Bí Thư Tỉnh Ủy
-
Quyển 4 - Chương 134
Hội trường tỉnh ủy có chừng bốn mươi người gồm các tỉnh ủy viên và các cán bộ đầu ngành của tỉnh đang ngồi im phăng phắc nghe ông Trung Chính nói chuyện.
Cách hàng ghế đầu tiên chừng vài mét, chiếc máy ghi âm của Đức chế tạo to gần bằng nửa chiếc va-li chạy bằng băng cối quay chầm chậm. Hai bên tường hội trường hai chiếc loa sắt phát ra thứ âm thanh choe chóe như muốn xé màng nhĩ người nghe.
Đình ngồi ở hàng ghế đầu cùng với Ban thường vụ, thỉnh thoảng lại chạy tới nhìn vào cái băng của chiếc máy ghi âm đang quay. Sau đó bảo Văn, nhân viên của Ban tuyên huấn là người chịu trách nhiệm ghi âm:
- Cậu nhớ chú ý đấy nhé, không được để máy bỏ sót một chữ nào.
- Thủ trưởng nói thế nào thì máy ghi thế ấy chứ làm sao mà sót được ạ.
- Thì tớ cứ dặn cậu thế.
Ông Kim thấy thái độ lăng xăng của Đình lấy làm khó chịu bảo:
- Giao việc cho người ta là phải tin vào người ta chứ việc gì cậu cứ chạy lên chạy xuống nhắng lên như vậy.
- Bài nói chuyện của anh Trung Chính cực kỳ quan trọng nên cần phải nhắc nhở anh em chứ để họ ghi sót thì chết.
Sau khi nói khái quát về thành tích của miền Bắc trong thời gian qua, ông Trung Chính đi vào tình hình của tỉnh Phước Vĩnh:
- Phần ưu điểm của tỉnh Phước Vĩnh tôi đã nói chung với phong trào Hợp tác xã trên toàn miền Bắc. Ở đây tôi muốn nói đến phần khuyết điểm, sai lầm để các đồng chí nhận ra và quyết tâm sửa chữa để đưa phong trào Hợp tác xã của tỉnh đi vào đúng quỹ đạo. Thật ra trong công tác quản lí Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp của các đồng chí có nhiều vấn đề cần phải nói, phải bàn. Nhưng tôi chỉ phát biểu ý kiến về công tác ba khoán và quản lí tư liệu sản xuất, nhất là quản lí ruộng đất của các Hợp tác xã ở Phước Vĩnh trong thời gian gần hai năm trở lại đây.
Ông Trung Chính dừng lại cầm cốc nước uống rồi bỏ cốc xuống, rút khăn ra lau mặt và nói tiếp:
- Thực tế khoán hộ của các đồng chí đã thu được những thành công rực rỡ ở những điểm nào? Thứ nhất, bằng cách giao khoán ruộng đất của Hợp tác xã cho hộ, trong một số Hợp tác xã đang diễn ra tình trạng chia lại ruộng đất cho xã viên. Thứ hai, bằng cách khoán sản lượng cho hộ, một số Hợp tác xã đã tự biến mình thành người phát canh thu tô đối với xã viên. Thứ ba, trong nhiều Hợp tác xã phương thức cá thể đang lấn át phương thức sản xuất tập thể. Thứ tư, nhiều Hợp tác xã đường lối và nguyên tắc hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng đã bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Bây giờ tôi xin đi vào phân tích từng điểm một trong chủ trương khoán cho hộ để các đồng chí xem đúng hay sai.
Ông Trung Chính lại dừng để uống nước và rút khăn lau mặt.
Lợi dụng lúc ông Trung Chính ngừng nói, Đình lại chạy lên hỏi Văn:
- Ghi được hết không sót câu nào chứ?
Văn trả lời với thái độ khó chịu:
- Máy vẫn chạy đều, còn ghi đủ hay sót làm sao mà em biết được.
Đình lại lùi về chỗ ngồi của mình.
Ông Trung Chính uống nước xong nói tiếp:
- Một số các đồng chí quan niệm sản xuất theo kiểu nào cũng được, miễn là sản phẩm xã hội tăng, đó không phải quan điểm của giai cấp công nhân và của Đảng. Thật vậy. Trong nông nghiệp của miền Bắc nước ta hiện nay chỉ có hai phương thức sản xuất, sản xuất tập thể và sản xuất cá thể. Sản xuất tập thể thì tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, đời sông nhân dân ấm no, hạnh phúc. Sản xuất cá thể tạo ra nền kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, nền kinh tế này hàng ngày, hàng giờ đẻ ra Chủ nghĩa Tư bản và nếu nó phát triển thì sẽ làm cho đời sống nhân dân lao động không được bảo đảm. Chính vì vậy chúng ta tiếp tục cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp…
Gần như suốt đêm qua ông Kim trằn trọc không sao ngủ được. Giữa đêm dạ dày của ông nhâm nhẩm đau. Bà Lê dậy lấy ca vét cho ông uống nhưng vẫn không thấy cơn đau thuyên giảm. Sáng nay ông chỉ uống cốc sữa rồi đi lên hội trường. Bà Lê thấy ông đau bảo ông không phải đi họp nữa nhưng ông bảo sợ ông Trung Chính cho rằng mình phản ứng với việc ông bị phê phán chiều hôm qua nên kiếm cớ đau để ở nhà. Âm thanh chát chúa của hai chiếc loa sắt thỉnh thoảng vang lên câu hỏi gay gắt: Khoán như thế đúng chưa? Để cho nông dân làm giàu như vậy đã đúng với quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước chưa? cứ như từng mũi kim đâm vào dạ dày ông đau buốt khiến ông phải cúi gập người xuống đưa hai tay ôm lấy bụng để chặn cơn đau. Mặt mày ông dần dần tái mét. Bà Thường nhìn thấy ông Kim đang cúi gập người ôm bụng, hỏi:
- Chú làm sao vậy?
- Bụng đau và cảm giác buồn nôn chị ạ.
Bà Thường hốt hoảng:
- Bỏ mẹ. Không khéo lại chảy máu dạ dày cũng nên. Chú xin phép về nhà nằm nghỉ đi.
- Không có gì đâu. Lát nữa chắc đỡ thôi.
Ông Quốc ngồi cạnh bảo:
- Chị Thường nói đúng đấy. Anh nên về nhà nằm nghỉ và bảo cậu Đô cho gọi bác sĩ đến kiểm tra xem sao. Nếu có hiện tượng chảy máu dạ dày tái phát là phải đi cấp cứu ngay.
Ông Kim cố nhịn đau bảo:
- Không can gì đâu. Tớ đã thấy hơi ổn rồi.
Bên trên, ông Trung Chính vẫn tiếp tục nói:
- Chiều hôm qua tôi làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy và đã chỉ rõ những sai lầm nghiêm trọng mà tỉnh ủy của các đồng chí mắc phải. Tôi đã đề nghị Ban thường vụ nghiêm khắc kiểm điểm trong việc đưa ra Nghị quyết 68. Tôi cũng đã yêu cầu đồng chí Hoàng Kim với vai trò bí thư tỉnh ủy của mình cũng phải chịu trách nhiệm phần lớn trong việc này và cũng yêu cầu đồng chí Hoàng Kim nghiêm khắc kiểm điểm với Ban bí thư Trung ương. Các đồng chí thân mến!…
Ông Kim bỗng nhiên ôm bụng ngồi sụp xuống nền đất. Bà Thường, ông Quốc, ông Dần hốt hoảng chạy đến ngồi xuống cạnh ông Kim. Bà Thường lo lắng hỏi:
- Chú thấy trong người thế nào?
- Tôi thấy bụng đau quá chị ạ.
Ông Kim nói xong ôm bụng, đầu gục xuống, sau đó ông gợn gợn mấy cái trong cổ rồi nôn ra một bãi máu loang đỏ cả nền nhà. Bà Thường hốt hoảng kêu lên:
- Ai chạy đi gọi bác sĩ hộ cho chú Kim với.
Cả hội trường xôn xao. Nhiều người bỏ ghế của mình chạy lên xúm lại đứng bao quanh ông Kim. Ông Trung Chính từ trên bục nói chuyện cũng nhảy xuống hỏi:
- Đồng chí Kim sao vậy?
Ông Quốc đáp:
- Anh ấy lại bị chảy máu dạ dày tái phát anh ạ.
- Phải cho đi cấp cứu ngay. Không nên để chậm trễ.
Cùng lúc bác sĩ Sản, bà Lê và Đô chạy ào vào. Bà Lê gạt mọi người ra rồi ôm lấy ông Kim.
- Khổ thân anh. Đêm qua đã trằn trọc suốt đêm không ngủ. Sáng nay bảo ở nhà nằm nghỉ cũng không chịu nằm. Biết làm sao bây giờ đây.
Sản kéo bà Lê ra:
- Chị ra để cho em xem anh ấy như thế nào.
Sản cầm tay ông Kim xem mạch rồi bảo:
- Mạch yếu lắm. Để tôi tiêm cho bí thư một ống thuốc trợ lực, còn ai đi gọi hộ anh Hành đánh xe chuyển bí thư lên bệnh viện tỉnh cấp cứu ngay. Ai ở gần đây có phích nước sôi xách hộ đến đây cho tôi luộc kim tiêm.
Ông Dần nhảy lên xách cái phích dùng pha nước cho ông Trung Chính đem xuống.
Sản bảo ông Dần:
- Bác cho em mượn luôn cái ca cái cốc gì đó cũng được.
Ông Dần lại nhảy lên lấy luôn cái cốc của ông Trung Chính đưa xuống.
Trong khi bác sĩ Sản tiêm thuốc, ông Trung Chính bảo:
- Để tôi bảo lấy cái xe Mốt-cô-vích của đồng chí trợ lí của tôi chở đồng chí Kim về bệnh viện Việt Xô cho nhanh và đỡ xóc. Chảy máu dạ dày mà xe xóc là hết sức nguy hiểm.
Không ai nói gì về lời đề nghị của ông Trung Chính khiến ông phật ý:
- Vì sao tôi bảo lấy xe trợ lí của tôi chở đồng chí Kim đi cho an toàn mà không ai chịu làm là thế nào?
Ông Kim nói trong cơn đau:
- Không cần đâu. Tôi đi xe com-măng-ca cũng được.
Bà Lê nhìn ông Trung Chính với đôi mắt hằn học, trách móc:
- Anh ban ơn huệ muộn quá. Anh Kim mà có mệnh hệ gì thì mấy mẹ con tôi và bà con cả tỉnh Phước Vĩnh này hận anh suốt đời.
Ông Trung Chính cười thân thiện:
- Cái cô này ăn nói hay nhỉ. Tôi làm gì mà mấy mẹ con cô và bà con Phước Vĩnh hận tôi.
- Làm gì thì anh tự biết.
Ông Kim bước lên xe. Bà Thường bảo ông Quốc:
- Chú Quốc ở nhà tiếp tục công việc để tôi đi cùng cô Lê xuống bệnh viện.
Chi đến cạnh bà Thường bảo:
- Chị cho em đi cùng.
- Thế thì cô ngồi trước. Tôi và cô Lê ngồi sau với chú Kim.
Ông Trung Chính nói với bà Thường:
- Đồng chí Thường cho đưa đồng chí Kim về bệnh viện Việt Xô nhé. Tôi sẽ trực tiếp gọi điện cho bệnh viện trưởng cử các bác sĩ giỏi chăm sóc đồng chí Kim.
- Vâng. Trăm sự nhờ anh.
Xe chạy. Mọi người đứng tần ngần nhìn theo cho đến khi không nhìn thấy mới quay vào hội trường. Đình chen mọi người đến cạnh ông Trung Chính nói xun xoe:
- Bài nói chuyện của anh sâu sắc quá. Ban tuyên huấn chúng tôi đã cho ghi âm lại để sau này soạn thành tài liệu gửi xuống cho cơ sở học tập.
- Thế à – Ông Trung Chính nói gọn lỏn rồi lặng lẽ đi vào hội trường.
Đình chữa ngượng với mọi người bằng cách cúi xuống buộc lại dây giày.
Cách hàng ghế đầu tiên chừng vài mét, chiếc máy ghi âm của Đức chế tạo to gần bằng nửa chiếc va-li chạy bằng băng cối quay chầm chậm. Hai bên tường hội trường hai chiếc loa sắt phát ra thứ âm thanh choe chóe như muốn xé màng nhĩ người nghe.
Đình ngồi ở hàng ghế đầu cùng với Ban thường vụ, thỉnh thoảng lại chạy tới nhìn vào cái băng của chiếc máy ghi âm đang quay. Sau đó bảo Văn, nhân viên của Ban tuyên huấn là người chịu trách nhiệm ghi âm:
- Cậu nhớ chú ý đấy nhé, không được để máy bỏ sót một chữ nào.
- Thủ trưởng nói thế nào thì máy ghi thế ấy chứ làm sao mà sót được ạ.
- Thì tớ cứ dặn cậu thế.
Ông Kim thấy thái độ lăng xăng của Đình lấy làm khó chịu bảo:
- Giao việc cho người ta là phải tin vào người ta chứ việc gì cậu cứ chạy lên chạy xuống nhắng lên như vậy.
- Bài nói chuyện của anh Trung Chính cực kỳ quan trọng nên cần phải nhắc nhở anh em chứ để họ ghi sót thì chết.
Sau khi nói khái quát về thành tích của miền Bắc trong thời gian qua, ông Trung Chính đi vào tình hình của tỉnh Phước Vĩnh:
- Phần ưu điểm của tỉnh Phước Vĩnh tôi đã nói chung với phong trào Hợp tác xã trên toàn miền Bắc. Ở đây tôi muốn nói đến phần khuyết điểm, sai lầm để các đồng chí nhận ra và quyết tâm sửa chữa để đưa phong trào Hợp tác xã của tỉnh đi vào đúng quỹ đạo. Thật ra trong công tác quản lí Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp của các đồng chí có nhiều vấn đề cần phải nói, phải bàn. Nhưng tôi chỉ phát biểu ý kiến về công tác ba khoán và quản lí tư liệu sản xuất, nhất là quản lí ruộng đất của các Hợp tác xã ở Phước Vĩnh trong thời gian gần hai năm trở lại đây.
Ông Trung Chính dừng lại cầm cốc nước uống rồi bỏ cốc xuống, rút khăn ra lau mặt và nói tiếp:
- Thực tế khoán hộ của các đồng chí đã thu được những thành công rực rỡ ở những điểm nào? Thứ nhất, bằng cách giao khoán ruộng đất của Hợp tác xã cho hộ, trong một số Hợp tác xã đang diễn ra tình trạng chia lại ruộng đất cho xã viên. Thứ hai, bằng cách khoán sản lượng cho hộ, một số Hợp tác xã đã tự biến mình thành người phát canh thu tô đối với xã viên. Thứ ba, trong nhiều Hợp tác xã phương thức cá thể đang lấn át phương thức sản xuất tập thể. Thứ tư, nhiều Hợp tác xã đường lối và nguyên tắc hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng đã bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Bây giờ tôi xin đi vào phân tích từng điểm một trong chủ trương khoán cho hộ để các đồng chí xem đúng hay sai.
Ông Trung Chính lại dừng để uống nước và rút khăn lau mặt.
Lợi dụng lúc ông Trung Chính ngừng nói, Đình lại chạy lên hỏi Văn:
- Ghi được hết không sót câu nào chứ?
Văn trả lời với thái độ khó chịu:
- Máy vẫn chạy đều, còn ghi đủ hay sót làm sao mà em biết được.
Đình lại lùi về chỗ ngồi của mình.
Ông Trung Chính uống nước xong nói tiếp:
- Một số các đồng chí quan niệm sản xuất theo kiểu nào cũng được, miễn là sản phẩm xã hội tăng, đó không phải quan điểm của giai cấp công nhân và của Đảng. Thật vậy. Trong nông nghiệp của miền Bắc nước ta hiện nay chỉ có hai phương thức sản xuất, sản xuất tập thể và sản xuất cá thể. Sản xuất tập thể thì tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, đời sông nhân dân ấm no, hạnh phúc. Sản xuất cá thể tạo ra nền kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, nền kinh tế này hàng ngày, hàng giờ đẻ ra Chủ nghĩa Tư bản và nếu nó phát triển thì sẽ làm cho đời sống nhân dân lao động không được bảo đảm. Chính vì vậy chúng ta tiếp tục cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp…
Gần như suốt đêm qua ông Kim trằn trọc không sao ngủ được. Giữa đêm dạ dày của ông nhâm nhẩm đau. Bà Lê dậy lấy ca vét cho ông uống nhưng vẫn không thấy cơn đau thuyên giảm. Sáng nay ông chỉ uống cốc sữa rồi đi lên hội trường. Bà Lê thấy ông đau bảo ông không phải đi họp nữa nhưng ông bảo sợ ông Trung Chính cho rằng mình phản ứng với việc ông bị phê phán chiều hôm qua nên kiếm cớ đau để ở nhà. Âm thanh chát chúa của hai chiếc loa sắt thỉnh thoảng vang lên câu hỏi gay gắt: Khoán như thế đúng chưa? Để cho nông dân làm giàu như vậy đã đúng với quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước chưa? cứ như từng mũi kim đâm vào dạ dày ông đau buốt khiến ông phải cúi gập người xuống đưa hai tay ôm lấy bụng để chặn cơn đau. Mặt mày ông dần dần tái mét. Bà Thường nhìn thấy ông Kim đang cúi gập người ôm bụng, hỏi:
- Chú làm sao vậy?
- Bụng đau và cảm giác buồn nôn chị ạ.
Bà Thường hốt hoảng:
- Bỏ mẹ. Không khéo lại chảy máu dạ dày cũng nên. Chú xin phép về nhà nằm nghỉ đi.
- Không có gì đâu. Lát nữa chắc đỡ thôi.
Ông Quốc ngồi cạnh bảo:
- Chị Thường nói đúng đấy. Anh nên về nhà nằm nghỉ và bảo cậu Đô cho gọi bác sĩ đến kiểm tra xem sao. Nếu có hiện tượng chảy máu dạ dày tái phát là phải đi cấp cứu ngay.
Ông Kim cố nhịn đau bảo:
- Không can gì đâu. Tớ đã thấy hơi ổn rồi.
Bên trên, ông Trung Chính vẫn tiếp tục nói:
- Chiều hôm qua tôi làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy và đã chỉ rõ những sai lầm nghiêm trọng mà tỉnh ủy của các đồng chí mắc phải. Tôi đã đề nghị Ban thường vụ nghiêm khắc kiểm điểm trong việc đưa ra Nghị quyết 68. Tôi cũng đã yêu cầu đồng chí Hoàng Kim với vai trò bí thư tỉnh ủy của mình cũng phải chịu trách nhiệm phần lớn trong việc này và cũng yêu cầu đồng chí Hoàng Kim nghiêm khắc kiểm điểm với Ban bí thư Trung ương. Các đồng chí thân mến!…
Ông Kim bỗng nhiên ôm bụng ngồi sụp xuống nền đất. Bà Thường, ông Quốc, ông Dần hốt hoảng chạy đến ngồi xuống cạnh ông Kim. Bà Thường lo lắng hỏi:
- Chú thấy trong người thế nào?
- Tôi thấy bụng đau quá chị ạ.
Ông Kim nói xong ôm bụng, đầu gục xuống, sau đó ông gợn gợn mấy cái trong cổ rồi nôn ra một bãi máu loang đỏ cả nền nhà. Bà Thường hốt hoảng kêu lên:
- Ai chạy đi gọi bác sĩ hộ cho chú Kim với.
Cả hội trường xôn xao. Nhiều người bỏ ghế của mình chạy lên xúm lại đứng bao quanh ông Kim. Ông Trung Chính từ trên bục nói chuyện cũng nhảy xuống hỏi:
- Đồng chí Kim sao vậy?
Ông Quốc đáp:
- Anh ấy lại bị chảy máu dạ dày tái phát anh ạ.
- Phải cho đi cấp cứu ngay. Không nên để chậm trễ.
Cùng lúc bác sĩ Sản, bà Lê và Đô chạy ào vào. Bà Lê gạt mọi người ra rồi ôm lấy ông Kim.
- Khổ thân anh. Đêm qua đã trằn trọc suốt đêm không ngủ. Sáng nay bảo ở nhà nằm nghỉ cũng không chịu nằm. Biết làm sao bây giờ đây.
Sản kéo bà Lê ra:
- Chị ra để cho em xem anh ấy như thế nào.
Sản cầm tay ông Kim xem mạch rồi bảo:
- Mạch yếu lắm. Để tôi tiêm cho bí thư một ống thuốc trợ lực, còn ai đi gọi hộ anh Hành đánh xe chuyển bí thư lên bệnh viện tỉnh cấp cứu ngay. Ai ở gần đây có phích nước sôi xách hộ đến đây cho tôi luộc kim tiêm.
Ông Dần nhảy lên xách cái phích dùng pha nước cho ông Trung Chính đem xuống.
Sản bảo ông Dần:
- Bác cho em mượn luôn cái ca cái cốc gì đó cũng được.
Ông Dần lại nhảy lên lấy luôn cái cốc của ông Trung Chính đưa xuống.
Trong khi bác sĩ Sản tiêm thuốc, ông Trung Chính bảo:
- Để tôi bảo lấy cái xe Mốt-cô-vích của đồng chí trợ lí của tôi chở đồng chí Kim về bệnh viện Việt Xô cho nhanh và đỡ xóc. Chảy máu dạ dày mà xe xóc là hết sức nguy hiểm.
Không ai nói gì về lời đề nghị của ông Trung Chính khiến ông phật ý:
- Vì sao tôi bảo lấy xe trợ lí của tôi chở đồng chí Kim đi cho an toàn mà không ai chịu làm là thế nào?
Ông Kim nói trong cơn đau:
- Không cần đâu. Tôi đi xe com-măng-ca cũng được.
Bà Lê nhìn ông Trung Chính với đôi mắt hằn học, trách móc:
- Anh ban ơn huệ muộn quá. Anh Kim mà có mệnh hệ gì thì mấy mẹ con tôi và bà con cả tỉnh Phước Vĩnh này hận anh suốt đời.
Ông Trung Chính cười thân thiện:
- Cái cô này ăn nói hay nhỉ. Tôi làm gì mà mấy mẹ con cô và bà con Phước Vĩnh hận tôi.
- Làm gì thì anh tự biết.
Ông Kim bước lên xe. Bà Thường bảo ông Quốc:
- Chú Quốc ở nhà tiếp tục công việc để tôi đi cùng cô Lê xuống bệnh viện.
Chi đến cạnh bà Thường bảo:
- Chị cho em đi cùng.
- Thế thì cô ngồi trước. Tôi và cô Lê ngồi sau với chú Kim.
Ông Trung Chính nói với bà Thường:
- Đồng chí Thường cho đưa đồng chí Kim về bệnh viện Việt Xô nhé. Tôi sẽ trực tiếp gọi điện cho bệnh viện trưởng cử các bác sĩ giỏi chăm sóc đồng chí Kim.
- Vâng. Trăm sự nhờ anh.
Xe chạy. Mọi người đứng tần ngần nhìn theo cho đến khi không nhìn thấy mới quay vào hội trường. Đình chen mọi người đến cạnh ông Trung Chính nói xun xoe:
- Bài nói chuyện của anh sâu sắc quá. Ban tuyên huấn chúng tôi đã cho ghi âm lại để sau này soạn thành tài liệu gửi xuống cho cơ sở học tập.
- Thế à – Ông Trung Chính nói gọn lỏn rồi lặng lẽ đi vào hội trường.
Đình chữa ngượng với mọi người bằng cách cúi xuống buộc lại dây giày.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook