Côn Luân
-
Chương 56: Kiến hoa sinh phật
Họ đi đến khi phương đông hừng sáng, chợt trông thấy con đường phía trước phủ dày xác sẻ, Hiểu Sương kêu lên:
- Chuyện gì thế này?
- Chẳng có gì lạ đâu. – Lương Tiêu tư lự nói. – Trò của Hạ Đà La dùng để đối phó Thích đảo chủ đấy mà.
Hiểu Sương thở dài xót xa:
- Họ ham đấu đá cũng đành, nhưng tại sao lại để liên lụy đến lũ chim sẻ?
- Sẻ thì đáng gì? Số người chết trong khói lửa chiến tranh còn nhiều hơn sẻ gấp hàng ngàn hàng vạn lần ấy muội ạ.
Hiểu Sương giật mình, thốt nhớ tới lời Công Dương Vũ: “Ông ấy buộc tội Tiêu ca ca dẫn quân Thát đánh hạ thành trì, chiếm đoạt đất đai, tàn sát dân chúng, không hiểu là nói thật hay nói dối. Nhưng trông ông ấy dở điên dở dại, chắc là bịa đặt để lừa ta thôi”. Nhác thấy Lương Tiêu lộ vẻ âm thầm buồn bã, Hiểu Sương quên bẵng ngay Công Dương Vũ và mối băn khoăn: “Tiêu ca ca cứ rầu rĩ suốt từ nãy tới giờ, phải nghĩ cách để khiến ca ca vui lên mới được”. Ngặt nỗi cô không có khiếu hài hước, vò đầu bứt tóc mãi mà chẳng nặn được truyện cười nào để kể cho Lương Tiêu khuây khỏa.
Thình lình, tiếng ai đó la om sòm lôi họ về thực tại:
- Tên tóc bạc kia, ngươi không ra thì đúng là đồ hèn hạ khốn kiếp!
Lập tức có tiếng đáp trả:
- Lão già điên kia, ngươi mà vào thì đúng là đồ khốn kiếp hèn hạ!
Không chần chừ lấy một tích tắc, Lương Tiêu nghiêng người lướt như bay vào khu rừng bên đường. Hiểu Sương ngây mặt một lúc vì mẩu đối đáp kỳ cục rồi cũng lập cập thúc lừa chạy theo. Vượt qua mấy vạt cây cối, họ trông thấy Thích Thiên Phong đầu bù tóc rối, mặt mũi lem nhem đang ngồi trước một hang đá, tay quay xâu sẻ trên ngọn lửa bập bùng, miệng lúng búng:
- Ngươi không ra thì đúng là đồ hèn hạ khốn kiếp!
Vừa dứt lời, tiếng nói trong hang bốp chát:
- Ngươi mà vào thì đúng là đồ khốn kiếp hèn hạ!
Lương Tiêu hỏi:
- Ông làm gì vậy?
Thích Thiên Phong nheo mắt nhìn Lương Tiêu, cảm thấy quen mặt quá nhưng nhất thời không nhớ ra đã gặp ở đâu, bèn đáp:
- Tên tóc bạc trốn trong kia, hắn đe nếu ta vào thì là đồ khốn kiếp hèn hạ, đương nhiên ta không thể vào được, nhưng chính bản thân hắn lại đang ở trong hang, làm sao cho thoát cái phận khốn kiếp hèn hạ cơ chứ? Ha ha, cuối cùng lão tử vẫn thắng, – vừa nói vừa vuốt râu vẻ đắc ý.
Lương Tiêu lắc đầu, chẳng gì cũng là tông sư một phái mà đi giằng co tranh chấp với người ta từ việc nhỏ nhặt vớ vẩn đến thế, đúng là dở khóc dở cười! Thích Thiên Phong cứ cắn một miếng thịt sẻ lại chửi mắng một câu, cái hang cũng đáp trả ngay lập tức, âm thanh the thé khác hẳn giọng nói rin rít ngày thường của Hạ Đà La. Lương Tiêu rất lấy làm lạ: “Phải chăng Hạ Đà La bị thương đến nỗi mất cả giọng?”. Gã lắng tai nghe kỹ hơn, chợt biến sắc kêu: “Không phải!”, rồi nhảy dựng lên, chạy xộc vào hang. Thích Thiên Phong chòng chọc nhìn theo. Bóng gã thiếu niên vừa khuất thì giọng gã vang trở ra:
- Lão gia tử, ông vào đây xem này!
Thích Thiên Phong nhổ phì phì:
- Ngươi định lừa ta làm quân khốn kiếp hèn hạ chứ gì, đừng hòng!
Lương Tiêu kiên nhẫn gọi:
- Vậy ông thử nhắc lại lần nữa: “Ngươi không ra thì là đồ hèn hạ khốn kiếp” đi!
Thích Thiên Phong làm y lời, nhưng đợi chờ rất lâu mà không thấy ai đáp lại, lão nóng nảy quẳng xâu thịt sẻ xuống, chạy vù vào hang. Lương Tiêu đang đứng cạnh một tảng đá to, tảng đá nằm đè lên một sợi thừng mảnh, đầu sợi thừng buộc quanh một con yểng, con yểng này đang nằm trong tay Lương Tiêu.
Thích Thiên Phong ngơ ngác, nhìn hết thứ nọ đến thứ kia. Lương Tiêu buông con yểng:
- Ông thử nhắc lại câu vừa nói đi!
Thích Thiên Phong làm theo, con yểng liền ngoác mỏ rủa:
- Lão già điên kia, ngươi mà vào đây thì đúng là đồ khốn kiếp hèn hạ!
Thích Thiên Phong há hốc mồm, sững sờ một lúc mới lẩm bẩm:
- Thế tên tóc trắng đâu?
Lương Tiêu trỏ một cái hốc trên vách hang:
- Ông xem đây!
Thích Thiên Phong thò đầu vào hốc, nó nối thông với một đường hầm bề ngang rộng chừng ba thước, sâu dễ phải đến mười mấy hai mươi trượng. Lão thuỗn mặt than:
- Trốn mất rồi!
Lương Tiêu nén cười:
- Đúng vậy, hắn đã lừa ông!
Số là Hạ Đà La bị Thích Thiên Phong chàng ràng đeo bám, không sao rũ bỏ được đành chạy vào cố thủ trong hang, may sao trời chẳng tuyệt đường người, một con yểng biết nói tự dưng lần đến theo tiếng tiêu của hắn. Hạ Đà La nảy ra một kế, dạy nó hót câu “Lão già điên kia, ngươi mà vào đây thì đúng là đồ khốn kiếp hèn hạ”. Thích Thiên Phong bị câu ấy cầm chân, cố nhiên không khi nào xông vào, chỉ ngồi lì bên ngoài chửi tay đôi với con chim. Hạ Đà La nhân đó dùng Bát Nhã phong đào một đường hầm chạy trốn. Sau trận này, hắn gần như suy sụp vì kiệt sức, thoát khỏi Thích Thiên Phong một cái là cao chạy xa bay, không ngó ngàng đến việc trả thù Lương Tiêu hay bất kỳ điều gì khác nữa.
Thích Thiên Phong phát giác bị lừa, giận quá đấm ngực thùm thụp, giậm chân bình bịch, kêu gào tức tối, phi luôn vào đường hầm ráo riết đuổi theo. Lương Tiêu nhìn theo lão già, không nén nổi cười phá lên bảo Hiểu Sương:
- Lão gia tử mà không bắt kịp Hạ Đà La, e rằng sẽ quay về quấy nhiễu ta, ấy mới rầy rà. Huynh muội mình mau rời khỏi đây là hơn.
Hiểu Sương cũng sợ ông già ngớ nga ngớ ngẩn, động một tý là thượng cẳng tay hạ chẳng chân ấy, nghe vậy liền gật đầu tán đồng.
Họ đi liên tục hai đêm hai ngày rồi dừng lại nghỉ ở một thị trấn. Hiểu Sương mở sạp khám bệnh trong chợ. Dân chúng tuyền một hạng trông mặt bắt hình dong, thấy Hiểu Sương là nữ nhi, hình dung tiều tụy, mặt mũi xanh xao, chẳng ai tin cô chữa được bệnh tật gì, chỉ hiếu kỳ ngó nghiêng bàn tán chốc lát rồi ai đi đường nấy. Hiểu Sương mở sạp suốt một ngày mà chẳng ai đến khám, bản tính rụt rè nên cũng không dám ra mặt chèo kéo chào mời, vô kế khả thi đành tủi phận âm thầm sa lệ.
Lương Tiêu thương hại, bèn bảo Hiểu Sương nhìn sắc mặt khách bộ hành, đoán xem ai đang mắc bệnh. Hễ cô gái trỏ kẻ nào, Lương Tiêu liền xốc tới điệu cổ người ta vào khám y như diều hâu bắt gà. Những người đi đường, một là không quen lối khám chữa cưỡng ép, hai là không tin rằng có đại phu sẵn lòng chẩn trị miễn phí, ai cũng hoang mang nghi ngờ, nhưng sợ thái độ hùng hổ của Lương Tiêu nên đành khép nép ngồi lại cho Hiểu Sương bắt mạch trị bệnh. Hiểu Sương vốn không ưa vũ lực, nhưng thấy có bệnh để chữa thì say sưa đến nỗi quên hết tất cả, chẳng bận tâm đến hành động thô bạo của Lương Tiêu nữa.
Hiểu Sương y thuật cao cường, chữa ai khỏi nấy, được vài người thì tiếng tăm đã bắt đầu lan rộng, bệnh nhân trong thị trấn ùn ùn kéo đến. Sạp khám lúc trước còn vắng như chùa Bà Đanh, nay thì vây kín vòng trong vòng ngoài. Lương Tiêu hớn hở trải một cái chiếu bên cạnh, đan tre trúc, làm nhiều món đồ chơi như rối người rối thú, chim biết bay, chong chóng gió tự quay, đồng hồ nước biết gõ tích tắc. Gã giỏi thuật cơ quan nên chế tạo toàn những đồ vật tinh xảo, lại thêm giá cả phải chăng, thu hút ngay vài lái buôn giàu có ham đồ lạ đến mua, nhờ đó cũng kiếm được chút ít tiền bạc. Những lúc hàng họ ế ẩm, Lương Tiêu bèn bảo Kim Linh Nhi và Bạch Si Nhi diễn trò để kiếm tiền độ nhật.
Mấy tháng liền như thế, hai người đi khắp trấn nọ làng kia. Dọc đường, họ chạm trán khá nhiều thổ phỉ đạo tặc, và nhiều hơn nữa là đám lang băm bất lương. Bọn này căm hận Hiểu Sương phá ngang việc hành nghề của mình nên thuê lưu manh hãm hại hoặc móc ngoặc với quan phủ để o ép hai người, nhưng gặp Lương Tiêu thì khác nào gặp sát tinh, may nhờ lòng nhân của Hiểu Sương mà còn mạng quay về.
.
Hôm ấy, hai người đến một thị trấn, Hiểu Sương mở sạp khám chữa như thường lệ. Được nửa buổi, bệnh nhân đang đông dần lên thì phía ngoài có tiếng lào xào huyên náo. Hiểu Sương ngước mắt trông, thấy mấy hán tử ăn bận kiểu gia đinh sốt sắng rẽ hàng người tiến vào, gấp rút nói:
- Thưa đại phu, tiểu thiếu gia nhà chúng ta bị bệnh, lão gia cho mời đại phu tới chẩn trị.
Bộ dạng họ cuống quýt, đủ thấy tình trạng tiểu thiếu gia nào đó hiểm nghèo lắm. Hiểu Sương không dám ngần ngừ sợ lỡ việc, vội vàng thu dọn đi theo. Lương Tiêu cũng đứng dậy đi cùng. Nhóm người hấp tấp đưa đường, dẫn họ đến một tòa nhà nguy nga lầu son gác tía, rẽ vòng vèo qua mấy ô cửa thì tới một sương phòng, bên trong vẳng ra tiếng khóc sụt sùi đau xót.
Lương Tiêu và Hiểu Sương nhìn vào, trông thấy mấy người đàn bà ngồi vây quanh một cái sập thêu, ai cũng gục đầu nức nở. Gần đó là một trung niên hán tử râu quai nón, mặt mày buồn rầu. Khi họ tiến lại, y đứng ngay dậy, nghe gia đinh bẩm báo thì lộ vẻ hi vọng, vòng tay thi lễ với Hiểu Sương:
- Tại hạ chỉ có một đứa con trai, từ ngày ra đời vẫn ốm lên ốm xuống, lần này bệnh trở nặng lạ lùng, mong đại phu trổ hết tài phép cứu lấy cháu!
Hiểu Sương không lòng dạ nào mà đối đáp khách sáo với hắn, bèn lật đật rẽ đám đàn bà ra xem. Trên sập có một đứa bé chưa đầy tháng, mặt mày bủng beo vẩn sắc tím, đôi môi đen bầm, tứ chi co giật, chỉ hít vào không thấy thở ra. Hiểu Sương lần tìm mạch, nhận ra mạch tượng rối loạn, Tâm kinh và Tâm bao kinh đều hư nhược, cho thấy bệnh tình đang đến hồi nguy kịch, cô vội lấy kim châm ba huyệt Thiếu hải, Âm thị và Tâm du để tăng cường độ co bóp của tim, kế đó châm huyệt Quan nguyên để xả khí trong Tam tiêu kinh ra hỗ trợ.
Vê kim chốc lát, sắc tím trên mặt đứa bé nhạt dần, Hiểu Sương thở phào, quay ra viết đơn thuốc. Không ngờ mặt đứa bé bỗng lại đổi sang màu đen, thân hình co quắp, Hiểu Sương hoảng hốt chạm vào cổ tay nó thì thấy mạch tượng phập phù, lúc có lúc không như sắp ngừng đến nơi. Cô vội ấn các huyệt Thiếu phủ, Cực tuyền và Nội quan, nhưng vẫn không thấy chuyển biến tốt, đứa bé lạnh dần đi. Hiểu Sương ruột đau như cắt, mặt mày xây xẩm, suýt nữa là ngã quỵ. Lương Tiêu vội chìa tay đỡ lấy. Cô gái tội nghiệp luôn miệng lẩm bẩm:
- Sao lại thế này, sao lại thế này?
Nhà chủ đoán chừng bất ổn liền nhao tới gần, đưa tay thăm mũi đứa bé thì thấy đã tắt thở, chạm vào da thì lạnh như băng tự khi nào. Hắn trợn trạo nhìn Hiểu Sương, hai mắt tóe lửa như sắp ăn tươi nuốt sống cô gái, bộ dạng hung dữ hoàn toàn khác hình dung nho nhã và cử chỉ ôn tồn lúc nãy:
- Ngươi xem… ngươi đã gây ra tội vạ gì đây, con tiện nhân!
Việc bệnh nhi mất mạng khiến Hiểu Sương hoàn toàn suy sụp, thân hình run lẩy bẩy, cô chỉ đủ sức lắp bắp: “Ta… ta…”, chứ không biết nên trả lời thế nào. Lương Tiêu nổi giận đùng đùng, vung hai cánh tay cứng như thép bóp cổ chủ nhà:
- Ngươi chửi ai đấy?
Mặt tên chủ chuyển màu đỏ tía, hai mắt lộn ra toàn lòng trắng. Hiểu Sương đã hơi tỉnh táo, vội vã gỡ tay Lương Tiêu:
- Tiêu ca ca, đều tại muội cả…
Lương Tiêu hẩy tên đàn ông ra, lúc này mấy mụ đàn bà mới phát giác là đứa bé đã chết, bèn ngoạc mồm chửi bới hai người rồi xông vào đập đánh như điên như dại.
Lương Tiêu thở dài, kéo tay Hiểu Sương:
- Đi thôi!
Hiểu Sương nhìn đứa trẻ sơ sinh, lòng hối hận cùng cực, chỉ muốn chết theo cho rồi.
Nhà chủ vừa thở lại được là hô hoán gia đinh mang gậy gộc xông vào, gầm gừ bảo:
- Chó chết, dám giở trò lưu manh mà không buồn xem xem ta là ai à? Chúng bay mau đánh chết hai đứa khốn nạn này để an ủi vong linh con ta!
Được lệnh chủ, bọn đầy tớ liền hùng hục lao vào.
Lương Tiêu trầy trật mãi mới dẹp yên được đám đàn bà thì giàn gậy gộc của bọn gia đinh lại xô tới. Phản ứng đầu tiên của gã là xuất thủ, nhưng nghĩ kỹ, cho rằng chạy chữa đến nỗi mất mạng con nhà người ta thì về lý về tình bên mình đều sai, gã đâm chần chừ. Gậy gộc nhân lúc ấy đổ ào ào xuống đầu Hiểu Sương. Lương Tiêu nghiến răng xông tới trước, vừa giơ lưng đỡ được hai gậy vừa thét:
- Hiểu Sương, bọn này không màng đến lý lẽ gì đâu, chúng ta đi thôi!
Hiểu Sương đờ đẫn lắc đầu, lòng ngập tràn ăn năn hối hận.
Lương Tiêu đành dùng thân chịu đòn thay cô. Gậy đánh bên trái thì gã đỡ bên trái, gậy đánh bên phải gã lại nhoài sang bên phải. Đòn thù trút như mưa xuống mặt xuống đầu Lương Tiêu, nhờ có nội công nên gã chẳng hề hấn gì, nhưng nghĩ mình có lòng tốt đến chữa bệnh mà được đền đáp thế này thì gã không sao nén nổi căm giận: “Đồ chó cậy gần nhà, lão tử mà gạt nhẹ tay thì bảy tám đứa chết là ít. Được lắm, thằng tre miễu táo gan, lão tử nhớ mặt ngươi rồi! Ối, con lợn ỉ, ngươi dám thừa cơ quất trộm lão tử! Không nể mặt Hiểu Sương thì lão tử đã đập chúng mày dẹp lép rồi!”. Tuy thầm thóa mạ bằng đủ mọi ngôn từ ghê gớm nhưng trước sau Lương Tiêu không mảy may hoàn thủ, chỉ đứng che chắn cho Hiểu Sương, hứng chịu vô số đòn gộc mà không hề đánh trả một quyền một cước nào.
Hiểu Sương vừa cảm động vừa đau lòng, cuối cùng thở hắt ra:
- Đủ rồi, Tiêu ca ca, bọn mình đi thôi!
Được lời như cởi tấm lòng, Lương Tiêu khua tay gạt phăng mười mấy cây gậy, cắp Hiểu Sương chạy ào ra cửa. Nhà chủ ngày thường hống hách đã quen, thấy con mồi thoát chết thì đời nào chịu buông, bèn hò hét gia đinh đuổi theo.
Lối đeo bám dai như đỉa đói ấy khiến Lương Tiêu bừng bừng lửa giận. Nhân trước cửa có hai pho tịch tà bằng đá, mỗi pho nặng chừng bốn trăm cân, gã đặt Hiểu Sương xuống vệ đường, giơ chân gẩy một cái, kình lực hất tung con tịch tà bên phải lên cao sáu thước. Vừa lúc chủ nhà dẫn gia đinh chạy ra, Lương Tiêu bèn xuất chưởng đẩy chéo, con tịch tà đá bắn vọt lên hơn một trượng, lao đi trong không trung rồi hạ xuống đúng đỉnh đầu hắn. Đà lao của nó quá nhanh, vẫn ở tầm cao hai trượng mà kình phong đã quét rát mặt mọi người, chủ nhà ước chừng không tránh kịp, sợ quá la hét đến lạc cả giọng.
Lương Tiêu hô vang, lắc mình tới, vỗ bốp song chưởng lên khối tượng, nó ngừng rơi, đổi chiều bay chéo đi, húc thẳng vào con tịch tà bên trái. Sau một tiếng “rầm” khủng khiếp, vụn đá bốc lên mù mịt. Khi bụi đất lắng xuống, ai nấy dụi mắt nhìn kỹ, đôi tượng đã biến mất, thay vào đó là một đống đá nát. Lương Tiêu hắt xì hơi, hạ mình đáp xuống, dắt Hiểu Sương ung dung bước đi. Chủ nhà đờ đẫn nhìn hai người đi xa dần, bỗng đâu hạ thân lành lạnh, hắn mò tay sờ mới biết mình đã vãi đái ra quần tự lúc nào.
Sau sự việc ầm ĩ ấy, Lương Tiêu và Hiểu Sương cũng không còn lòng dạ nào nấn ná lại sạp chữa bệnh, bèn thu dọn đồ đạc rời khỏi trấn đi về phía tây. Lương Tiêu vô duyên vô cớ lĩnh một trận đòn, vẫn chưa nguôi giận, hầm hầm bước đằng trước.
Đi được một thôi đường, Hiểu Sương chợt than thở:
- Ngẫm cho kỹ thì bệnh tình đứa bé đó vốn dĩ không còn thuốc chữa.
Lương Tiêu gắt gỏng:
- Sao muội không nói sớm? Nếu biết trước không phải lỗi của muội thì khi bọn cẩu nô tài đó đổ xô vào, ta đã túm mỗi bên một đứa, rắc rắc rồi… – Lương Tiêu vừa nói vừa hùng hổ vung tay mô tả.
- Rắc rắc là sao?
- Là bẻ gãy cổ bọn chúng chứ sao!
Hiểu Sương giật mình lắc đầu:
- Thế thì không được!
Đã làm ơn mắc oán lại phải nghe những lời ẩm ương, Lương Tiêu chán không buồn bước nữa, quẳng hành lý xuống gốc cây, sừng sộ đi đi lại lại. Hiểu Sương cũng tụt khỏi lưng lừa, ngồi lên một tảng đá, nhíu mày trầm tư. Lương Tiêu nôn nóng bước quẩn một hồi cũng bớt giận, bèn hỏi Hiểu Sương:
- Muội nghĩ gì thế?
Hiểu Sương thở dài:
- Muội đang thắc mắc, giả sử sư phụ gặp phải bệnh này thì người sẽ xử lý ra sao?
Lương Tiêu ngồi xuống cạnh cô, nghiêm mặt bảo:
- Ta không tán thành tư tưởng ấy đâu. Thế quái nào mà động một tí lại lôi sư phụ ra? Ngô Thường Thanh là Ngô Thường Thanh. Hoa Hiểu Sương là Hoa Hiểu Sương. Ông ấy xử lý ra sao là việc của ông ấy, muội nên nghĩ xem muội xử lý ra sao mới phải kìa!
Hiểu Sương một mực lắc đầu:
- Y thuật của sư phụ cao siêu gấp hàng chục hàng trăm lần muội, suốt đời muội cũng không thể sánh kịp thầy.
- Lẽ ra là chưa chắc, – Lương Tiêu lạnh lùng nói. – Nhưng nếu cả cái ý chí vượt qua ông ta mà muội còn không có thì đúng là suốt đời cũng không sánh kịp thật!
Hiểu Sương nghe mà sửng sốt, xưa nay cô vẫn kính phục y thuật của Ngô Thường Thanh hết mức, chưa bao giờ manh nha ý muốn phấn đấu giỏi hơn sư phụ. Thẫn thờ hồi lâu, cô nói:
- Luận Ngữ có chép: Ta tin tưởng và ngưỡng mộ đạo lý của cổ nhân nên chỉ truyền dạy chứ không sáng tác. Khổng Phu tử mà còn giảng thế, đâu đến lượt muội đòi vượt tiền bối? Giỏi hơn sư phụ muội ấy hả, không thể đâu huynh ơi!
Lương Tiêu xoa cằm:
- Ta chưa đọc sách của Khổng Phu tử, chỉ nghe đồn ông là bậc thầy của các nhà vua nên tưởng cũng bản lĩnh lắm, nào ngờ lại phát ngôn thiếu tự tin như vậy. Cuộc đời là bất biến chứ có thường hằng đâu, chẳng thế mà tục ngữ nói: “Việc qua can chẳng được nào, Việc sau họa biết cách nào lần xoay”.
Hiểu Sương bưng miệng cười:
- Câu ấy không phải tục ngữ, cũng trong sách của Khổng Tử đấy ạ!
Lương Tiêu ngớ người:
- Lạ nhỉ, Khổng Tử nói thế chẳng hóa tự tát vào mặt mình hay sao?
Hiểu Sương cau trán nhớ lại rồi tư lự thừa nhận:
- Ừ đúng, không phải của Khổng Tử. Sử ký chép, Lục Tiếp Dư hát câu ấy để cảnh tỉnh Khổng Tử mà thôi.
Lương Tiêu lườm cô:
- Ta thích hai câu này lắm đó. Người chết đằng nào cũng chết rồi, chẳng tiến bộ được nữa, tại sao người sống không theo kịp họ? Xưa chưa chắc đã bằng nay, nay chưa chắc đã sánh tày mai sau. Ta học toán, cực kỳ thấm thía điều này, bây giờ mà ta ra đề kiểm tra trình độ các đại gia toán học cổ đại thì đảm bảo mười phần hết chín sẽ nộp giấy trắng. Tạm thời muội chưa bằng Ngô Thường Thanh, nhưng chỉ cần chăm chỉ học hành, đào sâu suy nghĩ, chắc gì đã thua kém ông ấy! Nói nào ngay, cái bệnh mãn tính của muội kia kìa, Ngô Thường Thanh không chữa được tức là muội cũng bó tay à?
Hiểu Sương sửng sốt trước những lý lẽ mới mẻ ấy, cứ mở to mắt nhìn Lương Tiêu, quên cả phản biện. Lương Tiêu được đà dốc ra bằng hết rồi quay lại lấy hoa quả sườn thịt cho Kim Linh Nhi và Bạch Si Nhi. Kim Linh Nhi vốn linh thông, giỏi bắt chước hơn hẳn bọn khỉ vượn đồng loại. Một hôm Lương Tiêu nảy ý, nhân lúc cho ăn thì dạy nó các chiêu thức võ công, không ngờ con khỉ nhỏ hễ học là làm được ngay, mấy tháng qua đã tích lũy khá nhiều cách thức tiến lui công thủ. Nó quấn quýt bên Lương Tiêu ngần ấy thời gian, được gã nuôi dạy, bao nhiêu hiềm khích xưa cũ đều dần dần hóa giải, hai bên trở nên thân mật vô cùng.
Cho Kim Linh Nhi ăn xong trái cây, đồng thời cũng truyền thêm cho nó được một chiêu thủ pháp, Lương Tiêu phấn khởi thả lên cành cây cho nó chạy rông một lát. Con khỉ trở lại với thiên nhiên, hào hứng nhảy nhót tung tăng. Nhìn ra thấy Hiểu Sương vẫn trầm tư mặc tưởng, gã thiếu niên phì cười:
- Sao, quyết giữ nguyên quan điểm à?
Hiểu Sương trù trừ:
- Những điều huynh vừa nói… thôi thì thử một chút… cũng được.
Lương Tiêu biết thừa chỉ vì cả nể mà cô nói vậy chứ trong lòng không dễ gì thay đổi ngay được, gã mỉm cười ngả mình xuống, gối đầu lên đống tay nải.
Màn chiều đã buông, tà dương đổ ánh vàng trên khắp rừng núi xa gần, nền trời in sẫm đường nét uyển chuyển của những rặng núi trải dài nhấp nhô. Hiểu Sương khó khăn lắm mới dứt ra được dòng suy nghĩ rối bời, ngước mắt nhìn lên bắt gặp cảnh ấy, không kìm được xúc động thốt:
- Đẹp quá!
Lương Tiêu nhìn theo ánh mắt cô, mỉm cười:
- Ta thấy núi xanh sao diễm lệ, chắc núi thấy ta chẳng kém chi![2]
Hiểu Sương ngượng nghịu trách:
- Giỏi lắm rồi đấy, đọc được mấy bài thi từ là lấy ngay ra để chọc ghẹo muội!
Chẳng là những lúc ở không nhàn rỗi, Lương Tiêu đều lục xem đống sách của Hiểu Sương, hơn một tháng trôi đi, cũng nhớ được kha khá, tiện miệng chêm vào để trêu cho cô vui.
Hai huynh muội đang dở câu chuyện, trên tàng cây bỗng có tiếng “ối chà”, rồi một người rơi bịch xuống, luôn miệng cằn nhằn:
- Gì thế, gì thế?
Lương Tiêu và Hiểu Sương cùng giật bắn mình, nhìn lại thì nhận ra đó là một chú tiểu chừng mười sáu mười bảy tuổi, người ngợm lùn tịt, vai ngang lưng rộng, mặt tròn miệng rộng mũi sư tử, đôi mắt long lanh đang liếc lên cây. Kim Linh Nhi thò cái đầu tròn ra khỏi tán lá ken dày. Chú tiểu hừ mũi, phủi đập đất bụi bám trên người, càu nhàu:
- Khỉ gió, đến mày mà cũng bắt nạt tao!
Hiểu Sương bật cười:
- Xin lỗi tiểu sư phụ!
Chú tiểu xoa cái đầu nhẵn bóng, ngớ ngẩn hỏi:
- Ngươi nói với mỗ đấy à?
Hiểu Sương gật đầu:
- Vâng, vì khỉ của ta quấy rầy tiểu sư phụ!
Chú tiểu cười:
- Ra là khỉ của ngươi! Cũng chẳng có gì, chỉ là mỗ đang ngủ thì bị nó chui vào lòng.
Hiểu Sương càng áy náy, còn định tạ lỗi thêm, nhưng chú tiểu chẳng bận tâm đến nữa. Chú ta chăm chăm nhìn Bạch Si Nhi, cổ họng cuộn lên cuộn xuống:
- Con chó này cũng của ngươi hử?
Hiểu Sương gật đầu, chú tiểu nuốt nước bọt đánh ực:
- Ngon nghẻ quá!
- Vâng, – Hiểu Sương vui vẻ đáp. – Bạch Si Nhi ngoan lắm!
Chú tiểu gật gù:
- Béo, béo ghê! Dễ cũng đủ một bữa cho mỗ!
Hiểu Sương trố mắt. Chú tiểu nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống Bạch Si Nhi, lại nuốt ực một phát nữa, bộ điệu lưu luyến lắm rồi mới quay đầu đi. Hiểu Sương vẫn đứng như trời trồng, lắp bắp:
- Tiêu ca ca, huynh nghe thấy không? Hắn nói năng mới kỳ cục sao!
Lương Tiêu gãi mũi:
- Thú vị đấy chứ!
Hiểu Sương tỏ vẻ bất bình:
- Nhưng hắn nói muốn ăn thịt Bạch Si Nhi kia mà!
Lương Tiêu khoác tay nải lên vai:
- Trên đời thiếu gì người ăn thịt chó, đâu chỉ mình hắn hả muội?
Hiểu Sương bần thần trèo lên Khoái Tuyết, lòng vẫn còn thắc mắc: “Bạch Si Nhi dễ thương như thế, sao lại có kẻ nỡ ăn thịt nó được nhỉ?”.
Hai người lững thững đi dưới bóng tịch dương một hồi, chợt nghe phía xa có tiếng đánh đập mắng mỏ. Hiểu Sương nhướng cổ trông, thấy mười mấy lái buôn xúm xít vung can lên xuống, tựa hồ đang nện cái gì đó, vừa nện vừa rủa:
- Ăn cắp này! Ăn cắp này!
Hiểu Sương hớt hải thúc lừa chạy đến gần, nhóng mắt nhìn kỹ. Trong vòng người có một thân hình co rúm, hai tay ôm đầu mặc đám can tới tấp quật xuống, chẳng rõ còn sống hay đã chết. Hiểu Sương rối rít ngăn:
- Đừng đánh nữa! Đừng đánh nữa! – rồi ngoái lại giục Lương Tiêu. – Mau cứu người ta!
Lương Tiêu trông cảnh ấy, đoán ngay ra rằng bọn lái buôn đang đánh quân trộm cắp. Gã vốn chẳng muốn dính dấp vào làm gì, nhưng mới rồi cũng bị ăn đòn tập thể, ít nhiều sinh mối đồng cảm với tên kẻ trộm không may kia, bèn sải bước chạy tới, khua hai tay gạt mạnh bọn lái buôn ra rồi cúi mình tươi cười:
- Roi song đánh đoạn thì thôi. Chắc các vị đã hả giận phần nào, đừng nên đánh chết người ta, xảy ra án mạng thì không hay lắm đâu!
Đám lái buôn vốn từng trải, giàu kinh nghiệm xử thế, thấy Lương Tiêu chỉ gạt tay mấy lượt mà bên mình đã hoa mắt lảo đảo thì biết ngay là hạng cao nhân. Một lão già có vẻ là trưởng toán hậm hực giải thích:
- Có phải tự nhiên mà chúng ta đánh hắn đâu! Cả đoàn đang nghỉ lấy sức, ăn chút lương khô, bỗng dưng kẻ này chạy tới chầu mồm. Chúng ta nghĩ tình đáng thương bèn chia cho mấy cái bánh bao nhân thịt, nào ngờ hắn tham lam vô độ, nhân lúc mọi người lơ đãng liền khoắng hết thịt bò bánh bao còn thừa. Chẳng may là tiểu ca thì tiểu ca có giận không?
Lương Tiêu moi ra bảy tám đồng tiền đưa cho lão già:
- Chừng này là đủ bồi thường chứ?
Thái độ điềm đạm và hành động biết điều ấy đã xoa dịu cơn giận của đám lái buôn. Lão già xua tay lia lịa:
- Khỏi cần, Trương Lư Nhi ta lăn lộn hơn bốn mươi năm trên giang hồ, đâu thể vô lý giận cá chém thớt, vì lỗi kẻ khác mà lấy tiền của các hạ được chứ? – đoạn khoát tay gọi bọn bạn buôn đi.
Đám lái buôn giải tán rồi, Hiểu Sương mới dám lại gần rờ xem thương thế của nạn nhân ra sao, nhưng chưa kịp cúi xuống thì kẻ đó đã nhảy bật lên. Hiểu Sương giật bắn mình thụt lui ba bước, định thần nhìn kỹ. Đó chính là chú tiểu họ vừa gặp lúc nãy, cô ngạc nhiên hỏi:
- Là ngươi ư? – đoạn nhìn từ đầu xuống chân chú ta. – Ngươi bị thương ở đâu?
- Chả ở đâu cả! – Chú tiểu lắc đầu.
Hiểu Sương ngờ chú tiểu gồng sức chịu đựng bèn túm tay kéo lại gần, cẩn thận nhìn ngó kỹ càng rồi ngỡ ngàng hỏi:
- Quái thật, họ đánh nặng tay như thế mà ngươi không bị thương à?
Chú tiểu gãi đầu nhệch miệng:
- Mỗ ngán gì gậy gộc, chỉ sợ đói bụng thôi!
Hiểu Sương nghĩ, nhất định là đói lắm con người ta mới phải đánh cắp thức ăn, liền sinh lòng thương hại mở yên lừa dỡ lương khô cho chú tiểu. Chú ta ngớ ra một thoáng rồi đón lấy nhai ngấu nghiến. Hiểu Sương hỏi:
- Tiêu ca ca, huynh còn tiền không?
Lương Tiêu dốc ra mười mấy đồng thả vào lòng bàn tay chú tiểu:
- Ngươi là người tu hành, đừng nên ăn cắp, phải đi hóa duyên mới đúng!
Chú tiểu cầm mấy đồng tiền, bỗng đỏ mắt sụt sịt:
- Mỗ không khéo miệng, lại phàm ăn, hóa duyên chẳng ai cho. Thôi thì… ăn cắp rồi không chạy, để người ta nện một trận cho đỡ tức…
Hiểu Sương ngạc nhiên:
- Vậy là ngươi cố ý mặc họ đánh đập hả?
Chú tiểu ngượng ngùng gật đầu. Lương Tiêu cười nói:
- Tiểu sư phụ bản lĩnh đấy chứ, mạnh mà không hiếp yếu, rất tốt! Nhưng cách ứng phó ấy ngốc nghếch và nhu nhược quá!
Chú tiểu lắc đầu:
- Tại sư phụ không cho phép ta động thủ với người khác.
Lương Tiêu cau mày:
- Không cho phép động thủ thì phải chạy chứ, giơ đầu ra chịu đòn thế à?
Chú tiểu tươi mặt:
- Ố, đúng quá, sao ta không nghĩ ra nhỉ?
Lương Tiêu cười bảo:
- Vậy lần sau ăn cắp thì nhớ tẩu thoát thật nhanh, đừng để bị bắt tận tay day tận trán nhé!
Chú tiểu đã hiểu, gật đầu lia lịa. Hiểu Sương nhăn mũi:
- Huynh còn vẽ đường cho hươu chạy nữa à?
Lương Tiêu dang rộng hai tay:
- Chả thế thì còn cách nào? Muội muốn người ta bị nện nhừ tử chắc?
Hiểu Sương bối rối im lặng. Lương Tiêu nhìn sang chú tiểu:
- Chúng ta giã biệt ở đây, tiểu sư phụ nhớ cẩn thận nhé! – đoạn dắt lừa, cùng Hiểu Sương đi tiếp theo đường cái quan.
Được mấy dặm, gã thình lình ngoảnh đầu ra sau. Một bóng người xẹt vào vệ đường ngay tắp lự. Hiểu Sương cũng ngoái trông nhưng không thấy ai, thắc mắc hỏi:
- Huynh nhìn gì đấy?
Lương Tiêu lắc đầu tủm tỉm, bụng bảo dạ: “Tiểu hòa thượng bám theo bọn ta làm gì nhỉ? Hà, hắn cũng khá lắm, đi trên cây suốt hai ba dặm mà ta không hề phát giác ra!”.
Tuy đã biết, nhưng gã tự tin võ công của mình nên không buồn để ý, dắt Hiểu Sương đi tìm quán trọ nghỉ qua đêm. Hôm sau họ tiếp tục lên đường, chú tiểu không lại gần cũng không bỏ cuộc, cứ lẵng nhẵng bám theo đằng xa. Lương Tiêu thi thoảng ngoảnh lại, chú ta đều lẩn tránh với bộ dạng hấp tấp, rõ là người không giỏi bám đuôi chút nào. Lương Tiêu cười thầm, muốn trêu ghẹo nên quay đầu lại thường xuyên hơn, khiến chú tiểu quýnh quáng ứng phó không kịp. Hiểu Sương chăm chú nghĩ về y thuật, không để ý đến trận đấu ngầm giữa hai người.
Hôm sau nữa, Lương Tiêu và Hiểu Sương ra đến bờ Hoàng Hà, lúc ấy nước sông cuồn cuộn dâng cao, tràn qua đê ở mấy đoạn liền, nhấn chìm nhiều khoảnh ruộng tốt. Hiểu Sương buồn bã cùng Lương Tiêu đi vào đám nạn dân, men sông tiến về hướng tây, vận hết khả năng cứu chữa mọi người. Khổ nỗi Hiểu Sương y thuật tuy cao nhưng sức yếu, lại có một thân một mình, khó lòng chăm lo được hết mọi chỗ, nhìn bệnh dịch hoành hành khiến bà con đau ốm vạ vật bên đường mà không sao cứu được, trong lòng thương xót vô cùng. Lương Tiêu thở dài, chỉ biết gắng sức nhẹ nhàng an ủi.
Suốt mấy ngày trời, họ liên tục gặp cảnh quan phủ đốc thúc dân phu vần đá khuân đất để gia cố đê điều. Bờ đê cao dần lên đến mấy trượng, dòng nước vàng mấp mé bên ngoài trông như chảy trên trời cao. Lương Tiêu thầm cảm khái: “Đại Vũ trị thủy bằng cách đào kênh dẫn nước ra biển, người nay trị thủy theo kiểu đặt đê phòng hộ khắp nơi. Sông trôi hàng vạn dặm, đê điều dài tới mức nào cho đủ? Lý lẽ đơn giản thế mà sao giới cầm quyền không hiểu nhỉ? Nhưng suy cho cùng, Hốt Tất Liệt bận dẫn quân đánh đông dẹp bắc, chiến tranh đang đến hồi quyết liệt, chắc chẳng còn hơi sức đâu chăm lo đến việc trị thủy nữa…”. Đúng lúc ấy, một tràng nhốn nháo rộ lên cắt ngang luồng suy nghĩ của gã. Lương Tiêu ngước mắt nhìn. Một tảng đá khổng lồ vừa giằng đứt dây thừng, theo triền đê lục cục lăn xuống, lập tức đè bẹp dí hai người dân làm muối, đám đàn bà đưa cơm bên dưới đều trợn mắt nhìn, mồm há hốc, quên cả né tránh.
Lương Tiêu không kịp nghĩ ngợi nhiều, guồng chân chạy lên đẩy mạnh song chưởng cản tảng đá, nhưng cái vật vô tri ấy nặng ước ngàn cân, lại từ trên cao xô xuống nên uy thế vô cùng dữ dội. Lương Tiêu dồn sức vận chiêu Lập địa sinh căn, chân sục vào đất đã hơn một thước mà vẫn không giữ được nó, cánh tay tê chồn gần như đau đớn, cổ họng khô ran. Tảng đá trùng trình một thoáng rồi tiếp tục nhúc nhích, xem chừng đè bẹp Lương Tiêu tới nơi, Hiểu Sương khiếp hãi la lên thất thanh.
Đúng lúc đó, một bóng người vọt tới như tia chớp, duỗi tay xô mạnh, tảng đá dừng ngay lại, thậm chí còn nhích lên phía trên thêm mấy tấc. Lương Tiêu cảm thấy áp lực giảm bớt, bèn liếc mắt nhìn thì nhận ra đó chính là chú tiểu phàm ăn. Hai người chưa tiện nói gì, chỉ cùng gật đầu rồi đồng tâm hiệp sức đẩy ngược tảng đá lên. Sau khi đưa tảng đá trở lại mặt đê, Lương Tiêu ngồi phệt ngay xuống, hộc ra một bụm máu bầm, mặt trắng nhợt, bật cười:
- Sức lực ghê gớm làm sao!
Chú tiểu mở to đôi mắt, quan tâm hỏi:
- Ngươi… bị thương ư?
Lương Tiêu lắc đầu:
- Xây xước ngoài da, không đáng kể!
Chú tiểu tin ngay, chỉ ồ một tiếng rồi thôi, không thắc mắc hỏi han gì nữa. Lúc này Hiểu Sương đã chạy lên tới nơi, lấy đan dược đưa cho Lương Tiêu, thở phào đa tạ chú tiểu:
- Vì sao tiểu sư phụ lại ở đây? Hôm nay mà không có tiểu sư phụ thì gay go to!
Chú tiểu đỏ mặt liếc Lương Tiêu. Lương Tiêu cười xòa:
- Ngươi giúp ta đẩy đá, ta mời ngươi ăn cơm, được không nào?
Chú tiểu mừng rỡ gật đầu lia lịa.
Lương Tiêu điều tức cho hồi sức rồi cùng hai người rời bờ đê, vào thị trấn tìm một tửu quán, gọi cơm và một hộc rượu. Mới uống một hớp, nhận ra chú tiểu nuốt nước bọt ừng ực, nhìn như đóng đanh vào chén mình, gã hỏi:
- Ngươi cũng muốn uống ư?
Chú tiểu gật đầu đánh rụp, Lương Tiêu gọi thêm một vò rượu. Chú tiểu giơ tay đón lấy làm một hơi hết sạch, miệng còn chép chép ra ý thòm thèm, mắt đảo sang chén rượu của Lương Tiêu. Dạo ở Thường Châu, Lương Tiêu hay mượn rượu giải sầu, uống mãi đâm nghiện. Hiểu Sương vì mang bệnh nên không chạm môi tới một giọt rượu, thành thử dọc đường Lương Tiêu toàn uống một mình, mất đi rất nhiều hứng thú, nay gặp chú tiểu ham rượu như vậy thì sinh lòng tri kỷ, liền vui vẻ gọi thêm vò nữa, nhân tiện hỏi:
- Chẳng hay pháp hiệu của hòa thượng là gì?
Chú tiểu hớn hở ôm vò rượu vào ngực, cười toe:
- Sư phụ gọi mỗ là Hoa Sinh!
Lương Tiêu ra vẻ trầm ngâm:
- Té ra ngươi cũng họ Hoa, cùng họ với cô nương đây. Nhưng cái tên nghe hơi lạ đó! Hẳn sư phụ ngươi tên là Lão Tửu[3]?
Hiểu Sương cười mãi không thôi:
- Tiêu ca ca đừng chọc người ta nữa! Vả chăng, người xuất gia có bao giờ dùng họ như kẻ phàm tục đâu.
Hoa Sinh xoa cái đầu bóng lưỡng, nhe răng một cách ngây ngô:
- Người này nói trúng mới lạ, trong pháp hiệu của sư phụ mỗ quả thật có một chữ “tửu”.
Hiểu Sương ngạc nhiên:
- Tình cờ thật! Nhưng xem ra, Hoa Sinh ở đây không phải là lạc, không phải là thức nhắm đâu, mà là một luận lý nhà Phật.
- Lại thế nữa? – Lương Tiêu cười ngất. – Muội nói thử xem!
Hiểu Sương tủm tỉm:
- Đạt Ma sư tổ rời Thiên Trúc sang đông thuyết pháp, giải đáp khúc mắc, khai sáng một phái mới là Thiền tông. Lúc viên tịch, người nói: “Ta từ miền lạ tới, Truyền pháp cứu mê tình, Một hoa nở năm cánh, Kết quả tự nhiên sinh”. Người đã tiên đoán được rằng Thiền môn sẽ phát dương quang đại, và quả thực sau này, tông môn ấy đã tách ra làm năm chi phái lớn là Quy Ngưỡng, Lâm Tế, Tào Độn, Vân Môn và Pháp Nhãn. Đạt Ma sư tổ đi rồi, ánh sáng tâm linh của người soi rọi tới Nhị tổ Huệ Khả, Huệ Khả đại sư để lại bài kệ rằng: “Duyên vốn cần đất tốt, Có đất mới trồng nên, Nếu không chăm không bón, Chẳng khi nào hoa lên”. Sang đời thứ ba, Tam tổ Tăng Xán dạy: “Hoa trồng tuy nhờ đất, Từ đất trồng mới ra, Nhưng không người tưới bón, Chẳng có đất lẫn hoa”. Tứ tổ Đạo Tín kế thừa y bát, cũng viết bài kệ rằng: “Lẽ trồng hoa sinh trưởng, Nhờ đất mầm ra hoa, Thiếu duyên và tính hợp, Phải ra cũng không ra”. – Cô nhìn Hoa Sinh, mỉm cười nói. – Từ đó đủ thấy, chữ Hoa Sinh ở đây có nghĩa là “giác ngộ thì gặp được Phật, làm cho Thiền môn phát dương quang đại”. Hoa Sinh à, sư phụ ngươi gửi gắm rất nhiều vào ngươi đó, đừng phụ kỳ vọng của người nhé!
Hoa Sinh không để vào tai, chỉ ậm ừ, hùng hục ăn thịt uống rượu. Lương Tiêu vừa nghe các điển cố Thiền môn vừa ngắm bộ dạng phàm phu của chú ta, sực nhớ ra một chuyện, nhướng mày cười bảo:
- Ngươi luyện Đại kim cương thần lực, chả trách khỏe như vậy. Trong tên có một chữ “tửu”! Ha ha, “tửu” này không phải là rượu đâu, mà là “cửu” trong thất bát cửu thập ấy. Hoa Sinh, sư phụ ngươi tên là Cửu Như, đúng không[4]?
Hoa Sinh giật mình ngẩng đầu, cặp mắt tròn xoe:
- Sao… sao ngươi biết?
Lương Tiêu nghĩ bụng: “Hóa ra toàn người quen cũ. Năm xưa hai bên hội ngộ ở khe núi có bàn cờ đá, ta đã lừa nó ăn cả một vốc gai còn gì!”. Gặp được bạn rượu, gã rất cao hứng, bèn gác chuyện ân oán thuở thiếu thời sang một bên, cứ luôn tay rót rượu, luôn mồm uống cạn, chỉ thoáng chốc đã cùng Hoa Sinh làm sạch một vò.
Hiểu Sương nhớ ra Lương Tiêu đang bị thương, thấy gã uống như hũ chìm, bèn can:
- Rượu nhiều hại thân.
Lương Tiêu bèn ngừng uống, tỉ tê hỏi chuyện Hoa Sinh:
- Sư phụ ngươi đâu?
Hoa Sinh buông chén xuống bàn, bặm bặm môi:
- Sư phụ… sư phụ đuổi mỗ rồi.
Lương Tiêu và Hiểu Sương đều kinh ngạc.
- Tại sao vậy? – Hiểu Sương hỏi.
Hoa Sinh gục đầu buồn bã:
- Mỗ cũng không hiểu! Hai thầy trò đang trải qua những ngày ăn thịt uống rượu tiêu dao khoái lạc, bỗng dưng một bữa kia, sư phụ gọi mỗ lại hỏi: “Hoa Sinh ơi, năm nay con bao nhiêu tuổi?”. Mỗ biết đâu được đấy, bèn đáp: “Sư phụ bảo bao nhiêu thì con bấy nhiêu!”. Sư phụ thở dài: “Tính sơ sơ thì cũng phải mười sáu mười bảy chứ không ít, đã đến lúc bước ra với đời cho mở mang tầm mắt rồi!”. Mỗ nghe vậy không khỏi kinh hãi, nghĩ bụng từ nhỏ đã bám lấy cà sa của sư phụ, nay hạ sơn một mình chẳng phải là đáng sợ lắm ư? Bèn níu sư phụ năn nỉ thoái thác. Sư phụ nói: “Được lắm, hôm nay ta hỏi con mấy câu, trả lời đúng thì ở lại, bằng không thì xuống núi”. Mỗ liếc vò rượu đang hâm đằng lò, mồm cứ bứt rứt thèm thuồng, bèn nói: “Có gì cần hỏi từ từ để sau cũng được, chứ rượu thì phải uống ngay lúc nóng thầy ạ”. Không ngờ sư phụ điên tiết táng mỗ một cái nảy lửa, mắng xối xả: “Tham như mõ ấy, chỉ biết uống thôi! Dỏng tai lên nghe ta hỏi, trả lời sai thì đừng hòng ăn với uống!”. Nói rồi người chìa tay: “Đây là gì?”. Mỗ vừa bị cái đấy nện cho liểng xiểng, làm gì không biết, bèn nhanh nhảu đáp: “Tay thầy!”. Sư phụ tát mỗ một cái méo mặt, mắng mỏ: “Ngu, đây là Phật thủ!”.
Chú tiểu nhìn bàn tay mình đầy thắc mắc:
- Tới tận bây giờ mỗ vẫn không hiểu, bàn tay hai thầy trò giống y như nhau, tại sao tay mỗ gọi là tay, tay sư phụ lại gọi là Phật thủ?
Hiểu Sương nhíu mày:
- Ta đọc sách, thấy nói tuyên ngôn của Thiền môn là vượt Phật hơn Tổ, duy ngã độc tôn. Theo truyền thuyết, Thích Ca Mâu Ni lúc ra đời đã đi từ đông sang tây bảy bước, lại đi từ nam sang bắc bảy bước, giơ tay trỏ trời trỏ đất mà rằng: “Trên trời dưới bể, khắp tứ duy chỉ có mình ta là lớn”. Vì vậy các đại sư của phái Thiền tông đều học theo cử chỉ này, không tín phục cả người xưa lẫn người nay, chỉ tin tưởng bản thân, nhận chân bản tính, tâm niệm rằng mình sẽ trở thành một Phật tổ duy ngã độc tôn dưới vòm trời, người ta gọi đó là “Kiến tính thành Phật”. Mà đã thành Phật rồi thì bàn tay sẽ là Phật thủ thôi.
Hoa Sinh lắc đầu:
- Mỗ không tin, một đứa nhóc mới ra đời thì đi thế quái nào được? Nhất định là cái tên Thích Ca Thích Hát ấy đã lừa người ta rồi!
Hiểu Sương sững sờ kêu lên:
- Thiện tai, thiện tai! Hoa Sinh, ngươi là hòa thượng, sao có thể nói những lời thất lễ nhường ấy về Phật tổ?
Vẻ mặt nghiêm khắc của Hiểu Sương khiến chú tiểu chột dạ, chẳng biết mình sai ở đâu, chú ta đành bối rối xoa cái đầu trọc lốc, vẻ mặt khổ sở. Lương Tiêu cười thầm: “Tên này không tin cả Thích Ca Mâu Ni, theo lý thuyết duy ngã độc tôn của Hiểu Sương thì chẳng phải đã thành một nửa Phật tổ rồi ư?”. Gã rót rượu cho chú tiểu, gợi ý:
- Thôi bỏ chuyện ấy đi, sau đó thế nào?
Hoa Sinh uống rượu, tinh thần phấn chấn, kể tiếp:
- Sau đó sư phụ tợp một ngụm cay, dạng hai chân hỏi mỗ rằng: “Được lắm, ngươi khá nói xem, đây là cái gì?”. Lần này mỗ giương mắt nhìn kỹ đâu ra đấy rồi mới cẩn thận đáp: “Chân của sư phụ”. Ngờ đâu sư phụ đá mỗ một phát, mắng: “Ngu, chân lừa!”. Các ngươi bảo có lạ không? Mỗ chưa từng trông thấy tay Phật, dẫu sư phụ có bịp thì mỗ cũng công nhận đi, nhưng chân lừa thì mỗ trông thấy rồi! Khác hẳn chân sư phụ!
Lương Tiêu cười thầm, nhưng Hiểu Sương lại hết lòng giúp Hoa Sinh giải đáp:
- Đạo Phật có câu: Chúng sinh bình đẳng. Bất kể Phật, người hay cầm thú cũng đều là sinh linh, nên có sự kính trọng lẫn nhau. Câu chuyện về bàn tay Phật và bàn chân lừa ấy nên được hiểu đơn giản thế này: chúng sinh bình đẳng, không phân quý tiện.
Hoa Sinh há hốc mồm, đầu óc rối beng, những lời Hiểu Sương nói quá ư huyền diệu, vượt quá tầm tiếp thu của chú ta, có khi vò đầu bứt tai mười năm nữa cũng chưa thẩm thấu được. Lương Tiêu thấy Hiểu Sương cứ dồn hết tâm tư để giải thích những lời lẽ lung tung bừa bãi của Cửu Như thì méo xệch mặt, không biết nên can hay mặc kệ nữa.
Hoa Sinh nghĩ ngợi hồi lâu, trù trừ hỏi:
- Vậy, vì sao người ta không mọc đuôi xoắn như lợn?
Hiểu Sương ngẩn ra không biết trả lời thế nào, Lương Tiêu vỗ tay cười:
- Hỏi hay lắm, lắt léo lắm!
Hoa Sinh thấy gã tán dương mình thì rất khoái chí, nhe răng cười hềnh hệch, chợt lại buồn thiu, thở dài:
- Tiếc thay, sư phụ không biết được cái hay của mỗ, mắng té tát một hồi rồi nói: “Ta hỏi ngươi câu cuối cùng, bình sinh việc ngươi muốn làm nhất là gì?”. Câu này quá ư đơn giản, mỗ đã từng nghiền ngẫm, cũng từng mơ mộng về nó không ít lần nên chẳng buồn nghĩ ngợi, vọt miệng đáp luôn: “Con muốn tắm rửa ngủ nghê trong ao rượu, khi tỉnh dậy là trông thấy phòng thiền treo lúc lỉu thịt chó”.
Câu trả lời thật đáng khiếp hãi. Hiểu Sương chết sững, Lương Tiêu cũng phải đổi sắc mặt, bụng bảo dạ: “Tồi bại hết mức, là thân hòa thượng mà còn tơ tưởng đến cuộc sống đắm chìm trong ao rượu rừng thịt như thế nữa!”. Gã không nhịn được, bèn hỏi:
- Lần này trả lời đúng chứ hả?
Hoa Sinh thở dài đánh sượt, lắc đầu:
- Mỗ cũng tưởng vậy là hoàn hảo lắm rồi, chẳng ngờ sư phụ buồn bã ra mặt, đờ đẫn hồi lâu thì xoa đầu mỗ mà rằng: “Hoa Sinh ơi, bao giờ cái đầu đần độn của con mới sáng sủa được một chút? Xem chừng con không phải là loại sinh ra để tham thiền ngộ đạo, đừng làm đồ đệ của ta nữa!”. Các ngươi nghĩ xem, mỗ theo sư phụ từ nhỏ, đời này kiếp này là đồ đệ của người rồi, rời sư phụ thì ai cho mỗ ăn thịt uống rượu đây? Vì thế những lời ấy làm mỗ vừa kinh ngạc vừa thất đảm, một trăm, không, phải là một nghìn một vạn lần nằng nặc không chịu, quệt nước mắt nước mũi lăn lộn như ăn vạ để níu kéo người. Sư phụ bị mỗ quấy quá, không nói năng gì nữa. Mỗ tưởng sự việc coi như xí xóa cho qua, nào ngờ… – Hoa Sinh nói đến đây thì bặm môi ôm mặt, nước mắt như mưa, sụt sịt kể nốt. – Hôm sau, khi thức dậy, mỗ không thấy sư phụ đâu, gạo mì rượu thịt cũng biến mất, mỗ đợi mấy hôm liền nhưng sư phụ không quay về, bụng đói ngấu, chẳng còn cách nào khác đành hạ sơn…
Chừng chua xót quá, Hoa Sinh gục mặt lên bàn khóc tấm tức, vừa khóc vừa gọi:
- Sư phụ ơi, thầy ở đâu? Hoa Sinh nhớ thầy quá, hu hu hu…
Tiếng khóc thảm thiết khơi gợi nỗi nhớ nhà của Hiểu Sương, khuôn mặt cô buồn thảm hẳn đi. Lương Tiêu vỗ về:
- Đừng khóc nữa Hoa Sinh! Uống rượu nào!
Hoa Sinh nghe tới chữ “rượu” thì phấn chấn trở lại, ngẩng đầu lên ôm lấy cái vò, cạn thêm mấy chung, khuôn mặt đã tươi tỉnh như thường. Lương Tiêu hỏi:
- Bây giờ ngươi có dự tính gì chưa?
Hoa Sinh lộ vẻ hoang mang, lắc lắc đầu. Lương Tiêu cau mày:
- Vậy ta hỏi ngươi, vì sao ngươi cứ nhằng nhẵng bám theo huynh muội ta?
Hiểu Sương ngạc nhiên nhìn chú tiểu. Hoa Sinh rất sửng sốt, ấp úng nói:
- Sao… sao ngươi biết?
Lương Tiêu phì cười:
- Ngươi vụng về lắm, che mắt ta sao nổi!
Hoa Sinh choáng váng, đỏ mặt lắp bắp:
- Vì… vì các ngươi tốt bụng, từ lúc hạ sơn tới giờ mỗ chưa gặp ai tử tế với mình như thế. Đi theo các ngươi mỗ cảm thấy rất vững tâm.
Hiểu Sương sinh lòng thương hại chú tiểu lưu lạc giang hồ, tính tình lại ngờ nghệch, đi tới đâu cũng bị ức hiếp. Cô ngập ngừng đưa mắt nhìn Lương Tiêu. Gã này hiểu ngay, gật đầu bảo Hoa Sinh:
- Ngươi có sức vóc, giúp ta mang vác hành lý vậy nhé?
Hoa Sinh hớn hở đáp ngay:
- Chuyện nhỏ! Được đi theo các ngươi là tốt lắm rồi!
Từ đấy trở đi, trong lòng không còn lo ngại gì nữa, chú ta nói chuyện cởi mở hẳn lên, ôm chặt vò rượu mà khề khà cho đến khi cạn trơ rồi chất các bao gói tay nải lên lưng, xoa cái đầu trọc lóc, khuôn mặt tươi tỉnh chuẩn bị lên đường. Lương Tiêu vốn ưa những người hiền lương chất phác, trông bộ dạng Hoa Sinh như vậy rất lấy làm dễ chịu, bèn vẫy tay cười:
- Vội gì, ăn cơm xong rồi đi cũng chưa muộn.
Hoa Sinh lúng túng hạ hành lý xuống, ngồi trở lại ghế nhặt bánh bao vừa cười lỏn lẻn vừa ngấu nghiến nhai.
Cơm rượu đẫy bụng, Lương Tiêu đang định gọi tính tiền, bỗng đằng cửa quán vang lên tiếng cười khanh khách rất quen tai, một hán tử áo xanh ngồi án ngữ ngay lối vào. Lương Tiêu ngạc nhiên nghĩ: “Đàn ông đàn ang mà sao cười the thé như đàn bà thế không biết?”. Người nọ đứng dậy ngoảnh đầu lại, phô ra khuôn mặt đẹp như ngọc, dáng vóc cử chỉ yêu kiều lạ thường. Lương Tiêu thấy quen mắt quá, nghĩ một lúc sực nhớ ra, cười nhạt:
- Hàn Ngưng Tử, ngươi định giả trang lừa ai thế?
Hàn Ngưng Tử nhếch mép:
- Mưu kế bại lộ rồi! – đoạn nhìn Hiểu Sương, nở nụ cười thâm độc. – Lương Tiêu, ngươi thay lòng đổi dạ nhanh thật, đầu tiên là Oanh Oanh, kế đến A Tuyết nhà ta, bây giờ lại tới tiểu cô nương… à, không biết cao danh quý tính là gì nhỉ?
Hiểu Sương định xưng tên, Lương Tiêu liền cắt ngang:
- Ngươi vô lễ quá đấy!
- Ta chỉ hỏi tên họ, có gì mà vô lễ?
Lương Tiêu vốn căm Hàn Ngưng Tử hại Lăng Sương Quân để liên lụy đến Hoa Hiểu Sương nên cố ý châm chọc cho bõ ghét:
- Ngay tên họ của bà cô ngươi mà ngươi còn phải hỏi, mất gốc như thế không phải là vô lễ hay sao?
Hàn Ngưng Tử chỉ nhếch mép, khẽ xoay mình đi, thình lình hất tay nhanh như chớp. Một cái bát sứ men hoa văng lên không lướt về phía Lương Tiêu. Lương Tiêu né người sang bên, xòe tay phải gạt phăng bát rượu trước mặt. Hai cái bát lao vút tới, va vào nhau giữa không trung. Sau một tiếng động giòn tan, bát sứ men hoa vỡ thành tám mảnh, bát rượu hoàn toàn không suy suyển, vẫn bay thẳng tới Hàn Ngưng Tử.
Họ Hàn hoảng vía khép chưởng đỡ. Lương Tiêu liền kích thêm một chưởng hầu đẩy nhanh tốc độ bát rượu. Nội kình của gã hùng hậu hơn hẳn ngày xưa, Hàn Ngưng Tử không dám đỡ chưởng lực trùng, đành nhảy tránh. Bát rượu bay vù tới, vạch một đường cong trong khoảng không rồi cắm phập vào bức vách đất dày tám tấc, rượu trong bát vẫn không văng ra ngoài lấy một giọt. Hàn Ngưng Tử tái mét mặt.
Lương Tiêu nhủ bụng, đã ra tay quyết làm cho trót, phải giết chết nữ ma đầu này đặng trừ hậu hoạn cho Hiểu Sương. Mắt tối dần vì sát khí, gã dợm đứng lên. Hàn Ngưng Tử bỗng cười khanh khách:
- Mấy năm không gặp, võ công ngươi cũng khá lên nhiều nhỉ! Xem chừng có thể cứu được Liễu Oanh Oanh đấy!
Lương Tiêu sắp sửa xuất thủ, nghe câu ấy tim bỗng thót lại, khí thế hơi nhụt đi:
- Ngươi chết tới nơi rồi, còn bịa chuyện nữa ư?
Hàn Ngưng Tử lắc đầu liếc Hiểu Sương, giọng kéo dài:
- Say bên người mới vui cười, Hay đâu người cũ lệ rơi chan hòa[5]. Liễu Oanh Oanh thật là có mắt như mù, tại sao cam chịu giam cầm hành hạ vì một kẻ bạc tình bạc nghĩa như ngươi kia chứ!
[1] Gặp tiểu Hoa Sinh.
[2] Trích bài từ theo điệu Hạ Tân Lang của Tân Khí Tật. Câu này thể hiện tâm thế gửi tình vào non nước, tìm mối tri âm với thiên nhiên của tác giả, được sáng tác với thủ pháp tương tự câu Tương khán lưỡng bất yếm (nhìn nhau không chán mắt) trong bài thơ Độc tọa Kính Đình sơn của Lý Bạch.
[3] Lão Tửu là rượu. Hoa Sinh là lạc (đậu phụng), một thức người ta thường nhắm khi uống rượu.
[4] Trong tiếng Trung, chữ “tửu” và chữ “cửu” đồng âm, đều đọc là jiu.
[5] Câu trong bài thơ Giai nhân của Đỗ Phủ.
- Chuyện gì thế này?
- Chẳng có gì lạ đâu. – Lương Tiêu tư lự nói. – Trò của Hạ Đà La dùng để đối phó Thích đảo chủ đấy mà.
Hiểu Sương thở dài xót xa:
- Họ ham đấu đá cũng đành, nhưng tại sao lại để liên lụy đến lũ chim sẻ?
- Sẻ thì đáng gì? Số người chết trong khói lửa chiến tranh còn nhiều hơn sẻ gấp hàng ngàn hàng vạn lần ấy muội ạ.
Hiểu Sương giật mình, thốt nhớ tới lời Công Dương Vũ: “Ông ấy buộc tội Tiêu ca ca dẫn quân Thát đánh hạ thành trì, chiếm đoạt đất đai, tàn sát dân chúng, không hiểu là nói thật hay nói dối. Nhưng trông ông ấy dở điên dở dại, chắc là bịa đặt để lừa ta thôi”. Nhác thấy Lương Tiêu lộ vẻ âm thầm buồn bã, Hiểu Sương quên bẵng ngay Công Dương Vũ và mối băn khoăn: “Tiêu ca ca cứ rầu rĩ suốt từ nãy tới giờ, phải nghĩ cách để khiến ca ca vui lên mới được”. Ngặt nỗi cô không có khiếu hài hước, vò đầu bứt tóc mãi mà chẳng nặn được truyện cười nào để kể cho Lương Tiêu khuây khỏa.
Thình lình, tiếng ai đó la om sòm lôi họ về thực tại:
- Tên tóc bạc kia, ngươi không ra thì đúng là đồ hèn hạ khốn kiếp!
Lập tức có tiếng đáp trả:
- Lão già điên kia, ngươi mà vào thì đúng là đồ khốn kiếp hèn hạ!
Không chần chừ lấy một tích tắc, Lương Tiêu nghiêng người lướt như bay vào khu rừng bên đường. Hiểu Sương ngây mặt một lúc vì mẩu đối đáp kỳ cục rồi cũng lập cập thúc lừa chạy theo. Vượt qua mấy vạt cây cối, họ trông thấy Thích Thiên Phong đầu bù tóc rối, mặt mũi lem nhem đang ngồi trước một hang đá, tay quay xâu sẻ trên ngọn lửa bập bùng, miệng lúng búng:
- Ngươi không ra thì đúng là đồ hèn hạ khốn kiếp!
Vừa dứt lời, tiếng nói trong hang bốp chát:
- Ngươi mà vào thì đúng là đồ khốn kiếp hèn hạ!
Lương Tiêu hỏi:
- Ông làm gì vậy?
Thích Thiên Phong nheo mắt nhìn Lương Tiêu, cảm thấy quen mặt quá nhưng nhất thời không nhớ ra đã gặp ở đâu, bèn đáp:
- Tên tóc bạc trốn trong kia, hắn đe nếu ta vào thì là đồ khốn kiếp hèn hạ, đương nhiên ta không thể vào được, nhưng chính bản thân hắn lại đang ở trong hang, làm sao cho thoát cái phận khốn kiếp hèn hạ cơ chứ? Ha ha, cuối cùng lão tử vẫn thắng, – vừa nói vừa vuốt râu vẻ đắc ý.
Lương Tiêu lắc đầu, chẳng gì cũng là tông sư một phái mà đi giằng co tranh chấp với người ta từ việc nhỏ nhặt vớ vẩn đến thế, đúng là dở khóc dở cười! Thích Thiên Phong cứ cắn một miếng thịt sẻ lại chửi mắng một câu, cái hang cũng đáp trả ngay lập tức, âm thanh the thé khác hẳn giọng nói rin rít ngày thường của Hạ Đà La. Lương Tiêu rất lấy làm lạ: “Phải chăng Hạ Đà La bị thương đến nỗi mất cả giọng?”. Gã lắng tai nghe kỹ hơn, chợt biến sắc kêu: “Không phải!”, rồi nhảy dựng lên, chạy xộc vào hang. Thích Thiên Phong chòng chọc nhìn theo. Bóng gã thiếu niên vừa khuất thì giọng gã vang trở ra:
- Lão gia tử, ông vào đây xem này!
Thích Thiên Phong nhổ phì phì:
- Ngươi định lừa ta làm quân khốn kiếp hèn hạ chứ gì, đừng hòng!
Lương Tiêu kiên nhẫn gọi:
- Vậy ông thử nhắc lại lần nữa: “Ngươi không ra thì là đồ hèn hạ khốn kiếp” đi!
Thích Thiên Phong làm y lời, nhưng đợi chờ rất lâu mà không thấy ai đáp lại, lão nóng nảy quẳng xâu thịt sẻ xuống, chạy vù vào hang. Lương Tiêu đang đứng cạnh một tảng đá to, tảng đá nằm đè lên một sợi thừng mảnh, đầu sợi thừng buộc quanh một con yểng, con yểng này đang nằm trong tay Lương Tiêu.
Thích Thiên Phong ngơ ngác, nhìn hết thứ nọ đến thứ kia. Lương Tiêu buông con yểng:
- Ông thử nhắc lại câu vừa nói đi!
Thích Thiên Phong làm theo, con yểng liền ngoác mỏ rủa:
- Lão già điên kia, ngươi mà vào đây thì đúng là đồ khốn kiếp hèn hạ!
Thích Thiên Phong há hốc mồm, sững sờ một lúc mới lẩm bẩm:
- Thế tên tóc trắng đâu?
Lương Tiêu trỏ một cái hốc trên vách hang:
- Ông xem đây!
Thích Thiên Phong thò đầu vào hốc, nó nối thông với một đường hầm bề ngang rộng chừng ba thước, sâu dễ phải đến mười mấy hai mươi trượng. Lão thuỗn mặt than:
- Trốn mất rồi!
Lương Tiêu nén cười:
- Đúng vậy, hắn đã lừa ông!
Số là Hạ Đà La bị Thích Thiên Phong chàng ràng đeo bám, không sao rũ bỏ được đành chạy vào cố thủ trong hang, may sao trời chẳng tuyệt đường người, một con yểng biết nói tự dưng lần đến theo tiếng tiêu của hắn. Hạ Đà La nảy ra một kế, dạy nó hót câu “Lão già điên kia, ngươi mà vào đây thì đúng là đồ khốn kiếp hèn hạ”. Thích Thiên Phong bị câu ấy cầm chân, cố nhiên không khi nào xông vào, chỉ ngồi lì bên ngoài chửi tay đôi với con chim. Hạ Đà La nhân đó dùng Bát Nhã phong đào một đường hầm chạy trốn. Sau trận này, hắn gần như suy sụp vì kiệt sức, thoát khỏi Thích Thiên Phong một cái là cao chạy xa bay, không ngó ngàng đến việc trả thù Lương Tiêu hay bất kỳ điều gì khác nữa.
Thích Thiên Phong phát giác bị lừa, giận quá đấm ngực thùm thụp, giậm chân bình bịch, kêu gào tức tối, phi luôn vào đường hầm ráo riết đuổi theo. Lương Tiêu nhìn theo lão già, không nén nổi cười phá lên bảo Hiểu Sương:
- Lão gia tử mà không bắt kịp Hạ Đà La, e rằng sẽ quay về quấy nhiễu ta, ấy mới rầy rà. Huynh muội mình mau rời khỏi đây là hơn.
Hiểu Sương cũng sợ ông già ngớ nga ngớ ngẩn, động một tý là thượng cẳng tay hạ chẳng chân ấy, nghe vậy liền gật đầu tán đồng.
Họ đi liên tục hai đêm hai ngày rồi dừng lại nghỉ ở một thị trấn. Hiểu Sương mở sạp khám bệnh trong chợ. Dân chúng tuyền một hạng trông mặt bắt hình dong, thấy Hiểu Sương là nữ nhi, hình dung tiều tụy, mặt mũi xanh xao, chẳng ai tin cô chữa được bệnh tật gì, chỉ hiếu kỳ ngó nghiêng bàn tán chốc lát rồi ai đi đường nấy. Hiểu Sương mở sạp suốt một ngày mà chẳng ai đến khám, bản tính rụt rè nên cũng không dám ra mặt chèo kéo chào mời, vô kế khả thi đành tủi phận âm thầm sa lệ.
Lương Tiêu thương hại, bèn bảo Hiểu Sương nhìn sắc mặt khách bộ hành, đoán xem ai đang mắc bệnh. Hễ cô gái trỏ kẻ nào, Lương Tiêu liền xốc tới điệu cổ người ta vào khám y như diều hâu bắt gà. Những người đi đường, một là không quen lối khám chữa cưỡng ép, hai là không tin rằng có đại phu sẵn lòng chẩn trị miễn phí, ai cũng hoang mang nghi ngờ, nhưng sợ thái độ hùng hổ của Lương Tiêu nên đành khép nép ngồi lại cho Hiểu Sương bắt mạch trị bệnh. Hiểu Sương vốn không ưa vũ lực, nhưng thấy có bệnh để chữa thì say sưa đến nỗi quên hết tất cả, chẳng bận tâm đến hành động thô bạo của Lương Tiêu nữa.
Hiểu Sương y thuật cao cường, chữa ai khỏi nấy, được vài người thì tiếng tăm đã bắt đầu lan rộng, bệnh nhân trong thị trấn ùn ùn kéo đến. Sạp khám lúc trước còn vắng như chùa Bà Đanh, nay thì vây kín vòng trong vòng ngoài. Lương Tiêu hớn hở trải một cái chiếu bên cạnh, đan tre trúc, làm nhiều món đồ chơi như rối người rối thú, chim biết bay, chong chóng gió tự quay, đồng hồ nước biết gõ tích tắc. Gã giỏi thuật cơ quan nên chế tạo toàn những đồ vật tinh xảo, lại thêm giá cả phải chăng, thu hút ngay vài lái buôn giàu có ham đồ lạ đến mua, nhờ đó cũng kiếm được chút ít tiền bạc. Những lúc hàng họ ế ẩm, Lương Tiêu bèn bảo Kim Linh Nhi và Bạch Si Nhi diễn trò để kiếm tiền độ nhật.
Mấy tháng liền như thế, hai người đi khắp trấn nọ làng kia. Dọc đường, họ chạm trán khá nhiều thổ phỉ đạo tặc, và nhiều hơn nữa là đám lang băm bất lương. Bọn này căm hận Hiểu Sương phá ngang việc hành nghề của mình nên thuê lưu manh hãm hại hoặc móc ngoặc với quan phủ để o ép hai người, nhưng gặp Lương Tiêu thì khác nào gặp sát tinh, may nhờ lòng nhân của Hiểu Sương mà còn mạng quay về.
.
Hôm ấy, hai người đến một thị trấn, Hiểu Sương mở sạp khám chữa như thường lệ. Được nửa buổi, bệnh nhân đang đông dần lên thì phía ngoài có tiếng lào xào huyên náo. Hiểu Sương ngước mắt trông, thấy mấy hán tử ăn bận kiểu gia đinh sốt sắng rẽ hàng người tiến vào, gấp rút nói:
- Thưa đại phu, tiểu thiếu gia nhà chúng ta bị bệnh, lão gia cho mời đại phu tới chẩn trị.
Bộ dạng họ cuống quýt, đủ thấy tình trạng tiểu thiếu gia nào đó hiểm nghèo lắm. Hiểu Sương không dám ngần ngừ sợ lỡ việc, vội vàng thu dọn đi theo. Lương Tiêu cũng đứng dậy đi cùng. Nhóm người hấp tấp đưa đường, dẫn họ đến một tòa nhà nguy nga lầu son gác tía, rẽ vòng vèo qua mấy ô cửa thì tới một sương phòng, bên trong vẳng ra tiếng khóc sụt sùi đau xót.
Lương Tiêu và Hiểu Sương nhìn vào, trông thấy mấy người đàn bà ngồi vây quanh một cái sập thêu, ai cũng gục đầu nức nở. Gần đó là một trung niên hán tử râu quai nón, mặt mày buồn rầu. Khi họ tiến lại, y đứng ngay dậy, nghe gia đinh bẩm báo thì lộ vẻ hi vọng, vòng tay thi lễ với Hiểu Sương:
- Tại hạ chỉ có một đứa con trai, từ ngày ra đời vẫn ốm lên ốm xuống, lần này bệnh trở nặng lạ lùng, mong đại phu trổ hết tài phép cứu lấy cháu!
Hiểu Sương không lòng dạ nào mà đối đáp khách sáo với hắn, bèn lật đật rẽ đám đàn bà ra xem. Trên sập có một đứa bé chưa đầy tháng, mặt mày bủng beo vẩn sắc tím, đôi môi đen bầm, tứ chi co giật, chỉ hít vào không thấy thở ra. Hiểu Sương lần tìm mạch, nhận ra mạch tượng rối loạn, Tâm kinh và Tâm bao kinh đều hư nhược, cho thấy bệnh tình đang đến hồi nguy kịch, cô vội lấy kim châm ba huyệt Thiếu hải, Âm thị và Tâm du để tăng cường độ co bóp của tim, kế đó châm huyệt Quan nguyên để xả khí trong Tam tiêu kinh ra hỗ trợ.
Vê kim chốc lát, sắc tím trên mặt đứa bé nhạt dần, Hiểu Sương thở phào, quay ra viết đơn thuốc. Không ngờ mặt đứa bé bỗng lại đổi sang màu đen, thân hình co quắp, Hiểu Sương hoảng hốt chạm vào cổ tay nó thì thấy mạch tượng phập phù, lúc có lúc không như sắp ngừng đến nơi. Cô vội ấn các huyệt Thiếu phủ, Cực tuyền và Nội quan, nhưng vẫn không thấy chuyển biến tốt, đứa bé lạnh dần đi. Hiểu Sương ruột đau như cắt, mặt mày xây xẩm, suýt nữa là ngã quỵ. Lương Tiêu vội chìa tay đỡ lấy. Cô gái tội nghiệp luôn miệng lẩm bẩm:
- Sao lại thế này, sao lại thế này?
Nhà chủ đoán chừng bất ổn liền nhao tới gần, đưa tay thăm mũi đứa bé thì thấy đã tắt thở, chạm vào da thì lạnh như băng tự khi nào. Hắn trợn trạo nhìn Hiểu Sương, hai mắt tóe lửa như sắp ăn tươi nuốt sống cô gái, bộ dạng hung dữ hoàn toàn khác hình dung nho nhã và cử chỉ ôn tồn lúc nãy:
- Ngươi xem… ngươi đã gây ra tội vạ gì đây, con tiện nhân!
Việc bệnh nhi mất mạng khiến Hiểu Sương hoàn toàn suy sụp, thân hình run lẩy bẩy, cô chỉ đủ sức lắp bắp: “Ta… ta…”, chứ không biết nên trả lời thế nào. Lương Tiêu nổi giận đùng đùng, vung hai cánh tay cứng như thép bóp cổ chủ nhà:
- Ngươi chửi ai đấy?
Mặt tên chủ chuyển màu đỏ tía, hai mắt lộn ra toàn lòng trắng. Hiểu Sương đã hơi tỉnh táo, vội vã gỡ tay Lương Tiêu:
- Tiêu ca ca, đều tại muội cả…
Lương Tiêu hẩy tên đàn ông ra, lúc này mấy mụ đàn bà mới phát giác là đứa bé đã chết, bèn ngoạc mồm chửi bới hai người rồi xông vào đập đánh như điên như dại.
Lương Tiêu thở dài, kéo tay Hiểu Sương:
- Đi thôi!
Hiểu Sương nhìn đứa trẻ sơ sinh, lòng hối hận cùng cực, chỉ muốn chết theo cho rồi.
Nhà chủ vừa thở lại được là hô hoán gia đinh mang gậy gộc xông vào, gầm gừ bảo:
- Chó chết, dám giở trò lưu manh mà không buồn xem xem ta là ai à? Chúng bay mau đánh chết hai đứa khốn nạn này để an ủi vong linh con ta!
Được lệnh chủ, bọn đầy tớ liền hùng hục lao vào.
Lương Tiêu trầy trật mãi mới dẹp yên được đám đàn bà thì giàn gậy gộc của bọn gia đinh lại xô tới. Phản ứng đầu tiên của gã là xuất thủ, nhưng nghĩ kỹ, cho rằng chạy chữa đến nỗi mất mạng con nhà người ta thì về lý về tình bên mình đều sai, gã đâm chần chừ. Gậy gộc nhân lúc ấy đổ ào ào xuống đầu Hiểu Sương. Lương Tiêu nghiến răng xông tới trước, vừa giơ lưng đỡ được hai gậy vừa thét:
- Hiểu Sương, bọn này không màng đến lý lẽ gì đâu, chúng ta đi thôi!
Hiểu Sương đờ đẫn lắc đầu, lòng ngập tràn ăn năn hối hận.
Lương Tiêu đành dùng thân chịu đòn thay cô. Gậy đánh bên trái thì gã đỡ bên trái, gậy đánh bên phải gã lại nhoài sang bên phải. Đòn thù trút như mưa xuống mặt xuống đầu Lương Tiêu, nhờ có nội công nên gã chẳng hề hấn gì, nhưng nghĩ mình có lòng tốt đến chữa bệnh mà được đền đáp thế này thì gã không sao nén nổi căm giận: “Đồ chó cậy gần nhà, lão tử mà gạt nhẹ tay thì bảy tám đứa chết là ít. Được lắm, thằng tre miễu táo gan, lão tử nhớ mặt ngươi rồi! Ối, con lợn ỉ, ngươi dám thừa cơ quất trộm lão tử! Không nể mặt Hiểu Sương thì lão tử đã đập chúng mày dẹp lép rồi!”. Tuy thầm thóa mạ bằng đủ mọi ngôn từ ghê gớm nhưng trước sau Lương Tiêu không mảy may hoàn thủ, chỉ đứng che chắn cho Hiểu Sương, hứng chịu vô số đòn gộc mà không hề đánh trả một quyền một cước nào.
Hiểu Sương vừa cảm động vừa đau lòng, cuối cùng thở hắt ra:
- Đủ rồi, Tiêu ca ca, bọn mình đi thôi!
Được lời như cởi tấm lòng, Lương Tiêu khua tay gạt phăng mười mấy cây gậy, cắp Hiểu Sương chạy ào ra cửa. Nhà chủ ngày thường hống hách đã quen, thấy con mồi thoát chết thì đời nào chịu buông, bèn hò hét gia đinh đuổi theo.
Lối đeo bám dai như đỉa đói ấy khiến Lương Tiêu bừng bừng lửa giận. Nhân trước cửa có hai pho tịch tà bằng đá, mỗi pho nặng chừng bốn trăm cân, gã đặt Hiểu Sương xuống vệ đường, giơ chân gẩy một cái, kình lực hất tung con tịch tà bên phải lên cao sáu thước. Vừa lúc chủ nhà dẫn gia đinh chạy ra, Lương Tiêu bèn xuất chưởng đẩy chéo, con tịch tà đá bắn vọt lên hơn một trượng, lao đi trong không trung rồi hạ xuống đúng đỉnh đầu hắn. Đà lao của nó quá nhanh, vẫn ở tầm cao hai trượng mà kình phong đã quét rát mặt mọi người, chủ nhà ước chừng không tránh kịp, sợ quá la hét đến lạc cả giọng.
Lương Tiêu hô vang, lắc mình tới, vỗ bốp song chưởng lên khối tượng, nó ngừng rơi, đổi chiều bay chéo đi, húc thẳng vào con tịch tà bên trái. Sau một tiếng “rầm” khủng khiếp, vụn đá bốc lên mù mịt. Khi bụi đất lắng xuống, ai nấy dụi mắt nhìn kỹ, đôi tượng đã biến mất, thay vào đó là một đống đá nát. Lương Tiêu hắt xì hơi, hạ mình đáp xuống, dắt Hiểu Sương ung dung bước đi. Chủ nhà đờ đẫn nhìn hai người đi xa dần, bỗng đâu hạ thân lành lạnh, hắn mò tay sờ mới biết mình đã vãi đái ra quần tự lúc nào.
Sau sự việc ầm ĩ ấy, Lương Tiêu và Hiểu Sương cũng không còn lòng dạ nào nấn ná lại sạp chữa bệnh, bèn thu dọn đồ đạc rời khỏi trấn đi về phía tây. Lương Tiêu vô duyên vô cớ lĩnh một trận đòn, vẫn chưa nguôi giận, hầm hầm bước đằng trước.
Đi được một thôi đường, Hiểu Sương chợt than thở:
- Ngẫm cho kỹ thì bệnh tình đứa bé đó vốn dĩ không còn thuốc chữa.
Lương Tiêu gắt gỏng:
- Sao muội không nói sớm? Nếu biết trước không phải lỗi của muội thì khi bọn cẩu nô tài đó đổ xô vào, ta đã túm mỗi bên một đứa, rắc rắc rồi… – Lương Tiêu vừa nói vừa hùng hổ vung tay mô tả.
- Rắc rắc là sao?
- Là bẻ gãy cổ bọn chúng chứ sao!
Hiểu Sương giật mình lắc đầu:
- Thế thì không được!
Đã làm ơn mắc oán lại phải nghe những lời ẩm ương, Lương Tiêu chán không buồn bước nữa, quẳng hành lý xuống gốc cây, sừng sộ đi đi lại lại. Hiểu Sương cũng tụt khỏi lưng lừa, ngồi lên một tảng đá, nhíu mày trầm tư. Lương Tiêu nôn nóng bước quẩn một hồi cũng bớt giận, bèn hỏi Hiểu Sương:
- Muội nghĩ gì thế?
Hiểu Sương thở dài:
- Muội đang thắc mắc, giả sử sư phụ gặp phải bệnh này thì người sẽ xử lý ra sao?
Lương Tiêu ngồi xuống cạnh cô, nghiêm mặt bảo:
- Ta không tán thành tư tưởng ấy đâu. Thế quái nào mà động một tí lại lôi sư phụ ra? Ngô Thường Thanh là Ngô Thường Thanh. Hoa Hiểu Sương là Hoa Hiểu Sương. Ông ấy xử lý ra sao là việc của ông ấy, muội nên nghĩ xem muội xử lý ra sao mới phải kìa!
Hiểu Sương một mực lắc đầu:
- Y thuật của sư phụ cao siêu gấp hàng chục hàng trăm lần muội, suốt đời muội cũng không thể sánh kịp thầy.
- Lẽ ra là chưa chắc, – Lương Tiêu lạnh lùng nói. – Nhưng nếu cả cái ý chí vượt qua ông ta mà muội còn không có thì đúng là suốt đời cũng không sánh kịp thật!
Hiểu Sương nghe mà sửng sốt, xưa nay cô vẫn kính phục y thuật của Ngô Thường Thanh hết mức, chưa bao giờ manh nha ý muốn phấn đấu giỏi hơn sư phụ. Thẫn thờ hồi lâu, cô nói:
- Luận Ngữ có chép: Ta tin tưởng và ngưỡng mộ đạo lý của cổ nhân nên chỉ truyền dạy chứ không sáng tác. Khổng Phu tử mà còn giảng thế, đâu đến lượt muội đòi vượt tiền bối? Giỏi hơn sư phụ muội ấy hả, không thể đâu huynh ơi!
Lương Tiêu xoa cằm:
- Ta chưa đọc sách của Khổng Phu tử, chỉ nghe đồn ông là bậc thầy của các nhà vua nên tưởng cũng bản lĩnh lắm, nào ngờ lại phát ngôn thiếu tự tin như vậy. Cuộc đời là bất biến chứ có thường hằng đâu, chẳng thế mà tục ngữ nói: “Việc qua can chẳng được nào, Việc sau họa biết cách nào lần xoay”.
Hiểu Sương bưng miệng cười:
- Câu ấy không phải tục ngữ, cũng trong sách của Khổng Tử đấy ạ!
Lương Tiêu ngớ người:
- Lạ nhỉ, Khổng Tử nói thế chẳng hóa tự tát vào mặt mình hay sao?
Hiểu Sương cau trán nhớ lại rồi tư lự thừa nhận:
- Ừ đúng, không phải của Khổng Tử. Sử ký chép, Lục Tiếp Dư hát câu ấy để cảnh tỉnh Khổng Tử mà thôi.
Lương Tiêu lườm cô:
- Ta thích hai câu này lắm đó. Người chết đằng nào cũng chết rồi, chẳng tiến bộ được nữa, tại sao người sống không theo kịp họ? Xưa chưa chắc đã bằng nay, nay chưa chắc đã sánh tày mai sau. Ta học toán, cực kỳ thấm thía điều này, bây giờ mà ta ra đề kiểm tra trình độ các đại gia toán học cổ đại thì đảm bảo mười phần hết chín sẽ nộp giấy trắng. Tạm thời muội chưa bằng Ngô Thường Thanh, nhưng chỉ cần chăm chỉ học hành, đào sâu suy nghĩ, chắc gì đã thua kém ông ấy! Nói nào ngay, cái bệnh mãn tính của muội kia kìa, Ngô Thường Thanh không chữa được tức là muội cũng bó tay à?
Hiểu Sương sửng sốt trước những lý lẽ mới mẻ ấy, cứ mở to mắt nhìn Lương Tiêu, quên cả phản biện. Lương Tiêu được đà dốc ra bằng hết rồi quay lại lấy hoa quả sườn thịt cho Kim Linh Nhi và Bạch Si Nhi. Kim Linh Nhi vốn linh thông, giỏi bắt chước hơn hẳn bọn khỉ vượn đồng loại. Một hôm Lương Tiêu nảy ý, nhân lúc cho ăn thì dạy nó các chiêu thức võ công, không ngờ con khỉ nhỏ hễ học là làm được ngay, mấy tháng qua đã tích lũy khá nhiều cách thức tiến lui công thủ. Nó quấn quýt bên Lương Tiêu ngần ấy thời gian, được gã nuôi dạy, bao nhiêu hiềm khích xưa cũ đều dần dần hóa giải, hai bên trở nên thân mật vô cùng.
Cho Kim Linh Nhi ăn xong trái cây, đồng thời cũng truyền thêm cho nó được một chiêu thủ pháp, Lương Tiêu phấn khởi thả lên cành cây cho nó chạy rông một lát. Con khỉ trở lại với thiên nhiên, hào hứng nhảy nhót tung tăng. Nhìn ra thấy Hiểu Sương vẫn trầm tư mặc tưởng, gã thiếu niên phì cười:
- Sao, quyết giữ nguyên quan điểm à?
Hiểu Sương trù trừ:
- Những điều huynh vừa nói… thôi thì thử một chút… cũng được.
Lương Tiêu biết thừa chỉ vì cả nể mà cô nói vậy chứ trong lòng không dễ gì thay đổi ngay được, gã mỉm cười ngả mình xuống, gối đầu lên đống tay nải.
Màn chiều đã buông, tà dương đổ ánh vàng trên khắp rừng núi xa gần, nền trời in sẫm đường nét uyển chuyển của những rặng núi trải dài nhấp nhô. Hiểu Sương khó khăn lắm mới dứt ra được dòng suy nghĩ rối bời, ngước mắt nhìn lên bắt gặp cảnh ấy, không kìm được xúc động thốt:
- Đẹp quá!
Lương Tiêu nhìn theo ánh mắt cô, mỉm cười:
- Ta thấy núi xanh sao diễm lệ, chắc núi thấy ta chẳng kém chi![2]
Hiểu Sương ngượng nghịu trách:
- Giỏi lắm rồi đấy, đọc được mấy bài thi từ là lấy ngay ra để chọc ghẹo muội!
Chẳng là những lúc ở không nhàn rỗi, Lương Tiêu đều lục xem đống sách của Hiểu Sương, hơn một tháng trôi đi, cũng nhớ được kha khá, tiện miệng chêm vào để trêu cho cô vui.
Hai huynh muội đang dở câu chuyện, trên tàng cây bỗng có tiếng “ối chà”, rồi một người rơi bịch xuống, luôn miệng cằn nhằn:
- Gì thế, gì thế?
Lương Tiêu và Hiểu Sương cùng giật bắn mình, nhìn lại thì nhận ra đó là một chú tiểu chừng mười sáu mười bảy tuổi, người ngợm lùn tịt, vai ngang lưng rộng, mặt tròn miệng rộng mũi sư tử, đôi mắt long lanh đang liếc lên cây. Kim Linh Nhi thò cái đầu tròn ra khỏi tán lá ken dày. Chú tiểu hừ mũi, phủi đập đất bụi bám trên người, càu nhàu:
- Khỉ gió, đến mày mà cũng bắt nạt tao!
Hiểu Sương bật cười:
- Xin lỗi tiểu sư phụ!
Chú tiểu xoa cái đầu nhẵn bóng, ngớ ngẩn hỏi:
- Ngươi nói với mỗ đấy à?
Hiểu Sương gật đầu:
- Vâng, vì khỉ của ta quấy rầy tiểu sư phụ!
Chú tiểu cười:
- Ra là khỉ của ngươi! Cũng chẳng có gì, chỉ là mỗ đang ngủ thì bị nó chui vào lòng.
Hiểu Sương càng áy náy, còn định tạ lỗi thêm, nhưng chú tiểu chẳng bận tâm đến nữa. Chú ta chăm chăm nhìn Bạch Si Nhi, cổ họng cuộn lên cuộn xuống:
- Con chó này cũng của ngươi hử?
Hiểu Sương gật đầu, chú tiểu nuốt nước bọt đánh ực:
- Ngon nghẻ quá!
- Vâng, – Hiểu Sương vui vẻ đáp. – Bạch Si Nhi ngoan lắm!
Chú tiểu gật gù:
- Béo, béo ghê! Dễ cũng đủ một bữa cho mỗ!
Hiểu Sương trố mắt. Chú tiểu nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống Bạch Si Nhi, lại nuốt ực một phát nữa, bộ điệu lưu luyến lắm rồi mới quay đầu đi. Hiểu Sương vẫn đứng như trời trồng, lắp bắp:
- Tiêu ca ca, huynh nghe thấy không? Hắn nói năng mới kỳ cục sao!
Lương Tiêu gãi mũi:
- Thú vị đấy chứ!
Hiểu Sương tỏ vẻ bất bình:
- Nhưng hắn nói muốn ăn thịt Bạch Si Nhi kia mà!
Lương Tiêu khoác tay nải lên vai:
- Trên đời thiếu gì người ăn thịt chó, đâu chỉ mình hắn hả muội?
Hiểu Sương bần thần trèo lên Khoái Tuyết, lòng vẫn còn thắc mắc: “Bạch Si Nhi dễ thương như thế, sao lại có kẻ nỡ ăn thịt nó được nhỉ?”.
Hai người lững thững đi dưới bóng tịch dương một hồi, chợt nghe phía xa có tiếng đánh đập mắng mỏ. Hiểu Sương nhướng cổ trông, thấy mười mấy lái buôn xúm xít vung can lên xuống, tựa hồ đang nện cái gì đó, vừa nện vừa rủa:
- Ăn cắp này! Ăn cắp này!
Hiểu Sương hớt hải thúc lừa chạy đến gần, nhóng mắt nhìn kỹ. Trong vòng người có một thân hình co rúm, hai tay ôm đầu mặc đám can tới tấp quật xuống, chẳng rõ còn sống hay đã chết. Hiểu Sương rối rít ngăn:
- Đừng đánh nữa! Đừng đánh nữa! – rồi ngoái lại giục Lương Tiêu. – Mau cứu người ta!
Lương Tiêu trông cảnh ấy, đoán ngay ra rằng bọn lái buôn đang đánh quân trộm cắp. Gã vốn chẳng muốn dính dấp vào làm gì, nhưng mới rồi cũng bị ăn đòn tập thể, ít nhiều sinh mối đồng cảm với tên kẻ trộm không may kia, bèn sải bước chạy tới, khua hai tay gạt mạnh bọn lái buôn ra rồi cúi mình tươi cười:
- Roi song đánh đoạn thì thôi. Chắc các vị đã hả giận phần nào, đừng nên đánh chết người ta, xảy ra án mạng thì không hay lắm đâu!
Đám lái buôn vốn từng trải, giàu kinh nghiệm xử thế, thấy Lương Tiêu chỉ gạt tay mấy lượt mà bên mình đã hoa mắt lảo đảo thì biết ngay là hạng cao nhân. Một lão già có vẻ là trưởng toán hậm hực giải thích:
- Có phải tự nhiên mà chúng ta đánh hắn đâu! Cả đoàn đang nghỉ lấy sức, ăn chút lương khô, bỗng dưng kẻ này chạy tới chầu mồm. Chúng ta nghĩ tình đáng thương bèn chia cho mấy cái bánh bao nhân thịt, nào ngờ hắn tham lam vô độ, nhân lúc mọi người lơ đãng liền khoắng hết thịt bò bánh bao còn thừa. Chẳng may là tiểu ca thì tiểu ca có giận không?
Lương Tiêu moi ra bảy tám đồng tiền đưa cho lão già:
- Chừng này là đủ bồi thường chứ?
Thái độ điềm đạm và hành động biết điều ấy đã xoa dịu cơn giận của đám lái buôn. Lão già xua tay lia lịa:
- Khỏi cần, Trương Lư Nhi ta lăn lộn hơn bốn mươi năm trên giang hồ, đâu thể vô lý giận cá chém thớt, vì lỗi kẻ khác mà lấy tiền của các hạ được chứ? – đoạn khoát tay gọi bọn bạn buôn đi.
Đám lái buôn giải tán rồi, Hiểu Sương mới dám lại gần rờ xem thương thế của nạn nhân ra sao, nhưng chưa kịp cúi xuống thì kẻ đó đã nhảy bật lên. Hiểu Sương giật bắn mình thụt lui ba bước, định thần nhìn kỹ. Đó chính là chú tiểu họ vừa gặp lúc nãy, cô ngạc nhiên hỏi:
- Là ngươi ư? – đoạn nhìn từ đầu xuống chân chú ta. – Ngươi bị thương ở đâu?
- Chả ở đâu cả! – Chú tiểu lắc đầu.
Hiểu Sương ngờ chú tiểu gồng sức chịu đựng bèn túm tay kéo lại gần, cẩn thận nhìn ngó kỹ càng rồi ngỡ ngàng hỏi:
- Quái thật, họ đánh nặng tay như thế mà ngươi không bị thương à?
Chú tiểu gãi đầu nhệch miệng:
- Mỗ ngán gì gậy gộc, chỉ sợ đói bụng thôi!
Hiểu Sương nghĩ, nhất định là đói lắm con người ta mới phải đánh cắp thức ăn, liền sinh lòng thương hại mở yên lừa dỡ lương khô cho chú tiểu. Chú ta ngớ ra một thoáng rồi đón lấy nhai ngấu nghiến. Hiểu Sương hỏi:
- Tiêu ca ca, huynh còn tiền không?
Lương Tiêu dốc ra mười mấy đồng thả vào lòng bàn tay chú tiểu:
- Ngươi là người tu hành, đừng nên ăn cắp, phải đi hóa duyên mới đúng!
Chú tiểu cầm mấy đồng tiền, bỗng đỏ mắt sụt sịt:
- Mỗ không khéo miệng, lại phàm ăn, hóa duyên chẳng ai cho. Thôi thì… ăn cắp rồi không chạy, để người ta nện một trận cho đỡ tức…
Hiểu Sương ngạc nhiên:
- Vậy là ngươi cố ý mặc họ đánh đập hả?
Chú tiểu ngượng ngùng gật đầu. Lương Tiêu cười nói:
- Tiểu sư phụ bản lĩnh đấy chứ, mạnh mà không hiếp yếu, rất tốt! Nhưng cách ứng phó ấy ngốc nghếch và nhu nhược quá!
Chú tiểu lắc đầu:
- Tại sư phụ không cho phép ta động thủ với người khác.
Lương Tiêu cau mày:
- Không cho phép động thủ thì phải chạy chứ, giơ đầu ra chịu đòn thế à?
Chú tiểu tươi mặt:
- Ố, đúng quá, sao ta không nghĩ ra nhỉ?
Lương Tiêu cười bảo:
- Vậy lần sau ăn cắp thì nhớ tẩu thoát thật nhanh, đừng để bị bắt tận tay day tận trán nhé!
Chú tiểu đã hiểu, gật đầu lia lịa. Hiểu Sương nhăn mũi:
- Huynh còn vẽ đường cho hươu chạy nữa à?
Lương Tiêu dang rộng hai tay:
- Chả thế thì còn cách nào? Muội muốn người ta bị nện nhừ tử chắc?
Hiểu Sương bối rối im lặng. Lương Tiêu nhìn sang chú tiểu:
- Chúng ta giã biệt ở đây, tiểu sư phụ nhớ cẩn thận nhé! – đoạn dắt lừa, cùng Hiểu Sương đi tiếp theo đường cái quan.
Được mấy dặm, gã thình lình ngoảnh đầu ra sau. Một bóng người xẹt vào vệ đường ngay tắp lự. Hiểu Sương cũng ngoái trông nhưng không thấy ai, thắc mắc hỏi:
- Huynh nhìn gì đấy?
Lương Tiêu lắc đầu tủm tỉm, bụng bảo dạ: “Tiểu hòa thượng bám theo bọn ta làm gì nhỉ? Hà, hắn cũng khá lắm, đi trên cây suốt hai ba dặm mà ta không hề phát giác ra!”.
Tuy đã biết, nhưng gã tự tin võ công của mình nên không buồn để ý, dắt Hiểu Sương đi tìm quán trọ nghỉ qua đêm. Hôm sau họ tiếp tục lên đường, chú tiểu không lại gần cũng không bỏ cuộc, cứ lẵng nhẵng bám theo đằng xa. Lương Tiêu thi thoảng ngoảnh lại, chú ta đều lẩn tránh với bộ dạng hấp tấp, rõ là người không giỏi bám đuôi chút nào. Lương Tiêu cười thầm, muốn trêu ghẹo nên quay đầu lại thường xuyên hơn, khiến chú tiểu quýnh quáng ứng phó không kịp. Hiểu Sương chăm chú nghĩ về y thuật, không để ý đến trận đấu ngầm giữa hai người.
Hôm sau nữa, Lương Tiêu và Hiểu Sương ra đến bờ Hoàng Hà, lúc ấy nước sông cuồn cuộn dâng cao, tràn qua đê ở mấy đoạn liền, nhấn chìm nhiều khoảnh ruộng tốt. Hiểu Sương buồn bã cùng Lương Tiêu đi vào đám nạn dân, men sông tiến về hướng tây, vận hết khả năng cứu chữa mọi người. Khổ nỗi Hiểu Sương y thuật tuy cao nhưng sức yếu, lại có một thân một mình, khó lòng chăm lo được hết mọi chỗ, nhìn bệnh dịch hoành hành khiến bà con đau ốm vạ vật bên đường mà không sao cứu được, trong lòng thương xót vô cùng. Lương Tiêu thở dài, chỉ biết gắng sức nhẹ nhàng an ủi.
Suốt mấy ngày trời, họ liên tục gặp cảnh quan phủ đốc thúc dân phu vần đá khuân đất để gia cố đê điều. Bờ đê cao dần lên đến mấy trượng, dòng nước vàng mấp mé bên ngoài trông như chảy trên trời cao. Lương Tiêu thầm cảm khái: “Đại Vũ trị thủy bằng cách đào kênh dẫn nước ra biển, người nay trị thủy theo kiểu đặt đê phòng hộ khắp nơi. Sông trôi hàng vạn dặm, đê điều dài tới mức nào cho đủ? Lý lẽ đơn giản thế mà sao giới cầm quyền không hiểu nhỉ? Nhưng suy cho cùng, Hốt Tất Liệt bận dẫn quân đánh đông dẹp bắc, chiến tranh đang đến hồi quyết liệt, chắc chẳng còn hơi sức đâu chăm lo đến việc trị thủy nữa…”. Đúng lúc ấy, một tràng nhốn nháo rộ lên cắt ngang luồng suy nghĩ của gã. Lương Tiêu ngước mắt nhìn. Một tảng đá khổng lồ vừa giằng đứt dây thừng, theo triền đê lục cục lăn xuống, lập tức đè bẹp dí hai người dân làm muối, đám đàn bà đưa cơm bên dưới đều trợn mắt nhìn, mồm há hốc, quên cả né tránh.
Lương Tiêu không kịp nghĩ ngợi nhiều, guồng chân chạy lên đẩy mạnh song chưởng cản tảng đá, nhưng cái vật vô tri ấy nặng ước ngàn cân, lại từ trên cao xô xuống nên uy thế vô cùng dữ dội. Lương Tiêu dồn sức vận chiêu Lập địa sinh căn, chân sục vào đất đã hơn một thước mà vẫn không giữ được nó, cánh tay tê chồn gần như đau đớn, cổ họng khô ran. Tảng đá trùng trình một thoáng rồi tiếp tục nhúc nhích, xem chừng đè bẹp Lương Tiêu tới nơi, Hiểu Sương khiếp hãi la lên thất thanh.
Đúng lúc đó, một bóng người vọt tới như tia chớp, duỗi tay xô mạnh, tảng đá dừng ngay lại, thậm chí còn nhích lên phía trên thêm mấy tấc. Lương Tiêu cảm thấy áp lực giảm bớt, bèn liếc mắt nhìn thì nhận ra đó chính là chú tiểu phàm ăn. Hai người chưa tiện nói gì, chỉ cùng gật đầu rồi đồng tâm hiệp sức đẩy ngược tảng đá lên. Sau khi đưa tảng đá trở lại mặt đê, Lương Tiêu ngồi phệt ngay xuống, hộc ra một bụm máu bầm, mặt trắng nhợt, bật cười:
- Sức lực ghê gớm làm sao!
Chú tiểu mở to đôi mắt, quan tâm hỏi:
- Ngươi… bị thương ư?
Lương Tiêu lắc đầu:
- Xây xước ngoài da, không đáng kể!
Chú tiểu tin ngay, chỉ ồ một tiếng rồi thôi, không thắc mắc hỏi han gì nữa. Lúc này Hiểu Sương đã chạy lên tới nơi, lấy đan dược đưa cho Lương Tiêu, thở phào đa tạ chú tiểu:
- Vì sao tiểu sư phụ lại ở đây? Hôm nay mà không có tiểu sư phụ thì gay go to!
Chú tiểu đỏ mặt liếc Lương Tiêu. Lương Tiêu cười xòa:
- Ngươi giúp ta đẩy đá, ta mời ngươi ăn cơm, được không nào?
Chú tiểu mừng rỡ gật đầu lia lịa.
Lương Tiêu điều tức cho hồi sức rồi cùng hai người rời bờ đê, vào thị trấn tìm một tửu quán, gọi cơm và một hộc rượu. Mới uống một hớp, nhận ra chú tiểu nuốt nước bọt ừng ực, nhìn như đóng đanh vào chén mình, gã hỏi:
- Ngươi cũng muốn uống ư?
Chú tiểu gật đầu đánh rụp, Lương Tiêu gọi thêm một vò rượu. Chú tiểu giơ tay đón lấy làm một hơi hết sạch, miệng còn chép chép ra ý thòm thèm, mắt đảo sang chén rượu của Lương Tiêu. Dạo ở Thường Châu, Lương Tiêu hay mượn rượu giải sầu, uống mãi đâm nghiện. Hiểu Sương vì mang bệnh nên không chạm môi tới một giọt rượu, thành thử dọc đường Lương Tiêu toàn uống một mình, mất đi rất nhiều hứng thú, nay gặp chú tiểu ham rượu như vậy thì sinh lòng tri kỷ, liền vui vẻ gọi thêm vò nữa, nhân tiện hỏi:
- Chẳng hay pháp hiệu của hòa thượng là gì?
Chú tiểu hớn hở ôm vò rượu vào ngực, cười toe:
- Sư phụ gọi mỗ là Hoa Sinh!
Lương Tiêu ra vẻ trầm ngâm:
- Té ra ngươi cũng họ Hoa, cùng họ với cô nương đây. Nhưng cái tên nghe hơi lạ đó! Hẳn sư phụ ngươi tên là Lão Tửu[3]?
Hiểu Sương cười mãi không thôi:
- Tiêu ca ca đừng chọc người ta nữa! Vả chăng, người xuất gia có bao giờ dùng họ như kẻ phàm tục đâu.
Hoa Sinh xoa cái đầu bóng lưỡng, nhe răng một cách ngây ngô:
- Người này nói trúng mới lạ, trong pháp hiệu của sư phụ mỗ quả thật có một chữ “tửu”.
Hiểu Sương ngạc nhiên:
- Tình cờ thật! Nhưng xem ra, Hoa Sinh ở đây không phải là lạc, không phải là thức nhắm đâu, mà là một luận lý nhà Phật.
- Lại thế nữa? – Lương Tiêu cười ngất. – Muội nói thử xem!
Hiểu Sương tủm tỉm:
- Đạt Ma sư tổ rời Thiên Trúc sang đông thuyết pháp, giải đáp khúc mắc, khai sáng một phái mới là Thiền tông. Lúc viên tịch, người nói: “Ta từ miền lạ tới, Truyền pháp cứu mê tình, Một hoa nở năm cánh, Kết quả tự nhiên sinh”. Người đã tiên đoán được rằng Thiền môn sẽ phát dương quang đại, và quả thực sau này, tông môn ấy đã tách ra làm năm chi phái lớn là Quy Ngưỡng, Lâm Tế, Tào Độn, Vân Môn và Pháp Nhãn. Đạt Ma sư tổ đi rồi, ánh sáng tâm linh của người soi rọi tới Nhị tổ Huệ Khả, Huệ Khả đại sư để lại bài kệ rằng: “Duyên vốn cần đất tốt, Có đất mới trồng nên, Nếu không chăm không bón, Chẳng khi nào hoa lên”. Sang đời thứ ba, Tam tổ Tăng Xán dạy: “Hoa trồng tuy nhờ đất, Từ đất trồng mới ra, Nhưng không người tưới bón, Chẳng có đất lẫn hoa”. Tứ tổ Đạo Tín kế thừa y bát, cũng viết bài kệ rằng: “Lẽ trồng hoa sinh trưởng, Nhờ đất mầm ra hoa, Thiếu duyên và tính hợp, Phải ra cũng không ra”. – Cô nhìn Hoa Sinh, mỉm cười nói. – Từ đó đủ thấy, chữ Hoa Sinh ở đây có nghĩa là “giác ngộ thì gặp được Phật, làm cho Thiền môn phát dương quang đại”. Hoa Sinh à, sư phụ ngươi gửi gắm rất nhiều vào ngươi đó, đừng phụ kỳ vọng của người nhé!
Hoa Sinh không để vào tai, chỉ ậm ừ, hùng hục ăn thịt uống rượu. Lương Tiêu vừa nghe các điển cố Thiền môn vừa ngắm bộ dạng phàm phu của chú ta, sực nhớ ra một chuyện, nhướng mày cười bảo:
- Ngươi luyện Đại kim cương thần lực, chả trách khỏe như vậy. Trong tên có một chữ “tửu”! Ha ha, “tửu” này không phải là rượu đâu, mà là “cửu” trong thất bát cửu thập ấy. Hoa Sinh, sư phụ ngươi tên là Cửu Như, đúng không[4]?
Hoa Sinh giật mình ngẩng đầu, cặp mắt tròn xoe:
- Sao… sao ngươi biết?
Lương Tiêu nghĩ bụng: “Hóa ra toàn người quen cũ. Năm xưa hai bên hội ngộ ở khe núi có bàn cờ đá, ta đã lừa nó ăn cả một vốc gai còn gì!”. Gặp được bạn rượu, gã rất cao hứng, bèn gác chuyện ân oán thuở thiếu thời sang một bên, cứ luôn tay rót rượu, luôn mồm uống cạn, chỉ thoáng chốc đã cùng Hoa Sinh làm sạch một vò.
Hiểu Sương nhớ ra Lương Tiêu đang bị thương, thấy gã uống như hũ chìm, bèn can:
- Rượu nhiều hại thân.
Lương Tiêu bèn ngừng uống, tỉ tê hỏi chuyện Hoa Sinh:
- Sư phụ ngươi đâu?
Hoa Sinh buông chén xuống bàn, bặm bặm môi:
- Sư phụ… sư phụ đuổi mỗ rồi.
Lương Tiêu và Hiểu Sương đều kinh ngạc.
- Tại sao vậy? – Hiểu Sương hỏi.
Hoa Sinh gục đầu buồn bã:
- Mỗ cũng không hiểu! Hai thầy trò đang trải qua những ngày ăn thịt uống rượu tiêu dao khoái lạc, bỗng dưng một bữa kia, sư phụ gọi mỗ lại hỏi: “Hoa Sinh ơi, năm nay con bao nhiêu tuổi?”. Mỗ biết đâu được đấy, bèn đáp: “Sư phụ bảo bao nhiêu thì con bấy nhiêu!”. Sư phụ thở dài: “Tính sơ sơ thì cũng phải mười sáu mười bảy chứ không ít, đã đến lúc bước ra với đời cho mở mang tầm mắt rồi!”. Mỗ nghe vậy không khỏi kinh hãi, nghĩ bụng từ nhỏ đã bám lấy cà sa của sư phụ, nay hạ sơn một mình chẳng phải là đáng sợ lắm ư? Bèn níu sư phụ năn nỉ thoái thác. Sư phụ nói: “Được lắm, hôm nay ta hỏi con mấy câu, trả lời đúng thì ở lại, bằng không thì xuống núi”. Mỗ liếc vò rượu đang hâm đằng lò, mồm cứ bứt rứt thèm thuồng, bèn nói: “Có gì cần hỏi từ từ để sau cũng được, chứ rượu thì phải uống ngay lúc nóng thầy ạ”. Không ngờ sư phụ điên tiết táng mỗ một cái nảy lửa, mắng xối xả: “Tham như mõ ấy, chỉ biết uống thôi! Dỏng tai lên nghe ta hỏi, trả lời sai thì đừng hòng ăn với uống!”. Nói rồi người chìa tay: “Đây là gì?”. Mỗ vừa bị cái đấy nện cho liểng xiểng, làm gì không biết, bèn nhanh nhảu đáp: “Tay thầy!”. Sư phụ tát mỗ một cái méo mặt, mắng mỏ: “Ngu, đây là Phật thủ!”.
Chú tiểu nhìn bàn tay mình đầy thắc mắc:
- Tới tận bây giờ mỗ vẫn không hiểu, bàn tay hai thầy trò giống y như nhau, tại sao tay mỗ gọi là tay, tay sư phụ lại gọi là Phật thủ?
Hiểu Sương nhíu mày:
- Ta đọc sách, thấy nói tuyên ngôn của Thiền môn là vượt Phật hơn Tổ, duy ngã độc tôn. Theo truyền thuyết, Thích Ca Mâu Ni lúc ra đời đã đi từ đông sang tây bảy bước, lại đi từ nam sang bắc bảy bước, giơ tay trỏ trời trỏ đất mà rằng: “Trên trời dưới bể, khắp tứ duy chỉ có mình ta là lớn”. Vì vậy các đại sư của phái Thiền tông đều học theo cử chỉ này, không tín phục cả người xưa lẫn người nay, chỉ tin tưởng bản thân, nhận chân bản tính, tâm niệm rằng mình sẽ trở thành một Phật tổ duy ngã độc tôn dưới vòm trời, người ta gọi đó là “Kiến tính thành Phật”. Mà đã thành Phật rồi thì bàn tay sẽ là Phật thủ thôi.
Hoa Sinh lắc đầu:
- Mỗ không tin, một đứa nhóc mới ra đời thì đi thế quái nào được? Nhất định là cái tên Thích Ca Thích Hát ấy đã lừa người ta rồi!
Hiểu Sương sững sờ kêu lên:
- Thiện tai, thiện tai! Hoa Sinh, ngươi là hòa thượng, sao có thể nói những lời thất lễ nhường ấy về Phật tổ?
Vẻ mặt nghiêm khắc của Hiểu Sương khiến chú tiểu chột dạ, chẳng biết mình sai ở đâu, chú ta đành bối rối xoa cái đầu trọc lốc, vẻ mặt khổ sở. Lương Tiêu cười thầm: “Tên này không tin cả Thích Ca Mâu Ni, theo lý thuyết duy ngã độc tôn của Hiểu Sương thì chẳng phải đã thành một nửa Phật tổ rồi ư?”. Gã rót rượu cho chú tiểu, gợi ý:
- Thôi bỏ chuyện ấy đi, sau đó thế nào?
Hoa Sinh uống rượu, tinh thần phấn chấn, kể tiếp:
- Sau đó sư phụ tợp một ngụm cay, dạng hai chân hỏi mỗ rằng: “Được lắm, ngươi khá nói xem, đây là cái gì?”. Lần này mỗ giương mắt nhìn kỹ đâu ra đấy rồi mới cẩn thận đáp: “Chân của sư phụ”. Ngờ đâu sư phụ đá mỗ một phát, mắng: “Ngu, chân lừa!”. Các ngươi bảo có lạ không? Mỗ chưa từng trông thấy tay Phật, dẫu sư phụ có bịp thì mỗ cũng công nhận đi, nhưng chân lừa thì mỗ trông thấy rồi! Khác hẳn chân sư phụ!
Lương Tiêu cười thầm, nhưng Hiểu Sương lại hết lòng giúp Hoa Sinh giải đáp:
- Đạo Phật có câu: Chúng sinh bình đẳng. Bất kể Phật, người hay cầm thú cũng đều là sinh linh, nên có sự kính trọng lẫn nhau. Câu chuyện về bàn tay Phật và bàn chân lừa ấy nên được hiểu đơn giản thế này: chúng sinh bình đẳng, không phân quý tiện.
Hoa Sinh há hốc mồm, đầu óc rối beng, những lời Hiểu Sương nói quá ư huyền diệu, vượt quá tầm tiếp thu của chú ta, có khi vò đầu bứt tai mười năm nữa cũng chưa thẩm thấu được. Lương Tiêu thấy Hiểu Sương cứ dồn hết tâm tư để giải thích những lời lẽ lung tung bừa bãi của Cửu Như thì méo xệch mặt, không biết nên can hay mặc kệ nữa.
Hoa Sinh nghĩ ngợi hồi lâu, trù trừ hỏi:
- Vậy, vì sao người ta không mọc đuôi xoắn như lợn?
Hiểu Sương ngẩn ra không biết trả lời thế nào, Lương Tiêu vỗ tay cười:
- Hỏi hay lắm, lắt léo lắm!
Hoa Sinh thấy gã tán dương mình thì rất khoái chí, nhe răng cười hềnh hệch, chợt lại buồn thiu, thở dài:
- Tiếc thay, sư phụ không biết được cái hay của mỗ, mắng té tát một hồi rồi nói: “Ta hỏi ngươi câu cuối cùng, bình sinh việc ngươi muốn làm nhất là gì?”. Câu này quá ư đơn giản, mỗ đã từng nghiền ngẫm, cũng từng mơ mộng về nó không ít lần nên chẳng buồn nghĩ ngợi, vọt miệng đáp luôn: “Con muốn tắm rửa ngủ nghê trong ao rượu, khi tỉnh dậy là trông thấy phòng thiền treo lúc lỉu thịt chó”.
Câu trả lời thật đáng khiếp hãi. Hiểu Sương chết sững, Lương Tiêu cũng phải đổi sắc mặt, bụng bảo dạ: “Tồi bại hết mức, là thân hòa thượng mà còn tơ tưởng đến cuộc sống đắm chìm trong ao rượu rừng thịt như thế nữa!”. Gã không nhịn được, bèn hỏi:
- Lần này trả lời đúng chứ hả?
Hoa Sinh thở dài đánh sượt, lắc đầu:
- Mỗ cũng tưởng vậy là hoàn hảo lắm rồi, chẳng ngờ sư phụ buồn bã ra mặt, đờ đẫn hồi lâu thì xoa đầu mỗ mà rằng: “Hoa Sinh ơi, bao giờ cái đầu đần độn của con mới sáng sủa được một chút? Xem chừng con không phải là loại sinh ra để tham thiền ngộ đạo, đừng làm đồ đệ của ta nữa!”. Các ngươi nghĩ xem, mỗ theo sư phụ từ nhỏ, đời này kiếp này là đồ đệ của người rồi, rời sư phụ thì ai cho mỗ ăn thịt uống rượu đây? Vì thế những lời ấy làm mỗ vừa kinh ngạc vừa thất đảm, một trăm, không, phải là một nghìn một vạn lần nằng nặc không chịu, quệt nước mắt nước mũi lăn lộn như ăn vạ để níu kéo người. Sư phụ bị mỗ quấy quá, không nói năng gì nữa. Mỗ tưởng sự việc coi như xí xóa cho qua, nào ngờ… – Hoa Sinh nói đến đây thì bặm môi ôm mặt, nước mắt như mưa, sụt sịt kể nốt. – Hôm sau, khi thức dậy, mỗ không thấy sư phụ đâu, gạo mì rượu thịt cũng biến mất, mỗ đợi mấy hôm liền nhưng sư phụ không quay về, bụng đói ngấu, chẳng còn cách nào khác đành hạ sơn…
Chừng chua xót quá, Hoa Sinh gục mặt lên bàn khóc tấm tức, vừa khóc vừa gọi:
- Sư phụ ơi, thầy ở đâu? Hoa Sinh nhớ thầy quá, hu hu hu…
Tiếng khóc thảm thiết khơi gợi nỗi nhớ nhà của Hiểu Sương, khuôn mặt cô buồn thảm hẳn đi. Lương Tiêu vỗ về:
- Đừng khóc nữa Hoa Sinh! Uống rượu nào!
Hoa Sinh nghe tới chữ “rượu” thì phấn chấn trở lại, ngẩng đầu lên ôm lấy cái vò, cạn thêm mấy chung, khuôn mặt đã tươi tỉnh như thường. Lương Tiêu hỏi:
- Bây giờ ngươi có dự tính gì chưa?
Hoa Sinh lộ vẻ hoang mang, lắc lắc đầu. Lương Tiêu cau mày:
- Vậy ta hỏi ngươi, vì sao ngươi cứ nhằng nhẵng bám theo huynh muội ta?
Hiểu Sương ngạc nhiên nhìn chú tiểu. Hoa Sinh rất sửng sốt, ấp úng nói:
- Sao… sao ngươi biết?
Lương Tiêu phì cười:
- Ngươi vụng về lắm, che mắt ta sao nổi!
Hoa Sinh choáng váng, đỏ mặt lắp bắp:
- Vì… vì các ngươi tốt bụng, từ lúc hạ sơn tới giờ mỗ chưa gặp ai tử tế với mình như thế. Đi theo các ngươi mỗ cảm thấy rất vững tâm.
Hiểu Sương sinh lòng thương hại chú tiểu lưu lạc giang hồ, tính tình lại ngờ nghệch, đi tới đâu cũng bị ức hiếp. Cô ngập ngừng đưa mắt nhìn Lương Tiêu. Gã này hiểu ngay, gật đầu bảo Hoa Sinh:
- Ngươi có sức vóc, giúp ta mang vác hành lý vậy nhé?
Hoa Sinh hớn hở đáp ngay:
- Chuyện nhỏ! Được đi theo các ngươi là tốt lắm rồi!
Từ đấy trở đi, trong lòng không còn lo ngại gì nữa, chú ta nói chuyện cởi mở hẳn lên, ôm chặt vò rượu mà khề khà cho đến khi cạn trơ rồi chất các bao gói tay nải lên lưng, xoa cái đầu trọc lóc, khuôn mặt tươi tỉnh chuẩn bị lên đường. Lương Tiêu vốn ưa những người hiền lương chất phác, trông bộ dạng Hoa Sinh như vậy rất lấy làm dễ chịu, bèn vẫy tay cười:
- Vội gì, ăn cơm xong rồi đi cũng chưa muộn.
Hoa Sinh lúng túng hạ hành lý xuống, ngồi trở lại ghế nhặt bánh bao vừa cười lỏn lẻn vừa ngấu nghiến nhai.
Cơm rượu đẫy bụng, Lương Tiêu đang định gọi tính tiền, bỗng đằng cửa quán vang lên tiếng cười khanh khách rất quen tai, một hán tử áo xanh ngồi án ngữ ngay lối vào. Lương Tiêu ngạc nhiên nghĩ: “Đàn ông đàn ang mà sao cười the thé như đàn bà thế không biết?”. Người nọ đứng dậy ngoảnh đầu lại, phô ra khuôn mặt đẹp như ngọc, dáng vóc cử chỉ yêu kiều lạ thường. Lương Tiêu thấy quen mắt quá, nghĩ một lúc sực nhớ ra, cười nhạt:
- Hàn Ngưng Tử, ngươi định giả trang lừa ai thế?
Hàn Ngưng Tử nhếch mép:
- Mưu kế bại lộ rồi! – đoạn nhìn Hiểu Sương, nở nụ cười thâm độc. – Lương Tiêu, ngươi thay lòng đổi dạ nhanh thật, đầu tiên là Oanh Oanh, kế đến A Tuyết nhà ta, bây giờ lại tới tiểu cô nương… à, không biết cao danh quý tính là gì nhỉ?
Hiểu Sương định xưng tên, Lương Tiêu liền cắt ngang:
- Ngươi vô lễ quá đấy!
- Ta chỉ hỏi tên họ, có gì mà vô lễ?
Lương Tiêu vốn căm Hàn Ngưng Tử hại Lăng Sương Quân để liên lụy đến Hoa Hiểu Sương nên cố ý châm chọc cho bõ ghét:
- Ngay tên họ của bà cô ngươi mà ngươi còn phải hỏi, mất gốc như thế không phải là vô lễ hay sao?
Hàn Ngưng Tử chỉ nhếch mép, khẽ xoay mình đi, thình lình hất tay nhanh như chớp. Một cái bát sứ men hoa văng lên không lướt về phía Lương Tiêu. Lương Tiêu né người sang bên, xòe tay phải gạt phăng bát rượu trước mặt. Hai cái bát lao vút tới, va vào nhau giữa không trung. Sau một tiếng động giòn tan, bát sứ men hoa vỡ thành tám mảnh, bát rượu hoàn toàn không suy suyển, vẫn bay thẳng tới Hàn Ngưng Tử.
Họ Hàn hoảng vía khép chưởng đỡ. Lương Tiêu liền kích thêm một chưởng hầu đẩy nhanh tốc độ bát rượu. Nội kình của gã hùng hậu hơn hẳn ngày xưa, Hàn Ngưng Tử không dám đỡ chưởng lực trùng, đành nhảy tránh. Bát rượu bay vù tới, vạch một đường cong trong khoảng không rồi cắm phập vào bức vách đất dày tám tấc, rượu trong bát vẫn không văng ra ngoài lấy một giọt. Hàn Ngưng Tử tái mét mặt.
Lương Tiêu nhủ bụng, đã ra tay quyết làm cho trót, phải giết chết nữ ma đầu này đặng trừ hậu hoạn cho Hiểu Sương. Mắt tối dần vì sát khí, gã dợm đứng lên. Hàn Ngưng Tử bỗng cười khanh khách:
- Mấy năm không gặp, võ công ngươi cũng khá lên nhiều nhỉ! Xem chừng có thể cứu được Liễu Oanh Oanh đấy!
Lương Tiêu sắp sửa xuất thủ, nghe câu ấy tim bỗng thót lại, khí thế hơi nhụt đi:
- Ngươi chết tới nơi rồi, còn bịa chuyện nữa ư?
Hàn Ngưng Tử lắc đầu liếc Hiểu Sương, giọng kéo dài:
- Say bên người mới vui cười, Hay đâu người cũ lệ rơi chan hòa[5]. Liễu Oanh Oanh thật là có mắt như mù, tại sao cam chịu giam cầm hành hạ vì một kẻ bạc tình bạc nghĩa như ngươi kia chứ!
[1] Gặp tiểu Hoa Sinh.
[2] Trích bài từ theo điệu Hạ Tân Lang của Tân Khí Tật. Câu này thể hiện tâm thế gửi tình vào non nước, tìm mối tri âm với thiên nhiên của tác giả, được sáng tác với thủ pháp tương tự câu Tương khán lưỡng bất yếm (nhìn nhau không chán mắt) trong bài thơ Độc tọa Kính Đình sơn của Lý Bạch.
[3] Lão Tửu là rượu. Hoa Sinh là lạc (đậu phụng), một thức người ta thường nhắm khi uống rượu.
[4] Trong tiếng Trung, chữ “tửu” và chữ “cửu” đồng âm, đều đọc là jiu.
[5] Câu trong bài thơ Giai nhân của Đỗ Phủ.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook