Đam Mỹ Kim Phong Ngọc Lộ
-
3: Làm Trái Luân Thường Đạo Lý
Ghi chú của editor: Quy trình cưới hỏi truyền thống Trung Quốc trải qua 6 lễ (Lục Lễ) lần lượt là: Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Nạp trưng, Thỉnh kỳ, Thân nghênh.
Nạp trưng là lễ thứ tư trong sáu lễ của quy trình cưới hỏi truyền thống Trung Quốc, cũng được gọi là “Nạp thành”, chính là bên phía nhà trai gửi sính lễ cho nhà gái.
Sính lễ bao nhiêu còn tùy thuộc vào độ giàu nghèo và thân phận của bên nhà gái.
Sau khi trải qua lễ này thì hôn ước được xác lập hoàn toàn.
Từ góc nhìn pháp lý, nạp trưng xem trọng hình thức chứ không phải là số lượng, việc hoàn thành lễ nạp trưng đánh dấu cho sự kết thúc của giai đoạn đính hôn, là một trong những cột mốc quan trọng của việc thiết lập cuộc hôn nhân.
—————
Mười ngày sau, chính viện phủ Tiêu Vương.
Tiêu Diễn Tích điềm tĩnh uống trà chờ đợi đội ngũ nạp trưng trở về, Từ thị cầm chiếc khăn tay lại không biết vì sao mà siết chặt nó, bà hỏi nhũ mẫu bên cạnh: “Ninh Nhi đi đã mấy giờ rồi? Sao vẫn còn chưa về đến?”
Ma ma khuyên nhủ bà: “Sắp được 2 giờ rồi, Vương phi đừng gấp, trong cung quy củ nhiều nên phải kéo dài một đoạn thời gian, từ trước đến nay Thế tử gia luôn có chừng mực, chung quy sẽ không thể xảy ra sai sót gì, chắc sẽ nhanh thôi.”
Vừa dứt lời liền có hạ nhân tiến vào bẩm báo, nói là Thế tử gia đã cách đây hai dãy phố rồi, thêm khoảng thời gian một chén trà là có thể hồi phủ.
Từ thị lập tức thở phào một hơi.
Tiêu Diễn Tích nhanh chóng sai người đi đón, ông dặn đi dặn lại rằng: “Về đến nơi thì nói nó đến thẳng chính viện.”
Một khắc sau, Tiêu Nghiễn Ninh vào cửa, Từ thị sốt ruột hỏi y: “Sính lễ gửi qua có vừa lòng Công chúa không? Đã gặp được Công chúa chưa? Nàng đã nói gì rồi? Có tặng quần áo cho con không?”
Tiêu Nghiễn Ninh đáp từng câu từng câu một: “Sính lễ dựa theo quy củ đã giao cho người hầu bên cạnh Công chúa rồi.
Công chúa cho người truyền lời, nói là để nhi tử an tâm thu xếp hôn sự, sau đó còn tặng quần áo mới cho con.”
Nghe thế, trên mặt Từ thị cuối cùng lộ ra nụ cười: “Thật sao? Quần áo đâu? Mang đến cho ta xem nào.”
Nội thị sau lưng Tiêu Nghiễn Ninh nâng quần áo bước về phía trước, là một bộ bào sam màu thiên thanh[1], họa tiết lá trúc được thêu chìm.
Từ thị đưa tay chạm vào liền biết thứ được dùng để may chính là loại vải dệt từ tơ lụa tốt nhất, thợ thêu này cũng là người có tay nghề hàng đầu.
Tảng đá lớn trong lòng Từ thị tức khắc hạ xuống một nửa, bà cảm thán rằng: “Công chúa điện hạ có tâm, có lẽ là thực sự hài lòng về con đấy.”
Bên nữ tặng quần áo đáp lễ lễ nạp trưng ngày hôm ấy, nếu như Công chúa không hài lòng với phu tế (người chồng) này của nàng thì chắc chắn sẽ không để tâm cho người gửi đến từng bộ quần áo tốn hết tâm tư mới làm ra được thế này.
Tiêu Diễn Tích cũng khẳng định rằng: “Hôn sự đều là Bộ Lễ trù bị, những chuyện chúng ta có thể chen tay vào đã ít lại càng ít, Công chúa đặc biệt truyền lời riêng để cho con yên tâm tức thực sự khá là xem trọng con.
Sau khi thành hôn rồi con cũng nên cố hết sức hầu hạ Công chúa, không thể lười nhác được.”
Tiêu Nghiễn Ninh đáp ứng: “Nhi tử lĩnh mệnh, sau này nhất định sẽ một lòng yêu thương và bảo vệ Công chúa, xin phụ thân yên tâm.”
–
Ba ngày sau, sáng tinh mơ khi mới tỉnh dậy, bên phía Từ thị đã cho truyền lời đến, nói Tiêu Nghiễn Ninh cùng bà ra khỏi phủ một chuyến để đến chùa Quang Hoa dâng hương.
Tiêu Nghiễn Ninh được người hầu hạ tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo, y phục mặc vào vừa khéo là bộ mà Công chúa tặng cho y.
Chàng thiếu niên trong gương khôi ngô xuất chúng, ánh mắt sáng tựa vì sao, quả thực là có vẻ ngoài ưu tú, nội thị giúp y nâng tay áo, vuốt phẳng góc áo, miệng thì nói rằng: “Công chúa điện hạ đúng là có mắt nhìn, Thế tử gia người mặc bộ quần áo này rất đẹp, cũng phù hợp nữa, cứ như là tùy theo vóc dáng của người mà cắt may vậy đó.”
Tiêu Nghiễn Ninh bình tĩnh thu lại ánh mắt rồi phân phó: “Đi thôi, đừng để mẫu thân chờ đợi sốt ruột.”
–
Chùa Quang Hoa nằm ở hướng bắc kinh thành, là nơi hương hỏa vượng nhất trong kinh.
Từ thị đặc biệt dẫn nhi tử theo cùng là vì cầu cho y sau khi thành thân được thuận buồm xuôi gió.
Tiêu Nghiễn Ninh hiểu được tấm lòng của bà, cùng bà dâng hương lễ Phật không hề qua quýt lấy lệ một chút nào.
Sau đấy Từ thị lại nói muốn đến phía sau điện vái Quan Âm Tống Tử[2], Tiêu Nghiễn Ninh hấp tấp nói rằng: “Mẫu thân, con và Công chúa còn chưa thành hôn, không cần phải vội vàng như vậy đâu.”
Từ thị nhìn thấy vành tai y hơi đỏ lên, đành bất đắc dĩ mà giải thích: “Không phải vái cho con, là cho tỷ tỷ của con, nó gả vào phủ Anh Quốc Công đã sắp ba năm rồi, nhưng trong bụng vẫn chưa có động tĩnh gì, ta sợ tháng ngày nó sống bên nhà chồng sẽ không yên ổn.”
Tiêu Nghiễn Ninh thoáng ngẩn người rồi gật đầu.
Từ thị dặn dò y: “Con ở đây đợi đi, không cần phải đi cùng ta đâu, một lát nữa đến buổi trưa chúng ta ở lại đây ăn bữa cơm chay rồi lại về sau.”
Từ thị nói thế nào thì Tiêu Nghiễn Ninh nghe thế đấy, y ở lại phía trước đại điện chờ bà.
–
Xe ngựa của Tạ Huy Chân dừng lại ngoài cổng lớn ngôi chùa đã được một lát rồi, hôm nay hắn cải trang ra ngoài, vẫn là một thân trang phục nữ tử.
Nội thị ở dưới xe nhỏ giọng bẩm báo: “Thế tử gia cùng với Vương phi đến từ nửa giờ trước, đã ở trong đấy rất lâu rồi ạ, lúc này Vương phi đang đi vái Quan Âm Tống Tử, một mình Thế tử gia đợi ở trước điện.”
Tạ Huy Chân đang chơi đùa với hộ chỉ sáo[3] trên tay, nghe thấy mấy chữ “Quan Âm Tống Tử” này thì vẻ mặt thoáng cứng đờ rồi không rõ ý tứ mà giương khóe môi: “Vương phi sốt ruột thế cơ à? Tức phụ còn chưa vào cửa mà đã không thể chờ nổi muốn đến vái Quan Âm Tống Tử rồi sao?”
Nội thị lúng túng nói rằng: “Suy cho cùng Thế tử gia là con trai độc nhất của Tiêu Vương gia, Vương phi nóng vội muốn có tôn tử cũng có thể hiểu được.”
Có hạ nhân khác nhắc nhở Tạ Huy Chân: “Điện hạ, Thế tử đã đi ra rồi ạ.”
Tạ Huy Chân nâng mắt trông sang, Tiêu Nghiễn Ninh từ trong miếu tản bộ đi ra, sau lưng chỉ có một đồng phó[4] đi cùng.
Y đang dừng chân trông ra xa xăm, giống như là bị phong cảnh núi non xa xa bên ngoài chùa miếu hấp dẫn ánh nhìn.
Hôm nay Tiêu Nghiễn Ninh mặc bộ quần áo mới mà hắn đã tặng, quả nhiên là rất vừa người, màu sắc cũng ưng mắt, càng tôn lên đến mức y xanh miết như một viên ngọc.
Tạ Huy Chân ôm theo tâm tình thưởng thức mà ngắm nhìn trong phút chốc, thoáng nâng cằm sai bảo: “Đi mời y qua đây.”
Sau đó hắn liền dõi theo một cách đầy thích thú, tiểu Thế tử này nghe xong những lời mà hắn sai người đi nói thì sắc mặt đã thoáng thay đổi, nhưng trong nháy mắt lại khôi phục sự bình tĩnh, đi về phía trước, ở dưới xe thỉnh an hắn.
Tiêu Nghiễn Ninh vòng tay thi lễ[5], cúi đầu để lộ ra một đoạn cổ trắng ngần, Tạ Huy Chân nhìn y cách mành che cửa sổ xe, mỉm cười: “Không ngờ rằng xuất cung đến dâng hương lại tình cờ gặp được Thế tử, Thế tử miễn lễ đi.”
Tiêu Nghiễn Ninh tạ ân đứng thẳng lên, giọng nói của Công chúa trầm thấp điềm đạm, không giống với trong tưởng tượng của y.
Y nói: “Hôm nay thần đi theo mẫu thân đến ngôi chùa này để lễ Phật, cũng chưa từng nghĩ rằng có thể gặp được Công chúa, thần không kịp thời đến thỉnh an Công chúa, còn mong rằng Công chúa không trách mắng.”
Tạ Huy Chân cố ý đùa giỡn y: “Bản cung vừa cho người đi gọi ngươi, ngươi liền đến ngay, nơi nào nói là không kịp thời chứ?”
Tiêu Nghiễn Ninh không biết nên nói thế nào, vốn dĩ nên là y chủ động đến vấn an Công chúa, nếu Công chúa đã không trách tội vậy thì y liền một lần nữa tạ ân: “Đa tạ Công chúa khoan dung.”
Tạ Huy Chân hỏi: “Ngươi nói như vậy, là cảm thấy bản cung là dạng người lòng dạ hẹp hòi đó ư?”
Tiêu Nghiễn Ninh: “… Không phải như thế, thật sự là do thần làm không tốt.”
Tạ Huy Chân lại bật cười ra tiếng: “Thôi bỏ đi, bản cung không tính toán chuyện này với ngươi.”
Cơn gió thổi tung rèm the chống muỗi, Tiêu Nghiễn Ninh ngước mắt lên nhìn thấy Tạ Huy Chân với một lọn tóc rơi trên đầu vai đang ngồi trong xe, lại nhìn lên trên, là sườn mặt bị tóc đen che khuất một nửa của hắn, đường nét đầy đặn, khóe miệng nâng cao, ấy là độ cong mang theo nét cười.
Một cái nhìn lướt qua vội vàng nhưng lại không nhìn được rõ ràng.
Nói được vài câu thì Từ thị sai người đến gọi Tiêu Nghiễn Ninh đi qua.
Tiêu Nghiễn Ninh có chút do dự, Tạ Huy Chân chủ động mở miệng: “Thế thử đi đi, hôm nay bản cung cải trang xuất cung nên không cần những thứ lễ nghi này, trái lại là làm chậm trễ công việc của bản thân ngươi, một lát nữa bản cung cũng sẽ vào dâng hương.”
Lúc này Tiêu Nghiễn Ninh mới lần nữa hành lễ, cáo lui rời đi.
Buổi trưa, Tiêu Nghiễn Ninh theo Từ thị dùng bữa cơm chay tại khách đường trong chùa, Từ thị đã có chút mệt mỏi rồi nên dự định nghỉ ngơi chốc lát.
Tiêu Nghiễn Ninh ra cửa ngắm hoa cỏ ở trong sân thì lại có người đến, nói rằng Công chúa mời y qua nói chuyện.
Chắc là y không ngờ rằng Công chúa vẫn còn chưa đi nên sau khi kinh ngạc thì thoáng ổn định nỗi lòng, mời người nọ dẫn đường.
Tạ Huy Chân ở một bên khác của khách đường, hắn cũng mới vừa dùng xong bữa trưa, đang nhâm nhi trà.
Tiêu Nghiễn Ninh được người dẫn vào cửa, cách một bức bình phong hành lễ với hắn, sau khi Tạ Huy Chân miễn lễ thì sai người ban chỗ ngồi dâng trà.
Tiêu Nghiễn Ninh nhìn sang, chỉ có thể thấy được bóng dáng mờ mờ ảo ảo phía sau bình phong.
Tạ Huy Chân nói rằng: “Thật ra không có việc gì cả, bản cung một mình đến dâng hương rất nhàm chán, vừa khéo Thế tử ở nơi này nên mới mời Thế tử qua đây trò chuyện.”
Dứt lời, Tạ Huy Chân nhìn thấy Tiêu Nghiễn Ninh đang ngồi nghiêm chỉnh, lại nhẹ nhàng cười thành tiếng: “Thế tử, bản cung và ngươi còn nửa tháng nữa là phải thành hôn rồi, nơi này không có người nào khác, ngươi không cần phải thận trọng như thế.”
“Lễ không thể phế,” Tiêu Nghiễn Ninh kiên trì mà rằng: “Người là Công chúa, thần nên cẩn thận tuân theo bổn phận, không thể vượt quá phép tắc được.”
Tạ Huy Chân thở dài: “Đợi đến sau khi chúng ta thành hôn rồi, ngươi cũng muốn như thế này sao?”
Tiêu Nghiễn Ninh: “… Cần phải như thế.”
Tạ Huy Chân: “Giữa phu thê cũng cần phải xa lạ như thế sao?”
Tiêu Nghiễn Ninh nhất thời nghẹn giọng.
Y đọc sách thánh hiền từ khi còn nhỏ, tuân thủ nghiêm ngặt tôn ti trên dưới là quan niệm ăn sâu bén rễ trong xương tủy.
Từ nhỏ y đã biết Công chúa sẽ là thê tử của y, nhưng Công chúa cũng là Quân, y là thần, việc y kính trọng Công chúa vốn nên là như thế.
“Với ngươi, đạo phu thê là gì?” Tạ Huy Chân hỏi.
Tiêu Nghiễn Ninh suy nghĩ trong giây lát, trả lời hắn: “Thần sẽ kính trọng, yêu thương Công chúa, dùng hết tất cả khả năng đối xử tốt với Công chúa, chỉ nguyện cùng Công chúa cử án tề mi, bạch đầu giai lão.”
Lời nói của y chân thành, trong nét mặt cũng không có lấy nửa phần giả dối.
Tạ Huy Chân lại hỏi: “Sự kính trọng và yêu thương của ngươi dành cho bản cung, là bởi vì bản cung là thê tử của ngươi, hay là bởi vì con người này của bản cung?”
“Thế tử, ngươi biết bản cung là dạng người thế nào không? Và ngươi có từng suy nghĩ thử xem ngươi muốn một thê tử như thế nào không?”
“Nếu bản cung không cùng một kiểu với những gì ngươi vốn mong muốn, ngươi vẫn sẽ kính trọng và yêu thương bản cung sao?”
Tiêu Nghiễn Ninh không biết nên nói thế nào.
Y có từng suy nghĩ đến, cũng từng nghe rất nhiều người nhắc đến Công chúa, trong đầu y thấp thoáng có một bóng hình mờ nhạt, nhưng lại rất khó trùng lặp với người đang nói chuyện ở trước mặt, cho nên y không nói ra thành lời được.
Tạ Huy Chân chắc nịch nói rằng: “Ngươi không thích bản cung, ngay cả diện mạo của bản cung như thế nào ngươi cũng chưa từng nhìn thấy, nói xem thích cái gì?”
Tiêu Nghiễn Ninh khó khăn lên tiếng đáp lời: “Thần không biết.”
Tạ Huy Chân gật đầu: “Ngươi rất thành thực, đây là điểm đáng khen ngợi của ngươi.
Bản cung lại hỏi ngươi, ngươi có cho rằng bệ hạ lập nam hậu, không bố trí hậu cung, không cầu con nối dõi là trái với luân thường đạo lý hay không?”
Sắc mặt Tiêu Nghiễn Ninh thoáng dao động: “Thần không dám tùy tiện bàn chuyện của bệ hạ.”
Tạ Huy Chân: “Nơi này không có người nào khác, lời ngươi nói sẽ không truyền ra ngoài, có cái gì mà không dám?”
Tiêu Nghiễn Ninh trầm mặc không nói.
Tạ Huy Chân hiểu ra từ trong biểu cảm của y: “Ngươi cảm thấy là như vậy.”
Tiêu Nghiễn Ninh đứng thẳng người lên, chắp tay khom lưng xin tạ tội.
Giọng Tạ Huy Chân không còn nhiệt tình nữa: “Bản cung mệt rồi, mời Thế tử về đi.”
Tiêu Nghiễn Ninh cảm thấy bản thân hẳn là nên nói thêm điều gì đấy nhưng y không tài nào mở miệng được, cuối cùng cũng chỉ có thể hành lễ rồi cáo lui.
Cánh cửa phòng sau lưng đóng lại, y đứng ngẩn ngơ dưới mái hiên một lúc, thở dài bất lực sau đó mới nhấc chân rời đi.
Trong phòng, nội thị thêm đầy nước vào ly cho Tạ Huy Chân, nhỏ giọng bẩm báo: “Thế tử gia đã đi rồi ạ.”
Cẩn thận từng li từng tí để ý đến biểu cảm của Tạ Huy Chân, nhưng lại nhìn thấy trên khuôn mặt Tạ Huy Chân lại không hề có nét khó chịu nào, ngược lại nhìn qua trông khá là vui vẻ.
Tạ Huy Chân đặt chén trà xuống, đứng dậy đi đến bên cửa sổ, tiện tay gẩy đóa hoa thanh lương trà[6] xinh đẹp ló vào trong phòng.
Cầm nó ở trong tay ngắm nhìn một hồi, hắn hỏi nội thị ở bên cạnh: “Ngươi nhìn đóa hoa này, nó cùng với những đóa hoa trên đầu cành ngoài phòng kia có cái gì không giống nhau?”
Nội thị rướn cổ ra bên ngoài nhìn thử, do dự nói rằng: “Đóa hoa trong tay của điện hạ nhỏ hơn một chút, không được bắt mắt như những đóa hoa trên cây ạ.”
Khóe môi Tạ Huy Chân cong lên: “Ngươi nói không sai, nhưng những đóa hoa tuân theo lẽ thường mà nở trên cành đó dù có đẹp hơn nữa cũng chỉ có thể ngắm nhìn từ xa, có ý nghĩa gì kia chứ?”
Nội thị không hiểu lời nói của Tạ Huy Chân: “… Vậy thì giữ lại đóa hoa này trong tay điện hạ người ạ?”
Tạ Huy Chân buông tay: “Nhưng cô chỉ nhìn trúng một đóa hoa đó thôi, nếu như nó không bằng lòng cô, cô nghĩ cách bẻ xuống thì nó sẽ phải là của cô.”
Cõi lòng nội thị thoáng rét lạnh, cúi đầu không dám tiếp lời nữa.
Chú thích:
1.
Về bào sam (袍衫): vì không biết tác giả dựa vào bối cảnh của thời đại nào nên mình tìm hình theo mắt nhìn của bản thân thôi:img
Còn về màu thiên thanh (天青色) thì mình nghĩ chắc là mã màu #8DD4E8. ↑
2.
Quan Âm Tống Tử là tượng Phật Quan Âm bế một (có nơi là hai) đứa trẻ, được biết đến là một vị Bồ Tát có thể ban phước cho những gia đình hiếm muộn hoặc mong muốn có con trai. ↑
3.
Hộ chỉ sáo hoặc hộ giáp sáo, là cái mà những người phụ nữ ngày xưa hay đeo lên ngón tay để bảo vệ phần móng tay được nuôi dài.
Mọi người đều biết rằng hộ chỉ sáo xuất hiện trong phần lớn các bộ phim truyền hình hậu cung thời nhà Thanh, nhưng có rất nhiều người lại phớt lờ việc thứ này đã từng xuất hiện rất sớm ở thời nhà Minh, chỉ là đến thời nhà Thanh thì các phi tần trong hậu cung sử dụng thứ này vô cùng phổ biến. ↑img
4.
Đồng phó: người hầu nhỏ tuổi (trẻ em nuôi trong nhà làm người hầu). ↑
5.
行揖礼 gọi là hành ấp lễ, chào như thế này ↑img
6.
秋花 (thu hoa): thanh lương trà hay còn gọi là cây hoa thu, thực quả, lê đá, mã gia mộc.
Tìm hiểu thêm về loại cây này ở đây.
Còn đây là hoa thanh lương trà: ↑img.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook