Âm Khách
-
Chương 18
Lập Đông giao thuốc xong bước xuống lầu, vừa nghe được đoạn chỉ hướng thì nhanh chóng lấy điện thoại ra thầm thì:
– Để tôi kiểm tra xem, ba ngàn năm trăm dặm về hướng chính đông bắc… là núi Đỗ Sơn? À không đúng, đây là giữa biển cmnr chứ núi đâu mà núi?
Lâu Hàm Nguyệt cười khúc khích:
– Cậu bị ngốc đấy à, ta không nói hướng đông bắc theo nghĩa thông thường.
Lập Đông cầm điện thoại ngẩn cả người:
– Hả?
Nhưng Ân Vô Thư tiếp lời:
– Quỷ môn.
Lâu Hàm Nguyệt nói:
– Quả là người có kinh nghiệm.
Phố Cổ Dương nằm ngay trên âm vị, lấy nơi này làm điểm khởi đầu, cứ mỗi tám mốt dặm là một mốc, mỗi mốc có hai Quỷ môn đối nhau, một cổng vào và một cổng ra.
Cổng vào gọi là chính tây nam, cổng ra gọi là chính đông bắc.
Như vậy, đi theo hướng “chính đông bắc” ba ngàn năm trăm dặm thì Quỷ môn cũng thay đổi qua từng mốc.
Nói thế nghĩa là giờ cậu có ngâm cứu điện thoại cả ngày cũng không biết cần đi thế nào đâu, phải đến đó xem mới được.
Thực ra, những yêu linh sống lâu rất hiếm khi bói toán bởi biết điều gì đó quá rõ cũng không phải chuyện tốt.
Họ có dư dả thời gian hơn nhiều so với người thường nên chỉ tính đại khái và có xu hướng tận hưởng cảm giác “chưa biết”.
Thành thử bên Lập Đông cũng không quen với dáng vẻ này của Lâu Hàm Nguyệt, chỉ riêng Ân Vô Thư mỗi trăm năm phải đi tìm Âm khách đời tiếp theo là thấy bình thường.
Lâu Hàm Nguyệt giải thích xong xuôi mới chợt nhớ ra gì đó bèn bật cười:
– Ta nhớ lúc trước có mấy lời đồn đãi về y, nào là mở mắt ra là biết rõ cả chuyện hậu sự, kể thẳng tới đời bà ngoại luôn mà cũng có cả lố người tin.
Ân Vô Thư giật khóe miệng rồi cười gằn.
Thật ra vào lúc còn bé, Tạ Bạch ở cùng Ân Vô Thư từ sáng tới tối, không kể đêm ngày, thi thoảng cũng sẽ tình cờ nghe được mấy lời đồn đãi về Ân Vô Thư từ người khác.
Những lời đồn đó đã nhiều còn rất linh tinh, có tốt có xấu, có chuyện nghe vào chỉ thấy một bầu trời phô trương.
Lời đồn được truyền bá rộng rãi nhất trong số đó một là Ân Vô Thư tính cách không ổn định, kể cả khi mỉm cười cũng không ai dám đùa giỡn, hai là y vô cùng hung hãn, có thể dễ dàng xé sống bất kỳ ai dám động đến y mà không chớp mắt.
Họ còn bảo y trời sinh đã sõi chuyện hậu sự nên dụng cụ bói toán với y chỉ là đồ thừa thãi…
Những lời đồn đó đã có từ rất lâu, nguồn gốc ban đầu không rõ ràng, dù sao những người hiện còn sống cũng không ai có khả năng xác nhận.
Song những lời đồn đó khác xa một trời một vực so với những thứ Tạ Bạch tận mắt trông thấy, xa đến độ mỗi lần nghe thấy hắn đều chẳng để tâm đến.
Ít nhất khi Ân Vô Thư xem quẻ tìm người cũng sẽ dùng đồng xu, những người thân cận với y như chính Tạ Bạch, Lâu Hàm Nguyệt hay ông chủ Lạc cũng không ai bị xé sống cả.
Ân Vô Thư ngẩng đầu thoáng nhìn ánh mặt trời qua lớp cửa kính rồi quét mắt qua hàng cây xanh ươm trong phòng, kế đó gõ ngón trỏ lên bàn vài lần và nói:
– Hôm nay cậu bắt đầu đi à? Tốt nhất chờ đến đêm, ban đêm dễ phân biệt Quỷ môn hơn.
Tạ Bạch đáp “Ừm” rồi nói cảm ơn với Lâu Hàm Nguyệt, sau đó đứng dậy, rõ ràng là muốn rời đi.
Ân Vô Thư kéo hắn lại, trưng một bộ mặt ưu tư sâu sắc:
– Đừng chạy vội thế! Cậu chắc cậu biết đường chứ? Mỗi tám mốt dặm có một Quỷ môn, nếu đi chệch hướng là lạc xa vạn dặm luôn đấy.
Tạ Bạch híp mắt mà mặt không biến sắc: …
– Để ta với cậu…
Ân Vô Thư chưa nói hết câu đã bị Tạ Bạch khoát tay ra:
– Không cần.
Lâu Hàm Nguyệt ngoái đầu, nháy mắt ra hiệu với Lập Đông, lẳng lặng tạo khẩu hình:
– Lì lợm vãi luôn.
Cô hiểu rõ tính Ân Vô Thư, nếu y đã muốn làm chuyện gì thì người kia chắc chắn không có đường từ chối.
Chỉ nói đôi ba câu là y có thể kéo người ta vào tròng, để đối phương không cách nào phản đối được mà chỉ đành nghe theo.
Thế nên cô nghĩ dù cho Tạ Bạch có nói không cần đi nữa thì Ân Vô Thư vẫn muốn đi theo thôi.
Nói sao thì cũng là người y từng nuôi nấng cả một trăm năm, cho dù không như tình cha con hay tình thầy trò thì hẳn cũng phải vun đắp nên phần tình cảm đậm sâu tựa cốt nhục, sao có thể trở mặt ngó lơ.
Điều khiến cô ngỡ ngàng chính là Ân Vô Thư thật sự im miệng, chỉ nhướng mày gật đầu:
– Không đi chung cũng được, ta đưa cho cậu một cái la bàn, loại hồi bé ta từng dạy cậu dùng ấy, cậu giữ lấy mà xem phương hướng để tránh lạc đường.
Tạ Bạch: …
Nhìn thấy Ân Vô Thư thật sự lấy ra một chiếc la bàn từ trong túi với dáng vẻ “Ta không nói đùa, cậu đích thị là dân mù đường”, mặt hắn không khỏi tái đi một chút.
Hắn mím chặt môi đối đầu với Ân Vô Thư một buổi xong cuối cùng vẫn cầm lấy la bàn, cho vào túi áo khoác, cứng rắn nói với Ân Vô Thư:
– Tôi đi đây.
Ân Vô Thư còn nhắc tiếp một câu:
– Đi nhớ mang đồ cho đầy đủ, đừng đánh rơi thứ gì rồi quay đầu lại tìm đấy.
“…” Tạ Bạch ngoảnh đầu rời đi.
Lâu Hàm Nguyệt yên lặng xoay đầu nói với Lập Đông bằng khẩu hình:
– Đây là Ân Vô Thư thật à?! Bị gà mẹ nhập rồi phải không!
Lập Đông: …
Tạ Bạch bước ra khỏi căn phòng kính, đi xuyên qua gian phòng khách rộng rãi, từ đằng xa nghe thấy tiếng Lâu Hàm Nguyệt hỏi Ân Vô Thư vọng đến phía sau:
– Hai hôm nay anh thường xuyên ghé tiệm cầm đồ Đào Hoa Ổ phải không, toàn không ghé ban sáng mà lựa giữa đêm hôm khuya khoắt, ta ở trên lầu còn thấy được.
Anh và Lạc Trúc Thanh đang âm mưu chuyện gì không muốn cho người khác biết đấy?
Tiệm cầm đồ Đào Hoa Ổ… Tạ Bạch nhớ đến lúc hắn vừa đến phố Cổ Dương ban sáng, đúng là có thấy Ân Vô Thư bước ra khỏi cửa tiệm của Lạc Trúc Thanh ở đối diện đường, lúc đó trên đường còn vắng hoe không một bóng người.
Ân Vô Thư đáp:
– Gần đây phải ra ngoài mấy hôm nên ta đến nhờ hắn ta trông giúp vài món.
Lâu Hàm Nguyệt:
– Ra ngoài làm gì?
Ân Vô Thư:
– Ném đi vài thứ nên giờ đi tìm.
Âm cuối cùng bị cắt đứt ngay lúc Tạ Bạch bước vào màn sương đen, đoạn sau đó hắn không còn nghe rõ nữa.
Khi hắn về đến nơi ở thì bất chợt nhớ tới câu “Mang đồ cho đầy đủ” của Ân Vô Thư, hắn khó kiềm lòng được mà nhìn khắp phòng — xưa nay cây Vạn Linh đều đi theo Âm khách, muốn gọi ra lúc nào sẽ xuất hiện lúc đó.
Mà ngoài cây Vạn Linh thì trong phòng này cũng không còn đồ gì…
Tạ Bạch bước đến ghế sô pha rồi nghiêng người cầm mấy quyển tạp chí trên bàn lên mở bừa ra.
Hắn lật lật gần hết, chỉ còn tầm mười trang thì không biết vì sao tiện tay nhét nó vào túi áo khoác mình.
Mèo mun nhí đang co người lim dim phơi nắng bên ban công, nhận ra hắn quay lại bèn kêu meo meo hai tiếng rồi phóng một mạch từ ban công tới, chạm được mắt cá chân Tạ Bạch rồi mới dừng lại và dạng hai chân sau ra ngồi phịch xuống bên chân Tạ Bạch, dáng bộ cực kỳ tuỳ ý.
Tạ Bạch nhìn bên ngoài cửa sổ, thấy còn một lúc nữa trời mới tối bèn ôm lấy nhóc mèo, vuốt cái đuôi nó và nói:
– Còn hai con âm ngư bắt về từ dưới sông đây, suýt nữa quên mất.
Nói đoạn, hắn mang dép lê bước vào bếp.
Từ ngày Tạ Bạch dời vào đây sống, gian bếp của căn phòng này gần như không dùng đến, mọi thứ bên trong đều mới cóng.
Dù xưa giờ Tạ Bạch đều không dùng, nhưng theo tiêu chuẩn sống của người bình thường thì trong đây cũng có không ít nồi niêu xoong chảo các kiểu.
Hắn đưa tay lấy thớt gỗ từ trên giá xuống rồi lắc cổ tay một cái, một con âm ngư không biết từ đâu hiện ra rớt xuống đúng bong bên trên tấm thớt, nó vẫn giữ nguyên hiện trạng lúc bị Tạ Bạch vớt lên từ dưới sông, chết không nhắm mắt.
Khắp người nó vẫn còn hơi ẩm tươi mới như thể đã bị đóng băng giữa dòng thời gian, chẳng có một dấu hiệu hư thối nào.
Thấy được một lần Tạ Bạch tính ra tay làm thức ăn cho, mèo mun nhí vốn ngoan ngoãn nằm trong lòng Tạ Bạch chợt cứng đơ mình, bốn cái móng vuốt quơ quào loạn xạ như muốn bỏ trốn.
Có vẻ nó cảm thấy người nhồi cá sống cho nó như Tạ Bạch không thể nấu được món gì ra hồn.
Tạ Bạch tặc lưỡi, nhíu mày trói linh nó lại và nói:
– Chạy gì mà chạy? Có phải chưa từng nấu ăn đâu.
Nhiều năm về trước, khi hắn và Ân Vô Thư còn sống chung với nhau, có đôi lần hắn cũng ngẫu hứng trổ tài bếp núc, nấu vài món tươi, hầm vài loại thuốc bổ, nhìn chung đều là những món được ghi chép lại từ hàng quán trong chợ Yêu.
Mãi đến tận năm hai mươi tuổi, hắn vẫn không ăn được đồ ăn bình thường mà chỉ sống nhờ vào khí Âm thi.
Nhưng dù thế, hễ nhìn thấy đồ ăn nóng hổi tươi mới thì hắn cũng sẽ vui vẻ trong lòng, thế nên hắn rất tận hưởng việc nấu ăn, khổ nổi không nêm nếm được vị nên chỉ có thể dựa vào mùi để đoán xem nên làm thế nào.
Còn về phần đồ ăn hoàn thiện thì bản thân hắn cũng không ăn được, chỉ có thể nhìn Ân Vô Thư ăn.
Tạ Bạch vẫn luôn không để lộ suy nghĩ và cảm xúc trong lòng, người thường gọi là trong ngoài bất nhất.
Mỗi khi lén đưa đồ ăn cho Ân Vô Thư, hắn vẫn giữ một vẻ mặt vô cảm lãnh đạm dù trong lòng rất hồ hởi được đem dâng bảo vật lắm rồi.
Lần đầu Ân Vô Thư ăn đồ ăn hắn nấu đã cau có như chết cha chết mẹ:
– Có phải cậu mất kiên nhẫn nên tính hạ độc ta rồi bỏ nhà trốn đi không hở thiếu niên họ Tạ?
Khi đó Tạ Bạch nghe vậy thì đỏ ửng cả hai vành tai, sau lại trưng một vẻ mặt lạnh lùng mặc kệ gom hết chén dĩa đi bỏ.
Kết quả là Ân Vô Thư lập tức bật cười tại chỗ, đứng lên chặn bát dĩa lại trước mặt hắn, rồi còn nửa giả nửa thật chạy khắp sân như đang trốn Tạ Bạch, vừa trốn vừa nghiêm giọng:
– Đùa thôi mà tưởng thật à? Bao nhiêu năm rồi mà còn dễ bị lừa như vậy thì sau này ra ngoài sống thế nào bây giờ? Rồi rồi, đừng chạy theo mổ ta nữa.
Bát nháo một hồi, y bèn quạt hẳn tay áo lên mái nhà, thả một bức tường khí rơi thẳng xuống chắn trước Tạ Bạch rồi cầm chén từ từ ăn sạch, cả người rõ ràng khoác trường bào toát tiên khí bay bổng nhưng trông đặc biệt thiếu đòn.
Tạ Bạch không đánh tới y, cuối cùng chỉ có thể xụ mặt chắp tay sau lưng, đứng bên trong nói ra:
– Già mà thiếu nết.
Ân Vô Thư: …
Ân Vô Thư chơi cú lừa này tận mấy lần, mãi đến khi Tạ Bạch không mắc lừa nữa mới tha cho.
Sau đó, mỗi khi Tạ Bạch nấu món gì đó, y đều ăn sạch sẽ không chừa thứ gì, sau đó còn vỗ vỗ đầu Tạ Bạch mà bảo:
– Thói quen tốt, nhớ giữ gìn.
Tiếc thay, đến khi hắn có thể ăn thức ăn bình thường thì chỉ còn một thân một mình, và đã chẳng còn hứng thú lẫn kiên nhẫn để nấu cho bản thân mình ăn nữa.
Tạ Bạch liếc nhìn con mèo đen nhỏ trong lòng, hơi nghi ngờ một tẹo:
– Mi có quan hệ với Ân Vô Thư thật à?
Nói cho cùng, những thứ hắn làm ra đến hạng sắc mắc như Ân Vô Thư còn có thể nuốt trôi, sao con mèo nhí này bày ra dáng bộ cứ như thể muốn gào lên “Cứu tôi với” thế kia, thật hết nói nổi.
Cho dù cả trăm năm rồi không nấu ăn, có chút không quen tay, nhưng Tạ Bạch cũng nhanh chóng tìm lại cảm giác.
Lần trước hắn bảo làm món “Ngọc trắng điểm mực” cho mèo con nên giờ thật sự không nuốt lời nó, tay vặn lửa riu riu kiên nhẫn nấu.
Sắc trời ngoài cửa sổ tối dần, đã sắp bước vào buổi đêm.
Hắn lấy la bàn Ân Vô Thư đưa cho ra nhìn, nhớ lại phương hướng Quỷ môn ở phố Cổ Dương, kế đó lấy điện thoại di động ra đối chiếu bản đồ một chút.
Đi tám mốt dặm theo hướng “chính đông bắc” là đến cạnh núi Lễ Lam ở Đông Giao, thành phố Lâm.
Tạ Bạch đánh dấu lại điểm đó rồi gối ghém đồ đạc, múc canh xương cá đã ninh nhừ sang màu trắng sữa vào chén, ủ trong tay đến khi nguội bớt rồi bưng đến trước mặt cho mèo mun nhí.
Hắn không có sở thích ăn chung canh với mèo, bèn đứng ôm tay một bên nhìn trời và chờ đợi.
Mèo con có lẽ cảm nhận được Tạ Bạch đang vội nên không phá bĩnh nữa mà ngoan ngoãn ăn hết cá, chỉ có điều vẻ mặt nó trông như thể không thiết sống nữa.
Tạ Bạch nhanh chóng dọn chén canh, hút tay sạch sẽ rồi ôm mèo mun lên và nói:
– Mi muốn đi cùng ta hay muốn ở lại giữ nhà?
Mèo con bám cả bốn bộ vuốt lên cánh tay Tạ Bạch, rõ ràng là đến chết cũng không buông, khỏi nói cũng biết là chọn đáp án nào.
– Thế thì ngoan ngoãn một chút, đừng chộn rộn.
Tạ Bạch dặn dò một câu rồi ôm mèo đi thẳng đến núi Lễ Lam.
Bằng tốc độ của hắn thì tám mốt dặm cũng chẳng nhọc nhằn gì.
Chỉ tốn tầm mười phút là hắn đã đứng dưới chân núi Lễ Lam.
Nói chung muôn nơi đều thế, cứ hễ đến gần khu vực có Quỷ môn thì hoang vắng cực kỳ, dân cư thưa thớt, ngay cả núi Lễ Lam cũng không ngoại lệ.
Khi vào đêm, sắc núi mang dáng vẻ thật u ám, sâu nặng và quạnh hiu.
Đến độ ngay cả một Tạ Bạch xưa nay di chuyển âm thầm mà còn có thể nghe được tiếng gió luồn qua từng bước chân mình, thậm chí còn có cả tiếng vọng, một trước một sau…
Không đúng!
Tạ Bạch đột nhiên cau mày phát giác, đây vốn không phải tiếng vọng, mà có ai đó đang đi theo sau lưng!
– Hết chương 18 –.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook