"Vậy thì ai đã tạo ra cái mê cung ấy của phân vân do dự, cái điện thờ ấy của kiêu sa, cái bình chứa tội lỗi ấy, cái cánh đồng với muôn ngàn hạt giống lọc lừa, cái cổng vào Địa Ngục, cái lẵng quả đầy tràn xảo quyệt, cái thứ thuốc độc ngọt như mật ong, cái dây xích cột chặt chúng sinh vào cõi trần ai này: đàn bà?"

Tôi ngồi trên mặt đất cạnh lò than, chậm rãi và lặng lẽ chép bài ca Phật giáo ấy. tôi thử hết cách phù phép này đến cách phù phép khác, cố xua đuổi khỏi tâm trí hình ảnh một tấm thân đàn bà đẫm nước mưa mà mùa thu này, đêm nào cũng diễu qua diễu lại trong không khí ẩm ướt trước mắt tôi với cặp mông uốn éo. Từ khi sập hầm, hút chết, tôi cảm thấy nàng góa rạo rực trong mạch máu tôi. Nàng kêu gọi tôi như một con thú hoang, khẩn thiết và đầy trách móc.

- Đến đây! Đến đây! Nàng kêu. Cuộc đời qua mau như ánh chớp. Đến mau, mau lên, nào, kẻo rồi lại quá muộn !

Tôi thừa biết đó là Mara, Đệ nhất Ác Quỷ, dưới dạng một phụ nữ đùi ngon, mông mọng. Tôi cố chống lại. Tôi miệt mài viết cuốn Đức Phật như cách những người mông muội trong hang lấy đá nhọn khắc hoặc dùng màu đỏ và trắng vẽ những con thú đói hung dữ rình mò quanh họ. Bằng cách khắc và vẽ những con thú ấy, họ cũng gắng sức đóng đinh chúng thật chặt trên vách đá.

Nếu họ không làm thế, chúng sẽ nhảy tới vồ họ.

Từ hôm tôi suýt bị đất đá đè chết, nàng sương phụ không ngừng qua lại trong không khí hừng hực bao trùm nỗi cô đơn của tôi, vẫy gọi tôi và đánh mông gợi tình.

Ban ngày, tôi mạnh, đầu óc linh lợi và tôi có thể đánh bật nàng ra. Tôi viết chuyện Ma Vương cải dạng hiện ra trước Đức Phật như thế nào, nó hóa thành đàn bà áp đôi vú rắn chắc vào đầu gối nhà tu khổ hạnh ra sao, làm thế nào Đức Phật thấy được hiểm nguy huy động tất cả năng lực và đánh bại Ma Vương.

Mỗi câu tôi viết đều khiến tôi thêm nhẹ nhõm, tôi can đảm lên, tôi cảm thấy Ma Vương đang rút lui, bị xua đuổi bởi phép màu trừ tà của ngôn ngữ. Ban ngày, tôi chiến đấu với tất cả sức lực mình, nhưng ban đêm, tâm trí tôi buông vũ khí, cửa lòng bỏ ngỏ và sương phụ lẻn vào.

Sáng ra, tôi thức giấc, đại bại và kiệt lực. Và cuộc đấu tranh lại bắt đầu. Khi tôi ngẩng đầu lên khỏi tập giấy thì đã xế chiều, ánh sáng bị xua đi, bóng tối đột ngột chụp lấy tôi. Ngày ngắn dần. Sắp tới Noël. Với tất cả sức lực, tôi lao vào cuộc đấu. Tôi tự nhủ: ta không đơn độc. Một sức mạnh lớn, ánh sáng ban ngày, cũng chiến đấu, cũng có khi thất bại, khi chiến thắng. Nhưng nó không hề tuyệt vọng. Ta cùng tranh đấu và cùng hy vọng với ánh sáng!

Tôi thấy hình như - và ý nghĩ này khiến tôi thêm can đảm - trong khi chiến đấu chống lại nàng góa, tôi cũng tuân theo một nhịp điệu chung vĩ đại. Tôi nghĩ: vật chất xảo quyệt đã chọn cái thân thể này để làm nguội dần và dập tắt ngọn lửa le lói trong tôi. Tôi tự nhủ: cái sức mạnh bất diệt biến vật chất thành tinh thần, là thuộc về thần thánh. Mỗi người mang trong mình một yếu tố của cơn lốc thần thánh và vì thế, có thể chuyển hóa bánh mì, nước uống và thịt thành tư tưởng và hành động. Zorba có lý: "Cho tôi biết anh làm gì với cái anh ăn, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người như thế nào".

Và như thế, tôi lao tâm khổ tứ ra sức biến cái ham muốn nhục dục mãnh liệt ấy thành truyện Đức Phật.

- Sếp nghĩ gì vậy, sếp? Trông sếp như lạc thần trí, Zorba nói với tôi vậy vào đêm Noël. Lão tinh ý, biết tôi đang phải đấu với con quỷ nào.

Tôi giả bộ không nghe thấy. Nhưng Zorba đâu có bỏ cuộc dễ dàng thế.

- Sếp còn trẻ, sếp ạ, lão nói.

Rồi đột nhiên, giọng lão trở nên chua chát và giận dữ.

- Sếp còn trẻ và khá mạnh mẽ dẻo dai, sếp ăn uống tốt, hít thở không khí sảng khoái của biển và tích lũy năng lượng - nhưng thử hỏi sếp làm gì với tất cả những cái đó? Sếp ngủ một thân một mình, thật đáng tiếc cho những năng lượng ấy! Đêm nay, sếp đến đó đi - phải, đừng đắn đo mất thì giờ nữa! Sếp ạ, mọi sự ở thế gian này đều đơn giản. Tôi phải nói với sếp bao nhiêu lần nữa? Cho nên đừng có làm phức tạp sự đời!

Bản thảo cuốn Đức Phật để mở trước mặt tôi và tôi lật từng trang trong khi nghe Zorba nói; tôi ý thức rằng những lời đó chỉ cho tôi một con đường đi đảm bảo, hấp dẫn và rất người. Lại là quỷ Mara, tên ma-cô xảo trá, lên tiếng gọi lần nữa.

Tôi lắng nghe, không nói một lời, và tiếp tục chậm rãi giở các trang bản thảo. Tôi huýt sáo để che giấu xúc động. Nhưng thấy tôi không nói, Zorba chợt kêu toáng lên.

- Đêm nay là đêm Giáng Sinh, bạn ơi, mau lên, hãy đến trước khi nàng đi lễ nhà thờ. Đêm nay, Chúa Kitô ra đời, sếp ạ, sếp cũng phải đi mà ra tay làm phép lạ chứ!

Tôi bực mình đứng dậy.

- Đủ rồi, Zorba, tôi nói. Mỗi người đi theo khuynh hướng riêng của mình. Con người giống như một cái cây. Có bao giờ bác cãi lộn với cây vả vì nó không ra quả anh đào không? Vậy thì chấm dứt nhé! Sắp nửa đêm rồi, ta hãy đến nhà thờ để chính mắt xem Chúa ra đời.

Zorba kéo chiếc mũ dày mùa đông lên đầu.

- Thôi được, lão nói, vẻ khổ sở. Nào thì đi! Nhưng tôi muốn sếp nên biết rằng Chúa Trời sẽ hài lòng hơn nhiều nếu sếp đến nhà mụ góa đêm nay như thượng đẳng thiên thần Gabriel. Nếu trước kia Chúa Trời cũng đi theo con đường như sếp thì Người ắt chẳng bao giờ tới được nhà Đức Mẹ Mary và Chúa Kitô ắt chẳng bao giờ giáng sinh. Nếu sếp hỏi tôi Đức Chúa Trời đã theo con đường nào, tôi xin thưa: con đường dẫn đến nhà Mary.

Mary chính là nàng góa đó.

Lão lặng lẽ và hoài công chờ tôi trả lời. Lão đẩy cửa bước ra ngoài. Lão giận dữ đập đầu chiếc can xuống sỏi.

- Phải, lão khăng khăng nhắc lại, Mary chính là nàng góa.

- Nào ta đi! Tôi nói. Đừng có lớn tiếng.

Chúng tôi sải bước nhanh trong đêm đông. Trời trong vắt, sao lơ lửng trên không trung, thấp và to như những quả cầu lửa. Trong khi chúng tôi đi dọc theo bờ biển, đêm giống như một con thú lớn đen sì nằm dài bên mé nước.

"Từ đêm nay", tôi tự nhủ "ánh sáng mà mùa đông đã đẩy lùi sẽ bắt đầu chiến thắng. Như thể nó sinh ra đêm nay cùng với Chúa Hài Đồng".

Tất cả dân làng chen chúc trong lòng nhà thờ ấm áp và thơm ngát. Đàn ông đứng đằng trước và đàn bà chắp tay đứng đằng sau. Thầy tư tế Stephanos cao lớn đang trong một tình trạng bực tức sau tuần chay bốn mươi ngày. Vận chiếc áo lễ nặng bằng vàng, ông sải cẳng chạy lăng xăng đây đó, vung vẩy chiếc bình hương, hát hết cỡ giọng và chỉ mong cho chóng đến lúc Chúa ra đời để về nhà chén món xúp đậm đặc, xúc xích thơm ngon và thịt sấy. Nếu Kinh Thánh viết: "Hôm nay, ánh sáng ra đời" trái tim con người ắt chẳng rộn ràng xúc động. Cái ý ấy ắt chẳng trở thành một huyền thoại và chinh phục thế giới. Nó chỉ mô tả một hiện tượng vật lý bình thường và ắt đã chẳng kích thích trí tưởng tượng của chúng ta - tôi muốn nói linh hồn chúng ta. Nhưng cái ánh sáng ra đời giữa mùa đông lại trở thành một hài nhi và hài nhi đó lại trở thành Chúa trời, và đã hai mươi thế kỷ nay, linh hồn chúng ta nuôi nấng nó . . .

Nghi thức thần bí chấm dứt sau nửa đêm một chút.

Chúa Khô đã giáng sinh. Dân làng, sung sướng nhưng đói mềm, chạy về nhà để ăn tiệc và cảm thấy tận đáy ruột cái huyền bí trong sự hiện thân của Chúa. Cái bụng là nền móng vững chắc; bánh mì, rượu, thịt là những thứ thiết yếu đầu tiên; chỉ bằng bánh mì, rượu và thịt, người ta mới tạo ra Chúa trời được.

Sao lấp lánh, to lớn như thiên thần, trên mái vòm màu trắng của nhà thờ. Dải Ngân Hà như một dòng sông vắt ngang bầu trời từ bên này sang bên kia. Một vì sao xanh biếc nhấp nháy trên đầu chúng tôi như một viên ngọc bích. Tôi thở dài, tràn ngập xúc động.

Zorba quay sang hỏi:

- Sếp này, sếp có tin thế không? Tin rằng Chúa Trời hiện thân thành người và ra đời trong một cái chuồng bò? Sếp có tin thế không, hay sếp chỉ giễu chúng tôi mà thôi?

- Thật khó nói, Zorba ạ, tôi đáp. Tôi không thể khẳng định là mình tin mà cũng không thể phủ định. Còn bác thì sao?

- Tôi cũng không thể nói là tôi tin. Dù chết tôi cũng không thể nói vậy. Sếp biết đấy, dạo bé nghe bà tôi kể truyện cổ tích tôi không tin một lời nào. Ấy thế mà tôi vẫn run lên vì xúc động, tôi cười và tôi khóc, y như thể tôi tin đó là thật. Khi cằm tôi mọc râu, tôi bỏ hẳn những truyện ấy, thậm chí còn hay cười giễu nữa; nhưng bây giờ về già - có lẽ tôi đâm ẽo ợt, phải không, sếp. - cách nào đó, tôi lại tin những truyện ấy... Con người thật không thể hiểu nổi!

Từ nãy chúng tôi đã đi theo con đường dẫn đến nhà mađam Hortense và lúc này chúng tôi bắt đầu phóng như hai chú ngựa đói đánh hơi thấy tàu ngựa.

- Những ông cha linh hồn thật láu cá, sếp thấy không! Zorba nói. Họ nắm bao tử mình, vậy làm sao mình thoát được. Trong bốn mươi ngày, họ bảo, các con không được ăn thịt, không được uống rượu: chỉ ăn chay thôi. Tại sao? Để cho ta thèm rượu, thèm thịt đến héo hon mòn mỏi. Ôi, những con lợn béo ị ấy, họ biết mọi ngón của trò chơi!

Lão càng đi nhanh hơn nữa.

- Mau lên, sếp, lão nói. Con gà tây hẳn vừa chín tới.

*

Khi chúng tôi tới phòng bà chủ tốt bụng của chúng tôi, căn phòng có cái giường lớn đầy cám dỗ, chúng tôi thấy bàn ăn phủ một tấm khăn trắng và trên đó là con gà tây bốc hơi nằm ngửa, hai chân giạng ra. Lò than tỏa ra một hơi nóng êm dịu.

Mađam Hortense đã cuộn tóc xong, mụ mặc chiếc áo dài màu hồng lợt với ống tay thụng và đăng-ten đã sờn. Quanh cái cổ nhăn nheo là một dải ruy-băng màu vàng hoàng yến rộng khoảng hai ngón tay. Người mụ sức đẫm nước hoa cam.

Mọi sự trên thế gian này sao mà tương hợp tới mức hoàn hảo, tôi nghĩ thầm. Sao mà thế gian xứng hợp đến thế với tâm hồn con người! Này đây, mụ ca kĩ già từng sống một cuộc đời hết sức phóng đãng và nay, trôi giạt đến bờ biển hiu quạnh này, mụ tập trung trong căn phòng khốn khổ này tất cả trữ lượng nồng ấm và ân cần thần thánh của chất nữ.

Bữa tiệc thịnh soạn và chuẩn bị chu đáo, lò than hồng, tấm thân trang điểm son phấn, mùi nước hoa cam - tất cả những lạc thú vật chất nhỏ bé và rất người ấy sao mà nhanh chóng và đơn giản biến thành một niềm vui tâm linh lớn!

Tim tôi bỗng nhiên đập rộn trong lồng ngực. Trong cái buổi tối long trọng này, tôi cảm thấy mình không hoàn toàn cô đơn Ở đây, trên dải bờ biển hoang vu này.

Một con người đầy nữ tính hiến dâng, dịu dàng và kiên nhẫn đang đi đến với tôi: nàng là mẹ, là chị gái, em gái, là vợ. Và tôi trước nay vốn nghĩ mình chẳng cần gì, chợt cảm thấy mình cần tất cả.

Zorba chắc cũng cùng chung một cảm xúc như vậy, vì chúng tôi vừa vào buồng là lão lao ngay tới mụ ca kĩ phấn son lòe loẹt và ôm ghì lấy mụ.

- Chúa Khô đã giáng sinh! Lão kêu lên. Xin chào nàng, giống cái!

Lão quay sang tôi, cười.

- Thấy không, sếp, đàn bà thật là một sinh vật ranh ma! Đến Thượng đế họ cũng có thể mơn trớn phỉnh phờ được!

Chúng tôi ngồi vào bàn và ngấu nghiến ăn uống.

Thể xác chúng tôi thỏa mãn và linh hồn rạo rực khoái cảm. Zorba lại trở nên hoạt bát.

- Ăn uống đi, lão luôn miệng kêu lớn. Nhậu nhẹt đi, sếp, và sôi nổi lên. Hát lên, sếp, ông bạn cũng phải hát như bọn mục đồng: "Vinh danh cái gì cao nhất... Vinh danh cái gì thấp nhất..." Chúa Kitô đã ra đời, đó là một điều ghê gớm, sếp biết đấy. Cất tiếng hát lên cho Chúa trời nghe thấy và hoan hỉ.

Lão đã hoàn toàn phấn chấn trở lại và không cách nào hãm được lão.

- Chúa Kitô đã ra đời, Solomon thông tuệ của tôi, nhà cạo giấy khốn khổ của tôi! Đừng có quá tỉ mẩn! Người có ra đời hay không? Tất nhiên là có, đừng có dở hơi. Nếu ta lấy một cái kính hiển vi soi vào nước ta uống - một hôm có tay kỹ sư bảo tôi thế - ta sẽ thấy, y nói, nước đầy những con bọ li ti mắt thường nhìn không thấy. Trông thấy bọ, sếp sẽ không dám uống. Không dám uống thì rồi chết khát. Đập nát cái kính hiển vi đi, sếp, lũ bọ li ti sẽ biến mất và sếp có thể uống cho đỡ khát.

Lão quay sang người bạn lòe loẹt của chúng tôi, nâng ly rượu đầy và nói:

- Bouboulina rất thân yêu của tôi, cựu chiến hữu của tôi, tôi xin nâng ly này chúc mừng em! Tôi đã từng thấy nhiều hình chạm ngư nữ trong đời, chúng được gắn ở những mũi tàu, tay ôm ngực, môi má sơn đỏ chót. Chúng lênh đênh khắp các mặt biển, vào mọi hải cảng và khi tàu mục nát, chúng lên đất liền và cho đến mãn kiếp, nằm lì dựa vào tường một quán rượu dân chài, nơi các thuyền trưởng thường tới nhậu. Bouboulina của tôi, đêm nay, trên bờ biển này, khi bụng đã đầy những rượu ngon thịt béo và mắt mở to, tôi thấy em giống như hình chạm ở mũi một con tàu lớn. Và tôi là hải cảng cuối cùng em ghé vào, tôi là quán rượu các thuyền trưởng viễn dương thường tới nhậu. Hãy lại đây, dựa vào tôi, hạ buồm xuống! Tôi uống ly rượu vang Crete này mừng em, nàng tiên cá của tôi!

XúC động và khuất phục, mađam Hortense ngả đầu vào vai Zorba, bắt đầu khóc.

- Sếp cứ xem đấy, Zorba thì thầm vào tai tôi, bài diễn từ hoa mỹ của tôi sắp gây rắc rối cho tôi. Đêm nay mợ sẽ không chịu thả cho tôi đi đâu. Nhưng, sếp biết đó, tôi vốn hay ái ngại cho những kẻ tội nghiệp, phải, tôi thương hại họ! Chúa Kitô đã ra đời! Lão hô to với nàng tiên cá của lão. Chúc sức khỏe chúng ta!

Lão luồn cánh tay xuống dưới cánh tay nữ chủ nhân của chúng tôi và họ nốc một hơi cạn ly, hai cánh tay quấn lấy nhau, mắt nhìn mắt say đắm.

Trời hẳn đã gần sáng khi tôi để hai người lại căn phòng ngủ xinh xắn ấm áp với chiếc giường và lên đường trở về. Dân làng đã ăn uống no say và giờ đây, thôn làng ngủ yên, cửa đóng then cài dưới màn sao mùa đông.

Trời rét, sóng biển gầm, ngôi sao mai tinh nghịch nháy mắt ở đằng đông. Tôi men theo mé nước, đùa nghịch với sóng. Sóng ào lên định té ướt tôi và tôi chạy giạt né tránh. Tôi sung sướng và tôi tự nhủ: "Đây là hạnh phúc thực sự: không tham vọng gì hết mà vẫn làm việc như trâu ngựa, tựa hồ có mọi tham vọng. Sống xa mọi người , không cần đến họ , mà vẫn thương yêu họ . Tham gia các cuộc vui nhân lễ Giáng Sinh và sau khi ăn uống no say, trốn đi một mình, xa mọi cạm bẫy, có cả trời sao trên đầu, biển ở bên phải và đất liền bên trái, và đột nhiên, ý thức ra rằng trong tim ta, cuộc đời đã hoàn thành phép màu tối hậu của nó: nó đã trở thành một truyện thần tiên".

Ngày lại ngày trôi qua. Tôi cố gắng làm ra vẻ kiên cường. Tôi hò hét và làm trò hề, nhưng trong thâm tâm, tôi biết mình buồn. Trong cả tuần lễ hội hè này, những hồi ức trỗi dậy và dâng đầy ngực tôi tiếng nhạc xa xưa cùng hình ảnh những người yêu dấu. Một lần nữa, tôi thấm thía cái chân lý của câu tục ngữ cổ: "Tim người là một con mương đầy máu". Những người thân yêu quá cố lao mình xuống bờ con mương này để uống máu và nhờ đó lại hồi sinh; họ càng thân thiết với ta bao nhiêu họ càng uống máu ta nhiều bấy nhiêu.

Đêm cuối năm. Một bầy trẻ làng mang một con tàu giấy lớn đến kề chúng tôi và cất giọng lảnh lót, vui vẻ hát khúc Kalanda ( [35] ) .

Thánh Basil vĩ đại từ thành phố quê hương Caesarea đến...

Ngài đứng đây trên cái bãi nhỏ của đạo Crere này, bên biển một màu xanh chàm. Ngài tựa lên cây trượng và cây trượng đột nhiên đầy hoa lá. Bài hát năm mới vang lên.

Chúc các đạo hữu Cơ Đốc một năm mới hạnh phúc!

Gia chủ, cầu cho nhà ngài đầy lúa, dầu ô-liu và rượu vang;

Cầu sao phu nhân thành cây cột trụ bằng cẩm thạch chống đỡ mái nhà; Cầu cho lệnh nữ lấy chồng, sinh chín trai một gái;

Cầu sao đàn trai ấy giải phóng Constantinople, kinh thành của các vua ta!

Zorba lắng nghe, mê say. Lão vớ lấy cái trống của lũ trẻ, đánh như điên.

Tôi lẳng lặng nhìn và nghe, không nói gì. Tôi cảm thấy một chiếc lá nữa rớt khỏi tim tôi; lại một năm trôi qua: Tôi tiến thêm một bước nữa về phía cái vực đen ngòm.

- Sếp làm sao thế? Zorba hỏi trong quãng ngừng giữa lúc nện trống và hát hết cỡ giọng cùng lũ trẻ. Làm sao thế, ông bạn? Nom sếp già đi đến mấy tuổi, mặt thì xám ngoẹt. Giữa lúc tôi lại trở thành một thằng bé con, tôi lại sinh ra lần nữa như Chúa Kitô. Chẳng phải mỗi năm Người lại sinh ra một lần đó sao? Tôi cũng thế!

Tôi nằm vào giương, nhắm mắt lại. Đêm nay, lòng tôi đang ở trong một trạng thái cuồng dại; tôi không muốn nói.

Tôi không ngủ được. Tôi cảm thấy tôi phải minh giải mọi hành động của mình ngay đêm nay. Tôi duyệt lại toàn bộ đời tôi, thấy nó nhạt nhẽo, không đâu vào đâu và phân vân như mộng tưởng. Tôi chiêm ngẫm nó một cách tuyệt vọng. Như một đám mây xốp bị gió trên cao thốc tới, đời tôi luôn luôn chuyển dạng. Nó tan rồi lại hợp, biến hình - nó lần lượt là một con thiên nga, một con chó, một con quỷ, một con bọ cạp, một con khỉ - và đám mây không ngừng bị xé tả tơi. Gió trời xô nó đi, quyện sắc, cầu vồng.

Rạng sáng. Tôi không mở mắt. Tôi đang ráng tập trung hết sức lực vào điều khao khát cháy bỏng là đột phá cái vỏ cứng của tâm trí để dẫn sâu vào dòng kênh tối tăm, nguy hiểm cuốn trôi từng giọt người ra hòa với đại dương. Tôi đang háo hức muốn xé toang tấm màn để xem năm mới sẽ mang đến cho tôi những gì.

- Chào sếp. Chúc năm mới hạnh phúc!

Tiếng Zorba kéo tôi về trái đất một cách thô bạo. Tôi mở mắt vừa đúng lúc để trông thấy Zorba ném qua cửa lều một quả lựu to tướng. Những hạt của nó trong như hồng ngọc bắn ra đến tận giường tôi. Tôi nhặt mấy hạt, ăn, thấy mát đến tận cổ họng.

- Tôi mong sao chúng ta hốt bạc cho các kiều nữ cướp đi! Zorba vui vẻ kêu lên. Lão đã tắm rửa, cạo râu nhẵn nhụi và mặc bộ đồ đẹp nhất - quần vải xanh lam và vét tông vải thô dệt lấy, ngoài khoác thêm một chiếc áo da dê lót một nửa. Lão đội chiếc mũ Nga chùm đầu bằng lông cừu caracun và vuốt ria vểnh lên.

- Sếp này, lão nói, tôi sắp làm một cuộc ra mắt ở nhà thờ với tư cách là đại diện Công ty. Để họ nghĩ chúng ta là hội viên Hội Tam Điểm thì chẳng có lợi cho mỏ. Tôi sẽ chẳng mất gì, mà lại có trò tiêu khiển.

Lào cúi xuống và nháy mắt. Có thể tôi sẽ gặp mụ góa ở đó cũng nên, lão thì thầm.

Lạy Chúa, lợi ích của Công ty và sương phụ kết hợp hài hòa trong tâm trí Zorba. Tôi nghe thấy tiếng chân lão xa dần. Tôi vùng dậy. Bùa phép đã mất thiêng, hồn tôi lại bị nhốt trong nhà tù vỏ xác lần nữa.

Tôi mặc quần áo và đi xuống bờ nước. Tôi rảo bước. Tôi vui vẻ như vừa thoát khỏi một hiểm nguy hoặc một tội lỗi. Mong ước tọc mạch của tôi định dõi mắt tò mò tìm hiểu trước tương lai bỗng có vẻ như một tội phạm thánh.

Tôi nhớ lại một buổi sáng tôi phát hiện thấy một cái kén trong vỏ một thân cây, đúng lúc con bướm đục thủng màng bọc, sắp sửa chui ra. Tôi đợi một lúc, nhưng mãi không thấy nó xuất hiện và tôi đâm nôn nóng. Tôi bèn cúi xuống, hà hơi sưởi ấm nó. Tôi cố sưởi ấm nó thật nhanh và phép lạ bắt đầu diễn ra trước mắt tôi, nhanh hơn quy luật tự nhiên. Màng bọc mở, con bướm từ từ bò ra và mãi mãi tôi không thể quên được nỗi khiếp hãi của mình khi thấy đôi cánh nó rúm ró gập lại phía sau; con bướm khốn khổ run rẩy toàn thân cố mở cánh ra. Tôi cúi xuống ráng sức thổi nhằm trợ giúp nó. Vô ích. Nó cần phải nở từ từ trong kiên nhẫn và sự xòe mở đôi cánh phải là một quá trình tiệm tiến dưới ánh mặt trời. Hơi thở của tôi đã thúc bách con bướm xuất hiện hoàn toàn rúm ró, trước hạn kỳ. Nó giãy giụa tuyệt vọng và mấy giây sau, nó chết trong lòng bàn tay tôi.

Cái thi thể nhỏ xíu đó, tôi tin chắc thế, là điều đè nặng nhất trên lương tâm tôi. Vì giờ đây, tôi nhận chân ra rằng vi phạm những quy luật lớn của tự nhiên là một trọng tội. Ta không nên vội vàng, ta không nên nôn nóng, mà phải tín thành tuân theo nhịp điệu vĩnh cửu.

Tôi ngồi trên một phiến đá để ngẫm nghĩ cái ý nghĩ đầu năm ấy. Ôi, giá con bướm nhỏ ấy có thể luôn luôn bay rập rờn trước mặt để chỉ lối cho tôi!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương