Cô Thành Bế
Quyển 9 - Chương 2: Tin vui

Vài thái y sau khi hội chẩn thỉnh mạch đã nhất tề chúc mừng kim thượng: Văn Hỉ huyện quân có thai.

Thật khó để ta có thể kể hết được phản ứng của kim thượng lúc ấy, chỉ có thể nói, đây không thể nghi ngờ là chuyện khiến ngài vui mừng nhất trong suốt mười mấy năm qua. Thoạt tiên, ngài thở phào một hơi dài như bỗng nhiên dỡ bỏ được một nửa gánh nặng trên vai, tiếp đó mới chợt mừng chợt hãi chợt mừng rạng rỡ tươi cười, ánh mắt lướt qua gần trăm vị cung quyến đợi tin ngoài rèm, hiện đang hành lễ chúc mừng ngài, tìm đến mấy vị đô tri hai tỉnh tiền hậu, giọng run run: “Mau đi chuẩn bị lễ tế thái miếu… Rồi đi kiểm kê vàng bạc gấm vóc, bình vò dụng cụ, đồ vật lặt vặt, chuẩn bị tương lai ban tặng… Đi xem xem tướng công có còn ở Trung thư môn hạ không… Học sĩ trực đêm hôm nay là ai?”

Tin vui hậu cung lần này nhận được sự quan tâm và coi trọng chưa từng có không chỉ ở trong cung cấm đại nội mà còn ở cả triều đình dân gian. Hoàng đế bốn mươi chín tuổi sau mười mấy năm chờ đợi rốt cuộc cũng thu được hi vọng nối dõi, đám đại thần giục ngài sớm ngày chọn tông thất lập hoàng tử cũng vì thế im miệng, ai nấy đều không ngớt dâng sớ chúc mừng. Trong niềm hân hoan, ngay ngày hôm sau, kim thượng tuyên bố tu sửa lại công xá nơi tiến hành xử lý công vụ của phủ doãn Khai Phong thời vua Chân Tông thành “Tiềm Long Cung” phục vụ cho hoàng tử tương lai sử dụng.

Trong gác Thu Hòa bỗng chốc náo nhiệt hẳn lên, ngoài hoàng đế mỗi ngày đến thăm cô mấy bận thì các cung quyến bất kể bình thường có thân với cô hay không cũng đều nối đuôi nhau đến thăm. Công chúa cũng nhân đó nán lại trong cung thêm hai ngày, chọn hoa văn trang trí thêu lên khăn bọc tặng cho đứa trẻ lúc hạ sinh, đồng thời hào hứng định bụng tự tay thêu hoa cho Thu Hòa.

“Nương tử mà sinh cho ta một đứa em gái thì tương lai ta sẽ đích thân may váy hoa cho nó.” Công chúa cười nói với Thu Hòa.

Kết quả bị Miêu hiền phi dùng quạt lụa đập cho một cái: “Nói linh tinh! Đổng nương tử sinh cho con là sinh em trai.” Miêu nương tử mắng rồi quay sang Thu Hòa, cảm khái nói lời thành khẩn: “Muội muội, em mà sinh được hoàng tử thì một bước lên trời rồi…”

Thu Hòa chỉ cười cúi đầu, không tiếp lời.

Trước khi ta theo công chúa xuất cung, có tới thăm Thu Hòa, vừa vặn gặp kim thượng đi từ trong gác cô ra, khóe miệng ngậm cười, mặt mày hớn hở. Vào xem, trong sảnh bày đầy dụng cụ vàng ngọc, gấm vóc tơ lụa, quả thực rực rỡ muôn màu.

Mà Thu Hòa thì lại nấp sau màn sa, âm thầm lau lệ.

Ta dè dặt hỏi cô vì sao không vui, cô miễn cưỡng cười gượng với ta, nói: “Hoài Cát, chúc phúc cho tôi được không? Xin trời cao cho tôi sinh hoàng tử đi.”

Ta lập tức gật đầu: “Đương nhiên, tôi sẽ cầu phúc cho cô.”

“Tôi…sợ lắm.” Cô rầu rĩ cụp mắt, thì thào thổ lộ với ta sầu não của mình, “Tôi sợ sẽ khiến quan gia thất vọng… Bây giờ ngài vui vẻ thế này, nếu tôi không sinh được con trai, tương lai nhất định ngài sẽ rất đau lòng…”

Tuy không thể nói được câu nào an ủi cô nên hồn, nhưng ta có thể tưởng tượng được cảm thụ của cô. Các thái y đều tỏ vẻ, từ mạch tượng, rất có khả năng Thu Hòa hoài nam thai, chúng cung quyến cũng nói cô có dấu hiệu nam tướng, kim thượng thì gần như nhận định chắc chắn cô sẽ sinh con trai, mỗi lần hạ lệnh đều sai người chuẩn bị cho “hoàng tử” ra đời, như nói cho đại thần nghe, cũng như nói cho mình nghe. Chỉ là, nếu trời cao không chiều lòng người thì bây giờ có bao nhiêu hi vọng, tương lai sẽ có bấy nhiêu thất vọng. Thân là tần ngự, Thu Hòa cũng được coi là kẻ khác loài, không ham thích tranh sủng cũng chẳng mưu cầu danh lợi, các nương tử khác lo lắng mình không sinh được hoàng tử đa số đều là suy nghĩ cho tiền đồ của bản thân, còn cô thì chỉ đơn thuần là sợ làm trương phu mình thương tâm, dù rằng tình cảm cô dành cho ngài có lẽ chẳng thể gọi là tình yêu.

Thế nên, một tháng sau, khi trong cung lại truyền ra tin tức An Định quận quân Chu thị có hỉ, ta nghĩ Thu Hòa hẳn cảm thấy nhẹ nhõm hơn phần nào. Lúc ta gặp lại cô, khí sắc cô đúng là tốt hơn thật, nụ cười tươi sáng hơn ban đầu rất nhiều.

Hai vị nương tử lần lượt mang thai, khả năng sinh hạ hoàng tử tăng lên, kim thượng càng thêm vui vẻ, liên tục tổ chức mấy bữa tiệc ngự trong cung, đại thần mệnh phụ, cung quyến tông thất đều nối tiếp nhau vào cung chúc mừng.

Trong một buổi yến tiệc, đế hậu giữ công chúa và quốc cữu phu nhân lại, trò chuyện trong nội điện. Vì người có mặt đều là chỗ thân quen nên chủ đề cũng không quá câu nệ, Du sung nghi cười hỏi công chúa: “Công chúa hạ giáng cũng được một năm rồi, chẳng biết bao giờ mới cho quan gia niềm vui nhân đôi, được ôm cháu ngoại đây?”

Công chúa không vui, nhíu mày không đáp, Du sung nghi còn tưởng là nàng xấu hổ, bèn tươi cười quay sang nói với quốc cữu phu nhân: “Nghe nói Tống Tử Thánh Mẫu miếu Ngọc Tiên ngoài thành linh nghiệm lắm, sao không bảo đô úy dẫn công chúa tới đó dâng hương cầu con nối dõi? Nói không chừng giờ này sang năm, quốc cữu phu nhân có thể ôm cháu vào cung được rồi.”

Ban nãy nghe Du sung nghi nói vậy với công chúa, sắc mặt Dương phu nhân đã sẵn sa sầm, lúc này nghe lời ấy, lập tức nhếch miệng cười lạnh lùng, trả lời Du sung nghi: “Tống Tử nương nương nào mà linh nghiệm thế không biết, có thể khiến vợ chồng đến ngón tay cũng chưa từng chạm nhau mà vẫn sinh con ra được?”

Câu này vừa nói ra, cung quyến trong điện ngạc nhiên nhìn nhau, Du sung nghi cũng sửng sốt, không nói thêm gì.

Dương phu nhân bị chọc trúng tâm bệnh, liền không nhịn được xả lòng: “Ôm cháu vào cung? Tôi cũng muốn lắm, nhưng một mình phò mã sao sinh được cháu. Phòng ngủ hai vợ chồng cách nhau ba ngàn dặm, sinh được con mới tài đấy! Tống Tử nương nương có linh nghiệm nữa mà người ta căn bản không bằng lòng sinh thì cũng có ích gì…”

Miêu hiền phi thấy tình thế không ổn, vội mở miệng chuyển hướng đề tài: “Quốc cữu phu nhân người ta đã sớm có cháu rồi. Mấy ngày trước chị dâu phò mã còn mang mấy cu nhà mình vào cung kia mà, ta thấy đứa lớn cũng đã mười mấy tuổi, chẳng biết có bổ ấm được chức quan nào không?”

Bà thành công di dời được sự chú ý của Dương phu nhân, bà ta nhanh chóng đổi trọng điểm sang cầu quan thay trưởng tôn: “Mấy ngày trước tôi cũng có nói với con dâu cả rồi đấy, không có việc gì thì dẫn con ra cửa ít thôi, thằng bé cũng đã mười mấy rồi, ra ngoài khó tránh khỏi gặp phải quý nhân, cứ áo vải thường dân mãi thế này sao ổn, xưng là hoàng thân quốc thích chẳng phải là làm mất mặt quan gia sao…”

Buổi tụ hội hôm ấy kết thúc bằng việc kim thượng bằng lòng cho con trai huynh trưởng phò mã Lý Ngọc Chương một chức quan, sau đó, quốc cữu phu nhân về phủ công chúa trước, hoàng hậu giữ công chúa lại, triệu vào buồng trong Nhu Nghi Điện, cũng bảo Miêu hiền phi, Du sung nghi đi cùng, đại khái là muốn hỏi kỹ việc khuê phòng của công chúa.

Một năm nay, cũng không phải là hoàng hậu và Miêu hiền phi chưa từng hỏi công chúa việc vợ chồng, nhưng công chúa một mực bưng miệng không đáp, hỏi Lương đô giám, thầy cũng từ chối thưa mình không tiện tham dự vào việc này, kiến nghị họ hỏi Hàn thị, mà Hàn thị thì một lòng che chở công chúa, thường ngày cũng không vừa mắt Lý Vĩ xoàng xĩnh nên chưa từng báo cho họ biết chân tướng, chỉ úp mở nói mọi việc đều ổn, lấp liếm cho qua.

Thế nên, thông tin Dương phu nhân để lộ lúc này hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của họ, gọi công chúa vào buồng nói chuyện riêng hiển nhiên là muốn khuyên bảo nàng.

Ta theo công chúa đến Nhu Nghi Điện, nhưng không vào buồng trong, chỉ đứng trong sảnh ngoài đợi. Khoảng cách xa nên cũng không nghe rõ được mấy vị hậu phi nói gì, nhưng cảm thấy lời họ nhỏ nhẹ liên miên, nghĩ hẳn là đang thay nhau khuyên công chúa chấp nhận phò mã.

Đợi như vậy hơn nửa canh giờ. Thoạt đầu, công chúa không nói một lời, về sau rốt cuộc cũng mở miệng, dùng một giọng oán giận đã nâng cao âm điệu: “Không, ba người đâu phải con, sao có thể hiểu được tâm trạng của con? Cha dẫu không phải hoàng đế thì cũng là một văn sĩ nhã nhặn tuấn tú, thế nên ba người căn bản không thể tưởng tượng được tâm trạng khi con phải đối mặt với một trượng phu tầm thường thô bỉ… Hắn chẳng có gì cả, chỉ có mùi tiền đầy người, cầm tiền cha ban mặc sức tiêu pha, kết giao với phường ngả ngớn nông cạn, muốn học đòi văn vẻ lại không nắm được trọng điểm, lần trước muốn mua thư họa biếu cha và nương nương lại mua về một đống hàng giả, cuối cùng họa tác của Từ Sùng Tự và Quách Hi dâng lên vẫn là do Hoài Cát tìm mua… Nếu phu quân của ba người cũng là một kẻ như vậy, ba người có thể lòng không khúc mắc mà chung phòng với hắn không?”

Thấy nàng kích động, ta hơi kinh ngạc, không khỏi dịch mấy bước về phía buồng trong.

Kế đó là một khoảng lặng thinh, ba vị hậu phi không nói thêm gì. Công chúa bình tĩnh lại đôi chút, nói tiếp, giọng không còn gay gắt như lúc trước, nhưng rõ ràng từng tiếng: “Cha gả con cho hắn là muốn làm rạng rỡ cửa nhà Chương Ý thái hậu, con vào nhà họ là mục đích đạt thành rồi, nhà họ Lý đã thêm một thân phận hoàng thân, Lý Vĩ cũng có thể cả đời an hưởng tôn vinh hàm tước phò mã đô úy đem lại. Con không phải nam tử, không cần gánh trách nhiệm nối dài huyết mạch tôn thất, mà con cũng chẳng hạn chế Lý Vĩ nạp thiếp, hắn muốn có bao nhiêu nữ nhân, sinh bao nhiêu đứa cũng được, việc nối dõi của hắn cũng sẽ không tuyệt đường vì con. Tương lai nếu tì thiếp hắn sinh con, con cũng có thể coi làm con đẻ, xin cha thăng quan tấn tước cho nhà họ… Thế vẫn chưa đủ ư? Sao ba người cứ nhất định bắt con cùng hắn…”

Miêu hiền phi hạ giọng, lại tha thiết nói gì đó với nàng, công chúa vẫn không chịu, chỉ trả lời thế này: “Cái người nói là hạnh phúc ư, tỷ tỷ? Chúng ta không giống nhau. Hạnh phúc của các người có lẽ là được phu quân quan tâm, được chung đụng với người ấy nhiều hơn, nhưng hạnh phúc mà con khẩn cầu được hiện tại cũng chỉ có thể là cái tên đáng ghét kia cách xa con ra một chút, để con được yên thân.”

Công chúa kết thúc buổi trò chuyện riêng hôm ấy bằng mấy câu chém đinh chặt sắt đó, về sau mấy vị hậu phi có khuyên nàng thêm vài lần, đều chỉ phí công vô ích. Kim thượng cũng sầu lo, cho gọi Lương đô giám và Hàn thị vào hỏi thăm, nhưng cũng vô kế khả thi, đành bảo Lương đô giám truyền đạt ý mình cho phò mã: Công chúa còn cần khuyên bảo thêm, phò mã nhất định phải nhẫn nại chờ đợi, đừng chọc tức công chúa.

Mặt khác, kim thượng cũng tỏ rõ: Phò mã có thể nạp thiếp.

Dương phu nhân nghe vậy, lập tức một lần nữa lo liệu lấy lẽ cho phò mã, cũng cao giọng tuyên bố đây là phụng chỉ hành sự, chẳng ngờ Lý Vĩ lại không phối hợp, một mực khước từ mỹ nữ mẫu thân mình tìm, đến nhìn cũng không có hứng. Dương phu nhân bực mình, không khỏi lại nói kháy nói mát, rất có thành kiến với công chúa.

Hàn thị nghe mà tức giận. Được công chúa đồng ý, bèn mời Lương đô giám đi khuyên phò mã sớm ngày nạp thiếp. Lương đô giám cũng đi thật, không lâu sau mang về vẫn là tin phò mã cự tuyệt: “Tôi khuyên cậu ấy hồi lâu, cậu ấy chỉ cúi đầu im lặng, sau cùng nói một câu: ‘Nếu ta nạp thiếp, vậy ta và công chúa mãi mãi sẽ chỉ có thể như thế này thôi đúng không?’”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương