nói nói thốt lời trêu chọc người khác thì dễ, chứ nói mấy lời đàng hoàng an ủi người ta trong lúc sầu muộn rơi nước mắt mới thực sự khó.
Hữu hiệu nhất lúc này là một bờ vai giúp cô gái tựa vào, nhưng Nhạc Tam Nguyên dám hay sao?
Nguyên đêm Nhạc Tam Nguyên cũng thức trắng như cô gái áo hồng.
May là đêm đó không có thú rừng hay bọn cướp tấn công ba người.
Tờ mờ sáng, cô gái đánh thức Hiểu Lạc dậy, đưa cho nó cái bánh quế hoa kêu nó ăn cho mau rồi lên ngựa lên đường về Hàng Châu.
Một tay thằng bé cầm bánh, tay kia đưa lên dụi mắt.
Trong lúc nó ăn bánh, cô gái mở bình hồ lô nước cho nó uống.
Hiểu Lạc vừa ăn bánh vừa nhìn đôi mắt cô gái đỏ quạch, nói:
- Cả đêm sư nương không ngủ được à? Con ngó thấy hai mắt sư nương sưng húp như hai quả nhót rồi kìa.
Cô gái nghe vậy lệ vừa cầm được lại tiếp tục rơi xuống.
Hiểu Lạc lấy ống tay áo của nó chặm nước mắt cho cô gái, nói:
- Võ công của sư phụ rất cao cường, nhất định người sẽ không hề gì, sư nương hãy an lòng, đừng tự nhát mình.
Hiểu Lạc ăn uống xong leo lên yên ngựa.
Nhạc Tam Nguyên giật dây cương cho ngựa phi đi trước.
Cô gái cho tuấn mã chạy phía sau Nhạc Tam Nguyên.
Hiểu Lạc cưỡi ngựa đi sau cùng, ba người hướng tới Hàng Châu.
(còn tiếp).
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook