Trên đường về hắn lê bước sau cùng, đút tay vào túi áo khoác xanh, kéo sụp mũ xuống tận mũi, mặt cau có, miệng ngậm điếu thuốc đã tắt. Cả bọn bước đi trong im lặng. Tụi hộ lý đã dụ dỗ được Billy Bibbit, hắn đi đầu hàng giữa gã da đen khoa tôi và đứa da trắng của phòng Đột Tử.

Tôi cố đi chầm chậm tới khi ngang với McMurphy và muốn nói cho hắn đừng lo âu, đằng nào cũng chẳng làm gì được, bởi tôi nhận thấy hắn đang bị giày vò bởi một ý nghĩ nào đấy và đang phân vân như con chó đứng trước cửa hang khi không biết trong hang có con gì, có một giọng nói: Chó ơi, hang này không phải là việc của mày – hang sâu lắm, tối lắm, và dấu chân xung quanh là dấu chân gấu đấy! Và một giọng khác như lời nhắc thầm đanh thép của giống nòi, không khôn ngoan cũng chẳng ranh ma: Lao vào đi, chó ơi, tấn công đi!

Tôi muốn bảo McMurphy đừng lo nghĩ nữa, và đã suýt mở miệng nói ra thì hắn đã ngẩng đầu, kéo chiếc mũ ra đằng sau gáy, dấn lên đuổi theo gã hộ lý bé con và vỗ vai gã hỏi, "Sam, tao cần mua thêm cây thuốc, chúng ta dừng lại căng tin tí được không nhỉ?"

Tôi buộc phải chạy đuổi theo hắn, và trống ngực đập dồn tạo thành một tiếng reo chói lói và kích động bên trong óc. Vào đến nhà ăn, khi tim đã chậm lại như thường, cái tiếng ấy vẫn còn reo tiếp. Tiếng ấy nhắc tôi nhớ lại cảm giác của mình vào những đêm thu se lạnh mỗi thứ Sáu hàng tuần khi tôi và đồng đội đứng giữa sân bong bầu dục chờ tiếng còi khai mạc trận đấu. Trong đầu tôi tiếng reo mỗi lúc một cao hơn cho tới khi tôi hồi hộp tưởng chừng không đứng vững trên đôi chân của mình nữa, là bong sẽ được giao, tiếng tim đập liền tắt ngấm, trận đấu bắt đầu. Cũng như những đêm thứ Sáu ấy, giờ đây tôi sốt ruột đến không thể đứng yên một chỗ. Và cả mắt tôi cũng nhìn được sắc bén và chói lóe – như trước mỗi trận bóng hay như trong đêm mới đây bên cửa sổ phòng ngủ: mọi vật đều rõ và sắc và rắn chắc và tôi nhận ra mình đã quên chúng từng như thế. Hàng dãy những tuýp thuốc đánh răng, những chiếc kính râm xếp ngay ngắn thành hàng, những chiếc bút bi tự nhận sẽ viết được suốt đời dưới nước trên mặt bơ, tất cả nằm dưới con mắt to tướng trông chừng nghiêm ngặt của một đội gấu bông trên chiếc giá phía trên quầy hàng.

McMurphy tay đút túi quần, khuỳnh khoàng đến căng tin bên cạnh tôi và hỏi mua hai cây Marlboro. "Cho tôi ba cây đi?" Hắn cười với cô bán hàng. "Tôi tính sẽ hút kha khá."

Tiếng reo trong đầu tôi không dừng lại đến tận lúc cuộc họp bắt đầu. Tôi nghe câu được câu chăng tiếng họ đang lục vấn Sefelt, bắt hắn tường trình về những khúc mắc của mình để người ta có thể chữa chạy cho hắn ("Tất cả tại Dilantin!" cuối cùng hắn kêu lên. "Ông Sefelt, nếu muốn các thầy thuốc giúp đỡ, ông hãy thành thực," mụ đáp. "Nhưng không phải Dilantin thì còn là cái gì nữa chứ. Chính Dilantin đã làm cho lợi tôi bị mục ra đấy thôi." Mụ cười, "Jim, ông đã bốn mươi lăm tuổi..." thì bất chợt nhìn sang McMurphy. Hắn không nghịch cỗ bài, không ngủ gật sau tờ tạp chí như những lần họp trước từ hai tuần nay. Và hắn cũng không ngồi vo tròn trong ghế. Hắn đang ngồi thẳng đứng, vẻ mặt nóng bừng kích động, đưa mắt hết nhìn mụ y tá lại nhìn Sefelt. Tôi càng nhìn hắn, tiếng reo trong đầu càng vút cao. Đôi mắt hắn vạch ra hai vạch xanh dưới hàng lông mày trắng, lia đi lia lại như thể hắn đang ngồi sau bàn poker khi các lá bài đã được lật lên. Tôi cảm giác là chỉ một phút nữa thôi hắn sẽ làm một điều man rợ và chắc chắn sẽ bị gô cổ lại, tống lên khoa điên. Trước lúc lăn xả vào tụi hộ lý, tôi đã thấy nhiều đứa có vẻ mặt này. Tôi nắm chắc lấy tay vịn của chiếc ghế bành và chờ, khiếp sợ nghĩ đến sự bùng nổ của hắn, đồng thời, tôi bắt đầu nhận ra, cũng khiếp sợ sẽ không có gì xảy ra.

Hắn vẫn ngồi im lặng, quan sát tới khi kết thúc cảnh Sefelt bị tra hỏi, rồi quay nửa vòng trên ghế, hắn nhìn sang Fredrickson đang tìm cách bật lại cả mụ y tá lẫn tụi hộ lý vì chúng đã đưa bạn hắn ra trước mặt mọi người mà mổ xẻ, ầm ĩ thêm vài phút về chuyện thuốc lá vẫn nằm trong buồng kính. Fredrickson nói đến hụt hơi rồi đỏ mặt, ấp úng xin lỗi như thường lệ và ngồi xuống. Chưa thấy McMurphy động tĩnh gì. Tôi bỏ tay ra không nắm ghế nữa và bắt đầu nghĩ mình đã nhầm.

Chỉ ít phút nữa là cuộc họp kết thúc. Mụ y tá thu dọn giấy tờ cho vào giỏ, đặt xuống sàn nhà rồi đánh mắt sang McMurphy mất một giây như kiểm tra xem hắn có ngủ gật hay không, có lắng nghe hay không. Mụ đặt hai bàn tay lên đầu gối, nhìn vào những ngón tay rồi hít một hơi rất sâu và lắc đầu:

"Các chàng trai, tôi đã nghiền ngẫm rất lâu điều sắp nói ra. Tôi đã thảo luận với bác sĩ và tất cả nhân viên, và tất cả chúng tôi đều rất buồn khi phải đi đến kết luận chung, là cần đưa ra một hình phạt vì những hành vi không thể tha thứ được trong chuyện dọn dẹp vệ sinh ba tuần trước đây." Mụ giơ tay lên và nhìn quanh. "Chúng tôi đã để đến hôm nay mới nói, là vì chờ đợi các anh rồi sẽ bộc lộ sự hối cải về những hành động phá hoại mình phạm phải. Tiếc rằng không một ai đã tỏ ra nhận thấy mình có lỗi."

Mụ lại giơ tay để không đứa nào phá ngang, trông động tác như một mụ bói bài trong chòi kính.

"Các anh hiểu cho, những nguyên tắc hạn chế mà chúng tôi đưa ra đều đã trải qua suy xét kỹ lưỡng nhằm vào mục đích điều trị bệnh nhân. Phần đông các anh phải vào đây chỉ vì các anh không có khả năng thích ứng với luật lệ của thế giới Bên ngoài; các anh đã không chấp nhận chúng, cố tình bỏ qua chúng. Ngày xưa, có lẽ từ bé, người ta đã cho phép các anh phá luật mà không trừng trị. Mỗi khi vi phạm nguyên tắc, tất nhiên các anh nhận ra tội lỗi của mình. Các anh muốn bị trừng phạt, các anh cần được thế, nhưng không nhận được. Sự chiều chuộng quá đáng của bố mẹ có lẽ đã là một thứ vi trùng gây ra căn bệnh ngày nay của các anh. Tôi nói để các anh hiểu: trật tự, kỷ luật được duy trì chỉ nhằm mục đích muốn tốt cho các anh."

Mụ lắc đầu một vòng quanh phòng. Vẻ xót xa về việc đang phải làm được triệu lên nét mặt. Căn phòng hoàn toàn im lặng, chỉ có tiếng reo bừng bừng như mê sảng trong đầu tôi.

"Trong điều kiện của chúng ta, thật khó giữ nghiêm được kỷ luật. Chắc các anh hiểu điều đó. Chúng tôi có thể làm gì với các anh? Bắt giam ư? Cắt khẩu phần ăn ư? Đối với người thầy thuốc, việc trừng phạt không đơn giản tí nào. Chúng tôi có thể làm gì được?"

Ruckly có ý kiến họ có thể làm gì nhưng mụ y tá không chú ý. Khuôn mặt mụ xáo động trong tiếng kêu lách tách đến khi các nét mặt sắp xếp thành vẻ khác. Mụ tự trả lời câu hỏi của mình.

"Chúng tôi chỉ có thể tước đi một đặc quyền. Khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng bối cảnh của vụ rắc rối này, chúng tôi kết luận sẽ đạt được ít nhiều công lý nếu tước đi đặc quyền dành phòng tắm vẫn để các anh chơi bài trong ngày. Có ai phản đối và thấy là bất công hay không?"

Mụ không quay đầu. Cũng chẳng đưa mắt. Nhưng các con bệnh lần lượt từng đứa lại nhìn vào góc nơi hắn đang ngồi. Đến mấy lão già Kinh niên, không hiểu gì nhưng thấy mọi con mắt đều đổ dồn về một hướng, cũng vươn những cái cổ dài, khẳng khiu như cổ chim ngó sang hắn – những khuôn mặt quay cả về phía McMurphy, một niềm hy vọng trần trụi và khiếp hãi.

Cái âm thanh cao vút rền rĩ trong đầu tôi nghe như tiếng bánh xe xiết trên mặt đường.

Hắn ngồi thẳng người ra trong chiếc ghế, ngón tay cái đỏ au lười biếng mân mê cái sẹo trên mũi. Hắn cười với những đứa nhìn mình rồi khẽ cầm lấy vành mũ, và lịch sự nghiêng nó sang một bên, rồi nhìn sang mụ y tá.

"Thế thôi, nếu không còn phải bàn cãi về quyết định vừa rồi thì cuộc họp đến đây là hết..."

Mụ ngưng lại, tự mình cũng nhìn McMurphy. Hắn nhún vai rồi thở hắt ra, đập đánh bốp cả hai tay lên đầu gối rồi rùn người đứng dậy. Hắn vươn vai ngáp và lại gãi mũi, sải chân bước ngang qua phòng về phía mụ ta đang ngồi cạnh chòi kính, đôi ngón cái xọc vào quần. Tôi có thể thấy dù hắn có mưu mô làm một việc rồ dại đến đâu đi nữa thì cản hắn lại cũng đã muộn, và tôi chỉ ngồi ngó, cũng như những đứa khác. Hắn sải những bước dài, dài quá mức, và hai ngón tay lại nhét vào túi. Gót giày đóng cá sắt nên xuống sàn gạch đến tóe lửa. Hắn lại hiện nguyên hình là tay thợ rừng, tay chơi khệnh khạng, trang nam nhiIrelandtóc đỏ ngang tang, cao bồi màn bạc đi giữa đường phố đến điểm hẹn với kẻ thù.

Mặt mụ trắng bệch ra, đảo đi đảo lại. Mụ đâu tính đến hắn sẽ hành động gì. Đây lẽ ra là trận thắng tuyệt đối của mụ, thiết lập uy quyền lần này và mãi mãi. Nhưng kia, hắn đang đi đến, lớn bằng cái nhà!

Mụ há miệng, lắc đầu tìm tụi đen, sợ tưởng chết, nhưng hắn đã dừng lại khi chưa đến sát mụ. Hắn đứng trước cửa sổ và kéo dài giọng chậm và trầm chưa từng thấy nói hắn nghĩ mình có thể hút vài điếu vừa mua sang nay, rồi dộng tay vào tấm kính.

Tấm kính nát vụn ra như nước xối, mụ y tá đưa cả hai tay bịt tai. Hắn cầm một cây thuốc có tên mình, móc ra một gói rồi đặt vào chỗ cũ, quay sang mụ đang ngồi như bức tượng thạch cao và nhẹ nhàng phủi những mảnh kính vỡ trên mũ, trên vai áo mụ.

"Một nghìn lần xin lỗi thưa bà," hắn nói. "Một vạn lần xin lỗi. Tấm kính sạch bong đến mức tôi không nhận ra."

Sự việc chỉ diễn ra trong vài giây. Hắn bỏ mụ lại đó mặt run giật liên hồi, đi ngược lại ngang phòng về chỗ của minh, ngồi xuống châm điếu thuốc.

Tiếng reo trong đầu tôi đã ngừng.i

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương