Hà Diệp Anh – 25 tuổi – Biên kịch

Khi 13 tuổi, Diệp Anh tự hỏi, 10 năm nữa cô sẽ thế nào? Cô sẽ có một công việc đáng mơ ước trong một văn phòng bao kính nhìn ra hồ Tây. Cô sẽ có một chàng người yêu chín chắn cùng cô tích góp để tính truyện trăm năm.

Nhưng khi 23 tuổi, cô có gì? Cô chẳng có gì.

Cô thất nghiệp và nằm dài trong một căn hộ có cửa sổ nhìn xuống sông Tô Lịch. Người cô thầm thích suốt 7 năm kết hôn với cô gái anh ta chỉ mới gặp 2 tháng. Khi 13 tuổi, cô có thể giải quyết mọi buồn phiền chỉ với 1 chiếc bánh kem hoặc nhiều chiếc nếu cô rất buồn. Nhưng khi 23 tuổi, nó thậm chí còn làm cô thấy tệ hơn khi phát hiện mình vừa thất nghiệp, thất tình và tăng thêm 2 cân.

Ngay từ nhỏ, để không rơi vào hoàn cảnh này, Diệp Anh đã lập kế hoạch cho cuộc đời mình và chăm chỉ, cần cù để đạt được mục tiêu. Cô tích dấu nhân vào mỗi đầu việc được hoàn thành. Cô tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 rồi đại học với số điểm cao. Cô dự tính trở thành trưởng phòng ở tuổi 25 và giám đốc ở tuổi 30.

Nhưng khi mới bước sang tuổi 23 được vài ngày thì cô bị đuổi việc.

Vì một tách cà phê không đường nhiều sữa.

Trưởng phòng của Diệp Anh, kẻ mà cô muốn thay thế và tin rằng mình có thể thay thế, rất thích uống cà phê không đường nhiều sữa. Suốt 1 năm làm việc ở công ty, cô luôn là người phụ trách pha cà phê cho hắn. Nếu phải so sánh thì hắn như một miếng đậu phụ lâu ngày lên men khiến người ta nôn nao mỗi khi ở cạnh. Gương mặt bóng dầu và góc trán nổi đầy mụn đỏ. Mắt chỉ như một đường kẻ, thậm chí đường kẻ đó cũng biến mất mỗi khi hắn ta cười. Kì lạ, hắn ta lại đặc biệt thích cười, nhất là khi có phụ nữ ở cạnh. Và người phụ nữ anh ta muốn ở cạnh nhất là chị Hồng. Chị điểm gì cũng tốt: xinh xắn, nhẹ nhàng nhưng lại quá ít nói. Chị không mở lời ngay cả lúc cần nói. Đó là lúc gã sở khanh kia giả bộ hỏi han kéo ghế ngồi xuống bên cạnh chị rồi một tay vờ để lên bàn tay kia quàng qua bên, thích thú cù dọc sống lưng chị. Chị vẫn bình thản nhập tài liệu vào máy tính và nhẹ nhàng trả lời những câu hỏi của hắn. Diệp Anh chứng kiến cảnh này không khỏi nổi gai ốc và muốn tống ra ngoài toàn bộ bữa sáng vừa ăn. Cô và các chị trong phòng nhiều lần tế nhị góp ý với chị Hồng nhưng chị chỉ ậm ừ cho qua chuyện rồi đâu lại vào đấy.

Tới một hôm, trời nóng như đổ lửa, Diệp Anh đột nhiên lên cơn sốt nhưng vẫn cố tới công ty vì tháng đó cô đã nghỉ quá số buổi cho phép. Vừa tới nơi, lảo đảo như người say sóng, cô đã nghe tiếng hắn quát tháo. Hắn nói không tìm thấy bản báo cáo mà cả phòng đoan chắc đã hoàn thành, trong khi chiều nay hắn có cuộc họp với ban giám đốc phải sử dụng tới tài liệu đó. Diệp Anh thậm chí có thể vẽ lại gương mặt hắn say sưa nói chuyện điện thoại với phụ nữ khi cô bước vào phòng để đưa tài liệu đó cho hắn 2 ngày trước. Nhưng tình ngay lí gian, hắn bảo không có thì không ai dám bảo có. Các chị trong phòng liếc nhìn cô. Cô bèn lẳng lặng quay ra cửa. Cả ngày hôm đó, cô phải đi đến từng siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ để tập hợp ý kiến người tiêu dùng rồi ghé vào một quán Internet dọc đường để làm bản tổng kết. Quán đông người lại thêm mùi khói thuốc. Cô không biết mình làm thế nào để trụ vững cho tới khi đứng trước mặt hắn và đưa bản báo cáo. Hắn quát tháo răn dạy cô về thái độ làm việc rồi giật lấy tập tài liệu, đi thẳng tới phòng họp.

Sáng hôm sau, khi bưng cà phê tới phòng cho hắn, Diệp Anh nhìn thấy trong sọt rác tập tài liệu cô từng đưa cho hắn. Cô đoán hắn phát hiện mình mắng sai nhân viên nên phải phi tang chứng cứ. Nhìn qua cửa kính, thấy hắn lại lai vãng đến bàn chị Hồng, cô chẹp miệng quay đi, vờ như không thấy. Cô định lảng qua phòng bên photo tài liệu thì bị hắn bắt gặp. Hắn ra hiệu cho cô bưng tách cà phê qua cho hắn. Cô lẳng lặng làm theo. Đầu cô đau như búa bổ, lại bị tiếng cười của hắn làm cho gai người. Hắn ngang nhiên trêu ghẹo chị Hồng ngay cả khi biết cô đang ở đó. Đột nhiên, trong đầu cô cứ như đang tua đi tua lại một cuốn băng lỗi. Ánh sáng, âm thanh, cả hình ảnh gương mặt khả ố của hắn không ngừng chuyển động. Cô trượt chân, cà phê vốn ở trong tách đã tưới cả vào đầu hắn. Hắn đứng bật dậy, dùng hết sức bình sinh quát tháo cô. Lần này, hắn thậm chí còn lăng mạ. Cô nhìn chằm chằm vào khuôn miệng rộng với nước miếng tràn qua mép của hắn nhưng chỉ nghe được loáng thoáng vài từ. Cô cảm thấy choáng váng. Khi định thần lại, tách cà phê vốn ở trên tay cô đã từ từ được nâng nên rồi giáng mạnh vào phần trán bên phải của hắn. Máu từ đó chảy ra.

Hắn thất kinh. Cô bị đuổi việc.

Mọi người trong phòng xin với hắn, nói do cô bị sốt cao, tâm trí không tỉnh táo nên mới gây ra hành động vô thức đó. Nhưng cô lại nghĩ xem ra trong suốt thời gian làm việc ở công ty, đó là lúc cô tỉnh táo nhất, hành động có ý thức nhất.

Song cô không thể chắc rằng đó có phải là hành động khôn ngoan đối với cuộc đời mình. Cô thất nghiệp. Cuộc sống từng được cô sắp xếp gọn gàng đột nhiên xáo trộn. Thay vì hốt hoảng, cô lại có cảm giác mới mẻ. Cô nằm dài trong nhà, giở qua giở lại cuốn sổ ghi những mục tiêu của cuộc đời mình và suy ngẫm. Cô tự hỏi có nên một lần làm việc gì đó mà không dự tính trước? Tựa như một trải nghiệm hay liều lĩnh?

Thay vì đi kiếm việc, Diệp Anh lang thang trên mạng và tình cờ đọc được một cuộc thi viết kịch bản. Cô lấy số tiền tiết kiệm, vốn định để năm 30 tuổi nếu vẫn còn độc thân thì đi du lịch một mình thuê nhà trọ rồi xách túi ra khỏi nhà với lí do đi công tác. Một tháng đó cô cặm cụi viết. Cô hoàn thành kịp hạn và hồi hộp chờ đợi kết quả.

Điều kì diệu ư? Chẳng có gì xảy ra. Cô thậm chí không giành được giải khuyến khích.

Diệp Anh chán nản rời khỏi căn phòng bừa bộn giấy rác và lật đật trở về nhà đi tìm việc. Đúng một tuần sau, khi cô được nhận vào một công ty tư nhân nhỏ thì một vị đạo diễn, cũng là người trong ban giám khảo cuộc thi viết kịch bản liên hệ với cô. Ông nói cô nên thử sức trong lĩnh vực viết kịch bản. Ông không chắc cô là một viên ngọc chưa được mài giũa hay chỉ là một hòn đá cuội nhưng dù gì cũng phải mài ra mới biết được. Thứ cô gửi tới cuộc thi chỉ là một mớ hỗn độn được viết tùy hứng nên nếu muốn trở thành nhà biên kịch, trước tiên cô phải học cách viết. Ông giới thiệu cô tới một khóa đào tạo biên kịch ngắn hạn.

Nhận được lời đề nghị đó, thay vì vui mừng, Diệp Anh đâm ra lo lắng. Cô không biết nên tiếp tục bước theo con đường định sẵn, dù chậm chạp hơn đôi chút hay ngừng việc sắp xếp cuộc đời mình và đi theo lựa chọn mới. Cuối cùng, cô quyết định xé bỏ cuốn sổ kế hoạch và để mặc cho mọi viêc diễn ra như đúng những gì nó phải thế. Cô nói rõ với bố mẹ ý định của mình và dùng số tiền còn lại để đóng học phí. Cô mất 2 ngày để thuyết phục bố cô và mất 2 tuần để thuyết phục mẹ cô. Tuy đã đồng ý nhưng bà luôn đay nghiến cô rằng đường quang không đi lại đâm đầu vào bụi rậm. Tuổi trẻ luôn xem ổn định là nhạt nhẽo vô vị, lao đi tìm kiếm điều mới lạ để rồi cuộc đời đầy những vết sẹo.

Diệp Anh không mảy may lung lay. Cô chưa từng vấp ngã, cũng chưa từng bị thương. Cơ thể cô đủ chỗ cho những vết sẹo đó.

2 lần một tuần, Diệp Anh đem bản thảo viết được tới cho ông đạo diễn đó xem. Thay vì thái độ điềm tĩnh ban đầu, ông trở nên gắt gỏng mỗi khi phải sửa và chữa lỗi kịch bản cho cô. Ông nói với cô những lời hết sức khó nghe nhưng cũng chỉ nhận lại thái độ lầm lì. Sau này, ông thường nói với các đồng nghiệp rằng cô là cô gái lì lợm nhất ông từng gặp nhưng cũng chính vì thế mà cô đã làm được ngay cả khi ông muốn bỏ cuộc với cô. Khi biết được, cô chỉ cười. Cô rất muốn nói với ông rằng cô không lì lợm đến vậy. Mỗi lần bị mắng, cô đều về nhà khóc một trận. Nhưng cô vừa khóc vừa ăn, vừa khóc vừa viết. Khóc không khiến cô ngừng làm việc. Mẹ cô từng nói cuộc sống là cuộc chiến, chiến đấu với tất cả mọi người và với chính mình. Nếu cô dừng lại, chắc chắn cô sẽ bị thương.

Cuối cùng, tác phẩm đầu tay của Diệp Anh đạt giải nhất trong một cuộc thi sáng tác quốc tế. Cô giành được một suất học bổng. Lên đường đi du học, cô rời khỏi những gì quen thuộc suốt 23 năm đầu đời mang theo ước mơ và hi vọng. Trong hành lí, cô có một chiếc tách vỡ được bọc cẩn thận bằng ni lông.

Tách cà phê định mệnh.

Phạm Đan Nguyên – 25 tuổi – Nhân viên thiết kế

Từ bé, mọi người thường nắm bàn tay Đan Nguyên rồi khen rằng tay con gái trắng mịn thon dài như vậy chắc chắn cuộc đời sau này sẽ an nhàn, hạnh phúc. Mẹ cô cũng tin như vậy.

Trái lại, bàn tay mẹ cô thô ráp khô cứng, cuộc đời luôn chịu nhiều vất vả, lận đận. Bố cô xây nhà cho người ta luôn lang bạt nay đây mai đó. Năm cô 6 tuổi, mẹ cô nói con gái lớn rồi phải dạy dỗ cẩn thận, không thể cứ sống như thế này mãi được. Nói là làm, mẹ cô thuê nhà và nhất quyết cùng cô ở lại thành phố. Hai tháng một lần, bố cô cùng đội thợ mới về nhà. Năm cô lên 8, bố cô suốt 6 tháng không về nhà. Mẹ cô dẫn cô tới tận nơi bố cô đang xây cất công trình. Lên tới nơi, mẹ cô nhìn thấy một cô gái trẻ đang làm cơm dưới bếp thì kêu cô ra cổng chờ. Chừng nửa tiếng sau, bà trở ra, dẫn cô về nhà. Từ đó, cô không gặp lại bố mình và cũng không được nhắc tới ông trước mặt mẹ cô.

Mẹ cô mở một quán ăn nhỏ gần nhà. Công việc làm ăn đương lúc thuận lợi thì có vài kẻ mặt mày bợm trợn chân tay xăm trổ tới đập phá đòi tiền. Họ nói bố cô nợ tiền họ rồi trốn mất. Mẹ cô đành bán cửa hàng trả tiền cho bọn chúng rồi dẫn cô tới nơi khác sống.

Mẹ cô đẩy xe đi bán ngô và sắn. Bán từ sáng sớm tới đêm, bán tới nỗi người bà gầy rộc chỉ còn da bọc xương. Khi cô lên 10 thì bà tái hôn với một tài xế taxi sống cùng khu trọ. Ngoài việc đã góa vợ và có một đứa con riêng, ông là người đàn ông tốt. Ông thương cô như con gái ruột và thậm chí còn quan tâm tới cô hơn mẹ cô. Ông giúp mẹ cô mở lại quán ăn. Hai người khó nhọc tối ngày cuối cùng cũng khấm khá hơn. Mẹ cô gửi cô tới trường tư, mong cô lớn lên có thể cưới được tấm chồng xứng đáng, sống cuộc sống an nhàn hưởng thụ. Mọi thứ bà muốn làm mà không làm được đều đặt cả vào cô.

Những ngày sống bên người đàn ông đó, mẹ cô rất hay cười, hay nói. Nhưng không may những ngày tháng ấy không dài, năm cô 13 tuổi thì dượng cô qua đời vì ung thư phổi. Mẹ cô nói số ông thật khổ, lại càng khổ hơn khi gặp mẹ con cô. Có lẽ vì tình nghĩa với ông, mẹ cô, dù đứa con riêng của ông có ngỗ nghịch thế nào, vẫn nhận nhịn nuôi dưỡng.

Nhìn những nếp nhăn ở khóe mắt mẹ, Đan Nguyên luôn nuốt vào trong những lời muốn nói. Cô muốn mặc những chiếc váy ngắn khoe đôi chân thon dài thay vì những chiếc váy dài như ở thập niên 70. Cô muốn cắt mái tóc dài chấm lưng để thử một kiểu đầu mới mẻ. Cô muốn thi vào khoa thiết kế thời trang thay vì sư phạm. Cô muốn trở thành người như cô muốn chứ không phải người như mẹ cô muốn.

Vì không nói ra được, cô đem viết hết vào một cuốn sổ tay. Tình cờ, một hôm, mẹ cô đọc được. Bà nói với cô: “Hãy làm những thứ này khi mẹ qua đời.” rồi đem đốt cuốn sổ. Cô không ngăn bà vì cô biết rút cuộc cuốn sổ đó để lại lâu ngày cũng chỉ bụi mờ như những bộ quần áo búp bê cô lén may rồi giấu dưới gầm giường.

Diệp Anh nói cô cứ bỏ ra ngoài sống theo ý mình rồi cũng tới lúc mẹ cô phải chiều theo ý cô, có cha mẹ nào thắng nổi con cái. Nhưng cái cô muốn không phải là thắng bà, càng không phải làm cho bà đau lòng. Cô muốn kiên nhẫn chờ tới lúc bà hiểu ra điều gì mới là tốt cho cô.

Hoàng Linh An – 25 tuổi – Nghệ sĩ piano

Bố mẹ Linh An đều là nghệ sĩ piano. Mọi người nói vì thế mà cô bẩm sinh đã có tài, lớn lên nhất định sẽ trở thành nghệ sĩ piano tài năng. Đó là chuyện sau này còn khi 6 tuổi, cô căm ghét piano vô cùng. Trong khi bạn bè được ra ngoài chơi thì cô phải ngồi hàng giờ bên cây đàn vô tri luyện tập đến co rút cả bàn tay. Cô thậm chí đã làm bị thương các ngón tay của mình để không phải chơi đàn nữa. Thời gian trôi qua, cuối cùng cô cũng học được cách hòa hợp với cây đàn đó. Cả hai từ thù thành bạn và trở nên gắn kết hơn bao giờ hết. Cuộc sống của cô nhanh chóng không thể thiếu được tiếng đàn.

Thành danh ở tuổi 20 qua một cuộc thi dành cho các nghệ sĩ piano trẻ tuổi, Linh An lần lượt xuất hiện trên các mặt báo và sự kiện. Không nhiều nhưng cũng đủ để khi qua đường ở ngã ba, ngã tư hay ở siêu thị, vài người nhìn chằm chằm vào cô rồi chỉ trỏ.

Đó cũng là lúc cô gặp gỡ mối tình đầu. Anh ta là nhạc sĩ và hơn cô 7 tuổi. Hai người gắn kết qua âm nhạc và đam mê nhau như đam mê âm nhạc. Bất ngờ, một lần đang ở trong quán ăn với các bạn, cô bị một phụ nữ đứng tuổi hắt nước rồi bạt tai. Như tiếng sét giữa trời quang, chưa kịp hiểu ra sự tình, chị ta đã xông vào giật tóc cô, gào thét rằng cô giật chồng của chị ta. Tuy cuối cùng ở đồn công an, chị ta nói là đã nhận lầm người nhưng sự việc vẫn bị báo chí đưa tin. Khi viết ra bằng giấy trắng mực đen, đột nhiên dư luận lại lái thông tin theo hướng “không có lửa làm sao có khói”, rằng cô lấy tiền bịt miệng, rằng xinh đẹp tài năng chỉ là cái vỏ, lẳng lơ mới là bản chất. Người ta nói đủ thứ xung quanh cô tới nỗi mẹ cô phải đem giấu cả máy tính và điện thoại đi để ngăn cô đọc những lời bình luận ác ý đó.

Sự nghiệp vừa mới khởi sắc đã bị điều tiếng làm cho chao đảo. Linh An không dám xuất hiện trên truyền hình hay ở các buổi biểu diễn lớn. Sau này, cô phát hiện việc đó là do người yêu cũ của bạn trai cô làm ra. Cô ta cho rằng vì Linh An dùng sắc đẹp quyến rũ nên anh ta mới bỏ rơi cô ta. Nhưng điều tồi tệ hơn là sau khi cô gặp sự cố, anh ta lại lừa dối cô và quay lại bên cô ta.

Linh An suy sụp một thời gian. Cô từ bỏ sân khấu nhưng không từ bỏ piano. Cô nhận dạy đàn ở một trung tâm dành cho trẻ em và mỗi tối lại tới đàn ở một nhà hàng kiểu Pháp mà bà chủ trước đây từng rất hâm mộ tiếng đàn của bố mẹ cô.

Phạm Khải Hưng – 27 tuổi – Bác sĩ tâm lí

Mọi người thường nói hổ phụ sinh hổ tử nhưng thành ngữ này xem ra chẳng vận vào Khải Hưng. Anh sinh ra đã đen nhẻm, gầy gò như một con khỉ con ốm yếu. Tính tình lại rụt rè, ít nói. Vì thế lúc nhỏ hầu như anh chẳng có nổi một người bạn. Nhưng anh không cảm thấy cô đơn vì thế giới của anh chỉ cần có mẹ. Bà là người rất vui tính, lạc quan. Bà đi nhiều nơi, biết nhiều điều và luôn có những câu chuyện hấp dẫn để kể cho anh mỗi tối.

Bà nói đợi anh lớn rồi, hai người sẽ cùng đi du lịch khắp nơi. Thích thú vô cùng.

Nhưng Khải Hưng chưa kịp lớn, mẹ anh đã qua đời. Sự qua đời đột ngột của bà là một cú sốc với anh. Anh càng hụt hẫng hơn khi chưa đầy một năm sau bố anh đã dẫn về một người phụ nữ khác cùng một đứa trẻ tầm 4, 5 tuổi rồi bắt anh gọi một người là mẹ, một người là em. Gia đình anh chuyển tới nơi khác. Đồ đạc của mẹ anh cũng bị tống vào kho hoặc đem bỏ. Khải Hưng cảm thấy mình như thứ dư thừa. Không ai nhìn thấy hay nghe thấy anh. Anh càng lúc càng trở nên lầm lì.

Khi bước vào tuổi dậy thì, Khải Hưng nhận thấy điều kì lạ. Mọi người dừng lại lâu hơn khi nhìn anh. Ánh nhìn cũng tò mò hơn. Đặc biệt là người khác phái. Vì anh hấp dẫn. Anh vẫn đen nhưng giờ xương đã được bọc bởi cơ. Anh cao hơn nhiều và gương mặt trở nên góc cạnh. Nhờ vẻ bề ngoài không tuấn tú nhưng quyến rũ, anh trở thành tình đầu của tất cả các cô gái anh từng gặp.

Khải Hưng thấy mình được nhìn thấy. Anh tự tin thoát khỏi thế giới khép kín và cô độc để bước vào một nơi xô bồ và náo nhiệt bằng những cuộc tình chóng vánh. Anh là của tất cả mọi người và chẳng của riêng ai. Anh tự do.

Nghiêm Quốc Dũng – 32 tuổi – Giám đốc công ty tổ chức hôn lễ

Bố mẹ Quốc Dũng qua đời khi anh vừa lên bốn. Anh về ở với ngoại. Vùng quê nghèo cùng với cuộc sống khó khắn khiến anh nuôi quyết tâm học thành tài. Nhưng tới lúc anh nhận được giấy báo đỗ đại học, ngoại anh cũng qua đời sau một cơn tai biến. Anh vừa đi học vừa phải làm thêm ở công trường để đủ tiền trang trải. Anh chưa bao giờ thấy hạnh phúc cho tới khi gặp cô ấy.

Sau khi tốt nghiệp, Quốc Dũng được giữ lại trường làm giảng viên. Cô ấy là sinh viên trong lớp anh phụ trách. Cô ấy học giỏi, tính tình trầm lặng, ít nói. Một lần anh bị tai nạn, cô ấy thay mặt cả lớp tới thăm anh. Lúc ra về, còn để lại một bức thư. Ban đầu, anh nghĩ là thư của cả lớp hỏi thăm mình nhưng kì thực, đó là thư của cô ấy. Cô ấy ghi vào đó tất cả suy nghĩ của mình trong suốt 4 năm học cùng anh và nói cô ấy cũng sắp tốt nghiệp rồi, liệu anh có thể không coi cô ấy là sinh viên của anh nữa mà coi là một người phụ nữ được không. Anh rất ngạc nhiên và lo lắng. Sau đó, anh tỏ thái độ cương nghị, phân định ranh giới thầy trò với cô. Hai người cứ như thế cho tới khi cô ấy tốt nghiệp ra trường. Anh thở phào vì nghĩ đó chẳng qua là tình cảm bồng bột của tuổi trẻ. Không ngờ, nửa năm sau cô ấy quay lại và trở thành đồng nghiệp của anh.

Cô ấy nói giờ cô ấy đã đủ tư cách để theo đuổi anh. Anh không biết nên tiến hay nên lùi. Lưỡng lự một thời gian cuối cùng cũng tiến tới bên cô ấy, lúc nào không biết. Hai người chính thức hẹn hò. Gia đình cô ấy biết chuyện thì nổi trận lôi đình, cương quyết bắt hai người chia tay. Kết cục, cô ấy từ bỏ vị trí con gái duy nhất của một gia đình khá giả để kết hôn với anh. Hai người khởi đầu khó khăn trong một phòng trọ 9m2 nhưng cô ấy lúc nào cũng nói mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời. Rồi cô ấy mang thai, họ hồi hộp chờ đón đứa con đầu lòng. Không ngờ, con trai vừa chào đời, anh đã mất cô ấy. Mẹ cô ấy tìm tới bệnh viện đánh mắng anh. Bà nói anh chính là kẻ đã giết con gái bà.

Anh đứng im để bà đánh, vì anh nghĩ bà nói đúng. Suốt 2 tháng trời, đầu óc anh trống rỗng. Anh không ôm ấp cũng không chăm bẵm đứa trẻ đang òa khóc trên giường. Anh cảm thấy xa lạ với nó. Bà chủ nhà trọ không có con, thấy thế thì xót xa, bèn chăm hộ thằng bé.

Một lần tìm áo khoác, Quốc Dũng tình cờ tìm thấy hai chiếc áo len vợ anh đan trước khi qua đời. Một màu nâu nhạt cho anh. Một màu cam hồng cho đứa trẻ. Anh tiến lại gần rồi mặc cho nó. Nó đột nhiên cười khanh khách. Tiếng cười của nó làm anh nhớ tới cô ấy khi nghĩ tên ở nhà để đặt cho con. Mắt anh mờ đi. Cổ họng anh nghẹn đắng. Anh ôm thằng bé vào lòng và tự hỏi mình đã làm gì với tình yêu và sinh mạng của cô ấy thế này.

Từ đó, anh chuyên tâm làm việc. Anh tìm việc khác để có thu nhập cao hơn. Anh muốn cho con trai mình mọi thứ tốt nhất. Anh lên làm trưởng phòng rồi giám đốc. Anh và con trai chuyển tới sống ở một căn hộ rộng rãi và cao cấp hơn.

Nhưng khi tiền không còn là vấn đề thì con trai anh lại trở thành vấn đề lớn. Thằng bé rất nghịch ngợm và bướng bỉnh. Ở công ty anh được kính trọng bao nhiêu thì anh lại trở nên nhỏ bé bấy nhiêu khi bước qua cánh cổng trường tiểu học của con trai mình. Anh thường xuyên bị gọi tới và ngồi đối diện với các phụ huynh mà con cái họ đều bị con trai anh trêu chọc, thậm chí bắt nạt.

Mỗi lần như thế, anh đều nổi giận và hét lên với thằng bé: “Bố phải làm gì với con hả?” Thằng bé điềm tĩnh trả lời: “Không gì cả. Con sẽ giải quyết mọi việc.” Quả vậy, tất cả những người mới hôm trước còn nhìn thằng bé chằm chằm và nằng nặc đòi đuổi học nó, hôm sau thái độ đã mềm mỏng và bỏ qua mọi chuyện. Cuối cùng anh phát hiện, lần nào thằng bé cũng lôi chuyện “không có mẹ” ra để “giải quyết mọi việc”. Anh lại một lần nữa nổi giận và hét lên với thằng bé: “Mẹ sẽ nói gì khi biết con làm thế?” Thằng bé điềm tĩnh trả lời: “Con đã bao giờ có mẹ đâu mà con biết.”

Thằng bé càng lúc càng trở nên ngỗ nghịch và khó nói chuyện. Thành tích học tập luôn chấp chới giữa trung bình và kém. Gia sư thuê về đều không chịu được quá hai ngày. Anh lại hét lên với thằng bé: “Giờ con muốn gì đây?” Thằng bé nói: “Con muốn mẹ”. Vậy là cuộc trao đổi được thực hiện, thằng bé chấp nhận sẽ ngoan hơn còn anh chấp nhận đi tìm mẹ cho con trai mình.

Quốc Dũng chưa từng nghĩ sẽ quên vợ mình và đi bước nữa. Thời gian qua đi, trái tim anh chai sạn. Làm việc và bận rộn làm bố khiến anh không còn biết rung động. Nhưng ở tuổi anh, người đàn ông không cần tới rung động để kết hôn. Họ sẽ kết hôn khi có một lí do hợp lí. Và còn gì chính đáng hơn khi đó là tương lai của con trai anh, một đứa trẻ cần sự uốn nắn của người mẹ.

Đặng Nhật Minh – 30 tuổi – Nhân viên phục vụ

Gia đình Nhật Minh rất giàu có. Giàu từ đời này qua đời khác. Vì thế việc lựa chọn con dâu cũng hết sức khắt khe, cẩn thận. Bà nội rất ưng mẹ anh cả về ngoại hình lẫn gia thế. Nhưng sau khi phát hiện mẹ anh bị vô sinh, thái độ của bà hoàn toàn thay đổi. Bà lặng lẽ đưa một người phụ nữ nói là họ hàng xa về giúp việc trong gia đình, kì thực là giúp bà anh có cháu bế. Anh sinh ra thì mẹ ruột của anh qua đời vì băng huyết. Người mẹ duy nhất anh biết là mẹ nuôi của anh.

Bà là người phụ nữ ít nói cũng hết sức nhẫn nhịn. Bà chăm sóc anh chu đáo dưới sự giám sát của bà nội anh. Hễ anh bị ngã, điều hết sức bình thường ở những đứa trẻ khác, thì bà nội anh đều đay nghiến: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Mẹ anh vì thế mà không gần gũi anh, thậm chí đối xử với anh chừng mực như khách. Bố anh vì trong nhà căng thẳng lấy lí do công việc thường xuyên không về. Suốt tuổi thơ, anh cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Lên cấp 3, bà nội gửi Nhật Minh qua Mỹ học. Anh sống cuộc sống phóng túng và chỉ trở về khi nghe tin bà qua đời. Bà để lại cho anh toàn bộ tài sản. Anh như chim được chắp thêm cánh nhanh chóng dọn ra ngoài sống. Chỉ trong hai năm, anh đã tiêu sạch số tiền cả đời bà vất vả tích góp, thậm chí còn gây thù chuộc oán với không ít kẻ.

Như giấc mơ, tỉnh dậy, hết tiền thì bạn bè nhà cửa cũng mất luôn. Không thể trở về nhà, anh bỏ tới nơi không ai biết anh là ai để bắt đầu lại.

Anh sống lặng lẽ và cẩn trọng hơn.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương