Đang chông chênh trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Katherine Solomon bỗng giật nảy mình vì dư chấn của một tiếng nổ nhức óc đinh tai.

Lát sau, mùi khói thoảng đến.

Tai cô vẫn còn ong ong.

Có tiếng nói loáng thoáng. Ở phía xa. Tiếng gọi nhau. Tiếng bước chân. Bỗng đâu hô hấp của cô thông suốt. Mảnh vải nhét miệng đã được kéo ra.

- Cô an toàn rồi, - một giọng đàn ông thì thầm - Cứ nằm yên.

Anh ta không rút ngay cây kim ra khỏi tay Katherine như cô tưởng, thay vào đó lại lớn tiếng ra lệnh:

- Mang hộp cứu thương đến đây… tiếp ngay một túi truyền dịch vào cây kim… truyền luôn dung dịch Ringer nhé… đo huyết áp cho tôi.

Sau đó anh ta bắt đầu xem xét mạch đập, thân nhiệt, hô hấp… của Katherine, và hỏi:

- Cô Solomon, kẻ làm thế này với cô… hắn đi đâu rồi?

Katherinecố cất tiếng, nhưng không sao bật thành lời.

- Cô Solomon? - người nọ lặp lại - Hắn đi đâu rồi?

Katherine gắng mở to mắt, nhưng cảm thấy mình đang chết dần.

- Chúng tôi cần biết hắn đi đâu, - người nọ thúc giục.

Katherine thì thầm ba từ, dù biết là vô tác dụng.

- Ngọn… núi… thiêng.

Giám đốc Sato bước qua cánh cửa sắt nham nhở, theo lối dốc bằng gỗ đi xuống tầng hầm bí mật. Tới chân dốc bà gặp một đặc vụ.

- Thưa giám đốc, tôi nghĩ bà muốn xem thứ này.

Sato theo chân người đặc vụ vào căn phòng nhỏ nằm bên hành lang hẹp. Căn phòng sáng trưng và trống trải, chỉ có một đống quần áo trên sàn. Sato nhận ra chiếc áo khoác và đôi giày của Robert Langdon.

Đặc vụ trỏ một cái hòm lớn trông y như quan tài ở bức tường phía xa.

Cái quái gì thế không biết?

Sato tiến về phía cái hòm, nhận ra nó gắn với một đường ống nhựa trong suốt chạy xuyên qua tường. Rất thận trọng, bà bước lại gần.

Trên mặt hòm có lắp nắp trượt. Sato cúi xuống đẩy cái nắp sang bên, một ô cửa nhỏ lộ ra.

Bà giật mình nhảy lui.

Bên dưới lớp kính Plexiglas… lập lờ khuôn mặt vô hồn của giáo sư Robert Langdon.

° ° °

Ánh sáng.

Đang lơ lửng trong khoảng không vô định, Langdon chợt thấy quanh mình ngập đầy ánh nắng chói chang. Những tia sáng nóng sực xé tan màn tối, xuyên thẳng vào tâm trí anh.

Ánh sáng tuôn chảy khắp mọi nơi.

Từ đám mây rạng rỡ trước mặt thình lình hiện ra một bóng dáng yêu kiều. Một dung nhan… lờ mờ và nhoà nhạt… đôi mắt đăm đăm nhìn anh qua khoảng trống giữa hai bên. ánh sáng lóe lên từng chùm quanh dung nhan ấy, Langdon băn khoăn tự hỏi, diện mạo của Chúa đây chăng.

Sato chăm chú ngó xuống hòm, ngẫm nghĩ không hiểu giáo sư Langdon có biết chuyện gì đang xảy ra không. E rằng khó. Bởi mục đích chính của công nghệ này là làm con người mất phương hướng mà.

Hòm tiết chế giác quan xuất hiện vào khoảng những năm 1950 và vẫn là cách giải thoát quen thuộc đối với những nhà thí nghiệm giàu có của Kỷ nguyên Mới. "Trôi nổi", như người ta thường gọi, đem lại một trải nghiệm mang tính tiên nghiệm, một dạng hỗ trợ thiền định giúp làm lắng hoạt động của não bằng cách loại bỏ tất cả những thông tin giác quan nạp vào, từ ánh sáng, âm thanh đến cảm giác, thậm chí là trọng lực. Ở loại hòm kiểu truyền thống, người ta sẽ nằm ngửa trong dung dịch hyperbuoyant saline, giữ mặt cao hơn mặt nước để còn thở.

Tuy nhiên, những năm gần đây, người ta đã đạt được bước tiến nhảy vọt về kỹ thuật chế tạo hòm tiết chế giác quan.

Nhờ perfluorocarbon oxy hoá.

Thường được biết đến với tên gọi Thông hơi lỏng toàn diện (TLV), công nghệ mới mẻ này có tính chất phản trực giác đến mức khó tin.

Chất lỏng thở được.

Thở trong chất lỏng là một thực tế được chứng minh từ năm 1966, khi Leland C. Clark thành công trong việc giữ cho một con chuột sống sót sau vài giờ bị dìm vào dung dịch perfluorocarbon oxy hoá.

Năm 1989, công nghệ TLV xuất hiện đầy ấn tượng trong bộ phim Vực thẳm, mặc dù rất ít khán giả nhận ra rằng họ đang chứng kiến một thành tựu khoa học thật sự.

Phương pháp Thông hơi lỏng toàn diện ra đời nhờ những cố gắng của y học hiện đại nhằm giúp trẻ sơ sinh thiếu tháng hô hấp bằng cách trả chúng về với môi trường tương tự tử cung. Phổi con người phải ở trong tử cung chín tháng, nên đã quen thuộc với môi trường chất lỏng. Trước đây, perfluorocarbon quá đặc khiến việc hô hấp khá chật vật, nhưng những đột phá hiện đại làm nó gần như giống hệt nước.

Ban giám đốc Khoa học Công nghệ của CIA - mà giới tình báo thường gọi là "những thầy phù thuỷ Langley" - đã tiến hành vô vàn thí nghiệm với perfluorocarbon oxy hoá để phát triển công nghệ cho quân đội Hoa Kỳ. Các nhóm lặn sâu của hải quân thấy rằng khi thở bằng chất lỏng oxy hoá thay cho heliox hoặc trimix thông thường thì họ có khả năng lặn ở độ sâu lớn hơn mà không gặp nguy cơ tai biến do áp suất. Tương tự, NASA và lực lượng không quân thừa nhận các phi công được trang bị thiết bị thở chất lỏng thay cho bình oxy truyền thống có thể trụ vững trước các lực G 1 tốt hơn bởi chất lỏng lan toả lực G qua các cơ quan nội tạng đồng đều hơn chất khí.

Sato cũng biết nhiều người tự lập "phòng siêu thí nghiệm" để dùng thử bể Thông hơi lỏng toàn diện mà họ gọi là "những cỗ máy thiền định". Cái hòm này có lẽ được lắp đặt cho mục đích nghiên cứu riêng của chủ nhân, song đám chốt khoá nặng nề khiến bà ngờ rằng nó còn phục vụ cho những ứng dụng đen tối khác… chẳng hạn cho thẩm vấn, một kỹ thuật mà CIA khá quen thuộc.

Nhấn nước là kỹ thuật thẩm vấn đầy tai tiếng, nhưng rất hiệu quả bởi nạn nhân thật sự tin rằng mình đang chết đuối. Trong một vài hoạt động mật, người ta sử dụng loại bể tiết chế cảm giác tương tự thế này để tăng hiệu ứng lên nhiều cấp độ mới khủng khiếp hơn, khi bị dìm trong chất lỏng, nạn nhân có thể "chết đuối" theo đúng nghĩa đen. Cơn hoảng loạn đi kèm với cảm giác chết chóc khiến họ không nhận ra rằng chất lỏng mình đang hít thở sền sệt hơn nước. Khi chất lỏng tràn vào phổi, họ thường ngất đi vì sợ, và sau đó tỉnh lại trong trạng thái "bế quan".

Người ta còn trộn các chất gây tê, gây liệt, và ma tuý gây ảo giác vào chất lỏng oxy hoá ấm để khiến tù nhân có cảm giác hồn bất phụ thể. Mặc trí não phát lệnh cử động đi khắp cơ bắp, chân tay cũng không nhúc nhích được. Bản thân trạng thái "chết" đã đủ kinh hãi, nhưng trạng thái mất phương hướng bắt nguồn từ quá trình "tái sinh", cùng với sự hỗ trợ của ánh sáng mạnh, không khí lạnh, và tiếng ồn chói tai, mới thực sự gây thương tổn và đau đớn. Sau vài lần liên tục tái sinh và chết đuối, tù nhân sẽ hoảng loạn đến nỗi không rõ mình còn sống hay đã chết… và anh ta sẵn sàng cung khai mọi điều.

Sato toan đợi y tế đến để đưa Langdon ra, nhưng bà hiểu rằng không còn đủ thời gian nữa. Phải tìm xem người đàn ông này đã biết những gì.

- Tắt hết đèn đi, - bà ra lệnh - Và tìm cho tôi mấy cái chăn.

° ° °

Mặt trời chói loà biến mất.

Gương mặt cũng biến mất.

Bóng tối trở lại, nhưng giờ Langdon nghe thấy tiếng thì thầm văng vẳng lọt qua khoảng không xa xôi hàng bao nhiêu năm ánh sáng.

Những giọng nói nghèn nghẹt… những từ ngữ rắc rối. Có cả những chấn động, cứ như thể thế giới sắp vỡ tung.

Rồi điều đó xảy ra thật: Rất đột ngột, vũ trụ bị xé toang làm đôi. Một vết nứt khổng lồ mở ra một vùng trống rỗng… tựa hồ không gian nứt ngay ở đường phân giới. Một màn sương xam xám tràn qua lỗ hổng, và Langdon nhìn thấy một cảnh tượng hãi hùng. Những bàn tay ở đâu vươn tới, tóm lấy anh, cố gắng lôi anh ra khỏi thế giới của mình.

- Không! Langdon chống cự thật lực, nhưng anh không có tay… không có nắm đấm. Hay là anh có nhỉ? Thình lình, anh cảm thấy cơ thể mình hiện ra trong tâm trí. Da thịt anh đã quay trở lại và đang bị mấy bàn tay mạnh mẽ kia tóm lấy lôi dậy. Không, xin hãy làm ơn!

Nhưng đã quá muộn.

Khi những bàn tay lôi tuột Langdon ra khỏi lỗ hổng. anh thấy ngực đau nhói, phổi như bị nhồi đầy cát. Ngạt thở quá! Bỗng dưng, anh thấy mình nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng và lạnh chưa từng thấy. Ngực anh bị ấn xuống, liên tục, mạnh và đau. Anh đang mửa ra hơi nóng.

Tôi muốn quay trở lại!

Langdon có cảm giác mình là một đứa trẻ vừa sinh ra từ bụng mẹ.

Anh cứ co giật, ho khạc chất lỏng, ngực và cổ nhức buốt, nhức gớm ghê, họng thì bỏng rát. Người ta đang nói chuyện, cố giữ ở mức thì thầm, nhưng nghe vẫn đinh tai nhức óc. Langdon chưa nhìn rõ, chỉ thấy xung quanh toàn những hình thù câm lặng. Da anh tê dại như da chết. Ngực anh bị đè nặng hơn… sức ép. Mình ngạt thở quá!

Langdon khạc thêm một chút chất lỏng. Cơn buồn nôn trào lên, anh cố hít ngược lại. Không khí lạnh theo đó tràn đầy phổi, Langdon tưởng đâu mình là đứa trẻ sơ sinh đang hít lấy hơi thở đầu tiên. Thế giới này thật đau khổ. Anh chỉ muốn quay trở lại nơi anh vừa sinh ra.

Chẳng biết thời gian trôi qua lâu hay chóng, Langdon nhận thấy mình đang nằm nghiêng trên sàn nhà cứng, người quấn trong chăn và khăn bông. Một gương mặt quen thuộc đang nhìn xuống anh… nhưng không còn quầng sáng chói loà nào nữa. Những tiếng lầm rầm xa xăm như cầu kinh vẫn vơ vẩn trong tâm trí anh.

Verbum significatium… Verbum omnificum…

- Giáo sư Langdon, - ai đó thì thào - ông có biết mình đang ở đâu không?

Langdon yếu ớt gật đầu, và vẫn ho sù sụ.

Nhưng quan trọng là, anh bắt đầu thông suốt chuyện gì đã diễn ra tối nay.

--- ------ ------ ------ -------

1 Lực G của một vật là gia tốc của nó so với khi rơi tự do.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương