Dáng Ai Bên Thềm
Chương 15


Làn gió mát buổi tối tháng mười nhẹ nhàng luồn qua khung cửa sổ, ve vuốt trên thân người tạo ra cảm giác say sưa mê mải, không khí trong lành dễ chịu này rất dễ khiến cho người ta muốn nhắm nghiền đôi mắt mà chìm vào giấc ngủ sâu.

Hoa ngồi trước bàn làm việc, thỉnh thoảng lật giở trang sách và tỉ mỉ đọc từng chữ, cơn gió khẽ phất phơ những ngọn tóc nhung huyền của cô.

Tâm tư Hoa thoáng xao xuyến, cô đưa tay lên vuốt gọn mái tóc cố định ở sau gáy rồi chuyên tâm đọc tiếp.
Quỳnh nằm sấp trên giường, mái tóc bung xõa trên nền ga trắng tinh, thời tiết dễ chịu như thế nhưng tâm tình của cô nàng lại bị chuyện của gia đình khiến cho buồn phiền.
Quỳnh nằm đó và tự kiểm điểm lại những suy nghĩ của mình, bỗng, điện thoại trên kệ tủ rung lên, Hoa nhìn màn hình và cất lời nhắc nhở:
— Mama của cậu gọi tới này.

Chắc lại giục con gái về nhà đấy.

Nghe máy đi.
Quỳnh lườii biếng quay người lại, cô đưa tay ra phía sau và nói:
— Đưa giúp tớ cái điện thoại.
— Đây.
Quỳnh ấn nghe máy theo quán tính.
— Con nghe đây!
Ở đầu dây bên kia, giọng bà Ly không giấu được vẻ lo lắng:
— Con đang ở đâu, muộn rồi sao còn chưa về nhà?
Quỳnh thấy mẹ mở lời trước nên cô càng được đà cất giọng hờn dỗi:
— Con sẽ không về đâu.
— Bướng bỉnh!! Lúc ba nóng tính thì con nên bớt đi một câu.

Khi đó vì quá bực bội nên ba nói thế thôi, ông ấy không giận nữa đâu.

Con về sớm đi, lang thang ở bên ngoài nguy hiểm lắm.
— Con bướng bỉnh cũng là vì giống tính của ba đó.

Con đã nói rất nhiều lần rồi, chuyện tình cảm của con, con muốn được tự do tìm hiểu, tự do yêu đương.

Hết lần này đến lần khác ba tự ý làm theo ý mình rồi áp đặt con.

Lần này con nhất định không về, nếu ba còn khăng khăng muốn nhận gã Thịnh làm con rể thì cứ coi như là không có đứa con gái này.
— Quỳnh!!!
Bà Ly bất lực gọi tên cô.
— Mẹ à.

Con biết mẹ ở giữa cũng rất khổ tâm.

Nhưng con mong mẹ hiểu cho con.

Tương lai, hạnh phúc cả quãng đời sau này của con không thể tùy tiện trao cho một người không xứng đáng được.
— Mẹ thấy ba con cũng có lý của ông ấy.

Thịnh là luật sư giỏi giang có tiếng, nữa là ngoại hình cậu ấy cũng ổn.

Công danh sự nghiệp rạng rỡ… Nếu ở bên người đàn ông như vậy, tương lai sau này của con sẽ không phải lo lắng gì.
— Ngay cả mẹ cũng có những suy nghĩ giống như ba sao? Con hiểu là ba mẹ muốn tốt cho con, muốn gả con cho một người có năng lực tài chính.


Tuy nhiên, đã có khi nào mẹ nghĩ, có tiền nhưng không có tình cảm, sống với một người lăng nhăng, phản bội… Cuộc sống như vậy có đáng không ạ?
— Con nói vậy nghĩa là sao? Rốt cuộc giữa hai đứa đã xảy ra chuyện gì?
— Lúc trước chúng con chia tay nhau, vì là chuyện riêng nên con không muốn nhắc đến.

Nữa là, con nghĩ, chia tay xong là xong, chấm hết.

Không ngờ gã đàn ông này lại mặt dày, dai như đỉa.
Bây giờ con kể cho mẹ nghe.

Con tận mắt chứng kiến Thịnh ra vào quán bar như cơm bữa, một tay kẹp nách mấy cô ăn mặc sexy.

Có lần con còn đọc được tin nhắn của hắn chat với nhiều cô gái khác nhau, nội dung chủ yếu là gạ tình… Mẹ nghĩ xem, mẹ có cam tâm để con gái mẹ chung chồng với những người phụ nữ khác được không???
— Mọi chuyện là thật sao??
— Con không nói dối mẹ nửa chữ.

Chính vì vậy nên con mới dứt khoát chia tay.

Con hận vì trước kia đã quá ngu ngốc nên yêu hắn quên cả bản thân mình.
— Nhìn nó cũng đàng hoàng tử tế, sao có thể??
— Mẹ đừng bao giờ tin vào câu nói “nhìn mặt mà bắt hình dong”, nhìn đàng hoàng tử tế nhưng bản chất bên trong thật sự không thể chấp nhận được.

Đúng là, càng có tiền người ta càng biết cách tha hóa.
— Ba con, ông ấy quý nó lắm.

Lần nào đến nhà cũng tặng quà này kia… Mẹ cũng hơi khó chịu, nhưng tính ba con cố chấp, mẹ thực sự không biết phải khuyên nhủ thế nào.
— Lần này mẹ hãy nghe theo con, mẹ cứ kệ ba đi.

Con không về nhà mấy ngày để xem thái độ của ba thế nào, và thái độ của gã Thịnh ra sao.
— Con đang ở đâu?
— Con đang ở chỗ bạn con, mẹ yên tâm đi.

Con lớn rồi, con không dại dột mà làm chuyện ngốc nghếch đâu.

Mẹ nghỉ sớm giữ gìn sức khỏe nhé.
Con xin lỗi vì đã khiến mẹ phải lo lắng cho con ạ!
— Được rồi.

Con cũng nghỉ sớm đấy.
— Baibai mama iuu!!
Cuộc gọi kết thúc, Quỳnh vứt điện thoại tùy ý xuống giường rồi bất lực than thở:
— Làm người lớn khổ thật đấy.

Cứ yêu thôi, không phải lo chuyện tương lai có phải sướng hơn không nhỉ?
Hoa khẽ đóng quyển sách trên bàn rồi chậm rãi quay người lại nói:
— Tớ đọc được một câu nói rất hay!
— Câu gì thế?
— “Muốn đàn ông chung thủy đến chết, trừ phi bọn họ thật sự không tìm ra người thứ hai”.
Quỳnh nghe vậy vỗ đùi cái đét rồi nhiệt liệt hưởng ứng:
— Chuẩn!! Câu này quá chuẩn.


Câu này hay, lát cậu gửi vào inbox để tớ đăng hình, chèn quả caption này vào.
Hoa thở dài đáp:
— Không yêu thì sợ cô đơn, yêu thì sợ phản bội.

Phải làm sao được nhỉ??
Quỳnh hí hoáy chỉnh sửa một chiếc ảnh thật xinh, đoạn quay sang hỏi Hoa:
— Câu vừa giờ câu nói là gì ấy nhỉ?
— Muốn đàn ông chung thủy đến chết, trừ phi bọn họ thật sự không tìm ra người thứ hai.
— Hay quá, cảm ơn cậu nhé.
Vừa nói Quỳnh vừa viết caption rồi cập nhật avt mới lên mạng xã hội.
— Vào thả tim cho tớ đi!!
— Đây, tim luôn, mệt cậu quá cơ.
Quỳnh cười hí hí rồi nằm đếm số người thả tim avr cô vừa cập nhật, như chợt nhớ ra điều gì, cô hỏi Hoa:
— Facebook của em trai cậu là gì á?
— Hỏi Facebook của nó làm gì?
— Cho đi…
— Châu Nhật Hoàng…
— Thankyou…
— Nằm đó một mình nhé, tớ đi phơi quần áo đây.
Quỳnh nghe Hoa nói vậy liền bật dậy hưởng ứng:
— Cho tớ đi cùng với, muốn biết nơi gặp gỡ như trong cổ tích của cậu và anh hàng xóm lãng mạn như nào.
— Gì mà như trong cổ tích? Nếu cậu muốn lao động thì đi theo tớ!
Hoa và Quỳnh khệ nệ mang chậu quần áo từ bên dưới lên tầng thượng.

Gió đêm thổi mát lộng, hương hoa sữa ngạt ngào, Quỳnh đi đi lại lại giữa khoảng không rộng rãi rồi vươn vai tập thể dục, đoạn cô nói:
— Chính là chỗ này hả?
— Sao cơ?? – Hoa thắc mắc hỏi lại.
— Đây là nơi cậu chạm mặt anh hàng xóm ý??
Hoa chạy vội đến bịt miệng Quỳnh lại vì cô bạn nói hơi to, bây giờ cũng muộn nên bốn bề yên tĩnh, chỉ sợ cô bạn nói linh tinh, nhà kế bên ngay sát vách nghe được hết.

Lúc ấy cô không biết giấu mặt đi đâu.

Đúng lúc ấy, cánh cửa nhà bên bật mở, bóng dáng cao lớn của Huấn xuất hiện.

Trên tay anh là chậu quần áo.

Thật trùng hợp!!
Quỳnh tròn mắt ngạc nhiên, nhưng rồi cô cũng ngầm hiểu rằng, có lẽ hai người họ tìm cách hẹn hò gặp gỡ nhau bằng cách lên tầng thượng phơi quần áo?
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của 2 cô gái vừa đủ khiến Huấn nghe thấy, anh chỉ mỉm cười làm như không biết gì, Quỳnh nhanh miệng nói:
— Em chào anh, anh em mình đã từng gặp nhau một lần rồi, anh nhận ra em không ạ?
Huấn nhìn Quỳnh một lượt rồi mỉm cười đáp:
— Xinh đẹp thế này anh quên thế nào được?
Quỳnh phổng mũi vì thích thú.
Hoa chỉ e thẹn phơi quần áo, cô cố ý nhường lối cho Huấn đến gần.

Hai người vừa phơi quần áo vừa thì thầm nói chuyện:
— Vừa xong trời hơi tối, suýt anh nhìn nhầm bạn ấy là em.

— Chắc tại Quỳnh mặc đồ của em nên anh nhận nhầm, đúng không?
— Một phần thôi, kiểu 2 bạn nhỏ nhắn như nhau, thoáng nhìn cũng dễ bị nhầm.

Nhưng giọng nói thì khác biệt hoàn toàn.
— Hôm nay công ty anh có bận rộn lắm không ạ?
— Có chút chuyện trục trặc về dự án mới, nhưng cơ bản thì cũng giải quyết êm xuôi rồi.
Thấy Huấn và Hoa cứ ríu rít với nhau, Quỳnh cảm thấy mình có đứng thêm ở đây một lát cũng chẳng khác nào kì đà cản mũi.

Bởi vậy cô lặng lẽ bỏ đi xuống trước để cho 2 anh chị có dịp tâm sự riêng tư.
Quỳnh ngồi bên cửa sổ và thả hồn theo cơn gió đêm, lúc này cô mới phát hiện, phòng ngủ của Hoa có khung cửa sổ tuyệt đẹp, view thoáng mát có thể hứng trọn ánh bình minh vào buổi sớm, đêm khuya cũng có thể thư thái ngắm trăng.

Cứ ngồi đó và nghĩ suy hồi lâu, cho đến khi Quỳnh nghe thấy tiếng bước chân của Hoa vọng đến gần, cô quay người lại hỏi chuyện:
— Phơi mấy cái quần áo thôi mà bây giờ mới xong hả?
Hoa mỉm cười đáp:
— Ừm.

Tranh thủ đứng trò chuyện một lát.
— Tình hình tiến triển đến đâu rồi? Cũng quen khá lâu rồi mà chưa có cái chạm môi phát ra điện hả?
Hoa đỏ mặt né tránh câu hỏi đấy, cô ngập ngừng trả lời:
— Đừng suy diễn vớ vẩn, chạm môi cái đầu cậu ý.
— Ôi thôi, chẳng biết đâu được với các anh các chị.
— Ghét thế chứ, nói chuyện như mấy ông bà già ấy.

Buồn ngủ chưa, tắt điện đi ngủ nhé.
— Ok.

Ngủ thôi, ngày hôm nay của tớ cũng khá mệt mỏi rồi.
***
Đã 3 ngày Quỳnh không về nhà, điện thoại cũng tắt liên lạc, ông Tâm bồn chồn lo lắng không yên.

Ông Tâm có 2 đứa con gái, ông đem lòng yêu thương hết mực.

Chính vì yêu thương con nên ông mới có suy nghĩ muốn gả Quỳnh cho Thịnh, một người đàn ông có khả năng tài chính rất tốt, với hy vọng, cuộc đời sau này của cô sung túc, đủ đầy.

Như thế cũng là một niềm an ủi đối với những người làm cha, làm mẹ như ông.

Tuy nhiên, Quỳnh lại không hiểu tâm ý của ba, đôi bên mâu thuẫn nhau nên mọi chuyện mới thành ra thế này.
Sau khi cơn tức giận vơi đi, ông Tâm cũng cảm thấy hối hận vì khi đó mình đã nặng lời với con.

Tuy vậy, cái tôi trong suy nghĩ của ông quá lớn, mặc dù rất nhớ Quỳnh và tò mò muốn biết con gái đang ở đâu, sống có tốt không… Nhưng ông nhất định không chịu xuống nước, cố tỏ ra lạnh lùng và thờ ơ.

Kỳ thực, trong lòng ông gần như sắp phát điên.

Bà Ly chỉ cần nhìn qua dáng vẻ của chồng cũng đọc được thông điệp:
“Quỳnh ơi, ba biết lỗi rồi.

Con về nhà đi, ba tuyệt đối không đuổi con ra khỏi nhà nữa”.
Sau sự việc Quỳnh và ông Tâm xảy ra mâu thuẫn, Thịnh cũng không mặt dày xuất hiện ở nhà cô nữa, ngay ngày hôm sau anh ta gọi đến cho Quỳnh nhưng cô từ chối nghe máy và thuận tay đưa số máy của Thịnh vào danh sách block.

Chỉ cần nghĩ đến gã ta thôi cô cũng cảm thấy nổi hết da gà.
Buổi tối, ngồi bên bàn ăn, thấy bà Ly bày biện nhiều món ngon, ông Tâm không nhịn được mà buột miệng hỏi:
— Hôm nay cái Quỳnh về hay gì mà mẹ nó chuẩn bị nhiều món ăn thế này?
Bà Ly chưa kịp trả lời thì Tuệ An – em gái Quỳnh đã nhanh miệng đáp:
— Ba đuổi chị Quỳnh ra khỏi nhà rồi, chị ấy làm sao dám về nữa ạ?
Ông Tâm hụt hẫng, tuy vậy ngoài mặt vẫn làm ra không quan tâm:
— Ừ.

Nó đi đâu thì đi.


Ba không có đứa con gái bướng bỉnh như nó.

Nó có giỏi thì đi luôn đi!
Bà Ly nhìn thái độ của ông Tâm càng thêm bực bội, rõ là người đàn ông này bảo thủ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cảm nhận của riêng mình mà không nghĩ cho người khác.

Bà nhẹ nhàng nói:
— Em thấy anh dạo này ăn ngủ không tốt nên đặc biệt chuẩn bị mấy món ngon để anh tẩm bổ.

Quỳnh nó không có ở nhà nên hai ba con ăn nhiều vào nhé.

Bỏ thừa là lãng phí đó.
Tuệ An lại phụ họa thêm mấy câu:
— Ôi, món này bình thường chị Quỳnh vẫn thích ăn nhất ấy.

Nay mẹ nấu nhiều mà chỉ có 2 ba con mình ăn.

Ba, ba ăn nhiều vào đi.
Ông Tâm thật sự phải cố gắng lắm mới nuốt nghẹn được vào trong lòng.

Cứ nhắc đến Quỳnh là ông thấy nhớ con gái không chịu được.

Tại sao vợ con không chịu hiểu cho tâm tư của người cha này chứ? Không phải ông cũng vì thương con, yêu con nên mới hy vọng con lấy được tấm chồng tốt hay sao?
Cứ nghĩ đến con gái là ông Tâm không thiết tha ăn uống gì.

Ngay cả việc sang nhà hàng xóm chơi cờ cùng với mấy người bạn ông Tâm cũng bỏ luôn.

Tâm tình cả ngày ủ dột, lúc nào ông cũng cầm điện thoại trên tay, hễ thấy đổ chuông, ông liền giật mình và nhìn màn hình, nhưng rốt cuộc, chỉ có mấy cuộc gọi của những ông bạn già, của tổng đài chăm sóc khách hàng… Còn số máy của Quỳnh, tuyệt đối không gọi tới.
Tâm trạng ủ dột ấy cứ kéo dài mấy ngày trời.

Ông không ngờ Quỳnh lại cứng rắn và dứt khoát đến vậy.

Sau cùng, vì không chịu được nỗi nhớ con gái, vì quá lo lắng nên ông Tâm đành xuống nước và nói với bà Ly:
— Em gọi điện cho Quỳnh về đi, vắng nhà mấy ngày liên tiếp như vậy… quần áo không mang theo, cái gì cũng không có… Con bé sống thế nào được? Không biết mấy hôm nay có ăn uống ngủ nghỉ đều đặn không.

Con với cái, lớn đầu rồi, không thương ba mẹ, không thương em thì cũng thôi đi.

Phải biết tự chăm lo cho mình chứ.

Đi ra ngoài như thế, ăn uống không đảm bảo… rồi lại sút cân cho mà xem.
Đúng là, không có khi nào để cho thân già này bớt lo lắng được hết.
Bà Ly nghe chồng nói vậy chỉ biết cười thầm, hóa ra ông chồng của bà chính là kiểu “ngoài lạnh trong nóng”, cố tỏ ra thờ ơ, thậm chí nói phũ phàng khi nhắc đến con gái, cơ mà sự thật thì không như vậy.
— Anh lo cho con thì gọi điện bảo con về đi.

Anh là người đuổi con bé ra khỏi nhà kia mà?
— Bây giờ mà em còn nói kiểu vậy với anh nữa à? Mấy hôm nay anh lo lắng cho nó đến mất ăn mất ngủ đấy.
— Anh có điện thoại, sao anh không gọi?
— Anh… anh… em gọi đi, mẹ con với nhau dễ nói chuyện hơn.
— Để em suy nghĩ thêm đã.
— Có việc gì quan trọng hơn con về nhà mà em phải suy nghĩ??
— Quan trọng thì anh gọi đi, anh lo cho con thế kia mà??
Bà Ly cố tình dạy chồng một bài học xương máu, nhất định không để ông ấy tùy hứng làm theo ý bản thân một lần nữa.

Dù biết lúc này ông Tâm đã biết lỗi nhưng bà quyết không làm theo lời ông nói, bà Ly lặng lẽ ăn tối và thích thú quan sát biểu hiện khó chịu của ông Tâm.

Lần này không cứng rắn thì sẽ còn nhiều lần khác ông ấy khăng khăng làm theo ý mình..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương