Dạ Cậu Em Là Mùa!
-
Chương 30
Gỡ ngải xong cũng đến gần sáng, thầy kêu chị Hồng chạy ra chợ mua cho tôi sợi dây chuyền bạc rồi thầy làm phép lên dây chuyền cho tôi đeo.
Đưa dây chuyền cho tôi, thầy nói:
– Đeo trong vòng nửa năm, tắm cũng không được tháo ra, cô hiểu chưa.
Tôi gật đầu, tay sờ sờ lên sợi dây chuyền, khẽ nói:
– Trước con cũng được một vị thầy cho đeo sợi dây chuyền bằng chỉ đỏ, tự dưng mất sợi dây chuyền là con bị vậy luôn.
Thầy nhìn tôi, trầm ngâm hỏi:
– Mất khi nào?
– Dạ chắc là hai tuần trước…
Thầy gật đầu, lời nói có chút ý vị sâu xa:
– Cô cũng nên coi lại các mối quen biết, người hại cô chưa chắc đã hại được cô, người không hại cô… lại chắc chắn sẽ hại được cô.
Tôi nhìn thầy, trong lòng có chút mông lung không rõ lắm, cả ông Năm và cậu Ba đều nhìn nhau với ánh nhìn sâu xa không rõ ý tứ.
Thấy tôi có hơi căng thẳng, thầy lại dặn dò:
– Cô vừa mới trải qua kiếp nạn nên nghỉ ngơi nhiều, thời điểm này cơ thể cô rất yếu… làm chuyện gì cũng nên cẩn thận.
– Dạ con hiểu rồi thầy.
Dặn dò tôi thêm vài chuyện nữa, thầy mới có ý định rời đi, trước lúc đi, thầy có nói với tôi thế này:
– Tôi không hay cứu người nhưng tôi cứu cô là vì tôi chưa từng thấy có người sống nào mà được nhiều người âm phù hộ đến như vậy.
Đáng lý tôi không đến được đây đâu, cũng may cho cô… có người đến tìm tôi rồi dẫn đường cho tôi đi cứu cô.
Tôi ngỡ ngàng thật sự:
– Là ai hả thầy? Người đó… là ai?
– Tôi không biết, tìm được đến đây thì những người đó cũng biến mất.
Cô cứ biết vậy là được rồi, khỏe lại thì mua đồ cúng tạ lễ cảm ơn người ta, hiểu chưa?
Tôi gật gật, trong lòng lại thấy hoang mang thêm một lần nữa.
Tôi không ngờ, tôi vậy mà được nhiều “người” yêu thương và muốn bảo vệ mạng sống của tôi đến vậy.
Kiếp này… cha mẹ sống có đức, con cái như tôi mới được ban lộc như thế này.
Thầy nói xong, lại quay ra chào từ biệt mọi người trong nhà, cậu Ba muốn gửi tiền cho thầy nhưng thầy không nhận.
Thầy chỉ xin cậu một ít tiền để về xe, vỏn vẹn chỉ 3 trăm ngàn chứ không lấy thêm.
Trước lúc rời đi, ông Năm có hỏi tên và danh tính của thầy, thầy nghe thấy nhưng chỉ lắc đầu nhàn nhạt nói lại một câu:
– Không danh không tính… tôi cứu cô gái kia chỉ vì nhất thời thấy tò mò… tôi đi trước, cảm ơn gia chủ đã tiếp đãi nhiệt tình.
Ông Năm thoáng sững người rồi như thông suốt ra, ông cho bác Thạch đi theo tiễn thầy ra cổng.
Tôi ngồi trên ghế, bất giác nhìn theo bóng lưng cao gầy của thầy, trong lòng có chút tiếc nuối, tôi vội chạy theo thầy ra đến cổng.
– Thầy… thầy đợi con một chút.
Nghe tiếng tôi gọi, thầy khẽ dừng bước:
– Có chuyện gì nữa hả cô gái?
Tôi nhìn người đàn ông trung niên trước mặt, tôi vội vàng nói:
– Con cảm ơn… con cảm ơn thầy nhiều lắm…
Thầy nhìn tôi, chân mày khẽ cau chặt lại, vẻ dữ dằn không giảm đi chút nào.
– Cô đã cảm ơn tôi rồi, giờ đuổi theo tôi chỉ để nói lời cảm ơn?
Tôi có chút lúng túng:
– Dạ con… con…
Thấy tôi sượng mặt thật, thầy mới dịu giọng xuống:
– Thôi được rồi, tôi nhận lòng thành của cô… cẩn thận một chút, không phải ai cũng may mắn được như cô đâu, cô vào trong nghỉ ngơi đi.
Tôi mím môi nhìn theo thầy, lại không nhịn được mà nói cảm ơn thêm một lần nữa.
Lần này thì thầy không trả lời cũng không quay lại, ông ấy cứ thế đi thẳng ra cổng rồi lên xe ôm chở ra bến phà.
Tôi và bác Thạch nhìn theo mãi, mãi đến khi không còn nhìn thấy được nữa, tôi mới thôi.
Bác Thạch vỗ vỗ vai tôi, ông khẽ nói:
– Nhìn vậy, ai nghĩ ông ấy là thầy đâu… thôi, mày vào trong nghỉ ngơi đi con, đi.
Tôi gật gật rồi theo bác Thạch đi vào trong, mặc dù thầy ấy không nói tên nhưng ơn đức này… cả đời tôi xin khắc ghi mãi không bao giờ quên!
……………………..
Xong mọi việc, tôi vào trong phòng nghỉ ngơi, quả thực lúc này tôi mệt thật sự, cả người như rã ra vậy, có muốn ngồi lâu cũng không chịu đựng nổi.
Chị Hồng ép tôi ăn chút cháo rồi mới cho tôi ngủ, mà công nhận có chút gì đó lót dạ, ngủ cũng ngon hơn hẳn.
Tôi ngủ suốt từ sáng tới trưa, trưa dậy uống ly nước lọc xong rồi ngủ tiếp.
Lúc tôi ngủ tôi có nghe loáng thoáng được tiếng cô Uyển nói chuyện với chị Hồng, mà vì say ngủ quá nên tôi không nghe được họ đang nói gì, chắc là cô Uyển muốn tìm tôi để hỏi thăm sức khỏe.
Ngủ mê man như người không được ngủ cả chục năm vậy, mãi cho tới khi có tiếng gọi dậy, kèm theo đó là cái xoa xoa má nhẹ nhàng, tôi mới từ từ mở mắt.
Đập vào mắt tôi đầu tiên là hình ảnh cậu Ba đang cười nhìn tôi chăm chú, hai mắt chớp chớp… nụ cười này… đẹp thật sự.
– Dậy được rồi… em định ngủ đến sáng mai à?
Tôi nhìn cậu, có chút đỏ má, lại nghĩ đến việc mình vừa ngủ dậy, đến đánh răng còn chưa kịp đánh nên tôi có chút tiết chế không dám há miệng to:
– Em… dậy rồi nè cậu.
– Dậy đi, tôi có dặn dì Tư nấu canh gà hầm cho em, bước lá bưởi cũng nấu sẵn rồi… em dậy tắm rửa ăn cơm rồi muốn ngủ gì đó thì ngủ.
Tôi gật gật đầu, lí nhí nói:
– Em biết rồi… em dậy liền đây.
Nói rồi, cậu Ba kéo tôi dậy, lại như sợ tôi yếu đuối quá mà đi không nổi hay sao đó, cậu cứ canh chừng ở sau lưng tôi.
Thấy cậu cứ dang tay canh chừng, tôi có chút buồn cười, nói:
– Cậu… em đi được mà, không có té đâu mà cậu canh.
Cậu Ba chau mày, thái độ rất nghiêm túc:
– Tôi nhìn thấy em đêm qua… tôi bị ám ảnh cả ngày hôm nay.
Cẩn tắt vô áy náy, như vầy tôi yên tâm hơn.
Những lời này hoàn toàn là lời nói thật lòng, nhìn cái nhăn mày của cậu, cả ánh mắt kiên định kia nữa… thật sự không có một chút nào là giả dối cả.
Tự dưng, trong lòng tôi thấy mềm nhũn ra, như là có một dòng nước ấm đang chảy trong cơ thể tôi vậy… ấm áp vô cùng.
Tôi nhìn cậu, trấn an:
– Em không sao thiệt mà cậu… nếu mà em có không khỏe em sẽ nói.
Em đâu phải người thích tự ngược đâu, em đau ở đâu hay là mệt chỗ nào, em nhất định sẽ nói mà.
Cậu Ba có hơi không yên tâm, cậu nhăn mày hỏi lại:
– Có chắc là em sẽ nói không?
Tôi gật đầu chắc nịch:
– Chắc, cái miệng em oang oang suốt ngày, mấy lần bệnh hay là mệt, em đều khóc kể với dì Tư hết mà…
Cậu Ba nhìn tôi chăm chú, mấy giây sau, tôi mới thấy chân mày cậu giãn ra, cậu khẽ gật gật:
– Nếu vậy thì được… có chuyện gì phải nói cho tôi biết.
Tôi không muốn mình là người sau cùng biết chuyện của em nữa đâu… chỉ một lần này thôi đó, hiểu chưa?
Lại cười, tôi gật:
– Em hiểu rồi… kể từ bây giờ, chỉ cần là đau bụng hay là sốt cảm ho sổ mũi gì gì đó… em đều chạy tới báo cho cậu biết trước.
Cậu thấy như vậy có được chưa… cậu Ba?
Đưa tay véo nhẹ lên mũi tôi, cậu nhoẻn môi cười rất dịu:
– Được.
– Vậy giờ em… đi tắm nha?
Nghe tôi nói muốn đi, cậu lại vội vàng hỏi:
– Có cần tôi dìu…
Tôi phì cười:
– Cậu Ba… em khỏe… chỉ là đi tắm thôi… là đi tắm bình thường thôi mà…
Cậu Ba gật gù, tay ra hiệu dấu “OK”:
– Ok ok, em đi đi, tôi lên nhà trước.
Thấy cậu chịu để yên, tôi mới nhanh chân lấy quần áo đi vào phòng tắm.
Dì Tư thấy tôi ra, dì lật đật lấy nước pha cho tôi, còn không quên dặn dò tôi đừng có tháo sợi dây chuyền đang đeo trên cổ xuống.
Tắm rửa xong xuôi lại thấy khỏe ra hẳn, vừa mới bước chân ra khỏi phòng tắm, thấy dì Tư đứng canh chừng mà tôi giật mình.
– Dì… sao đứng đây, đừng nói là rình con tắm nghen?
Dì Tư vả nhẹ lên tay tôi, dì càm ràm:
– Tao đâu phải biếи ŧɦái biến ơ đâu mà rình mày, mày làm như mày đẹp lắm không bằng… lép thấy bà mà bày đặt…
Ngừng một chút, dì lại nói, lần này có hơi nhỏ tiếng:
– Là cậu Ba kêu tao canh chừng mày, cậu sợ mày tắm mày té ở trỏng… thiệt khổ cho cái thân tao.
– Là cậu Ba kêu dì…
Dì Tư gật gù:
– Ờ, cậu Ba không kêu chứ tao đứng đây rình tế tao hay chi.
Chà… cậu Ba quan tâm mày dữ ha Mùa… có phải…
Thấy dì Tư tò mò, tôi vội lắc đầu, nói:
– Không có đâu, dì đừng nghĩ bậy bạ… không có đâu.
– Ui, tao hỏi chơi vậy thôi chứ tao biết hết… cậu Ba tao chăm sóc lâu rồi nên tao rành lắm, mày có chối tao cũng biết hết hà.
Nói tới đây, dì lại cười, nụ cười hiền khô:
– Cậu Ba thấy vậy chứ thiệt tình với tốt tính lắm, mày với cậu có tới được với nhau thì tao cũng mừng… cái này tao nói thiệt.
Thôi, cậu Ba đợi mày ở phòng ăn kìa, vô nhanh đi để cậu đợi lâu.
Tôi ngạc nhiên:
– Đợi con chi vậy dì Tư? Giờ này… chưa tới giờ hầu cơm mà.
– Cậu biểu tao nấu gà hầm thuốc bắc cho mày, sợ mày không ăn, cậu kêu tao đem vô trỏng rồi khi nào mày tắm xong thì kêu mày vô ăn.
– Dạ….
Đợi dì Tư đi vào trong, tôi ở đây liền nhảy nhót vì suиɠ sướиɠ, ui chu choa… cậu Ba ơi là cậu Ba, sướng chết đi được mà.
………………….
Đúng thiệt như những gì dì Tư nói, cậu Ba ép tôi ăn rất nhiều, lại còn ngồi canh sợ tôi bỏ mứa giữa chừng nữa chứ… thiệt là…
Tôi ngồi nhìn cái đùi gà trong chén, tôi ngán ngẩm nói:
– Cậu… em thật sự ngán lắm rồi… để tối em ăn nữa có được không? Được không cậu?
Cậu Ba nhìn nhìn vào chén tôi, cậu càu nhàu:
– Còn có chút em ăn hết luôn đi.
Tôi khóc lóc:
– Em ăn hết nổi rồi… em no lắm rồi đó cậu, em mà ăn nữa là bể bụng luôn.
– No thiệt phải không?
Tôi gật đầu lia lịa:
– No thiệt… vô cùng no luôn, không tin cậu nhìn bụng em coi.
Vừa nói tôi vừa đứng dậy rồi ểnh bụng ra cho cậu xem, thấy bụng tôi có vẻ tròn thật, cậu mới hài lòng mà gật gù:
– Vậy được, nếu em đói thì ăn thêm, phải ăn nhiều mới mau lấy lại sức.
– Dạ…
Tôi vừa dọn dẹp đồ ăn trên bàn, vừa hỏi:
– Cậu Ba… vài bữa nữa, cậu cho em về thăm cha em có được không, em muốn về thắp nhang cho mẹ em.
Cậu Ba hớp chút nước cam trong ly, cậu gật đầu nói:
– Được nhưng phải để em khỏe lại rồi hãy đi, giờ sức khỏe em còn yếu lắm, tốt nhất cứ ăn ngủ nghỉ đi rồi tính sau.
À còn chuyện này nữa, ngày mai, tôi kêu dì Tư đi chợ mua trái cây nhang đèn với thịt gà về cúng tạ lễ.
Ông nội đứng ra cúng cho em nên em yên tâm.
Tôi nhìn cậu, khẽ nở một nụ cười thật tươi, lời nói phát ra từ tận trái tim:
– Cậu Ba… cảm ơn cậu… cảm ơn cậu đã ở bên cạnh em.
Cậu Ba dịu giọng:
– Là chuyện tôi nên làm, tôi không muốn chỉ có tiếng mà không có miếng.
Chỉ cần em khỏe mạnh là được rồi, nhìn em như ngày hôm qua… tôi không chịu được.
Sau này có bất cứ chuyện gì xảy ra, người đầu tiên em nhớ tới… phải là tôi, em nghe rõ chưa?
Tôi gật đầu lia lịa:
– Rõ!
– Chà, có chuyện gì mà anh với Mùa nói chuyện rôm rả vậy?
Nghe tiếng của cô Uyển, tôi vội ngước nhìn lên, thấy tôi đang dọn dẹp chén bát, cô Uyển vội tranh làm giúp tôi:
– Em ngồi xuống đi, để cô làm giúp cho… ngồi xuống, ngồi xuống.
Nghe cô Uyển nói vậy, tôi vội từ chối:
– Dạ thôi cô, em làm được mà, mấy chuyện này là chuyện nhỏ… em ăn được em dọn được.
Cô Uyển nhìn chén bát trên bàn, cô hỏi lại một lần nữa:
– Có ổn không? Cô thấy em còn yếu lắm đó.
Tôi cười hề hề:
– Khỏe mà cô, ngủ nguyên một ngày em thấy đỡ hơn nhiều rồi.
– Nếu vậy thì được, cô cứ sợ em còn yếu…
Ngừng một chút, cô Uyển đột nhiên nắm lấy tay tôi, cô nói bằng giọng áy náy, mắt cũng không dám nhìn thẳng vào tôi:
– Hôm qua lúc tìm không được thầy, cô thiệt sự sợ lắm, cô với Luân không biết phải làm sao… trong lòng hai đứa cứ lo cho em ở nhà.
Phải khó khăn lắm Luân mới dám gọi về cho ông… lúc đó cô… cô thiệt sự hụt hẫng vô cùng.
Lúc nghe anh Lãnh nói em được cứu rồi, cô mới yên tâm mà đi về.
Lạy Trời có người cứu em… qua rồi… qua rồi, không sao nữa… không sao nữa hết.
Cô Uyển vừa nói vừa vỗ vỗ vào tay trấn an tôi, nhìn cô ấy lo lắng cho tôi tới vậy, tôi không biết phải cảm ơn cô Uyển như thế nào cho phải.
– Cô đừng nói vậy, cô với cậu Tư giúp em đi tìm thầy… nhiêu đó thôi cũng đủ để em mang ơn hai người suốt đời rồi.
Nhỡ mà em có không qua khỏi thì cũng là do số kiếp của em phải như vậy… không phải do cô với cậu Tư đâu.
Cậu Ba nghe tôi nói không qua khỏi, cậu chau mày liếc mắt nhìn tôi, ý tứ không vui chút nào.
Cô Uyển thấy cậu Ba cứ chau mày, cô cằn nhằn:
– Con bé chỉ nói vậy thôi chứ có phải là không qua khỏi luôn đâu mà anh nhăn mày nhíu mặt hoài vậy?
Cậu Ba nhàn nhạt cất lời:
– Anh không thích nghe em ấy nói như vậy, cứ nói gỡ là giỏi thôi.
Tôi mím môi nhìn cậu, trong lòng thầm mắng tên này sao khó tính quá.
Chỗ chị em người ta nói chuyện, cậu cứ ở đó mà xét nét hoài.
– Anh bớt khó tính đi được không, cứ cau có như vậy… anh không sợ con gái nhà người ta chạy mất à?
Cậu Ba nhìn tôi chăm chú, có chút tự đắc, nói:
– Chạy? Ba đời em ấy cũng không chạy khỏi anh…
Cả cô Uyển và tôi cùng im lặng cạn lời nhìn cậu, thật hết nói nổi tên này… đúng là tự cao tự đắc!
Đợi tôi dọn dẹp chén bát xong lên lại, cô Uyển với cậu Ba đã nói sang chuyện khác.
– Anh nghĩ… chuyện này còn có người khác nhúng tay vào à?
Cậu Ba gật đầu, nghiêm túc trả lời:
– Bà Mai dù có cao tay đến đâu cũng chưa chắc đã yếm bùa ngải Mùa được, anh có hỏi qua ông nội… cả anh và ông đều nghĩ là có kẻ khác tiếp tay cho bà ấy.
– Vậy… anh nghĩ người đó là ai?
Cô Uyển nhìn cậu, mà tôi cũng nhìn cậu chăm chú đợi câu trả lời.
Cậu Ba nhìn thẳng vào bọn tôi, nhếch môi, biểu cảm có chút kỳ quái:
– Đợi có đủ bằng chứng… anh sẽ bắt người đó chịu tội.
Dám làm loạn ở nhà họ Quý, dám phụ tay kẻ ác gϊếŧ người… dám đụng đến người của anh… đúng là không biết lượng sức mình.
Tôi nhìn cậu, có hơi tò mò nhưng không dám hỏi, cậu Ba một khi đã không muốn nói, có hỏi cậu ấy cũng không chịu nói đâu.
Nhưng mà nhắc tới lại tức cái mình, là bà Mai hại tôi thì tôi không nói… cớ làm sao những người quen biết với tôi cũng hại tôi? Tôi có làm gì họ sao? Tôi đã làm gì để họ phải hại tôi thê thảm đến như vậy?
– Còn bà Mai… anh tính thế nào?
Cậu Ba cười nhạt:
– Bà Mai à… để bà ấy cho thầy Dặn tính.
Thôi xong bà Mai rồi, thầy Dặn đã ra tay thì chỉ có thân bại danh liệt mà thôi!
……………………
Đêm xuống, tôi ôm chặt trong tay lá bùa hộ mệnh mà cậu Ba cho để ngủ, trên cổ là sợi dây chuyền của thầy đã làm phép cho tôi.
Qua chuyện bị quỷ ám, tôi cũng có chút sợ, lúc ngủ cũng có hơi dè chừng một chút nhưng đại khái là yên tâm hơn rất nhiều rồi.
Cũng may là được cứu kịp thời chứ nếu không giờ này chắc tôi đi đoàn tụ ông bà sớm rồi quá.
Nửa đêm trong lúc đang say giấc mộng, bà Cúng mất tích từ lâu lại đột nhiên hiện về trong mơ.
Bà ấy đến trước mặt tôi, vẻ mặt có chút buồn bã, bà ấy dặn dò:
“Ba ngày nữa đến nhà bà Chín Tàu… có người muốn gặp cô.
Nếu cô không đến… cả đời này cũng không gặp lại người đó nữa… nhớ lời tôi.”
Tôi lần này nhảy số nhanh hơn rất nhiều, vía tôi trong mơ nắm lấy tay bà Cúng, tôi hỏi gấp:
“Người đó là ai? Mà bà đi đâu vậy? Sao không về gặp tôi mà chỉ hiện ra ở đây?”
Khoé mi bà Cúng ửng hồng như là muốn khóc, giọng bà nghẹn ngào:
“Tôi… từ nay về sau không trở về được nữa.
Lần này chắc có thể là lần cuối cùng cô gặp lại tôi… phải tự bảo vệ lấy mình… bảo vệ dòng máu quý hiếm đang chảy trong người cô.”
“Bà đi đâu? Sao không về nữa?”
Bà Cúng chợt quay đầu nhìn về phía sau rồi đột nhiên bà nắm lấy tay tôi, giọng gấp gáp:
“Phải bảo vệ lấy mình, đừng để ai biết cô là truyền nhân của Long tộc… tôi đi đây… nó tới rồi… không kịp… không kịp nữa rồi!”.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook