Bảo Long kéo cao chiếc mũ ca-lô, cứ mỗi bước lại tụt dần xuống trán. Phân đội anh còn lại 28 người. Những người lính xung kích đi bộ, khẩu Mas 36 bên hông. Lá rừng được tô điểm thêm dưới ánh chiều tà xứ Bretagne. Họ đang ở cây số thứ 38. Không một ai trong đám lính trẻ nầy tỏ ra mệt nhọc, bước chân ngắn hơn lúc khởi hành, nhưng cũng cứng cỏi hơn. Bảo Long đi ở hàng cuối phân đội, không nói năng gì. Ngoài ra cũng rất ít ai nói chuyện từ lúc khởi hành, tiếng động cũng ít, ngoài tiếng lạo xạo chân bước trên đường. Viên sĩ quan tung tăng trên hàng đầu, gáy cạo nhẵn, người cao lớn bệ vệ. Thân hình hắn vượt trội hẳn lên so với binh sĩ trong hàng quân. Hắn bắt những người lính bé nhỏ gần như phải chạy cho kịp bước chân hắn. Mặc dù mệt nhọc và đường xa, cuộc hành quân xem như một trò chơi. Một thành tích thể lực thực hiện trong một không khí gần như vui vẻ. Họ đều còn trẻ, khỏe mạnh, rắn rỏi, gắn bó với nhau trong nỗ lực chung. Chiến tranh và những nỗi khổ cực đã lùi xa cũng như thời đi học Đại học, cũng như cuộc sống ở Việt Nam…

Từ nhiều tháng nay, Bảo Long đã tòng quân như lời khuyên của cựu hoàng, cha anh.

Từ ngày 6 tháng 10 năm 1954, không phải thi tuyển sinh, anh đặc cách được vào học trường võ bị Saint-Cyr.

Hôm đó, bà Nam Phương đi cùng con trai vào sân trường võ bị liên quân ở Coetquidan, thiếu tướng chỉ huy trưởng nhà trường đón tiếp họ, mời họ ăn trưa. Ban sáng theo lệ, bà và con trai đến thăm nghị viện Bretagne ở Rennes.

Buổi chiều bà ra về một mình. Chàng thanh niên từ nay trở thành học sinh quân, trường võ bị, thành viên của cái mà tiếng lóng ở Saint-Cyr gọi là “bazar” tức là người của baz tiếng lóng có nghĩa là trường học. Bazar còn có nghĩa là cửa hàng tạp hoá bán các loại hàng thập cẩm rẻ tiền ở các chợ phương đông.

Chẳng bao lâu, Bảo Long trở thành một học sinh gương mẫu và xuất sắc. Như những người khác, anh lặn lội trong rừng Brocéliande, lưng đeo một ba lô đầy sỏi. Như những người khác, anh thu dọn chỗ nằm vuông vức, lăn lê bò toài trong bùn lầy, hò hét các mệnh lệnh. Khi đến lượt, cũng như những người khác, anh cũng phải cọ rửa nhà xí. Anh không như một số thanh niên khác, quá mảnh mai yếu đuối, quá mệt mỏi, đã tuyên bố bỏ cuộc sau ba tháng đầu tiên của khoá tân binh. Chủ yếu trong các ngày qua là tập đi đều bước, là những buổi diễn tập linh tinh, nhằm mục đích dạy cho những thanh niên tân binh biết chỉ huy người khác. Đều đặn, một đại diện chính thức của chính phủ Việt Nam đến trường tìm hiểu một cách tôn kính những gì xảy ra với người lính mới..

Bảo Long bình thản chịu đựng cuộc sống khắc khổ trong quân ngũ, chan hoà với hai mươi bảy bạn đồng ngũ chung chạ trong một phòng. Suốt thời gian thử thách đó mỗi đêm chỉ ngủ ba hoặc bốn giờ. Trong trường không được nói chuyện chính trị. Không nói gì về Việt Nam, vào thời điểm nầy cuộc xung đột giữa các giáo phái bùng lên dữ dội ở Sài Gòn. Bảo Long không muốn biết điều gì đang xảy ra trên đất nước anh. Quá nhiều đau khổ, quá nhiều luyến tiếc khiến anh muốn xa hẳn, không muốn dính dáng gì với đất nước khiến anh nghĩ về quê hương. Anh không đọc báo, thưa dần những cuộc tiếp xúc với đồng hương. Tuy cuộc sống quân ngũ tạo thuận lợi cho tình bạn phát triển, anh không kết bạn với ai, lúc nào cũng lặng lẽ, xa lánh, giữ gìn ý tứ dù tình đoàn kết quân ngũ dễ làm cho mọi người gắn bó với nhau hơn.

Bảo Long vào học trường võ bị với tư cách sinh viên của một nước trong Liên hiệp Pháp. Anh có thể rời bỏ trường bất kỳ lúc nào anh muốn. Nhưng anh ở lại. Kiêu hãnh trong bộ quân phục áo đỏ, mũ chùm lông, đặc trưng của học sinh quân Saint-Cyr, anh tham gia cuộc diễu binh ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 năm 1955, đi qua quảng trường Champs-Elysées, anh đi ở hàng cuối của tiểu đoàn vì vóc dáng bé nhỏ. Nhưng cha và mẹ anh đều không tới xem cuộc diễu binh đó.

Tuy nhiên, dù có những biểu hiện bề ngoài đó, trong những năm đầu tập luyện, Bảo Long bắt đầu nhận ra có lẽ tốt hơn là nên chú tâm vào việc học triết học. Lòng say mê binh nghiệp giảm dần.

Cuối năm 1956, sau hai năm học anh phải chọn một trường thực hành. Gần như toàn bộ học sinh quân trong khoá của anh nhanh chóng đi thẳng sang Algérie tham gia chiến đấu. Cuộc chiến tranh thuộc địa mới của Pháp đang cần người, nhất là cán bộ khung. Chỉ còn lại “những người nước ngoài”. Tất cả có sáu người: một hoàng tử Cao Miên, một thiếu uý Lào, hai người Nam Mỹ, một thiếu tá ngự lâm quân của Quốc vương Iran và anh. Anh vẫn còn chính thức thuộc biên chế quân đội quốc gia Việt Nam nên không thể đi chiến đấu được. Vị thế của anh rất kỳ lạ. Anh không có một thứ giấy tờ nào xác nhận nhân thân ngoài một hộ chiếu ngoại giao. Với người Pháp, anh là người Việt Nam, nhưng với đồng bào mình, anh không sống chung cùng họ với tư cách công dân.

Vậy làm gì đây? Ở lại quân đội Pháp chăng? Nhưng anh chán ngắt một đội quân đã tiến hành chiến tranh thuộc địa với đất nước anh, đã bại trận ở Điện Biên Phủ. May sao các cấp chỉ huy thấy anh thích cưỡi ngựa bèn đề nghị anh sang học trường kỵ binh – thiết giáp ở Saumur.

Lần nầy tại biệt thự Bentley Continental của cha, anh đi về như con thoi giữa thành phố nhỏ Touraine và thủ đô Paris. Anh được phong thiếu uý. Bạn hữu cho đây là một thắng lợi thực sự. Anh sống một mình xa doanh trại trong một gian phòng trong thành phố. Vẫn ý tứ giữ gìn, ít đàn bà, ít những cuộc phiêu lưu tình ái trong cái năm anh bị hiểu lầm là dân ăn chơi. Mỗi thứ bảy hay chủ nhật, trong căn hộ gia đình ở Neuilly, anh đóng cửa dùng phần lớn thời gian để đọc sách. Chẳng phải là binh pháp của Clausewitz, cũng chẳng phải những tiểu luận về chiến lược mà là những nhà siêu thực quý hiếm đã thu hút anh như Lise Dcharme hay Marcel Béalu. Lạ lùng là ở Saumur anh đã gặp những sĩ quan khác có cùng sở thích.

Rõ ràng Bảo Long rất ít giống cha. Trong khi vẫn nói anh quyến luyến và khâm phục cha nhưng anh hết sức cố gắng để không giống cha. Tất cả những gì là kiêu căng, hợm hĩnh và tự mãn đều xa lạ đối với anh. Tính tình Bảo Long hướng về cái bi thảm còn cha anh, ngược lại, ham chơi, thích hưởng lạc.

Năm học thực hành kết thúc, xa Saumur, xa bầy ngựa, anh nghĩ đến… cái chết. Một cái chết nhanh chóng, nếu có thể, phải là cái chết vẻ vang. Anh không vượt qua được nỗi đau mất nước và quên đi thất bại thảm hại của cha anh. Trong căn phòng nhỏ ở trường ky binh – thiết giáp Saumur, chàng thanh niên kế vị triều Nguyễn quyết định dứt khoát, tìm đến cái chết để khỏi phải đau khổ, chấm dứt chuỗi thất bại, và bơ vơ trong thời niên thiếu của mình.

Thay vì tự tử anh xin chuyển sang đội quân lê dương để đi chiến đấu ở Algérie. Anh nghĩ đó là cách chắc chắn nhất để không bao giờ phải nghĩ lại nữa và tự kết liễu đời mình nhanh nhất. Có lúc anh đã tính lái một trong những chiếc xe sang trọng của anh đâm thẳng vào gốc cây để được chết nhanh hơn nữa nhưng rồi anh lại quyết định viết một lá đơn xin thuyên chuyển.

Là người nước ngoài, nếu muốn gặp lại các bạn ở Saint-Cyr, chỉ có cách là sung vào đội quân lê dương gồm lính nước ngoài. Sau khi gửi đơn vào mùa xuân anh trở về nhà và sống trong khung cảnh của lâu đài Thorenc uy nghi để chờ đợi trả lời. Phải gần ba tháng sau anh mới nhận được công văn chấp thuận của Bộ chiến tranh, trong khi ở Sài Gòn người ta đem hình nộm và ảnh chân dung của cha anh ra đốt và làm nhục. Mẹ anh cực chẳng đã phải cố tìm mọi cách dàn xếp và cuối cùng mới tìm ra giải pháp với Ngô Đình Diệm để được yên thân.

Anh không hỏi ý kiến ai, chìm đắm trong cô đơn, trong nỗi tuyệt vọng mất nước, cũng không báo cho cha mẹ biết. Khi biết quyết định của con, Bảo Đại cũng như Nam Phương “tôn trọng ý nguyện của con” không tìm cách làm thay đổi sự lựa chọn của con, tránh không gợi vấn đề và giữ im lặng không bộc lộ cơn xúc động trước mặt con. Chắc hẳn Bảo Đại cảm thấy tổn thương vì con không nói thẳng với mình mà chỉ được vợ cho biết.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương