Đi Đâu Về Đâu
Chương 24: Làm cách nào con người ta có thể sống tốt như vậy?

...............................

Bị xé ra khỏi lục địa châu Phi hoang vu, sau đấy bị ép áp vào miền Nam châu Âu, khoác tấm áo Giáo hội Trung cổ phô trương nhất thời bấy giờ mà bản chất máu xương lại là sự man dại nguyên thủy, mảnh đất ấy, được gọi là Tây Ban Nha.

Nó thai nghén ra thời đại cướp biển hùng hậu nhất Địa Trung Hải, đồng thời chiếm giữ vị trí đệ nhất cường quốc trên biển ròng rã hai thế kỷ liền!

Nó đưa những con tàu viễn dương đi nối liền hai thế giới, đồng thời phá tan một thế giới khác.

Dòng máu chảy trong con người Tây Ban Nha ngập tràn sự phóng túng và hoang dại, đồng thời lắng đọng sự cao ngạo và thâm sâu của thời đại Giáo hoàng.

Đàn ông nơi đây khôi ngô và cao lớn, mang trong mình thứ xúc cảm rực cháy và lòng tự tôn tuyệt đối của đấu sĩ bò tót.

Phụ nữ nơi đây vồn vã như lửa, mang trong mình sinh mệnh tràn trề và tình yêu quyết liệt của nàng Carmen(1).

Cất lên điệu nhảy Flamenco(2) trong khoảnh khắc, và cả thế giới đều là của em…

Bầu trời Andalusia(3) xanh thẳm, chòm xóm trắng phau, tọa lạc nơi non núi có cây ô liu phủ ngợp, lưng tựa đồi xám, mặt hướng Địa Trung Hải mơ mộng…

Tia nắng chói mắt phản chiếu trên các bức tường trắng ắng lặng, con đường cái nắng chang chang uốn lượn quanh các vườn nho, các rừng ô liu rải rác khắp núi đồi xuyên qua một gò núi khác, tạo nên một đường cong tao nhã trắng tựa tuyết giữa bức tranh xanh xanh. Mặt đường không trải nhựa phẳng mà giữ nguyên cát đá với sắc trắng ban sơ nhất, ô tô lướt qua tung lên làn bụi đậm đà hương đất, tỏa vị hanh hao và dễ chịu dưới ánh dương rạng ngời.

Con đường Nam Âu cắt ngang những cánh đồng luôn thưa thớt người đi. Giữa trời và đất chỉ có một chiếc ô tô đang bôn ba hành trình, cuộn lên từng trận bụi tiêu sái trên tuyến đường không thấy đích dừng…

Đường xóc nảy, tâm trạng Lod lại dường như vui lắm. Y tậu được cái xe nát second-hand này ở bến tàu, đạp ga lên mức nhanh nhất, âm nhạc vặn nấc cao nhất, gào rú phóng đi…

Lý Tiếu Bạch miễn cưỡng ngả vào ghế phó lái, một tay thoải mái vắt ra ngoài cửa sổ, tận hưởng làn gió và ánh nắng phóng khoáng của đất Địa Trung Hải…

“Quê tớ ở Malaga(4), trước mặt là bờ biển ngập nắng Địa Trung Hải, sau lưng là vườn nho lớn nhất toàn Nam Âu, một năm có cả thảy ba trăm ngày nắng, cọ mọc đầy sân. Đứng ở bến tàu có thể trông thấy bờ biển châu Phi ngay phía đối diện, đứng trên đỉnh núi có thể trông thấy pháo đài Alcazar(5) và đấu trường cổ kính nhất. Các cô gái thích ăn mặc đáng yêu nhẹ nhàng, để lộ làn da màu ô liu xinh đẹp, gặp ai lạ cũng sẽ niềm nở hô ‘Hola’ Rượu nho thơm ngát, hải sải tươi sống, trứng tôm béo ngậy, Sherry hảo hạng, xốt việt quất ngọt lịm… Honey, tớ cam đoan cưng sẽ yêu nơi đó!”

“Malaga…” Cậu chán ngán chống cằm nhìn ra ngoài xe, “Sao lại là nơi đó?”

“Sao là sao?” Lod khó hiểu.

“Trước kia cậu từng nói, miễn là tranh Picasso, cậu nhái chưa bao giờ bị phát hiện.” Tầm mắt cậu dời sang hai bức tranh đang được bao bằng giấy kraft đặt trên băng ghế sau, “Maya Chơi Búp Bê, Chân Dung Jacqueline, còn cả bức Cậu Bé Với Ống Điếu lúc đầu nữa, hình như cậu chỉ trộm tranh Picasso… Diana Widmaier Picasso(6), cháu gái Picasso là chủ nhân hai bức đúng không? Nhớ không lầm thì chị gái cậu cũng tên Diana…” Cậu nhướng mày nhìn quý ngài siêu trộm đeo kính râm ngồi bên ghế lái, “Pablo Picasso, sinh năm 1881 tại làng Malaga thuộc Andalusia miền Nam Tây Ban Nha… Nên, vì sao, quê cậu, lại là chỗ đó?”

Lod thừ người, đoạn cười cười có vẻ kinh ngạc, “Honey Cưng giỏi lịch sử mỹ thuật quá chớ! Tớ tưởng đi du học ở Florence chỉ đơn giản là ngụy trang thôi, ai dè cưng rất chuyên cần làm bài tập về nhà…”

“Cấm đánh trống lảng.”

“Ai dà…” Lod nhún vai, nhếch mép, vươn một bàn tay ra xoa bù mái tóc của ngài sát thủ, “Đi rồi cưng sẽ biết”

Chiếc ô tô rầm rộ lao mình đi khiến hàng ô liu ven đường cũng xào xạc rung động. Nắng biển Malaga cất giấu bí mật tỏa chiếu rực rỡ và huy hoàng…

...............................

“Bọn mình cần quà gặp mặt.”

Lod phán xong, liền đỗ xịch xe tại một bãi cỏ xanh mượt, hăm hở nhảy xuống, khởi động tay chân, vừa “oh oh” vừa móc một cái mũ cao bồi rách từ dưới ghế ra chụp lên đầu, “Bà Rama cũng không phải người dễ tính.” Y nhún vai giải thích.

“Bà Rama?” Lý Tiếu Bạch ngồi vắt vẻo trên nóc xe, chậm rãi uống lon bia lạnh lấm tấm bọt.

“Bà ngoại tớ.” Lod mỉm cười, “Người Gypsy với truyền thống tốt đẹp. Cho cưng một lời khuyên, đừng thiếu lễ phép trước mặt bà, đừng để bà mất hứng, bởi… bà là người nấu cơm.”

Lý Tiếu Bạch nghiêm túc hẳn, bỏ bia xuống, “Chúng ta phải làm gì đây?”

“Ờ… Bắt một con cừu đi.”

Khi quý ngài siêu trộm và quý ngài sát thủ đồng tâm hiệp lực chộp một con cừu kêu be be ấn xuống cỏ, từ con đường trắng cách đồng cỏ không xa lắm, một chiếc xe đạp leng keng chầm chậm tiến đến, viên cảnh sát mập mạp làm như không thấy hành vi “cướp bóc” của hai người bọn cậu mà lại nhiệt tình chào hỏi Lod…

“Hola! Thằng Lodrian thối này, về hồi nào thế?!”

“Hola! Chú Sanchez! Mới về sáng nay!” Một tay Lod đè cừu, một tay vẫy lia lịa về hướng người nọ, tươi cười rạng rỡ, “Về làng nhớ báo cho bà Rama tối nay cháu về ăn cơm nha!”

Viên cảnh sát mập mạp hô to là biết rồi, vừa khua cái chuông trên xe vừa niệm to bằng tiếng Tây Ban Nha mang giọng địa phương theo tiết tấu mà Lý Tiếu Bạch nghe không hiểu lắm, “Lodrian về rồi! Thằng nhóc thối nhà Widmaier về rồi!” Và ông ta chậm chạp đạp về ngôi làng màu trắng gần đó, tiếng hát mãi cứ quanh quẩn…

Cậu trầm mặc nhìn theo cái bóng mập mạp ấy một lát, sau đó hỏi quý ngài siêu trộm, “Chú cậu là cảnh sát?”

“Hở? À, không không, không phải chú tớ, quen xưng hô thân thiết với dân làng thế thôi, nó có nghĩa cả làng đều là người nhà.” Lod chẳng ngẩng lên trả lời, đoạn cởi sợi dây thừng giắt trên lưng hòng buộc bốn chân con mồi lại. Cừu con nhìn y một cách đáng thương, run rẩy kêu “Be…” yếu ớt nhằm cầu khẩn.

Lod bắt đầu đổ mồ hôi…

“Ôi, Honey… Không thì, bọn mình đừng trói nó, cưng ôm nó nha?”

“Sao lại là tôi?”

“Vì đây là quà gặp mặt cưng biếu bà Rama.”

“Quà tôi biếu? Vậy quà cậu biếu đâu?”

“Tớ biếu hai bức tranh rồi kìa.”

“… Trong mắt bà cậu, hai bức danh họa thế giới cũng chỉ ngang giá một con cừu thôi à?”

“Hơ, trong mắt bà, chỉ sợ còn không bằng một con cừu” Lod nhún vai ra chiều bó chiếu, sau đó nhấc cừu lên, “Này, ôm.”

Quý ngài sát thủ cúi đầu nhìn nhìn con vật gầy yếu, dao trượt ra từ tay áo, mặt mày tỉnh queo, “Giết quách rồi nhét vào hòm cho gọn.”

“Be… Be be!”

“Ấy ấy!” Lod nổi gân trán, hoảng hốt ôm cừu con lùi về sau, “Tươi… Tươi sống thì hơn! Bằng không chưa chắc bà Rama đã thích! Bà không thích là không nấu cơm đâu! Không có cơm đâu!”

Cậu thu dao lại, ôm cừu, chui vào xe, ngoan ngoãn ngồi…

Vai Lod run run, bò lại vào ghế lái…

...............................

Ngôi làng mà Lod sinh ra, theo như Lý Tiếu Bạch nhìn, cũng chỉ là một làng quê nông thôn.

Những con đường mòn chật hẹp rõ ràng biết bao người giẫm lên rồi mới thành hình đường, đàn gia súc nhiều gấp mấy lần các hộ gia đình, đồng cỏ và vườn cây ăn quả rộng lớn, từng căn nhà sơn trắng thâm thấp, be bé, tường phơi thịt xông khói, lũ trẻ con chạy nháo nhác, hò la huyên náo xung quanh, các khuôn mặt của cả nam lẫn nữ đều là màu đỏ khỏe khoắn bởi trường kỳ làm lụng ngoài trời, quần bò kiểu dáng độc đáo, áo phông thụng lem luốc, nơi sân nhà rộng rãi, có các bác gái phốp pháp đang phơi chăn chiếu thoang thoảng hương thơm…

Bầu không khí lãng đãng nơi đây hoàn toàn mang mùi khác hẳn thành phố, có thể là mùi đất đai, mùi nho hay mùi cây cỏ, có thể là mùi thức ăn hay mùi nắng nhuộm trên áo quần. Nhịp sống nơi đây cũng thong thả, người dân luôn thích ngồi dưới hiên nhà, nếm hai ly rượu nho mát rượi trong màu nắng sáng tươi, bóc vài trái vả rồi ưu tư lự. Thậm chí có cả mấy người ngậm rơm nằm ườn trên đống cỏ khô, để mặc đàn bò, đàn dê thong dong gặm cỏ gần đó…

Có thể tiền không nhiều, nhà không cao.

Nhưng họ vẫn hưởng thụ cuộc sống mà không bị cuốn vào dòng đời bon chen tất bật.

Được làm chuyện muốn làm, được cười khi muốn cười.

Sảng khoái cả một đời rồi chết đi, đến khi chết cũng thấy cả đời thật sảng khoái.

Làm cách nào con người ta có thể sống tốt như vậy?

“Đi nào” Lod xuống xe trước cầm theo hai bức tranh, kéo Lý Tiếu Bạch hẵng còn đang ngơ ngác, đóng sầm cửa, bước về phía thôn làng thân thuộc.

Cậu ngoái đầu nhìn chiếc xe bị quẳng ngay đầu làng, không khóa cũng không cất, về cơ bản là giống y chang những chiếc ô tô khác cùng đậu trên cánh đồng bát ngát, hơi nhíu mày… Dẫu sao, ở cái thôn làng hiển nhiên tách biệt với xã hội hiện đại này, chiếc xe có khi trở thành công cụ cứu mạng duy nhất nếu có việc ngoài ý muốn phát sinh, một sát thủ vĩ đại là phải luôn dự phòng đường lui sẵn cho mình…

Như thể hiểu thấu tâm tư cậu, Lod cười cười, “Không cần khóa, ở làng này không phân chia rành rọt đồ chung hay đồ riêng đâu. Mí lị, có khóa cũng vô ích. Một thằng nhóc ba tuổi ở đây còn dễ dàng dùng một thanh sắt cạy được nó! Cưng nghĩ ngôi làng đã nuôi dạy ra một siêu trộm vĩ đại như tớ lại đơn giản thế ư?”

“…” Nghĩa là… Cả làng đều là trộm… ấy à?

Nhờ phúc ông chú cảnh sát nọ, tin Lod về làng đã sớm truyền khắp góc nẻo.

Hai người dọc đường luôn bị lũ trẻ con phá bĩnh, anh Lod vĩ đại phải huy động tất cả bánh kẹo, tất cả đồ vật đáng giá trên người mình, trừ hai bức tranh, mới có thể che chở cho Honey nhà mình an toàn về đến căn nhà nhỏ xinh của bà Rama.

Quanh quý ngài sát thủ tản mác sát khí quá nồng, bởi vậy không một đứa trẻ nào có gan tiếp cận. Thế nhưng ôm trên tay một con cừu run bây bẩy kêu be be, cậu bị mất hình tượng trầm trọng, đó là lý do dân làng nảy sinh ấn tượng sai lầm về cậu rằng “hơi ít nói nhưng đại khái cũng là đứa hiền lành”, cả đường luôn có mấy nhóm con gái ngượng ngùng trốn sau giếng hoặc sau mái hiên khẽ khàng cười duyên nói nhỏ…

Địa vị của bà Rama trong làng có vẻ khá cao.

Đàn ông luôn bỏ mũ xuống, cúi đầu, kính trọng gọi một tiếng “bà Rama”, ngay cả lũ trẻ nhao nhao chạy đến trước nhà bà cũng khép nép cúi đầu chào, sau đó hò nhau chạy đi.

Có lẽ nhờ khí chất trưởng lão nhân hậu mà trang nghiêm trời sinh, khi cặp mắt thâm thúy người Gypsy của bà hướng về Lý Tiếu Bạch, cậu vô thức đứng nghiêm, lễ độ cúi đầu theo Lod, nói lễ phép, “Bà Rama.”

Và rồi đưa hai tay dâng cừu…

“Đứa nhỏ tội nghiệp.” Bà thở dài, nhận lấy con cừu, ánh mắt lại vẫn chỉ dừng trên người cậu.

Cậu không rõ câu này, bà là đang cảm thán ai.

“Đi đi, đi đi, mày tự do.” Bà xoay lưng thả con cừu xuống, vuốt ve bộ lông xoăn xoăn mềm mềm, đoạn vỗ mông nó cho nó chạy đi…

Cừu con hổng chịu đi, cứ ngoái đầu nhìn bà Rama rồi lại tung tăng chạy về, bám rịt bên chân bà…

“Lại đây, con trai.” Bà giang tay về phía ngài sát thủ, “Nói bà nghe, con tên gì?”

Đối với sự thân mật gắn bó kiểu người nhà này, nhất thời Lý Tiếu Bạch còn chưa quá quen, không biết nên phản ứng ra làm sao, vì thế cậu nhìn sang Lod đang đứng một bên, xin giúp đỡ…

Bà Rama chẳng chờ cậu hỏi đã đưa tay giữ chặt tay áo cậu, thân thương ôm ôm, lại thơm cậu một cái, “Chào mừng con đã đến nhà Widmaier!”

Cậu khom lưng sao cho phù hợp với chiều cao của bà theo phản xạ, sẽ sàng trả lời dưới nụ hôn của bậc trưởng bối, “Cháu tên là Lý Tiếu Bạch…”

“Ôi nha, thật sự là một cái tên khó đọc! Người Trung Quốc phải không? Tên các con đều rất hay, nhưng với chúng tôi lại khó đọc lắm…” Bà Rama vịn vai ngài sát thủ, ngắm nghía chốc lát, thế rồi tâm lý hỏi trúng vấn đề cậu quan tâm nhất, “Hai đứa đói chưa?”

Ngài sát thủ gật đầu nhanh gọn lẹ, càng thấy hảo cảm với bà Rama hơn nhiều, đoạn cúi xuống liếc cừu con bên chân bà một cái.

“Be…” Cừu ta ngây ngây ngô ngô ngước lên nhìn cậu, rụt lùi ra sau chân bà.

Lod lại nổi gân trán, vội vàng cầm hai bức tranh lái sang chuyện khác!

Bà Rama thờ ơ mở tranh xem, vỗ vỗ bức Chân Dung Jacqueline mà thở dài, chỉ lẩm bẩm “Cố chấp”, cũng chưa buồn xem bức Maya Chơi Búp Bê còn lại đã phẩy tay cho Lod bê đi.

Bữa tối đã nấu xong từ lâu.

Nhà quê không có người hầu, già trẻ lớn bé gì trong nhà cũng đều đỡ đần việc bếp núc, bưng bê một tay.

Lý Tiếu Bạch cũng được phân công đi rửa tay đặng múc canh, cắt bánh mỳ.

Trên mâm cơm giản dị của miền quê trải một tấm khăn ca rô sắc màu sinh động, bưng chồng bát gốm, bưng rổ bánh mỳ nướng, và cơm ngon cứ thế lên bàn.

Canh rau củ chua chua ngọt ngọt vừa miệng, bánh mỳ tỏi sem sém thơm lừng, khoai tây, trứng chiên giòn rụm, bánh bơ cắn lên mồm còn phụt nước, bánh nướng nhân ô liu, cơm hải sản đủ màu sắc mê người, bánh táo nóng hổi, cá rán vàng xuộm với hành tây, lại có nước nho tím mới hái làm giải khát, nhấp một hớp Sherry đặc sản liền ngây ngất vô bờ, quả thực ngon đến nỗi làm người ta phải cắn lưỡi…

Sau bữa ăn, ánh mắt quý ngài sát thủ nhìn bà Rama đã thăng lên thành cấp bậc sùng bái…

Ăn xong chính là một cuộc rửa bát nhốn nháo, Lod còn dạy Lý Tiếu Bạch cách gọt cà rốt cho cừu và thỏ ăn, hai ông tướng tay dài người dài không biết chừng mực gần như phá luôn cả gian bếp của bà Rama, cuối cùng bị bà đá đi múc nước tắm.

Thôn làng dường như cách ly hoàn toàn với xã hội hiện đại, không tàu hỏa không xe buýt, không điện thoại không truyền hình, thậm chí không có cả nước máy. Muốn tắm nước ấm cũng phải múc từ giếng lên gánh về hoặc là ra con sông phía Nam mà tắm.

Hai ông lười thảo luận ra một biện pháp: Gánh nước một lần, hai đứa tắm chung.

Thế là quý ngài sát thủ của chúng ta lần đầu tiên trải nghiệm thú vui ngồi tắm thùng gỗ, sau lưng còn lót một ông tướng khác làm đệm…

“Cái gì chọc tôi vậy?”

“Xin lỗi… Honey, tớ… tớ hình như bị ‘cứng’…”

“… Không sao, đứt ngay thôi.”

“Á á á! Honey!!! Cất dao đi! Nhà Widmaier còn trông chờ vào tớ nối dõi tổ tông! Tớ đâu cố ý, tớ không cố ý thật mà! Thằng nào bị cọ xát mà chả có phản ứng sinh lý…”

“Xéo đi.”

“Oa oa oa…”

Vì thế, trong bóng đêm, quý ngài siêu trộm trần trùng trục ướt sũng co quắp bên ngoài phòng tắm trộm hắt xì…

Bà Rama đang ở bếp vui mừng khen cháu trai kết được một đứa bạn thật là tốt (bà ơi mắt bà rớt tròng rồi = =)…

Cừu con trong vườn lo nơm nớp gặm vỏ cà rốt được ngài sát thủ ném cho…

...............................

Sau khi trưởng thành, Lod liền rời quê đi du lịch tứ xứ, rất ít về nhà nên y không có phòng cố định. Bà Rama chỉ giữ lại một gian na ná như cái studio cho y trên gác xép.

Lý Tiếu Bạch tắm táp khoan khoái bèn thay quần áo mềm mại, trèo lên cái thang của Lod, chui lên gác, sàn gỗ dưới từng bước chân rung kẽo kẹt. Cậu ngồi nghiêng bên ô cửa sổ gác mái, ngắm nhìn ánh đèn lửa lác đác gần gần xa xa của thôn xóm…

Đèn lửa ở đây, là đèn lửa đúng nghĩa đen.

Là loại đèn thắp dầu cổ xưa nhất, dùng chụp đèn và giá đèn bằng sắt với những hoa văn cổ điển, lúc thắp đèn, ánh đèn màu vỏ quýt cũng thắp lên sự ấm cúng ngập tràn mỗi một căn nhà…

Ngọn đèn mong manh không đủ sức để khuất lấp ánh sáng thiên nhiên, sao đêm dày đặc khung trời luôn là nhân vật chính của đêm tối, trải rộng như thể nóc vòm ngọc trai xanh sẫm và tĩnh mịch, bao trùm cả thế gian…

Malaga ban ngày chói chang nắng mặt trời, còn ban đêm, lại hây hẩy gió biển dịu dàng ấm áp.

Chuông gió treo trên ô cửa cất lên từng nhịp nhạc thảng hoặc, se sẽ, không quá rõ ràng nhưng lại làm nổi bật lên bóng đêm càng ắng lặng về khuya…

Cậu tựa lưng cạnh cửa sổ, cực kỳ thả lỏng, hiếm khi nào cậu được thả lỏng.

Khác hẳn Florence phù hoa, khác hẳn Kyoto nhộn nhịp, khác hẳn sa mạc hoang hóa, cũng khác hẳn cung điện Ả Rập bộn bề. Khác hẳn bãi huấn luyện dốc hết máu và mồ hôi để mạnh hơn, khác hẳn đêm thâu cô độc cướp mạng người, cũng khác hẳn đường hoạn nạn phải luôn luôn chạy trốn…

Nơi đây thật đặc biệt.

Rất thích mùi ở đây. Cậu nghĩ, lại tham lam hít thêm mấy hơi.

Lod ngồi khoanh chân trên sàn nghịch mấy miếng thiết bị nho nhỏ y để lại trước lúc đi, hai bức tranh trứ danh thế giới bị đặt bừa tại một góc gác xép, bà Rama đang đun ca cao nóng pha thêm rượu Rhum(7)cho bọn cậu, hơi nóng bốc lên nhàn tản…

Giường đã trải sẵn chăn nệm, ra giường được giặt giũ sạch sẽ, phơi phong trên những bao cỏ thấm đẫm hương mặt trời, gối và chăn mềm mại, nằm vào, thật hệt như bước vào một giấc mơ dịu êm quẩn quanh hương vị miền quê dân dã…

Mọi thứ nơi này đều khiến ngài sát thủ thấy thật mới lạ. Trước khi lên gác, bà Rama còn hôn hai người cậu chúc ngủ ngon, Lod ôm lại bà, tự nhiên đến thế.

Khoảnh khắc nhìn hai bà cháu, Lý Tiếu Bạch bỗng thấy cậu lạc điệu hẳn với nơi đây.

Vậy mà khi bà Rama ôm cậu, nhiệt độ cơ thể ấm áp của con người lại làm cậu nghĩ, có lẽ cậu cũng có thể, một cách chầm chậm, một cách nhỏ giọt…

Phương xa vọng đến tiếng chó sủa văng vẳng, côn trùng mùa hè kêu rả rích, đánh lên bài ca của sự sống.

Cậu từ từ hít sâu một hơi, rồi từ từ thở ra…

Bầu không khí an nhiên, thanh bình như tràn lan phế phổi theo từng nhịp thở, để rồi từng mạch máu, từng dây thần kinh đều trầm tĩnh, đôi mắt cũng bất giác khép lại…

Lod cầm cốc ca cao nóng ngẩng lên nhìn sát thủ đang ngồi xổm bên cửa sổ như một chú mèo, bật cười khe khẽ, “Honey, cưng thích nơi đây?”

Cậu mở mắt nhìn y, không hồi đáp, song cũng cầm cốc lên uống một ngụm rồi lại tiếp tục ngồi ở cửa sổ, ngoảnh đi nhìn ngắm màn đêm hiền hòa ngoài kia, để mặc gió xốc tung những sợi tóc âm ẩm…

Lod không chờ đáp án của cậu, chỉ có con ngươi màu phỉ thúy càng đậm ý cười. Y khẳng định, “… Cưng thích nơi đây.”

. /.

Chú thích:

1. Carmen: Một vở kịch opera Pháp của Georges Bizet, lời nhạc của Henri Meilhac và Ludovic Halévy, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Prosper Mérimée, lần đầu xuất bản năm 1845, tiểu thuyết này lại bị ảnh hưởng từ bài thơ tường thuật The Gypsies (1824) của Alexander Pushkin.

Câu chuyện được viết trong bối cảnh tại Seville, Tây Ban Nha, khoảng năm 1830, và liên quan tới Carmen, một phụ nữ Gypsy xinh đẹp với tính khí bốc lửa. Tự do trong tình yêu, cô đã quyến rũ hạ sĩ Don Jose, một người lính còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Quan hệ của họ khiến anh ta chối bỏ tình yêu cũ của mình, nổi loạn chống lại chỉ huy, và gia nhập một nhóm buôn lậu. Anh ta ghen tuông khi cô bỏ mình để quay sang đấu sĩ đấu bò Escamillo khiến anh giết Carmen.

2. Flamenco: Một thể nhạc và điệu nhảy xuất phát từ Andalusia Tây Ban Nha. Nhạc Flamenco có đặc điểm ở các đoạn rất nhanh nhưng chi tiết (điển hình là cách búng ngón tay phải tròn đều và nhanh khi chơi đàn guitar flamenco). Đặc điểm của điệu nhảy Flamenco là những tư thế riêng biệt, tiếng búng hay vỗ tay và tiếng giày gõ nhịp điệu trên sàn nhảy (thường là sàn gỗ).

Từ “flamenco” không biết có từ khi nào nhưng chỉ được sử dụng nhiều vào thế kỷ 19 và thường có liên hệ đến dân du mục châu Âu (gypsy).

Nhạc nền chương này chính là nhạc flamenco:”D còn đây là một cái vid tớ nghĩ là xem sẽ hiểu khá rõ về điệu nhảy này:

3. Andalusia: Tên một vùng hành chính của Tây Ban Nha. Thủ phủ của vùng là thành phố Sevilla. Trong vùng có 8 tỉnh là Almeria, Cadiz, Cordoba, Granada, Huelva, Jaen, Malaga và Sevilla.

Andalusia, nhà trắng, rừng cây, núi đồi và bờ biển:

4. Malaga: Thành phố thuộc tỉnh Malaga, Tây Ban Nha.

Malaga quả thực là quê hương của Picasso và nó là một thành phố khá hiện đại. Trong truyện là lấy tên còn lại đều là hư cấu nhé, Malaga thực không thôn quê như truyện tả

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương