Bảo Vệ Em Trăm Tuổi Không Lo Lắng
20: Tiền Đâu Có Tiền Thì Mày Lấy Ra


Huấn luyện kết thúc vào giữa tháng 8.
Quý Hạo và Nguyễn Minh Trì cũng thu dọn hành lý lên đường.
Còn mười ngày nữa là khai giảng nên đội trực tiếp cho bọn họ nghỉ về nhà, đàn anh đàn chị mua vé trước đã lên máy bay rời đi vào chiều hôm qua, Quý Hạo và Nguyễn Minh Trì thì lấy vé máy đội đã mua trở về thành phố C nơi đội tỉnh đang ở.
Trên máy bay, Quý Hạo nói: “Nhóc phải về nhà thì mấy ngày nay anh thấy chán lắm, cũng không có chỗ để đi, ăn rồi ngủ như heo.”
Nguyễn Minh Trì nhắc nhở: “Bài tập hè.”
Quý Hạo nhướng mày: “Làm xong rồi.”
Nguyễn Minh Trì: “…”
Một lúc sau.
Quý Hạo lại nói: “Ôi chán quá, muốn đi du lịch một chuyến, nhóc có gì hay thì giới thiệu thử?”
Cả đời này Nguyễn Minh Trì chưa từng nghĩ đến việc đi du lịch lắc đầu.
Quý Hạo nói: “Nhà nhóc có vui không?”
Nguyễn Minh Trì kinh ngạc.
Quý Hạo vỗ tay một cái: “Đúng rồi, anh về nhà với nhóc đi.”
“…”
Tất nhiên Nguyễn Minh Trì không đồng ý, nhưng Quý Hạo cứ quấn lấy, bám đuôi theo một đường, cuối cùng còn theo cậu đến trạm xe khách đường dài, mua vé cùng một chuyến xe.
Nguyễn Minh Trì nhìn thanh niên ngồi bên cạnh cười hì hì thì mím chặt khóe miệng.
Còn có thể làm sao đây.
Nguyễn Minh Trì nói: “Nhà tôi không có chỗ cho anh ở, anh ở thành phố đi.”
“Anh muốn ở với nhóc, chỉ một đêm thôi.”
“Nhưng…”
“Tiết kiệm tiền.”

Nguyễn Minh Trì lạnh lùng nhìn hắn, muốn tiết kiệm tiền thì đừng theo, đừng đi du lịch!
Trời vừa tối, hai người mới một trước một sau vào làng.

Làng của Nguyễn Minh Trì phát triển cũng không tệ lắm, mỗi hộ gia đình đều là một tòa nhà nhỏ và sân nhỏ, cách không quá xa thành phố, coi như là một ngôi làng giàu có trong thành phố.
Chú bác cô dì trong làng ăn cơm xong đi lòng vòng tiêu cơm, từ xa đã trông thấy hai thanh niên phong độ, vừa cao vừa gầy, khí chất mạnh mẽ, nhìn từ xa như thanh niên từ thành phố lớn tới, đạp lên trời chiều mà đến rất có dáng vẻ xiêm y phong nhã bên tuấn mã.

(*)
(*) Chỉ những người giàu sang, quần áo sang trọng.
Nhưng nhìn kỹ thì nhận ra là Nguyễn Minh Trì.
Có người lớn tiếng gọi: “Ơ! Nguyễn Minh Trì về rồi! Nghe nói con giành hạng nhất trong cuộc thi.”
Lập tức có người tiếp lời: “Lợi hại, đứa nhỏ này tôi đã thấy khác thường từ khi nó còn nhỏ, nó còn cao hơn những đứa trẻ khác.”
“Thật ra ba nó cũng cao lắm, trông cũng đẹp trai, đáng tiếc số mệnh không tốt.”
“Ai! Bà nói xem, sao ổng lại tàn tật? Mẹ nó cũng chẳng phải thứ tốt lành gì…”
Người trong làng mừng vì có nhân tài của làng thì phải khen, nhưng con cái người ta có triển vọng thì liên quan gì đến mình chứ? Giành được quán quân còn có thể đưa huy chương vàng cho mình à? Chứ đừng nói đến việc mong đợi Nguyễn Minh Trì có thể sửa cầu sửa đường cho làng, việc này thì đã có chính phủ lo rồi.

Cho nên so với khen người, bọn họ càng thích thảo luận sự khốn khổ của gia đình người khác, dù có đồng tình hay thấy tiếc đến đâu thì thật ra đều là để tìm chút cảm giác ưu việt trong lòng.
Từ nhỏ Nguyễn Minh Trì đã bị người ta bàn tán như vậy mà lớn lên.
Mọi người nói ba cậu số khổ, nói mẹ cậu không biết xấu hổ, nói cậu đáng thương ở trước mặt cậu.

Khi cậu bị chú hai đánh cho chạy khắp thôn, còn có người bưng hạt dưa đứng trên nóc nhà xem náo nhiệt, sau đó đến đêm thì cùng người bên gối tán gẫu.
Thậm chí còn không phải trò đùa.

Hoàn cảnh gia đình của Nguyễn Minh Trì trở nên khốn khổ đến mức ai cũng thương cảm cho cậu, nhưng lại chẳng có ai muốn dính dáng đến, sợ dính vào sẽ không thoát nổi.
Bác gái ăn no không có việc gì làm lớn tiếng, đi rất xa vẫn có thể nghe thấy giọng nói của bà: “Ông Nguyễn đêm qua lại ho, ông ấy ho suốt đêm, cách sân đều có thể nghe thấy, vết thương đó, tôi thấy là bị thương rồi…”
Nguyễn Minh Trì nghe thấy ba bị bệnh, bước chân nhanh hơn.
Quý Hạo cũng nhanh chóng đi theo cậu.
Nhà Nguyễn Minh Trì ở sâu trong làng, cách đó không xa nhưng cũng không ở trên đường lớn, đi dọc theo con đường nước có thể nhìn thấy hai căn nhà kề bên nhau.
Một tòa nhà bằng phẳng, bề ngoài cũ nát, cửa sắt sơn đỏ loang lổ, trên tường vây đều mọc cỏ.

Một tòa nhà ba tầng, cổng cao nhìn bề ngoài rất nguy nga, vậy mà trước cửa rất nhiều cát, xi măng chất đống, chắn cả lối đi vào trong.
Nguyễn Minh Trì cẩn thận đi qua đống cát, trên đường trượt chân một chút, ánh mắt đảo một vòng trong sân thì thấy gạch đỏ chất đầy nửa sân.
Quý Hạo biết rõ còn cố hỏi: “Nhà này đang sửa à?”
Nguyễn Minh Trì nhíu mày, sắc mặt không được tốt lắm, im lặng đi vào trong sân, giơ tay đẩy cửa ra.
Trong sân rất lộn xộn, tre chất đống khắp nơi, tre tươi, tre nửa khô, tre mảnh, còn có tre chẻ thành sợi, đầy đất đều là phế liệu, Nguyễn Minh Trì sải bước qua các loại vật liệu, đi tới trước cửa, Quý Hạo còn đang cẩn thận nhảy lò cò ở phía sau.
Nguyễn Minh Trì quay đầu lại nhìn Quý Hạo như giẫm phải mìn trong sân, trái tim vốn đã hóa đá của cậu, không biết vì sao lại nhẹ bẫng như bị một tấm lưới vô hình bao lấy, cho cậu cơ hội thở dốc.
“Không sao đâu.

Đạp đi.” Nguyễn Minh Trì nói.
“Không biết cái nào còn hữu dụng.”
“Vô dụng.”
“Vô dụng? Mấy cái này đẹp mà? Vô dụng? Tất cả đều là tác phẩm nghệ thuật đó!”
Trong mắt Nguyễn Minh Trì nhuốm chút ý cười, lặp lại: “Vô dụng.”

Một giọng nói phát ra từ trong phòng: “Ai ở bên ngoài? Khụ khụ!”
Nguyễn Minh Trì chớp mắt, nụ cười vừa mới nở rồi lại nhạt đi, sau đó khôi phục thành một hồ chết lặng yên không gợn sóng, nơi sâu thẳm đều là bùn không thấy đáy.
“Là con.” Xoay người, đẩy cửa đi vào.
Ba Nguyễn đan giỏ tre dưới ánh đèn, ông mặc một bộ quần áo rách rưới, chiếc áo này dính đầy tro trắng từ tre và có vô số lỗ thủng, thực ra đây cũng là đồ bận hàng ngày của ba Nguyễn, một tháng cũng không giặt một lần, trong phòng đều là mùi lạ khó tả.
Thấy con trai trở về, ba Nguyễn cũng chỉ nhìn thoáng qua, dưới ánh đèn đôi mắt trước sau như một vẫn như cũ dại ra, sắc mặt sa sút nói: “Bữa tối ăn xong rồi, đói bụng thì tự đi làm đi.”
Nguyễn Minh Trì tiến vào một bước, tránh sang một bên nhường Quý Hạo đi theo, ánh mắt rơi vào trên người hắn như đang nói, nhìn đi, đây là nhà của tôi, anh cứ nằng nặc đòi đến, chắc giờ chê cười lắm đúng không.
“Chú.” Quý Hạo cười gọi người, đưa trái cây và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ mà hắn mang theo suốt quãng đường đi tới chỗ ba Nguyễn, tự giới thiệu: “Con là đồng đội kiêm bạn cùng phòng kiêm luôn bạn thân của Nguyễn Minh Trì, đột nhiên đến lải nhải, quấy rầy chú rồi.”
Ba Nguyễn đã nhiều năm không tiếp khách thì ngây ra một lúc, sau đó vội vàng lau tay lên quần, nắm lấy tay Quý Hạo đang đợi ở đó, ngập ngừng nói: “À, ờ, chào con.”
Quý Hạo cười nhìn giỏ trúc do ba Nguyễn đang đan, khen ngợi: “Tay nghề của chú tốt quá, trông như tác phẩm nghệ thuật, gọn gàng ngay ngắn, tơ trúc nhỏ như vậy hiếm thấy lắm, chú khéo tay quá.”
Ba Nguyễn im lặng, cũng không biết nên cư xử thế nào với người dễ làm quen này.
Quý Hạo cầm lấy một cái giỏ trúc nói: “Giỏ trúc này con đã thấy bên ngoài khu thắng cảnh, cái lớn giá hơn ba mươi đồng, chỗ chú bán bao nhiêu tiền ạ?”
“Mười hai…”
“Một ngày một cái? Xem tay nghề chú là nghệ nhân lâu năm, ít nhiều gì một ngày có thể làm hai ba cái, chú có thể làm nhiều nhất bao nhiêu? Mấy nghề thủ công này sau này đều tăng giá, thành phẩm của chú cũng sẽ tăng lên, đó là bảo hiểm dưỡng lão đó.”
“Ừm…” Ba Nguyễn luống cuống nhìn sang Nguyễn Minh Trì.
Sắc mặt Nguyễn Minh Trì lạnh lùng đặt ba lô xuống, lại móc ra mì ăn liền mua nửa đường, chờ nước sôi mới nói: “Tiền, ba lấy được chưa?”
“Tiền gì?” Ba Nguyễn nhạy cảm ngẩng đầu lên.
Nguyễn Minh Trì nhìn ánh mắt mờ mịt của ba mình, trái tim trầm xuống.
Tuy Quý Hạo không nói rõ, nhưng được nhắc nhở cậu cũng nghĩ nhiều hơn, cho tới nay tài khoản chuyển tiền vẫn luôn đứng tên chú hai, nhưng nhiều tiền như vậy, cậu cho rằng ít nhiều gì chú hai sẽ lấy ra một phần, ai biết lại không nhắc tới.
Có lẽ… Ba còn không biết mình đã giành quán quân cả nước.
Quý Hạo vô cùng tri kỷ, hai ba con yên lặng nhìn nhau, giải thích: “Lần này Nguyễn Minh Trì đi thi đấu ở thành phố A, không chỉ lấy quán quân phá kỷ lục, mà còn nhận được rất nhiều tiền thưởng, 60.000 nhân dân tệ đó ạ.

Nhóc ấy hiếu kính chú, chuyển hết tiền cho chú, nếu chú không nhận được, chắc là ở chỗ chú hai rồi.”
Quý Hạo thuận miệng nói, nhưng Nguyễn Minh Trì nghe xong lại nhíu mày, nhớ tới mình còn chưa từng nói cho Quý Hạo chuyện trong nhà, huống chi là nhắc tới chú hai.
Ba Nguyễn nghe xong kinh ngạc, cuối cùng “ồ” một tiếng, sau đó cúi đầu tiếp tục làm việc.

Không phải ông không có phản ứng, cũng không phải không nghĩ ra, chỉ là không biết nên đưa ra phản ứng gì thích hợp hơn, người đàn ông bị cuộc sống đè ép hơn nửa đời người ẩn mình trong thế giới của bản thân, tưởng rằng có thể tiếp tục sống trong cảnh thái bình giả tạo, nhưng mì còn chưa kịp chín đã ho dữ dội.
“Khụ khụ khụ!”
“Khụ khụ khụ!”
Ho đến long trời lở đất, cả người mềm nhũn ngã trên mặt đất co quắp.
Quý Hạo vội vàng đặt bát đũa xuống, cùng Nguyễn Minh Trì xông lên phía trước, lúc đỡ người dậy thì như sắp chết, sắc mặt trắng bệch, hai mắt thâm quầng.
“Đến bệnh viện đi.” Quý Hạo đề nghị.
Nguyễn Minh Trì gật đầu, quay người định cõng ba lên.
Ba Nguyễn lại đẩy cậu ra: “Thuốc, trong phòng.”
Nguyễn Minh Trì xông vào nhà rồi đi ra, chỉ là hai viên thuốc chống viêm, hai viên thuốc nhỏ, cùng với một ly nước, sắp đưa tới miệng ba, Quý Hạo đè tay cậu lại nói: “Chất kháng sinh có tính kháng thuốc có biết không? Hơn nữa đúng bệnh hốt thuốc, con thấy chú không phải chỉ bị viêm đơn giản đâu, hay là đi bệnh viện đi.”
“Đừng đi, đi bệnh viện làm gì, khụ khụ, uống thuốc đi.” Nghe Quý Hạo nói xong, người ba ngắt lời hắn một cách không vui, đưa bàn tay bẩn thỉu của mình ra để lấy thuốc rồi uống.
Lòng bàn tay Nguyễn Minh Trì siết chặt, né tránh, do dự một chút, nói: “Đến bệnh viện khám đi.”
“Đi bệnh viện không đắt à? Thuốc này ba uống mãi, hiệu quả rất tốt, khụ khụ, đưa ba!”
Nguyễn Minh Trì nói: “Nghe nói gần đây ba bị ốm.”
“Mày biết cái gì? Khụ khụ, mày đi vắng cả ngày mày biết cái gì! Mày tưởng lấy quán quân thì to tát lắm nên mới lo cho tao hả? Cút khỏi đây đi!”
“Tiền thưởng, đủ cho ba khám bệnh.”
“Tiền đâu, có tiền thì mày lấy ra! Khụ khụ!”
“Chỗ chú hai…”
Hai ba con im lặng.
Không thể vượt qua rào cản là chú hai.
Chú hai khiến người ta vừa yêu vừa ghét.
Tuy mấy năm nay cuộc sống của ba Nguyễn không được tốt lắm, nhưng sau khi Nguyễn Minh Trì chạy ra ngoài, nếu không phải một nhà chú hai giúp đỡ trông coi, không biết ba Nguyễn còn có thể sống đến bây giờ hay không, quả thật, chú hai cũng đã bỏ ra không ít nhưng chú hai tham lam cũng là thật, tiền thưởng 60.000, không nói một lời đã giấu nhẹm đi.

Từ khi nào ba Nguyễn đã từng thấy một khoản tiền lớn như vậy, kết quả chưa chạm tay đã bị người ta lấy đi, ngọn lửa trong lòng hừng hực thiêu đốt, nhưng hết lần này tới lần khác vẫn không thể trút giận được, cuối cùng chỉ có thể phát tiết về phía đứa con trai duy nhất có thể khi dễ của mình..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương