Côn Luân
Chương 3: Tam tài biến

Công Dương Vũ cười, sắp bốn mươi lăm viên sỏi thành một hình, hỏi Văn Tĩnh: “Ngươi có nhận ra cái gì không?”

“Nhận ra!” Văn Tĩnh thật thà đáp: “Là một con ba ba?”

Công Dương Vũ nhíu mày, toan giải thích, bỗng Văn Tĩnh thét lên kinh ngạc: “Không phải, đây là… Tôi từng trông thấy rồi, là Cửu cung đồ trong Lạc thư.”

“Ồ, ngươi biết hả?”

“Vâng, tôi có đọc sách mà. Huyền âm đ*o trưởng đã nói, hai và bốn là vai, sáu và tám là chân, bên trái là ba bên phải là bảy, chín đội ở trên một đạp ở dưới, năm nằm chính giữa, hình như con rùa đen. Chín số này, bất kể là cộng ngang, dọc hay chéo, kết quả cũng đều là mười lăm.” Văn Tĩnh hiếm khi có dịp phô diễn, đắc ý nói thao thao bất tuyệt, nước bọt văng tứ tung.

“Đúng.” Công Dương Vũ gật đầu: “Ngươi đã biết rồi thì ta đỡ vất vả.” Nói tới đây, ông cất bước, đi lại một lúc trên bờ cát ven suối, để lại bốn mươi lăm dấu chân sâu cỡ một tấc, hình dáng giống hệt với hàng sỏi sắp.

Ông trỏ vào hai trong số các dấu chân: “Từ đây tới đây, ngươi phải đi mất mấy bước?”

Văn Tĩnh ước lượng: “Năm!”

“Không được!” Công Dương Vũ lắc đầu: “Ta chỉ đi hai bước là đủ rồi!”

Văn Tĩnh nhìn ông ta, mắt in rõ rệt ba từ: “Ông nói phét!”

“Không tin hả?” Công Dương Vũ cười khành khạch, cất bước không nhanh không chậm, nhưng vô cùng kỳ quái, chỉ bước hai bước đã đến đúng dấu chân thứ hai.

Văn Tĩnh trố mắt kêu lên: “Sao lại thế được?” Gã vừa nhảy vừa chạy, trổ hết bản lĩnh, vẫn mất năm bước mới đến nơi, lắc đầu, “Quái nhỉ!”

Công Dương Vũ bảo, “Đó chính là thứ công phu ta muốn dạy ngươi! Công phu Tam tam bộ - cơ sở của Tam tài Quy nguyên chưởng.”

“Tam tài Quy nguyên chưởng? Tam tam bộ?”

“Cửu cung đồ mô tả sự biến đổi của tam tài, tức là ba yếu tố thiên – địa – nhân, công phu này xây dựng trên nền tảng ý nghĩa đó, nhấn mạnh mặt học vấn hơn là võ thuật.” Công Dương Vũ mỉm cười.

Văn Tĩnh bất giác phấn chấn, “Học vấn ư?”

“Phải, chẳng hạn như Tam tam bộ.” Công Dương Vũ nói: “Những người công phu bình thường thì phải bước năm bước, ngươi chỉ cần hai bước, người ta bước ba bước, ngươi chỉ cần một bước là tới nơi.”

“Như phép rút đất của thần tiên ấy nhỉ!” Văn Tĩnh hớn hở.

“Đúng, chỉ cần hiểu được nguyên tắc bước chân của ta, ngươi sẽ là thần tiên trong bốn mươi lăm bước này.” Công Dương Vũ hỏi: “Ngươi có muốn học không?”

“Có chứ.” Văn Tĩnh hào hứng đáp, bỗng nhớ ra điều gì, gã ngập ngừng hỏi: “Nhưng, không cần phải tập xuống tấn hay cử khoá đá1 trước ư?”

Công Dương Vũ lắc đầu: “Luyện sức mạnh là công phu bậc thấp, ta đây học võ công thượng thừa, coi trọng nhất là sự nhận thức. Có người dăm mười năm chưa chắc nhập môn được, nhưng nếu ngộ tính cao, chỉ một đêm cũng đủ.”

“Có thứ võ công dễ dãi như vậy sao?” Văn Tĩnh tươi mặt, thầm nghĩ: “Chỉ cần không cử khoá đá và xuống tấn là được rồi.”

Công Dương Vũ tủm tỉm, dùng bốn mươi lăm viên sỏi biểu diễn sự biến hoá của Tam tam bộ, bộ pháp này tiến hành theo lối biến hoá của Cửu cung đồ. Về những phép biến hoá ấy, Văn Tĩnh đã từng nghe Huyền âm đ*o trưởng giảng một phần, một phần khác biết đến nhờ đọc sách, nhưng không ngờ có thể áp dụng được vào võ công, ngoài ra còn nhiều nội dung Văn Tĩnh chưa hề biết tới, đều do Công Dương Vũ thông minh cơ trí phát triển thêm ra. Văn Tĩnh sáng dạ hơn người, bẩm sinh thích nghiên cứu những điều phức tạp, càng lắt léo càng hứng thú.

Nghe giảng hai lượt, Văn Tĩnh đã hiểu ngọn ngành. Công Dương Vũ lấy làm lạ, bèn không rườm lời nữa, bắt gã tự luyện tập, còn mình thì mở bầu rượu, ngồi bên suối quan sát.

Lần đầu tiên tu luyện một loại công phu coi trọng việc động não hơn động thủ, Văn Tĩnh thấy mới mẻ vô cùng, nghiền ngẫm những biến hoá của nó, cảm giác như uống rượu cất lâu năm, càng uống càng thấy mê. Gã quên hết tất cả, tập trung bay nhảy liên tục bên bờ suối, càng đi càng nhanh, được một lúc bỗng loạng choạng ngã sấp mặt, lồm cồm bò dậy lắc đầu: “Lẽ nào bước này sai?” Nói rồi, gã đi lần nữa, rất trơn tru, nhưng hễ bước nhanh hơn là lại ngã.

Văn Tĩnh gãi tai thắc mắc: “Sai ở đâu ấy nhỉ?”

“Bộ pháp thì không sai.” Công Dương Vũ buộc bầu rượu vào thắt lưng, thong thả đứng dậy: “Sai ở chỗ ngươi không tự lượng sức.”

Văn Tĩnh chằm chằm nhìn ông ta: “Không tự lượng sức?”

“Ờ, suy cho cùng đây vẫn là một môn thuộc võ công.” Công Dương Vũ mỉm cười: “Căn cơ võ nghệ của ngươi chỉ nhanh được đến mức đó thôi, hễ vượt ngưỡng là như trẻ nhỏ học chạy, nhất định sẽ ngã.”

“Vậy ư?” Văn Tĩnh ủ rũ.

“Ta đã nói rồi, Tam tam bộ là công phu nhập môn, luyện tiếp lên, tam tài sẽ biến thành tứ tượng, nên còn có Tứ tứ bộ, sau Tứ tứ bộ còn có ngũ ngũ Mai hoa bộ, lục lục Thiên cương bộ, thất thất Đại diễn bộ, bát bát Phục hi bộ, khi luyện đến cửu cửu Quy nguyên bộ thì coi như thành công. Tới lúc đó ngươi chẳng khác nào chim bay trên trời, cá lội dưới nước, tuỳ nghi biến ảo, muốn thế nào được thế ấy.” Truyện "Côn Luân "

Văn Tĩnh bất giác ngơ ngẩn: “Tôi có thể luyện được Quy nguyên bộ không?”

Công Dương Vũ ngắm gã, tủm tỉm bảo: “Với căn cơ của ngươi, luyện chừng một trăm năm nữa là được.”

“Một trăm năm?” Văn Tĩnh nhăn mặt: “Thế thì đi luyện ở chỗ ông bà ông vải rồi còn gì.”

Công Dương Vũ phá lên cười: “Đừng nản chí! Lúc ta bằng tuổi ngươi, sức trói gà không chặt, còn thua ngươi xa!”

Văn Tĩnh sáng mắt, song lập tức lại lộ vẻ ngờ vực nhìn Công Dương Vũ.

Công Dương Vũ nói: “Thực ra, mọi sự biến hoá đều trên cơ sở của Cửu cung đồ. Ta đã giao hẹn với con bé đó chỉ một đêm thôi, không thể dạy ngươi nhiều, nhưng bộ pháp này cũng đủ thắng nó rồi.”

Ông ta đi đi lại lại, chậm rãi tiếp: “Công phu của Hắc thuỷ nhất quái là hạng sắc sảo tàn độc nhất đời này, nên phải thừa lúc sơ hở đánh vào chỗ yếu hại mới có thể đương cự được. Tam tam bộ chỉ là thừa lúc sơ hở, còn muốn đánh vào chỗ yếu hại thì phải dùng đến Tam tài chưởng mới xong.” Y ngừng một lúc, “Thời gian không còn bao lăm, ta truyền cho ngươi ba chiêu chưởng pháp.”

“Tôi không luyện đâu.” Văn Tĩnh bực dọc: “Luyện quyền cước ốm người lắm.”

“Bắt buộc.” Công Dương Vũ bảo: “Con ranh đó không đời nào bỏ qua cho ngươi. Nếu ngươi muốn sống thì phải luyện lộ chưởng pháp này.”

Văn Tĩnh nói vẻ thật thà: “Không đánh lại thì chạy.”

Công Dương Vũ giật mình: “Chạy? Tam tam bộ là di chuyển tại chỗ, ả ta đuổi theo thì ngươi mệt chết.”

Văn Tĩnh cũng giật mình: “Gay nhỉ!” Sực nghĩ ra, gã tự nhủ: “Ồ vất vả nhọc nhằn gì thì cũng chỉ trong ba chiêu thôi mà.” Nghĩ tới đây, gã bèn đồng ý.

Công Dương Vũ đánh mẫu một lượt. Văn Tĩnh nhìn thấy như vẽ hình một cái hồ lô, chẳng rắc rối gì lắm, bèn uể oải luyện một lúc, được đến tám phần mười. Gã kiêu ngạo nghĩ: “Chưởng pháp kiểu này dẫu có ba mươi chiêu mình cũng học được.”

Công Dương Vũ đọc thấu gan ruột gã bèn bảo: “Nếu ví Tam tam bộ là giương cung, thì Tam tài chưởng là ba mũi tên. Cái phức tạp nhất của Tam tài Quy nguyên chưởng không phải là cung với tên đó, mà là làm thế nào để bắn được tên kia.”

Văn Tĩnh bối rối: “Thì ra vẫn chưa xong ư?”

Công Dương Vũ nói: “Tam tam bộ tuy khó, nhưng ngươi sáng dạ đôi chút là học được. Còn tâm pháp của ta thì chỉ có thể lĩnh hội bằng cảm thụ, không thể truyền đạt bằng lời. Tam tài Quy nguyên chưởng gắn kết chặt chẽ với số Ba, tâm pháp cũng chia làm ba nội dung, Vô vọng thức2 và Thái hư thức3 rất mơ hồ, khó nắm bắt. Với tư chất của ngươi thì học được Kính tâm thức là khá lắm rồi.” Truyện "Côn Luân "

Văn Tĩnh nghe ù ù cạc cạc.

“Nói có vẻ lôi thôi, nhưng tóm lại, điểm cốt yếu của lộ chưởng pháp này là quan sát tâm ý địch thủ.” Công Dương Vũ giảng: “Nếu ngươi nhanh hơn, nhận ra kẻ thù đang toan tính gì, thì ngươi sẽ xử trí thế nào?”

Văn Tĩnh ngẫm nghĩ, bối rối đáp bừa. “Tôi có thể chạy trốn trước.”

“Chỉ biết mỗi chạy thôi.” Công Dương Vũ giận dữ: “Nếu ngươi đọc được suy nghĩ của hắn, ngươi phải nhân cơ hội phản kích chứ.”

“Phản kích ấy hả?” Hệt như nghe thấy một điều lạ lùng nhất trên đời, Văn Tĩnh trỏ vào mũi mình: “Ý ông là, muốn tôi đánh nhau với cô gái đó?” Truyện "Côn Luân "

Công Dương Vũ cau mày. “Không đánh thì thắng nó sao được?”

Văn Tĩnh nghĩ: “Tôi không đánh nhau với cô ta đâu, đành chịu chết thôi.” nhưng nhìn vẻ mặt không báo hiệu điều gì tốt lành của Công Dương Vũ, suy nghĩ sắp bật ra lời vội biến thành: “Tôi làm sao mà đoán nổi tâm ý địch thủ?”

Công Dương Vũ nói: “Ngươi khác với số đông ở chỗ đó. Ngươi biết chuyện Bá Nha Tử Kỳ chứ?”

“Biết.” Văn Tĩnh lại hào hứng: “Bá Nha tài đàn, Chung Tử Kỳ sành nghe. Bá Nha vừa gảy đàn vừa nghĩ đến núi cao, Chung Tử Kỳ bèn nói: ‘Ôi sừng sững Thái sơn.’ Bá Nha nghĩ đến nước chảy, Chung Tử Kỳ bèn nói: ‘Ôi mênh mang sông nước.’ Vì thế Bá Nha coi Tử Kỳ là tri âm, sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha không chơi đàn nữa.”

“Ờ.” Công Dương Vũ bảo: “Có một số người bẩm sinh giỏi đoán hiểu nhân tâm, kẻ nghe tiếng đàn đọc suy nghĩ của tài tử, kẻ ngắm tranh chữ thấu tư tưởng của hoạ gia, lại có kẻ qua chiêu thức nắm bắt tâm trạng của cao thủ võ học.”

“Nhưng thế thì liên quan gì đến tôi?” Văn Tĩnh hỏi.

“Hừ.” Công Dương Vũ nhìn gã. ”Lúc ở khách sạn Tử La4, ngươi chẳng khoa môi múa mép, huênh hoang bình phẩm tranh chữ của lão phu đấy ư?”

Văn Tĩnh trố mắt: “Ông… ông nghe thấy à?”

Công Dương Vũ cười: “Tất nhiên! Bắt đầu từ khách sạn Tử La, các ngươi nói năng gì trên đường, ta nghe rành rọt không sót một câu!” Văn Tĩnh tái mặt, ngoắt đầu muốn chạy.

Công Dương Vũ tóm gã lại: “Định đi đâu?”

Văn Tĩnh giãy giụa: “Tôi không muốn quay về đấy, không muốn làm Hoài An vương đâu.”

“Ai bắt ngươi làm Hoài An vương?” Công Dương Vũ ngạc nhiên.

Văn Tĩnh còn ngạc nhiên hơn: “Thế không phải… ông đến để bắt tôi về à?”

“Không phải.” Công Dương Vũ cười nhạt: “Nếu ngươi muốn làm Hoài An vương thật, ta thiết gì chuyện sống chết của ngươi.”

Văn Tĩnh thở phào, song lại thắc mắc hỏi ngay: “Ông không chung chí hướng với Bạch tiên sinh à?”

“Đương nhiên không. Thằng nhóc đó suốt ngày rao giảng việc ái quốc, ôm khư khư lấy tiểu triều đình Lâm An, hùng hục làm nô tài cho gã thiên tuế khốn kiếp nọ. Hừ, ta từ mặt cái hạng đồ đệ ấy lâu rồi.” Công Dương Vũ lạnh lùng nhìn trời sao, thong thả nói: “Giang sơn Đại Tống con khỉ gì, năm trăm năm trước làm gì có Đại Tống. Hoàng đế Mông Cổ cóc khô gì, hừ, một trăm năm trước làm gì có Thành Cát Tư Hãn. Lũ Mông Cổ coi mạng người như cỏ rác. Bọn quan lại Đại Tống thì bỏ mặc dân đen, chằm chặp lo giữ đất đai của họ Triệu chúng nó. Ta thấy, hai phe ấy đều là chó hoang tranh giành một khúc xương.” Nói tới đây, y thở dài: “Chỉ thương cho tính mạng dân chúng.”

Văn Tĩnh nghe vậy há hốc miệng, cảm thấy lời lẽ của nho sinh này kỳ quái vô cùng, một lúc lâu sau gã vặn: “Làm như ông không phải là dân nhà Tống ấy?”

“Phải thì sao?” Công Dương Vũ nói: “Đại Tống thối nát xập xệ. Bọn họ Triệu chỉ lo hưởng lạc, khiến quân không ra quân, tướng không ra tướng, gian nịnh nhung nhúc hoành hành nơi triều dã, xu phụ ngoại bang, hà hiếp dân chúng, trung thần lương tướng thì bị áp chế. Vương triều ấy kéo dài được đến nay cũng đã lạ lắm rồi, nhân sĩ thiên hạ đổ máu và nước mắt cho nó làm gì nữa? Dẫu có một trăm kẻ như Bạch Phác sẵn sàng hi sinh, cũng chỉ để bảo vệ lũ đỉa ăn thịt hút máu người mà thôi.”

Văn Tĩnh nghe nhức cả đầu, cảm thấy có điều bất ổn, bèn nói: “Tuy triều đình không đúng, nhưng nếu bọn Thát chiếm Đại Tống, bách tính sẽ khốn khổ. Dạo ở phương bắc, tôi và bố tôi toàn bị chúng hà hiếp.”

Công Dương Vũ im lặng hồi lâu, rồi bảo: “Ừ, triều đình của họ Triệu không đáng gìn giữ, nhưng dân chúng Đại Tống vô tội, ta hận không thể ăn gan uống máu tên hôn quân và lũ gian thần, nhưng chúng mà bị diệt, ngoại tộc sẽ thừa gió bẻ măng. Bọn Thát giết người như ngoé, chúng ra tay thì vô số lương dân phải chết. Tuy vậy, bảo vệ Đại Tống tức là bảo vệ cái triều đình ngớ ngẩn nọ, bọn chúng đêm đêm vui chơi ca hát, ngụp lặn trong xa hoa truỵ lạc, hút cạn xương máu dân đen, khiến họ cạn đường sống. Giang sơn này giữ lại cũng có ích lợi gì đâu, giang sơn này, giang sơn này…” Ông thẫn thờ ngơ ngẩn, lặp đi lặp lại mấy chữ ấy đến bảy tám lượt, bỗng hú dài, tiếng hú dữ dội ngân mãi không thôi, làm cành lá cây rừng khua lên xào xạc. Lúc ông ngừng lại, lệ đã ròng ròng.

Tiếng hú và nước mắt khiến Văn Tĩnh lúng túng. Một lúc lâu sau, gã dè dặt hỏi: “Công Dương tiên sinh! Ông… vẫn bình thường chứ?”

Công Dương Vũ lắc đầu: “Ta không sao, chỉ tại nhiều việc nghĩ mãi không hiểu. Ta nghĩ, vì sao xã tắc rộng lớn, ngàn vạn sinh linh, thành bại sinh tử… đều liên quan đến bàn tay con người? Đổng Trọng Thư nói lệnh vua là lệnh trời, ta không tin, trời nào lại xuẩn ngốc như tên hoàng đế ở Lâm An kia? Vì sao hễ có quyền là người ta dẫm đạp mọi người khác? Vì sao phải hi sinh tính mạng số đông để giữ gìn vinh nhục của một cá nhân? Vì sao cùng là người mà cắn xé giày xéo nhau, chỉ vì danh lợi mà dồn nhau đến đường cùng? Vì sao các nước lại nổi trận can qua, máu nhuộm vũ khí, biến sông núi tươi đẹp thành lò sát sinh địa ngục?” Nói tới đây, ông nhìn Văn Tĩnh: “Tiểu huynh đệ, ngươi có hiểu không?”

Bối rối trước mớ lời lẽ ấy, Văn Tĩnh thật thà đáp: “Không.”

“Ta cũng không hiểu.” Công Dương Vũ cười buồn: “Ba mươi năm nay, lúc nào ta cũng trăn trở, muốn báo đền đất nước, thì nước không ra nước, muốn thành gia thất, thì vợ con ly tán, muốn xa niềm trần tục ngao du sơn thuỷ, nhưng không làm ngơ được trước lê dân lầm than. Vì vậy cuộc đời thành ra đủ điều mâu thuẫn, loay hoay luống cuống. Người ngoài nhìn thấy võ công ta, nhưng không cảm nhận được mớ bòng bong trong lòng ta. Tiểu huynh đệ, ba mươi năm nay, chỉ có ngươi thấu hiểu nỗi phiền não ấy, qua bức tranh!”

“Nhưng… nhưng…” Văn Tĩnh ngoẹo cổ: “Quân Thát ưa chặt đầu lắm!”

“Ta đã thề độc, quyết không động một ngón tay vì bọn đế vương, Mông Cổ hay Đại Tống đều không liên quan gì đến ta.” Công Dương Vũ liếc Văn Tĩnh: “Nếu ngươi có bản lĩnh, thì bắt chước Bạch Phác đi mà làm tay sai cho đám quan phủ.”

Văn Tĩnh cười: “Đáng tiếc tôi không có bản lĩnh!”

Công Dương Vũ hừ mũi: “Ngươi học được Tam tài Quy nguyên chưởng của ta, sợ gì không có bản lĩnh? Cả thiên hạ cũng chẳng ăn ai, mấy tên đồ đệ của Tiêu Thiên Tuyệt càng không đáng kể.” Văn Tĩnh ngây người: “Lợi hại đến vậy sao?” Công Dương Vũ ngạo mạn ngửa đầu lên trời, không nhìn gã, như thể khẳng định đó là điều tất nhiên.

Văn Tĩnh vốn đã thích thú với những thứ thâm thuý khó hiểu vừa rồi, bèn năn nỉ “Vậy… vậy ông dạy tôi thêm mấy buổi nữa đi!”

“Không được!” Công Dương Vũ cau mày: “Ta còn có việc gấp. Thằng ranh con nhà ngươi đã làm lỡ bao nhiêu thời gian của ta rồi!”

“Việc gì?” Văn Tĩnh lấy làm lạ: “Mà gấp thế!”

Công Dương Vũ không đáp, nhìn sao giăng khắp trời, ánh mắt buồn rầu. Một lúc lâu sau, ông thở dài khẽ nói: “Vì sao? Vì sao? Vì sao nàng lại tránh ta…”

Văn Tĩnh ngạc nhiên: “Ai kia?”

Công Dương Vũ giật mình, trừng mắt quát: “Lắm mồm! Liên quan gì đến ngươi?”

Văn Tĩnh nghe thét phát run, im thin thít. Công Dương Vũ trầm ngâm một hồi rồi xua tay bảo: “Thôi, không nhắc đến chuyện ấy nữa. Ta truyền cho ngươi tâm pháp Kính tâm thức! Lĩnh hội được hay không là tuỳ ngộ tính của ngươi!”

Văn Tĩnh thầm nhủ: “Suy nghĩ của ông quái gở lắm, tôi chả hiểu gì cả.” nghĩ vậy nhưng không dám nói ra. Công Dương Vũ giảng một lượt, đại để là gạt bỏ hết tạp niệm, tĩnh tâm thổ nạp.

“Công phu môn phái của Tiêu Thiên Tuyệt rất kỳ ảo, thường khiến đối thủ hoa mắt, không nắm bắt được.” Công Dương Vũ nói: “Có điều, võ công tuy biến hoá đa đoan nhưng tâm ý của người xuất chiêu thì chỉ có một, nên sự biến hoá đó chẳng qua là che giấu suy tư thật của y mà thôi, vì vậy ngươi phải đạt tới mức tĩnh tại, nhìn bằng thần chứ không phải bằng mắt, đừng để ánh mắt biến đổi của đối thủ lung lạc mình, phải dùng tấm gương sáng trong ngươi để soi ra tâm tưởng của y, đạt được điều đó thì võ công lợi hại đến đâu ngươi cũng có thể ứng phó. Hiểu chưa?”

“Chưa.” Văn Tĩnh đáp: “Đằng nào thì tôi cũng không dám động thủ với bọn họ đâu.”

Công Dương Vũ mỉm cười: “Ngươi ngồi xuống đi đã, tập hít thở theo cách ta truyền cho ngươi.”

Văn Tĩnh y lời ngồi xuống, nín thở tập trung tư tưởng, thổ nạp mấy lượt, bỗng cảm thấy một bàn tay ấn lên huyệt Bách hội của mình. Giọng Công Dương Vũ vo ve như tiếng muỗi kêu vang lên bên tai gã: “Căn cơ của ngươi yếu quá, khó phát huy được chỗ ảo diệu của Tam tài Quy nguyên chưởng. Hôm nay chúng ta có duyên với nhau, ta truyền cho ngươi Hạo nhiên chính khí, chú ý nghe cho rõ đây.”

Một luồng chảy nóng bỏng từ đỉnh đầu tràn vào, lan khắp tứ chi bách hài, “Từ Dương kiều, đến Kiên tỉnh… Qua Thần khuyết, vào Hội âm… Lên Cưu vĩ, tiến Lộc quan, xoa nóng Ngọc chẩm… Đản trung chạy tiếp, Song long chia đường, đấu Bách hội, nhập Đan điền…” Cùng với giọng Công Dương Vũ, chân khí trong cơ thể Văn Tĩnh cuộn lên, chảy ùng ục, kinh mạch tê dại, không tài nào nhúc nhích được, gã đành ngồi yên lắng nghe. Công Dương Vũ nói đến đoạn: “Gồm thâu tất cả, thấu suốt mọi đường, chí dương chí đại, đó là Hạo nhiên chính khí.” thì Văn Tĩnh thấy đỉnh đầu nhẹ hẳn đi, chân khí trong mình đã vượng, sục sôi cuộn trào, liên tục lưu chuyển theo thứ tự, toàn thân ấm áp dễ chịu vô cùng, không muốn đứng dậy ngay. Chân khí lưu chuyển chín lần, Văn Tĩnh linh quang phản chiếu, đầu óc sáng láng nhẹ nhàng, tiến đến cảnh giới vô ngã.

Chẳng biết lâu hay chóng, Văn Tĩnh thoát ra khỏi trạng thái nhập định, cảm thấy khí cơ dào dạt, kình lực sung mãn. Gã ngẩng đầu nhìn quanh, trăng ngả về tây, bốn bề yên tĩnh, Công Dương Vũ đã biến mất, chỉ còn tiếng hát từ đằng xa loáng thoáng vọng lại:

“…Tửu hàm hung đởm thượng khai trương,

Mấn như sương

Hựu hà phương

Trì tiết Vân Trung

Hà nhật khiển Phùng Đường

Hội vãn điêu cung như mãn nguyệt

Tây bắc vọng

Xạ Thiên lang.5”

Tiếng hát rành rọt sang sảng, như cơn gió thổi qua rừng núi, bay đi xa vẫn ngân nga không dứt.

Văn Tĩnh ngẩng đầu nhìn trời. Đêm mênh mang, sao lác đác, duy có chòm Thiên lang ở phía tây bắc rực sáng lạ lùng, tương truyền sự xuất hiện của chòm sao này báo hiệu chiến tranh.

“Công Dương tiên sinh nói câu nào là phê phán Đại Tống câu ấy, nhưng bài ca lại ngụ ý tòng quân bảo vệ đất nước, người cũng như tranh vẽ, toàn những mâu thuẫn. Hừm, có lẽ tại ông ta chưa gặp được hoàng đế tốt chăng?” Văn Tĩnh vừa nghĩ ngợi vừa đứng dậy, thấy hai chân tê nhức, suýt ngã nhào, buột miệng lẩm bẩm: “Mặc kệ Đại Tống hay Mông Cổ, ta cứ về Hoa sơn cho sớm, khỏi bị Bạch Phác gây phiền.”

Gã lếch thếch đi lên hướng bắc, cây cối đổ bóng rung rinh trên mặt đường, âm u chờn chợn. Được một dặm, bỗng có tiếng cú rúc, Văn Tĩnh rùng mình, bất giác rụt cổ lại. Đúng lúc đó, gió nổi sau lưng, rồi một bàn tay mịn như ngọc vỗ lên vai gã…

Vầng triêu dương từ từ nhô lên khỏi đỉnh Lục Bàn sơn, hút sạch sương sớm đọng trong rừng, cây lá chỉ còn âm ẩm. Hai con dẽ chui ra khỏi vách đá đen sì, sóng đôi bay vòng vòng trên không, rìa cánh viền ánh nắng mai, phơn phớt vàng.

“Soạt,” một mũi tên kèm theo tiếng rít rợn người lao ra khỏi rừng, như tia chớp xé toạc trời xanh, xuyên ghim luôn hai con dẽ. Âm thanh ai oán ré lên giữa vòm không, đôi chim lăn qua vách đá rơi xuống mặt đất.

Tiếng móng ngựa lộp cộp. Một kỵ mã lướt tới, thiếu niên áo trắng ngồi trên ngựa giơ tay đón lấy cặp chim dẽ giữa không trung.

“Bắn giỏi lắm!” Gã nói to, gương mặt non tơ vương nụ cười khoan khoái.

Một người râu quăn cởi trần ruổi ngựa ra khỏi rừng, tay cầm cánh cung lớn dài cỡ năm thước, to bằng bắp tay, dây cung bện từ ba sợi gân bò.

Thiếu niên gọi: “Bá Nhan tướng quân!”

Bá Nhan thúc ngựa lại gần. Hai con ngựa xấp xỉ nhau, nhưng Bá Nhan cao hơn thiếu niên đến hai cái đầu, bộ tóc dài rối bời rũ xuống làn da rắn rỏi, vồng ngực rộng lấm tấm mồ hôi, nhấp nhánh sáng.

“A Thuật.” Y cười. “Em nhanh tay nhanh chân quá.”

A Thuật nhìn cánh cung của Bá Nhan, nói vẻ ngưỡng mộ: “Khi nào em mới kéo được cái cung này?”

Bá Nhan xoa đầu gã, cười: “Làm Vạn phu trưởng rồi mà còn nói năng trẻ con thế. Hôm nay đã luyện bài thương ta dạy em chưa?”

“Đã.” A Thuật nháy mắt tinh nghịch: “Tiếc nỗi không có đối thủ thử thương.”

Bá Nhan nhìn về Kiếm Môn quan lừng lững đằng xa, điềm tĩnh nói. “Sắp có rồi.”

Đúng lúc ấy, tiếng tù và đâu đó rúc lên mạnh mẽ, vang rền trên núi đồi nhấp nhô.

A Thuật nhướng mày, vẻ non tơ biến khỏi khuôn mặt trắng trẻo, thay vào đó là sát khí đằng đằng, ánh mắt dữ dội dõi theo phía hiệu lệnh.

“Bắt đầu rồi ư?” Bá Nhan nheo mắt, gác cánh cung lên vai, vỗ vai A Thuật: “Đi nào.”

“Vâng!”

Hai con tuấn mã hí lên lanh lảnh, móng ngựa nện trên đất dội vào tim như tiếng trống trận, bụi bốc mù mịt quanh vó ngựa, cuốn thẳng về phía Kiếm Môn quan.

oOo

Văn Tĩnh nghe thấy tiếng gió, không kịp nghĩ ngợi nhiều, vùng bước lên, vô thức di chuyển theo đúng đường lối của Tam tam bộ, khiến người đằng sau chụp hụt. Gã ngoái đầu nhìn, mặt bỗng xám như tro. Thân hình yểu điệu, nụ cười tươi tắn, chính là cô ả Mông Cổ nọ.

Thiếu nữ túm trượt, hơi ngạc nhiên, nhưng không bận tâm nhiều, cười chúm chím bảo: “Ngươi chạy hả? Chạy nữa đi! Hiện tại chỉ có hai ta, để xem ai giúp ngươi được nữa?”

Văn Tĩnh thấp thỏm, ấp úng hỏi: “Cô… làm sao tìm thấy tôi?”

Thiếu nữ huýt sáo, một vật đen đen từ trên không sà xuống, đậu lại trên cánh tay cô ta. Trong tinh sương mờ ảo, Văn Tĩnh trông thấy rõ đó là một con kền kền dài cỡ hai thước, bộ dạng hung ác, sát khí đằng đằng, hoàn toàn trái ngược với dung nhan diễm lệ của thiếu nữ, đúng là người đẹp và quái vật, không dưng điểm một nét kinh dị vào buổi sớm mai. Truyện "Côn Luân "

“Nó dẫn đường cho ta.” Cô gái cười: “Ngươi không chạy được đâu.”

Văn Tĩnh lấy làm lạ: “Nó dẫn đường được ư?”

“Tất nhiên.” Thiếu nữ đắc ý bảo: “Ban tối lúc chạm vào ngươi, ta đã rắc Thiên lý hương lên người ngươi, dù ngươi có chạy mấy chục dặm cũng không thoát được sự truy đuổi của con kền kền này.”

Quạ và kền kền có khứu giác thính nhạy nhất trong các loài chim, biết dựa vào mùi người hoặc súc vật toả ra từ đằng xa để nhận biết xem đối tượng còn sống hay đã chết, khứu giác của chúng còn nhạy hơn cả loài chó. Văn Tĩnh vừa đi vừa ẩn náu, nào ngờ chẳng có tác dụng gì trước ngón đòn ấy của thiếu nữ.

Cô gái nhích vai, con kền kền bay lên, biến vào bầu trời mờ tối.

Cô ta cười hỏi: “Công Dương Vũ dạy ngươi thứ võ công gì vậy? Ta muốn xem xem.”

Văn Tĩnh kêu lên: “Ối chà.” rồi gọi với ra phía sau thiếu nữ: “Công Dương tiên sinh.”

Thiếu nữ giật mình ngoái đầu trông, thấy vắng ngắt không một bóng người, hiểu mình bị đánh lừa, liền ngoảnh phắt đầu về. Văn Tĩnh đang guồng chân chạy trốn.

Thiếu nữ nổi giận tung mình bay lên, vung chưởng chém theo gáy Văn Tĩnh. Gã trai nảy mình, bước xéo đi. Bàn tay thiếu nữ chệch mục tiêu, rơi vào khoảng không, cô ta kinh ngạc, lập tức bật lui đá liền bảy cước, nhằm vào những chỗ yếu hại khắp người Văn Tĩnh. Văn Tĩnh tiến ba bước, lùi ba bước, tựa chiếc lá bay nương theo đòn chân như cuồng phong của thiếu nữ. Bảy cước tung ra hết mà không chạm được tới chéo áo Văn Tĩnh.

“Ngộ đấy.” Thiếu nữ cười khanh khách, đưa hai tay lên, nhẹ nhàng và chậm rãi, thi triển Như Ý Ảo Ma thủ, đôi tay thiên biến vạn hoá, chỉ thoáng chốc đã hãm Văn Tĩnh vào trong.

Vô vàn cánh tay múa kín trước mặt Văn Tĩnh, như cảnh tiên nữ rắc hoa, nhìn rối cả mắt. Trong lúc hoảng loạn, Văn Tĩnh trúng một chưởng vào vai, ngã bật ra ngoài bốn thước. Gã lồm cồm bò dậy, đi hơn mười bước lại lĩnh một cước vào gò má, bay ra xa hơn trượng, ngã bộp xuống đất.

Thiếu nữ bĩu môi: “Thế thôi ư? Công Dương Vũ cũng chỉ có vậy.” Thấy Văn Tĩnh ngã sấp, nằm im không nhúc nhích, cô ta lại bảo: “Thằng ranh, lần này ta ra đòn có cân nhắc nặng nhẹ, ngươi đừng hòng giả chết lừa ta.”

“Sai rồi!” Mặt vục trong đất nhão, Văn Tĩnh lúng búng nói.

Thiếu nữ lấy làm lạ: “Sai cái gì?”

Văn Tĩnh bò dậy, ngồi xếp bằng, chống má trầm ngâm: “Đúng là sai rồi.”

“Trò lừa đảo gì nữa đây?” Cô gái sốt ruột, lắc mình tới, điểm ngón tay nhỏ thon vào Nhuyễn ma huyệt của Văn Tĩnh, ai ngờ trượt vào khoảng không, Văn Tĩnh đã vòng về mé lưng cô ta tự lúc nào. Cô gái cả kinh trở chân móc ngược ra sau, Văn Tĩnh lại vòng lên trước mặt. Cô gái thét lớn, tay đấm chân đá, xuất liên tiếp năm chiêu, Văn Tĩnh nhanh như bóng ma, thoắt ẩn thoắt hiện giữa màn quyền cước loang loáng. Thiếu nữ không đánh trúng lần nào, cảm thấy bất ổn, gắng lên tinh thần, dốc hết bản lĩnh. Thế tấn công như gió táp mưa sa, trút ào ào xuống Văn Tĩnh.

Như Ý Ảo Ma thủ là một chiêu thức lợi hại trong võ lâm, biến hoá vô cùng kỳ lạ, thiếu nữ lại xuất toàn lực, Văn Tĩnh tuy lĩnh hội được chút ít công phu nhưng gặp toàn hiểm chiêu đâm lúng túng, ngực bị phớt một chưởng, gần như nghẹn thở, quíu cả chân. Mọi chỗ yếu hại trên mình gã đều bị kiềm chế trong hai tay thiếu nữ.

Gã thiếu niên gắng gượng tìm đường sống, tuy đang trong vòng nguy hiểm nhưng vẫn hết sức chuyên chú đến sự biến ảo của lộ chưởng pháp, gạt bỏ tạp niệm, chỉ mong nắm lấy một tia sống sót, vô hình trung lại phù hợp với tâm pháp ‘nhìn bằng thần không nhìn bằng mắt’. Lòng sáng như gương, soi thấu tâm tưởng đối thủ.

Mỗi chiêu của thiếu nữ có tám phép biến hoá, trong đó bảy hư một thực. Văn Tĩnh đang gặp bước đường cùng, vốn dĩ không đỡ nổi, nếu trúng một chưởng của cô nàng thì không chết cũng bị thương nặng, lạ một nỗi, cứ mỗi lần bàn tay mịn màng của thiếu nữ còn cách huyệt Đản trung của gã năm tấc thì lại trượt đi, dịch sang ngang hai tấc.

Sự biến hoá vi diệu ấy tuy chỉ thoáng chốc, nhưng không thoát được tâm kính của Văn Tĩnh. Gã xuất thủ xong, tựa hồ đứng không vững, loạng choạng ngã chúi lên trước, luống cuống hoa chân múa tay, tưởng chừng hoảng loạn, thực ra là nhắm mục tiêu, đặt ngay một chưởng lên Thần phong huyệt của thiếu nữ, chính là Nhân tâm hoàng hoàng, chiêu thứ nhất trong Tam tài Quy nguyên chưởng.

Thiếu nữ hoàn toàn bất ngờ, một vì gã biết tận dụng sơ hở để phản kích; hai vì gã không lùi mà lại tiến; ba vì gã xuất chiêu trông không theo chương pháp gì cả, thực chất lại có sự ảo diệu riêng, cô ta cố gắng né tránh, vẫn bị gã đánh trúng chỗ yếu hại; bốn vì trong chưởng lực của gã lại có một dòng chảy ngầm kỳ quái, phá vỡ Huyền Âm Ly Hợp thần công, phong bế huyệt đạo của cô ta.

Trao đổi xong một chiêu, hai người cùng lùi bật về sau, ngã xuống đất, bất động, vùng núi lặng đi, không một âm thanh.

Hồi lâu, Văn Tĩnh thở mạnh, lồm cồm bò dậy, cảm thấy xương sườn đau nhói, hình như đã gãy mất một dẻ.

Gã chậm chạp đi đến gần thiếu nữ, thấy cô ta trợn đôi mắt đẹp nhìn mình chằm chằm, nhăn nhó bảo: “Cô ra tay mạnh quá.”

“Phì!” Thiếu nữ không nói được, nhưng trong bụng chửi rủa tàn tệ: “Thằng chó má, không biết dùng ngón quỷ quái gì mà điểm huyệt được mình?” Vừa rồi cô ta liên tục vận nội công xung khai huyệt đạo, Huyền Âm Ly Hợp thần công của Hắc thuỷ nhất quái là tâm pháp nội công đỉnh cao, tâm ý chuyển đến đâu, chỗ đó hoặc cứng như sắt luyện, hoặc mềm như nước, chưởng lực bình thường không thể làm cô ta bị thương mảy may, nhưng dòng ngầm của Văn Tĩnh không chỉ phá vỡ lớp thần công hộ thể, mà còn như một thứ bông mềm nhẽo thút nút ở đó, cô ta xung khai ba lần liên tục, vận sức rất khó khăn, cuối cùng Văn Tĩnh lại đứng dậy được trước, khiến cô ta tức giận vô cùng.

Văn Tĩnh ho rũ rượi, khạc ra một bãi máu. Ngắm thiếu nữ một lúc, gã cười: “Trông cô thế này ưa nhìn lắm, nếu đừng trừng mắt với tôi, nhất định còn ưa nhìn hơn nữa!”

Thấy Văn Tĩnh ngó mình chằm chằm, cô gái chỉ hận không thể rứt thịt gã ra. “Thằng khốn kiếp.”

“Một cô gái đẹp thế này, vì sao cứ muốn đánh giết?” Văn Tĩnh cau mày: “Cô phải lo thêu thùa mới đúng.”

Thiếu nữ rủa thầm: “Thêu cái của khỉ! Thêu vào cái mặt ngươi ấy!”

“Hoặc ngồi bên song ngắm trăng.” Văn Tĩnh mơ màng nói: “Quyển khởi thuỷ tinh liêm, Linh lung vọng thu nguyệt.6 Gảy đàn cũng hay, Hàm tình lộng nhu sắt, Đàn tác mạch thượng tang.7 Ờ, hái dâu cũng tốt, Tố thủ thanh điều thượng, hồng trang bạch nhật tiên8. Người đẹp như cô làm gì cũng được, chỉ cần đừng đánh đấm mà thôi.”

“Thằng cha này đang sủa lăng nhăng gì thế, nhưng mà, hắn luôn miệng nói ta xinh đẹp, thật ư?” Cô gái thầm nghĩ: “Sư phụ và hai sư huynh chưa bao giờ nói ta đẹp cả.”

“Chỉ cần cô hứa với tôi, sau này đừng đánh nhau với người nào nữa, tôi sẽ thả cô.” Văn Tĩnh bảo: “Nếu đồng ý thì cô chớp mắt ba cái.”

Thiếu nữ trợn mắt im lặng.

Một lúc lâu sau, Văn Tĩnh thở dài: “Thôi vậy, không chấp cô. Tôi thả đây, cô không được gây sự với tôi nữa đâu đấy, nếu đồng ý thì chớp mắt ba cái, nếu không tôi chỉ còn nước bỏ đi thôi.”

Thiếu nữ không muốn bị vứt lại ở nơi quỷ quái này, bèn chớp mắt ba cái. Văn Tĩnh vỗ vào huyệt đạo, cô gái nhảy cẫng lên, vung quyền toan đánh, Văn Tĩnh la lối: “Cô muốn nuốt lời hứa ư?” Truyện "Côn Luân "

Thiếu nữ dừng tay, rồi bỗng thò ngón trỏ, điểm lên huyệt Thái uyên của Văn Tĩnh. Gã thiếu niên đã bị thương nặng, không tránh kịp, ngấm ngầm than thở: “Ta ngốc quá đi thôi. Thả ả sát tinh này ra, đúng là gây tội nghiệt, chết mất.” Truyện "Côn Luân "

Thiếu nữ nghiêm mặt, ấn ngón tay lên xương sườn Văn Tĩnh, đưa đoạn xương gãy trở lại đúng vị trí, rồi bẻ hai cành cây, xé áo quấn chặt vào cho gã. Văn Tĩnh đau toát mồ hôi, thầm kinh ngạc: “Vì sao cô ta lại giúp mình nối xương?”

Thiếu nữ hừ mũi: “Đánh kẻ bị thương thì chẳng hay ho gì. Đợi ngươi lành lặn rồi nện cho một trận cũng còn kịp.” Nói xong giải huyệt cho Văn Tĩnh, đứng dậy, quay mình bỏ đi.

“À, cô… cô tên là gì?” Văn Tĩnh hỏi với theo.

Thiếu nữ lạnh lùng nói: “Ngươi hỏi để làm gì?”

“Để lần gặp sau dễ gọi.” Văn Tĩnh lúng búng trong miệng, mắt đảo đảo.

“Lần gặp sau là ngày giỗ của ngươi đấy.” Thiếu nữ cười khẩy bỏ đi, được mấy bước ngoái đầu lại bảo: “Tên tiếng Hán của ta giống với sư phụ, là Tiêu…”

“Tiêu Ngọc Linh hả?” Văn Tĩnh buột miệng.

Tiêu Ngọc Linh tỏ vẻ kinh ngạc. “Sao ngươi biết?”

“À!” Văn Tĩnh đáp: “Ta nghe sư huynh cô gọi cô là Ngọc Linh.”

“Trí nhớ ngươi tốt đấy.” Tiêu Ngọc Linh hững hờ nói. Nghe giọng điệu, Văn Tĩnh không rõ cô ta đang khen ngợi hay mỉa mai mình.

Lúc ấy, trên trời bỗng có tiếng chim ré lên chói tai, Tiêu Ngọc Linh biến sắc, cau mày nói nhỏ: “Con súc sinh lông lá này thật đáng chết, lại tiết lộ hành tung của ta.”

Ngọc Linh vừa dứt lời, một bóng đen đã lướt đến. Tiêu Lãnh xuất hiện trước hai người, mặt không biểu lộ gì. Con kền kền đáp xuống, đậu trên vai y. Tiêu Lãnh quăng ra một tảng thịt khô, con chim đớp lấy, nuốt đánh ực, rồi dang cánh bay lên.

Sau hồi lâu im lặng, Tiêu Lãnh cất tiếng: “Em tự tung tự tác quá đấy.”

Tiêu Ngọc Linh cong môi, không màng trả lời.

Tiêu Lãnh lúng túng, nhìn sang thấy Văn Tĩnh, y cau mày hỏi: “Ngươi ở đây ư? Tốt lắm.” rồi nhấc chân, bước lại gần gã.

Ngọc Linh cười nhạt: “Anh định giết hắn ư?”

“Tất nhiên.” Tiêu Lãnh đáp: “Bất kể thật giả đều phải giết.”

“Nhưng hắn đang bị thương. Anh giết hắn cũng chả vẻ vang gì.”

“Dù hắn có không bị thương thì cũng đâu phải là đối thủ của ta?”

Văn Tĩnh mặt xám như tro tàn. Tiêu Ngọc Linh liếc gã: “Chưa chắc đâu. Em hỏi nhé, anh dự tính trong mấy chiêu thì lấy được mạng hắn?”

“Một đao là đủ.” Tiêu Lãnh đanh giọng.

Ngọc Linh cười khanh khách: “Được, vậy chúng ta đánh cuộc.”

“Cuộc thế nào?” Tiêu Lãnh cau mày.

“Em cuộc nếu hắn không bị thương, ít nhất cũng đi được ba chiêu dưới Hải Nhược đao của anh.”

Mắt Tiêu Lãnh loé lên: “Em coi thường ta thế sao?”

“Rườm lời làm gì, anh dám đánh cuộc không đã?”

Tiêu Lãnh nghe khích chạm tự ái “Sao lại không dám?”

“Nếu anh thua thì thế nào?”

“Ta thua sao được!” Tiêu Lãnh tự tin nói: “Nếu ta thua, tất nhiên sẽ tha mạng cho hắn, và từ đó trở đi, sẽ không bao giờ đặt chân lên đất trung nguyên nữa.” Nói tới đây, y nhìn Văn Tĩnh, cau mày: “Nhưng thương tích của hắn…”

“Đợi hắn bình phục không được sao?” Ngọc Linh điềm tĩnh hỏi.

“Làm gì có chuyện ấy?” Tiêu Lãnh bực dọc: “Mai ta vào Xuyên rồi, rỗi hơi mà đợi hắn khỏi, hừ, cho một đao đỡ lôi thôi.” Văn Tĩnh nghe thấy, đau nhói cả tim, cảm nhận được sát khí dày đặc trên người Tiêu Lãnh, bất giác thụt lùi.

Ngọc Linh cười nửa miệng: “Anh sợ hắn bình phục rồi, sẽ thua cược với em phải không?”

Tiêu Lãnh vốn tính kiêu ngạo, trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Thế này vậy. Ta đem hắn đi theo, đợi lành bệnh rồi lấy mạng hắn cũng không muộn.”

Văn Tĩnh và Ngọc Linh cùng sững người.

Ngọc Linh gượng cười: “Cũng được. Nhưng tên ngốc này phiền toái lắm đấy, mang đi e mệt anh.”

Tiêu Lãnh hừ mũi: “Em mà thua, sau này phải ngoan ngoãn nghe lời ta!”

Ngọc Linh cười: “Vâng.”

Tiêu Lãnh rút từ ngực áo ra một cái bình ngọc, quát Văn Tĩnh: “Há miệng.”

Văn Tĩnh trù trừ, nhưng không địch nổi khí thế của đối phương, đành há miệng. Tiêu Lãnh vẩy tay. Một chấm đỏ bắn sang. Văn Tĩnh thấy nó tan ra, trôi xuống bụng, toả hương thơm ngát, toàn thân khoan khoái, cơn đau ở ngực cũng thuyên giảm phần nào.

Ngọc Linh bấm Văn Tĩnh. “Thằng ngốc! Mau tạ ơn vì Huyết Ngọc Hoàn Dương đan của sư huynh ta đi, linh dược trị thương đấy.”

Tiêu Lãnh đanh mặt, hừ mũi, ngoắt đầu bước đi. Ngọc Linh đi theo, bảo Văn Tĩnh vẫn đang đứng đực một chỗ: “Còn đợi gì? Đợi đao kề cổ mới chịu đi hay sao?”

Văn Tĩnh cúi đầu buồn bã, vừa bước vừa hối hận nhủ bụng: “Sớm biết thế này thì đã không rời khỏi khách sạn."

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương