Biểu Tượng Thất Truyền
-
Chương 1
Chiếc thang máy hiệu Otis chất đầy du khách đang lừ lừ chạy lên trụ phía nam của Tháp Eiffel. Trong cái khoang chật cứng, một doanh nhân khắc khổ vận bộ đồ là phẳng phiu đăm đăm nhìn xuống cậu bé đứng bên cạnh.
- Trông con nhợt nhạt lắm, con trai ạ. Lẽ ra con nên ở lại bên dưới thì hơn.
- Con ổn mà… - cậu bé trả lời, cố gắng kiềm chế nỗi lo lắng của mình - Đến tầng tới, con sẽ ra.
Mình ngạt thở quá.
Người đàn ông cúi xuống gần hơn.
- Ba cứ nghĩ là con đã trị được cái chứng ấy rồi cơ đấy - ông ta âu yếm vuốt má con trai.
Mặc dù xấu hổ vì làm cha thất vọng, cậu bé vẫn không sao xua đi được tiếng ong ong trong tai.
Mình ngạt thở quá. Mình phải thoát ra khỏi cái bao diêm này.
Nhân viên điều khiển thang máy đang cam đoan gì đó về các van đẩy có khớp nối và kết cấu thép. Xa tít phía dưới họ, đường phố Paris toả ra mọi hướng.
Đến kia rồi, cậu bé tự nhủ, nghển cổ nhìn lên chỗ trả khách.
Gắng chịu đứng một chút nữa thôi.
Khi chiếc thang máy rẽ chếch lên khu vực ngắm cảnh phía trên, thân tháp bắt đầu thu hẹp, các thanh giằng đồ sộ của tháp co cụm lại thành một đường hầm thẳng đứng.
- Ba, con không nghĩ…
Đột nhiên, có tiếng ken két vang lên trên đầu họ. Khoang thang máy giật mạnh rồi nghiêng hẳn về một bên. Những sợi cáp sờn bắt đầu quấn lại quanh khoang và quẫy đùng đùng như những con rắn.
- Cậu bé vươn tay về phía cha.
- Ba ơi!
Mắt hai cha con gặp nhau trong một giây kinh hoàng.
Rồi đáy thang máy bung ra.
° ° °
Robert Langdon vùng dậy trên chiếc ghế da mềm, choàng tỉnh khỏi giấc mơ chập chờn. Chỉ có mình anh trong khoang hành khách rộng rãi. Chiếc phản lực Falcon 2000EX đang xóc nảy do thời tiết xấu, dưới bụng nó, động cơ đôi Pratt & Whitney vẫn kêu đều đều.
- Thưa ông Langdon? - tiếng điện đàm vang lên loạt xoạt trên trần - Chúng ta đã đến chặng cuối.
Langdon ngồi thẳng dậy và nhét gọn tập bài giảng vào cặp da.
Anh đã rơi vào trạng thái mơ màng đúng lúc đang xem dở phần biểu tượng của Hội Tam điểm. Langdon ngờ rằng chính lời mời bất ngờ lúc sáng ngày của Peter Solomon đã khơi gợi giấc mơ ban nãy về người cha quá cố của anh.
Peter Solomon từng là thầy hướng dẫn của Langdon trong một thời gian dài. Là người thứ hai mình không bao giờ muốn làm thất vọng.
Nhà phúc thiện, sử gia kiêm khoa học gia 58 tuổi ấy đã che chở Langdon gần ba mươi năm về trước, và bằng nhiều cách đã lấp đầy khoảng trống do cái chết của cha anh để lại. Mặc dù giàu sang tột đỉnh và xuất thân từ một gia tộc nhiều thế lực. Solomon vẫn rất khiêm nhường và nồng hậu, như Langdon nhận thấy qua đôi mắt xám dịu dàng của ông.
Bên ngoài cửa sổ, mặt trời đã lặn, nhưng Langdon vẫn phân biệt được đường nét thanh mảnh của tháp tưởng niệm lớn nhất thế giới đang vươn lên phía chân trời như kim chỉ giờ của một chiếc đồng hồ mặt trời cổ xưa. Tháp tưởng niệm lát đá cẩm thạch cao 170 mét này là tiêu điểm ở trái tim của cả liên bang. Từ ngọn tháp ấy toả rộng ra các hướng là tấm hình hoạ chi tiết vô vàn đường phố và tượng đài.
Ở Washington D.C., chỉ không khí thôi đã toát ra một sức mạnh gần như huyền bí.
Langdon rất yêu thành phố này. Khi máy bay tiếp đất, niềm hưng phấn về những điều sắp tới bỗng trào dâng trong anh. Máy bay lướt đến một nhà ga riêng ở khu vực nào đó trong khuôn viên mênh mông của sân bay quốc tế Dulles rồi dừng hẳn lại.
Langdon thu thập hành lý, cảm ơn phi hành đoàn và rời khỏi chiếc máy bay sang trọng. Anh bước ra cầu thang gấp, cảm giác thật thoải mái trong làn không khí lạnh giá tháng Giêng.
Hít thở đi! Robert, Langdon nghĩ thầm và khoan khoái tận hưởng không gian thoáng đãng.
Sương trắng trải khắp đường băng. Langdon bước xuống nền nhựa mù sương mà tưởng như mình đang tiến vào một khu đầm lầy.
- Xin chào! Xin chào! - ai đó cất tiếng gọi từ bên kia đường băng, giọng Ăng-lê đơn điệu - Giáo sư Langdon phải không ạ?
Langdon trông lên. Một phụ nữ trung tuổi đeo phù hiệu và cầm cặp hồ sơ đang vội vã tiến lại phía anh, mái tóc vàng loăn quăn xòe ra dưới chiếc mũ len rất kiểu cách. Langdon tới gần, người phụ nữ hân hoan vẫy tay.
- Chào mừng ông tới Washington!
- Cảm ơn cô - Langdon mỉm cười.
- Tôi là Pam, thuộc tổ dịch vụ hành khách - Người phụ nữ nói với vẻ hồ hởi không giấu giếm - Mời ông đi theo tôi, xe của ông đang đợi sẵn.
Langdon băng qua đường, theo người phụ nữ đi về phía bãi chờ xe, quanh đấy la liệt những chiếc phi cơ riêng bóng lộn. Chỗ đậu taxi của đám người giàu có và nổi tiếng.
- Tôi thật không muốn làm phiền ông, thưa Giáo sư, - người phụ nữ nói, nghe có phần bẽn lẽn - nhưng ông chính là Robert Langdon, từng viết nhiều cuốn sách về các biểu tượng và tôn giáo, phải không ạ?
Langdon lưỡng lự đôi chút rồi gật đầu.
- Tôi đoán chẳng sai mà! - Pam nói, vẻ rạng rỡ - Nhóm đọc sách của tôi đã đọc cuốn sách về tính nữ thiêng liêng và nhà thờ của ông đấy! Cuốn sách đã làm dấy lên vô khối điều tiếng! Ông thích vẽ đường cho hươu chạy thật!
Langdon mỉm cười.
- Tôi không định gây ra tai tiếng gì đâu.
Dường như cảm nhận được rằng Langdon không có hứng thảo luận về tác phẩm của mình, người phụ nữ bèn nói:
- Xin lỗi vì đã bắt ông nghe những lời huyên thuyên. Tôi biết, chắc ông phát mệt vì cứ bị người ta nhận ra… nhưng đó là lỗi của chính ông - Pam hài hước ra dấu về phục sức của Langdon - Bộ đồng phục này tố cáo ông đấy.
Đồng phục này ư? Langdon liếc xuống quần áo của mình. Anh đang mặc chiếc áo len cổ lọ màu than mọi khi, cùng với áo khoác tuýt hiệu Harris, quần ka ki và đôi giày lười da mềm mà các sinh viên hay mang… chính là kiểu phục trang chuẩn mực của anh khi lên lớp, đi lưu giảng, chụp ảnh tác giả sách hay tham gia các hoạt động xã hội.
Người phụ nữ bật cười:
- Cái áo len cổ lọ quá lỗi mốt rồi. Trông ông sẽ bảnh bao hơn nếu đeo cà vạt!
Không đời nào, Langdon nghĩ bụng. Khác gì mấy cái thòng lọng.
Thời Langdon còn ở Học viện Phillips Exeter, nhà trường yêu cầu sinh viên phải đeo cà vạt sáu ngày một tuần và mặc dù ông hiệu trưởng lý giải rất lãng mạn rằng cà vạt có nguồn gốc từ thời các nhà hùng biện La Mã quàng lụa fascalia để giữ ấm dây thanh quản, nhưng Langdon thừa biết, về mặt từ nguyên, tiền thân của cà vạt là thứ khăn quàng cổ thắt nút mà một nhóm lính đánh thuê hung bạo người "Croat" thường đeo khi lâm trận. Ngày nay, các chiến binh văn phòng hiện đại đeo loại phụ kiện cổ xưa này với hy vọng đe doạ kẻ thù của họ trong các trận chiến họp hành thường nhật.
- Rất cảm ơn lời khuyên của cô - Langdon nói và cười khùng khục - Sắp tới tôi sẽ tìm một chiếc cà vạt vậy.
Bấy giờ, một người đàn ông trông rất chuyên nghiệp vận bộ đồ sẫm màu chui ra khỏi chiếc Lincoln Town Car bóng loáng đỗ gần nhà ga và giơ ngón tay lên.
- Ông Langdon phải không? Tôi là Chárles, hãng xe Beltway Limousine - Anh ta mở cửa bên - Chúc ông một buổi tối tốt lành. Chào mừng ông tới Washington.
Langdon đưa tiền boa cho Pam để cảm ơn thái độ niềm nở của cô rồi bước lên khoang xe sang trọng của chiếc Town Car. Người lái xe chỉ cho anh bảng điều khiển nhiệt độ, nước đóng chai, và giỏ bánh xốp nướng còn nóng hổi. Mấy giây sau, Langdon đã lao vun vút trên một tuyến đường riêng. Ra là giới thương lưu người ta sống kiểu này đây.
Khi lái xe vào đường Windsock, người tài xế kiểm tra lại tên hành khách của mình rồi gọi một cú điện ngắn.
- Beltway Limousine đây, - anh ta nói với giọng rất chuyên nghiệp - Tôi được yêu cầu xác nhận khi hành khách tới nơi - anh ta ngừng lại - Vâng, thưa ngài. Ông Langdon khách của ngài đã đến. Tôi sẽ đưa ông ấy tới nhà Quốc hội lúc 7 giờ tối. Rất hân hạnh, thưa ngài - anh ta gác máy.
Langdon mỉm cười. Không thể chê vào đâu được. Chú ý đến từng chi tiết là một trong những tư chất đáng nói nhất của Peter Solomon, nhờ nó mà ông dễ dàng điều khiển được quyền lực lớn lao của mình.
Vài tỷ đô la trong nhà băng cũng chẳng nhằm nhò gì.
Langdon ổn định tư thế trong chiếc ghế da sang trọng và nhắm mắt lại trong khi tiếng ồn ào của sân bay loãng dần phía sau. Còn nửa tiếng đồng hồ đi xe nữa mới đến toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ, và anh rất mừng vì được tự do trong khoảng thời gian ấy để sắp xếp lại những suy nghĩ của mình. Ngày hôm nay, mọi chuyện diễn ra quá nhanh, tới giờ Langdon mới rảnh trí để suy nghĩ một cách nghiêm túc về buổi tối lạ lùng đang chờ đợi mình.
Xuất hiện dưới lốt bí mật. Langdon nghĩ, thích thú với viễn cảnh đó.
Cách toà nhà Quốc hội mười dặm, có một nhân vật đang sốt ruột chuẩn bị để đón tiếp anh.
- Trông con nhợt nhạt lắm, con trai ạ. Lẽ ra con nên ở lại bên dưới thì hơn.
- Con ổn mà… - cậu bé trả lời, cố gắng kiềm chế nỗi lo lắng của mình - Đến tầng tới, con sẽ ra.
Mình ngạt thở quá.
Người đàn ông cúi xuống gần hơn.
- Ba cứ nghĩ là con đã trị được cái chứng ấy rồi cơ đấy - ông ta âu yếm vuốt má con trai.
Mặc dù xấu hổ vì làm cha thất vọng, cậu bé vẫn không sao xua đi được tiếng ong ong trong tai.
Mình ngạt thở quá. Mình phải thoát ra khỏi cái bao diêm này.
Nhân viên điều khiển thang máy đang cam đoan gì đó về các van đẩy có khớp nối và kết cấu thép. Xa tít phía dưới họ, đường phố Paris toả ra mọi hướng.
Đến kia rồi, cậu bé tự nhủ, nghển cổ nhìn lên chỗ trả khách.
Gắng chịu đứng một chút nữa thôi.
Khi chiếc thang máy rẽ chếch lên khu vực ngắm cảnh phía trên, thân tháp bắt đầu thu hẹp, các thanh giằng đồ sộ của tháp co cụm lại thành một đường hầm thẳng đứng.
- Ba, con không nghĩ…
Đột nhiên, có tiếng ken két vang lên trên đầu họ. Khoang thang máy giật mạnh rồi nghiêng hẳn về một bên. Những sợi cáp sờn bắt đầu quấn lại quanh khoang và quẫy đùng đùng như những con rắn.
- Cậu bé vươn tay về phía cha.
- Ba ơi!
Mắt hai cha con gặp nhau trong một giây kinh hoàng.
Rồi đáy thang máy bung ra.
° ° °
Robert Langdon vùng dậy trên chiếc ghế da mềm, choàng tỉnh khỏi giấc mơ chập chờn. Chỉ có mình anh trong khoang hành khách rộng rãi. Chiếc phản lực Falcon 2000EX đang xóc nảy do thời tiết xấu, dưới bụng nó, động cơ đôi Pratt & Whitney vẫn kêu đều đều.
- Thưa ông Langdon? - tiếng điện đàm vang lên loạt xoạt trên trần - Chúng ta đã đến chặng cuối.
Langdon ngồi thẳng dậy và nhét gọn tập bài giảng vào cặp da.
Anh đã rơi vào trạng thái mơ màng đúng lúc đang xem dở phần biểu tượng của Hội Tam điểm. Langdon ngờ rằng chính lời mời bất ngờ lúc sáng ngày của Peter Solomon đã khơi gợi giấc mơ ban nãy về người cha quá cố của anh.
Peter Solomon từng là thầy hướng dẫn của Langdon trong một thời gian dài. Là người thứ hai mình không bao giờ muốn làm thất vọng.
Nhà phúc thiện, sử gia kiêm khoa học gia 58 tuổi ấy đã che chở Langdon gần ba mươi năm về trước, và bằng nhiều cách đã lấp đầy khoảng trống do cái chết của cha anh để lại. Mặc dù giàu sang tột đỉnh và xuất thân từ một gia tộc nhiều thế lực. Solomon vẫn rất khiêm nhường và nồng hậu, như Langdon nhận thấy qua đôi mắt xám dịu dàng của ông.
Bên ngoài cửa sổ, mặt trời đã lặn, nhưng Langdon vẫn phân biệt được đường nét thanh mảnh của tháp tưởng niệm lớn nhất thế giới đang vươn lên phía chân trời như kim chỉ giờ của một chiếc đồng hồ mặt trời cổ xưa. Tháp tưởng niệm lát đá cẩm thạch cao 170 mét này là tiêu điểm ở trái tim của cả liên bang. Từ ngọn tháp ấy toả rộng ra các hướng là tấm hình hoạ chi tiết vô vàn đường phố và tượng đài.
Ở Washington D.C., chỉ không khí thôi đã toát ra một sức mạnh gần như huyền bí.
Langdon rất yêu thành phố này. Khi máy bay tiếp đất, niềm hưng phấn về những điều sắp tới bỗng trào dâng trong anh. Máy bay lướt đến một nhà ga riêng ở khu vực nào đó trong khuôn viên mênh mông của sân bay quốc tế Dulles rồi dừng hẳn lại.
Langdon thu thập hành lý, cảm ơn phi hành đoàn và rời khỏi chiếc máy bay sang trọng. Anh bước ra cầu thang gấp, cảm giác thật thoải mái trong làn không khí lạnh giá tháng Giêng.
Hít thở đi! Robert, Langdon nghĩ thầm và khoan khoái tận hưởng không gian thoáng đãng.
Sương trắng trải khắp đường băng. Langdon bước xuống nền nhựa mù sương mà tưởng như mình đang tiến vào một khu đầm lầy.
- Xin chào! Xin chào! - ai đó cất tiếng gọi từ bên kia đường băng, giọng Ăng-lê đơn điệu - Giáo sư Langdon phải không ạ?
Langdon trông lên. Một phụ nữ trung tuổi đeo phù hiệu và cầm cặp hồ sơ đang vội vã tiến lại phía anh, mái tóc vàng loăn quăn xòe ra dưới chiếc mũ len rất kiểu cách. Langdon tới gần, người phụ nữ hân hoan vẫy tay.
- Chào mừng ông tới Washington!
- Cảm ơn cô - Langdon mỉm cười.
- Tôi là Pam, thuộc tổ dịch vụ hành khách - Người phụ nữ nói với vẻ hồ hởi không giấu giếm - Mời ông đi theo tôi, xe của ông đang đợi sẵn.
Langdon băng qua đường, theo người phụ nữ đi về phía bãi chờ xe, quanh đấy la liệt những chiếc phi cơ riêng bóng lộn. Chỗ đậu taxi của đám người giàu có và nổi tiếng.
- Tôi thật không muốn làm phiền ông, thưa Giáo sư, - người phụ nữ nói, nghe có phần bẽn lẽn - nhưng ông chính là Robert Langdon, từng viết nhiều cuốn sách về các biểu tượng và tôn giáo, phải không ạ?
Langdon lưỡng lự đôi chút rồi gật đầu.
- Tôi đoán chẳng sai mà! - Pam nói, vẻ rạng rỡ - Nhóm đọc sách của tôi đã đọc cuốn sách về tính nữ thiêng liêng và nhà thờ của ông đấy! Cuốn sách đã làm dấy lên vô khối điều tiếng! Ông thích vẽ đường cho hươu chạy thật!
Langdon mỉm cười.
- Tôi không định gây ra tai tiếng gì đâu.
Dường như cảm nhận được rằng Langdon không có hứng thảo luận về tác phẩm của mình, người phụ nữ bèn nói:
- Xin lỗi vì đã bắt ông nghe những lời huyên thuyên. Tôi biết, chắc ông phát mệt vì cứ bị người ta nhận ra… nhưng đó là lỗi của chính ông - Pam hài hước ra dấu về phục sức của Langdon - Bộ đồng phục này tố cáo ông đấy.
Đồng phục này ư? Langdon liếc xuống quần áo của mình. Anh đang mặc chiếc áo len cổ lọ màu than mọi khi, cùng với áo khoác tuýt hiệu Harris, quần ka ki và đôi giày lười da mềm mà các sinh viên hay mang… chính là kiểu phục trang chuẩn mực của anh khi lên lớp, đi lưu giảng, chụp ảnh tác giả sách hay tham gia các hoạt động xã hội.
Người phụ nữ bật cười:
- Cái áo len cổ lọ quá lỗi mốt rồi. Trông ông sẽ bảnh bao hơn nếu đeo cà vạt!
Không đời nào, Langdon nghĩ bụng. Khác gì mấy cái thòng lọng.
Thời Langdon còn ở Học viện Phillips Exeter, nhà trường yêu cầu sinh viên phải đeo cà vạt sáu ngày một tuần và mặc dù ông hiệu trưởng lý giải rất lãng mạn rằng cà vạt có nguồn gốc từ thời các nhà hùng biện La Mã quàng lụa fascalia để giữ ấm dây thanh quản, nhưng Langdon thừa biết, về mặt từ nguyên, tiền thân của cà vạt là thứ khăn quàng cổ thắt nút mà một nhóm lính đánh thuê hung bạo người "Croat" thường đeo khi lâm trận. Ngày nay, các chiến binh văn phòng hiện đại đeo loại phụ kiện cổ xưa này với hy vọng đe doạ kẻ thù của họ trong các trận chiến họp hành thường nhật.
- Rất cảm ơn lời khuyên của cô - Langdon nói và cười khùng khục - Sắp tới tôi sẽ tìm một chiếc cà vạt vậy.
Bấy giờ, một người đàn ông trông rất chuyên nghiệp vận bộ đồ sẫm màu chui ra khỏi chiếc Lincoln Town Car bóng loáng đỗ gần nhà ga và giơ ngón tay lên.
- Ông Langdon phải không? Tôi là Chárles, hãng xe Beltway Limousine - Anh ta mở cửa bên - Chúc ông một buổi tối tốt lành. Chào mừng ông tới Washington.
Langdon đưa tiền boa cho Pam để cảm ơn thái độ niềm nở của cô rồi bước lên khoang xe sang trọng của chiếc Town Car. Người lái xe chỉ cho anh bảng điều khiển nhiệt độ, nước đóng chai, và giỏ bánh xốp nướng còn nóng hổi. Mấy giây sau, Langdon đã lao vun vút trên một tuyến đường riêng. Ra là giới thương lưu người ta sống kiểu này đây.
Khi lái xe vào đường Windsock, người tài xế kiểm tra lại tên hành khách của mình rồi gọi một cú điện ngắn.
- Beltway Limousine đây, - anh ta nói với giọng rất chuyên nghiệp - Tôi được yêu cầu xác nhận khi hành khách tới nơi - anh ta ngừng lại - Vâng, thưa ngài. Ông Langdon khách của ngài đã đến. Tôi sẽ đưa ông ấy tới nhà Quốc hội lúc 7 giờ tối. Rất hân hạnh, thưa ngài - anh ta gác máy.
Langdon mỉm cười. Không thể chê vào đâu được. Chú ý đến từng chi tiết là một trong những tư chất đáng nói nhất của Peter Solomon, nhờ nó mà ông dễ dàng điều khiển được quyền lực lớn lao của mình.
Vài tỷ đô la trong nhà băng cũng chẳng nhằm nhò gì.
Langdon ổn định tư thế trong chiếc ghế da sang trọng và nhắm mắt lại trong khi tiếng ồn ào của sân bay loãng dần phía sau. Còn nửa tiếng đồng hồ đi xe nữa mới đến toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ, và anh rất mừng vì được tự do trong khoảng thời gian ấy để sắp xếp lại những suy nghĩ của mình. Ngày hôm nay, mọi chuyện diễn ra quá nhanh, tới giờ Langdon mới rảnh trí để suy nghĩ một cách nghiêm túc về buổi tối lạ lùng đang chờ đợi mình.
Xuất hiện dưới lốt bí mật. Langdon nghĩ, thích thú với viễn cảnh đó.
Cách toà nhà Quốc hội mười dặm, có một nhân vật đang sốt ruột chuẩn bị để đón tiếp anh.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook