Con Nhà Bên
2: Friendship Goal


*
Xin chào, tôi là Hoàng Thế Việt.
Bên cạnh nhà tôi có một con thần kinh tên là Trần Anh Dương.
Và đây là câu chuyện nhảm nhí của hai chúng tôi.
*
Tôi nên bắt đầu câu chuyện từ đâu nhỉ?
Để xem nào, khi kể về một mối quan hệ nào đó, người ta thường bắt đầu kể về lần đầu tiên hai người gặp nhau, lý do để hai người quen nhau.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau ấy à? Có lẽ là lúc còn nằm trong bụng mẹ nghe hai bà nói chuyện trên trời dưới biển.
Còn lý do quen nhau? À, chắc cái này phải truy đến kiếp trước chúng tôi đã làm gì đắc tội với tổ tiên để rồi mà sinh ra, khuôn mặt đứa này là nỗi ám ảnh của đứa kia.
Chúng tôi là hàng xóm tường nhà sát sàn sạt, bước một bước là nhà nó, lùi một bước là nhà tôi.

Trước đây còn có "cửa thông thương", nhảy phóc phát là sang nhà nhau.


Khi chúng tôi lớn lên chút nữa, gia đình hai bên như hiểu ra để hai đứa này quen nhau là một đại thảm hoạ cho nên quyết định xây tường ngăn cách.

Đã thế lại còn trồng lên đó thêm ba mớ dây chạc đã loằng ngoằng lại còn lắm gai khiến hai cao thủ leo tường vượt rào từ bé là tôi và Dương cũng đành ngậm ngùi chịu thua.

Nhưng số có duyên vẫn là hoàn có duyên.

Hai đứa tôi không những là hàng xóm sát vách mà còn là hai đứa cùng tuổi, cùng lớp từ mẫu giáo cho đến cấp III.

Tường dây gai chỉ ngăn cách chúng tôi tạm thời ở nhà, còn đến lớp vẫn bàn mưu tính kế những trò ngu đau ngu đớn.
Tôi không thể đếm nổi số lần mẹ Dương quát lên như hổ vồ mồi, tiếng chua chát xọc thẳng sang nhà tôi: "Tao cấm mày chơi với thằng Việt nữa!" cũng như số lần mẹ quất đen đét vào mông tôi, rít lên: " Mày chơi ngu mày còn kéo con Dương vào nữa này!"
Tuy nhiên, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, mẹ nó dù luôn dè chừng tôi rủ rê nó chơi những trò ngu dại đến điếng người thì vẫn không thể cắt nổi tình thâm với mẹ tôi.

Mặc cho mẹ tôi chỉ là một người nông dân chân lấm tay bùn còn mẹ nó là giáo viên lao động trí óc nhưng tình bạn, tình láng giềng vượt lên trên tất cả.

Thế là dù chúng tôi bị cấm chơi với nhau liên tục nhưng cũng chỉ kéo dài được mấy ngày.

Hồi nhỏ, tôi cho đó là điều may mắn, lớn lên mới biết đó là một thảm kịch.

Một đại thảm kịch mang tên "khi những bà mẹ gặp nhau".


Nếu bạn học giỏi, ngoan ngoãn, hiền lành thì đại thảm kịch đó không nghĩa lí gì so với bạn cả.

Nhưng nếu bạn là cái đứa học hành bập bà bập bõm, lại còn hay nghịch ngu, vi phạm nội quy nhà trường như cơm bữa thì để mẹ bạn gặp phải các bà mẹ khác là ôi thôi xong.

Thế mà hai bà mẹ của chúng tôi từ khi còn mang bầu hai đứa đã là tình thâm giao lâu năm.

Vậy nên để vật lộn với số phận chúng tôi bắt buộc phải thích nghi với hoàn cảnh.

Hồi nhỏ, cả làng chỉ có hai đứa tầm tuổi nhau, chơi hợp với nhau nên chuyện gì cũng lôi ra kể cho đời bớt nhạt.

Lớn lên, dù nhìn mặt nhau chẳng buồn kể tí nào cũng phải báo cáo tình hình để hai đứa có thể phối hợp ăn ý.
Ví dụ như nếu nó muốn bùng học thì sẽ rủ tôi bùng cùng và hai đứa sẽ tỉnh bơ báo cáo với hai bà mẹ là chiều đó nghỉ.

Ví dụ như đi chơi đến tận trưa trầy trưa trật mới mò mặt về cũng đồng tâm hiệp lực khai là sinh nhật thầy cô gì đó, không tin mẹ sang mà hỏi nhà hàng xóm.
Vì thế ở lớp, chúng tôi cũng luôn dò xét tình hình động thái của nhau để tuỳ cơ ứng biến.


- Mày đi chơi với lớp không?
- Con Dương đi thì tao đi.
- Gớmmm...
- Gớm cái quái gì? Nó mà về trước mà mẹ tao chưa thấy cái mặt tao là tao bị dần nhừ tử đó mày.

Sung sướng cái quái gì đâu.
Thế nên đôi khi hai đứa có giận nhau, vì một tương lai tươi sáng cho cả hai đứa không bị nằm gọn ghẽ trên giường chịu roi thì giảng hoà rất nhanh.
Có thể nói, mối quan hệ của chúng tôi vốn dĩ chẳng phải là hàng xóm, cũng chẳng phải là bạn bè mà chính là hợp tác để sống sót qua thảm cảnh nhà hai đứa quá gần nhau, hai bà mẹ quá thân thiết với nhau.

Có ưa bản mặt nhau gì cho cam đâu!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương