Chỉ Muốn Thích Em FULL
-
Chương 12
Sau khi quay về không bao lâu, bữa cơm tất niên nhà họ Trì cũng bắt đầu, người ngồi đầy một bàn, mẹ Trì cố ý sắp xếp cho Trì Uyên với Văn Tưởng ngồi sát nhau.
Lúc ngồi xuống, Nhóc Tuyên đẩy ghế trẻ em của mình chen giữa hai người bọn họ, mẹ cậu nhóc – chị dâu họ Tang Hoè của Trì Uyên vội vàng ôm bé đi, "Nhóc Tuyên ngoan, lại đây ngồi với mẹ, để cho chú Hai với thím Hai con ăn cơm nhé."
Cậu nhóc không hiểu nỗi khổ tâm của người lớn mà chỉ muốn kết quả mỹ mãn nên la khóc không muốn đi.
Thấy vậy, Trì Uyên đứng dậy ôm cậu bé về lại, "Bỏ đi chị dâu, thằng bé muốn ngồi để cho nó ngồi đi, dù sao cũng không vướng víu gì."
"Em cứ chiều nó đi." Dứt lời, Tang Hoè ngẩng đầu nhìn mẹ Trì, vẻ mặt bất đắc dĩ.
Trì Uyên lấy khăn giấy lau nước mắt trên mặt Nhóc Tuyên, đưa tay kéo ghế trẻ em đặt ở giữa anh và Văn Tưởng, sau đó để Tiểu Bàn Đôn vào, đưa tay véo hai má cậu nhóc, ngước mắt lên chạm phải ánh mắt của Văn Tưởng nhìn qua, giọng cười, "Muốn ăn gì nói chị gái này gắp cho con."
"........." Văn Tưởng lườm anh một cái.
Thời Trình ngồi bên trái Trì Uyên nghe vậy, cánh tay vỗ sau đầu anh một cái, "Gọi bậy cái gì đấy, đừng dạy hư con trai anh."
Trì Uyên tựa người về đằng sau, cánh tay tựa lên góc ghế trẻ em, nói chậm rì rì: "Vậy cái đấy cũng không phải là em dạy."
Nghe vậy, Văn Tưởng siết chặt tay.
Cô muốn đánh người.
Nhưng cũng may Trì Uyên đúng lúc dừng lại tổn hại, không nói thêm gì nữa.
Bữa cơm này ăn vô cùng hoà thuận vui vẻ, nếu có thể bỏ chuyện Trì Uyên giữa đường không biết là cố ý hay vô tình mà kêu cô một tiếng "cháu gái lớn" thì sau này Văn Tưởng nhớ lại bữa cơm này, tâm tình còn có thể càng tốt hơn.
Sau khi ăn xong, các bạn nhỏ được dẫn ra ngoài chơi pháo hoa, Trì Uyên và Văn Tưởng còn có anh trai, chị dâu cùng thế hệ bọn họ ở lại phòng khách, nghe người lớn nói chuyện.
Văn Tưởng đại khái có thể đoán được bọn họ muốn nói cái gì.
Quả nhiên, còn chưa tán gẫu được vài câu, mẹ Trì bỗng nhiên cầm tay Văn Tưởng, cười nói: "Trước đó người lớn hai nhà chúng ta đã bàn bạc, định đợi qua tết âm lịch này, chờ thời tiết ấm lên một chút thì để cho con và Trì Uyên đính hôn."
Đính hôn không phải là kết quả mà Văn Tưởng mong đợi, nhưng đó là quyết định mà cô không được từ chối, cũng không phải là tất cả mọi người đều thân bất do kỷ* giống như cô.
(Thân bất do kỷ: ở đời có bao chuyện mà bản thân chẳng thể làm chủ được.)
Trì Uyên an phận thời gian dài như vậy, vào tối nay cuối cùng cũng không nhịn được mà lộ ra góc cạnh phản nghịch của mình.
Anh đứng lên, nhìn mọi người từ trên cao, tầm mắt lại hết sức lướt qua Văn Tưởng, lông mày hơi nhíu lại không rõ cảm xúc, giọng điệu thản nhiên nói ra từng câu từng chữ: "Chuyện đính hôn, con không đồng ý."
Mẹ Trì cười hoà giải: "Cũng phải, người trẻ tuổi các con cũng không thích quá trình này, nhưng đây dù sao cũng là người hai nhà..."
"Mẹ." Trì Uyên cắt ngang lời mẹ Trì, "Mẹ thông minh như vậy nên cũng đừng giả ngốc nữa, mẹ biết ý con không phải cái đó, từ đầu đến cuối con chỉ không đồng ý chuyện kết hôn này, không liên quan gì đến đính hôn hay không đính hôn cả."
Ba Trì lớn tiếng quát: "Trì Uyên!"
Anh không nói thêm nữa, trầm mặc đứng đối mặt với mọi người.
Trong một lúc có hơi căng thẳng.
Thời Trình kéo kéo cánh tay Trì Uyên, muốn để anh ngồi xuống cũng muốn để anh bớt tranh cãi, nhưng mà Trì Uyên vẫn thuỷ chung đứng không nhúc nhích.
Tất cả mọi người yên lặng không lên tiếng ngồi ở đó, chỉ có anh một mình đứng nơi ấy, lúc thừa nhận tất cả áp lực và bức bách, Văn Tưởng bỗng cảm thấy anh như một chiến sĩ dũng cảm cô độc.
Một người sức mỏng nhưng lại đánh đâu thắng đó không gì cản nổi.
Chỉ tiếc là thành bại có lẽ đã định trước.
Trì Uyên bị ba Trì gọi vào thư phòng, Tưởng Viễn Sơn dẫn Văn Tưởng chào tạm biệt với nhà họ Trì.
Trước khi đi, mẹ Trì – Du Uyển nói mấy lời với Văn Tưởng, đại ý là bảo cô không cần để tâm đến lời nói của Trì Uyên, tính của Trì Uyên có hơi ngang bướng chứ phẩm chất không có vấn đề gì lớn.
Tóm lại, anh vẫn là một người con rể lương thiện, là người có thể phó thác cả đời.
Văn Tưởng không phản bác cũng không tán thành.
Trên đường về, có lẽ trong bữa cơm Tưởng Viễn Sơn đã uống nhiều rượu nên đang dựa vào lưng ghế nhắm mắt nghỉ ngơi.
Trong lúc đó, điện thoại ông để ở trong túi quần tây vì rung nên không cẩn thận đã rơi ra, rớt xuống khe hở giữa chỗ ông và Văn Tưởng.
Văn Tưởng nghiêng đầu rủ mắt nhìn, trên điện thoại hiển thị hai chữ.
——Con trai.
Cô bình tĩnh dời ánh mắt nhìn ra ánh đèn rực rỡ ở ngoài cửa sổ.
Qua một lúc, dường như Tưởng Viễn Sơn đã nhận ra cái gì, nửa tỉnh nữa mơ mà tỉnh dậy, thuận tay đụng vào điện thoại của mình.
Ông cầm lên nhìn thấy một cuộc gọi nhỡ, lại liếc mắt nhìn Văn Tưởng, cái gì cũng không nói, chỉ là thả điện thoại vào trong túi quần bên kia.
Nửa tiếng sau, xe dừng lại trước một biệt thự.
Văn Tưởng ngồi ở trong xe, nhìn kiến trúc đèn đuốc sáng trưng hết sức quen thuộc này ở trước mắt, trong lòng bỗng nhiên tuôn ra rất nhiều cảm xúc phức tạp.
Nơi này là nhà họ Văn, là ngôi nhà mà Văn Tưởng đã từng sống hơn mười năm.
Tài xế đã xuống xe đợi ở bên ngoài, Tưởng Viễn Sơn giơ tay phủ lên tay nắm cửa, ôn hoà nói: "Rất lâu rồi con cũng chưa quay về, đêm nay ở lại đây đi, mọi người trong nhà đều rất nhớ con."
Sau khi Tống Trí Lam và Văn Thanh Chi qua đời, Văn Tống và Tưởng Viễn Sơn liền dẫn Văn Tưởng và những người đã giúp việc cho nhà họ Văn nhiều năm chuyển đến Bình Thành, sau đó Văn Tống gặp chuyện không may, Tưởng Viễn Sơn lại dẫn những người này quay về.
Về sau, cách một khoảng thời gian lại xảy ra một số chuyện, Tưởng Viễn Sơn chuyển ra khỏi nhà họ Văn, Văn Tưởng sợ nhìn vật nhớ người nên mãi vẫn chưa quay về.
Nhà họ Văn trong mười năm vẫn như cũ, không có thay đổi gì, thậm chí giàn nho trồng trong sân vẫn giữ nguyên như trước, Văn Tưởng đi hết một đoạn đường, hồi tưởng hết thảy.
Đến khi nhìn thấy dì Dung đã chăm sóc mình từ nhỏ, hốc mắt Văn Tưởng phút chốc nóng lên, nghẹn ngào nói: "Dì Dung."
"Ôi chao." Năm tháng trôi qua đã để lại cho người ta rất nhiều dấu vết, sức khoẻ của dì Dung đã không còn được tốt như trước đây, bước về phía trước một cách tập tễnh, kéo kéo tay Văn Tưởng giống như lúc nhỏ, hốc mắt đỏ lên cười nói: "Tưởng Tưởng đã về rồi."
Trong lòng Văn Tưởng khó chịu, nắm tay bà ấy, "vâng" một tiếng.
Đã ba bốn năm dì Dung chưa gặp Văn Tưởng, cũng biết mấy năm này cô sống ở bên ngoài không tốt lắm, bà ấy quan sát cô từ trên xuống dưới mấy lần rồi mới chào Tưởng Viễn Sơn, "Cậu cũng trở lại rồi."
Tưởng Viễn Sơn gật gật đầu, "Bên ngoài lạnh, vào nhà nói đi."
Ba người vào nhà.
Mặc dù mấy năm nay Tưởng Viễn Sơn và Văn Tưởng không ở đây nhưng nhà họ Văn vẫn giữ lại những người giúp việc.
Trước kia là cùng với dì Dung chăm sóc nhà họ Văn, bây giờ là Văn Tưởng giữ lại để chăm sóc dì Dung.
Dì Dung đã qua 60 tuổi, chồng bà ấy đã qua đời ở tuổi trung niên, cũng không có người con nào, cả đời bà ấy đều hiến dâng cho nhà họ Văn.
Phần ân tình này, nếu đã nhận rồi thì phải trả.
Dì Dung kéo Văn Tưởng nói, buổi chiều bà ấy nhận được điện thoại của Tưởng Viễn Sơn, nói là buổi tối ăn xong cơm tất niên sẽ dẫn Văn Tưởng về, cho nên không chuẩn bị cái gì cả, chỉ dựa theo tập tục chuẩn bị một số trứng gà và long nhãn, định đợi đến lúc đón giao thừa sẽ nấu ăn.
Đợi Tưởng Viễn Sơn về phòng, dì Dung khẽ hỏi Văn Tưởng, "Có phải bây giờ con và ba con vẫn còn mâu thuẫn phải không?"
Là mâu thuẫn cãi nhau sao?
Văn Tưởng nói là không phải, chỉ là bây giờ cô không thể tha thứ mà thôi.
"Không có, hiện tại con và Tưởng...!ba rất tốt." Văn Tưởng không muốn để cho bà lớn tuổi như vậy rồi còn lo lắng, cũng không có nói thật.
Dì Dung buông tiếng thở dài, ở nhà họ Văn đã nhiều năm như vậy, bà ấy nhìn thấy gia đình này từ náo nhiệt dần dần vắng vẻ đi, trong lòng không thể nói là không có cảm xúc gì cả, nhưng từ đầu đến cuối bà chỉ là người ngoài, có những lời nói khó mà nói rõ được.
"Dì Dung biết thật ra những năm này con và ba con không vui vẻ, nhưng đời người ngắn như vậy, ngàn vạn lần không nên làm chuyện mà bản thân sau này phải hối hận."
Văn Tưởng rủ mắt, lời nghe được một nửa lại bắt đầu siết chặt ngón tay.
Dì Dung cười cô, "Đã lớn như vậy rồi sao còn giữ thói quen nhỏ này vậy.
Được rồi, dì Dung cũng không nhiều lời, trong lòng con biết là được rồi."
Hàn huyên một hồi, dì Dung tuổi lớn nên buồn ngủ sớm, trước khi về phòng nghỉ ngơi dặn Văn Tưởng trước 0 giờ nhớ gọi bà ấy dậy, "Đừng quên nhé, dì còn phải nấu trứng gà cho mọi người ăn nữa."
"Vâng, con không quên, dì đi nghỉ ngơi đi."
Văn Tưởng đưa dì Dung về phòng ngủ rồi tự đi lên lầu hai, lúc đi ngang qua phòng ngủ chính, cách cánh cửa không được đóng chặt nghe thấy tiếng ho không dứt của Tưởng Viễn Sơn.
Cô dừng bước chân, đẩy cửa ra một chút.
Trong phòng, Tưởng Viễn Sơn đang cúi người trước bàn, quay lưng về phía cửa, bên tay đặt một ly nước và một lọ thuốc, cách hơi xa nên Văn Tưởng không thấy rõ đó là thuốc gì.
Cô không nán lại lâu, khẽ đóng cửa lại, nhấc chân đi về phòng ngủ của mình.
Lúc cách 0 giờ hơn 20 phút, Văn Tưởng đi ra khỏi phòng, nghe thấy phòng bếp dưới lầu có động tĩnh, tưởng là dì Dung đã dậy.
Cô vừa xuống lầu vừa gọi: "Dì Dung."
Người giúp việc đi qua nói cho cô biết, "Dì Dung chưa dậy, ông Tưởng bảo chúng tôi không cần làm phiền dì Dung nghỉ ngơi, tự ông vào phòng bếp làm."
Văn Tưởng dừng bước chân, ánh mắt nhìn về phía phòng bếp, bóng dáng của Tưởng Viễn Sơn chiếu lên trên cửa thuỷ tinh, xa xôi mờ nhạt, có hơi mơ hồ.
Tài nấu nướng của Tưởng Viễn Sơn rất tốt, trong những năm đầu, cơm tất niên nhà họ Văn phần lớn đều là do ông và Tống Trí Lam làm.
Văn Thanh Chi xem như là tuổi trẻ thành danh dựng nghiệp bằng hai bàn tay trắng, lúc tuổi trẻ tiếp xúc nhiều với việc ăn uống linh đình nên khi về già vô cùng bài xích những thứ đấy.
Khi đó trong mấy ngày tết, nhà họ Văn rất hiếm gặp khách, mãi cho đến mùng bảy Tết, trong nhà mới lục tục có người đến thăm hỏi.
Có lẽ là về chốn cũ, Văn Tưởng luôn dễ dàng nhớ tới chuyện và người trong quá khứ.
Tưởng Viễn Sơn đã vào bếp bận việc nửa tiếng trước, đợi lúc Văn Tưởng xuống lầu, ông đã gần như chuẩn bị xong nên tháo tạp dề đi ra.
Ngẩng đầu lên thấy Văn Tưởng ngồi trong phòng khách, ông lại quay người đi vào lại, múc hai chén trứng gà long nhãn mang ra, giọng điệu ôn hoà, "Tưởng Tưởng, lại ăn chút đồ đi."
Văn Tưởng không từ chối, giơ tay bật âm lượng tivi cao lên, trong phòng có chút tiếng hoan hô nói chuyện, dường như náo nhiệt rất nhiều.
Cô ngồi đối diện Tưởng Viễn Sơn, cúi đầu cầm thìa múc nước đường uống, trứng gà tròn vo ngâm mình trong nước đường, xung quanh còn nổi lên mấy viên long não.
Là hương vị trong trí nhớ.
Hai cha con rất ít khi có thời khắc ấm áp như này, hai người đều ăn ý không nói chuyện, không muốn phá vỡ khoảnh khắc khó có được này.
Qua một lúc, Văn Tưởng ngẩng đầu.
Trong phòng bật đèn, ánh sáng sáng ngời nên thấy rõ được những sợi tóc bạc của Tưởng Viễn Sơn.
Văn Tưởng để thìa xuống, chạm vào đồ sứ phát ra tiếng khe khẽ, Tưởng Viễn Sơn cũng ngẩng đầu nhìn cô, vẻ mặt ôn hoà đôn hậu.
Im lặng một lát, cô hỏi: "Nhất định phải là nhà họ Trì sao?"
Tưởng Viễn Sơn mím môi, giọng nói bình tĩnh, "Theo tình hình trước mắt mà nói, chỉ có hợp tác với Trì thị mới có thể giúp được Văn thị."
"Vậy nếu kết hôn thất bại thì có phải ảnh hưởng rất lớn đến Văn thị?"
"Phải." Tưởng Viễn Sơn ngừng một chút, sau đó nói: "Thật ra lời của bác Trì con không sai, Trì Uyên là đứa nhỏ tốt, tương lai cũng sẽ là người chồng tốt, con có thể thử sống chung với cậu ấy trước."
Văn Tưởng rủ mắt, "Con biết rồi."
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook