Trời mưa. Nằm chính giữa Hongkong, sân bay rất gần các cao ốc đến nỗi máy bay mỗi khi hạ cánh như muốn chạm vào các toà nhà. Cựu hoàng ngồi chờ ở đây đã khá lâu. Không kể mấy ngày đợi ở Côn Minh, dù ông đã thoái vị, thời buổi cách mạng hay chiến tranh, ít khi ông phải chờ đợi lâu như lần nầy. Gần nửa ngày đã trôi qua. Trọn một buổi sáng, ông chỉ thấy mỗi một cảnh tượng lạ mắt: Trên đường băng, từng đoàn lính Anh tấp nập xếp hàng lên máy bay về nước. Họ từ chiến trường chống Nhật trở về sau khi chiến tranh kết thúc. Bán đảo Hongkong lại trở thành một ngã tư sôi động. Còn lại rất ít vết tích chiến tranh. Còn vài tuần lễ nữa các quân nhân sẽ ra đi nhường chỗ cho chính quyền dân sự. Còn bây giờ, khi Bảo Đại đến đây mọi quyền lực vẫn nằm trong tay họ. Rõ ràng là người Anh coi nhẹ sự có mặt của ông, không có một nghi thức đón tiếp nào, chứng tỏ ông không hoàn toàn là người được hoan nghênh. Cuối cùng một viên chức đến dẫn cựu hoàng làm những thủ tục quen thuộc về nhập cảnh như đối với bất kỳ dân tị nạn hay du khách nào. Cựu hoàng không chỉ đi có một mình Đi với ông còn có Yu, một người bạn Trung Hoa, Hongkong và có cả Lý Lệ Hà. Cũng như ông, hai người trầm trồ ca tụng cảnh nhộn nhịp của Hongkong. Ở bán đảo nầy, các toà nhà cao ốc đua nhau mọc lên, cao như bức thành khổng lồ, phía dưới là cảnh lộn xộn khác thường, đầy màu sắc, có một không hai trên thế giới. Tiếng động ồn ã, ngày và đêm nhộn nhịp, băng biển quảng cáo giăng khắp phố. Một thành phố ồn ào đến kỳ lạ, say sưa, khác hẳn Trùng Khánh hay Hà Nội lặng lẽ, buồn tẻ.

Từ 5 tháng nay, Bảo Đại được “tự do”. Tháng tư, ông quyết định ở lại, mặc cho phái đoàn chính phủ ra về một mình(1). Tháng chín, ông đến Hongkong. Ông làm gì trong khoảng thời gian ấy? Thường là thăm thú đây đó. Ông đi thăm các danh lam thắng cảnh, về nông thôn dự các trò du hí, tham viếng hữu nghị. Như ông kể trong hồi ký, ông đã được một gia đình Trung Hoa tiếp đón chăm sóc, chiều chuộng ưu đãi. Người đi với ông hôm nay là con trong một gia đình đã đối xử hào hiệp với ông. Có lúc ông đã nghĩ đến đi tu. Một nhà sư thích xem tướng, thấy ông có những nét hợp với cuộc sống tu hành. Bà Hoàng Thái hậu đã từng cam đoan rằng ông là Phật giáng trần, thế mà… rút cục không phải thế.

Ông thích đi xa, dạo chơi, ngẩng đầu lên, không để ai biết, thoả trí tò mò, hưởng thụ trong một thành phố lần đầu tiên ông được biết đến. Ông thích ứng rất nhanh với môi trường mới. Những ngày tiếp theo, người ta có thể thấy ông, vào buổi trưa, đến nhấm nháp các món ăn hảo hạng, thưởng thức những tiện nghi cực kỳ hiện đại của nhà hàng Parisian Grill. Ông đi đánh “golf”, chơi quần vợt, vẫy vùng bơi lội ở Repulse Bay, bãi biển sang trọng của Hongkong.

Chính lúc đó ông chợt nhớ đến thần dân cũ và quyết định gửi cho họ một thông điệp. “Trẫm đã từ bỏ ngai vàng và chọn con đường lưu vong để không trở thành vật cản cho cuộc thí nghiệm mà các ngươi tin rằng phải đem lại hạnh phúc cho toàn dân”(2).

Ông Vĩnh Thuỵ, dù ở xa Hà Nội xa chính phủ, vẫn còn là cố vấn tối cao. Hình như không có quan hệ gì với chính phủ Hồ Chí Minh. Điều lạ lùng là cả hai bên, bên nào cũng giữ tình trạng không rõ ràng. Công luận không biết chính xác ông đứng về phía nào. Ông phân vân, không biểu lộ thái độ rõ rệt. Hình như Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gửi tiền cho ông trong những tháng đầu. Gửi qua đường bộ, qua núi non phía bắc, đến tận Quảng Châu. Ít ra là cho đến mùa hè năm 1946.

Rồi sau đó, lưng vốn cạn dần, cuộc sống sa sút hẳn. Không còn lâu đài, khách sạn sang trọng nữa. Vĩnh Thuỵ chọn một khách sạn nhỏ, mang tên Happy Valley (Thung lũng hạnh phúc), trong một khu phố bình dân nhộn nhịp, ồn ào, ngoài các trung tâm buôn bán. Ông chỉ ở một phòng. Không kể cô nhân tình, đám tuỳ tùng xem ra chẳng còn ai trung thành đi theo ông.

Mặc dù phải ăn tiêu tằn tiện, trong cuộc sống cô đơn, ông, vẫn vui vẻ thưởng thức cuộc sống ban đêm ở Hongkong chẳng cần phải giữ gìn ý tứ, giấu diếm ai.

Phải chăng ông có thể bình thản sống phóng đãng ở nơi ăn chơi nổi tiếng như Hongkong, như kẻ thù của ông vẫn lên án, trong lúc ở trong nước tình hình đang nước sôi lửa bỏng, số phận vợ con ông ra sao dưới chế độ Việt Minh? Bề ngoài xem ra ông không hề tỏ ra băn khoăn về vấn đề đó.

Ông Vĩnh Thuỵ vốn là con người nông cạn. Chẳng có gì làm cho ông ta phải suy nghĩ sâu xa. Thời gian ngắn ngủi cộng tác với cụ Hồ, việc ra đi không mấy vẻ vang khỏi Trung Hoa để đến tị nạn tại Hongkong cũng vậy: Nay tất cả các đảng phái đều phải ve vãn ông. Vầng hào quang bao phủ quanh ông tăng lên từng ngày.

Ngày 4 tháng 11 năm 1946, ở Hà Nội, Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ chuẩn bị bước vào kháng chiến toàn quốc Một số phần tử phản động đội lốt “quốc gia”, bị lộ mặt đã chạy theo quan thầy Trung Hoa. Nhiều bộ, thứ trưởng là người của bọn chúng đã bị đuổi ra khỏi Chính phủ. Nhưng cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ, mặc dù đang ăn chơi ở Hongkong, vẫn có tên trong danh sách chính phủ, kèm theo ghi chú: “Đang ở nước ngoài về việc riêng”. Ba lần cải tổ chính phủ tiếp theo, tên ông vẫn ở vị trí thứ hai trong chính phủ. Mỗi khi nhắc đến tên Vĩnh Thuỵ ông Hồ không quên nêu đầy đủ chức vụ “cố vấn Vĩnh Thuỵ”. Ít lâu sau, trong một cuộc gặp các nhà báo ở Hongkong, cựu hoàng Bảo Đại sẵng giọng: “Không, tôi không còn là cố vấn nữa”. Hồ Chí Minh muốn chứng minh chính sách đại đoàn kết của ông, có khả năng tập hợp rộng rãi các tầng lớp xã hội, các khuynh hướng chính trị khác nhau để phấn đấu cho sự nghiệp chung.

Chú thích: 

(1) Sau nầy, theo giải thích của chính ông, Hồ Chí Minh đã viết thư bảo ông ở lại Trung Hoa, khi cần trở về sẽ báo sau.

(2) Báo Le Monde (Thế giới).

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương