Âm Khách
-
Chương 31
Xuống đi, ta chờ cậu.
–
Thật ra một năm chợ Yêu tổ chức bốn lần, mỗi mùa xuân hạ thu đông đều có một buổi chợ.
Để tránh người đi lạc, cửa vào chợ Yêu được mở vào một thời điểm đặc biệt và luôn nằm ở những vị trí rất kín đáo.
Vào mùa xuân mở ở Thanh Nê Câu (mương bùn xanh), mùa hè ở Loạn Táng Khanh (hố tha ma), mùa thu ở Ngũ Phần Cương (mộ ngũ phần), mùa đông mở ở biển Bắc.
Mỗi một cửa nằm tại một hướng thuộc đông tây nam bắc.
Xét về quy mô, chợ Yêu ở Ngũ Phần Cương là đợt đông đúc náo nhiệt nhất.
Nhưng Ân Vô Thư cực kỳ ghét lối vào ở Thanh Nê Câu, Loạn Táng Khanh, và Ngũ Phần Cương, với y mấy chỗ đó là điển hình của sự dơ dáy bẩn thỉu, trừ phi có công việc chứ không đừng hòng y suy xét đến việc bước vào.
Ân Vô Thư sợ dơ, còn Tạ Bạch không thích chỗ đông đúc từ bé, thành thử năm đó Ân Vô Thư nghiễm nhiên bỏ qua ba lần chợ kia, chỉ đến chợ Yêu biển Bắc.
Đến độ rất nhiều năm về sau, Tạ Bạch còn tưởng đó là nơi duy nhất tổ chức chợ Yêu.
Mặc dù lộ trình của họ biến động dựa trên thực trạng của Quỷ môn, không cách nào đoán trước được, nhưng hướng tổng thể vẫn là đi từ nam ra bắc.
Sau khi giải quyết hết xác cổ điêu và hoàn thành kiểm tra hang Tràng Thạch, thời gian cũng vừa kịp đến hai giờ sáng.
Lập Đông nhìn thời gian trên điện thoại và mở miệng nhắc nhở, kế đó ba người đi từ khe vực lên trên rồi men theo đường núi xuống và đi dọc theo tuyến sông Âm nối liền ba bãi tha ma cũ để hướng thẳng về phía hồ An Định.
Nhằm phòng ngừa âm dương rối loạn nên họ không thể trực tiếp mở cổng Linh Âm, nhưng tốc độ của ba người họ vẫn nhanh hơn người bình thường rất nhiều.
Trên đường đến hồ An Định, Ân Vô Thư và Lập Đông chọn ghé sang vách núi Hổ Độ để đào quả tim chôn ở đó trước rồi mới tăng tốc để đuổi kịp Tạ Bạch ngay vị trí mở Quỷ môn.
Lập Đông ngồi trên một cây cổ thụ bên hồ, buông thõng chân nghỉ ngơi, không khỏi thốt lên một câu cảm thán:
– Không ngờ đoạn đường này bình yên như vậy, đi mà không đụng phải bất kỳ trở ngại gì!
Tạ Bạch cầm la bàn, vừa nhìn sao trên trời vừa xác định vị trí âm dương.
Ân Vô Thư đứng bên cạnh hắn, lấy di động ra, chốc chốc nhìn mặt la bàn rồi chốc chốc nhìn sang Tạ Bạch.
Đến khi Tạ Bạch đứng vững người hướng về một phía nào đó, Ân Vô Thư mới bấm ngón cái mấy lần trên điện thoại với vẻ mặt thấu hiểu, tiếp đó đưa màn hình ra trước mắt Tạ Bạch:
– Đi hướng này tám mốt dặm thì đích đến tiếp theo là khe vực Kê Minh, còn cách biển Bắc khá xa, áng chừng có thể đi thêm ít nhất hai trạm nữa.
Lập Đông nhìn trời, huơ huơ chân:
– Đúng vậy, dù sao trời cũng còn sớm.
Đường biển chợ Yêu tới đêm mới mở.
Tạ Bạch: …
Sao nghe giọng hai người này giống như muốn đi kè kè suốt đường với hắn vậy.
Tạ Bạch giương mắt nhìn Ân Vô Thư:
– Ngài cũng đến chợ Yêu?
Ân Vô Thư đáp như chuyện hiển nhiên:
– Chợ Yêu mở sao không đến được.
Nghe giọng điệu này của y, Tạ Bạch ngờ vực:
– Năm nào ngài cũng đi? Vậy sao tôi chưa từng gặp ngài?
Dù chợ Yêu biển Bắc cũng rất sôi động nhưng không đông đến độ phải chen chúc nhau như Ngũ Phần Cương vào mùa thu.
Nếu đúng là năm nào cũng đi thì khó có thể chưa từng chạm mặt.
Sau khi hừm một tiếng, Ân Vô Thư im lặng chốc lát mới nói:
– Ngày xưa có tầm mười năm không đi, còn dạo này có việc nên lỡ mất, trong trăm năm gần đây thì khoảng tám mươi năm giữa gần như năm nào ta cũng ghé qua xem chút.
Tạ Bạch: …
Khi xưa, sau khi bị Ân Vô Thư đuổi khỏi nhà, hắn đã đứng trước cửa lớn kín còng của Thái Huyền đạo mấy ngày mấy đêm liền mà chẳng thu được kết quả, thế rồi suốt mười năm liền sau đó, năm nào hắn cũng đến chợ Yêu.
Thật ra hắn cũng chẳng yêu chuộng gì chốn nhộn nhịp, nhìn thấy những người cười đùa vui vẻ trong tâm trạng sảng khoái xung quanh chỉ khiến hắn cảm thấy khốn khổ và đau thương.
Song, ngoại trừ Thái Huyền đạo, chỉ đến chợ Yêu mới có cơ hội gặp được Ân Vô Thư mà thôi.
Đi liền mười năm mà năm nào cũng ê chề chẳng gặp được, Tạ Bạch càng lúc càng trở nên u ám, càng lúc càng lạnh lùng cứng rắn, và cũng càng lúc càng chán ghét những nơi đông người.
Thành thử từ sau đó, hắn không đến chợ Yêu biển Bắc nữa mà sống đời cô độc cả hơn trăm năm, mãi đến những năm gần đây hắn mới tình cờ ghé sang để mua vài thứ đồ cần dùng hoặc thuận tay mang về vài quyển sách.
Khi nghe thấy lời Ân Vô Thư lúc này đây, hắn mới vỡ lẽ rằng suốt một trăm ba mươi hai năm từ khi hắn rời khỏi Thái Huyền đạo, ấy thế mà hắn thật sự bị trật nhịp với Ân Vô Thư.
Vừa trùng hợp mà vừa trớ trêu sao, vừa trớ trêu lại có chút nực cười sao.
Một lát sau, Ân Vô Thư lại hỏi:
– Cậu có đến không?
Tạ Bạch thoáng dừng, đoạn thản nhiên trả lời:
– Không đến.
Nói xong, hắn ném sương đen ra và nhảy ngay vào trong, nói với hai người sau lưng mà chẳng ngoái đầu lấy một lần:
– Cảm phiền nhanh lên.
Lập Đông lăn từ trên cây xuống, chạy thẳng tới vươn tay:
– Chờ tôi chút…
Ngờ đâu Tạ Bạch nói dứt câu thì rút thẳng sương đen, biến mất hoàn toàn.
Lập Đông:
– Đệt.
Hắn ta ngẩn ngơ ngó sang Ân Vô Thư hoàn toàn bất động, nghe Ân Vô Thư cất giọng chẳng chút ngạc nhiên:
– Cậu ta hối cho có thôi, chứ vốn không tính cho cậu đi nhờ.
Lập Đông: …
Không có những hạn chế và kiêng dè trước đó, tốc độ di chuyển của họ cũng không sai lệch mấy với Tạ Bạch di chuyển bằng cổng Linh Âm.
Ba người không dây dưa, trước khi trời tối đã đi qua sáu trạm, Ân Vô Thư còn tiện ghé ven đường lượm về ba trái tim.
Ban đầu Lập Đông còn trố mắt há mồm với vẻ “Trời ơi! Ở đây có một tay biến thái”, song sau đó chỉ trưng một gương mặt chết lịm.
Vừa chết trong lòng nhiều ít, hắn ta vừa nhủ thầm: Khó trách vị Âm khách này có tính tình làm người ta cảm thấy lạnh căm và gương mặt băng giá cả ngày không biến sắc như vậy, gặp mình mà lớn lên với cái người thế kia thì e là cũng sớm bị kích thích tới liệt mặt thôi.
Khi đáp xuống bên dốc núi Ninh Đồ, Lập Đông lấy di động ra nhìn bản đồ rồi nói:
– Ở đây khá gần biển Bắc, có thể đi thẳng sang.
“Biển Bắc” trong chợ Yêu biển Bắc không phải một địa điểm ai tìm cũng thấy, ai đến cũng được.
Nói theo một cách nào đó thì đấy là “quê hương” của đa phần yêu linh, với những kẻ ngoại đạo như bọn họ thì vị trí cụ thể của toàn bộ biển Bắc rất mông lung, có duyên mới gặp, chỉ đến những ngày gần mở chợ Yêu mới có một tuyến đường biển mở thẳng từ khu vực Bột Hải đi sang.
Ba người Tạ Bạch canh chuẩn thời gian, khi tập trung trước biển thì tia nắng cuối cùng vừa lặn mình sau mặt biển, chỉ thoáng chớp mắt mà bầu trời đã tối sầm.
Bọn họ quen đường bước vào một chiếc thuyền nhỏ giấu mình trong hơi nước, con thuyền này thoạt trông không lấy gì làm bắt mắt, bộ dạng cũ mèm, kiểu dáng đơn sơ.
Có một người đang đứng thẳng trên đầu thuyền, cạnh người đó có cắm một cây cờ nhỏ đang tung bay trong gió, hai mặt lá cờ đều có chữ, mặt chính diện là “Bến đò Lâm thời” và mặt kia là “Long Hoè”.
Người đứng ở mũi thuyền thấy đám Tạ Bạch thì chỉ tay về phía khoang thuyền be bé và nói:
– Đường biển đã mở, xin mời…
Ân Vô Thư dẫn đầu cả nhóm, gõ tay ba lần lên cánh cửa đang khép chặt trên mạn tàu rồi từ tốn giới thiệu:
– Âm khách Tạ Bạch, Ân Vô Thư Thái Huyền đạo, Hai bốn tiết khí sử, một nhóm ba người, đã làm phiền rồi.
Người đứng ở đầu thuyền nghe mà nhũn cả chân.
Cửa khoang tàu cót két mở ra, bên trong tối đen như mực và chẳng có lấy một người, nhìn qua không thấy manh mối gì.
Đợi ba người bước vào trong, cửa đóng lại phía sau lưng.
Cả bọn bước thẳng trong màn đêm, cửa khoang thuyền phía trước mặt đột ngột mở ra, hai chiếc lồng đèn đỏ bọc lụa treo đằng trước khẽ lay động theo làn gió.
Từ nơi xa xa vọng đến tiếng người nói cười xôn xao, nghe thật nhộn nhịp tựa như đang bước vào một thế giới khác.
Tạ Bạch nối gót Ân Vô Thư bước ra khỏi khoang thuyền, họ vẫn đang đứng giữa biển cả vô biên, nhưng trên mặt biển bảng lảng khói miên man, sương nồng đậm, tựa như đang lạc bước vào chốn tiên cảnh.
Một dãy phố nhà cửa trùng trùng với ánh đèn lung lay đang lượn lờ trên mặt biển chẳng cần chỗ tựa, khung cảnh kéo dài cả trăm dặm nhưng chẳng có điểm kết.
Họ nhảy khỏi mũi tàu, giẫm trên đá dung nham trên mặt biển bước lên mặt đất.
Đầu này của con phố có một cổng đền cao cao, trên tấm biển đề bốn chữ lớn “Chợ Yêu biển Bắc” với nét như rồng bay phượng múa, dưới cổng đền có hai cánh cửa bằng đồng.
Khi nhóm Tạ Bạch đi đến, người gác cổng đưa mỗi người một phiến gỗ có khắc số bên trên.
Đây là nguyên tắc mới lập trong vòng một trăm năm đổ lại ở chợ Yêu.
Chợ Yêu biển Bắc chỉ mở vào một thời gian cá biệt nên không thể luôn mở ở đúng một chỗ.
Thế nên, phàm là người bước vào chợ Yêu biển Bắc đều phải cầm theo bảng số phòng do chợ Yêu sắp xếp, sau khi ngủ qua một đêm, họ có thể rời đi vào buổi tối hôm sau khi đường biển mở lại.
Lập Đông cầm phiến gỗ, lầu bầu:
– Lão đại à, hai người số mấy? Tôi ở phòng 208 toà Giáp.
Hắn ta lia mắt qua phiến gỗ của Tạ Bạch và Ân Vô Thư, nói nhỏ:
– 204, 206, đều kề nhau à, có điều không biết số chẵn của con đường là nằm bên nào, nếu ở phía ven biển thì tốt quá, ngắm cảnh về đêm cũng không tệ.
Không lẽ tầng một đã đầy sớm vậy sao?
Người gác cổng nhìn Tạ Bạch, giải thích rằng:
– Không phải đâu ạ, các vị đại nhân đến sớm, còn nhiều phòng nên sẽ được xếp phòng theo sở thích của quý khách.
Anh ta chỉ Tạ Bạch và nói tiếp:
– Những khi phòng 204 còn trống, vị đại nhân này đều sẽ ở căn phòng ấy, thế nên chúng tôi sắp xếp phòng bên cạnh cho các ngài.
Nếu ngài muốn đổi sang lầu một vẫn còn có thể đổi được.
Lập Đông khoát tay, nói:
– À à, không cần đâu, lầu hai tầm nhìn thoáng, cứ ở lầu hai là được.
Tôi chỉ thuận miệng hỏi thế thôi.
Ba người đi vào bên trong cổng đền vài bước, Tạ Bạch nghe thấy Ân Vô Thư hỏi thầm bên cạnh:
– Không đến chợ Yêu?
Tạ Bạch: …
Ban nãy hắn nói đại để chặn họng Ân Vô Thư thôi, ai ngờ mới vào đến cửa đã bị người gác cổng vạch trần thế chứ.
Tất cả khách điếm nghỉ trọ ở chợ Yêu đều gắn cờ Long Hoè, chia thành mười toà nhà Thiên can, gồm Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý dọc bên đường.
Toà Giáp chỗ họ ở là đầu phía bên này dãy phố, chỉ cách vài bước chân.
Nhóm Tạ Bạch đổi phiến gỗ sang thẻ phòng tại quầy lễ tân toà Giáp, xong xuôi ai về phòng nấy để nghỉ ngơi một chút.
Trước khi họ đến, phần lớn những quầy hàng ở đầu con phố chợ Yêu đã bày biện gần xong, những quầy còn lại cũng đang dọn dần ra cả rồi.
Đèn lần lượt thắp lên trải dọc con đường dài ngút, càng lúc càng rộn ràng.
Cách âm của phòng ốc trong khách điếm Long Hoè tương đối tốt, nhưng dù vậy vẫn có thể nghe loáng thoáng tiếng người nói cười vọng đến từ bên ngoài, tựa như muôn khi chốn này đều chỉ có rộn ràng tươi vui, trăm năm như một.
Người gác cổng đền nhớ không sai, Tạ Bạch mỗi lần đến chợ Yêu một mình đều thích ở phòng 204 toà Giáp này.
Thói quen này được hình thành trong mười năm chờ đợi Ân Vô Thư, những năm đó hắn đến chợ Yêu không phải để dạo phố lại càng chẳng phải để mua đồ mà chỉ ở yên trong phòng, đứng ngây người trước ô cửa sổ mở toang suốt một ngày một đêm từ khi chợ Yêu mở cửa đến khi kết thúc hắn mới rời khỏi.
Lầu hai toà Giáp gần với cổng vào chợ Yêu nhất, tầm nhìn cũng thoáng đãng, đứng nhìn trên cửa sổ sẽ không để lỡ bất cứ ai vào chợ.
Mấy năm gần đây, Tạ Bạch không đến chợ Yêu chờ người nữa, nhưng bởi căn phòng 204 có số 4 trong tên nên nhiều yêu linh cũng không chuộng lắm, bỏ qua được sẽ bỏ qua ngay, đâm ra dễ còn trống hơn những phòng khác, thế là hắn tiếp tục chọn ở phòng này, cứ đến đi mấy bận lại gần như trở thành khách quen.
Hắn kiểm tra nhanh một lượt đồ đạc trong phòng, thả chú mèo mun nhí bắt đầu lên tiếng trong lòng xuống cho nó hoạt động một tí rồi bước đến khung cửa sổ gỗ lim quen thuộc đến không thể quen thuộc hơn.
Chẳng cần mở cửa sổ, hắn cũng biết đối diện là tửu quán Vân Môn, phía dưới có một sạp gỗ dựng tạm, ở góc gần treo một dải sáu đèn lồng chạm hoa, góc xa là bến đò Lâm Thời kia, và hằng hà những bóng người lạ đến đi… Hắn đã trông thấy khung cảnh bên ngoài cửa sổ này vô số lần, đến độ có thể tự vẽ ra trong đầu chẳng lệch một li.
Từng có một khoảng thời gian, hắn mơ một giấc mơ lặp đi lặp lại hệt như ma chướng, trong mơ hắn mở cánh cửa sổ này, chợt nhìn thấy bóng hình Ân Vô Thư hiện giữa vô vàn người xa kẻ lạ dưới lầu.
Người ấy bước đến từ trong đám người, xuyên qua sạp gỗ để đứng trước toà nhà, y ngẩng đầu cười với Tạ Bạch:
– Thiếu niên, cậu ở trên lầu chuẩn bị đến bao giờ mới xuống?
Sau đó, hắn sẽ giật mình choàng tỉnh, bần thần nhìn đăm đăm vào một điểm nào đó trong bóng tối hồi lâu, rồi mới nhắm mắt lại lần nữa.
Tạ Bạch đứng bên cửa sổ một lúc, đưa tay đẩy cửa sổ ra một nửa.
Và trông thấy một người mặc áo khoác đen đang sải bước ra khỏi tiệm, bóng lưng kia đĩnh đạc thanh tao tựa như cất hết uy lực vào trong, toát nên khí khái vững chãi mà nổi bật.
Đó là Ân Vô Thư.
Y bước hai bước ra ngoài rồi ngoặt sang một bước, tiếp đó ngẩng đầu lên như đã sớm đoán được, nhíu mày cười với Tạ Bạch:
– Thiếu niên, chợ đêm đã mở, còn tính ở trong phòng bao lâu? Xuống đi, ta chờ cậu.
Y nói giọng không cao, lọt vào tai Tạ Bạch lại tựa xuyên vào trùng trùng mây mù, mịt mờ chẳng rõ, sao như trùng khớp hoàn toàn với khung cảnh trong mơ.
Trong một thoáng chốc, Tạ Bạch sững người bên cửa sổ, bất giác cảm thấy mình sẽ tỉnh mộng ngay đây thôi.
Đến tận khi mèo mun nhí đang nhốn nháo trong phòng bất thình lình nhảy lên đầu vai Tạ Bạch, cọ mình vào mặt hắn, hắn mới ngỡ ra đây không phải giấc mơ ma chướng kia, và hắn sẽ không giật mình tỉnh giấc.
Hắn nhìn Ân Vô Thư đứng dưới lầu mà lòng trỗi lên đủ loại cảm xúc nghẹn ngào quá đỗi phức tạp, không biết là đau khổ hay là chi khác.
Luồng cảm xúc đó trỗi dậy xui hắn khó kiềm lòng phải trầm giọng hỏi:
– Vì sao không mở cửa?
Hắn bất giác muốn thay mặt bản thân đã trùm mình trong gió tuyết trước cửa chính Thái Huyền đạo thật lâu trăm năm về trước mà hỏi: Vì sao không mở cửa… vì sao bỗng nhiên không cần tôi nữa…
– Hết chương 31 –
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook