Tối đến, Du vừa nhìn ánh trăng tròn treo cao vừa nghe bên tai tiếng ru khe khẽ của chị Giảo. Không biết có phải vì sinh ra trong buồng giam nên trở thành đứa trẻ đặc biệt hay chăng mà nhóc Tâm rất ngoan không quấy khóc. Nghe lời ru ngọt ngào của người mẹ ấy, tâm hồn Du bất giác thanh thản. Lát sau Du mở nhật kí ra xem lời hồi đáp của Văn.

Tôi đã nghe bác sĩ Hiên nói về cuộc vượt cạn lạ lùng tại buồng giam số 5, thật bất ngờ khi cô là người đỡ đẻ. Tôi không biết nói sao nhưng có cảm tưởng, đứa bé chào đời giống như một tia sáng hi vọng xuất hiện trong đêm tối. Thật diệu kỳ! Và tôi rất mong được thấy đứa trẻ đó vào thời gian tới.

Cô từng viết, được sống là điều tuyệt diệu nhất. Tôi cũng nghĩ thế, và có lẽ sẽ tuyệt diệu hơn khi ta tìm ra lí do khiến mình tiếp tục sống. Một điều nào đó, hay một ai đó. Cô có nghĩ vậy không? Còn tôi thì đã tìm thấy rồi, kể từ khi gặp cô...

Cô có biết vì sao những chiếc lá thường đổi màu?

Bác sĩ Văn.

Du không vui như những lần trước đọc nhật kí, do có một điều gì đang lắng đọng trong lòng. Chẳng phải vì Du bận tâm về việc đổi màu của chiếc lá mà bởi dòng chữ kỳ lạ của Văn: "Còn tôi thì đã tìm thấy rồi, kể từ khi gặp cô"... Có vẻ như Du hiểu được ẩn ý đằng sau câu tự sự của chàng bác sĩ trẻ. Và hẳn như vậy mới làm Du xuất hiện nỗi sợ hãi mơ hồ. Du nghĩ về cuốn sách Hoàng tử bé, về chuyện con cáo được cảm hóa để rồi mỗi lần nhìn thấy cánh đồng lúa mì màu vàng thì sẽ nhớ đến mái tóc của Hoàng tử bé.

Du đã có một người quan trọng cần bảo vệ, và giờ đây cô lại tham lam muốn có thêm một người khác nữa. Một người càng có nhiều mong ước, càng có nhiều thứ quan trọng thì càng dễ hoang mang hơn. Liệu ngày nào đấy, Du sẽ giống con cáo trong câu chuyện?

*****

- Những chiếc lá sẽ trở nên xanh khi vào hạ và chuyển sang vàng khi vào thu. Cô biết lí do không? Nguyên nhân là vì chất diệp lục tạo nên màu xanh của lá cây rất bắt sáng, nó sẽ ngừng sản xuất ra vào các ngày ánh nắng yếu đi. Mà mùa thu thì mặt trời chiếu sáng rất ít nên những chiếc lá đã mất dần màu xanh, chuyển sang màu vàng hoặc cam. Thật ra, xanh và vàng đều có sẵn trong lá cây rồi chỉ là tùy thời điểm mà chúng thay đổi.

Đồng Văn tỏ ra rất thú vị khi giải thích cho Vân Du nghe về sự chuyển đổi màu sắc lạ lùng của chiếc lá. Tất cả lại tùy thuộc vào độ chiếu sáng của mặt trời. Cũng giống như con người phản ứng lại với cuộc sống, ở từng thời điểm mà họ trở thành người khác nhau. Văn thấy việc so sánh con người với lá cây cũng không tệ.

Dáng vẻ hào hứng của Văn không khỏi khiến Du buồn cười. Du đưa mắt nhìn ra cửa sổ, nơi mấy chiếc lá xanh đang rung rinh trong gió.

- Nhiều người thích lá còn xanh, riêng tôi lại thích lá vàng. Những ngày cuối tháng tám, tôi thường đi trên những con đường đầy lá rơi. Tán lá cây vàng và cam hiện ra dưới một góc trời chiều thu thật là thanh bình.

- Tôi thì không thích mùa thua và đông, nó khiến tôi thấy lạnh lẽo và cô đơn.

- Cũng phải, nhất là khi những cơn mưa thu kéo dài, người ta chẳng muốn phải ở một mình chút nào. Cái cảm giác vừa trống vắng vừa trơ trọi nữa.

- Nghe cô nói thế thì mưa có vẻ khiến con người thấy khó chịu.

- Ngược lại, tôi thích mưa bởi nó từng mang đến một thứ quý giá cho tôi.

- Đó là gì vậy?

Cuộc đối thoại vu vơ về mùa giữa hai người ngừng lại trước vẻ tò mò và chờ đợi từ Văn. Vẫn chưa rời mắt khỏi cửa sổ, Du thoáng nhớ về những ký ức bình yên thuở trước:

- Lúc biết tin mình mang thai, đã rất nhiều lần tôi muốn phá bỏ nó. Thậm chí tôi âm thầm đến bệnh viện phụ sản ngồi chờ đợi trong hoang mang. Nhưng sau cùng tôi lại ra về với tấm hình siêu âm ở trên tay. Có vài lần đứng trước cổng bệnh viện nhìn trời mưa, tôi chợt nhận ra một chuyện. Kỳ lạ lắm bác sĩ à, cứ hễ mỗi lần tôi muốn phá thai thì trời lại đổ mưa. Cái cảm giác lạnh lẽo đơn độc ấy khiến tôi không nỡ bỏ đứa bé. Vì nó giúp tôi thấy ấm áp hơn, chí ít khi ở trong căn phòng trọ tối đó tôi không phải một mình.

Tôi cũng từng có cái suy nghĩ, đứa bé này không nên được sinh ra. Nhưng, mỗi lần nằm nghe mưa rơi tôi lại lấy tay xoa bụng rồi thì thầm. Sự sống nhỏ nhoi bên trong đó như một lời hồi đáp cho tôi vậy. Và sau cùng tôi hiểu, dù muốn dù không thì tôi vẫn mong có con ở bên cạnh. Con người quả là lạ lùng, từng ghét bỏ một thứ nhưng sau cùng lại nhờ nó mà tiếp tục sống. Có lẽ vì họ quá khó khăn để bước đi một mình.

Du ngừng nói, cứ ngỡ những cảm xúc nghẹn ngào năm ấy như vừa mới đến ngày hôm qua. Rồi Du bất giác buông một lời:

- Giá mà tôi có thể được đợi đến lúc thu sang...

Nụ cười trên môi tự dưng nhạt dần, Văn nghe nỗi buồn dâng lên, liền chợt hỏi:

- Tôi có thể yêu cầu cô một chuyện?

- Bác sĩ cứ nói.

- Tôi muốn cô hãy nói rõ mọi chuyện với luật sư, để tội trạng được giảm bớt.

- Chẳng phải chúng ta đã nói không bàn về chuyện này nữa ư? - Du thắc mắc.

- Tôi cứ luôn nghĩ đến bản án tử hình mà có thể cô phải gánh lấy. Nếu tòa án biết rõ nguyên nhân khiến cô giết người thì biết đâu chừng cô chỉ lãnh án chung thân hay thậm chí là mấy chục năm tù giam thôi.

- Sống làm gì khi cả đời cứ ở sau chấn song sắt hả bác sĩ? Điều ấy chẳng nghĩa lý gì...

- Sao lại không nghĩa lý? Vì ít ra tôi vẫn còn được trông thấy cô mỗi ngày!

Du chớp mắt nhìn chàng trai ngồi đối diện đang không kìm được cơn xúc động. Văn dường như chẳng cần che giấu suy nghĩ của bản thân, giọng lại càng rõ ràng hơn:

- Trong nhật kí tôi có viết, tôi đã tìm thấy lí do khiến mình tiếp tục sống và nó xuất hiện kể từ sau khi gặp cô. Cô giúp tôi nhận ra mình có thể sống vì một ai đó. Mỗi ngày được nhìn thấy cô, đọc nhật kí cô viết và ngồi trò chuyện một cách vui vẻ mỗi tuần như thế này... Tất cả đều trở thành điều không thể thiếu đối với tôi. Dù có lãnh án chung thân, suốt đời ở trong buồng giam thì điều quan trọng là cô vẫn sống. Với tôi, vậy là đủ rồi!

Không hiểu lí do gì mà lời bộc bạch chân thành đó lại làm Du thấy vui. Thứ cảm xúc chợt đến này vượt ngoài tầm kiểm soát của Du và cô hiểu bản thân không nên có. Niềm vui thì nhỏ bé nhưng ngược lại, nỗi sợ hãi thì lớn đến mức khiến Du muốn đứng dậy bỏ chạy ngay lập tức. Càng cảm nhận rõ tình cảm của Văn thì Du càng thêm trốn tránh. Văn bảo chỉ cần Du sống và anh được nhìn thấy cô, thế là đủ. Có lẽ Du sợ hãi vì phát hiện, chính mình cũng đang mang cái suy nghĩ ấy. Mong mỏi được ở cạnh một người.

- Bác sĩ đừng như vậy. Tôi xin lỗi...

Văn nhìn Du cúi đầu hệt như che giấu những giọt nước mắt. Có chút gì đó rất đau ở trong lòng. Điều mà từ trước đến nay anh chưa bao giờ trải qua. Hơn ai hết, Văn lẫn Du đã hiểu từ sớm rằng, thứ cảm xúc này sẽ không thể có được kết thúc tươi đẹp.

Chiều tối sau khi dùng cơm xong, các phạm nhân nữ lần lượt về buồng giam. Chị Giảo ngồi ru con ngủ, Du với con Muội cùng tập hát. Chỉ còn một, hai ngày nữa là buổi văn nghệ sẽ diễn ra. Nghe chất giọng the thé của con Muội là chị Giảo phát cáu, hát cái gì mà nghe như gà mắc đẻ! Con Muội quạu quọ: Thì tôi bảo mình hát dở rồi mà ai biểu bà ép hoài chi rồi giờ la làng! Chị Giảo toan mắng nó thì thấy nhóc Tâm cựa mình liền ầu ơ ví dầu tiếp. Con Muội dấm dứ bảo:

- Ru con thì lo ru đi, ở đó bình luận này nọ.

- Con chị đây ngoan lắm, khỏi lo.

- Chưa chắc, nó còn nhỏ nên thế. Phải coi nó lớn thêm chút nữa mới biết.

Bên cạnh, Du nhìn thằng bé ngủ say mà lòng bình yên, nhưng cũng hơi buồn buồn.

- Chắc em không được nhìn thấy nhóc Tâm lớn thêm rồi.

Cái giọng rầu rầu của Du khiến chị Giảo không vui mới cắt cớ hỏi:

- Sao? Cô định không ở đây nữa à?

- Tuần sau là tòa xử, em biết mình sẽ lãnh án tử.

- Chưa gì mà tự trù mình vậy cái cô này! Mình có nỗi khổ thì phải nói rõ ra chứ!

Con Muội cũng đồng tình, phải đó! Du nhìn hai chị em bạn tù, đến giờ họ vẫn chưa biết rõ nguyên nhân sau tất cả chuyện này. Cả hai chỉ biết Du giết hai mạng người, một là mẹ kế và một là chàng bác sĩ trẻ tuổi. Dẫu họ chẳng rõ ngọn nguồn sự việc nhưng vẫn đối xử với Du thật tốt. Và Du rất biết ơn về điều đó.

Du còn mong gì hơn khi những tháng ngày, có lẽ là cuối cùng của cuộc đời, gặp được các chị em tốt bụng trong đây. Để Du nhận ra tình người vẫn còn tồn tại, dẫu là trong nơi tối tăm lẫn tội lỗi nhất. Đôi khi điều kỳ diệu lại tìm thấy ở nơi chẳng thể ngờ. Thế nên Du nào dám mơ mình được thoát tội, cái mong mỏi đó trái với sự công bằng quá.

Chị Giảo chợt nắm lấy đôi bàn tay nhỏ nhắn của Du, khẽ khàng bảo:

- Lần đầu tiên gặp mặt, chị cảm giác em không phải người xấu. Dù chị nghe nói em giết hai mạng người cũng sợ thiệt. Nhưng mà cứ thấy em khóc mỗi đêm là chị biết em có nỗi khổ tâm mới dẫn tới giết người. Em cũng hối hận, giày vò mình nhiều rồi.

Du khẽ lắc đầu, tiếng nói nhẹ y hệt cánh chim trời chao nghiêng dưới chiều tà:

- Em đã giết một người phụ nữ lớn tuổi và nghe bà ấy hét lên đau đớn rồi em lại giết một bác sĩ trẻ tốt bụng luôn giúp đỡ mình. Một kẻ mang tội lỗi lớn như em làm sao đáng được tha thứ hả chị?

Chị Giảo nhìn con Muội, sự im lặng chợt nhiên kéo đến bao trùm lên mọi thứ. Du cũng không nói gì thêm, hướng đôi mắt thăm thẳm lên bầu trời nhập nhoạng tối.

*****

Buổi văn nghệ diễn ra trong Trại giam vào sáng chủ nhật. Tại căn phòng hội trường lớn, rất đông các phạm nhân nam và nữ cùng tham dự. Hiển nhiên không thể thiếu cán bộ quản lý Trại giam như giám thị, Phó giám thị, quản giáo và các y bác sĩ. Mục đích của buổi văn nghệ nhỏ này là gắn kết mọi người với nhau, để phạm nhân dễ dàng trải lòng mình, chia sẻ những tâm sự nỗi niềm chất chứa mà chẳng thể giãi bày. Ngoài ra nó còn góp phần để phạm nhân an tâm tư tưởng cải tạo tốt, sớm về hòa nhập với xã hội.

Buổi văn nghệ có nhiều tiết mục: kể chuyện, tâm sự, múa hát tập thể hay đọc những lá thư gửi lời xin lỗi của phạm nhân. Còn có mục truyền dạy tinh thần và trách nhiệm làm người dành cho những con người lầm đường lạc lối tại nơi này.

Khi đến giờ, buổi văn nghệ chính thức bắt đầu.

Sau vài lời giới thiệu, tiết mục mở màn đầu tiên là bài hát của một phạm nhân nữ bên phân trại III, với bài hát về tình mẹ và quê hương. Chất giọng ngọt ngào trữ tình của chị khiến bài hát trở nên tha thiết, chứa chan cảm xúc. Ai nấy đều chăm chú lắng nghe, có người xúc động đưa tay quệt nước mắt. Bài hát như đưa mọi người trở về thời ấu thơ bên cạnh mẹ hiền tần tảo chăm lo, cùng hình ảnh của những mảnh đất quê hương nghèo nhưng luôn đầy ắp tình làng nghĩa xóm. Các ca từ dào dạt ấy không khỏi làm những phạm nhân đang sống đằng sau song sắt thấy chạnh lòng.

Tiếp theo là tiết mục hát tập thể của những phạm nhân bên phân trại II, gồm nam và nữ. Bài hát ca ngợi đất nước thật hào hùng bi tráng qua các giọng ca trẻ tuổi, âm vang cả căn phòng lớn. Quay ngược dòng thời gian, đất nước và con người Việt Nam xưa cũ với những gian lao thăng trầm, luôn đứng vững cùng một trái tim son sắt. Hình ảnh quê hương giản dị nhưng không kém phần kiêu hùng được thể hiện rõ qua ánh mắt, lời ca mạnh mẽ của nhóm ca tập thể phân trại II.

Khá nhiều tiết mục ca múa tập thể diễn ra sau đó. Phần lớn đều là những bài hát ca ngợi con người, đất nước và tình yêu thương. Đặc biệt có phạm nhân nam lên hát bài tân cổ Hoa tím bằng lăng vô cùng bùi ngùi da diết. Giọng ca của anh chẳng khác gì nghệ sĩ Thanh Tuấn. Mọi người vỗ tay hoan hô rần rần mỗi khi anh ngâm một đoạn vọng cổ. Chợt một chị phạm nhân chạy lên hát chung với anh, giống như nghệ sĩ Thanh Kim Huệ song ca với Thanh Tuấn. Tất cả đều không khỏi thấy thú vị.

Tiết mục ca hát rộn ràng bao nhiêu thì đến tiết mục tâm sự kể chuyện lại im ắng bấy nhiêu. Vài phạm nhân bước lên khán đài kể về chuyện đời mình, hay lí do vì sao bước chân vào đây. Bây giờ họ ăn năn và hối hận biết dường nào. Có người còn đọc lớn lá thư của con gửi bằng giọng nghẹn ngào, nước mắt ngắn dài. Hầu hết ai nấy đều chia sẻ những suy nghĩ, nhận thức nơi chính mình về cuộc sống, giá trị làm người. Nhờ giây phút lắng đọng như thế mà bầu không khí nơi này trở nên lặng lẽ hơn.

Vân Du ở đằng sau sân khấu vì phải cùng mọi người chuẩn bị cho tiết mục hát tập thể cuối cùng. Từ nãy đến giờ Du quan sát và lắng nghe lời tâm tình của những con người ở bên ngoài kia. Họ cũng giống Du, từng phạm sai lầm do vô ý hoặc cố ý, để giờ đây muộn màng nhận ra điều gì mới là quan trọng nhất. Gia đình, bè bạn, tự do. Và những đêm chẳng thể ngủ được vì gặp ác mộng. Cái giá đánh đổi cho sai lầm đôi khi lại quá đắt.

Du chợt nghe chị Giảo gọi. Du gật đầu, nhìn sang thấy con Muội vẫn đang cầm tờ giấy, miệng nhẩm lại lời bài hát. Trông nó có vẻ căng thẳng như thể sắp ra trận khiến Du buồn cười. Chị Giảo và những chị em còn lại dường như chuẩn bị kỹ lắm rồi nên đầy tự tin. Thật ra Du cũng hơi run nhưng nghĩ cứ hát như đã tập trước đó thì sẽ ổn thôi. Du sẽ cố gắng hết sức để cùng mọi người làm một việc gì đấy.

Chương trình văn nghệ cũng dần đi đến hồi kết sau hai tiếng diễn ra. Du và mọi người từ phía sau cánh gà lần lượt bước lên sân khấu. Nhóm mười lăm nữ phạm nhân ở buồng giam số 5 đứng thành hàng ngang, mặt hướng xuống khán giả. Du đứng ở vị trí thứ mười ba, nhìn trực diện là hàng ghế của các cán bộ Trại giam với đội ngũ y bác sĩ. Và Du bắt gặp ánh mắt của Đồng Văn lẫn trong nhóm người đó. Vẫn là một cái nhìn bình lặng nhưng có đôi chút dịu dàng, trìu mến. Du đã đáp lại Văn bằng nụ cười thoáng qua, tự dưng tim đập rộn ràng. Du tự nhủ, hi vọng Văn sẽ không thấy mình hát tệ.

- Chúng tôi ở buồng giam số 5 khu II, sau đây xin gửi đến mọi người...

Sau lời tự giới thiệu của chị Giảo, nhóm phạm nhân nữ bắt đầu cất giọng ca. Mọi người mau chóng nhận ra bài hát quen thuộc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Lúc đầu vài người gặp khó khăn với việc nghe nhạc rồi bắt nhịp hát. Như con Muội ca theo không kịp, đứng bên trái Du mà nó cứ lúng ta lúng túng. Giọng Du khá nhỏ, lúc hát cũng chưa lên cao được. May có chị Giảo và mấy chị khác giọng nghe rõ to mà lấp vào. Qua hết một đoạn thì tất cả đã hát hòa nhịp với nhau hơn.

Du hát và cứ hát. Tự bản thân Du nhận ra tiếng hát của mình càng lúc càng vang, càng cao. Âm nhạc thật sự giải phóng con người, nó giúp tâm hồn trở nên thăng hoa. Tưởng chừng như không còn sự ràng buộc nào nữa và ta tự do. Chẳng hiểu sao cả căn phòng im phăng phắc, và chẳng hiểu sao nhóm phạm nhân nữ lại ca rõ to đến thế. Có lẽ những ca từ trong bài hát của cố nhạc sĩ họ Trịnh giúp mọi người nhận thấy sự tươi đẹp của cuộc sống. Hạnh phúc xuất phát từ những điều rất nhỏ mỗi ngày.

Tôi chợt biết rằng, vì sao tôi sống?

Vì đất nước cần một trái tim...

Du cảm nhận vị mặn trên môi khi vào một khoảnh khắc nào đó, cô cũng đã hiểu vì sao mình sống. Âm thanh vỗ tay vang lên ầm ĩ lúc bài hát kết thúc. Du thấy Văn cũng đang vỗ tay, mỉm cười. Và lần đầu tiên, Du đã nở một nụ cười thật rạng rỡ.

*****

Cuối cùng phiên tòa xét xử đã mở. Vân Du nhớ rõ, đó là một buổi sáng đầu tháng sáu trong xanh, yên ả. Lúc ngồi trên xe áp tải đến tòa án, Du cứ ngồi tựa đầu nhìn ra ngoài trời, đôi tay bị còng để trên đầu gối. Sáu mươi ngày rồi Du mới được rời khỏi Trại giam nhưng lại chỉ có thể nhìn ra khung cảnh ngoài kia qua kẻ hở nhỏ bên hông xe. Hình như khi đó đầu óc trống rỗng, Du không nghĩ được gì ngoài việc tưởng tượng đến lúc mình đứng trước vành móng ngựa nghe tòa tuyên án, rồi bao nhiêu người kéo đến xem nữa.

Xe đỗ ịch. Hai người công an kéo xốc Du xuống xe. Trước cửa tòa án đã có khá nhiều người đứng quan sát. Khi họ trông thấy Du thì âm thanh bàn tán trỗi dậy, tiếng nói lao xao không ngớt. Rồi lúc đi ngang qua đám đông hiếu kỳ, Du tình cờ nhìn thấy ông Thạch bế bé Oanh đứng phía sau người ta. Ông Thạch được báo về phiên tòa hôm nay nên đã đưa cháu đến đây. Nét mặt ông nhăn nhúm, nửa lo lắng nửa thất thần. Còn bé Oanh vô tư cứ cười hoài vì được thấy mẹ. Nó đã gọi mẹ nhưng tiếng gọi bị át đi bởi vô vàn âm thanh khác. Du bị đưa đi nhanh vào trong, liên tục ngoái nhìn con gái.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương