Chuỗi Án Mạng A.B.C
Chương 22: (Không phải lời kể của Đại úy Hastings)

Ông Alexander Bonaparte Cust ngồi yên như tượng. Đồ ăn sáng trên đĩa đã nguội ngắt và ông không hề động đến miếng nào. Có tờ báo đang nằm dựa vào ấm trà. Đó là tờ báo mà ông Cust đã đọc rất hào hứng.

Bỗng nhiên ông đứng dậy đi lui đi tới một chốc rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế cạnh cửa sổ. Hai tay ông bưng đầu rồi ông rên ư ử.

Ông không nghe tiếng cửa mở. Bà Marbury chủ nhà đã đứng ở bậc cửa rồi.

“Ông Cust ơi, tôi đang nghĩ không biết ông có muốn... sao thế? Chuyện gì vậy? Ông ốm à?”

Ông Cust thả tay, ngẩng đầu lên.

“Không, không có gì đâu, bà Marbury ạ. Sáng nay tôi thấy không được khỏe lắm”.

Bà Marbury kiểm tra khay đồ ăn sáng.

“Tôi thấy ông chẳng đụng đến bữa ăn sáng. Đầu ông lại đau à?”

“Không. À, vâng... Tôi - tôi thấy hơi khó chịu trong người”.

“Ôi, tội nghiệp ông quá. Vậy hôm nay ông không đi đâu sao?”

Ông Cust bỗng nhiên đứng bật dậy.

“Không, không. Tôi phải đi chứ. Công việc mà. Quan trọng. Quan trọng lắm”.

Hai bàn tay ông run rẩy. Nhìn ông có vẻ bực bội, bà Marbury cố vỗ về ông.

“À, ông cứ đi nếu ông thấy cần phải đi. Lần này ông đi đâu có xa không?”

“Không. Tôi đi...” - Ông ngập ngừng vài phút rồi nói tiếp “... Cheltenham”.

Vẻ ngập ngừng kỳ lạ của ông khi nhắc đến cái tên đó khiến bà Marbury nhìn ông ngỡ ngàng.

Bà trả lời kiểu xã giao: “Cheltenham đẹp lắm. Có năm tôi đi Bristol rồi đến đó. Cửa hàng ở đó rất tuyệt”.

“Ờ, tôi cũng nghĩ thế”.

Bà Marbury cúi người nhưng lưng bà cứng đơ - vì bà không quen cúi người - để nhặt tờ báo nhàu nhĩ trên sàn nhà lên.

“Mấy bữa nay báo chí không đưa tin gì khác ngoài mấy vụ giết người”, bà vừa nói vừa liếc các tiêu đề trước khi đặt tờ báo lên bàn. “Tôi thấy sởn cả gai ốc. Tôi chả đọc làm gì. Giống như vụ tên Jack Đào Mỏ ấy mà”.

Môi ông Cust mấp máy nhưng ông không thốt ra lời nào.

“Doncaster - đó là nơi mà hắn ra tay vụ tiếp theo”, bà Marbury nói. “Ngày mai rồi đấy! Làm mình nổi da gà ông nhỉ? Nếu tôi sống ở Doncaster và tên của tôi bắt đầu bằng chữ D thì tôi sẽ bắt chuyến tàu đầu tiên rời khỏi đó ngay. Tôi không muốn liều mạng đâu. Ông nói gì hả, ông Cust?”

“Đâu, tôi có nói gì đâu, bà Marbury”.

“Có đua ngựa và mấy trò khác ở đó nữa. Chả trách hắn sẽ có cơ hội ra tay. Họ bảo là có hàng trăm cảnh sát được phái đến đó và... Sao thế ông Cust, ông ốm thật rồi. Ông phải uống thuốc men gì đi chứ. Nói thật là hôm nay ông không nên đi đâu cả”.

Ông Cust đứng thẳng đơ.

“Có việc cần bà Marbury à. Tôi luôn luôn đến các cuộc hẹn đúng giờ. Người ta phải - phải tin tưởng mình! Khi tôi nhận làm việc gì, tôi làm cho đến nơi đến chốn luôn. Đó là cách duy nhất để thành công trong làm ăn bà ạ”.

“Nhưng nếu ông ốm thì sao?”

“Tôi có ốm đau gì đâu, bà Marbury. Chỉ là tôi hơi lo lắng vì một số việc riêng thôi. Tôi không ngủ được. Tôi thấy ổn rồi”.

Thái độ của ông cương quyết quá nên bà Marbury dọn dẹp đồ ăn sáng và miễn cưỡng rời phòng.

Ông Cust lôi dưới giường ra một cái va-li và bắt đầu xếp đồ. Mấy bộ đồ ngủ, túi đựng đồ vệ sinh cá nhân, cổ áo rời, dép da. Rồi ông mở tủ chuyển chừng 10 cái hộp giấy dẹp cỡ 10x7 inch trên kệ xuống xếp vào va-li.

Ông liếc nhìn quyển thông tin đường sắt trên bàn rồi rời phòng, mang theo cái va-li.

Vào phòng khách, ông đặt va-li xuống rồi đội mũ và mặc áo khoác vào. Ông vừa khoác áo vừa thở dài thườn thượt đến nỗi cô gái bước ra khỏi phòng bên nhìn ông vẻ lo lắng. “Có chuyện gì vậy, bác Cust?”

“Không có gì đâu, cô Lily”.

“Bác mới thở dài mà!”

Ông Cust đột ngột nói:

“Cháu linh tính có điềm gì sao Lily? Có linh cảm gì à?”

“Ờ, thật ra, cháu có linh tính gì đâu... Đương nhiên, có ngày buồn ngày vui vậy thôi bác ạ”.

“Chắc vậy”, ông Cust đáp. Rồi ông lại thở dài.

“Ờ, tạm biệt Lily. Tạm biệt. Bác biết là lúc nào cháu cũng đối xử với bác rất tốt”.

Lily vừa cười vừa nói: “Ôi, bác đừng nói tạm biệt như thể bác sẽ đi luôn không về vậy”.

“Không, không, đương nhiên là về chứ”.

Cô gái lại cười và nói: “Hẹn gặp bác thứ sáu nhé. Lần này bác đi đâu? Đi biển nữa ạ”.

“Không, không, ờ, bác đi Cheltenham”.

“À, chỗ đó cũng đẹp. Nhưng không thích bằng Torquay đâu. Ở đó dễ thương hơn. Năm sau, cháu muốn đi nghỉ ở đó. Nhân tiện, lần trước chắc bác ở gần hiện trường vụ án lắm - vụ A B C ấy. Vụ đó xảy ra lúc bác ở đấy phải không ạ?”

“Ờ, đúng rồi. Nhưng Churston cách đó chừng sáu bảy dặm cơ”.

“Cũng thế cả mà, chắc là náo động lắm! À, biết đâu bác đã đi ngang qua kẻ giết người trên phố không chừng! Biết đâu bác ở rất gần hắn đấy!”

“Ừ, dĩ nhiên là có thể lắm chứ”, ông Cust đáp, hé một nụ cười méo mó và ghê ghê đến nỗi Lily Marbury cũng để ý thấy.

“Ôi, bác Cust, bác bị ốm rồi”.

“Bác không sao, không sao đâu cháu ạ. Tạm biệt cháu”. Ông lóng ngóng nhấc mũ ra chào rồi xách vali và vội vàng đi ra khỏi cửa.

Lily Marbury nói vẻ khoan dung: “Bác này kỳ quá! Có vẻ hơi khùng khùng nữa”.

II

Thanh tra Crome nói với thuộc cấp:

“Kiếm cho tôi một danh sách tất cả các nhà máy sản xuất bít tất rồi gửi đến đây. Tôi cần một danh sách tất cả các đại lý - anh biết đấy, những người bán hàng để ăn hoa hồng và đi chào hàng ấy”.

“Cho vụ án A B C này ư, thưa ông?”

“Ừ, ý kiến của ông Hercule Poirot”. Giọng viên thanh tra pha chút khinh khỉnh. “Chắc cũng chẳng tìm ra được gì đâu nhưng chúng ta không được bỏ qua dù là cơ hội nhỏ nhất”.

“Đúng thế, thưa ông. Hồi trước ông Poirot đã điều tra thành công nhiều vụ nhưng tôi nghĩ bây giờ ông ấy hơi lẩm cẩm rồi ạ”.

“Ông ta chỉ là tên lang băm thôi”, thanh tra Crome nói. “Lúc nào cũng làm bộ làm tịch. Lừa được người khác chứ dễ gì lừa được tôi. Còn giờ thì về việc chuẩn bị cho vụ Doncaster...”

III

Tom Hartigan nói với Lily Marbury:

“Sáng nay anh gặp bác lính già của em đấy”.

“Ai cơ? Bác Cust hả anh?”

“Ừ, bác Cust. Ở Euston. Nhìn bác ấy lúc nào cũng như thỏ lạc. Anh nghĩ bác ấy hơi khùng khùng. Bác ấy cần người chăm sóc em à. Đầu tiên bác làm rơi tờ báo rồi sau đó làm rơi vé. Anh lượm lên giúp bác - bác ấy thậm chí còn không biết mình làm rơi vé nữa kia. Bác cảm ơn anh nhưng vẻ bực bội lắm, anh nghĩ bác không nhận ra anh”.

“Ôi dào”, Lily nói. “Bác chỉ mới gặp anh vài lần ở phòng khách chứ mấy”.

Họ khiêu vũ xong một vòng.

Tom khen: “Em nhảy đẹp quá”.

“Nhảy tiếp nào anh”, Lily đáp và uốn sát người vào anh.

Họ lại nhảy vòng nữa.

“Anh bảo là Euston hay Paddington?” Bỗng dưng Lily hỏi. “Ý em là anh gặp bác Cust ở đâu?”

“Euston”.

“Anh có chắc không đấy?”

“Có chứ. Sao thế?”

“Kỳ quá. Em nghĩ đi Cheltenham thì đi từ ga Paddington chứ”.

“Đúng rồi em. Nhưng bác Cust không đi Cheltenham. Bác ấy đi Doncaster mà”.

“Cheltenham chứ”.

“Doncaster. Anh biết chắc thế, cưng ơi! Chính anh nhặt cái vé của bác ấy lên mà”.

“Ơ, bác bảo em là bác đi Cheltenham. Em chắc chắn bác đã nói thế”.

“Ôi dào, chắc em nhớ nhầm thôi. Ông ấy đi Doncaster mà. Có người may mắn thật. Anh thích con Firefly ở lễ hội Leger và anh muốn xem nó đua thế nào”.

“Em nghĩ bác Cust không đi xem đua ngựa đâu, bác có vẻ không thích môn đó. Ôi, Tom, em mong là bác ấy sẽ không bị giết. Vụ giết người A B C tiếp theo sẽ diễn ra ở Doncaster đấy”.

“Bác Cust sẽ không sao đâu. Tên của bác đâu có bắt đầu bằng chữ D”.

“Lần trước may không bác ấy bị giết rồi. Bác ấy ở gần Churston ở Torquay khi vụ giết người xảy ra đó anh”.

“Thế à? Trùng hợp quá nhỉ?”

Chàng trai cười lớn.

“Lần trước nữa bác ấy không ở Bexhill chứ?”

Lily nhíu mày suy nghĩ.

“Bác ấy vắng nhà.. .Vâng, em nhớ bác ấy đi vắng... bởi vì bác ấy quên mang theo đồ bơi. Mẹ em vá nó cho bác mà. Và bà nói: ‘Đấy, ông Cust đi hôm qua mà quên đem theo đồ bơi rồi’, và em trả lời: ‘Ôi, mẹ đừng bận tâm đến bộ đồ bơi cũ kỹ đó làm gì - có một vụ giết người thảm khốc nhất kìa. Một cô gái bị siết cổ ở Bexhill’.”

“Ờ, nếu bác ấy muốn đem theo đồ bơi, chắc ổng đã đi về vùng biển. Anh nói này, Lily” - khuôn mặt anh ta đầy vẻ phấn khích. “Nếu bác lính già của em là kẻ giết người thì sao nhỉ?”

“Bác Cust tội nghiệp đó ư? Bác còn không dám làm đau một con ruồi nữa là”, Lily cười lớn.

Họ vẫn nhảy thật hạnh phúc - họ ý thức niềm vui sướng được ở bên nhau.

Nhưng trong vô thức, có một điều gì đó đang trỗi lên trong đầu họ...

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương