Dệt Kén
-
C19: Có được xem là một nụ hôn không
Tưởng Lâu buông ra trước.
Tiếng cười khẽ vang lên trên đỉnh đầu Lê Đường: "Được rồi, tôi đi tắm cái đã."
Lê Đường chậm chạp rời khỏi vòng tay hắn. Cậu khịt mũi, đang định lấy tay lau nước mắt thì Tưởng Lâu đưa khăn giấy cho.
Vừa nhận giấy, Tưởng Lâu lại vươn tay vò tóc cậu: "Đừng chạy lung tung, ở đây chờ tôi."
Lê Đường bèn ngoan ngoãn chờ tại chỗ, một tờ khăn giấy lau mắt, một tờ xì mũi, còn một tờ gấp lại nắm trong tay.
Lau xong Lê Đường dịch hai bước về phía tường, soi gương thấy vành mắt mình đỏ hoe, mặt trắng bệch như tờ giấy, môi cũng cắn chảy máu từ khi nào không biết, xấu quá đi mất thôi.
Khi Tưởng Lâu đi ra Lê Đường đang chải tóc bằng ngón tay, cậu nghe tiếng ngoái đầu lại, thấy Tưởng Lâu không mặc áo thì lại vội vã đánh mắt đi.
Dĩ nhiên Tưởng Lâu nhận ra bộ dạng "giả vờ giả vịt" của Lê Đường, lòng thầm cảm thấy buồn cười. Ban nãy hắn cũng mặc thế này mà lúc ôm sao không thấy cậu căng thẳng.
Hắn lấy áo phông trong tủ đựng đồ tròng vào người, vắt áo khoác lên khuỷu tay rồi hất cánh tủ lại.
"Đi thôi." Tưởng Lâu nói.
Ra cửa, Lê Đường nhận lại điện thoại ở chỗ bảo vệ, mở khoá xem thử thì thấy không ổn, màn hình có một vết nứt.
Lúc lên xe buýt Lê Đường mượn điện thoại của Tưởng Lâu soi đèn nhìn kỹ, có vẻ chỉ nứt kính cường lực.
Cậu thở phào đưa trả điện thoại, ngước mắt lại bắt gặp Tưởng Lâu đang nhìn mình và nhếch môi cười.
Lê Đường không biết hắn cười gì, gợi chuyện một cách mất tự nhiên: "Điện thoại của cậu vẫn ngon lành mà?"
"Hửm?"
"Gọi cả ngày mãi không được."
Tưởng Lâu cụp mắt mở khoá điện thoại, nói như bất ngờ lắm: "Tôi tắt chuông, không để ý."
Hắn mở lịch sử cuộc gọi, có tổng cộng hai mươi tám cuộc gọi nhỡ từ Lê Đường.
Còn nhiều hơn hắn tưởng tượng.
Buổi tối xe buýt luôn chạy chậm hơn ban ngày, sắp tới điểm buýt gần nhà Tưởng Lâu, Lê Đường đứng dậy đi cùng Tưởng Lâu xuống cửa sau.
Tưởng Lâu bám tay cầm, nghiêng đầu hỏi: "Không quay lại tự học tối à?"
"Không." Lê Đường đáp.
"Không cần ở với tôi." Tưởng Lâu nói: "Tôi sẽ không làm chuyện ngu ngốc."
Lê Đường thoáng sững người.
Quả nhiên hắn biết hết.
"Tôi xin nghỉ rồi." Lê Đường vẫn nói: "Đúng lúc có mấy bài Toán nhờ cậu chỉ."
Tưởng Lâu mím môi không nói nữa.
Đêm nay không trăng không sao, gió thổi nhè nhẹ cực kỳ yên ắng.
Đi qua tiệm tạp hoá, Tưởng Lâu lại vào mua bim bim tai lợn đưa cho Lê Đường.
Lê Đường nhớ hắn kiếm tiền chẳng dễ: "Không phải lần nào cũng muốn ăn đâu..."
Tưởng Lâu vào nhà bật đèn, mở cặp lấy sách bài tập, tiện thể đá cái ghế nhựa dưới gầm bàn ra: "Vậy lần sau cậu đãi tôi."
Lê Đường thích từ "lần sau" này, nghĩa là câu chuyện của họ vẫn còn tiếp diễn.
Cậu nở nụ cười đầu tiên trong ngày, nhanh chóng đồng ý: "Chốt nhé."
Mất nửa tiếng giảng hết hai bài, Tưởng Lâu lấy vở nháp viết một bài mới cùng dạng và bắt Lê Đường giải xong trong mười phút.
Lê Đường thầm kêu khổ nhưng không dám tỏ ra ngỗ ngược, ngồi dưới đèn cắn bút suy nghĩ, hướng giải vẫn chưa tìm ra mà đã để ý chữ của Tưởng Lâu trước rồi. Nét chữ của hắn mạnh mẽ mềm mại như mây bay nước chảy, là kiểu đẹp khiến người ta muốn lấy làm mẫu.
Không chỉ chữ Hán mà Tưởng Lâu viết tiếng Anh cũng rất đẹp, bài kiểm tra môn Anh của hắn còn thích hợp dán lên bảng thông báo lớp làm đáp án tiêu chuẩn hơn cả cán sự bộ môn là Lê Đường,
Ngoại trừ bài nghe.
Bởi một tai mất khả năng nghe nên trình độ nghe nói tiếng Anh của Tưởng Lâu rất lo ngại, hai mươi câu trắc nghiệm bài nghe thường làm sai một nửa. Cái sự "học lệch" trông có vẻ không đáng kể ấy đã kéo tụt tổng điểm của Tưởng Lâu, Lê Đường từng tính nếu hắn chỉ sai hai câu nghe thì có thể dễ dàng lọt vào top 3 khối.
Một mặt cậu nhận thức được sự cố gắng và xuất sắc của Tưởng Lâu, mặt khác lại khó mà không tiếc cho hắn.
Nếu bố hắn vẫn còn sống, dù là bố đơn thân, chỉ có mỗi bố gà trống nuôi con thì chí ít cũng có thể bảo vệ hắn, tai hắn sẽ không bị thương, từ đó có thể dễ dàng đứng trên đỉnh cao hơn.
Càng không cần vất vả mưu sinh như bây giờ, rõ ràng khó chịu nhưng vẫn phải cố tỏ ra mình mạnh mẽ.
Nhận ra ánh nhìn lom lom của Lê Đường, Tưởng Lâu ngẩng đầu: "Làm xong rồi à?"
"Vẫn, vẫn chưa." Lê Đường vội ngồi ngay ngắn, nhìn lại vào bài.
Viết được hai dòng thì ngòi bút di trên giấy càng lúc càng chậm, Lê Đường khẽ nghiêng người lặng lẽ liếc sang bên cạnh.
Và rồi vẫn bị bắt quả tang.
Tưởng Lâu cười nhìn cậu: "Thôi đừng viết nữa, giúp tôi một việc."
Một phút sau, Lê Đường cầm lưỡi dao lam ngồi đối diện Tưởng Lâu, mờ mịt đến nỗi không hơi đâu mà ngại.
"Ý cậu là kêu tôi dùng cái này rạch chỗ da ứ máu?"
Tưởng Lâu "ừ".
"Tại sao?" Lê Đường có chút khó tin, cất tiếng to hơn: "Như thế không đau hả?"
"Rạch cho máu bầm dưới da chảy ra, vết thương nhanh khỏi hơn." Tưởng Lâu nói.
Nói chung cậu có thể hiểu nguyên nhân làm như vậy. Chờ tan hết máu bầm dưới da cần ít nhất một tuần, mà nếu rạch cho máu chảy ra thì vết thương sẽ nhanh chóng bớt sưng, không còn vết bầm tím khiếp hồn nữa.
Nhưng mà...
"Nhưng như thế sẽ làm hỏng cấu trúc da, còn có thể để lại sẹo." Lê Đường sốt sắng nói.
"Cũng tốt hơn bị giáo viên nhìn thấy, bị xử phạt tội ẩu đả đánh nhau ngoài trường."
"Nhưng nó ở quanh mắt, nếu tôi rạch lệch làm mắt cậu bị thương..."
"Cậu sẽ không đâu." Tưởng Lâu nói: "Cậu sẽ không để tôi bị thương, đúng chứ?"
Lê Đường im bặt.
Cậu không biết cớ làm sao Tưởng Lâu lại yên tâm về mình tới vậy, nhưng cậu có thể chắc chắn: Đúng, chính xác, sao tôi có thể làm cậu bị thương được đây?
Cậu đã đầy rẫy vết sẹo, sao tôi nỡ lòng nào.
Tưởng Lâu nhìn Lê Đường ở khoảng cách cực gần, ánh mắt sáng trong vô cùng.
"Rạch đi." Hắn trầm giọng ra lệnh.
Sau đó Lê Đường cũng không nhớ rõ mình giữ vững tinh thần kiểu gì.
Tay cậu run bần bật, cầm chặt lưỡi dao lam sắc bén khẽ nhấn xuống dưới xương lông mày, chỗ ấy lập tức rách một đường, máu ứ thi nhau trào ra.
Máu rất đặc, ánh màu đen không khoẻ mạnh dưới ngọn đèn tù mù, chảy chầm chậm dọc khuôn mặt trắng trẻo vào khoé môi.
Như con rắn trườn trên nền tuyết.
Nhìn tất thảy xảy ra, chân tay Lê Đường mềm oặt nhưng cơ thể vẫn run rẩy không ngừng.
Tưởng Lâu không chớp mắt lấy một cái như không cảm nhận được đau đớn, ngồi lù lù không động đậy nhìn người gần như kiệt sức trước mặt.
Hắn hé đôi môi mỏng: "Cậu từng thấy xác người bao giờ chưa, xác mà bị vô vàn thanh cốt thép đâm xuyên ấy?"
Lê Đường hít mạnh một hơi, con ngươi khẽ giãn nở chừng như thật sự nhìn thấy một cái xác hoàn toàn biến dạng giống ký ức của Tưởng Lâu.
Đấy là bố Tưởng Lâu.
Để tránh đứa bé băng qua đường, bố hắn đã phanh gấp tự chôn vùi bản thân, để lại đứa con thơ mới bảy tuổi lẻ loi một mình trên cõi đời.
Điều này khiến người ta không kìm được đặt ra giả thiết, nếu biết trước kết cục, liệu ông ấy có còn lựa chọn tương tự, vì một đứa bé không liên quan gì mà trở thành một người cha không làm tròn bổn phận.
Tưởng Lâu chợt cười nhẹ, nắm bàn tay hãy đang cầm dao lam của Lê Đường và hỏi cậu: "Lần này sợ rồi?"
Sau đó hắn rướn cổ sáp về trước, đôi môi dính máu dán lên môi Lê Đường, ấm ấm dinh dính.
Lê Đường không kịp phản ứng, nín thở theo bản năng, đáy mắt phản chiếu khuôn mặt phóng đại gấp vô số lần của Tưởng Lâu, máu nóng toàn thân đổ cuồn cuộn về tim.
Đại não cậu trống rỗng.
Ý thức dần quay về nhưng Lê Đường vẫn chưa cảm giác được ngay, mãi đến khi cậu thè lưỡi liếm được vị tanh ngọt, ấy là máu của Tưởng Lâu.
"Người chết thì máu sẽ nhanh chóng đông lại và lạnh dần." Tưởng Lâu tách ra, mắt đượm nét cười như đạt được ý đồ: "Máu của tôi vẫn nóng."
Lê Đường vô cớ nhớ đến cụm từ "mũi dao nhuốm máu".
Mà dường như Tưởng Lâu là sự tồn tại còn sắc bén hơn cả lưỡi dao.
Giọng hắn khẽ tới mức như đến từ thung lũng mênh mông sâu thẳm: "Nếm thử vị sẽ không sợ nữa."
Hôm ấy Lê Đường về nhà muộn hơn bình thường.
Vào nhà thấy phòng ăn cho khách sáng đèn, Lê Đường tưởng bác giúp việc vẫn đang làm việc, thay giày xong ngẩng lên lại gặp người mẹ Trương Chiêu Nguyệt đi ra.
"Về rồi à." Mẹ lên tiếng trước.
Lê Đường thoáng ngạc nhiên, cụp mắt đáp "vâng" như giấu giếm điều gì.
Trương Chiêu Nguyệt dẫn cậu tới phòng ăn rồi vào bếp múc một bát canh đặt trước mặt cậu: "Canh ninh lúc chiều, ăn thử đi."
Đây là canh vịt củ cải muối chua trước kia thi thoảng Trương Chiêu Nguyệt hay ninh một nồi, đặc biệt là vào mùa thu, thơm ngon vừa miệng, xua lạnh làm ấm.
Đã lâu không được thử tay nghề của mẹ, tim Lê Đường trào dâng cảm giác chua xót, hơi nóng bốc lên trong bát như hun đôi mắt cậu.
Thế nhưng, thật ra cậu không thích thịt vịt lắm vì ghét vị béo ngấy, ngày xưa cậu ăn vịt quay ở nhà hàng nổi tiếng tại thủ đô mà mới một miếng đã nôn.
Rõ ràng khi đó ngồi cùng một bàn, nhưng hình như Trương Chiêu Nguyệt quên rồi.
Song Lê Đường lại nhớ đến một việc khác.
Cậu bắt đầu học đàn piano từ năm năm tuổi với giáo viên âm nhạc hàng đầu ở cung thiếu nhi, chiều chủ nhật hằng tuần đều phải đến nhà giáo viên học. Lê Viễn Sơn bận rộn công việc, Trương Chiêu Nguyệt phụ trách đưa đón cậu.
Có lẽ là năm lớp 2, có một lần tan học, Lê Đường ôm đàn đứng đợi dưới nhà giáo viên, hơn nửa tiếng cũng chưa thấy Trương Chiêu Nguyệt tới đón mình.
Mặc dù ký ức lúc ở Tự Thành trở nên mờ nhạt vì trận sốt cao, song nỗi sợ "mẹ không cần mình nữa" khi ấy luôn vùi sâu trong đáy lòng cậu. Cậu tưởng mẹ lại đi mất, lại bỏ cậu một mình nơi đấy nên sợ sệt khóc oà lên, làm giáo viên ở trên tầng cũng nghe thấy, còn xém thu hút cảnh sát đang đi tuần gần đó.
Cuối cùng Trương Chiêu Nguyệt vẫn đến, nói rằng bị tắc đường mới tới muộn. Mẹ giữ Lê Đường bằng bàn tay lạnh ngắt, nhưng dù như thế Lê Đường vẫn nắm chặt cứng chẳng dám buông.
Trên đường về, Trương Chiêu Nguyệt bảo tài xế dừng xe trước một con phố ẩm thực rồi hỏi Lê Đường: "Muốn ăn thịt xiên nướng không?"
Lê Đường vẫn rưng rưng nước mắt nhưng lại nuốt nước bọt.
Lê Viễn Sơn không cho cậu ăn "thực phẩm vớ vẩn" bày bán trên các sạp hàng, còn dặn mẹ và người giúp việc ở nhà cũng đừng mua cho cậu. Vì vậy khi thấy Trương Chiêu Nguyệt quay lại, lòng Lê Đường tràn ngập niềm khấp khởi và mong chờ.
Tuy nhiên cửa xe mở ra, Trương Chiêu Nguyệt đưa cho cậu thịt xiên rắc đầy thì là và bột ớt, Lê Đường sợ cay, nhưng không muốn phụ lòng tốt của mẹ nên cố gắng ăn hết.
Mãi về sau Lê Đường mới biết, xiên thịt ấy là một dạng đền bù.
Giống bát canh bây giờ vậy.
Tuy không thích lắm nhưng cũng đủ để an ủi cậu.
Lê Đường ăn xong đi rửa tay, nhìn khoé môi phớt đỏ trong gương, cậu sực nhớ vẫn chưa báo với Tưởng Lâu mình đã về nhà.
Về phòng gửi tin nhắn Wechat, trong thời gian chờ trả lời, Lê Đường nằm trên giường lại không nhịn được sờ môi mình.
Ngoại trừ run rẩy do hoảng sợ, dường như môi vẫn còn sót lại hơi ấm.
Nhưng mà không biết nó có được xem là một nụ hôn hay không.
Lúc điện thoại rung, Tưởng Lâu đang ngồi trên ghế quay mặt về cửa sổ gần cửa chính, ánh sáng yếu ớt từ đèn con thỏ tan ra nơi đáy mắt đen láy của hắn.
Hắn cầm điện thoại bật tin nhắn thoại, Lê Đường nói: "Tôi về đến nhà rồi."
Chốc lát sau cậu lại gửi tin nữa: "Ăn canh rồi, ấm cả người."
Tưởng Lâu hỏi canh gì, Lê Đường đáp: "Canh vịt củ cải muối chua, món tủ của mẹ tôi."
"Thế à." Tưởng Lâu nói: "Muốn thử quá."
Hắn vẫn nhìn đèn con thỏ, và cả cây đinh rỉ sét.
Hắn nhớ ngày này hai mươi năm trước, quyển lịch treo trên ấy nói hôm nay thích hợp gặp bạn tốt, cho nên hắn tràn đầy thiện chí và nhẫn nại với đứa bé xa lạ ghé thăm nhà.
Nhưng tốt bụng chẳng bao giờ có kết cục tốt đẹp, ví dụ như bố hắn, suy nghĩ sai lầm trong phút chốc để rồi chết chẳng toàn thây. Vì tự ý lái xe hàng về nhà trong thời gian làm việc mà thậm chí ông ấy còn không được truy tặng danh hiệu anh hùng.
Điện thoại lại rung, giọng Lê Đường vui vẻ: "Vậy lần sau cậu đến nhà tôi nhé."
Tưởng Lâu giơ điện thoại lên môi: "Được thôi."
Đèn trong nhà tắt hết, Tưởng Lâu ngồi giữa bóng tối như đặt mình vào một đống hoang tàn.
Xiềng xích vô hình trói chặt lấy hắn.
Thân thể hắn có thể tự do thoát ra, nhưng linh hồn vẫn bị cầm tù tại chỗ.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook