Đã Từng Bỏ Lỡ
-
Chương 4
Chả biết có phải trên xe chú bênh Bông nên giờ con bé đâm ra thích chú không.
Nhưng sự thật là cả bữa cơm tối đó, Bông chỉ hỏi tôi về một chủ đề duy nhất và tất nhiên, nó liên quan tới chú.
– Mẹ ơi! Ông đó quen mẹ ạ?
Tôi xé nhỏ thịt rồi bỏ vào bát cho con:
– Quen một chút con ạ.
– Một chút là em Bông có thể đến gần được không?
Với tôi chú vẫn là một người đáng để mẹ con chúng tôi yêu thương và kính trọng.
Thật tình, tôi không muốn con mình xa lánh chú.
– Ừ! Con có thể đến gần.
Nghe tôi nói vậy, có 1 bạn nhỏ lập tức cười tít cả mắt:
– Em Bông rất thích ông hôm nay đó mẹ.
Mai mốt, mẹ rủ ông vào nhà chơi với em Bông nhé.
– Mẹ biết rồi.
Nhưng mà em Bông phải ngoan, phải nghe lời mẹ biết chưa?
– Vâng ạ! Em Bông sẽ ngoan, sẽ nghe lời mẹ ạ.
– Vậy thì em Bông ăn cơm nhanh lên.
Để chứng minh cho tôi biết con bé nói được làm được, Bông lập tức nhét 1 muỗng cơm thật to vào miệng rồi nhai ngon lành.
Vừa ăn vừa cười giòn tan.
Tôi chỉ là dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ con nít, chú bận rộn như thế, sức mấy mà gặp mẹ con chúng tôi hoài được.
Nhưng thật không ngờ, vài hôm sau đó, khi tôi đang ôm con về phòng thì lại gặp chú trong chính dãy trọ của mình.
Ở công ty thì chúng tôi chẳng trò chuyện gì nhiều.
Ngoài công việc ra, cả hai rất ít khi nói việc riêng.
Có lẽ vì lâu quá không gặp nên giữa đôi bên đã bắt đầu có khoảng cách.
Bởi lẽ đó, giờ phút này, dù là người cùng chú ở trong 1 phòng 8 đến 10 tiếng mỗi ngày.
Nhưng tôi vẫn chẳng tài nào hiểu được sự hiện diện của họ tại đây.
Không lẽ chú đến tìm mẹ con tôi?
Trái ngược với sự mông lung từ tôi, Bông lại rất thích thú với điều này.
Dù đang nắm tay mẹ nhưng chân nó lại chả khác nào cái lò xo, nhúng nhúng như muốn phi đến bên người kia ngay và luôn vậy.
Mới gặp một lần, làm gì mà nó như fan cuồng thế không biết.
– Mẹ ơi! Ông kìa.
– Mẹ biết rồi con ạ.
– Mẹ lại nói chuyện với ông đi.
Tôi định mắng con yêu tinh nhỏ lắm chuyện này thì chú từ lúc nào đã đến chỗ mẹ con tôi.
– Chào hàng xóm.
Ngay tức khắc tôi liền mắt chữ a, mồm chữ o:
– Chú… Chú nói gì ạ?
– Tôi mới chuyển tới đây.
Sau này làm phiền hai mẹ con rồi.
Tôi nuốt một ngụm nước bọt:
– Chú… Chú sẽ ở đây ạ?
– Không được sao?
– Không phải, chỉ là cháu hơi bất ngờ.
Tôi bảo vậy là nói giảm nói tránh đấy, chứ giờ thật tình là bản thân đang rất sốc.
Sao chú có thể sống ở đây? Một nơi chật chội, chẳng đầy đủ tiện nghi.
Tôi nhớ ngày xưa, ở khách sạn 3 sao mà chú đã chê ỏng chê eo rồi.
Cái nơi mùa hè nóng như lửa lò, mùa đông thì lạnh tê tái.
Có lực hấp dẫn gì khiến chú phải ở lại.
Hẳn là chú không thiếu tiền.
Chả nhẽ giờ người giàu thích trải nghiệm như mấy bộ phim truyền hình.
– Đến giờ cơm rồi nhỉ, hai mẹ con đã ăn chưa?
Tôi chưa kịp nói gì thì con bé mê trai kia đã nhanh nhảu ghi điểm trước:
– Em Bông với mẹ chưa ăn ông ạ.
– Muộn như vậy mà chưa ăn à?
Chú tất nhiên là hỏi tôi nhưng con bé nào đó lại tiếp tục cướp lời mẹ:
– Dạ! Hôm nay em Bông với mẹ muộn xe buýt.
– Vậy giờ về nấu cũng trễ rồi, hay để tôi đưa mẹ con đi ăn.
Bông nghe vậy thì vươn vai, cười khúc khích:
– Yeah… Yeah…
Tôi hạ tay con xuống răng đe:
– Bông, mẹ đã cho phép con chưa?
Thấy tôi có ý quở trách, Bông mới bí xị mặt đáp:
– Em Bông sai rồi ạ.
– Em Bông thích ăn cơm ngoài hay ăn cơm mẹ nấu?
Con tôi xu nịnh ôm lấy mẹ, thủ thỉ:
– Dạ, em Bông thích ăn cơm mẹ nấu.
Nghe vậy tôi mới cảm thấy hài lòng, vừa ôm con vừa nói:
– Không cần đâu chú, bụng Bông hơi yếu, ăn lạ bên ngoài rất dễ bị khó tiêu.
Thôi để con về nấu cho bé ăn là được rồi ạ.
Chú gật đầu, tỏ ý không phản đối nhưng từ ngữ thốt ra lại khiến tôi lạnh sống lưng:
– Trừ lương.
– Sao ạ?
– Tôi nói một là đi ăn, hai là trừ lương.
– Ơ! Con có làm gì sai đâu ạ?
– Lãnh đạo cần trao đổi công việc nhưng lại không chịu đi, trừ lương.
– Lúc nãy chú có nói thế đâu.
– Giờ nói được chưa.
Tôi còn con nhỏ, cuộc sống cũng bộn bề, rất nhiều khoản phải chi.
Lương bổng chả khác nào máu chảy trong người, duy trì sự sống cho mẹ con tôi cả.
Giờ mà bị trừ lương thì Bông mất mấy hộp sữa.
Tôi làm sao nỡ.
– Con nghĩ lại rồi chú ạ.
Phải tập cho Bông ăn thêm nhiều món.
Sau này lớn còn tự lập, không phải lúc nào con cũng bên cạnh chăm sóc bé được.
– Ừ! Vậy tôi đi lấy xe.
Khu trọ này vốn rất chật chội, từ trước ra sau, không có nổi một mảnh đất rộng.
Tôi thật tình không biết chú đã đậu chiếc xe đắt tiền của mình ở chỗ nào nên hỏi:
– Xe chú ở đâu thế ạ? Dạo này trộm cướp nhiều lắm đó chú.
Cẩn thận không mất xe đấy ạ.
– Ừ! Tôi thuê nhà bà chủ trọ để đậu xe rồi.
Không sao đâu, bà ấy còn quảng cáo nhà có tận 2 con chó husky, đảm bảo là an toàn.
Nhà bà chủ trọ thì khỏi bàn, cái nhà hai tầng, chểnh trệ nhất xóm, khuôn viên rộng rãi, chó cũng hạn dữ có tiếng.
Xe chú gửi bên đó thì tôi yên tâm rồi.
Chỉ là lòng tham của bà ấy cả cái dãy trọ này ai chả biết, hẳn là số tiền chú bỏ ra sẽ không hề nhỏ.
– Chú! Tại sao chú lại đến đây sống vậy ạ?
– Tôi thích.
– Từ bao giờ sở thích của chú lại trở nên kỳ quặc thế?
– Vậy từ bao giờ tôi lại phải lên chức ông thế?
– Thì… Bởi… Mà Câu hỏi của chú chẳng liên quan tẹo nào đến vấn đề con nói cả.
– Tôi không cần liên quan, tôi chỉ cần câu trả lời.
Trả lời tôi đi.
Tôi biết phải trả lời như thế nào cho thỏa đáng cơ chứ.
Không lẽ lại khai ra sự thật.
Miệng của tôi đâu dễ cạy như thế.
– Không nói được thì đi ăn cơm.
Đứng đó thay đổi được gì.
Nói rồi chú gọi điện cho bà chủ, đi lấy xe đưa mẹ con tôi đến một nhà hàng gần đó.
Từ lúc sinh ra tới giờ, đây là lần đầu tiên Bông được đến nơi sang trọng như thế này nên cứ mắt tròn mắt dẹt, vừa wow wow thích thú vừa hỏi đủ thứ.
Chú có lẽ là hơi mệt với sự tò mò của con tôi nên đi trước chọn bàn, để tôi ôm con đi sau giải đáp 10 vạn câu hỏi vì sao của bé.
Chú đi rồi, Bông mới bắt đầu lộ bản chất có mới nới cũ, ngồi trên tay tôi nhưng bé luôn miệng hỏi về người còn lại:
– Ông có tên không ạ?
– Có chứ con.
Ai cũng được ba mẹ đặt tên hết em Bông nhé.
– Ông tên gì vậy mẹ?
– Ông tên Tùng.
– Ông Tùng có thích em Bông không vậy mẹ?
Bông từ bé đã ít người thân nên khá nhạy cảm.
Tôi sợ con buồn thành thử nói bừa cho nó vui.
Tôi véo má em một cái, cưng nựng đáp:
– Em Bông đáng yêu mà, ai cũng thích em bông hết.
Con bé nghe như thế thì khoái chí cười khì khì.
– Mẹ ơi! Sau này ông với em Bông có thể chơi với nhau không?
Tôi nhìn trộm bóng lưng chú 1 cái rồi quay lại bảo con:
– Mẹ nghĩ chắc là được.
Bông nghe tôi nói đến đây thì đòi tụt xuống:
– Mẹ thả em Bông xuống đi, em Bông lớn rồi, em Bông tự đi được.
Tôi làm theo lời con, thả bé xuống, định nắm tay nó thì nó lại 3 chân 4 cẳng chạy lại người đang đi trước chúng tôi vài bước.
– Ông Tùng ơi! Ông Tùng nắm tay em Bông đi.
Chú nhìn con tôi vài giây, sau cùng thì cũng xoè tay ra, Bông ngay lập tức lồng tay vào rồi lắc qua lắc lại.
– Em Bông thích ông Tùng lắm.
Trời ạ! Con tôi đang làm cái gì thế kia.
Nó là đang gạ gẫm chú à? Tôi nhanh chân đi lại chỗ con rồi hỏi:
– Đi nãy giờ rồi, có mỏi chân không con?
Nó quay lại nhìn tôi gật đầu:
– Dạ, hơi mỏi rồi ạ.
Tôi định nói là: “ Để mẹ bế con.” thì bé nhà tôi lại nhanh miệng nói:
– Ông Tùng ơi! Hay ông bế em Bông nhé.
Đấy! Có yêu nghiệt không cơ chứ.
Thấy chú chưa có động tĩnh gì thì nó lại ấm ức:
– Ông Tùng ghét em Bông hả? Ông Tùng không muốn bế em Bông ạ?
Nó vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
Chú hết cách đành phải bế Bông lên.
Tôi biết là chú vốn không thích trẻ con.
Nãy giờ chắc đã phải nhún nhường lắm rồi.
– Chú đưa Bông con bế cho.
Chú không có ý định đưa Bông cho tôi, chỉ thẳng thừng đáp:
– Con bé này nhìn thế mà nặng phết.
– Dạ?
Chú nói vậy là ý gì? Chê con tôi nặng nhưng lại không chịu trả nó cho tôi.
Ông chú của tôi vẫn khó đoán như ngày nào.
– Để tôi bế cho.
Nãy giờ bế nó chắc cũng mỏi tay nhỉ?
– Không sao đâu chú, con của con mà, con không thấy mỏi.
Tôi giơ hai tay ra định đón con nhưng ai kia đã mang con tôi đi đến chiếc bàn gần đó rồi.
Chú đặt Bông lên ghế, bông vẫn rất chi là mê trai mà nói:
– Em Bông muốn ngồi bên cạnh ông Tùng.
Chú không đáp con tôi nhưng thật sự đã ngồi bên cạnh nó.
Tôi sợ con nít ăn uống không được gọn gàng sẽ làm bẩn quần áo đắt tiền của chú, cho nên vội vội vàng vàng lại chỗ con:
– Em Bông qua đây ngồi cùng mẹ nào.
Bông thế mà hôm nay từ chối tôi ngay lập tức:
– Không ạ.
Em Bông thích ông Tùng.
Em Bông muốn ngồi với ông Tùng.
– Nhưng mà con làm sao gắp được thức ăn xa.
Qua với mẹ, mẹ gắp đồ ngon cho em Bông.
Bông lắc đầu nguây nguẩy, nhất quyết bỏ mẹ theo trai cho bằng được.
Tôi hết cách, định dùng cưỡng chế với con thì chú lại nói:
– Thế thì qua đây ngồi luôn đi.
Nó đã không thích, ép nó, nó lại khóc toáng lên thì phiền phức.
Chú đã lên tiếng như vậy, tôi có muốn làm trái ý cũng chẳng được nên đành thuận theo.
Bông nhà tôi có vẻ rất thích đội hình này.
Nó ngồi giữa, bên cạnh sẽ có tôi và chú.
Đột nhiên đang ăn, bé lại nói:
– Em Bông ước gì ngày nào cũng được ngồi ăn như thế này, thích cực.
Tôi hơi giật mình với lời nói của Bông.
Dù biết là trẻ con vô tư nhưng điều này làm bản thân chột dạ vô cùng.
Cũng tại tôi không làm tròn trách nhiệm, khiến con tôi thiếu thốn tình cảm, thế nên gặp ai nó cũng muốn sáp vào, gặp ai cũng muốn thân thiết.
– Bông này, con không được nói như thế.
Con bé tròn mắt nhìn tôi:
– Tại sao lại không được ạ?
Tôi không biết phải giải thích với con như thế nào nhưng cơ bản nó là một đứa trẻ, sao cảm được những suy nghĩ của người lớn.
Chú có gia đình của chú rồi, kè kè bên mẹ con tôi như thế này, rất dễ bị hiểu lầm.
Trong lúc tôi đang tìm cách diễn đạt cho con dễ hiểu hơn thì từ đâu, có một anh nhân viên đi đến.
– Em chào anh chị.
Tôi gật đầu đáp anh ta:
– Vâng.
– Hiện tại nhà hàng chúng tôi đang có chương trình chụp ảnh cho những gia đình đến ăn.
Chụp hình á? Vậy là ba người chúng tôi sẽ chung một khung hình.
Không được, thế thì ám muội quá.
– Dạ thôi ạ, chúng tôi không chụp đâu.
Anh nhân viên vẫn rất nhiệt tình mặc tôi từ chối, anh nói:
– Cái này là trong chương trình mừng 5 năm sinh nhật nhà hàng nên hoàn toàn miễn phí.
Hình chụp sẽ in làm 2 tấm, 1 tấm gửi cho anh chị làm kỷ niệm.
Em thấy gia đình mình ai cũng lung linh như thế này.
Lên hình chắc chắn là rất đẹp.
Nếu được chọn để treo trong nhà hàng thì còn có thể nhận được quà đó ạ.
Bông bên cạnh tôi lúc này cũng níu áo mẹ thủ thỉ:
– Mẹ ơi! Em Bông thích chụp hình.
Được con bé kia mở đường nên anh phục vụ lại càng có cớ nói tiếp:
– Bé đã thích như vậy hay là mình cứ thử đi ạ.
Đẹp thì bọn em in ra, không thì thôi cũng được.
– Em Bông thích hình gia đình.
Tôi đang muốn từ chối mà Bông cứ phá đám khiến bản thân rất khó xử.
Con bé này, đúng là chiều quá sinh hư mà.
Tôi hắng giọng, quở trách con:
– Bông! Im ngay.
Có tin mẹ tét mông không?
Bông bị tôi răng đe thì mới biết sợ.
Nó buông đũa, hai tay tự giác vòng lại, mắt cũng đã ngập nước:
– Em Bông không chụp hình nữa đâu.
Mẹ đừng tét mông em Bông.
Nhìn bộ mặt hối lỗi của con, tôi cũng không nỡ làm bé sợ nên gỡ tay con ra.
Hạ giọng:
– Được rồi.
Con ngồi ngay ngắn rồi ăn đi.
Bông nghe vậy thì lập tức lau nước mắt rồi cầm muỗng lên, vừa múc cơm vừa nói:
– Vâng ạ.
Tôi đã đinh đinh như vậy, anh nhân viên kia cũng cảm thấy ngại nên muốn rời đi:
– Vậy em không làm phiền anh chị với cháu nữa.
Như vậy từ sớm có phải là tốt rồi không.
Hại hai mẹ con tôi bất hòa nãy giờ.
Ngay lúc tôi nghĩ anh trai kia sẽ trả sự yên bình cho chúng tôi thì chú lại lên tiếng :
– Khoan!
Anh nhân viên nghe chú gọi thì quay người lại:
– Có việc gì nữa ạ?
– Chụp đi!
Anh trai ấy không hiểu gì nên nghệt mặt ra:
– Dạ?
– Tôi nói là chụp đi.
– À dạ nhưng mà chị nhà…
Anh ta khéo léo đưa mắt qua tôi, hẳn là không muốn phật lòng bất kì ai cả.
– Không sao, cô ấy nghe theo tôi.
Được chú củng cố thêm lòng tin thì người kia gật gật rồi vui vẻ gọi anh thợ chụp hình đến.
Bị gạt bỏ ý kiến như vậy, tôi tất nhiên là cảm thấy chạnh lòng.
Đúng là trước đây tôi vốn rất nghe lời.
Chú bảo sao nghe đấy, bảo đông đi đông, bảo tây đi tây.
Nhưng giờ tôi cũng đã là một người phụ nữ trưởng thành, cũng làm mẹ trẻ con rồi.
Thế mà chú vẫn muốn quyết định cuộc sống của tôi.
Mẹ thì ấm ức không cười được nổi, liên tiếp bị anh thợ chụp nhắc nhở còn con tôi lại vui còn hơn tết, cười hoài không biết mỏi miệng luôn.
Thậm chí lúc nhận ảnh nó còn đòi giữ, tôi sợ em còn bé, không biết giữ đồ sẽ làm hư.
Ấy thế mà con tôi lại giữ gìn rất kỹ, nó đòi tôi mua khung bỏ vào rồi tối nào đi ngủ cũng lấy ra ôm.
Tôi nhìn con như vậy, đột nhiên lại thấy nghẹn lòng.
Nó luôn khao khát về 1 gia đình có nhiều hơn 2 mẹ con tôi.
Chỉ tiếc, cái gì tôi cũng có thể cố gắng bù đắp cho con, trừ việc cho em nhận lại ba..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook