Cây Quýt Dưới Đám Mây Đen
-
15: Đáng Tin Cậy
Tiết học bù kết thúc.
Nghỉ lễ về nhà vẫn còn kịp Rằm tháng Giêng, trái tim vốn vỡ vụn vì kỳ thi khảo sát đầu năm của mọi người giống như những cánh hoa thức dậy sau một giấc ngủ, đang dần dần bung nở.
Chưa đến mười phút, lớp học đã vắng người, Hiểu Thanh nhớ trước đó Triệu Bân có nói sẽ đến đón mình, cô chậm chạp kéo giờ đến cuối cùng mới chịu đứng dậy.
Cô vừa sợ ông sẽ đến, lại sợ ông không đến, đợi đến khi ra khỏi cổng trường, cô phóng tầm mắt nhìn khắp xung quanh vẫn không thấy bóng dáng cao lớn vạm vỡ nào, tâm trạng không khỏi hơi phức tạp.
Về đến nhà, đối mặt với căn nhà trống rỗng, cô đột nhiên cảm thấy ở trường càng thoải mái hơn ở nhà - làm thế nào để sống chung với Triệu Bân là một vấn đề khó không có câu trả lời, ngay cả mẹ cũng không giúp được cô.
Trên bàn có một đĩa sủi cảo còn nóng, cô không ăn.
Cô mang quần áo bẩn đi giặt, lại thấy trong máy giặt vẫn còn quần áo mới giặt xong.
Tất cả đều là Triệu Bân làm, chắc ông quên mất.
Cô thở dài, lấy ra phơi khô, Triệu Bân tình cờ từ bên ngoài đi vào.
“Hiểu Thanh.” Ông đầu tiên là ngạc nhiên, sau đó lại xin lỗi: “Mẹ con không nói cho bố biết, bố cũng không biết mấy giờ con tan học… bố đoán là khoảng giờ này nên đã làm sủi cảo cho con, có đói không?”
“Không đói, con không muốn ăn.”
“Hôm nay bố đi gặp chú họ con, xem thử xem nhà máy bọn họ còn cần người làm không.”
“...!Ừm.”
Triệu Bân lấy lòng: “Bố còn mua một con cá diếc tươi, tối nay sẽ kho nó, con có muốn cho thêm đậu phụ chiên vào không?”
“Tùy ạ.”
“Hiểu Thanh.” Triệu Bân do dự hồi lâu: “Sao con không gọi bố là bố nữa?”
Động tác cầm móc treo quần áo của Hiểu Thanh dừng lại, ông không hỏi còn tốt, vừa hỏi những chuyện bẩn thỉu đó lại hiện lên trước mắt cô: “Con không muốn gọi.”
Vẻ mặt cô lạnh lùng, giọng điệu cứng nhắc, như những viên sỏi chọc vào trái tim Triệu Bân.
Buổi tối khi Trương Bình trở về, hai người họ một người trốn trong phòng, một người ngây ngốc trên ghế sofa, gần như không hề đụng đến đồ ăn trên bàn.
Trương Bình gõ cửa phòng Hiểu Thanh, tầm mắt của Hiểu Thanh lướt qua mẹ, nhìn thấy chiếc ghế sofa hỏng của Triệu Bân.
Chiếc ghế sofa là do chủ thuê cũ bỏ lại, chất lượng không tốt, trong khoảng thời gian này bị gối và chăn xếp chồng lên trên, làm thành giường của Triệu Bân.
Trương Bình tiến lên một bước, đóng cửa phòng lại.
Trên mặt bà lộ ra vẻ khó xử quen thuộc, vẻ mặt như muốn nói gì đó nhưng rồi lại do dự : “Sao con không ăn? Nhất định muốn bố mẹ ly hôn à?”
“Con không phải nhất định muốn thế.” Hiểu Thanh biết mẹ hỏi câu này cũng có nghĩa là cán cân của bà đã nghiêng về bên kia, nhưng có lẽ chính là vì điều này nên cô càng muốn dùng sự lạnh lùng cứng nhắc của mình để bù trừ cho sự tha thứ dễ dàng mà Triệu Bân nhận được từ mẹ.
Trương Bình hiểu con gái mình hơn ai hết, con bé rất bướng bỉnh, rất kiêu ngạo, trong mắt không chứa nổi hạt cát: “Nếu bố con không bao giờ bài bạc, cũng sẽ kiếm lại số tiền đã bị lừa, con có thể tha thứ cho ông ấy không?”
“Không thể.
Sao thế ạ, ông ấy lại hứa hẹn gì với mẹ nữa à?” Hiểu Thanh không hề dè dặt với mẹ: “Mẹ, mẹ phải biết rằng dù trước đây ông ấy có tốt đến đâu thì bây giờ bằng chứng đều chứng tỏ ông ấy là một người xấu.
Một người mà ngay cả ham muốn cấp thấp của mình cũng không thể kiểm soát được, thậm chí còn không phân biệt đúng sai, mẹ còn mong đợi điều gì từ ông ấy đây?”
"Nhưng có ai lại chưa từng phạm sai lầm? Chúng ta đã không làm chỗ dựa tốt cho ông ấy, không ở bên cạnh ông ấy, không cho ông ấy hơi ấm gia đình, không…”
Hiểu Thanh không cách nào che giấu được vẻ kinh ngạc: “Mẹ, bây giờ là do ông ấy làm sai, tại sao lại trách ngược chúng ta?”
“Nhưng Hiểu Thanh, ý nghĩa của gia đình là sẻ chia, ông bà nội của con đều không còn, chúng ta là người thân duy nhất của ông ấy.”
“Vậy lúc ông ấy làm chuyện có lỗi sao không nghĩ tới chúng ta là một gia đình, sao lại đặt mọi khó khăn và gánh nặng lên gia đình mình trong khi ông ấy ở bên ngoài có được sự hạnh phúc và kích thích mà ông ấy mong muốn chứ?”
Trương Bình phát hiện mình nói không lại con gái, lại bởi vì thái độ của con gái cứng rắn hơn Triệu Bân rất nhiều nên bà tự động xếp Triệu Bân vào bên yếu thế hơn: “Hiểu Thanh, trên đời không có người nào là hoàn hảo cả, mẹ biết con nghĩ rằng bố đã biến thành người xấu nên trong lòng khó chịu, nhưng mà ông ấy thật sự thương con, con hãy nhớ đến những lúc ông ấy đối xử tốt với con xem? Mẹ không muốn cái nhà này tan vỡ, bởi vì…”
“Bởi vì bố cũng là chỗ dựa của mẹ, cho dù ông ấy có trở thành thế nào đi chăng nữa, mẹ cũng không nỡ bỏ rơi ông ấy đúng không?”
Suy nghĩ của Trương Bình bị đoán trúng: Mấy ngày nay bà rất mệt mỏi, lúc mệt mỏi thì thà rằng mình hồ đồ, thà rằng nhắm một mắt mở một mắt, tự nói với chính mình Triệu Bân không có gây ra tội lỗi không thể tha thứ.
Hiểu Thanh cảm thấy tức giận và buồn bã không sao tả xiết, tức giận vì mẹ đã thỏa hiệp, lại buồn vì mình không có khả năng thay đổi hoàn cảnh gia đình.
Một lúc sau, cô dường như đã quyết định: “Mẹ, con đã nói nếu như mẹ ly hôn thì con sẽ theo mẹ, đây là lựa chọn của con.
Về việc có ly hôn hay không, đó là lựa chọn của mẹ, con sẽ không can thiệp, nhưng nếu mẹ đã chọn tha thứ thì đừng chỉ nghe những lời ông ấy nói mà hãy xem những gì ông ấy làm, con không muốn sau này mẹ lại bị lừa.”
“Vậy còn con?”
“Tạm thời con không thể tha thứ cho ông ấy, nhưng mẹ à, con cũng không thể nói sẽ mãi mãi như thế.” Hiểu Thanh cũng mệt mỏi không kém: “Con người sẽ thay đổi, con cũng sợ bản thân trở thành dáng vẻ mà con ghét.”
Trương Bình biết đây đã là sự kiên trì và nhượng bộ lớn nhất của con gái.
Hiểu Thanh nhìn mẹ, cô có rất nhiều lời muốn nói, nhưng cuối cùng chỉ nói: “Mẹ, hôm nay là Rằm tháng Giêng, mẹ gọi điện cho bà ngoại đi.”
—
Từ nhỏ Trần Kỳ đã không thích ăn bánh trôi tàu, bà nội chiều cậu nên đặc biệt nấu cơm, còn xào một ít rau cho cậu.
Sau khi cả nhà đốt pháo hoa xong thì ngồi vào bàn ăn bữa cơm đoàn viên, cả làng cũng trở nên náo nhiệt hẳn lên.
Mẹ Trần Kỳ thấp thoáng nghe thấy tiếng nhạc từ đài phát thanh âm nhạc, bà ấy gọi Trần Kỳ đến góp vui, nhưng Trần Kỳ lại nói: “Á? Con chuẩn bị đi ngủ rồi.”
“Ngủ con khỉ, lười như heo vậy.” Bà ấy kéo con trai lại, rất nhiều người đã tụ tập ở quảng trường cạnh đền thờ.
Trên quảng trường có dụng cụ tập thể dục, có vành bóng rổ, bãi đất trống bằng xi măng dành cho phụ nữ khiêu vũ và trò chuyện.
Mẹ Trần Kỳ nhìn thấy mấy cậu con trai đang ném bóng vào rổ đâu ra đấy, bà ấy nhiệt tình đi tới chào hỏi: “Lập Thao!”
“Hầy!” Lôi Lập Thao ném quả bóng cho đồng đội, chạy bước nhỏ tới gọi một tiếng dì.
“Về nhà bà ngoại nghỉ lễ à?”
“Dạ.” Lôi Lập Thao vòng tay qua vai Trần Kỳ: “Em còn nói làm sao cũng không gọi anh ra được, thì ra là đi bộ với mẹ.”
“Nó đi cùng dì chỗ nào, là dì lôi nó đó, nó lười muốn chết, con nhớ dẫn nó đi chơi thể thao nhiều hơn nhé.” Mẹ Trần Kỳ mỉm cười, để hai người họ nói chuyện, bà ấy đi sang một bên.
Trần Kỳ ăn đến no căng bụng, hài lòng ngáp một cái: “Lúc trước cậu nói với anh là bố đang đi công tác, vừa rồi cậu lại nói đang chơi bóng rổ ở trong làng, anh cứ tưởng cậu gạt anh.”
“Anh hai à, em còn gửi cả ảnh cho anh rồi, là do anh phớt lờ em.” Lôi Lập Thao hỏi: “Kỳ thi tuyển sinh cấp ba, anh thi môn thể dục được không?”
"Bóng bàn thì ổn, đệm bóng chuyền kém một chút, chạy bền thì tàm tạm.”
“Thầy của các anh không nâng cao độ khó à?”
“Nâng rồi, càng nâng anh của cậu càng phản kháng.” Trần Kỳ đổi chủ đề: “Đúng rồi, bố cậu đi công tác, sao cậu với mẹ tới đây được?”
“Đi taxi đó, bây giờ mẹ em rất kiên quyết, có bằng lái xe cũng không tự lái xe, bố em vừa xuống máy bay liền đến đón tụi em, vừa rồi ông ấy gọi điện cho em nói sắp đến rồi.”
“Vậy là cậu vẫn sẽ quay về thành phố?”
“Về chứ.” Lôi Lập Thao lấy chiếc áo bông treo trên dụng cụ tập thể dục mặc vào, sau đó cùng Trần Kỳ mỗi người chọn một cái máy đi bộ trên không: “Tụi em mới bắt đầu một cuộc huấn luyện thi đấu mới, có cần em đưa cho anh một bộ không?”
“Không cần, anh của cậu làm sai nhiều hơn đúng.”
“Được rồi đó, lúc không cần khiêm tốn thì đừng khiêm tốn.
Vốn là em định đưa cho anh mỗi tuần nhưng lại sợ bài ôn tập của anh nhiều nên đang nghĩ đề của tháng 4 và tháng 5 tới chắc không cần gửi nữa.”
“Vậy cậu đưa cho anh hai tuần trước, lúc rảnh sẽ xem thử.”
“Được.”
Hai người trò chuyện một lúc, mẹ Trần Kỳ cũng đã tám chuyện xong với người khác.
“Bố em đến rồi.” Điện thoại reo lên, Lôi Lập Thao ra hiệu cho Trần Kỳ, tạm biệt mẹ Trần Kỳ rồi chạy về phía đường đối diện.
Có một chiếc ô tô đậu ở đó.
Mẹ của Trần Kỳ nhìn thấy nó dừng lại một lúc rồi phóng đi, chợt nhớ bố của Lôi Lập Thao là lãnh đạo của một nhà máy sản xuất ô tô ở Lan Thành, mẹ thằng bé hiện là y tá trưởng khoa nhi tại bệnh viện Lan Thành.
Lúc nhỏ khi Trần Kỳ bị bệnh, mẹ Trần đã làm phiền mẹ Lôi Lập Thao nhiều lần, giao thiệp một thời gian, bà biết rằng điều kiện kinh tế của nhà họ Lôi tốt hơn nhà bà rất nhiều.
“Kỳ Kỳ, nhà Lập Thao giàu có như vậy, sao bố thằng bé chỉ lái đi lái về có một cái xe?”
“Tiền của nhà em ấy cũng là do tiết kiệm từng chút một mà có, sao lại phải tiêu tiền bừa bãi?”
Mẹ Trần Kỳ cười: “Lập Thao rất tốt, chơi được với con, cũng không chê nhà ta nghèo.”
“Bây giờ mẹ mới thấy em ấy tốt à? Khi còn nhỏ, lúc con với nó đánh nhau giành bắt giun câu tôm hùm, con bị nó đánh đến bật khóc mẹ còn mắng nó là đứa con nít ranh đấy.”
“Đó là lúc trước.”
“Vậy con nói chuyện hiện tại, nhà chúng ta cũng không nghèo, đồ Lôi Lập Thao có con cũng có.” Trần Kỳ rất hài lòng: “Năm ngoái em ấy mua một chiếc điện thoại, mẹ cũng mua cho con một cái.”
Mẹ Trần Kỳ biết con trai hiểu chuyện, bà cảm thấy khá an ủi, tuy nhiên, đêm hôm đó, khi Trần Kỳ đang ngồi trong phòng làm bài tập, không hiểu sao cậu lại cảm thấy hiệu suất học tập của mình không cao như lúc ở trường.
Cậu nhận được đề thi từ Lôi Lập Thao, lại mở xem lịch trên điện thoại, vẫn còn hơn một trăm ngày nữa mới đến kỳ thi tuyển sinh cấp ba.
Trong hơn một trăm ngày này cậu có thể thay đổi được gì, cậu có nên liều một phen? Cậu có nhất định phải đậu Trung học số một trong huyện mà mọi người luôn mong nhớ không?
Ngày hôm sau đến trường, Trần Kỳ thuận miệng hỏi Triệu Hiểu Thanh.
Triệu Hiểu Thanh đang chép từ vựng tiếng Anh, không ngẩng đầu lên nói: “Năm ngoái, trong số 650 học sinh của trường Trung học số một thi đại học có 430 người đậu tuyến 1, trường Trung học số ba theo sau chỉ có 58 trong số 750 học sinh thi là đậu tuyến 1.”
Cô không hiểu sao cậu lại có thể hỏi một câu hỏi ngớ ngẩn như vậy: “Bây giờ cậu mới nghĩ đến việc nên thi trường nào à?”
“Xem như vậy đi, vậy thì mỗi năm trường chúng ta có bao nhiêu người thi đậu Trung học số một?”
“Năm ngoái là 42 người, có 18 người trúng tuyển đạt trên 585 điểm, còn có 24 người được tuyển theo phương thức tuyển sinh, điểm trúng tuyển thấp nhất đạt được là 574 điểm.”
Trần Kỳ cười nói: “Quả nhiên là chuyên gia, nhớ rõ như thế.”
“Đó là bởi vì cậu chẳng nhớ cái gì hết.” Hiểu Thanh ngừng viết, đụng vào nỗi đau của cậu: “Tớ phát hiện con người cậu rất không đáng tin, càng tới thời điểm then chốt càng không đáng tin.”.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook