Suốt một tuần lễ rưỡi kế đó hình như chỉ có hai nhân vật trong đời tôi: Brenda và cậu bé da màu yêu Gauguin. Mỗi sáng trước khi thư viện mở cửa, cậu bé đã chờ sẵn; có khi cậu nhảy lên ngồi trên lưng con sư tử, có khi chui dưới bụng nó, có khi cậu chỉ đứng đâu đó chọi những viên sỏi vào mái bờm sư tử. Rồi cậu sẽ vào trong, đi lộp cộp ở sảnh chính cho đến khi Otto trừng mắt khiến cậu phải nhón gót lên, và sau cùng leo hết cái cầu thang đá hoa dẫn tới Tahiti của cậu. Không phải lúc nào cậu cũng ở tới tận trưa, nhưng một ngày rất nóng nực nọ cậu đã ở đó khi tôi đến vào buổi sáng và theo tôi bước ra khỏi cửa khi tôi ra về vào buổi tối. Sáng hôm sau, té ra, cậu không ló mặt tới, và cứ như để thế chỗ cậu, một ông rất già xuất hiện, da trắng, bốc mùi thuốc Life Savers, mũi và quai hàm ông ta lộ rõ những mạch máu dưới da. "Cậu chỉ giùm khu sách nghệ thuật được không?"

"Dãy Ba," tôi nói.

Vài phút sau, ông ta trở lại với một cuốn sách lớn bìa nâu trong tay. Oâng ta đặt nó lên bàn của tôi, rút tấm thẻ thư viện trong một cái ví dài lâu nay chẳng còn đựng tiền bạc gì và chờ tôi đóng dấu cho mượn.

"Ông muốn mượn cuốn này về à?" tôi hỏi.

Ông ta mỉm cười.

Tôi cầm thẻ của ông ta và nhét phần mép bọc kim loại vào máy đóng dấu, nhưng tôi không dập máy. "Khoan đã," tôi nói. Rồi lấy ra một xấp hồ sơ dưới hộc bàn và làm bộ lật lật vài trang, trên đó chỉ vẽ mấy trò chơi bắn tàu và cờ ca rô tôi vẫn chơi một mình trong tuần. "Tôi e rằng nó bị giữ trước rồi."

"Tức là sao?"

"Giữ trước. Có người gọi tới và yêu cầu chúng tôi giữ cuốn này cho họ. Hay để tôi ghi tên và địa chỉ của ông và gửi phiếu khi nó được trả về..."

Và thế là tôi có thể đưa cuốn sách về chỗ của nó, tuy cũng phải đỏ mặt một hai phát. Sau đó khi cậu bé da đen xuất hiện, nó đã nằm nguyên ở chỗ cậu bỏ lại vào chiều hôm trước.

Còn về Brenda, tôi gặp nàng mỗi tối và khi không có trận đấu đêm nào khiến ông Patimkin phải thức coi trong phòng tivi, hoặc một sòng bài nào đó lôi bà Patimkin ra khỏi nhà và chỉ về nhà vào những giờ không đoán trước được, thì chúng tôi làm tình trước màn hình tivi câm lặng. Một tối trời thấp nóng ẩm nọ Brenda rủ tôi đi bơi ở câu lạc bộ. Chỉ có hai chúng tôi ở hồ, và tất cả những ghế gổng, đèn đóm, bạt dù, ván nhảy cầu và ngay cả mặt nước hình như tồn tại chỉ để chúng tôi vui thôi. Nàng mặc một bộ đồ xanh dương mà dưới ánh đèn trông cứ như tím và khi ở dưới nước nó ánh lên lúc thì màu xanh lá cây lúc thì đen. Về khuya một cơn gió nhẹ từ sân golf thổi lên và chúng tôi cuộn chung một tấm khăn tắm lớn, kéo hai cái ghế dài lại cạnh nhau, và mặc kệ tay đứng quầy rượu cứ đi đi lại lại suốt bên cửa sổ quán bar nhìn ra hồ, chúng tôi vẫn cứ nằm bên nhau trên ghế. Sau cùng ngọn đèn trong quán cũng tắt, và rồi, tách một tiếng, những đèn quanh hồ cũng tắt luôn. Tim tôi chắc là đập nhanh hơn, hay cái gì đó, vì Brenda hình như đoán ra nỗi e dè đột nhiên của tôi – mình phải về thôi, tôi nghĩ.

Nàng nói: "Thế được đấy."

Chung quanh tối mò, bầu trời thấp và không ánh sao, phải mất một lúc tôi mới nhìn rõ được tấm ván nhảy hơi sáng hơn trời đêm, và phân biệt được mặt nước với những ghế gổng xếp quanh mé bên kia hồ.

Tôi kéo quai áo tắm của nàng xuống nhưng nàng bảo đừng và lăn cách khỏi tôi vài phân, và lần đầu tiên trong hai tuần qua tôi thấy nàng hỏi một câu về đời riêng của tôi.

"Bố mẹ anh đâu?" nàng hỏi.

"Ở Tuscon," tôi nói. "Sao vậy?"

"Mẹ em hỏi em."

Bây giờ tôi nhìn rõ được cái ghế của nhân viên cứu hộ, gần như trắng.

"Vậy sao anh ở đây? Sao anh không sống với bố mẹ?" nàng hỏi.

"Anh không còn đứa trẻ nữa, Brenda," tôi nói, gắt gỏng hơn tôi dự định. "Anh đâu phải tò tò theo bố mẹ đi bất cứ đâu."

"Nhưng sao anh sống với chú dì anh?"

"Họ đâu phải bố mẹ anh."

"Họ tốt hơn à?"

"Không. Tệ hơn. Anh cũng không biết sao anh lại sống với họ."

"Tại sao?" nàng hỏi.

"Tại sao anh không biết à?"

"Tại sao anh sống với họ? Anh biết mà, phải không?"

"Chắc do công việc. Sống ở đó tiện hơn, lại đỡ tốn nữa, và nó làm bố mẹ anh yên tâm. Thực ra bà dì của anh cũng tốt... Anh có phải giải thích cho mẹ em lý do anh sống ở chỗ hiện nay không?"

"Cái này không phải cho mẹ em. Chính em muốn biết kìa. Em tự hỏi sao anh không sống với bố mẹ, vậy thôi."

"Em lạnh không?" tôi hỏi.

"Không."

"Em muốn về chưa?"

"Chưa, trừ khi anh muốn. Anh không thấy thoải mái sao, Neil?"

"Anh ổn chứ," và để nàng biết tôi vẫn bình thường, tôi kéo nàng sát vào người, tuy lúc đó tôi chẳng có chút thèm muốn nào.

"Neil?"

"Cái gì?"

"Công việc thư viện ra sao?"

"Ai muốn biết điều này đây?"

"Bố em," nàng bật cười.

"Còn em?"

Nàng im lặng không trả lời một lát. Mãi nàng mới nói, "Cả em nữa."

"Được, muốn biết chuyện gì? Anh có thích nó không hả? Nó tốt thôi. Anh đã từng đứng bán giày và thấy thích làm thư viện hơn. Sau khi xuất ngũ bố mẹ cho anh làm thử ít tháng ở công ty địa ốc của Chú Aaron – bố của Doris đó – và anh thấy thích làm thư viện hơn..."

"Sao anh xin được việc ở đó?

"Anh có làm ở đó một thời gian khi còn ở đại học, rồi khi anh bỏ chỗ làm với chú Aaron, ồ, anh chẳng biết nữa..."

"Ở đại học anh học gì?"

"Ở cơ sở Newark của Đại học Rutgers anh theo khoa triết. Lúc đó anh hăm ba tuổi. Anh..."

"Sao anh lại ăn nói khó chịu nữa rồi?"

"Vậy sao?"

"Ừ."

Tôi chẳng nói xin lỗi quái gì cả.

"Anh có kế hoạch sống luôn với nghề thư viện không?"

"Bren, anh chẳng kế hoạch gì cả. Anh đã chẳng kế hoạch cái gì trong ba năm rồi. Ít nhất là trong năm anh vừa xuất ngũ. Hồi trong lính anh thừơng có kế hoạch đi chơi cuối tuần. Anh... anh không phải nhà kế hoạch." Sau tất cả những sự thật tôi đã bất ngờ cho nàng hay, hẳn tôi đã phá hủy sạch mọi thứ của mình bằng lời nói dối sau cùng đó. Tôi thêm, "Anh là kẻ sống."

"Còn em là kẻ chín," nàng nói.(#1)

Rồi nàng dẹp trò nói giỡn ngốc nghếch sang một bên; nàng muốn nghiêm túc.

"Anh có yêu em không, Neil?"

Tôi không đáp.

"Em sẽ ngủ với anh dù anh có yêu hay không, nên cứ nói thật với em đi."

"Như thế hơi thô đấy."

"Đừng thối tha thế," nàng nói.

"Không, ý anh là nói về mình thì thô quá."

"Em không hiểu," nàng nói, và nàng không hiểu thật, và việc nàng không hiểu khiến tôi đau; tuy nhiên tôi vẫn tự cho mình một cái cớ vớ vẩn để bỏ qua sự thiếu tinh tế của nàng. "Anh có yêu không?"

"Không."

"Em muốn anh yêu."

"Thế còn thư viện?"

"Thư viện thì sao?"

Lại thiếu tinh tế nữa phải không? Tôi nghĩ rằng không – và nó không thật, vì Brenda nói, "Khi anh yêu em thì chẳng có gì phải ưu tư cả."

"Thế thì dĩ nhiên anh sẽ yêu em." Tôi mỉm cười.

"Em biết anh sẽ yêu," nàng nói. "Sao anh không xuống bơi, và em sẽ nhắm mắt lại đợi anh, rồi khi trở lại anh sẽ ướt mem làm em ngạc nhiên. Đi đi."

"Em thích chơi trò chơi phải không?"

"Đi đi. Em sẽ nhắm mắt lại."

Tôi bước tới mép hồ và phóng xuống. Nước coi bộ lạnh hơn hồi nãy, và khi tôi lao vào và mù lòa chúi xuống sâu tôi chợt thấy hơi hoảng. Trồi trở lên, tôi bắt đầu bơi dọc hồ và đến cuối hồ thì lộn người bơi trở lại, nhưng đột nhiên tôi cảm thấy chắc rằng khi tôi rời khỏi hồ thì Brenda đã đi mất. Tôi sẽ trơ trọi một mình ở cái chỗ thổ tả này. Tôi bơi về mép hồ rồi bò lên và chạy tới chỗ mấy cái ghế, Brenda vẫn còn đó và tôi hôn nàng.

"Trời," nàng run lên, "anh bơi có chút xíu à."

"Anh biết."

"Đến lượt em," nàng nói, và rồi nàng đứng dậy và một giây sau tôi tiếng nước toé lên rồi chấm hết. Không nghe thấy gì cả hồi lâu.

"Bren," tôi gọi khe khẽ, "em ổn không?" nhưng chẳng ai trả lời.

Tôi thấy mắt kiếng của nàng trên ghế cạnh tôi và cầm nó trong tay. "Brenda?"

Im re.

"Brenda?"

"Gọi hoài thì đâu có công bằng," nàng nói và ngả thân hình ướt mem vào tôi. "Tới lượt anh," nàng nói.

Lần này tôi lặn dưới nước một hồi lâu và khi trồi lên buồng phổi tôi muốn nổ tung. Tôi hất đầu ra sau để hít hơi và thấy bầu trời trên đầu, thấp tè như một bàn tay đang đè xuống, và tôi bắt đầu bơi như muốn thoát khỏi áp lực của nó. Tôi muốn trở lại với Brenda, vì tôi lại thấy lo âu – và chẳng có bằng chứng nào, phải không? – cho biết rằng nếu tôi bỏ đi quá lâu thì nàng sẽ không còn ở đó khi tôi trở lại. Tôi nghĩ phải chi mình cầm cái kiếng của nàng theo, để nàng phải chờ tôi đưa nàng về. Tôi biết mình đang có những ý nghĩ điên khùng, nhưng chúng vẫn có vẻ tất yếu trong cái cõi tối đen và xa lạ ở đây. Ôi tôi muốn từ dưới hồ này gọi tên nàng quá, nhưng tôi biết nàng sẽ không đáp và tôi cố ép mình bơi suốt hồ lần thứ ba, rồi lần thứ tư, nhưng bơi nửa chừng tua thứ năm thì tôi lại cảm thấy nỗi lo sợ quái gở đó, thoáng có ý nghĩ rằng chính mình sẽ tiêu ma, nên khi trở lại tôi đã ôm nàng cứng ngắc hơn cả mức hai đứa trông đợi.

"Buông ra nào," nàng bật cười, "tới lượt em..."

"Nhưng Brenda..."

Nhưng nàng đã biến đi và lần này cứ như nàng không bao giờ trở lại. Tôi ngồi đó và đợi cho mặt trời tỏa sáng trên lỗ golf thứ chín, cầu mong nó sớm mọc cứ như chỉ vì thèm ánh sáng của nó, và sau cùng khi Brenda trở lại tôi sẽ không cho nàng bỏ đi nữa, và cái ướt lạnh của nàng đã ít nhiều bò qua tôi và khiến tôi rùng mình. "Vậy thôi. Brenda. Đừng chơi nữa mà," tôi nói, và rồi khi lập lại tôi đã ôm nàng thật chặt đến mức như chìm hẳn vào người nàng, "Anh yêu em," tôi nói, "Thật đó."

* * *

Thế là mùa hè tiếp tục. Tôi gặp Brenda mỗi đêm: chúng tôi đi bơi, đi dạo, lái xe đi chơi, lên núi xa và lâu đến độ khi quay về sương mù đã tụ trên cây và tràn vào lòng đường, và tôi phải nắm chặt tay lái còn Brenda phải đeo kiếng vào để canh đường sơn trắng giữa lộ cho tôi. Và chúng tôi ăn – một vài tối sau khi tôi khám phá ra cái tủ lạnh thì chính Brenda dẫn tôi vào đó. Chúng tôi lấy từng tô đầy nhóc anh đào, và trên những đĩa để dọn món bò nướng chúng tôi chất ú hụ những lát dưa hấu. Rồi chúng tôi đứng dậy theo cửa sau của tầng hầm để ra bãi cỏ sau nhà rồi ngồi dưới gốc cây dụng cụ thể thao, ở đó nguồn ánh sáng duy nhất cho chúng tôi là từ phòng tivi. Có những lúc lâu âm thanh duy nhất chúng tôi nghe được là tiếng hai đứa phun hột trái cây. "Ước gì qua đêm là chúng mọc thành cây để đến sáng là có cả đống dưa hấu với anh đào."

"Nếu chúng mọc được ở sân này, cưng, thì người ta đã trồng tủ lạnh với tủ đá Westinghouse Preferred rồi. Anh không định khó ưa đâu," tôi vội vàng nói thêm, và Brenda sẽ cười, rồi nói nàng thích mận lục, tôi sẽ biến xuống tầng hầm và tô anh đào biến thành tô mận lục, rồi tới một tô xuân đào, rồi tới một tô đào, cho đến khi, cái này nói thật, tôi no muốn bể bụng, và chắc nguyên một tối hôm sau phải rầu rĩ nhịn không uống gì cả. Chúng tôi cũng ra ngoài để ăn sandwich bò muối, pizza, bia với tôm, soda kem và hamburger. Một tối nọ chúng tôi đi hội chợ của Câu lạc bộ Lions và Brenda thắng được một cái gạt tàn nhờ ném bóng vào rổ ba cú liên tiếp. Và khi Ron từ Milwaukee trở về thỉnh thoảng chúng tôi lại đi xem anh ta chơi bóng rổ trong giải mùa hè cho dân bán chuyên nghiệp, và chính trong những tối đó tôi thấy mình là kẻ xa lạ với Brenda, vì nàng biết tên mọi đấu thủ, và tuy phần lớn bọn họ thì xoàng và chân tay lóng ngóng, nhưng có một tay tên Luther Ferrari thì không, đó là anh chàng Brenda đã hẹn hò trong suốt một năm hồi trung học. Hắn là bạn thân nhất của Ron và tôi nhớ được tên hắn từng xuất hiện trên tờ Newark News: hắn là một trong những anh em nhà Ferrari lừng danh, tất cả bọn họ đều chơi ít nhất hai môn thể thao. Chính Ferrari là người gọi Brenda là Buck, một biệt danh chắc là có từ thời nàng giành được mấy sợi băng vải. Giống Ron, Ferrari lễ phép thái quá, làm như đó là chứng bệnh của những đứa cao hơn một mét chín; hắn cực kỳ lịch sự với tôi và lịch lãm với Brenda, và sau một thời gian là tôi bàn ra ngay mỗi khi có đề nghị đi xem Ron chơi bóng. Và rồi một đêm chúng tôi khám phá ra rằng cứ mười một giờ là người bán vé rạp hát Hilltop ra về còn ông chủ rạp thì biến vào văn phòng, nên mùa hè đó chúng tôi xem được đoạn cuối của ít nhất là mười lăm bộ phim, và khi lái xe về nhà – tức là, về nhà Brenda – chúng tôi sẽ cố dựng lại đoạn đầu bộ phim. Đoạn sau tụi tôi thích nhất là của phim Ma and Pa Kettle in the City, trái cây tụi tôi thích nhất, mận lục, và người tụi tôi thích nhất, duy nhất thích, là đứa này đối với đứa kia. Dĩ nhiên thỉnh thoảng tụi tôi cũng gặp người này người nọ, một số bạn là của Brenda, và thảng hoặc, một hai người bạn của tôi. Một đêm tháng Tám kia chúng tôi còn vào một quán rượu nằm tuốt ở đường số 6 cùng với Laura Simpson Stolowitch và anh chồng chưa cưới của cô ta nữa, nhưng đó là một buổi tối mắc mửa. Brenda với tôi hình như không có nghề nói chuyện với người khác, cho nên chúng tôi cứ khiêu vũ suốt, nhờ đó mà nhận ra chúng tôi chưa từng làm chuyện này với nhau. Anh bồ ruột của Laura uống cocktail một cách nặng phần trình diễn còn Simp – Brenda muốn tôi gọi cô ta là Stolo nhưng tôi không chịu – Simp uống một thứ pha trộn làng nhàng những thứ như bia gừng với soda. Mỗi khi bọn tôi trở lại bàn là lại nghe Simp nói về "buổi khiêu vũ" còn bạn trai cô nói về "bộ phim" cho đến khi sau cùng Brenda phải hỏi "Phim nào?" và rồi chúng tôi khiêu vũ cho đến giờ đóng cửa. Và khi về tới nhà Brenda tụi tôi lấy đầy một tô anh đào mang vào phòng tivi và ăn lép nhép một hồi; và sau đó, trên trường kỷ, hai đứa yêu nhau và khi tôi đi từ căn phòng tối đèn vào phòng tắm tôi luôn cảm hấy chân mình dẫm phải hột anh đào. Về đến nhà, cởi quần áo lần thứ nhì đêm đó, tôi còn thấy những vết ửng đỏ dưới gan bàn chân mình.

Còn bố mẹ nàng nghĩ sao về chuyện này? Bà Patimkin tiếp tục mỉm cười với tôi còn ông Patimkin cứ nghĩ tôi ăn như chim. Khi được mời tới ăn tối, tôi thường, vì muốn tốt cho ông, cố ăn gấp đôi những món tôi thích, nhưng sự thực có vẻ là sau khi ông xếp loại khả năng ăn uống của tôi lần đầu thì ông chẳng bao giờ thèm xem xét lại. Tôi có thể ăn gấp mười lần lượng bình thường của mình, hay sau cùng tử vong vì thức ăn, thì ông vẫn xem tôi chẳng phải đàn ông mà chỉ là một con én. Không ai có vẻ rầu vì sự có mặt của tôi, tuy Julie có lạnh nhạt đáng kể; sau cùng, khi Brenda đề nghị với bố nàng rằng cuối tháng Tám tôi sẽ tới chơi một tuần ở nhà nàng, ông ta ngẫm nghĩ một lát, chọn cây gậy golf số năm, quất phát khởi đầu, rồi nói "Được." Và khi nàng thông báo lại với mẹ nàng về quyết định của ông Bồn Tắm Patimkin, thì bà Patimkin chẳng còn làm gì được. Nên, nhờ sự dàn xếp của Brenda, tôi đã được mời.

Vào sáng thứ Sáu đó, vốn là ngày làm việc cuối trong tuần, dì Gladys thấy tôi chuẩn bị hành lý và bà hỏi tôi tính đi đâu. Tôi nói bà nghe. Bà không nói gì và tôi thấy có gì kỳ kỳ trong đôi mắt hoảng loạn viền đỏ đó – tôi đã thay đổi nhiều kể từ ngày bà nói "Ly kỳ." với tôi qua điện thoại.

"Mày đi bao lâu, tao phải biết để tính chuyện đi chợ tao sẽ không mua quá nhiều. Mày cứ để lại cho tao đầy một tủ lạnh sữa nó sẽ chua lên rồi ám mùi cả cái tủ..."

"Một tuần," tôi nói.

"Một tuần à?" bà hỏi. "Người ta có phòng cho cả tuần sao?"

"Dì Gladys, họ đâu có sống bên trên một cửa hàng."

"Tao sống bên trên cửa hàng tao không mắc cở. Tạ ơn Chúa là mình luôn có một mái nhà. Nhà tao chưa bao giờ phải đi xin ngoài đường," bà nói trong khi tôi nhét vào bị cái quần Bermuda mới mua, "Susan em mày tụi tao cũng cho đi học đại học được, Chú Max phải sống và khoẻ mạnh. Tụi tao đâu có tống nó đi trại hè trong tháng Tám, nó không có được giày dép ngay khi nó muốn, không có một ngăn tủ đầy áo cổ lọ..."

"Con có nói gì đâu, dì Gladys."

"Ở đây mày không có đủ cái ăn hả? Có khi mày bỏ mứa tao có chỉ cho chú Max mày xem thiệt là xấu hổ. Một đứa nhỏ châu Âu có thể lấy mớ mày bỏ mứa làm thành một bữa ăn bốn món đó."

"Dì Gladys." Tôi bước đến chỗ bà. "Ở đây con có mọi thứ cần thiết. Con chỉ đi nghỉ một chuyến thôi. Con không đáng hưởng một kỳ nghỉ sao?"

Bà ôm lấy tôi và tôi thấy người bà run run. "Tao đã nói với mẹ mày tao sẽ chăm sóc Neil của bà ấy bà ấy đừng lo. Mà bây giờ mày bỏ đi..."

Tôi vòng tay ôm và hôn lên đỉnh đầu bà. "Kìa, Dì." Tôi nói, "Dì đừng có kỳ như thế. Con đâu có bỏ đi. Con chỉ đi chơi một tuần, đi nghỉ thôi mà."

"Mày để lại số điện thoại cầu Chúa đừng để mày bệnh hoạn."

"Được rồi."

"Họ sống ở Millburn hả?"

"Short Hills. Con sẽ để lại số điện thoại."

"Dân Do Thái đến sống ở Short Hills từ hồi nào vậy? Họ không phải Do Thái thứ thiệt tin tao đi."

"Họ Do Thái thiệt mà." Tôi nói.

"Chừng nào tao thấy mới tin." Bà đưa mép tấm tạp dề lên lau mắt, ngay khi tôi kéo dây hai bên valy. "Đừng đóng vội. Tao gói cho mày một ít trái cây mang theo."

"Được rồi, dì Gladys," và trên đường đi làm sáng hôm đó tôi ăn trái cam và hai trái đào bà đã bỏ vào bị cho tôi.

* * *

Vài giờ sau ông Scapello thông báo với tôi rằng khi tôi đi nghỉ đợt lễ Lao động(#2) về tôi sẽ được tống lên cái đôn của bà Martha Winney. Chính ông ta, ông ta nói, đã có một bước thăng cấp như vậy mười hai năm trước, nên có vẻ như nếu tôi có thể xoay xở giữ được thăng bằng thì một ngày nào đó tôi sẽ là ông Scapello. Tôi cũng sẽ được tăng lương tám đô, thế là tới năm đô cao hơn mức tăng mà ông Scapello nhận được nhiều năm trước. Ông ta bắt tay tôi và rồi đi trở lên đường cầu thang đá hoa dài thậm thượt, mông đít ông ta chập chờn sau vạt áo vest cứ như cái vòng rổ của môn bóng rổ. Ông ta vừa đi khỏi thì tôi ngửi thấy mùi bạc hà và ngẩng lên thấy ông già có mũi và quai hàm nổi gân đỏ.

"Chào chàng trai," ông ta nói vui vẻ. "Cuốn sách đó trở lại chưa?"

"Sách nào?"

"Cuốn Gauguin đó. Tôi đi mua đồ và ghé vào đây hỏi thăm. Tôi vẫn chưa nhận được thẻ. Mà đã hai tuần rồi."

"Chưa," tôi nói, và khi đó tôi thấy ông Scapello dừng lại trên cầu thang và quay lại cứ như đã quên chưa dặn tôi điều gì đó. "Ông hiểu cho," tôi nói với ông già, "nó sẽ trở lại đây một ngày nào đó bất kỳ." Tôi nói với giọng chung kết đến mức gần như gắt gỏng, và tôi cảnh giác liền, vì đột nhiên tôi thấy sẽ xảy ra chuyện gì: ông già sẽ làm um sùm lên, ông Scapello từ trên cầu thang phóng xuống, ông Scappelo lục lọi các dãy kệ, Scapello phát cáu lên, Scapello tuôn trào các thứ, Scapello chủ tọa buổi đăng quang của John McKee lên chiếc đôn của bà Winney. Tôi quay sang ông già, "Sao ông không để lại số điện thoại và tôi sẽ cố đặt trước cuốn đó cho ông ngay chiều nay..." nhưng nỗ lực quan tâm và ân cần của tôi đã là quá trễ, và ông già gầm gừ những câu về bọn công chức, gửi thư cho Thị trưởng, bọn trẻ phách lối, và tạ ơn Chúa, ông ta rời thư viện đúng một giây trước khi ông Scapello trở lại chỗ tôi để nhắc tôi rằng mọi người đang góp tiền để mua quà cho bà Winney và nếu tôi muốn góp thì để lại nửa đô trên bàn ông ta trong hôm nay.

Sau bữa trưa cậu bé da đen lại tới. Khi cậu đi qua chỗ bàn tôi để tới cầu thang, tôi gọi nó. "Lại đây nè," tôi nói. "Đi đâu vậy?"

"Khu tim."

"Cậu đang đọc cuốn nào?"

"Thì cuốn Go-again đó. Mà tôi đâu làm gì bậy. Tôi đâu có viết gì vào sách. Ông xét tôi đi..."

"Tôi biết cậu không làm gì bậy. Nghe nè, nếu cậu thích cuốn đó như thế sao không mượn về nhà? Cậu có thẻ thư viện không?"

"Không, tôi đâu có mượn gì."

"Không, thẻ thư viện là do chúng tôi cấp để cậu mượn sách về nhà. Như thế cậu khỏi phải tới đây mỗi ngày. Cậu có đi học không?"

"Có chứ. Trường Miller Street. Nhưng đang nghỉ hè mà. Tôi không tới trường đâu có sao. Đâu ai bắt tôi phải tới trường lúc này."

"Tôi biết. Miễn còn đi học là có thể làm thẻ thư viện. Cậu có thể mượn sách về nhà."

"Sao ông cứ xúi tôi mang sách về nhà hoài vậy? Ở nhà thế nào cũng có đứa làm hư sách."

"Thì cậu giấu ở đâu đó, trong hộc bàn..."

"Trời trời," nó nói, liếc mắt nhìn tôi, "sao ông không muốn tôi tới đây?"

"Tôi đâu có nói là cậu đừng tới đây."

"Tôi thích tới đây. Tôi thích mấy cái cầu thang."

"Tôi cũng thích vậy," tôi nói. "Nhưng rắc rối là sẽ có người mượn cuốn đó về nhà."

Cậu ta mỉm cười. "Đừng lo," nó nói với tôi. "Tới giờ vẫn đâu có ai mượn," rồi nó đi lộp cộp lên cầu thang tới Dãy Ba.

Vậy mà bữa đó tôi đổ mồ hôi! Đó là ngày mát nhất trong mùa hè, nhưng khi rời chỗ làm vào buổi tối lưng áo tôi đã dính sát vào da. Trong xe tôi mở túi đồ, và trong khi dòng xe cộ giờ cao điểm ồ ạt trên dường Washington, tôi chúi vào băng sau thay một cái áo sạch để khi đến Short Hills tôi trông cũng có vẻ đáng được hưởng một đợt xả hơi ở ngoại ô. Nhưng chạy xe theo đại lộ Central tôi không thể nghĩ gì về kỳ nghỉ của mình, và do đó không tập trung được vào việc lái xe: trước sự bực bội của người đi bộ cũng như người lái xe khác, tôi quậy cần số, lấn vào đường của người đi bộ, chần chừ ở đèn xanh cũng như đèn đỏ. Tôi cứ nghĩ rằng trong khi tôi đi nghỉ tay già quai hàm bự sẽ trở lại thư viện, rồi cuốn sách của cậu bé da đen sẽ bị mượn mất, rằng tôi sẽ mất chỗ làm mới của mình, thực ra là chỗ làm cũ – nhưng sao tôi lại phải ưu tư về tất cả những chuyện đó: thư viện đâu phải sự nghiệp một đời của tôi.

Chú thích:

(1-)Tác giả chơi chữ. Neil nói, "I'm a liver" với liver nghĩa là người (chỉ biết) sống, sau khi anh ta nói "I'm not a planner". Nhưng liver còn có nghĩa là lá gan. Và Brenda nói, "I'm a pancreas," (Em là tụy tạng) để đùa chữ liver. Vụ này chuyển ngữ không nổi, nên đành dịch tạm như trên.

(2-)Lễ Lao động ở Mỹ được tổ chức vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Chín, chứ không phải vào ngày 1 tháng 5 như ở Việt Nam.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương