Anna bước đi giữa đường, chiếc máy tính đeo trên vai trái và chiếc vali được kéo theo sau. Hành khách trong những chiếc xe đang đỗ trên đường tò mò nhìn người khách bộ hành đơn độc đi qua.

Dặm đường đầu tiên mất 15 phút và một gia đình đang ngồi ăn trên bãi cỏ bên vệ đường mời cô một cốc rượu vang. Dặm đường thứ hai mất 18 phút, nhưng cô vẫn chưa nhìn thấy cột mốc biên giới đâu. Phải hai mươi phút sau, cô mới đi qua một tấm biển đề dòng chữ Biên giới - 1 dặm và cô bắt đầu tăng tốc.

Dặm đường cuối cùng nhắc cô nhớ đến những cơ bắp đau nhức sau một chặng đường chạy dài và mệt mỏi, rồi cô trông thấy vạch đích. Một mũi adrenalin sẽ giúp cô lấy lại sức.

Khi Anna còn cách thanh chắn khoảng vài trăm yard, những ánh mắt tò mò khiến cô có cảm giác mình giống như một người chen lấn không chịu xếp hàng chờ đến lượt mình. Cô tránh ánh mắt của mọi người và đi chậm lại. Khi tới vạch trắng, nơi người ta yêu cầu các tài xế tắt máy xe và chờ, cô đứng sang một bên. Hôm đó có hai nhân viên hải quan làm nhiệm vụ, trước mặt họ là một đoàn xe dài một cách bất thường. Họ ngồi trong hai bốt gác nhỏ, kiểm tra giấy tờ của tất cả mọi người một cách cẩn thận hơn ngày thường. Anna cố bắt lấy ánh mắt của người nhân viên trẻ tuổi với hy vọng anh ta sẽ thương hại cô, nhưng chẳng cần soi gương Anna cũng biết rằng sau 24 giờ trên đường, trông cô chẳng khác mấy so với khi vừa thoát ra khỏi Tháp Bắc.

Cuối cùng, người nhân viên trẻ tuổi ra hiệu cho cô lại gần. Anh ta kiểm tra giấy tờ thông hành của Anna và nhìn cô một cách ngờ vực. Cô đã đi bộ bao xa với những hành lý này? Anh ta kiểm tra rất kỹ hộ chiếu của cô. Mọi thứ có vẻ ổn.

“Cô sang Canada làm gì?” Anh ta hỏi.

“Tôi sắp tham dự một cuộc hội thảo tại đại học McGill. Đó là một phần trong luận văn tiến sỹ của tôi về phong trào Tiền Raphaelite”, cô vừa nói vừa nhìn thẳng vào anh chàng. “Cụ thể là hoạ sỹ nào?” anh ta làm ra vẻ thờ ơ hỏi.

Một con lừa cố tỏ ra hiểu biết hay là một người hâm mộ thực sự. Anna quyết định đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn của cô. “Rossetti, Holman Hunt và Morris, cùng một số hoạ sỹ khác”.

“Thế còn Hunt nữa thì sao?”

“Afred Hunt à? Không thực sự là một người thuộc trường phái Tiền Raphaelite, nhưng-”

“Nhưng cũng là một hoạ sỹ giỏi không kém”.

“Đúng thế”, Anna nói.

“Ai là người đứng ra tổ chức hội thảo này?”

“Hả, Vern Swanson”, Anna trả lời và hy vọng anh chàng nhân viên hải quan chưa từng nghe nói tới vị chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

“Tuyệt, vậy là tôi sẽ có cơ hội gặp ông ấy”.

“Tức là thế nào?”

“Nếu ông ấy vẫn còn làm Giáo sư Lịch sử Nghệ thuật tại đại học Yale thì ông ấy sẽ khởi hành từ New Haven, đúng không và vì không có chuyến bay nào được rời khỏi Mỹ, đây sẽ là điểm duy nhất mà ông ấy có thể đi qua để sang Canada”.

Anna chưa biết nói lại ra sao thì một phụ nữ phía sau đã cứu cô. Bà ta bắt đầu to tiếng với chồng và cằn nhằn về việc phải xếp hàng đợi quá lâu. “Tôi đã từng tới đại học McGill”, anh chàng nhân viên hải quan nói và mỉm cười, rồi đưa trả hộ chiếc cho cô. Anna không biết đôi má của cô có để lộ việc cô đã nói dối hay không. “Tất cả chúng ta đều buồn về những gì xảy ra ở New York”, anh ta nói thêm. “Cảm ơn”, Anna nói và bước qua biên giới. Chào mừng bạn đến với Canada.

***

“Ai đấy”, một giọng nói cất lên.

“Bị đứt mạch trên tầng mười”, một người đàn ông đứng bên ngoài cửa đáp. Anh ta mặc một bộ đồng phục màu xanh, đội mũ lưỡi trai và xách một hộp đựng đồ nghề. Anh ta nhắm mắt lại và cười với chiếc camera an ninh. Khi nghe thấy tiếng bíp, anh ta bước qua cửa vào bên trong và không ai hỏi gì thêm.

Anh ta đi qua buồng thang máy và bắt đầu trèo lên cầu thang bộ. Cách này sẽ giúp anh ta tránh mặt mọi người. Anh ta dừng lại khi lên đến tầng thứ mười và đảo mắt nhìn khắp hành lang. Không có ai; 3:30 chiều luôn là thời điểm yên tĩnh nhất. Không cần giải thích lý do, đó chỉ là vấn đề kinh nghiệm. Khi đến cửa phòng cần đến, anh ta bấm chuông. Không có ai trả lời. Tất nhiên là người ta đã nói cho anh ta biết rằng phải vài giờ nữa chủ nhân của căn hộ mới đi làm về. Anh ta đặt chiếc hộp đồ nghề xuống và kiểm tra hai chiếc khoá cửa. Hardly Fort Knox.

Với sự chính xác của một bác sỹ phẫu thuật trước một ca mổ, anh ta mở hộp đồ nghề và lấy ra một vài thứ dụng cụ.

Hai phút bốn mươi giây sau, anh ta đã có mặt trong căn hộ. Anh ta nhanh chóng xác định vị trí của các máy điện thoại; có tất cả ba chiếc. Chiếc thứ nhất đặt trên bàn làm việc ở phòng trước, bên dưới một bức ảnh của Marilyn Monroe. Chiếc thứ hai đặt cạnh giường, kề liền một tấm ảnh gia đình. Kẻ đột nhập nhìn người phụ nữ trong ảnh. Cô ta đứng giữa hai người đàn ông giống nhau như đúc; chắc hẳn đó là bố đẻ và anh trai ruột của cô ta.

Chiếc máy điện thoại thứ ba đặt trong bếp. Anh ta nhìn vào cánh cửa tủ lạnh và cười nhăn nhở; chủ nhân căn hộ này và anh ta cùng hâm mộ một ban nhạc.

Sáu phút chín giây sau đó, anh ta đã bước ra hành lang, xuống cầu thang bộ và bước ra cửa trước.

Công việc đã được hoàn thành trong khoảng thời gian chưa đầy mười phút. Tiền công là một nghìn đôla. Không giống bác sỹ phẫu thuật.

Anna là một trong số những người cuối cùng bước lên chuyến xe buýt rời khỏi Thác Niagrra lúc 3 giờ chiều. Hai giờ sau đó, chiếc xe buýt dừng lại bên bờ hồ Ontario. Anna là người đầu tiên xuống xe, không dừng lại một giây nào để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những tòa nhà Mies van der Rohe đang thống trị bầu trời Toronto, cô vẫy chiếc tắc xi đầu tiên đang chạy tới.

“Làm ơn cho tới sân bay, càng nhanh càng tốt”.

“Cổng nào?” người lái xe hỏi.

Anna ngập ngừng. “Châu Âu”.

“Cổng số ba”, người tài xế nói và cho xe chạy. “Cô từ đâu tới?” anh ta bắt chuyện.

“Boston”, Anna trả lời. Cô không muốn nói về New York.

“Khủng khiếp thật, chuyện xảy ra ở New York ấy”, anh ta nói. “Một giây phút của lịch sử mà mọi người đều nhớ chính xác là mình đang ở đâu. Lúc đó tôi đang ngồi trong xe của mình, nghe tin qua đài. Còn cô thì sao?”

“Tôi đang ở trong Tháp Bắc”, Anna nói.

Anh ta trố mắt kinh ngạc.

Chỉ mất hơn 25 phút để đi hết chặng đường dài 17 dặm từ Phố Bay tới sân bay quốc tế Lester B. Pearson, và trong khoảng thời gian đó người tài xế tắc xi không nói thêm một lời nào. Khi anh ta dừng lại bên ngoài lối vào cổng số ba, Anna xuống xe và lấy tiền trả anh ta, rồi vội bước nhanh vào sân bay. Cô nhìn lên bảng thông báo giờ bay, 5 giờ 28 phút.

Chuyến bay cuối cùng tới Heathrow vừa đóng cửa. Anna chửi thề. Mắt cô lướt trên danh sách các thành phố với những chuyến bay còn lại vào tối hôm đó: Tel Aviv, Băng Cốc, Hồng Kông, Sydney, Amsterdam.

Amsterdam. Thật vừa khéo, Anna nghĩ. Chuyến bay KL692, khởi hành lúc 18.00, cổng C31, mua vé thôi. Anna chạy vội tới bàn KLM và hỏi người đàn ông ngồi sau bàn, thậm chí trước khi anh ta kịp ngửng đầu lên, “Có còn vé đi Amsterdam không anh?”

Anh ta dừng công việc đếm vé của mình lại. “Còn, nhưng cô phải nhanh lên, họ sắp đóng cửa rồi”.

“Còn chỗ nào gần cửa sổ không?”

“Cửa sổ, lối đi, ở giữa, bất kỳ ở chỗ nào cũng có”.

“Thế là thế nào?”

“Chẳng có mấy ai đi máy bay và không phải vì hôm nay là ngày thứ 13”.

***

“JFK vừa khẳng định lại rằng chúng ta sẽ có chỗ trên chuyến bay lúc 7 giờ 20 phút sáng ngày mai”, Leapman nói.

“Tốt”, Fenston nói. “Gọi điện cho tôi khi máy bay cất cánh. Khi nào thì tới Heathrow?”

“Khoảng 7 giờ”, Leapman đáp. “Art Locations sẽ đợi trên đường băng để đưa bức tranh lên máy bay. Khoản tiền công cao gấp ba lần bình thường dường như đã giúp họ tập trung đầu óc tốt hơn”.

“Và ông tính khi nào thì sẽ quay về đến đây?”

“Kịp giờ ăn sáng vào ngày kia”.

“Có tin gì về Petrescu không?”

“Không”, Leapman đáp. “Cho đến lúc này, Tina mới chỉ nhận một cú điện thoại, của một người đàn ông”. “Không có tin gì từ-”

Tina bước vào phòng.

***

“Cô ta đang trên đường tới Amsterdam”, Joe nói.

“Amsterdam?” Jack nhắc lại và gõ ngón tay lên mặt bàn.

“Vâng, cô ta nhỡ chuyến bay tới Heathrow”.

“Vậy là cô ta sẽ đi chuyến bay đầu tiên tới London vào sáng mai”. “Chúng ta đã bố trí người tại Heathrow”, Joe nói. “Sếp có muốn bố trí người ở đâu nữa không?”

“Có, Gatwick và Stansted”, Jack nói. “Nếu sếp tính đúng, cô ta sẽ tới London chỉ vài giờ trước Leapman”. “Ý cậu là gì?”

“Máy bay riêng của Fenston đã được quyền cất cánh từ JFK vào lúc 7 giờ 20 phút sáng ngày mai. Và hành khách duy nhất trên đó là Leapman”. “Vậy thì có thể là họ đã lên kế koạch gặp nhau”, Jack nói. “Gọi cho đặc vụ Crasanti tại đại sứ quán của chúng ta ở London và yêu cầu anh ta hãy bố trí thêm nhân viên tại cả ba sân bay. Tôi muốn biết chính xác hai người kia đang định làm gì”.

“Chúng ta không hoạt động trên lãnh thổ của mình”, Joe nhắc nhở. “Nếu người Anh phát hiện ra, đừng nói gì đến CIA-”

“Tại cả ba sân bay”, Jack nhắc lại trước khi gác máy.

***

Chỉ vài giây sau khi Anna bước lên máy bay, cửa máy bay được khoá lại. Cô được dẫn tới chỗ ngồi của mình và được yêu cầu thắt dây an toàn, bởi vì máy bay sẽ cất cánh ngay. Anna vui mừng vì thấy các chỗ ngồi cạnh cô đều trống không, và ngay sau khi đèn nhắc thắt dây an toàn tắt, cô nhấc các tay ghế lên và nằm xuống, kéo lên mình hai tấm chăn trước khi gác đầu lên một chiếc gối. Cô thiếp đi trước khi máy bay ổn định độ cao.

Có ai đó chạm nhẹ vào vai cô. Anna chửi thầm. Cô quên không nói với họ là cô không cần ăn. Anna nhìn cô chiêu đãi viên và nói với cô ta, “Không, cảm ơn”. Rồi cô lại vùi đầu định ngủ tiếp.

“Xin lỗi, nhưng tôi phải mời chị ngồi dậy và thắt dây an toàn”, cô chiêu đãi viên nói một cách lịch sự. “Chúng ta sẽ hạ cánh trong vòng hai mươi phút nữa. Có lẽ chị nên chỉnh lại đồng hồ của mình, giờ địa phương ở Amsterdam lúc này là 6 giờ 55 phút sáng”.



14/9

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương