Cậu đi được nửa ngày thì trời bắt đầu tối, bóng đêm bao trùm cùng với u tịch. Mùa mới qua, cây cối không còn tốt um như mùa hè nữa, cậu đi xuyên qua bờ ruộng thẳng tắp, cảm thấy những bóng cây phía xa hình như đang co quắp lại. Lá rụng xuống, màu xanh màu vàng đang hóa thành nhau chăng?

Trong ruộng có mộ nhưng cậu không thấy sợ, những phần mộ như quả núi nhỏ úp ngược nằm san sát nhau. Cậu như một người lữ khách vượt núi băng đèo, đương nhiên đó chỉ là giấc mơ của một người đồng bằng là cậu, cậu đi khắp thế gian bằng giấc mơ.

Tám giờ mười lăm Trần Tụy mới về đến nhà, Trần Cương – người cha làm thợ đan tre của cậu đang ngồi đợi dưới gốc cây du già trước cửa. Chẳng mấy ai gọi một người thợ đan tre bằng tên, họ thường chỉ gọi là ông Trần đan giỏ thôi.

“Ba ạ.” Trần Tụy nhìn thấy điếu thuốc trên môi cha mình trước tiên, một điểm đỏ nhỏ xíu sáng chập choạng.

“Về đấy à.” Trần Cương dụi điếu thuốc, bảo: “Trong nồi còn bát cháo đấy.”

Trần Tụy đáp dạ, cậu về phòng cất cặp sách rồi xuống bếp ăn cơm. Bếp lò vẫn còn ấm, cậu giở vung nồi rồi ngồi ăn luôn trong bếp.

Nhà cậu còn một người chị lớn hơn cậu năm, sáu tuổi, chị đã lấy chồng ở thôn bên. Lâu lâu chị lại về nấu nướng, tiếp tế thực phẩm cho nhà.

Trần Cương là mẫu người điển hình của thế hệ trước, ở nhà ông ta không ưng nói chuyện, cũng không biết hỏi han con trẻ, thỉnh thoảng hỏi được một câu sẽ là làm xong bài tập chưa? Biết con học kém ông ta cũng sẽ mắng nhiếc những câu như dốt thế thì nghỉ ở nhà chăn vịt đi vân vân. Trần Tụy lớn từng này tuổi mà chưa từng được nhận một lời cổ vũ từ cha, thường cậu chỉ nghe mỗi: Mày trông con nhà người ta thế kia thế kia kìa.

Trần Tụy không dám cãi, cha suốt ngày bắt cậu nhìn con nhà người ta mà học, trong mắt cậu làm gì có con ai, cậu chỉ nhìn thấy cha mẹ người khác, thấy họ có nhiều tiền, thấy họ mua cho con họ cái ăn cái mặc, thế kia thế kia thôi.

Già nhiếc trẻ, trẻ oán già. Thật ra rất hiếm khi Trần Tụy dám nghĩ thế, dù sao cũng là cha mẹ sinh thành nên mình, có cái thói ở đâu chưa báo hiếu đã vùng vằng cãi trả.

Ngày nghỉ Trần Cương sẽ lên chợ bán hàng, Trần Tụy đi theo phụ cha. Cậu thích đi chợ lắm, khách vắng nên lúc nào không cần đến cậu cha cậu sẽ mặc cậu đi chơi. Cậu đi từ đầu chợ đến cuối chợ, hàng nào cũng ghé xem mà chẳng phải tiêu đồng nào.

Lễ Quốc Khánh chợ rất đông, hai cha con cậu ngồi sau sạp hàng chờ có người đến hỏi giá. Trần Cương là thợ lành nghề, ông ta học nghề từ nhỏ nên thúng giỏ ông đan rất bền, chắc. Có những cái sọt mua về dùng hàng năm trời không hỏng, cứ bền thế lại chẳng ai cần mua mới, rồi người thợ đan giỏ sống làm sao? Đã vậy nên nhiều tay thợ dùng loại vật liệu trông mới mẻ thích mắt nhưng đan ẩu tả, hàng nhà họ dùng chưa đến một năm đã hỏng, hỏng thì khách lại đi mua.

Đồng bạc trái lương tâm như thế xưa nay Trần Cương không thèm kiếm.

Trên chợ có nhiều chủ hàng mồm miệng lanh lẹ sẽ rao lớn tiếng mời khách đến mua, mà Trần Tụy không mở miệng được thế. Cậu cứ ngồi bên sạp, dùng cặp mắt sáng long lanh chào khách. Chẳng có khách nào thèm hỏi, mà lại thấy Trần Lệ Mai, chị cậu.

“Chị ơi!” Trần Tụy mừng rỡ đứng dậy chạy về chỗ chị.

Mắt Trần Lệ Mai cũng tròn xoe, cong cong mỗi khi cô cười, chị em có cặp mắt giống nhau, hễ cười là thành hai mảnh trăng khuyết. Cô nắm tay Trần Tụy rồi chào cha trước và bảo xin phép dẫn em trai đi mua quần áo. Trần Cương phẩy tay có vẻ ngán ngẩm, như là không bằng lòng để cô tiêu tiền vì Trần Tụy, mà cũng không nói thẳng là không cho.

Thế là hôm nay Trần Tụy được làm khách ở chợ.

Trần Lệ Mai biết cậu mới chuyển sang trường mới, việc nhà chồng bận bịu nên cô chưa hỏi thăm được. Hôm nay nhân ngày lễ cô mới dẫn nó đi mua quần áo mới, cô hỏi em: “Đi trường mới còn ai bắt nạt em không?”

Trần Tụy lắc đầu, hai mắt cậu sáng lóng lánh, có vẻ cậu rất vui. Không có cái vẻ cam chịu đau khổ thường ngày trông cậu còn trẻ con hơn cả tuổi thật.

“Đã làm quen được với bạn mới chưa?” Trần Lệ Mai ướm một chiếc áo sơ-mi lên người cậu, áo quần ở chợ này đều là hàng vải không tốt, trên vai còn lòi ít chỉ thừa. Hàng này cô lại càng dễ mặc cả, thế là sẽ mua được cho em thêm vài bộ nữa.

Trần Tụy nghĩ nghĩ thì nhớ ngay đến cậu bạn ngồi sau lưng có vẻ nghiêm túc kiệm lời, thế là cậu tự kết nạp cậu ta làm bạn mình luôn. Cậu đáp: “Có ạ, cậu ấy cho em quả trứng luộc.”

Nghe vậy Trần Lệ Mai mỉm cười, bảo: “Tốt quá.” Cô thấy áo này tay hơi dài nên định mua rồi cắt bớt, mà lại nghĩ Trần Tụy đang tuổi lớn, sửa xong khéo lại cộc. Năm nay em cô mười tám tuổi rồi, có đến một mét bảy chưa nhỉ? Trần Lệ Mai nghiêng đầu ngắm nghía em trai, thấy chị ngắm mình Trần Tụy liền cười toe, khoe ra lúm đồng tiền trên má.

Cậu ít cười nên chẳng ai biết cậu có hai cái lúm đồng tiền đáng yêu đó.

Trần Lệ Mai nhờ chủ hàng gói áo lại rồi bắt đầu mặc cả, lời qua tiếng lại nghe ra rất hùng hồn chỉ để bớt mấy đồng, Trần Tụy xem thấy rất thú vị.

Cuối cùng cũng mặc cả được giá, chủ hàng bảo hai chị em lần sau nhớ lại mua nữa nhé. Chợ họp thế này cứ hàng nào bán rẻ người ta khắc đến mua, còn đi chợ thì còn gặp lại nhau. Trần Lệ Mai đáp vâng vâng, chắc chắn rồi.

Trần Tụy chủ động xách túi, không để chị phải xách.

Trần Lệ Mai muốn mua cho cậu đủ bộ quần áo, rồi còn sợ hai bộ không đủ mặc phải mua thêm bộ nữa. Cậu lôi chị đi bảo không cần đâu, trời vẫn nóng lắm, mặc một hôm rồi giặt phơi lên hôm sau là khô rồi.

Không thuyết phục được em nên Trần Lệ Mai đành chịu. Cô định mua thêm cho cậu đồ ăn vặt nhưng Trần Tụy từ chối, cuối cùng chỉ mua hoa quả mang về cho Trần Cương.

Trước khi về đến sạp hàng của Trần Cương, Trần Lệ Mai rút trong túi ra mấy đồng bạc dúi vào tay Trần Tụy, hai chị em đứng đùn đẩy nhau trong con ngõ râm mát.

“Em không lấy đâu.” Trần Tụy nhất quyết không chịu nhận.

“Đến trường ăn uống đàng hoàng vào, cứ đói là phải mua mà ăn. Ba cho em được mấy đồng? Em cầm lấy, cầm đi cho chị yên tâm.” Trần Lệ Mai cố nhét tiền vào túi quần Trần Tụy, quần cậu đang mặc là đồ cũ của người ta xin về sửa lại, Trần Tụy gầy quá nên mặc trông cứ thùng thình. Quần có một bên túi, cậu bưng kín mít không nhét vào được.

Trần Lệ Mai đành chịu, cô nhụt chí bảo: “Em không cần thì cầm lấy mua đồ ăn cho bạn trong lớp vậy, ngọt nhạt với chúng nó một tí cho chúng nó đừng đánh em nữa. Miễn sao em tốt nghiệp được.”

Trần Tụy chợt khựng người, Trần Lệ Mai chuyển chủ đề đột ngột quá, lời cô như một cái boomerang róc vào tâm can cậu.

“Ở trường mới… không ai bắt nạt em đâu.” Trần Tụy nói lí nhí, nghe không đáng tin chút nào.

Trần Lệ Mai nói: “Ừ em mới vào thì không có. Nên nhân lúc này em phải cố gắng bắt bạn với chúng nó, không còn trường nào mà chuyển nữa đâu em.”

Trần Tụy cúi đầu, đầu lưỡi cậu mân mê mặt trong hàm răng, ở trường cũ cậu bị đánh rụng hai cái răng hàm, trên bụng cậu còn sẹo vì bị đầu thuốc dụi, mà cậu không chết. Cậu không chết, cậu lại liếm hàm răng mình rồi mỉm cười, nói bằng giọng yếu xìu: “Không chuyển nữa đâu, chắc chắn em sẽ có bằng tốt nghiệp trung học.”

“Cầm đi.” Trần Lệ Mai chùi mắt rồi bước nhanh vượt qua cậu, cô xách túi táo đỏ tươi đưa cho Trần Cương rồi về nhà chồng.

Trần Cương nhìn cái túi Trần Tụy xách trên tay mà không nói gì, chỉ rít cuốn thuốc lá dữ dội hơn trước.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương