Cuối cùng vợ chồng Phan Thịnh Đường cũng từ Quảng Châu trở lại Hán Khẩu. Sảnh nhà chất đầy hành lý, Cảnh Sâm đưa mắt trông đám người làm thu dọn đồ đạc, quản gia Hà Sĩ Văn đứng bên mỉm cười nhìn nhưng chẳng lên tiếng can thiệp, cứ thế một lúc, ông mới lên tiếng hỏi Vân Thăng tình hình trong nhà.

Thịnh Đường rất mệt mỏi, cặp mắt chăng kín tơ máu, ông gọi ba đứa con lại, hỏi chuyện học hành của từng đứa một rồi mới lên nhà nghỉ ngơi. Cảnh Sâm nhìn bóng lưng ông, vẻ mặt anh đầy lo âu, bà Vân bèn an ủi: “Trước khi lên đường trở về cha con có uống vài ly với các chú các bác, con cũng biết mà, ở Quảng Đông nửa đêm người ta vẫn còn đang ăn cơm, lâu lắm ông ấy chưa về quê nên không quen, lúc lên tàu còn bị mệt, nhưng không có gì đáng lo đâu, cứ để cha con nghỉ một lát đi.”

“Vâng.” Cảnh Sâm mỉm cười, “mẹ cũng vất vả nhiều rồi.”

Bà Vân ngồi xuống sô pha, dịu dàng nhìn cô con gái đang lục soát quà trong vali, Cảnh Huyên thì mải mê đứng trước gương thử bộ đồ mới mẹ cậu đặt may cho ở Quảng Châu, hai anh em trai mỗi người một bộ, vì Cảnh Sâm sắp phải ra nước ngoài nên bà Vân còn mua riêng cho anh một chiếc cặp da lớn rất bền. Cảnh Sâm thấy bà Vân có vẻ mệt mỏi bèn khuyên bà đi nghỉ, bà Vân cười bảo: “Mẹ đi xa, không được gặp mấy đứa, giờ dù không nói gì mà chỉ nhìn các con thế này thôi mẹ cũng thấy vui. A Sâm, con có thích chiếc cặp mẹ mua không? Chiếc cặp này là của thợ lành nghề làm đấy, vừa bền vừa dễ dùng, còn đẹp nữa, cả người nước ngoài cũng thích mua.”

“Cảm ơn mẹ, con thích lắm.” Cảnh Sâm mỉm cười nói.

“Mẹ ơi, đây là vị thần tiên nào thế?” Cảnh Ninh lôi bức tượng sứ hình người cao chừng năm tấc ra khỏi vali, đó là một bức tượng hình cụ già mập mạp, ăn mặc như quan viên ngoại, tay cầm một chữ “Như ý”.

Bà Vân cười bảo: “Đây là đồ gốm trên Phật Sơn đấy, mẹ trông nó tinh xảo đáng yêu nên mới mua, một bộ có ba bức, Phúc – Lộc – Thọ Tam Tinh, con đang cầm Phúc Tinh, trong vali còn hai bức Thọ Tinh và Lộc Tinh nữa.”

Cảnh Ninh ồ lên, cô bé lôi hai bức tượng sứ đáng yêu từ trong vali ra, quặp vào khuỷu tay ôm cả lại, bà Vân dặn: “Cẩn thận, cẩn thận không vỡ.”

Cảnh Sâm vươn tay nhận lấy, Cảnh Ninh đút bức tượng Phúc Tinh mập mạp vào túi áo: “Em thích cái này, em lấy đây. Em không làm quan, cũng chưa có ý định biến thành bà cụ già, hai anh cứ thoải mái chọn Thọ Tinh với Lộc Tinh đi!”

Bà Vân chợt biến sắc, bà trách: “Phỉ phui cái miệng, con nói gì đấy!” Rồi bà vươn tay vỗ lên khóe môi cô, “Làm gì có ai tự rủa mình như con.”

Lời của Cảnh Ninh hoàn toàn là lời vô tâm, ngẫm nghĩ lại, cô cũng thấy nói vậy không hay thật, bèn sờ vạt áo đỏ thẫm của mẹ: “Con chạm vào màu đỏ là hết xui xẻo!”

“Lần sau nói gì cũng phải nghĩ cho kỹ, có kiêng có lành!” Bà Vân trừng mắt nhìn cô.

“Con biết rồi!” Cảnh Ninh cười hì hì.

Lúc này Cảnh Huyên cũng tiến lại, hỏi: “Có món gì hay ho đấy? Cho anh xem với!” Cậu khom lưng, cùi chỏ va phải vai em gái, thế là Thọ Tinh rơi thẳng xuống sàn, vỡ làm đôi.

Căn sảnh lặng ngắt như tờ.

Gương mặt bà Vân trở nên khó coi tới tột cùng, bà trỏ con gái mình, giận dữ thốt: “Con trông kìa, trông chuyện tốt con làm kìa!” Rồi bà lại quay sang Cảnh Huyên, giận đỏ cả mắt, “Hai anh em con đúng là, đến bao giờ mấy đứa mới làm mẹ bớt lo đây, hả?!”

Cảnh Huyên cự nự: “Đồ trang trí thôi mà mẹ, mua thêm một cái nữa là được, mẹ cần gì phải giận.”

Cảnh Ninh ngây ra như trời trồng, cô nhớ ban nãy mình mới bảo không cần “Thọ” và “Lộc”, giờ đến cả “Phúc” cũng bể nát rồi, đây đúng là điềm gở, Cảnh Ninh cắn môi hồi lâu không lên tiếng. Cảnh Sâm thấy cô ỉu xỉu bèn dọn gọn mảnh vỡ rồi bảo bà Vân: “Ông trời và Bồ Tát thần phật không nhỏ nhen vậy đâu mẹ, các ngài so đo với một đứa trẻ làm gì? Mẹ, mẹ đừng lo.” Không biết vì sao mà anh lại buột miệng thốt, “Nếu Ninh Ninh gặp phải tai họa con sẽ gánh thay em.”

Cảnh Ninh xúc động ngẩng đầu nhìn chằm chằm anh cả, ngơ ngác không thốt nổi thành lời.

Bà Vân thở dài, nói: “Lúc nào con cũng là đứa chín chắn!”

Thấy bầu không khí đã dịu đi rồi, Cảnh Huyên bèn cất hai bức tượng sứ còn lại trên xô pha đi rồi cười đùa:

“Mẹ, mẹ đừng sợ, anh cả mới nói rồi đấy, nếu con và Ninh Ninh có gặp họa anh ấy sẽ cáng đáng thay.”

Bà Vân nói: “Cái thằng nhóc vô lương tâm này, anh con có phải ông Hanh ông Cáp canh miếu đâu, mà nếu có vậy thật cũng chẳng đến lượt con dính lấy.”

Cảnh Sâm mỉm cười bảo: “A Huyên, anh bảo anh gánh cho Ninh Ninh, liên quan gì đến em đâu.”

Cảnh Huyên nện thình thịch vào ngực, giả vờ khóc lóc: “Đau lòng quá đi mất!”

Bà Vân phì cười, còn Cảnh Ninh ủ dột nói: “Con không muốn gặp họa, lại càng không muốn anh cả gánh họa giúp. Mẹ ơi, chúng ta nghĩ cách gì đi. Đi nhà thờ nhé? Hay tới chùa miếu? Mình làm lễ cúng được không mẹ?”

Bà Vân vuốt lại lọn tóc mái rối bù trước trán con gái: “Đợi mấy hôm nữa mình sẽ tới chùa Quy Nguyên cầu phúc giải họa.”

Bà bảo con trai con gái mình về phòng, rồi gọi Cảnh Sâm lại dặn dò: “Ba đứa phải chú ý an toàn trong khoảng thời gian này, nhà họ Phan không bình yên đâu, bố mẹ lo nên mới về sớm đấy.”

Cảnh Sâm ngạc nhiên hỏi: “Chẳng lẽ đã có chuyện xảy ra ạ?”

Bà Vân lẳng lặng đáp: “Nhà tổ Phan gia bị cháy rụi chẳng lẽ không phải là chuyện sao? Mà việc này thì thôi bỏ đi, chuyện gì cần xử lý cha con cũng đã xử lý rồi, những thứ còn lại mới thật sự là phiền phức.”

Cảnh Sâm thấy khó hiểu, bèn bật cười bảo: “Người nhà họ Phan toàn dân kinh doanh thật thà, sao lại chuốc lấy phiền được?”

“Con đúng là đứa trẻ ngốc nghếch, chẳng trách cha lại không yên tâm về con.”

Lòng Cảnh Sâm thoáng gờn gợn, nhưng anh vẫn chỉ mỉm cười.

Bà Vân cau mày, rồi thật lòng thật dạ cất lời như kìm nén đã lâu: “Trên đời này, kẻ dễ chuốc lấy phiền vào thân nhất chính là con buôn. Kiện cáo, thị phi, cướp bóc, làm gì có người làm ăn nào tránh được những điều này? Chẳng phải Trịnh Đình Quan giàu có bậc nhất đất Quảng Đông khi xưa cũng ngã ngựa sau hai ải đầu đó sao? Nhà cháy, cha con vừa về Quảng Châu đã có ai gửi cho ông một viên đạn, làm mẹ sợ mất mật!”

Cảnh Sâm biến sắc: “Đạn ư? Thế này thì đúng là ghê người thật.”

“Mối làm ăn của nhà họ Phan càng lúc càng lớn, với Hán Khẩu, chúng ta là người ngoài, mà ở Quảng Đông thì lại càng bị kẻ khác ghen ghét, nhiều người có ý xấu với nhà chúng ta lắm, chuyện này có gì lạ đâu? Năm ấy cha con mua ô tô rồi lại phải bán đi cũng vì không muốn phô trương mà mang vạ vào thân. Con có nhớ về sau chiếc xe này rơi vào tay ai không?”

Cảnh Sâm ngại ngùng cười bảo: “Khi đó con mới bốn tuổi thôi, trẻ con có biết gì đâu.”

Bà Vân vuốt lớp tua rủ của tấm rèm cửa nhung thiên nga, chầm chậm thốt: “Mẹ lo quá nên đầu óc cũng lú lẫn mất rồi. Ôi, qua tay biết bao nhiêu người, cuối cùng cũng bán cho nhà họ Trịnh, vì nó có tấm giấy phép đầu tiên của Quảng Châu, cũng là chiếc xe đầu tiên trên toàn Quảng Châu, đâm ra gây chú ý quá, cuối cùng Trịnh Đình Quan bị cướp cả người lẫn xe, chết bất đắc kỳ tử chốn đồng không mông quạnh, rồi nhà họ Trịnh cũng lụi bại. Giờ cha mẹ cũng đang lo chuyện này.”

“Cha mẹ lo lắng cũng phải.”

Bà Vân nhìn anh: “Sâm Nhi, trong khoảng thời gian này con hãy lo cho các em nhé, con trông chúng nó chặt vào, đừng để hai đứa nó chạy lung tung, có đi đâu con cũng phải đi theo chúng, có con ở bên ít nhiều gì cha mẹ cũng yên tâm hơn.”

“Mẹ đừng lo lắng.”

Nói nhiều tới vậy nhưng thực chất bà Vân vẫn còn giấu lòng riêng. Dù bà đối xử thân mật với Cảnh Sâm, nhưng dù sao thân sơ cũng khác, người bà Vân thật sự quan tâm yêu thương vẫn là hai đứa bé mình rứt ruột đẻ ra. Tuy là thế, cậu con trai trưởng nhà họ Phan cũng chững chạc hiểu biết, từ nhỏ tới lớn đã chăm lo hai em kỹ càng từng li từng tí, có những lúc Cảnh Huyên Cảnh Ninh mắc lỗi, anh cũng đứng ra chịu phạt thay em. Bà Vân lại đưa mắt nhìn Cảnh Sâm đang đứng cúi đầu kính cẩn khiêm nhường, vẫn hệt như dáng vẻ của cậu nhóc ngoan ngoãn nghe lời mà bà gặp lần đầu nhiều năm về trước, không biết vì sao lòng bà lại thoáng cuộn lên nỗi áy náy mơ hồ.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương