Đầu giờ chiều, khi Yến cùng chị Hồng đang hướng dẫn các bạn nhỏ học vẽ thì phát hiện bé Tiếu ngồi gục xuống bàn, gương mặt đỏ bừng lên giống như đang sốt.

Yến lo lắng chạy đến đỡ Tiếu vào lòng, cô dùng tay kiểm tra nhiệt độ trên trán em và hỏi nhỏ:
— Tiếu, em bị sao thế này? Em thấy khó chịu ở đâu không?
Tiếu là người dân tộc H’mông, em nói tiếng Kinh chưa sõi, thấy cô giáo quan tâm, Tiếu nhăn mặt khẽ đáp:
— Cô ơi, Tiếu khó chịu lắm… Tiếu bị chóng mặt cô ạ.

Tiếu không muốn học bài…
Điểm trường Yến đang dạy là một nơi ở lưng chừng đèo, xung quanh dân cư thưa vắng, cơ sở vật chất cũng thiếu thốn.

Biết là Tiếu đang sốt, nhưng Yến không có kiến thức về Y học, ở đây cũng chẳng có dụng cụ thuốc men gì.

Hồng không biết phải làm sao nên mở điện thoại bấm gọi cho ai đó, lát sau, cuộc gọi kết thúc, Hồng quay sang nói với Yến:
— Đừng lo, dưới chân đèo có trạm y tế xã, chị đang nhờ anh bộ đội biên phòng qua đưa Tiếu xuống đó, y tá đo nhiệt độ rồi kê thuốc cho bạn ấy uống.

Chắc là sẽ đỡ thôi, dạo này thời tiết nắng nóng, trẻ nhỏ dễ mắc bệnh cũng là dễ hiểu.
— Lớp học không có nhiệt kế dự phòng hả chị?
— Có chứ.

Nhưng lần trước, ở lớp có bạn bị sốt cao, cô giáo đem ra kẹp thử, mấy bạn khác tò mò đến bên lấy ra nghịch, giằng co nhau thế là rơi vỡ mất.

Mấy lần đi xuống bản bảo mua mà toàn quên.
— Từ đây xuống trạm y tế có xa không chị? Em thấy tình hình bé không ổn lắm, thỉnh thoảng lại muốn nôn đây này…
— Khoảng 3km, nhưng đi đường đèo thì hơi lâu.
— Anh bộ đội biên phòng mà chị nói… là ai thế? Khi nào thì người đó tới ạ?
— Cũng sắp rồi đấy, cách đây không xa có đơn vị bộ đội biên phòng đóng quân.

Thỉnh thoảng các anh đi tuần tra, hay ghé qua xem cô trò dạy học, sinh hoạt thế nào.

Trồng được rau, các anh lại mang rau qua cho cô trò nấu ăn, có trái cây cũng đem qua cho.

Mọi người sống thân thiện, tình cảm lắm.
Yến nghe Hồng kể cũng cảm thấy ấm lòng, ở một nơi xa xôi như vậy nhưng mọi người luôn đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.

Không lâu sau đó, có tiếng động cơ xe máy dừng lại trước sân.

Người đàn ông mặc quân phục màu xanh đậm, dáng người cao ráo, đội chiếc mũ bảo hiểm che đi nửa khuôn mặt.


Dưới ánh nắng chiều, làn da ngăm đen lộ rõ.

Anh bộ đội tiến vào trong, ồn ào cất lời:
— Hồng ơi, bạn nào bị ốm ấy nhỉ? Ra xe anh đưa xuống trạm y tế luôn nào.
Ngay khi nghe giọng nói người ấy, Hồng nhanh miệng đáp:
— Là Tiếu anh ạ.

Cu cậu hôm nay bị ốm thì phải, cứ buồn nôn lại sốt mê man… Hôm nay có cô giáo mới, anh giúp em đưa hai cô trò xuống bản khám bệnh xem sao nhé.
Nghe giọng nói của anh bộ đội, Yến thấy ngờ ngờ, cảm giác thân quen đến lạ.

Cô chưa kịp suy luận điều gì thì người đó đã có mặt trong lớp.

Vừa nhìn thấy anh, đám trẻ con reo hò ầm ĩ:
— Aaa….

Chú Khải… con chào chú Khải… Mấy hôm nay chú đi đâu mà không ghé qua thăm chúng con thế ạ?
Yến lặng người, cô không nghĩ sẽ gặp lại người ấy trong hoàn cảnh như thế này.

Khải bị đám trẻ con vây quanh, đến khi anh ngẩng đầu lên mới phát hiện cách đó không xa, cô giáo trẻ mà Hồng nhắc đến lại chính là Yến.

Đôi mắt anh mở to hết cỡ, giống như không thể tin được trên đời này tồn tại câu chuyện kỳ lạ đến như vậy.
Thấy hai người nhìn nhau không chớp, Hồng tò mò hỏi:
— Sao thế chú bộ đội? Bị trúng tiếng sét ái tình của cô giáo trẻ rồi hả? Em bật mí nhé, cô ấy chưa có bạn trai đâu, anh tích cực qua đây đi tuần để có cớ gặp gỡ cô Yến nhé.
Gặp lại Khải, người đàn ông cô đã từng yêu suốt quãng thanh xuân mơ mộng, ngoài ngạc nhiên ra, Yến không hề có chút tình cảm cá nhân nào.

Bởi, cuộc sống của cô thời gian qua đã đổi khác quá nhiều, có nhiều thứ khiến cô trưởng thành, nhận ra, và cũng trân trọng những giá trị cốt lõi khác.

Hoặc nói cụ thể hơn, trong trái tim cô, giờ đây chỉ lưu giữ hình bóng của Dương.
Yến không nói gì, Hồng chỉ đơn giản nghĩ, có lẽ gặp người lạ nên Yến ngại.

Khải cũng vậy, ngày thường anh vốn kiệm lời, Hồng nghĩ đôi bên ngại nên không chút mảy may nghi ngờ.

Mới chỉ nhìn thoáng đã cảm thấy đôi bạn trẻ rất xứng đôi, chú độ đội cao ráo khỏe mạnh, gương mặt có nhiều nét duyên, cô giáo Yến thì sắc nước hương trời, nhan sắc rạng ngời giữa chốn thượng ngàn bao la.

Nghĩ một lát, Hồng mạnh dạn tìm cớ đẩy thuyền:
— Hay là vầy đi, bây giờ Yến ôm bé Tiếu đi xuống bản khám bệnh, chú bộ đội đưa đi.

Chị ở lại dạy các cháu.


Em đi vài lần cho quen, sau có việc thì mình chủ động được.
Yến ngập ngừng định từ chối, cơ mà nhìn vào đôi mắt Khải, cô thấy trong đó ẩn chứa nhiều tâm sự, cùng với đó là sự mong chờ.

Nghĩ lại, từ khoảng thời gian trước khi bà nằm viện, chính xác là lúc vẫn còn yêu nhau đến khi nói lời chia tay, cô chưa gặp anh lần nào.

Nhân cơ hội này, cô cũng muốn lắng nghe suy nghĩ của anh.

Thấy Yến im lặng, Khải nhanh miệng cất lời:
— Đường xá ở đây tôi rất rành, tôi sẽ đi thật chậm, cô giáo không phải lo sợ điều gì cả.
Hồng sợ Yến không yên tâm nên nói thêm:
— Em cùng chú bộ đội đưa Tiếu đi khám bệnh đi, không có gì phải sợ cả.

Chị ở lại dạy các bạn cũng được.

Anh Khải không phải người lạ đâu, ở đây ai cũng quý anh ấy cả.
Yến nhẹ nhàng cất lời:
— Vâng.

Vậy chị trông các bé giúp em nhé.

Em đưa Tiếu xuống bản khám bệnh…
Yến mặc chiếc áo chống nắng, cô ôm Tiếu vào lòng và bế cu cậu ra chỗ xe máy Khải ở ngoài sân.

Khi chiếc xe đã đi xa điểm trường, lúc này Khải mới mạnh dạn cất lời:
— Có thể nói cho anh biết vì sao em lại xuất hiện ở đây không?
Yến đáp lời anh bằng một câu hỏi khác:
— Cuộc sống của anh thế nào? Lúc trước em nhớ là anh đóng quân ở Sơn La kia mà?
— Anh vẫn ổn.

Anh mới chuyển công tác đến đây một thời gian… Em trả lời anh đi.
— Không tại sao cả.

Anh đến đây được, em thì không à?
— Anh không có ý đó, chỉ là anh hơi bất ngờ thôi.

Nhưng anh rất vui…
— Anh vui vì điều gì?

— Gặp lại em… anh rất vui.

Vì vui quá nên anh quên mất, sức khỏe của bà thế nào rồi em?
Nghe Khải nhắc đến sức khỏe của bà, Yến lại nhớ đến Dương, nếu không có anh ấy, có lẽ, đến bây giờ bệnh tình của bà vẫn chưa được cứu chữa.

Cô lạnh nhạt đáp:
— Bà em vẫn khỏe.

Cảm ơn anh!!
— Tại sao em phải khách sáo với anh như vậy?
— Anh cảm thấy khách sáo lắm à?
— Ừ.

Dù gì mình cũng là người quen suốt mấy năm…
— Em đang nói chuyện với anh rất tự nhiên đấy.
— Chắc do anh nghĩ nhiều.

Đơn vị anh đóng quân ở gần đây, em cảm thấy cần gì, thiếu gì thì cứ nhắn anh nhé, lúc rảnh anh sẽ xuống bản mua giúp em.
— Vâng.

Nếu cần em sẽ nói.
— Anh vẫn dùng số điện thoại cũ, em có thể liên hệ với anh bất cứ lúc nào.
— Trước đây anh đâu có nói như vậy??
— Anh xin lỗi, ở đơn vị cũ, nơi đó sóng điện thoại lúc có lúc không… Anh thấy bất cập nên mới đề nghị xin chuyển công tác…
— Không cần phải xin lỗi em.

Anh không có lỗi gì cả.
— Em đã quen với môi trường ở đây chưa? Em đến đây từ khi nào, thỉnh thoảng anh qua không gặp em…?
— Anh hỏi chi tiết như vậy làm gì? Tiếu đang sốt cao quá.

Còn bao lâu nữa thì đến trạm y tế ạ?
— Một lát nữa thôi, sắp đến rồi.
Trạm y tế của xã cũng đơn sơ chẳng khác gì điểm trường nơi Yến đang dạy.

Ngoài chiếc giường, bên trong có tủ đồ bằng kính đựng những bông băng y tế, một số loại thuốc thông dụng.

Tiếu được y tá cho uống thuốc chống nôn và hạ sốt, trong lúc mệt quá, cu cậu ngủ thiếp đi.

Yến và Khải kiên nhẫn ngồi đợi, sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của Tiếu, hai người đi ra phía trước nói chuyện.

Hoàng hôn dần buông, mây trắng như tấm lụa vắt ngang trời, đứng dưới gốc cây cổ thụ, Khải chậm rãi nói:
— Chuyện lúc trước… là anh không đúng.

Anh rất muốn có cơ hội để gặp em và nói lời xin lỗi…
— Em không nghĩ đó là lỗi của anh đâu.


Em chỉ cảm thấy, chuyện đến lúc nên dừng lại thì dừng lại thôi.

Ai rồi cũng có cuộc sống riêng của mình, những chuyện đã qua, hãy xem như là một ký ức đẹp, chúng ta nên nhìn về phía trước để mà sống tốt hơn.
— Anh vẫn chưa quên được em.

Thực sự không có cách nào quên được.
— Em thì ngược lại.

Em chẳng lưu luyến điều gì về chuyện đã qua.

Không phải con người em sống cạn tình cạn nghĩa, nhưng em nghĩ, chúng ta không thể sống với cái bóng của quá khứ mãi được.

Nếu mọi chuyện tốt đẹp thì không có lý do gì để kết thúc.

Còn nếu nó đã kết thúc, chắc chắn là nó không ổn.
— Em có thể cho anh cơ hội được sửa sai không?
— Không thể.

Em không muốn gợi nhắc lại những điều đã qua.

Anh cũng nên tìm một ai đó phù hợp với mình đi.
— Ngoài em ra, còn ai có thể phù hợp với anh được nữa?
— Không đúng.

Có rất nhiều người phù hợp với anh, vấn đề là anh có mở lòng để đón nhận họ không mà thôi.
— Anh thấy em rất khác…
— Đúng vậy.

Em không chỉ khác thôi đâu, sau khi chuyện của mình kết thúc, em sớm đã đem lòng yêu người khác rồi.
Khải tròn mắt ngạc nhiên, anh liên tục phủ định:
— Anh không tin, anh hiểu rất rõ con người em thế nào.

Không dễ gì khiến em thay đổi như vậy được.

Em chỉ đang nói dối anh, đúng không?
— Đúng là em cũng không ngờ được bản thân mình lại thay đổi nhiều đến thế.

***
Từ ngày Yến rời xa cuộc sống của mình, Dương gần như không còn hứng thú để về nhà, mỗi ngày anh đều nhốt mình ở công ty đến tận khuya, những hôm đi tiệc rượu với khách, say quá, mệt quá anh lại về công ty ngủ.

Thực ra anh rất muốn về nhà, nhưng lại không dám… Vì cứ nhìn vào căn phòng của Yến, anh không kìm được nỗi nhớ cô, chỉ còn cách khiến mình bận rộn hơn với hy vọng có thể bớt sầu não.

Nhưng sự thật là, càng cố quên lại càng nhớ, có lúc Dương đã nghĩ, cứ tiếp tục những ngày tháng u uất như thế này, không khéo anh trầm cảm mất.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương