“Vậy mẹ có thể viết giấy đảm bảo cho con không?” Chi Giao hít một hơi thật sâu.

Dù trước mắt nàng chưa biết làm sao để có được hai mươi quan tiền, nhưng có một điều nàng biết chắc chắn, đó là việc nàng phải rời khỏi ngôi nhà này.

Nàng có thể lẻn đi, thế nhưng thời này người vợ đang có chồng mà bỏ trốn khỏi nhà là tội rất nặng, vì vậy chỉ đành đồng ý với yêu cầu vô lý của Thị Hoan.

Mà để tránh việc bà ta không giữ lời thì nàng cần giấy đảm bảo.

Thời này phụ nữ có rất ít quyền về sở hữu tài sản, phụ nữ đã có chồng thì những gì của vợ cũng nghiễm nhiên thuộc về người chồng, bởi vậy Chi Giao lo rằng nếu có một ngày nàng thực sự có đủ hai mươi quan để trả cho Thị Hoan, bà ta cũng có thể nuốt lời.

Tới lúc đó nếu bà ta nói rằng hai mươi quan này cũng thuộc về Quý Bắc thì nàng cũng chẳng biết kêu ai.

“Giấy đảm bảo là cái gì?” Thị Hoan nhíu mày.

“Giấy đảm bảo để xác thực giao kèo này giữa con và mẹ.

Nếu sau này con đem đủ hai mươi quan về mà mẹ không chấp nhận cho con ly hôn với Quý Bắc thì mẹ sẽ bị kiện lên quan.”

“Kiện lên quan cái gì chứ…” Thị Hoan mới nghe tới lên quan thì rụt cả người lại.

Có lẽ người ở thời nào thì cũng sợ nhất là dính dáng tới pháp luật.

“Đó là đề phòng thôi.

Nếu mẹ giữ lời thì có gì mà phải sợ?” Chi Giao khích bác.

“Hừ.


Ta việc gì phải sợ.

Cô cứ chồng đủ hai mươi quan thì ta việc gì phải giữ cô lại?”

“Hai hôm trước mẹ đòi con phải nộp hai quan, nay con trở về thì đã tăng lên thành hai mươi quan, lần sau nếu con giao ra hai mươi quan, mẹ lại đòi hai trăm quan thì con biết phải kêu ai?”

Thị Hoan nghe Chi Giao nói vậy thì nghẹn họng.

Bà ta chỉ đành chống chế.

“Hôm trước chẳng qua là ta chưa tính toán kỹ.

Được, ngày mai chúng ta cùng nhau ra gặp thôn trưởng để làm giấy.” Thị Hoan hùng hồn.

Không thể để người khác nghĩ rằng bà ta là người thích nuốt lời được.

“Vậy con xin phép về phòng trước.” Chi Giao nói rồi nhanh chân rảo bước về căn buồng ở cạnh bếp.

Đây là phòng ở của Thị Giao và Quý Bắc.

Thị Giao vừa rời khỏi thì Quý Sơn đã lên tiếng: “Bà làm vậy sao không hỏi qua ý kiến của Quý Bắc trước? Nhỡ đâu nó không đồng ý thì sao? Hôm trước nghe tới chuyện bỏ vợ nó đã chẳng giãy nảy lên đấy thôi?”

“Sao nó lại không đồng ý được?” Thị Hoan bĩu môi.

“Vợ mà suốt ngày tơ tưởng đàn ông ở ngoài thì giữ làm gì? Kể cả nó có không đồng ý thì cũng phải chịu.

Hơn nữa, tôi đã hỏi cho nó một đám ở thôn Đông rồi.

Con gái nhà kia nết na, trẻ đẹp hơn con Giao nhiều.”

“Nhanh như thế sao… nó còn đang mới ốm cơ mà…”

“Ốm vặt thôi, nó lúc nào chả ốm…” Thị Hoan chép miệng.

Quý Sơn thấy vợ nói thế thì cũng không ý kiến gì nữa.

Dù sao ông ta cũng chẳng ưa gì người con dâu thứ tư này.

Mấy hôm nay ông ta đã đủ xấu hổ với làng trên xóm dưới rồi.

Nếu quả thực tống cổ được nàng ta đi mà lại còn có thêm hai mươi quan tiền thì ông ta rất sẵn lòng.

Lúc đi vào trong buồng, Chi Giao mới biết Quý Bắc đang bị ốm.

Hắn đang nằm trên giường, hai mắt nhắm nghiền, khuôn mặt nhăn nhó.

Trên trán hắn đắp một chiếc khăn mỏng.

Từ mùi toả ra, Chi Giao đoán bên trong khăn chắc hẳn là có lá diếp cá đã được giã nát.


Mặt mũi Quý Bắc cũng không phải là quá tệ, tuy không đến mức gọi là đẹp trai nhưng cũng tương đối dễ nhìn.

Chỉ có điều, tính cách của hắn thì Chi Giao không ưa nổi.

Nàng thầm nghĩ, thật ra hắn cũng khá là xứng đôi với Thị Giao đấy chứ.

Hai vợ chồng đều siêng ăn nhác làm như nhau!

Chi Giao đưa mắt quan sát căn phòng một lượt.

Trông nó chẳng khác gì căn phòng ở nhà mẹ đẻ Thị Giao mà nàng đã nằm hôm qua.

Có lẽ nhà nghèo thời này đều như vậy.

Trong phòng chỉ có một chiếc giường, một bộ bàn ghế tre, vài cái chum và một cây sào để vắt quần áo.

Chi Giao đã đi bộ cả chiều nên người đầy mồ hôi và bụi bẩn.

Nàng vội tìm trên cái sào tre kia một bộ quần áo của Thị Giao rồi chuẩn bị đi tắm.

Nói đến tắm, nhà tắm ở nông thôn thời này thật là bất tiện.

Nhà tắm ở đây chỉ là bốn tấm vách tranh ghép lại, cao chỉ ngang đến ngực.

Nhìn từ xa thậm chí còn khó phân biệt được là nhà tắm hay nhà xí.

Thường thì mọi người sẽ tắm rửa buổi tối, có đứng thẳng người cũng không sợ người khác nhìn thấy.

Lúc này trời vẫn còn sáng, có lẽ nàng nên đợi đến tối thì hơn.

Nghĩ vậy, nàng vắt bộ quần áo về lại chỗ cũ, đang định đi ra ngoài bếp để giúp nấu cơm thì thấy người chị dâu thứ ba là Thị Sen bê vào một tô cháo.

“Mẹ nói em đút cháo cho Quý Bắc ăn trước, sau đó ra vườn hái thêm một ít lá diếp cá để giã lấy nước cho chú ấy uống.” Thị Sen đưa tô cháo cho Chi Giao.

Nàng vâng lời đón lấy bát cháo rồi lay Quý Bắc dậy, đút cháo cho hắn ăn.


Hắn bị sốt nặng nên ăn rất chậm, mãi mới xong một bát cháo.

Cho Quý Bắc ăn cháo xong thì Chi Giao mới dám đi xuống bếp.

Lúc này cả nhà đã ăn xong, bát đũa cũng đã dọn dẹp hết, trong bếp lúc này không còn ai.

Nàng mở vung nồi, thấy bên trong chỉ còn lại một ít cơm cháy và nửa củ khoai luộc.

Chi Giao thực sự rất đói.

Trưa nay nàng nhường cơm cho mấy đứa em, thực sự không dám ăn nhiều, lại thêm cuốc bộ đường xa, bụng lúc này đã sắp dính cả lại.

Nàng vét sạch số cơm cháy trong nồi nhưng thấy vẫn còn đói.

Thế nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn.

Với tính cách của Thị Hoan thì còn cơm cháy để ăn là may rồi!
Dọn rửa xong, Chi Giao đi ra vườn.

Theo lời Thị Sen đã dặn, nàng hái thêm một ít lá diếp cá để giã ra cho Quý Bắc uống.

Nếu uống được nước diếp cá thì sẽ hạ sốt nhanh hơn.

Mùi tanh nồng khiến Chi Giao vừa giã vừa kìm nén cảm giác buồn nôn.

Thế nhưng bát nước diếp cá bưng lên, Quý Bắc nằng nặc không chịu uống.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương