Địch công thẩm vấn cha con Phong Đại

Ông vạch trần chân tướng sự việc

Sau khi Địch công đã uống một vài tách trà, người thư ký già bước vào và thông báo rằng kiệu của Phong Đại đã đến sân trước. Quan án đứng dậy và đi đến gặp Phong Đại cùng cô con gái Bích Ngọc trong hành lang.

- Ta xin lỗi đã làm phiền ông vào giờ giấc muộn như thế này! – ông nói với vẻ ái ngại – Một lần nữa những sự kiện mới lại lôi cuốn sự chú ý của ta. Ta tin tưởng rằng một cuộc thảo luận sẽ làm đơn giản hóa các vấn đề đang cần giải quyết của chúng ta.

Ông dẫn họ vào phòng khách và mời Bích Ngọc ngồi vào một chỗ tại bàn. Mặt Phong Đại dường như không bộc lộ cảm xúc nhưng có một nỗi lo lắng hiện lên trong mắt con gái ông ta. Địch công rót trà cho hai người khách của mình sau đó hỏi Phong Đại:

- Ông có nghe tin chiều hôm nay hai thuộc hạ của ông đã bị một nhóm côn đồ tấn công?

- Tôi có nghe, thưa đại nhân. Cuộc tấn công do một nhóm côn đồ trên sông thực hiện nhằm mục đích trả thù cho ba tên đồng bọn của chúng đã bị giết chết bởi những bộ đầu đặc biệt của tôi trong thời gian gần đây trong lúc đánh bọn cướp. Tôi rất tiếc là thuộc hạ của đại nhân cũng bị tấn công.

- Anh ta không quan tâm điều đó đâu, đó là chuyện xảy ra như cơm bữa đối với anh ta. Thậm chí anh ta còn thích thú với những chuyện như vậy.

Quay sang cô gái, ông hỏi:

- Cô có thể nói cho ta biết làm thế nào mà cô có thể vào căn phòng này vào đêm đó?

Cô gái liếc nhanh vào cánh cửa hiên đóng kín.

- Tôi sẽ chỉ cho ngài – cô vừa nói vừa đứng lên.

Quan án đứng lên và nắm lấy tay cô khi cô định bước đến cánh cửa. Ông nói:

- Đừng bận tâm! Cô nói rằng cô đã đi ngang qua công viên, như vậy là cô đi vào hàng hiên bằng bậc thang lớn ở giữa, ta nghĩ thế?

- Đúng thế!

Sau đó cô cắn môi khi nhìn thấy khuôn mặt của cha cô bỗng dưng tái xanh.

- Đúng như những gì ta đã nghĩ! – Địch công nghiêm khắc nói – Chúng ta hãy dừng câu chuyện nhảm nhí này tại đây. Các dấu chân chỉ có ở bên phải và bên trái hành lang. Cô chưa bao giờ có mặt tại đây, cô gái trẻ. Chiều nay, khi ta bắt đầu đặt câu hỏi với cha cô, cô đã dựa vào sự suy đoán của ta về việc Viện sĩ muốn có cô và việc cha cô được nhìn thấy ở đây vào cái đêm Viện sĩ chết. Cô rất thông minh, cô đã dựng lên một câu chuyện về việc Viện sĩ đã cố gắng hãm hiếp cô tại đây và vì thế cô đã giết chết ông ta, bởi vì cô nghĩ rằng câu chuyện này sẽ cứu được cha của cô.

Thấy cô gái đỏ mặt và sắp khóc, ông nói tiếp bằng một giọng nhẹ nhàng hơn:

- Câu chuyện của cô đúng một phần, tất nhiên. Viện sĩ quả thật là đã cố gắng cưỡng hiếp cô. Nhưng không phải là ba ngày trước đây và cũng không phải tại căn phòng này. Chuyện đó xảy ra cách đây mười ngày và trên thuyền. Các vết bầm tím trên người cô mà cô chỉ cho ta thấy đã bị đổi màu, nó khó có thể được tạo ra vào thời gian gần đây. Mô tả của cô về chuyện chống lại người đàn ông rất khó thuyết phục. Nếu một người đàn ông mạnh mẽ nhìn thấy cô gái mà anh ta tấn công chụp lấy một con dao găm, anh ta sẽ cố gắng giành lấy con dao chứ không phải là nhảy vào ôm lấy cô gái cùng với con dao. Và cô cũng quên là tĩnh mạch cổ bên phải của anh ta bị cắt đứt. Điều đó cho thấy đây là một vụ tự tử chứ không phải là giết người. Nhưng ngoài những điều đó ra ta phải công nhận là cô đã kể một câu chuyện hết sức thuyết phục!

Bích Ngọc bật khóc nức nở. Phong Đại lo lắng nhìn cô sau đó ông nói bằng giọng mệt mỏi:

- Tất cả là lỗi của tôi, thưa đại nhân. Con gái tôi chỉ cố gắng giúp đỡ tôi. Khi ngài dường như đã tin vào câu chuyện của con tôi, tôi lại không có can đảm nói ra tất cả sự thật. Tôi không giết tên Viện sĩ tồi tệ đó nhưng tôi nhận ra rằng mình sẽ phải ra tòa về tội giết người. Thật ra vào cái đêm đó tại Căn Phòng Đỏ, tôi…

- Không – quan án ngắt lời ông ta – ông không bị xét xử về tội giết người. Ta có bằng chứng cho thấy Viện sĩ thật sự đã tự tử. Sự can thiệp của ông vào xác chết đã nhấn mạnh việc ông ta tự sát. Ta đoán rằng ông đến đây vào buổi tối hôm đó là để yêu cầu Viện sĩ giải thích về âm mưu của ông ta cùng với lão già buôn đồ cổ chống lại ông ?

- Vâng, thưa đại nhân. Thuộc hạ của tôi đã báo cáo với tôi là “ Ôn Nguyên sẽ đem giấu một cái hộp có chứa một số tiền lớn vào nhà tôi. Sau đó, Viện sĩ sẽ thông báo với chính quyền là tôi đã gian lận thuế. Khi tôi phủ nhận chuyện đó thì số tiền sẽ được “tìm thấy” tại nhà tôi ”. Kể từ lúc biết được chuyện này, theo ý kiến của tôi…

- Tại sao ông không ngay lập tức báo cáo chuyện này cho ta ? – Địch công hỏi cộc lốc.

Phong có vẻ xấu hổ. Sau một lúc do dự, ông ta trả lời:

- Chúng tôi trên đảo này có rất nhiều ràng buộc với nhau, thưa đại nhân. Chúng tôi luôn muốn giải quyết mọi rắc rối giữa chúng tôi với nhau, chúng tôi đã gặp rắc rối… thật là khó khăn khi phải làm phiền một người bên ngoài với mối thù giữa những người địa phương. Có lẽ đó là sai lầm, nhưng chúng tôi…

- Đó chắc chắn là một sai lầm! – quan án ngắt lời – Hãy nói tiếp câu chuyện của ông!

- Khi thuộc hạ của tôi báo cáo về việc Ôn Nguyên có âm mưu chống lại tôi, thưa đại nhân, tôi quyết định đi gặp Viện sĩ. Tôi muốn hỏi ông ta một cách công khai là tại sao ông ta, con trai của một người đàn ông nổi tiếng mà tôi biết là rất tốt đẹp, lại tham gia vào một âm mưu bẩn thỉu chống lại tôi. Đồng thời tôi cũng muốn hỏi ông ta về việc đã tấn công đứa con gái của tôi trên tàu. Tuy nhiên, trên đường đến đây tôi đã gặp Ôn Nguyên trong công viên. Thật là kỳ lạ, bằng cách nào đó việc gặp gỡ này nó nhắc tôi nhớ đến cái đêm cách đây 30 năm về trước khi tôi gặp Ôn Nguyên lúc đi đến đây để gặp Tào Quang. Tôi nói với Ôn Nguyên là tôi đã biết về kế hoạch của ông ta và tôi đang trên đường đi đến gặp Viện sĩ để hỏi về nó. Ôn Nguyên vội vàng xin lỗi, ông ta thừa nhận rằng ông ta đã có một giây phút yếu lòng nên đã thảo luận với Viện sĩ về một kế hoạch để lật đổ tôi ra khỏi vị trí hiện tại. Khi đó Viện sĩ dường như có nhu cầu cấp bách về tiền bạc nên ông ta đã đồng ý. Nhưng sau đó, vì một số lý do nào khác ông ta suy nghĩ lại và nói với Ôn rằng kế hoạch đã bị hủy bỏ. Ôn thúc giục tôi đi nói chuyện với Viện sĩ, ông ta đã chịu đựng anh ta quá đủ rồi.

Khi tôi bước vào căn phòng này, tôi biết rằng linh cảm mơ hồ của tôi đã đúng. Viện sĩ đang ngồi trên chiếc ghế bành và đã chết. Ôn Nguyên đã biết về điều này và dự định sẽ để cho tôi phát hiện ra xác chết nhằm buộc tội tôi giết anh ta? Ba mươi năm trước tôi đã nghi ngờ Ôn đã làm một việc tương tự, cụ thể là đã buộc tôi tội giết Tào Quang. Sau đó tôi nhớ rằng làm thế nào mà vụ giết người lúc trước đã được dàn dựng như một vụ tự tử và quyết định áp dụng một số thủ thuật. Phần còn lại thì chính xác như những gì tôi đã nói với đại nhân lúc chiều nay. Khi nó đã được dàn dựng như là Viện sĩ đã tự sát vì mối tình không được đáp lại của mình đối với Nguyệt Thu, tôi kể cho con tôi tất cả mọi thứ. Khiến cho con gái tôi cố gắng bao che cho hành động can thiệp của tôi với thi thể. – Ông hắng giọng và nói tiếp với vẻ bất hạnh – Thật không có từ ngữ nào đủ để diễn tả sự hối lỗi của tôi về tất cả những điều này, thưa đại nhân. Chưa bao giờ trong cuộc sống của tôi, tôi lại cảm thấy xấu hổ về bản thân mình khi tôi đã làm cho ngài nhầm lẫn trong việc giải thích những dòng chữ tuyệt mệnh của Viện sĩ. Tôi thực sự…

- Ta không nhớ đến chuyện ngu ngốc đó – Địch công nhận xét một cách khô khan – Ta đã quen với nó, nó luôn xảy đến cho ta mọi lúc. Cũng may là ta thường phát hiện ra nó trước khi quá muộn. Phải, vấn đề thực tế là những dòng thư tuyệt mệnh sau cùng của Viện sĩ có nhắc đến Nguyệt Thu. Nhưng không phải ông ta tự tử vì cô ấy.

Quan án dựa lưng vào ghế. Vừa vuốt ve bộ râu đen dài của mình, ông vừa chậm rãi nói:

- Viện sĩ là một người đàn ông có tài năng tuyệt vời nhưng ông ta có bản chất lạnh lùng và tính toán. Thành công đến với ông ta quá sớm và nó đã ảnh hưởng đến đầu óc của ông ta. Ông ta đã trở thành một Viện sĩ và bây giờ ông ta muốn mình nhanh chóng vươn lên cao hơn nữa. Nhưng để đạt được điều đó thì phải cần rất nhiều tiền, mà ông ta không có, dù có bán đi bất động sản của gia đình. Do đó ông ta đã cùng với kẻ thù cũ của ông là Ôn Nguyên lập một kế hoạch, một kế hoạch có thể giúp ông ta chạm tay vào số tài sản tuyệt vời của đảo Thiên Đường. Mười ngày trước đây ông ta đã đến đây để thực hiện kế hoạch đó một cách tự tin và độc đoán. Khi nhìn thấy con gái của ông vào đêm đó trên tàu, niềm tự hào ngu ngốc của ông ta bị tổn thương bởi sự từ chối của cô ta, và ông ta đã cố gắng cưỡng hiếp cô. Khi lão già buôn đồ cổ đến gặp ông ta tại bến thuyền, ông vẫn còn bực tức vì chuyện đó và ra lệnh cho Ôn giúp ông ta có được con gái của ông. Ông ta nhấn mạnh rằng chẳng bao lâu nữa ông sẽ bị bắt và giải về kinh đô về tội trốn thuế. Ôn khi đó mách nước làm thế nào để buộc con gái của ông phải tìm đến ông ta để cầu xin ông ta giúp đỡ. Lão già buôn đồ cổ vô lại đó cũng thấy đây là một cơ hội để trả thù cá nhân.

Địch công nhấp một ngụm trà và nói tiếp:

- Tuy nhiên, sau khi đến đây thì Viện sĩ đã quá bận rộn với các cô kỹ nữ Cẩm Chướng, Mẫu Đơn và những cô nàng xinh đẹp khác mà quên mất con gái của ông. Nhưng lại không quên kế hoạch lật đổ ông. Ông đã gặp tại sòng bạc một người đàn ông trẻ tuổi mà ông nghĩ rằng có thể sử dụng để giấu tiền vào nhà của ông.

Sau đó, vào ngày 25, ngày ông ta chết, ông ta đã phát hiện ra hay là ông ta đã tìm thấy một điều gì đó đã làm thay đổi tất cả mọi thứ. Ông ta trả tiền cho ba người kỹ nữ mà ông ta đã ngủ và cho đám bạn ăn bám của mình quay về kinh đô. Ông đã quyết định chấm dứt cuộc sống của mình. Vào buổi tối, trước khi thực hiện kế hoạch này ông đã đến nơi ở của Nguyệt Thu và có cuộc gặp mặt cuối cùng với cô ta.

Bởi vì cả hai người đều đã chết nên chúng ta không bao giờ biết chính xác mối quan hệ của họ. Theo như những gì ta nghe được thì Viện sĩ theo đuổi cô ta chỉ vì sự quyến rũ của cô ấy và ông ta không bao giờ cố gắng để ngủ với cô ta. Và lý do ông ta gặp cô trong những giờ phút sau cùng bởi vì cô ta trở thành một biểu tượng cho tất cả những thú vui trần tục mà ông ta sắp từ bỏ. Trong tâm trạng luyến tiếc đó ông đã giao phó cho cô một bức thư gởi cho cha mình mà cô ta đã quên không gởi. Cô ta không cố gắng làm cho ông ta yêu mình, có lẽ trực giác của cô nói rằng ông ta cũng là một người lạnh lùng, một nhân vật hoàn toàn ích kỷ giống như bản thân cô ta. Và ông ta chắc chắn không bao giờ bỏ tiền ra để chuộc cô ta.

- Không bao giờ muốn mua cô ta? Nhưng điều đó thật là phi lý, thưa đại nhân! – Phong kêu lên – Cô ấy đã nói thế mà!

- Cô ấy đã nói. Nhưng đó là một lời nói dối. Khi cô ta nghe nói là ông ta đã tự sát và để lại một vài dòng tuyệt bút đề cập đến cô ta, cô ta nghĩ rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để củng cố hơn nữa danh tiếng của mình trong giới “bán phấn buôn hương”. Cô mạnh dạn tuyên bố là cô từ chối lời đề nghị chuộc thân của người học giả trẻ tuổi nổi tiếng này.

- Cô ấy đã vi phạm lại luật lệ bất thành văn của giới kỹ nữ! – Phong thốt lên giận dữ - Tên của cô ta sẽ bị xóa khỏi danh sách hoa hậu.

- Cô ấy không phải là tốt hơn so với những gì cô ấy thể hiện – Địch công nhận xét khô khan – những vấn đề thương mại của ông đã biến cô ta thành như thế. Một lý do để đừng nói xấu về cô ấy là cô ta đã chịu một cái chết khủng khiếp.

Quan án liếc nhanh vào cánh cửa hiên khép kín. Ông đưa tay lên vuốt mặt của mình. Sau đó ông nhìn hai người trước mặt bằng đôi mắt sắc sảo và nói tiếp:

- Ông, Phong, giả mạo bằng chứng của một vụ tự tử. Và cô, Bích Ngọc, nói với ta một chuỗi những lời nói dối. Tuy nhiên, may mắn cho hai người là cả hai nói dối với ta trong một cuộc trò chuyện không chính thức, ông không đưa một lời khai giả bằng văn bản và đóng dấu tay của ông vào đó. Tôi không quên rằng ông, Phong, đã thề nói với ta tất cả sự thật, ông nói một cách dứt khoát rằng lời tuyên thệ này chỉ về những gì xảy ra cách đây ba mươi năm. Phải, pháp luật xác định mục đích cuối cùng của công lý là khắc phục, càng nhiều càng tốt, sự thiệt hại của một tội ác. Và hiếp dâm là một tội ác, và là một tội ác nghiêm trọng. Vì vậy, ta sẽ quên đi những sai lầm mà ông và con gái đã tạo ra, và ta xem như việc tự tử của Viện sĩ là do tình yêu không được đáp lại. Ông sẽ không đề cập đến sự lừa dối của Nguyệt Thu và do đó sẽ không gạt tên cô ta ra khỏi danh sách.

Đối với lão già buôn đồ cổ Ôn Nguyên, lão ta là một kẻ tòng phạm trong âm mưu hiểm độc. Nhưng ông ta không thực hiện được một cách hiệu quả các kế hoạch của mình, các kế hoạch đã trở nên vô ích trước khi ông ta dám thực hiện. Ông ta không bao giờ có thể trở thành một tên tội phạm thực sự, ông ta chỉ là một kẻ thiếu can đảm và hèn nhát, chỉ dối trá chứ không dám hành động.Ta phải có biện pháp thích hợp để ngăn chặn Ôn Nguyên, một lần và tất cả, từ việc lập kế hoạch để hãm hại ông và ngược đãi một cô gái không có khả năng tự vệ.

Hai tội ác đã xảy ra tại Căn Phòng Đỏ. Tuy nhiên, không phải ông cũng như con gái ông, cũng không phải là Ôn Nguyên đã nhúng tay vào đó, ta sẽ không nói thêm về những việc làm đen tối này. Đó là tất cả những gì ta có thể nói với ông.

Phong đứng lên và quỳ xuống trước mặt Địch công, con gái ông ta cũng theo gương cha mình. Họ bắt đầu bày tỏ lòng biết ơn đối với sự khoan hồng nhưng quan án ngắt lời họ. Ông cho họ đứng lên và nói:

Ta không chấp nhận đảo Thiên Đường, Phong, và tất cả những việc diễn ra tại đây. Nhưng ta nhận thấy rằng trong một khu nghĩ mát như thế này việc phải chấp nhận một điều xấu là cần thiết. Và một người quản lý tốt như ông đảm bảo rằng ít nhất điều xấu đó được kiểm soát. Ông có thể lui ra.

Khi Phong chuẩn bị lui ra, ông hỏi với vẻ ngần ngại:

- Tôi dám hỏi đại nhân một chuyện, hai tội ác mà ngài vừa đề cập đến là như thế nào?

Quan án suy nghĩ câu hỏi này trong một lúc lâu. Sau đó ông trả lời:

- Không chắc lắm, không. Sau tất cả mọi chuyện, ông là người quản lý tại đây, ông có quyền được biết. Sớm thôi nhưng không phải bây giờ. Giả thuyết của ta vẫn chưa được xác nhận. Ngay sau khi ta đã có xác nhận, ta sẽ cho ông biết.

Phong và con gái ông ta cúi mình thi lễ rồi lui ra.

Đã sửa bởi HoaHoaTựVũ lúc 03.06.2014, 11:33.

Robert van Gulik

Bí mật Căn Phòng Đỏ

Người dịch : PHƯỚC LỘC

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương