Cô Dâu Âm Môn
-
7: Ruộng Mẫu Tám
Lúc ra tới bờ ruộng đã là nửa giờ sau, ruộng ở xa quá mà mẹ Lương lại đi nhanh cho nên vẫn chưa có người tới.Tiếng gió phần phật thổi qua luỹ tre hai bên xào xạc xào xạc, rõ ràng ban nãy trời đã tảng sáng ấy vậy lúc tới đây rồi không khí lại chẳng ấm áp hơn tẹo nào, một chút ánh nắng sớm tháng năm cũng chẳng thấy đâu, cứ âm âm u u lạnh sờn cả gai ốc.Mẹ Lương có chút tức.
Lúc phân chia ruộng thì lão Lương lên tỉnh phụ việc mấy ngày không về, bà lại ở chỗ khác mới đến thế là dân làng tranh nhau giành giật, chia chác thế nào nhà bà lại nhận ngay một mẩu đất hơi rộng ở cái ruộng mẫu tám này.Nghe tưởng chừng có lời, nhưng đây là cái ruộng mẫu tám đấy, cả cái mảnh đất bao la chả có người thèm ngó, mấy nhà được phân ruộng tại đây mỗi lần đi cấy sợ run còn hơn con cầy sấy.
Ỷ nhà chỉ có hai mẹ con thế là bị bắt chẹt..Ruộng này vốn không có tên, nhưng nó rộng tám mẫu đất nên gọi là ruộng mẫu tám.
Mảnh ruộng tít ở đằng Tây làng, cách mấy kilomet, mà thời đấy có chiếc xe thồ là quý là giàu lắm rồi, người ta toàn đi bộ thôi.
Nhưng rộng thì rộng, tiếc ở chỗ nó nằm giữa cánh đồng không mông quạnh, bị bao phủ bởi rặng tre xanh mướt và mấy cái cây già xum xuê tán lá phủ rợp cho trời đất không lọt chút dương khí.
Xung quanh thì toàn là cỏ lưa thưa và lúa non của ruộng khác, mà còn dựa lưng vào rừng cây nên nom trơ trọi và cách biệt.Từ ban đầu người ta chưa kiêng kỵ, nhưng lúc bước vào mới thấy không khí lạnh lẽo không giống bình thường, mỗi lần xuống ruộng cày cấy sống lưng đều rét đậm rét hại như bị mấy trăm con mắt liếc nhìn, thỉnh thoảng gió to thổi mấy cây tre lắc lư nghiêng ngả lại hiện ra mấy thứ bóng đen, bóng trắng thoắt ẩn thoắt hiện.Lão Hà xui rủi đạp trúng mộ bia đã là gì, mụ Lan mới gọi là đen như mực.
Mụ này chỉ được cái mồm, suốt ngày mở miệng ra là nói mình tâm phật tâm thiện mà sao đời cứ là bể khổ, hết chồng tới con ăn dầm nằm dề chỉ có bà ta là phải còng lưng nuôi cái nhà này.Nhưng không, mụ cứ ca cẩm như đúng rồi nhưng dân làng ai chả biết thừa cơ chứ.
Mụ có làm cái gì đâu, ở nhà hết chơi lại nằm, lâu lâu chán mới ra đồng cấy lúa mấy ngày.
Cái miệng mụ thì ôi thôi… người ta nói khẩu phật tâm xà, khẩu xà tâm phật nhưng mụ thì điêu ngoa từ trong ra ngoài, một lời nói bình thường của mụ đã hàm chứa mấy chục âm từ xỉa xói mà còn the thé tỏ rõ sự khinh bỉ người khác.
Song, lòng mụ còn hẹp không bằng cây tăm, mụ lấy của ai thì được chứ người khác đừng hòng ăn được của mụ một đồng, lúc nào cũng muốn ăn trên nằm trên cơ người khác.Dân làng ghét mụ nên phân cho nhà mụ một mẩu ở ruộng mẫu tám, mụ ta chửi đổng lên hết tháng này sang tháng nọ, chửi 18 đời tổ tông tất cả những ai trong làng.Lần đó mụ rảnh rỗi xách cái cào ra ruộng cào đất, được một lúc thì thở phì phò như trâu, leo lên bờ ngồi trợn mắt nhìn người ta cày cấy, thỉnh thoảng lại chỉ chỉ trỏ trỏ đâm chọt mấy câu, dân làng đến chán riết chả thèm tiếp chuyện.Mụ Lan thấy thế ngồi lẩm bẩm.
Chả biết mụ nói gì, mà lúc về cứ đi vòng quanh vòng quanh mãi trong ruộng mẫu tám, mặt cúi gằm như người mất hồn.
Dân làng tất nhiên không ngó ngàng gì đến mụ, tránh còn chẳng kịp.
Tối đấy chồng mụ đi kiếm mới thấy mụ ôm chân, ngồi một đống ở ngay bờ ruộng.Người ta vui sướng khi mụ gặp hoạ, hoá ra hôm đấy mụ vạ miệng mắng mỏ ngoài đồng bị ai đó nghe được bịt tai, bịt mắt dắt đi.
Mụ muốn đi về mà mãi chẳng về đến nhà, một mình một đường thất tha thất thểu rụng cả cẳng chân mà chẳng tới nơi, cuối cùng tự đạp trúng cây cào sắt ở dưới đất mà què cẳng thật.Chưa hết, mụ ta về đến nhà lại gào mồm lên mắng trên trời dưới đất, an ổn ngủ qua một đêm thì sáng dậy trúng gió méo cả miệng.
Lần này thì đã xấu trong, xấu ra cả ngoài..Mẹ Lương tuy dáng người nhỏ nhắn, đứng lặng một mình sẽ toát ra khí chất tiểu thư đài các nhưng thực tế lại gan lớn, sức lớn.
Bà tuổi thìn, sinh giờ dần, từ nhỏ đến giờ gặp ma cỏ vài lần nhưng lại mạnh vía chả ai làm gì được.Tất nhiên không phải ai như long như hổ cũng mạnh cả, Minh Nhi đấy, con bé tuổi dần mà cứ như mèo bệnh.Đợi chừng mấy khắc sau thì có người đến, bọn họ túm năm tụm ba đi vào, xắn quần xắn áo lao xuống ruộng quần quật gặt lúa, mẹ Lương cũng vội vàng dùng sức chín trâu hai hổ bứng lúa như nhổ cỏ khiến ai nấy tấm tắc, tặc lưỡi.
Thế là vụ mùa sau mọi người tranh nhau thuê bà đi cấy hộ.Lão Cừ là một nông dân chăm chỉ, hôm nay lão tính toán gặt cho xong đám ruộng mới đi về.
Buổi chiều ở quê năm, sáu giờ đã tối đen không còn chút nắng, nhất là ở trong ruộng mẫu tám lại càng tối, liếc mắt dòm ra bên ngoài chỉ thấy hàng tre chi chít, mọc san sát không lọt kẽ hở nào.Tự dưng lão thấy hơi sợ, chắc vì trời sắp tối nên không khí lạnh lẽo hơn hẳn, lão hơi rén, liếc ngang liếc dọc xem còn người nào trên ruộng không.
Không thấy ai cả, xung quanh tối tối mờ mờ, lão mặc kệ luôn đống lúa mới gặt trên đê, chân ráo chân ướt bò lên bờ.Lão muốn đi về, nhưng một cây tre lảo đảo sà xuống trước mặt lão, chắn ngay lối đi.
Thế là lão lùi lại tính vòng sang đường khác..
cây tre bật lên.
Có lẽ gió thổi mạnh nên tre bị gãy… nhưng khi lão tiến lên phía trước, tre lại sà xuống, lần này lão giơ chân bước qua thân tre, một lực kéo mạnh mẽ đem cây tre dựng thẳng dậy, hất ngược lão ra sau.Thôi rồi lượm ơi..
tiếng ve sầu kêu reng réc, reng réc, lão Cừ đứng im ru như con chim cút lắng nghe tiếng lòng mình run rẩy.Một con, hai con, ba con, bốn con,… mười sáu con..
Trong bóng tối phủ đầy hơi sương, dưới gốc măng non lởm chởm có mấy cặp mắt xanh lục lập loè.
‘Xì xì xì!’ tiếng thở phì phì dường như sát bên tai khiến lão dựng hết tóc gáy.Bỗng, lão thấy thứ gì đó phất qua đỉnh đầu, mấy cây tre lảo đảo ngả nghiêng, lả lướt qua đầu lão.‘Tách tách..tách..’ tiếng nước sương nhỏ giọt xuống từ trên phiến lá thấm ướt bả vai, cái lạnh âm hàn thấm cả vào gan ruột..Lão thấy trên mặt hơi ngứa, trên vai cũng thế, nhưng lão không dám cúi đầu hay ngẩng mặt nhìn, cần cổ cứng ngắc như bị đóng đinh.Tóc…là tóc!!Từ trên đỉnh ngọn tre, một vật gì đó lơ lửng rũ xuống...!ướt sũng, trơn trượt.
Sợi tóc phủ xuống vai lão, mon men bò lên gò má xương gầy, hốc hác..
Rồi nó đảo quanh..vòng quanh..một vòng..hai vòng..quấn lên cổ...Chân tay co giật vì lạnh cóng, lão Cừ đổ mồ hôi như mưa, lão muốn hét lên, muốn vùng ra nhưng thân thể cứ cứng đờ và họng thì như bị ai bóp chặt ú a ú ớ.
Đột nhiên, bờ ruộng bên kia có cái bóng đen lọ mọ, lão ngậm một hơi, mạch máu trên cổ hằn lên dữ tợn, dùng hết sức bình sinh rít lên : “CHỊ LƯƠNG !!”Bóng đen hơi giật mình, rồi quay đầu lại lộ ra gương mặt trẻ trung xinh đẹp, nói : “Ồ, anh Cừ đấy à.”Trong giây phút đó lão cảm giác trên người nhẹ bẫng, cái gì mà ma cỏ rắn rết, tóc xanh tóc đỏ đều không có, chỉ còn lại tấm lưng bốc mùi mồ hôi và bùn đất chua lòm lòm...!Kệ đi, khó ngửi thì khó ngửi còn hơn bị vặn cổ chết toi..
Quai hàm bạnh ra, nếp nhăn trên trán xô xô lệch lệch, cảm nhận được sự sống sót sau tai nạn, lão nghiến hàm răng ken két gọi về tí thần hồn đang hoảng loạn, vội nói : “Trời tối rồi, tôi với chị cùng về!”Mẹ Lương nghe vậy cũng gật gù đồng ý, rồi chủ động đi ở đằng trước : “Anh hôm nay về trễ thế ?”“Tôi tính gặt xong lúa rồi hẵng về, nhưng trời tối mau quá.” lão đáp.“Lúa thì ngày nào gặt chẳng được..”“Ráng gặt cho xong để còn...”Nói tới đây lão bỗng im bặt.
Tuy trời tối nhưng lão không có mù, lão thấy chị Lương lững thững đi về hướng vào rừng..
Hả ?Ánh trăng nhàn nhạt hắt lên làn da trắng bệch như bạch tạng của mẹ Lương, bà chầm chậm lướt đi từng chút một..“Anh Cừ!!”Tiếng gọi bất thình lình vang lên, một bàn tay lạnh ngắt vỗ lên vai lão.Miệng lão Cừ rút gân, lão đứng sững người, ngơ ngơ ngẩn ngẩn..
phát hiện mình đã ở sát bên cạnh rừng cây tự bao giờ… đằng trước không ai..Bàn chân lập tức ríu lại với nhau, lão run lẩy bẩy quay người ra sau, mặt đã cắt không còn giọt máu, hung hăng đẩy người đối diện ra, cắm đầu cắm cổ như chó đuổi chạy ra khỏi ruộng mẫu tám.“???” mẹ Lương cầm con dao lưỡi liềm trên tay, một tay chống nạnh, hé hàm răng đen ngòm gọi vọng lại : “Ơ kìa, anh chờ tôi với, tôi cũng về!”Bị cái gì không biết...
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook