Băng Tâm Hoa Liệu Đã Tan
-
C10: Đón nhận 2
Cái ngày mà chị tôi đi bệnh viện mắt và gọi điện thoại báo tin phải đeo kính. Âm thanh nhẹ nhàng vô cùng nhưng chất chứa sự thương cảm của một người mẹ: "Tội nghiệp! Nó không thích đeo kính mà giờ phải đeo!" Khuôn mặt lúc đó của bà đầy tràn tình thương cho đứa con tội nghiệp. Khi chị tôi về nhà bà ân cần hỏi han, trìu mến mà nhắc nhở, chu đáo chuẩn bị những món ăn yêu thích cho con gái của bà. Khi đó tôi chín tuổi
Tôi không đi bệnh viện, thôi nhân cơ hội có đoàn từ thiện về mới đi. Người như tôi có tư cách gì đòi hỏi. Bà đã bao lần nhắc nhở tôi phải giữ gìn đôi mắt cho cẩn thận. Vậy mà.
Tôi mua điện thoại vào cuối năm lớp chín bằng khoản tiền ba năm tích cóp của tôi. Một tháng đầu tiên tôi rất hứng khởi với nó. Có cơ hội là cầm điện thoại ngay. Nói ra thật nực cười cho đến khi có điện thoại tôi không hề biết dùng một chiếc điện thoại thông minh là như thế nào. Sau một tháng đầu tiên đó tôi nới lỏng việc dùng nó. Khi vào lớp mười vì để thực hiện cho bà ấy sự hãnh diện với họ nội về thành tích học tập. Lần đầu tiên tôi biết học thêm là gì. Ngoài giờ học chính tôi còn học thêm ba môn, mỗi môn hai buổi một tuần. Trong một tuần đi học có ba buổi tối tôi học đến tám rưỡi, có một ngày học mười một tiết. Học như vậy trong suốt năm lớp mười. Lần đầu tiên tôi thấy mình có sức chịu đựng tốt như vậy.
Và sau năm lớp mười mắt tôi dần mờ đi. Tôi chắc mình bị cận. Cho đến gần cuối lớp mười một tôi mới có thể đi khám bệnh. Và điều tôi nhận được là hình ảnh khuôn mặt đó. Tôi không thể quên nhưng cũng không dám nhớ. Không dám nghĩ tới.
Trong một khắc tôi giật mình tỉnh giấc, tâm hồn tĩnh lặng giây lát. Trên khuôn mặt tôi không hề xuất hiện nước mắt. Nơi sống mũi một chút cay cay cũng không có. Tôi không khóc được. Đã từ lâu tôi không thể khóc được nữa. Cho dù lực tấn công từ lời nói của bà ngày càng mạnh dần. Nếu đã không khóc được thì đành cười thôi..
Bà có thể mắng nhiếc tôi mọi lúc vì một điều vô cùng đơn giản. Tôi quên gác dép lên kệ. Bà nói: "Con gái con đứa có dôi dép đi về cũng không biết để lên kệ. Mua kệ dép về để làm gì. Cái thứ bê bối nói hoài không bao giờ sửa. Để đó bộ không thấy chướng mắt hả?"
Cũng có thể là một điều khác như tôi chưa kịp cất cái rổ. "Cái thứ làm đâu xong là để đó. Bộ không thấy đường mà dẹp à?" Hay là chỗ rửa chén vướng vài cọng rau: "Làm ăn không bao giờ biết sạch sẽ là gì? Rửa chén không bao giờ biết xối nước cho nó sạch. Cũng chẳng bao giờ biết chà rửa chỗ đó cho nó sạch!" Trong khi chỗ rửa chén luôn là tôi chà sạch, rau rợ vương vãi luôn là tôi dẹp đi.
Mọi chuyện không đơn giản là với vài câu nói trên, sau đó bà sẽ đào xới toàn bộ tật xấu, lỗi lầm của tôi ra nói. Từ những chuyện khi tôi còn bé xíu đến tận hiện tại. Với đa phần tôi đều cố gắng nhớ sửa đổi, và thậm chí đã không còn. Mỗi lần nói ít là khoảng chừng mười đến mười lăm phút, có khi còn kéo dài cả tiếng đồng hồ.
Còn một số việc khác cũng rất thú vị. Nên nhớ. Đó là có những khi bà mắng chị tôi. Bà mắng chị tôi chỉ vài ba câu, sau đó phần còn lại tự bao giờ không biết lại đổi hướng sang tôi. Hay điều khác là bà bực bội với ba tôi, chị tôi, bạn bè của bà, người nào đó tôi cũng đều là chỗ hưởng thụ sự tức giận của bà. Tôi chẳng hiểu mình sai hay có lỗi điều gì cả. Có lẽ nhìn tôi khó ưa chăng?
Ngoài việc là chỗ xả giận ra tôi còn là chỗ xả hận của bà ấy. Nào những thiếu thốn, nào uất ức, nào tủi nhục, phẫn nộ, bi ai, khổ mệnh, đau đớn.. của bà khi đã phải sống trong một gia đình nhà chồng thiếu tình người, ganh ghét, xấu xa, lừa đảo.. Tôi nghe đến thuộc. Lâu lâu vẫn cứ được nghe lại không sai đi một từ nào, chỉ càng ác liệt hơn thôi. Khi bà kể về chuyện đó, nếu chị tôi nghe thì sẽ pha thêm vài câu nói tức giận thay cho bà. Trong khi tôi chỉ lặng thinh mà nghe. Phải chăng tôi là một người vô tâm, vô tình? Không biết xót thương cho chính người mẹ của mình.
Cũng có khi tôi thật sự không muốn thương tâm cho bà, vì bà không hề thương xót tôi.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook