1976
Chương 3

Mãi đến sau này tôi mới biết được, ông nội và cha mẹ chôn di vật của bà không phải chỉ vì làm theo phong tục.

Hai ngày nay tôi cảm giác trong nhà có gì đó rất kỳ lạ. Ông nội đem tấm gương đồng cổ xưa vô cùng tinh mỹ tháo xuống, dùng vải bọc kín sau đó giấu vào phía sau tủ áo, còn mẹ thì nuốt nước mắt tháo hết vòng bạc và nhẫn ngọc, đặt vào trong một cái túi, từ đó không bao giờ thấy mẹ đeo trang sức nữa. Cha tôi cho người làm nghỉ việc, tôi nghe cha buồn rầu nói với họ rằng gia cảnh Lâm gia tụt dốc, không có tiền thuê họ nữa, chỉ sợ về sau cả nhà cũng phải sống trong khổ cực… Nhưng trên thực tế, tôi thấy sinh hoạt trong gia đình không có bao nhiêu thay đổi, thức ăn thường ngày vẫn rất phong phú.

Không phải chỉ riêng nhà chúng tôi kỳ lạ, mà bên nhà Vương Câu Đắc Nhi cũng khó hiểu không kém.

Đêm hôm qua dì Vương đến nhà tôi, cùng ông nội và cha mẹ nói chuyện với nhau rất lâu rất lâu. Tôi hiển nhiên là bị nhốt ở trong phòng, nhưng nội dung họ nói chuyện một chữ tôi đều không để lọt, cho đến nay ký ức vẫn còn như mới.

Dì Vương khóc thút thít nói rằng: “Ây da, nhà chúng tôi coi như xong rồi, anh trai của tôi ăn cơm ở nhà ăn nhân dân, không có một chút dầu mỡ nào cả, mà thân thể anh ấy lại cao to cường tráng, tính tình thì nóng nảy, đương nhiên gặp chuyện như vậy sẽ không nhịn được, đem chén đĩa đặt trước mặt đầu bếp nói rằng: Chú có thấy trong đây có chút dầu mỡ nào không? Tôi thấy vốn dĩ là các chú không muốn làm…”

“Cũng bởi như vậy mà anh ấy gán tội “xúc phạm chủ nghĩa Cộng sản vĩ đại”, hai ngày trước đã bị bắt đi rồi, rồi lại bị kiểm điểm phê bình cái gì đó, sau khi viết xong kiểm điểm thì bị đưa đi cải tạo, đến giờ vẫn không thấy tin tức. Mọi người nói xem, chú của Canh Vân tính tình nóng nảy như thế, vào đó không chịu được khuất nhục, không biết sẽ bị xử lý thế nào? Hai ngày trước tôi có vào thành phố, nhìn thấy một nhóm hồng vệ binh đang lục xét nhà người ta, chúng vô cùng hung hăng, gặp cái gì là đập cái đấy…”

Ông nội tôi gõ tẩu thuốc lên mặt bàn, nói: “Cũng không phải là gặp cái gì đập cái đấy, có điều của hồi môn của bà nội Khánh Hoa nhất định sẽ bị đập, chúng muốn kiềm kẹp “sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản” ấy mà…”

Dì Vương lại nói tiếp: “Đúng vậy, cha tôi hồi trẻ có học được chút tay nghề của bọn Tây, sinh sống bằng nghề chế tạo đàn vĩ cầm. Ông ấy mất nhiều năm rồi, để lại cho tôi mấy cây đàn, thật là tôi không muốn bỏ đi, nhưng không bỏ thì không được… lại không biết xử lý thế nào đây. Hai ngày trước vì nhà chúng tôi có liên quan đến anh trai, nên một đám hồng vệ binh đến xét nhà, chúng tôi hoảng sợ nên vờ như không có ai ở nhà, không ra mở cửa. Tôi chỉ biết ở trong nhà ôm cây đàn kia mà khóc…”

“Cha của Canh Vân trước kia cũng xuất thân địa chủ, chỉ là sau đó tiền bạc đều không còn nữa. Mấy chuyện này đều có thể điều tra ra được, tôi nghĩ cuộc sống sau này không thể tiếp tục an ổn nữa rồi, Canh Vân và em trai nó còn nhỏ như vậy, chỉ sợ cũng không khỏi chịu khổ, mọi người nói nên làm sao mới tốt đây?”

Cha tôi trầm thấp thở dài một hơi mới nói: “Nhà chúng tôi lại càng khó. Bây giờ Đảng đã ra chủ trương “Đả đảo tất cả, nội chiến toàn diện”, ngay cả chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, còn có họ Đặng đều bị phê bình rồi, lại nghe nói có không ít địa chủ và người làm công tác văn hóa ở Bắc Kinh bị giết. Tình huống nhà chúng tôi chắc chắn lại càng gay go hơn.” (Họ Đặng ở đây chỉ Đặng Tiểu Bình)

Ông nội nói: “Nhà chúng ta nhất định phải qua được kiếp nạn này, bà nội Khánh Hoa cũng coi như có phúc, về sau không phải bị kết tội. Hiện tại chỉ sợ phải thêu hủy nhà cửa rồi trốn đi mới được, nhưng việc này là không thể nào.”

Mẹ tôi tiếp lời: “Tôi nghe nói những sinh viên đại học đều bị điều về nông thôn, mấy người làm công tác văn hóa và địa chủ gì đó ở nông thôn, tốt một chút thì bị xét nhà, sau đó bị cho đi cải tạo lao động, xấu số hơn thì bị bắt giam. Ai da, chúng ta phải xử lý thế nào đây? Chẳng lẽ phải trơ mắt nhìn tai họa ập đến mà không chạy trốn sao?”

Cha hỏi: “Bọn chúng có thể làm cách mạng, vậy tại sao chúng ta không thể làm được? Như thế thì sẽ không có ai hoài nghi nhà chúng ta. Chúng ta đem của cải đập bỏ, hoặc giấu đi, ngụy trang thành bần nông, như vậy không phải là được rồi sao?”

Mẹ tôi đột nhiên quát to một tiếng đầy uy nghiêm, từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghe mẹ nói chuyện như thế: “Đừng nghĩ rằng anh xuất thân là đại tư bản, thực chất vẫn còn đần lắm!” Mẹ lại hạ giọng thì thầm: “Làm cách mạng cũng phải biết cái nào đúng cái nào sai, bọn chúng đã làm sai, chẳng lẽ anh cũng muốn sai theo chúng? Thái độ kiêu ngạo của anh đâu mất cả rồi? Anh làm vậy không thấy hổ thẹn với tổ tiên sao?”

Cha tôi trầm mặt không nói. Dì Vương lại thở dài một hơi: “Khánh Hoa và Canh Vân, còn có em trai của nó nữa, chỉ sợ phải oan ức mà gánh trên lưng cái danh “cẩu tể tử” rồi, thật sự là số khổ.”

Âm thanh mẹ tôi chợt nghẹn ngào: “Tôi chỉ có một đứa con trai, từ nhỏ đã quản giáo nghiêm khắc với nó, bình thường nó lanh lợi ngoan ngoãn như vậy, tôi là mẹ nó, tôi chỉ muốn nó sau này có thể tiền đồ xán lạn, sang năm là Khánh Hoa tròn bảy tuổi, có thể nhập học được rồi. Nhưng ông trời lại hết lần này đến lần khác muốn trêu ngươi, sao lại để cho Khánh Hoa sinh ra vào thời điểm như thế này chứ…”

Cha cũng nói: “Trường học cho nghỉ cả rồi.”

Lần đầu tiên tôi nghe được mẹ khen mình lanh lợi ngoan ngoãn, làm tôi không khỏi kinh ngạc. Nghe mẹ nói mấy lời như vậy, tôi đột nhiên cảm thấy trong lòng chua xót, nước mắt không ngừng rơi xuống. Tôi rất muốn nói lời xin lỗi với mẹ, muốn vì mẹ mà làm được một vài việc gì đó.

“Cũng may chúng ta biết tin tương đối sớm.” Âm thanh của ông nội phá vỡ trầm tư: “May mà chúng ta đã chuẩn bị tốt cả rồi, nếu không thì…”

Mấy người lớn dựa sát vào nhau, bắt đầu kề tai nhau thì thầm to nhỏ. Tôi vểnh tai lên nghe ngóng, nhưng không nghe được gì, đành phải nằm xuống giường lần nữa, trong tay nắm chặt ngân trâm của bà, nhìn trần nhà đến ngẩn người.

Sáng hôm sau khi nhìn thấy mẹ, tôi lại nhớ tới lời khen lanh lợi ngoan ngoãn của mẹ tối qua, liền muốn tìm kiếm một chút gì đó khác thường trong ánh mắt mẹ, tốt nhất là yêu thương. Nhưng trong mắt mẹ vẫn nghiêm khắc như trước kia, thậm chí còn nghiêm hơn so với bình thường.

Còn một việc bất thường hơn là, trong góc phòng khách đặt hai túi lớn.

Sau khi ăn xong cơm tối, cha đột nhiên gọi tôi đến bên cạnh ông. Tôi có chút sợ sệt, nhưng vẫn nghe lời đi tới. Cha nhìn vào mắt tôi, nói rất nghiêm túc: “Sau này con không còn tên là “Lâm Khánh Hoa” nữa, tên của con là Lâm Mộ Đông.” Ông lấy ra một tờ giấy, viết ba xuống ba chữ “Lâm Mộ Đông”, sau đó lại nói: “Tập viết đi.”

Tôi lập tức ủ rũ, lúc trước tôi chỉ mới học được một số chữ cơ bản, vất vả lắm mới học xong ba chữ “Lâm Khánh Hoa”, mà bây giờ lại có thêm “Lâm Mộ Đông.” Nhưng từ đêm qua nghe người lớn trong nhà nói chuyện kỳ lạ như vậy, tôi cảm thấy rất có thể là có quan hệ với việc này. Đây có thể coi như là một sứ mệnh gian khổ, vì thế tôi không dám cãi lời, cũng không dám hỏi vì sao, chỉ biết chép lại một lần rồi lại một lần lên giấy mãi đến khi nhớ kỹ.

Mẹ là người rất kiên định, mẹ phản đối việc cha đổi tên cho tôi. Lúc cha đổi tên tôi, mẹ rất kinh thường châm chọc cha: “Sao anh không đổi tên cho con mình thành “Mao Chủ tịch vạn tuế” luôn đi.”

Cha hừ nhẹ một tiếng, nói chuyện này đâu phải chuyện đùa, liên quan đến tương lai của con chúng ta, em cũng ít xuất hiện bên ngoài một chút đi. Sau đó là một mảnh tĩnh mịch, ánh hoàng hôn xuyên qua song cửa, chậm rãi cắn nuốt cả căn phòng, cha thở ra một hơi dài, tôi nhìn bóng lưng cao lớn của ông đang cúi đầu, trong lòng tràn ngập cảm giác phiền muộn không tên.

Một ngày cứ trôi qua như thế.

Tôi bắt đầu phát hiện ra một chuyện làm mình đau đầu, đó là không biết phải giấu ngân trâm của bà nội ở đâu. Đối với một đứa bé mà nói thì chỗ dành riêng cho nó thật sự quá ít. Ngăn tủ trong phòng ngủ không để được, cái đó không thuộc về tôi, mẹ có thể mở ra xem bất cứ lúc nào đặt ở đưới gối cũng không xong, rất nhanh sẽ bị phát hiện để trong túi quần vẫn không thể, mẹ có thể sẽ đột nhiên bắt tôi đi tắm, đến khi ấy sẽ không còn cách nào để không bị phát hiện.

Nghĩ tới nghĩ lui tôi vẫn để trong túi quần, đến lúc mẹ giặt quần áo, tôi cố ý cởi đồ thật chậm, thừa lúc mẹ không để ý mà thần không biết quỷ không hay giấu chặt nó trong tay.

Đấy là một buổi sáng không bình thường. Ông nội, cha và mẹ đã có mặt đầy đủ trong phòng khách, người nào người nấy đều dùng vẻ mặt nghiêm túc như muốn nhìn xuyên qua tôi. Tôi cúi đầu xoắn ngón tay, đến thở mạnh một cái cũng không dám.

“Lâm Mộ Đông, bây giờ còn cũng đã sắp thành người lớn rồi, không còn là con nít nữa, chúng ta muốn bàn với con một chuyện.” Cha là người mở miệng trước: “Con với tư cách là một người trưởng thành, sau này cha muốn gọi con là “Lâm tiên sinh” được không?”

Đầu óc tôi không kịp hoạt động, đối với cái xưng hô lạ lẫm như thế này còn có chút không thể thích ứng, nhưng chỉ có thể mỉm cười gật đầu.

Cha lại nói: “Gần đây nhà mình xảy ra chút việc, cũng không phải chuyện tốt gì. Cả nhà có ý định muốn đưa con đến chỗ của chú con một thời gian. Có thể là vài tháng, cũng có thể là vài năm, hoặc là rất rất lâu, nhưng cha tin chúng ta sẽ gặp lại.”

Tôi nghiêng cái đầu nhỏ chăm chú lắng nghe, trong lòng bắt đầu cảm thấy sợ hãi, rất lâu là bao lâu? Sau khi bà nội đi rồi, những ngày sau đó tôi trải qua cứ dài dằng dặc, khoảng thời gian này có thể xem là rất lâu không? Chắc là không rồi.

Tôi hỏi cha: “Mọi người sẽ ở nhà đợi con về sao?”

Cả ba người đều trầm mặc. Tục ngữ có câu: “Hôm nay cởi giày, không biết ngày mai có mang vào được không?” Tương lai mờ mịt, lúc này lại không biết có thể đoàn tụ hay không?

Tôi đột nhiên thốt ra được một câu như người lớn: “Không thể thương lượng hay sao?”

Mọi người đều giật mình, không thể ngờ một đứa trẻ sáu tuổi có thể nói ra những lời như vậy. Mẹ mở to hai mắt, ông nội quên cả gõ tẩu thuốc, tàn thuốc rơi xuống bàn ông cũng không hay biết.

Cha hắng giọng một cái nói: “Không thể, Lâm tiên sinh, chuyện này không phải chúng ta muốn là được, hơn nữa chúng ta cũng rất áy náy… Người chú đó của con là cháu của ông nội, nhỏ hơn cha vài tuổi. Cả nhà họ đều là nông dân, sống bằng việc cày ruộng, gia cảnh so với nhà chúng ta thì khó khăn hơn một chút, con đến đó nhất định không được kén chọn, không được phàn nàn, không được lộ ra cảm giác nhớ nhà, phải nghe lời chú ấy mà sống cho thật tốt vào.”

“Còn có…” Mẹ cũng lên tiếng: “Con phải nhớ thật kỹ, không được nói chuyện trong nhà mình cho người khác nghe, không được nói cha mẹ con là ai, làm nghề gì hoặc ở đâu. Nếu con không nghe theo, chẳng những con không thể sống tốt mà cả chúng ta cũng bị liên lụy.”

Ông nội liên tục gật đầu đồng ý, nói đó là những chuyện quan trọng. Ông còn nói thêm: “Con không thể nói thật về thân thế của mình, nếu có ai hỏi thì trả lời nhà con đều là bần nông, nhớ cho kỹ vào, là bần nông.”

Cha thoáng cười khổ: “Không biết con có nghe hiểu hay không…”

Tôi chăm chú nhìn đầu lông mày của mẹ càng lúc càng nhíu chặt, lại nhớ đến hai hôm trước mẹ trách móc cha không kiên cường, tôi nói: “Không được, chúng ta không phải bần nông, nói như vậy chẳng phải sẽ hổ thẹn với tổ tiên sao? Không phải tất cả địa chủ đều là người xấu. Nếu người khác hỏi con, con sẽ giả ngu. Cái ăn cái mặc của con có thể bần hàn một chút, như vậy người khác sẽ không chú ý đến con.”

Lời này nói ra lại càng khiến mọi người thêm kinh ngạc, mẹ siết chặt tay che miệng, cố gắng che giấu kích động và vui sướng trong lòng, ông nội tuy bị tôi cãi lời nhưng vẫn ngầm đồng ý, nhìn tôi như đang suy nghĩ điều gì đó. Cha tôi nở nụ cười: “Quả nhiên là con cháu Lâm gia, mới bảy tuổi đầu thôi mà…”

Mọi người thật sự đã thay đổi cách nhìn với tôi. Ánh mắt họ nhìn tôi tựa như cũng thay đổi, nhìn một đứa con nít mà cứ như nhìn một thiếu niên sắp trưởng thành, giống như đang thưởng thức một tác phẩm sắp sửa hoàn thiện.

Tôi tại nói tiếp: “Con biết vì sao mọi người lại muốn con đi, hơn nữa còn không thể đi cùng với con.” Ông nội và cha mẹ tựa như có chút khẩn trương, đều chăm chú nhìn tôi. Tôi ngừng một chút mới nói:

“Nhưng con không trách mọi người, con biết là “cách mạng” sắp tràn tới đây rồi, có lẽ nhà chúng ta sẽ bị liên quan. Sau khi con đi cũng vẫn như trước kia, là người chính trực, cố gắng đọc sách, cho dù bị bắt nạt cũng sẽ không gây sự, sẽ không để mọi người phải lo lắng đâu.”

Mọi người chẳng mấy kinh ngạc vì câu nói này, vì họ đã quen coi tôi là một người lớn. Khóe mắt mẹ nhòe đi, tự nói một mình: “Ôi trời ạ, con của mẹ… sao mẹ lại không lo lắng cho được, chỉ sợ về sau đến sách cũng không có mà đọc.” Mẹ tựa như rất vui mừng, nhưng đôi mắt lại ngấn lệ.

Cha lại nói thêm: “Con cũng biết rồi đó, Canh Vân cũng đi cùng với con, các con sẽ đi đến Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông, đi bằng thuyền lớn.”

Tình huống này làm tôi rất kinh ngạc. Vương Câu Dắc Nhi? Sao cậu ấy lại cùng đi với tôi? Nhà họ cũng có chuyện sao? Thanh Đảo là ở đâu? Trước giờ tôi chưa từng nghe qua. Nhưng mà, nghe tới đi bằng thuyền lớn làm tôi hưng phấn vô cùng, từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng được ngồi thuyền lớn.

Cuối cùng cũng kết thúc buổi nói chuyện cổ quái này, mọi người nhìn thẳng vào mắt tôi, tựa như muốn thấy nhiều hơn một chút gì đó. Sau khi lớn lên, nhớ đến đoạn thời gian ấy tôi mới hiểu ra.

Buổi trưa ngày hôm đó, tôi luôn đắm chìm trong cảm giác mình là một người trưởng thành đã được người lớn công nhận, nên cũng không có bao nhiêu cảm giác đau xót trước lúc biệt ly. Mọi người rõ ràng là đang nhìn một đứa bé bảy tuổi là tôi mà lại như nhìn một món trân bảo vô cùng quan trọng mà sau này không thể gặp lại.

Hôm qua tôi đã đoán được hai cái túi lớn trong phòng có thể là hành lý. Tôi rất muốn nhìn xem bên trong có gì, nhưng cha mẹ nhất định không cho.

Tôi đi ra ngoài, dạo một vòng trong sân, cảm thấy có chút nhàm chán, lại trở vào phòng khách. Tôi nhìn ông nội và cha mẹ ngồi cùng một chỗ, cúi đầu như đang nghiên cứu vật gì đó. Tôi cảm thấy ngạc nhiên, vừa định qua xem thử, mọi người nhìn thấy tôi đến liền lộ ra vẻ mặt kỳ quái. Tình cảnh này làm lòng tôi không khỏi bồn chồn, không dám bước lên nữa.

Cha giơ đồ vật trong tay lên trước mặt tôi: “Lấy thứ này ở đâu?”

Tôi tập trung nhìn vào. Ôi! Cho dù trong bóng đêm thì vật kia vẫn lóe sáng, ánh sáng ấm áp nhu hòa này không phải là ngân trâm của bà nội sao? Tôi bắt đầu sờ soạng trong túi một chút, không thấy ngân trâm đâu nữa. Nhất định vừa rồi đứng dậy đã lỡ làm rơi trên ghế rồi!

Chết chắc. Tôi nghĩ như thế, không biết phải ứng phó như thế nào, thoáng chốc luống ca luống cuống.

“Lâm tiên sinh, tôi hỏi cậu. Cậu lấy vật này ở đâu?” Cha tôi nâng cao giọng nói nói ra ba chữ Lâm tiên sinh. Ba chữ này vào đến tai tôi, nghe thế nào cũng mang theo uy hiếp, khí thế hùng hổ dọa người.

Đầu óc tôi nhanh chóng xoay chuyển, thầm nghĩ không thể nào nói là lén đào lên được, như vậy không phải sẽ là ăn trộm hay sao. Tôi muốn che giấu sự thật, đồng thời cũng muốn mọi người cho phép tôi giữ lại ngân trâm này. Tôi khẽ cắn môi, xin lỗi bà nội, Lâm Mộ Đông con hôm nay nhất định phải nói dối rồi.

Tôi nói rằng: “Ngân trâm này là bà nội cho con trước khi chết. Bà nói con mang theo cây trâm này thì dù có đi đến đâu cũng đều có thể nhìn thấy bà. Đây là vật bà nội thích nhất, bà nói không thể vứt nó đi, nếu không bà sẽ không an tâm được, bà nội còn nói cây trâm này mang theo sát khí, có thể trở thành tà vật quấy nhiễu Lâm gia.”

Tôi nói xong, ông nội và cha mẹ đều đưa mắt nhìn nhau, hiển nhiên đã bị tôi thuyết phục. Cha nhìn ngân trâm suy nghĩ, nói: “Chúng ta vẫn nên đem nó đi chôn thì tốt hơn…”

“Thôi bỏ đi.” Ông nội phất tay, “Bà nội nó đã nói thì chúng ta cứ nghe vậy sẽ tốt hơn. Trả cho nó đi.”

Cha nhìn ông nội một cái, không dám cãi lời ông, đem ngân trâm giao cho tôi.

“Bà nội bảo con giữ thì con phải cất cho kỹ, không được để người khác nhìn thấy.” Ông nội dặn dò tôi.

Tôi gật đầu. Mẹ lại lấy ngân trâm, đi tới góc tường lấy ra một bộ áo bông trong túi hành lý, gói kỹ nó vào bên trong. Như vậy sẽ an toàn hơn, tôi thở ra một hơi dài.

Mẹ nhét vào túi áo của tôi một cái bao màu đỏ, đồng thời gấp quần áo bỏ vào túi hành lý. Mẹ đặc biệt dặn tôi: “Trong đây có một trăm đồng, không thể làm mất được, giao nó cho chú và thím của con, nhớ cho kỹ nhé! Nếu có cơ hội phải đến trường học, đây là học phí, không thể tiêu xài phung phí.”

Một trăm đồng! Vào lúc đó đối với tôi mà nói thì nó là một con số rất lớn. Một hào có thể mua mười viên kẹo đường, vậy một trăm đồng có thể mua rất rất nhiều kẹo đường.

Về sau khi nhớ đến đoạn ký ức này, tôi liền thầm khen mình giảo hoạt và lanh lợi. Rõ là còn bé tí thôi đấy mà đã nghĩ ra được trò nói dối rằng bà nội về cõi tiên mà không quên nhắc nhở bảo vệ tôi, còn cái gì mà tà khí, sát khí đấy làm cho mọi người không thể không tin.

Mẹ thay cho tôi một bộ quần áo sạch sẽ, là một cái áo trắng và quần xanh, dây nịt màu xám đen trông vô cùng đẹp mắt. Cha mẹ chuẩn bị quần áo cho tôi không bao giờ tuân thủ mấy nguyên tắc như “màu đó vui mừng” này nọ, quanh năm tôi đều mặc áo màu trắng. Có lẽ cha mẹ là người xuất thân cao quý, nên con cái đều được dạy rằng phải “có cốt khí, mộc mạc, sạch sẽ, gọn gàng”, giống như những lời bà nội từng dạy cho tôi.

“Không được nhõng nhẽo nữa nhé.” Mẹ dùng giọng địa phương Hà Bắc nói với tôi: “Một thân một mình, không được nghịch bùn nữa đấy!”

“Không được một mình đến nơi có sườn dốc, nhỡ xảy ra chuyện sẽ không có ai bên cạnh để giúp con.” Nghe giọng ông nội khi nói câu này còn mang theo ý cười, tôi lại nhớ đến đoạn ký ức tởm lợm kia, trong dạ dày cuộn lên từng cơn, hơn nữa không biết lời này của ông là nói thật hay nói giỡn.

“Đã chuẩn bị xong rồi.” Ông nội liếc nhìn đồng hồ treo tường trong phòng, “Bây giờ nên đi thôi!”

Mẹ còn có chút chần chừ, đưa mắt nhìn qua tôi: “Còn chưa tới giờ mà…”

“Đừng lằng nhằng nữa, đường xa như vậy ai biết được có chuyện gì làm trì hoãn một hai tiếng đồng hồ hay không. Đi thôi nào.”

Đi ngay bây giờ sao? Tôi vội vàng liếc nhìn mảnh sân nhỏ, lại nhìn tới phòng ngủ của mình một cái.

Chúng tôi cùng ra cửa, tôi đột nhiên trông thấy con đường gạch xanh có một chiếc ô tô màu đen ba hàng ghế đang đỗ, tài xế đang ngồi bên trong. Trên đường có rất nhiều đứa trẻ không đi học rảnh rỗi đến xem, tôi vừa ra khỏi cửa, bọn chúng liền ném ánh mắt ngưỡng mộ cùng ganh tị vào tôi.

Tôi vốn chưa từng ngồi ô tô, lúc mới thấy đã muốn nhảy lên hoan hô tung tăng như chim sẻ rồi, nhưng vì nhìn thấy những ánh mắt hâm mộ kia nên đành thu lại kích động, cảm giác như mình là một đại thiếu gia, liền giả bộ nghiêm túc bước ra, kéo cửa xe ngồi vào, động tác lưu loát không có một chút lúng túng nào. Tôi lên xe rồi mới phát hiện Vương Câu Đắc Nhi đã ngồi vào chỗ chờ tôi.

Tôi “Ơ” một tiếng, miệng còn đang há to, Vương Câu Đắc Nhi nhìn tôi cười khổ một cái, sau đó im lặng không nói gì. Tôi nhìn thấy cái cười khổ của cậu ta giống như một người đã trưởng thành, trước giờ cậu ta đâu có cái biểu hiện như thế này.

Dì Vương đứng ở cửa xe nuốt nước mắt tiễn đưa, cha mẹ và ông nội vốn cũng muốn lên xe nhưng lại nhìn thấy một đám hồng tiểu binh đang vây quanh ở cửa chính Trương gia bên cạnh.

Bọn chúng trông chỉ mới mấy tuổi đầu, mặc quần áo màu lục, trên mũ có một ngôi sao màu đỏ. Tôi cảm thấy cách phối hợp đó so với áo trắng quần xanh của mình thật sự quá khó coi, nhưng nhìn chúng có vẻ rất vênh váo đắc ý, có một cô bé cứ cầm hai bím tóc được tết tỉ mỉ vung qua vung lại, cứ như sợ người khác không biết mình là hồng tiểu binh vậy.

Trương gia so ra cũng là một phú nông có tiền, chỉ sợ sau lần này nhà họ sẽ không thể sống được ngày tháng tốt lành gì.

“Mở cửa!” Bọn chúng gào to: “Chúng tôi là hồng tiểu binh do Mao chủ tịch vĩ đại lãnh đạo, tương lai sẽ do Chủ nghĩa xã hội thay thế! Chúng tôi phụng mệnh thanh trừ hết tất cả các thế lực phản cách mạng…”

Tôi nghe xong không khỏi thấy buồn cười. Nhưng bây giờ phải làm một Lâm đại thiếu gia thành thục khiến người lớn phải tự hào, nên tôi chỉ thầm cười lạnh một tiếng, không bình luận thêm lời nào.

Ông nội thấy tình thế như vậy rất quyết đoán đóng cửa xe, nói với cha mẹ tôi: “Hai đứa lo cho bọn nhỏ thật tốt, để ta ở nhà trông coi.”

Nói xong ông liền chấp hai tay sau lưng đi lên bậc thang, bóng lưng của ông rất cường tráng, không bị còng mà thẳng đứng trang nghiêm. Tôi nhìn nét mặt ông, là vẻ mặt của một người đàn ông cương nghị. Đến bao giờ tôi mới có thể giống như ông nội, là một người đàn cương nghị đây? Cha tôi tuy nghiêm khắc, nhưng không như ông nội mà lại thiếu quyết đoán và kiên định.

Xe đã khởi động, ông nội chắp một tay sau lưng, một tay giơ cao nhưng không nhúc nhích, mím môi nhìn tôi gật nhẹ đầu. Tôi không ngừng vẫy tay với ông, nhưng xe đã đi xa, tôi ngẩn người nhìn tà áo dài của ông phiêu phiêu trong gió. Ông vẫn còn giơ tay nhìn tôi, thoáng cái nước mắt tôi không kiềm được mà trào ra.

Lưu Thiếu Kỳ (24/11/1898 – 12/11/1969), là một trong những lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhà cách mạng giai cấp vô sản, chính trị gia và cũng là một lí luận gia. Ông từng là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1959-68), Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (1956-66).

Trong cuộc Đại Cách mạng văn hóa vô sản, ông bị Khang Sinh, Giang Thanh vu cáo “phản bội, nội gian”, “tay sai của đế quốc xét lại, Quốc Dân Đảng”

LiuShaoqi Colour.jpg

Lưu Thiếu Kỳ

Đặng Tiểu Bình (22/8/1904 – 19/2/1997) là một lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tháng 5 năm 1966, Mao Trạch Đông chỉ thị tiến hành cuộc Đại cách mạng văn hoá. Đặng Tiểu Bình bị khai trừ vì mâu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng sản và những tư tưởng thực tế của ông trong cải cách kinh tế. Đặng Tiểu Bình bị buộc phải đội mũ tai lừa diễu hành trên phố, sau đó bị đưa về nông thôn để làm việc tại xưởng máy kéo.

Deng Xiaoping.jpg

Đặng Tiểu Bình

Hồng Vệ Binh hay là vệ binh đỏ là các thanh thiếu niên Trung Quốc được giáo dục tôn sùng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông, bị Tứ nhân bang và Mao Trạch Đông sử dụng để thanh trừng bè phái, xúc phạm, đấu tố, tra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân tỏ ra thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và phe trung thành với ông ta trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nạn nhân của các Hồng vệ binh bao gồm cả các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh được Mao Trạch Đông dung dưỡng, sử dụng đã gây hỗn loạn cho xã hội Trung Quốc, đình đốn sản xuất, hàng trăm ngàn đảng viên bị thanh trừng, nhiều bậc lão thành cách mạng, danh nhân văn hóa bị tra tấn, sỉ nhục và chết tức tưởi.

Hồng tiểu binh: cách mạng văn hóa là tổ chức của sinh viên tiểu học và trung học. Hầu hết Hồng tiểu binh về sau sẽ gia nhập Hồng vệ binh

(Nguồn: Wikipedia)

Chương sau →

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương