Cô Gái Mãn Châu
Chương 26: Bạn và thù lẫn lộn

Giữa trưa.

Bầu trời không một áng mây, trời trong vốn là một cảnh đẹp, nhưng ánh mặt trời không cho người ta thưởng thức cái đẹp ấy.

Ánh nắng đổ từng hột, không một ai có thể còn hứng thú để thưởng thức bầu trời trong vắt vì mồ hôi đã đầm đìa.

Tuy cách một lớp đế giày, không đến nỗi phỏng chân, tuy cách bởi một vòng mát nhỏ dưới cái nón, không đến nỗi lột da đầu, nhưng giờ này thì thật không ai muốn ra đường.

Thế nhưng không phải hoàn toàn không có người, họ vẫn có những công việc bắt buộc đi, hoặc cần cấp, hoặc lỡ đường, nhờ thế nên mấy quán cốc bán trà theo những tàng cây lớn có được thời gian đắt khách.

Trên con đường dài nắng đổ chang chang, một cái quán cóc với vài cái bàn, năm bảy cái ghế lỏng chân xiêu vẹo, nhưng nó ở dưới tàng cây rậm bóng vẫn là chỗ “lý tưởng” nhứt cho khách qua đường.

Một con người rít róng cách mấy, dè xẻn cách mấy nếu không dám ăn một cục xôi, một trái chuối thì cũng phải uống một tô nước để được nghỉ chân Cho dầu công việc có gấp cách mấy, người ta cũng vẫn dừng lại đôi chút, vì không phải chỗ nào cũng có bóng mát, cũng không phải bóng mát mà cũng có quán xá và nhứt là không phải quán nào cũng có... người đẹp.

Một cô gái có thể quê mùa, có thể không đẹp nhưng một khi đã bán quán nhứt định cô ta cũng phải có... lương tâm “chức nghiệp”, nhứt định cô ta cũng phải có những câu nói dịu, những nụ cười duyên, người khách khó tính cách mấy cũng không thể đòi hơn nữa.

Giữa ánh nắng đổ lửa, người ta cần có bóng mát nghỉ chân, bóng mát đó có ghế để ngồi, có nước để uống và hơn hết, nước đó do bàn tay cô gái pha mang lại kèm theo một nụ cười, chắc chắn không ai nỡ hà tiện một vài xu.

Những người buôn bán hiểu rõ như vậy, khách qua đường cũng hiểu rất rõ như vậy không ai phiền hà gì cả, vì nó là việc cần thiết không thể thiếu.

Có một vài người đã ngồi uống nước và cười với cô gái bán quán, cô ta cười lại với vành môi đầy méo mó như muốn khóc, với cái liếc lé xẹ, không sao, ai về nhà nấy mà, đẹp hơn một chút cũng không giàu có hay chết chóc một ai, khách cũng cười gượng gạo và trả tiền để rồi lại tiếp tục khoảng đường dài nắng gắt.

Lý Đức Uy cũng ngồi vào, hắn kéo cái ghế thụt vô sát gần góc cây, hắn ngồi lim dim thoải mái trên chiếc ghế hơi xiêu nhưng vẫn còn dựa được.

Ngồi lâu một lúc sau, ghế tuy có ít, nhiều khi khách phải ngồi cả trên mấy cái thùng đựng đồ, ngồi cả trên những rể cây nổi khỏi mặt đất, chủ quán vẫn vui vẻ mời ngồi nghỉ mát “cho khỏe”, khách cũng thỏa mãn gợi chuyện với bạn đồng hành.

Ở cái quán tồi tàn này, người ta không cần đến những cái sang hèn, ai cũng như ai, việc chính ở đây lo đụt nắng và giải khát, sang hơn hay hèn hơn, cũng một chén nước mà thôi.

Đó là đặc tính dễ mến của những chiếc quán cốc vệ đường.

Ở xa, người ta cố đi nhanh, đến gần càng nhanh hơn nữa, chưa có một người khách qua đường nào không ghé cái quán này.

Lý Đức Uy chưa uống được nửa bát nước thì có thêm một người khách.

Hắn ăn vận khá sang, áo gấm. Đầu hắn đội cái nón rộng vành sụp xuống càng làm cho vóc người nho nhỏ của hắn thấp xuống thêm.

Ở xa, không thấy rõ mặt hắn, ngồi gần, vì hắn thấp nhỏ người ta lại càng khó thấy.

Nhưng Lý Đức Uy đã thấy, hắn không tò mò nhưng hắn buộc phải biết những ai đi qua mặt hắn, đi sau lưng hắn, hay ngồi gần bên hắn.

Hắn biết con người nho nhỏ ấy là ai, nhưng hắn vẫn làm thinh.

Cô gái bán quán lật đật mang lại cho người khách mới một chén trà, cô ta không thể thiếu sót phải luôn luôn gởi theo cái chén trà đó một nụ cười.

Nụ cười để tỏ lòng thân thiện, để làm mát bớt giữa cơn nắng gắt, đẹp hay không đó là chuyện khác.

Người khách tiếp chén trà nhưng không ngó cô gái, không thấy nụ cười thân thiện đó, vì đang bận liếc chừng về phía Lý Đức Uy.

Hớp một ngụm nước có chừng, người khách đặt chén xuống và bằng một cách kín đáo trao nhanh cho Lý Đức Uy một mảnh giấy gấp nhỏ, tiếng của khách cũng nhỏ :

- Lý gia, chủ nhân tiểu tỳ sai mang thư đến...

Lý Đức Uy cảm tạ nho nhỏ và cho mảnh giấy vào lưng.

Người khách nhỏ thó tự xưng là “tiểu tỳ” đứng dậy, nhưng Lý Đức Uy đã nói :

- Cứ để lát nữa tôi sẽ trả luôn.

Người khách không khách sáo, cũng không cảm tạ hay chào từ giã, cứ bước nhanh ra khỏi quán, làm như có chuyện gấp bên mình.

Thật ra thì nếu ai chú ý, có lẽ người khách muốn tránh mặt hai người khách mới.

Họ là hai người khách áo trắng, họ đi chưa tới quán.

Lý Đức Uy mở mảnh giấy ra, hắn hơi biến sắc, hắn đứng lên trả vội tiền nước rồi bước nhanh ra, hắn không đi theo hướng của người vừa mới trao thư.

Hai người khách đã đi tới quán, họ là hai đại hán trung niên, một người râu ria bó hàm như quai nón, một người có lỗ mũi to như quả cà chua.

Hai người cùng mặc áo trắng khuy nút bạc, thứ áo của Cúc Hoa đảo.

Đây là hai người khách đặc biệt, họ không ghé quán như bao nhiêu người khách khác, họ bươn bả theo Lý Đức Uy.

Gã râu quai nón hỏi :

- Phải hắn không?

Tên mũi lớn đáp :

- Đúng rồi, hắn đó.

Gã râu quan nón hừ hừ :

- Tìm thấy mẹ không gặp, bây giờ khi không lại gặp, mẹ họ nhiều chuyện tức muốn hộc máu.

Giọng nói hắn ồ ồ, cách nói của hắn diễn tả đầy đủ một con người thô lỗ.

Hai người bước khá nhanh, vì bây giờ thì Lý Đức Uy đã đi cách xa hơn mười trượng.

Hắn đi tuy cũng gấp nhưng có vẻ thong dong hơn hai tên táo trắng đi sau, hình như hắn không hay có người theo dõi.

Cự ly giữa hai đàng mỗi phút mỗi thu ngắn lại và cuối cùng thì đã sát gần nhau.

Hai tên đại hán áo trắng bước nhanh lên ngang hàng với Lý Đức Uy, họ vượt qua khỏi và quay mặt lại.

Lý Đức Uy cũng dừng lại.

Chợt nhận ra nút áo bạc của hai tên đại hán, Lý Đức Uy “à” nho nhỏ và mỉm cười...

Gã râu ria lạnh lùng :

- Đi đâu vội thế?

Lý Đức Uy gật gù :

- Nhị vị là người của “Cúc Hoa đảo”?

Gã râu ria hơi ngạc nhiên :

- Các hạ biết người của Cúc Hoa đảo?

Lý Đức Uy cười chúm chím :

- Làm sao tôi lại không biết? Tôi đã từng hội kiến với Sứ giả Trương Cửu Tôn kia mà.

Gã râu ria càng ngạc nhiên hơn :

- Các hạ biết Trương Cửu Tôn?

Lý Đức Uy đáp :

- Tự nhiên, nếu không quen biết thì làm sao tại hạ lại dám đến chỗ khách xá của Hải Hoàng gia? Các hạ định hỏi chuyện đó à?

Tên mũi đỏ đứng sau lên tiếng :

- Các hạ có phải là Bạch Y Khách Trung Nguyên?

Lý Đức Uy giật mình nhảy trái qua một bước :

- Ái chà, đứng sau lưng nãy giờ mà không chịu nói, làm hết hồn hết vía!

Gã mũi đỏ cười gằn :

- Đừng có làm bộ hết hồn, nói nghe coi, phải Trung Nguyên Bạch Y Khách hay không?

Lý Đức Uy mỉm cười :

- Trương Sứ giả đã báo cáo chuyện mua bán đến Hải Hoàng gia rồi à?

Gã mũi đỏ tái mặt :

- Như vậy ngươi là cái tên Trung Nguyên Bạch Y Khách, hay lắm, Hải Hoàng gia của chúng ta rất muốn gặp ngươi, ngươi đã ra lịnh cho Trương Cửu Tôn đưa người đến, thế nhưng Trương Cửu Tôn lại không tìm được, vì thế cho nên họ Trương đã bị tội...

Lý Đức Uy nhướng mắt :

- Ái chà, như thế tại hạ đã làm liên luỵ đến bằng hữu rồi, thật là một chuyện khiến cho tại hạ bất an.

Gã mũi đỏ nói :

- Chuyện đã qua rồi, không cần nói chuyện bất an. Nếu ngươi có quen biết với Trương Cửu Tôn thì chắc Hải Hoàng gia của chúng ta cũng sẽ lượng thứ, bây giờ ngươi hãy theo bọn ta đến yết kiến Hải Hoàng gia.

Lý Đức Uy nhăn nhó :

- Hải Hoàng gia đã thương mà triệu kiến, đúng là chuyện vinh hạnh nhứt đời, chỉ hiềm vì hiện tại, tại hạ có chuyện gấp bên mình...

Gã mũi đỏ gằn giọng :

- Mắc chuyện bằng trời cũng không được cãi, biết chưa?

Lý Đức Uy lắc đầu cười :

- Các hạ không nên nói một câu như thế, Hải Hoàng gia chỉ là Hoàng đế của Cúc Hoa đảo, chớ đâu phải là “Hoàng đế” Trung Nguyên chúng tôi? Sự triệu kiến quả là điều vinh hạnh, nhưng cũng phải đợi tại hạ rảnh rang đã chớ.

Gã mũi đỏ quát :

- Câm mồm, Hải Hoàng gia của ta là bậc chí tôn trong võ lâm, hiệu lịnh ban ra bốn biển, không một ai dám không thuần phục...

Lý Đức Uy lắc đầu chận nói :

- Hình như các hạ nói chưa đúng lắm, cứ theo tại hạ biết thì hiện nay hùng cứ các phương còn nhiều lắm, chẳng hạn như phương Tây các tỉnh có phú hào họ Tổ, hiệu xưng là Tổ Tài Thần phía Nam có vị tướng cướp lừng danh là Đạo sư Nam Cung Nguyệt, phía Bắc còn có thế lực của một “quái nhân” từng làm kinh kinh động võ lâm, tức là vị Cùng Thần, mộng bất danh... những con người ấy đâu đã “thần phục” Hải Hoàng gia?

Gã mũi đỏ xạm mặt :

- Nhưng sớm muộn gì rồi chúng cũng phải thuần phục, riêng ngươi thì ngay bây giờ.

Hắn chưa nói dứt tiếng là bàn tay của hắn đã vung tới chụp ngay vào ngực Lý Đức Uy.

Y như một con cá đi trong nước. Lý Đức Uy luồn mình tránh thoát dễ như không.

Hắn nhìn khí thế hung hăng của gã mũi đỏ và cười nói :

- Đừng ăn hiếp chớ, phía tây, phía nam, phía bắc còn ba nhà mạnh lắm, nhưng bảo rằng sớm muộn gì rồi họ cũng phải thuần phục Hải Hoàng gia, đó là ý của của các hạ hay là ý kiến của ai?

Gã mũi đỏ gầm gừ :

- Ta nói đó, rồi sao?

Lý Đức Uy gật gù :

- Tốt, để rồi tại hạ hỏi ba vị ấy lại xem, thử có phải đúng như thế không?

Gã mũi đỏ cười hẩy :

- Ai thì sợ ba tên đó chứ ta thì không. Cúc Hoa đảo chưa từng sợ một ai, ngươi cứ hỏi đi, nhưng bây giờ...

Hắn không nói hết, hắn vung tay chụp tới...

Lý Đức Uy không tránh nữa, ngón tay trỏ của hắn bung ra điểm thẳng lòng bàn tay của gã mũi đỏ khiến cho hắn hết tự động rụt tay về nhảy tránh ra xa.

Lý Đức Uy cười :

- Hãy để cho ta nói một câu rồi có muốn đánh nhau cũng không muộn gì đâu, hai vị chỉ biết ỷ vào sự hoành hành thiên hạ của Hải Hoàng nơi Cúc Hoa đảo thế nhưng nhị vị có biết ta là ai không chớ?

Gã mũi đỏ tuy đã ngán cái “điểm” vừa rồi, thế nhưng hắn vẫn tỏ ra khinh khỉnh :

- Ngươi là ai? Hừ, bất quá cũng là một trong những tên láu cá của võ lâm Trung Nguyên chớ không có gì đâu mà phải biết.

Lý Đức Uy cười :

- Nếu không lên khỏi miệng giếng thì cứ bảo trời không lớn hơn nữa, nhị vị có thấy người vừa nói chuyện với ta trong quán khi nãy rồi chớ?

Gã mũi đỏ trả lời đặt một :

- Thấy, rồi sao?

Lý Đức Uy hỏi :

- Nhị vị có biết người đó là ai không?

Gã mũi đỏ bĩu môi :

- Bất quá là một tỳ nữ Mãn Châu...

Lý Đức Uy chận ngang :

- Đã biết nàng là tỳ nữ Mãn Châu, thế mà các hạ không biết địa vị của ta sao? Ta cần nhắc cho các vị nhớ rằng trước giờ hẹn xong chuyện “kết minh” giữa Cúc Hoa đảo và Mãn Châu, các vị nên thận trọng đừng làm thương tổn đến cảm tình nó bất lợi cho các vị nhiều lắm đó, coi chừng Hải Hoàng gia của các vị sẽ giận dữ vì thất vọng.

Gã mũi đỏ hơi lựng khựng :

- Nói thế thì... các hạ... Mãn Châu...

Lý Đức Uy chận ngang :

- Hãy trở về bẩm lại với Hải Hoàng gia, phải tính toán trước khi bàn chuyện kết minh và nhứt là đừng thày lay vào chuyện của người khác. Hiện tại nhà họ Tổ đang nổ lực, không chừa một thủ đoạn nào để làm được lòng Mãn Châu, nếu các ngươi để cho Tổ gia đi trước thì ngôi vị Hải Hoàng của các người sẽ dưới họ nhiều lắm đó, liệu mà hành động.

Nói xong, hắn bỏ đi thật nhanh, để mặc cho hai tên thuộc hạ Cúc Hoa đảo đứng nhìn theo sửng sốt.

Bọn họ không biết nói gì, mà cũng không can ngăn.

Chỉ mấy giây sau, Lý Đức Uy khuất mắt và một ngã quanh trước mặt :

Gã mũi đỏ vụt nói :

- Không được, nếu hắn là người của Mãn Châu thì tại sao lại đặt vấn đề mua bán với Trương Cửu Tôn? Coi chừng, coi chừng mình đã mất cơ hội... coi chừng mình lại mắt mưu bọn...

Gã râu ria đưa tay chận lại :

- Anh quên, nếu hắn không phải là người từ Mãn Châu tới thì tại làm sao lại trao đổi câu chuyện vừa rồi với cô tỳ nữ Mãn Châu? Coi chừng, anh nên nhớ đây là vấn đề trọng đại của Hải Hoàng gia, nó quan hệ nhiều đến chuyện kết minh giữa Cúc Hoa đảo đó.

Đang dợm chạy theo Lý Đức Uy, gã mũi đỏ dừng lại mở tròn đôi mắt :

- Nếu thế tên tiểu tử này là ai... hắn làm cái gì mơ mơ hồ hồ như vậy cà...?

Hai tên thuộc hạ Cúc Hoa đảo ngơ ngơ ngác ngác đứng tần ngần chưa biết phải làm sao thì Lý Đức Uy đi về hướng khác.

Hình như họ Lý không muốn gậy sự mất thì giờ, cũng có thể hắn cố làm cho bọn Cúc Hoa đảo hoang mang...

* * * * *

Trên một dốc núi lài lài, dưới một bóng mát khá lớn, Nghệ Thường và La Hán nghỉ chân nơi đó.

Trước mặt họ là một cánh đồng bát ngát, xa xa, những dãy nhà của thôn dân giăng giăng trước mặt, gió nhẹ từng cơn thổi tạt hướng đồng nghe khoan khoái lạ thường.

Nghệ Thường đi bên cạnh La Hán mà mặt vẫn buồn buồn, hình như nàng đang lo nghĩ về chuyện gì đó.

La Hán cất giọng hỏi :

- Có phải nàng đang lo nghĩ về chuyện của ta?

Nghệ Thường hỏi lại :

- Tại sao anh phải giết nhiều người như thế? Họ đâu có thù oán gì với anh đâu?

La Hán thở dài nói :

- Tôi rất buồn khi thấy Nghệ Thường cứ phải băn khoăn vì lối giết người không thù oán như thế, thật ra thì phải nói nàng không thích chuyện giết người mới đúng, thù oán hay không cũng thế.

La Hán buồn buồn nói tiếp :

- Anh biết sự thật thì em cũng không có thân nhân, mà bằng hữu thì cũng chẳng có ai, vì thế nên anh rất yên lòng.

Nghệ Thường lắc đầu :

- Anh khỏi băn khoăn về chuyện đó, dầu gì em cũng rất thông cảm nỗi khổ không thể nói ra được của anh.

Đôi mắt của La Hán bộc lộ đầy cảm kích :

- Đa tạ em, Nghệ Thường.

Do dự một chút, nàng nói :

- La Hán, em thấy nên cho anh biết rằng em có một bằng hữu.

La Hán nhìn vào mắt nàng :

- Em có bằng hữu? Ai vậy?

Nghệ Thường nói :

- Quên rồi à? Người đã cứu em khỏi hai người của Bạch Liên giáo đó.

La Hán cười :

- Tưởng ai chớ. Người ấy cũng là bằng hữu của anh vậy. Bằng hữu của em thì là bằng hữu của anh chớ còn gì nữa.

Chẳng những thiện lương mà tâm địa của La Hán thật là rộng rãi, hắn không bao giờ có ý nghi ngờ tầm bậy và hắn cũng không có tánh đố kỵ.

Nghệ Thường nghe lòng mình thật có nhiều an ủi, nàng mừng có được người bạn đường như thế.

Nàng chọn người gợi thân thật là xứng đáng, nàng nguyện trọn đời sẽ ở bên La Hán, nàng quyết tâm kéo hắn ra khỏi vùng tranh chấp đầy xương máu của thế giớ võ lâm.

Đối với Lý Đức Uy, với con người hiệp nghĩa và giàu lòng ái quốc ấy, nàng thề quyết không để cho La Hán làm một chuyện mà chắc chắn hắn và nàng sẽ ân hận trọn đời.

Nàng đứng lên và kéo tay La Hán :

- Mình đi anh, trở về khách điếm, nhà thiên hạ đã lên đèn cả rồi kìa.

Thật ra thì chưa phải là tối lắm, nhưng khắp nơi những thôn gia, những xóm nhà gần xa đều đã có khói, người ta đang sửa soạn buổi cơm chiều.

La Hán đứng lên phủi quần áo :

- Phải rồi, cần phải về khách điếm, không chừng họ đã tìm anh báo tin.

Trái tim của Nghệ Thường nghe như nặng xuống.

Trong lòng hắn chỉ có một chuyện đó thôi.

Một khi người không thể quên được phút nào về một cái chuyện gì, chứng tỏ chuyện đó là cả một sự quyết tâm, muốn ngăn hắn thì sợ rằng không phải là chuyện dễ, nếu không muốn nói là không mong làm được.

* * * * *

Về đến khách điếm, La Hán hỏi ngay lão quán lý về chuyện tin tức của mình.

Lão quản lý nhớ ra, hắn lật đật mở hộc bàn lấy trao cho La Hán một phong thư.

Lão nói với Nghệ Thường :

- Cô nương, có một vị khách quán đến hồi trưa, dặn trao thơ này cho cô nương.

Nghệ Thường có ý nghi ngờ, nhưng không lẽ lại không xé ra, nàng cảm thấy lòng không chắc đã có gì quan hệ và nhứt là không nên làm như thế trước mặt La Hán.

Nàng xé thơ, trong đó có một mảnh giấy nhỏ và tim nàng đập mạnh, nàng vò mảnh giấy trong tay, vì chỉ 1o mấy chữ vắn tắt đập nhanh vào mắt nàng làm cho nàng tái mặt...

Nhưng không còn kịp nữa, La Hán đã thấy rồi.

Hắn chồm tới nắm lấy cổ tay nàng, hắn không cần nghĩ đến chuyện cái nắm tay của hắn làm cho nàng đau đớn, hắn không còn tâm trí nghĩ về chuyện đó.

Mảnh giấy được kéo thẳng ra trước mặt hắn.

Đôi mắt của La Hán trợn trừng gần như muốn rách khóe tay chân hắn run lẩy bẩy, giọng hắn cũng run cầm cập :

- Tổ mẫu đã chết... tổ mẫu đã chết... không ta không tin... ta phải hỏi lại chúng... chúng phải trả bằng một giá đắt với ta... ta phải giết... ta phải giết tất cả bọn Mãn Châu.

Những tiếng cuối cùng của hắn lạc mất vào trong gió, hắn chạy bay ra cửa khách điếm như điên.

Mảnh giấy rơi xuống đất, Nghệ Thường cũng chạy xuống theo.

Tiếng kêu của nàng gần như lạc giọng, tất cả bao nhiêu khách qua đường đều nghe thấy, chỉ có một mình La Hán không nghe.

Mắt hắn bây giờ đã hoa, tai hắn đã ù, tâm tình hắn đã loạn, hắn gần như phát điên.

Nghệ Thường không khóc được, nàng cũng không còn kêu được, nàng như chết đứng, nàng cũng không thấy được những gì trước mắt.

Nàng như kẻ mất hồn, nàng đưa mình vào khung cửa khách điếm, nàng rời rả tay chân..

Nàng đau trong cái đau của người yêu, tin đó quả là tin sét đánh.

Nàng có thể gánh vác tất cả những gì nặng nhọc, thậm chí nàng có thể chết vì chàng, nhưng chuyện này quả tình bất lực, chính vì sự bất lực đó mà lòng nàng như bị đứt ra từng đoạn.

Lão quản lý rón rén đi lại, giọng lão như muốn khóc :

- Cô nương, lão đã già rồi, tội lão thật đáng chết... lão không dè cớ sự...

Thật ra thì cũng không phải lỗi ở lão, nhưng có lẽ lão cũng là con người thuần hậu, hay ít nhất lão cũng từng trải cái khổ của con người, lão muốn nói một câu an ủi.

Nhưng bây giờ thì vô ích.

Nàng cũng không cần an ủi, nàng muốn tất cả sự an ủi trên đời này phải được dồn về La Hán.

Nhưng những tiếng của lão quản lý khách điếm cũng đã giúp nàng, nàng giật mình và đang nhận thức ngay điều nguy hiểm, nàng thảng thốt kêu lên :

- Chết rồi... La Hán sẽ giết người... La Hán sẽ giết người...

Nàng loạng choạng băng mình chạy ra khỏi cửa.

Nàng chạy mà nghe như hai chân nàng hỏng lên mặt đất, nàng cũng không cần biết là nàng đã xô ngã mấy người.

Nàng đã làm cho khách qua đường tức giận, nhưng rồi người ta thông cảm và người ta vụt cũng như nàng, người ta xô nhau mà chạy.

Chết rồi. Nàng đã đoán không lầm.

Trên đường, giữa đường, máu đã bắn tứ tung.

Một thây người, hai thây người, thây nào cũng đứt làm hai.

“Tử Kim đao”!

Thanh đao đó tiện người như tiện chuối.

Máu! Ruột!

Từng vũng từng đùm...

Thiên hạ đổ xô ra chạy.

Vừa chạy vừa la, họ như gặp phải một con trâu điên.

Còn hơn cả trâu điên, vì trâu điên chỉ có sức, đây là một con người, sức mạnh hơn trâu, lại giỏi võ, lại có thanh “Tử Kim đao”.

Nghệ Thường vừa chạy vừa kêu tiếng của nàng lạc lõng.

Bóng tối a tòng với hỗn loạn, không biết La Hán chạy về đâu.

Không biết đã có bao nhiêu thây người ngã xuống.

Không một chỗ nào mà Nghệ Thường không chạy tới và chính nàng cũng không biết mình đã chạy đến đâu.

Đến lúc mà nàng nghe tai ù mắt quáng thì hai chân nàng cũng đã rã rời.

Nàng quỵ xuống bao giờ cũng không hay...

Nàng cũng không biết chỗ mà nàng quỵ xuống là chỗ nào.

Không biết còn trong vòng thành Trường An hay đã ra ngoài thôn dã.

Không biết ở ngoài đường hay trong nhà người, không biết nhà người hay một miếu hoang.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương