REVIEW KIẾM LAI

Review truyện hay

"Thiên đạo sụp đổ. Ta - Trần Bình An - chỉ có một kiếm, nhưng có thể bạt núi, lấp biển, hàng yêu, trấn ma, phong thần, hái sao, cắt sông, phá thành, khai thiên!"

thực sự nói chính xác đây là một tác phẩm hay được đánh giá cao bên Trung, nhưng lại hơi kén người đọc bên mình, nhiều đọc giả bảo cốt truyện lan man khó hiểu, cũng như bộ xích tâm tuần thiên cũng khá nhiều đạo hữu bảo nuốt không trôi trong khi nó lại nắm giữ vị trí top 1 trong thời gian dài. thực ra truyện không kén người đọc, mà chỉ ngại đạo tâm của đọc giả không kiên trì để hái quả ngọt mà thôi. mời các đạo hữu đến với siêu phẩm:

Tên truyện: Kiếm Lai
Tác giả: Phong Hỏa Hí Chư Hầu

Tóm tắt truyện:

Kiếm Lai. Tên truyện không dài dòng, không lan man, không vui, không buồn, không hào quang vạn trượng, không anh dũng đứng trên núi thây biển máu, chỉ có đúng hai chữ: kiếm lai.

Vậy “kiếm lai” có nghĩa là gì? Đơn giản thôi, chỉ là cách mà người ta gọi thanh phi kiếm bay tới bên mình: “Kiếm! Lai!”

Tên của nhân vật chính trong truyện cũng bình dị không kém: Trần Bình An. Y sinh ra trong cảnh bần hàn, vừa mới năm tuổi thì cha bị người hại chết, mẹ cũng vì vậy mà lâm bệnh nặng qua đời. Trần Bình An trở thành thằng nhóc mồ côi lăn lộn trong xóm nghèo. Người ngợm đen nhẻm, mặt mày thì chẳng có gì đáng để khen. Lớn lên một chút thì y chui đầu vào lò gốm để học việc, nhưng tư chất tầm thường nên làm lụng quần quật ba năm trời cũng chỉ bằng người khác bỏ công ra học nửa năm. Tên của y vốn là Bình An, nhưng sự đời chẳng cho y chút bình an nào. Một ngày đẹp trời nọ, triều đình bỗng ra lệnh đóng cửa toàn bộ lò gốm trong khu vực khiến Trần Bình An tiếp tục rơi vào cảnh bữa no bữa đói, sống lay lắt cho qua ngày.

Tuy Trần Bình An phận xấu, vẻ ngoài xấu, nhưng lòng đối đãi với người thì rất tốt. Ninh Diêu vốn là người dưng bị thương sắp chết được một đạo sĩ đưa tới trước cổng nhà nhờ giúp, thế nhưng y vẫn dốc lòng bỏ tiền mua thuốc cứu chữa. Trần Bình An nhà nghèo, nửa đêm ra suối nhặt đá về bán, bắt cá về làm thức ăn thì gặp Nguyễn Tú ngồi ăn vụng. Nguyễn Tú thấy Trần Bình An bắt cá giỏi thì muốn vài con, Trần Bình An cũng bằng lòng cho luôn chứ không nề hà gì. Lưu Tiễn Dương cũng là một đứa trẻ mồ côi, nhưng được cái thông minh sáng sủa, hoạt bát nhanh nhẹn, lại hay trêu chọc Trần Bình An nhưng y không đem lòng ghen tị. Về sau Lưu Tiễn Dương vì không chịu giao ra bảo bối gia truyền nên bị người ta đánh suýt bỏ mạng. Trần Bình An không nói không rằng bèn cùng với Ninh Diêu đuổi theo báo thù, dù biết là sẽ thua nhưng vẫn kéo cho đối thủ mất 80 năm thọ nguyên ...

Ủa chỉ có vậy thôi thì truyện có gì hay đâu? Xin thưa đúng là như vậy. Một cây làm chẳng nên non, huống gì một mình Trần Bình An cẳng tay cẳng chân gầy đét như ... cây củi khô! Kiếm Lai trầm lắng là bởi mỗi một nhân vật đều có những mẩu chuyện riêng về cuộc đời của họ, có những tính toán riêng cho bản thân và cho tương lai của chính mình. Trần Bình An thì đã sao? Chỉ là một người họ có duyên gặp mặt như bao người khác mà thôi. Tống Tập Tân cả đời nhàn nhã, không bao giờ lo tới tiền bạc nhưng vẫn mang nỗi đau vì phận con rơi con rớt của mình; Lưu Tiễn Dương vì muốn giữ lời hứa với người ông trước khi lâm chung, không đồng ý bán bảo bối gia truyền nên bị đánh nát lồng ngực; Tề Tĩnh Xuân sáu mươi năm gõ đầu trẻ, đến lúc cuối đời dù bị chặt tay, thân thể nát bươm như đồ sứ vỡ vụn nhưng vẫn mỉm cười ra đi thanh thản vì ông đã bảo vệ được người dân trong trấn nhỏ.

Nhắc tới đồ sứ, tác giả đã dùng một khái niệm khiến người đọc phải lạnh người: đồ sứ bản mệnh. Vậy thế nào là đồ sứ bản mệnh? Xin trích đoạn đối thoại giữa hai nhân vật Trần Tùng Phong và Lưu Bá Kiều:

“Hàng năm, thị trấn nhỏ có khoảng 30 đứa bé ra đời, ứng với 30 lò gốm ngự được sắp xếp theo cấp bậc thứ hạng. Mỗi đứa bé được xem như một món đồ sứ của mỗi lò. Ví dụ, nếu có năm trấn nhỏ có 32 đứa bé thì lò gốm ngự của các cấp bậc đứng đầu sẽ được nhận thêm một món đồ sứ cho mỗi lò. Nếu sang năm chỉ có 29 đứa bé thì cấp bậc xếp cuối sẽ phải đóng cửa lò cho đến hết năm.”

“Phàm là trẻ con sinh ra tại trấn nhỏ đều có một món đồ sứ bản mệnh. Hai người nổi tiếng ở châu ta là Tào Hi và Tạ Thực cũng không ngoại lệ. Một vị có hi vọng trở thành Chân Quân đạo giáo, vị kia thì là kiếm tiên dã tu có sát lực gần như bất tận. Tuy tiểu trấn này như cái ao nhỏ dễ dàng sinh ra giao long, nhưng muốn hóa rồng thì phải trả một cái giá cực lớn. Nếu có thể đạt tới Ngũ Cảnh thì thôi, nếu không đạt tới Ngũ Cảnh thì nhất định sẽ hồn phi phách tán, đời đời kiếp kiếp thế là chấm hết.”

“Tôi biết tương tự như giới tu hành chúng ta, lúc bé gái trong trấn nhỏ 6 tuổi, bé trai 9 tuổi thì sẽ chạm đến cánh cổng lớn đầu tiên. Người ta dựa vào đó mà xác định thành tựu tu hành trong tương lai cao thấp ra sao. Những đứa bé trong người mang đại đạo đều được người mua sứ mang đi, vậy thì ... những đồ sứ không đạt chuẩn thì sao? Bọn nhỏ bị chừa lại trong trấn nhỏ và đồ sứ bản mệnh giá trị thấp của chúng nó sẽ được xử lý như thế nào?”

Trần Tùng Phong khẽ nói: “Sau khi đồ sứ được lấy khỏi lò sẽ bị đập nát tại chỗ và vứt vào núi sứ ở gần trấn.”

Lưu Bá Kiều trong lòng bắt đầu khó chịu, gặng hỏi: “Còn số phận của bọn nhỏ?”

Trần Tùng Phong lắc đầu: “Chưa từng nghe qua, nhưng có lẽ sẽ không khá khẩm hơn đống sứ nát đó đâu.”

Vậy đấy, những đứa bé sinh ra trong trấn nhỏ đều bị người ta xem như một món hàng để đặt mua từ lúc trước khi lọt lòng mẹ. Sau khi chúng lớn lên, nếu đủ tiêu chuẩn thì cả đời bị mang đi sử dụng như con rối vì đồ sứ bản mệnh nằm trong tay người khác; còn nếu không đủ tiêu chuẩn thì càng bi thảm hơn, bị vứt lăn lóc như hàng phế thải rồi sống lay lắt qua ngày cho đến chết. Ngay cả khi chết rồi cũng không được siêu sinh hay đầu thai. Chết là chấm hết. Sống thì không khác gì mấy con tốt thí sang sông. Điều càng khiến người đọc khiếp đảm hơn nữa chính là quy trình này đã hoạt động liên tục đến tận 3000 năm! Vì sao không ai đứng ra ngăn cản? Xin thưa, sau khi các Thánh nhân ba nhà Phật, Nho, Đạo giết và trấn áp con chân long cuối cùng trên thế gian thì đặt ra cái quy trình chế tạo gốm sứ bản mệnh đế sử dụng nốt phần khí vận còn sót lại của con rồng. Người than thở thì nhiều, nhưng kẻ dám đứng ra chống đối thì không có bao nhiêu.

Cái trấn bình dị Trần Bình An sinh ra và lớn lên vốn có lai lịch như thế đấy. Lò gốm Trần Bình An cố công học tập nhiều năm có mục đích như thế đấy. Những vị khách đến từ ngoài trấn, những chuyện lạ xảy ra trong trấn và những con người sinh sống tại trấn thoạt nhìn thì cực kì bình thường, sau đó lại được tác giả tài tình vén từng bức màn lên qua các góc nhìn từ những mảnh đời khác nhau trong trấn nhỏ, lần lượt bày ra những kế hoạch và những âm mưu được ẩn giấu ghê gớm khiến người đọc ghê tởm, phẫn uất lẫn thương cảm.

Kiếm Lai là thế đấy: không dài dòng, không lan man, không vui, không buồn. Có phải chẳng là vì kiếm vô tình, hay là vì 8000 năm chứng kiến nhân tình thế thái nên đã chết lặng, cho đến lúc gặp Trần Bình An thì mới cùng phát thệ với y rằng: "Thiên đạo sụp đổ. Ta - Trần Bình An - chỉ có một kiếm, nhưng có thể bạt núi, lấp biển, hàng yêu, trấn ma, phong thần, hái sao, cắt sông, phá thành, khai thiên!"

Bài đọc nhiều nhất

Lên đầu trang