1930
Chương 5

Trần Hướng Đông đẩy cửa phòng cao Kính ra, thấy cậu ta đang nghiêm cẩn cầm bút lông mà viết chữ. Gã phì cười: “Đang chơi trò quốc túy?”

Cao Kính chỉ nhạt giọng, “Phạm Cửu rất thích viết chữ, dù cho hắn ta đang vui mừng hay giận dữ, hành động duy nhất của hắn ta chính là cầm bút lên viết lấy vài chữ… Tôi vẫn luôn muốn biết, thế giới kiểu ấy nó như thế nào.”

Trần Hướng Đông nhấc ấm lên, tự rót cho gã một chung trà, “Thế giới của Phạm Cửu cậu từ từ mà đoán, bây giờ thì cho tôi một thời điểm cập bến của số hàng hóa kia được không?”

Cao Kính chỉ một ngón tay vào một viên sáp hoàn[4] trước mặt, Trần Hướng đông bước tới, cầm lấy viên sáp nọ, cười nói: “Coi bộ, đại thiếu gia họ Cao như cậu cũng không phải nói suông, hai vạn đồng đại dương tiền cọc của tôi cũng không đến nỗi uổng phí.”

“Hai vạn?” Cao Kính nhíu mày.

“Tên Lữ Hoán Viêm này là một con cáo già, hắn ta không thể nào bán toàn bộ súng cho một phe được. Bây giờ chúng ta và Thanh Bang Đỗ Nguyệt Sanh ngang nhau, mỗi bên bốn phần mười.”

Cao Kính cười, “Khó trách anh nóng lòng muốn biết lúc nào hàng cập bến.”

“Tất nhiên!” Trần Hướng Đông biếng nhác mở miệng, “Còn có những bốn phần để cướp kia mà.”

Cao Kính buông bút xuống, cầm lấy chung trà trước mặt, mỉm cười: “Vì tương lai hai chúng ta cùng chung hưởng Thượng Hải, cạn chén!”

“Cạn!”



Mười ngày sau, trên bến Trường Giang im vắng hoàn toàn trái ngược bình thường. Cảnh tượng đèn đầu luôn luôn cháy rực, hàng hóa bốc xếp chuyên chở liên tục bất kể ngày đêm đột ngột biến mất. Chỉ còn lại tiếng ì oạp của sóng Trường Giang vỗ vào những ghềnh cầu bên bờ nước. Mùa thu, dòng nước nhuộm lạnh gió đêm. Từ cách đó không xa vẳng đến một tiếng gọi của ai đó, thế rồi chỉ trong vòng nửa khắc, bến thuyền trở nên náo nhiệt đến dị thường. Có điều, khi đám cu li bốc xếp hơi nghiêng người qua, bên hông chúng sẽ hé lộ một khẩu súng đen ngòm.

Trần Hướng Đông ngáp dài hạ một quân xuống bàn cờ, Đỗ Nguyệt Sanh cười nói: “Trần thiếu tướng, nước cờ này làm hỏng thế đi của anh rồi, anh đừng ngại cứ đi lại một quân.”

Trần Hướng Đông mỉm cười, “Hôm qua có một anh bạn dạy tôi, có đôi khi lối ta đi sẽ dẫn vào đường cùng, hồi sinh từ chỗ trí mạng cũng có thể xem như một chiêu còn hơn cả thượng sách.”

Đỗ Nguyệt Sanh sững sờ, lập tức bật cười, “Vậy Đỗ mỗ xin lĩnh giáo cao chiêu của thiếu tướng.”

Trần Hướng Đông ha hả mà cười, “Bắn súng thì tôi cực kỳ giỏi, nhưng còn cờ thì tôi cực kỳ tồi tệ.” Gã quay sang Cao Kính đang ngồi quan sát bàn cờ mà cười, “Thế cờ tôi đi coi như chết rồi, còn nước đi hồi sinh từ cõi chết thì cậu biểu diễn một lần xem sao!” Gã đứng dậy nhường chỗ cho Cao Kính.

Cao Kính cũng không từ chối. Cậu ta ngồi xuống nhặt quân cờ vừa bị ăn xong, vừa cười vừa nói: “Anh bạn kia nói phải. Chúng ta cùng Đỗ gia cùng muốn mua súng từ Lữ sư trưởng, tất cả đều đã đổ tiền tài ra hết. Nhưng thế lực của Đỗ gia trên Bến Thượng Hải này không kẻ nào có thể so sánh được. Nếu ông ta chiếm đoạt toàn bộ bến cảng, chỉ cần thuyền vừa cập bờ, ông ta cứ giết sạch toàn bộ người trên thuyền, hốt trọn hàng hóa là xong. Phần tiền hai chúng ta bỏ ra coi như đổ sông đổ biển, ngay cả một đồng bạc cắc cũng mò không ra đâu.”

Trần Hướng Đông ở một bên buột miệng, “Chà, nguy hiểm thật nhỉ, toàn bộ gia sản, nhà cửa xe cộ của tôi đều gom hết ra đặt cọc mất rồi.”

Cơ mặt Đỗ Nguyệt Sanh khẽ co giật. Lão mỉm cười, “Cao thiếu gia thích đùa thật.”

Cao Kính từ tốn nhặt quân cờ cuối cùng lên, nói: “Nếu đã như vậy, tôi đây bên trái cũng chết, bên phải cũng chết, chi bằng… Khổng Minh có một kế sách, gọi là gì nhỉ?” Cậu mỉm cười: “À gọi là thảo thuyền tá tiễn[5].” Giữa tràng cười, tay cậu ta cầm lấy chung trà đập vỡ, tóm ngay một mảnh sứ kề vào yết hầu Đỗ Nguyệt Sanh, lại cười: “Chúng tôi mượn Đỗ gia dùng một lát!”

Từ trên lầu, mấy bóng người nháng lên, Trần Hướng Đông giương tay bóp cò mấy cái. Tiếp đến, có một vài tiếng rơi phịch phịch xuống đất. Gã ta đưa họng súng lên môi thổi nhẹ, bật cười: “Tao đã bảo chúng mày rồi. Chơi cờ tao tồi, nhưng chơi súng thì tao còn hơn cả giỏi.”



Đỗ Nguyệt Sanh mặt mũi tái nhợt bị hai người bọn họ kềm chặt hai bên lôi đến bến Trường Giang. Xe còn chưa kịp đến gần cảng, đã nghe thấy phía trước bùng lên một tiếng nổ dữ dội. Cả ba người nghe thấy hỏa lực ở phía trước mạnh đến như vậy đều vô cùng sửng sốt. Đỗ Nguyệt Sanh hạ cửa kính xe, một gã tay chân trong bang phái mặc áo đen bước đến báo cáo:

“Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”

“Hồi Đỗ gia, ở phía trước không chỉ có Giang Bắc Phủ Đầu Bang, Quảng Đông Hoa Hội, còn có mấy bang phái ở Giang Tây cùng Chiết Giang, hình như khắp Bến Thượng Hải có bao nhiêu bang hội đều tới hết rồi!”

Cả ba người đều sững sờ, không hẹn mà cùng thốt ra: “Cái gì?”

“Đỗ gia, chúng ta vừa bắt được mấy tên của đối phương. Nghe nói từ ngày hôm qua, Hồng Bang đã sai người rao bán cho họ giờ giấc súng ống cặp bờ lấy giá một trăm đồng đại dương.”

“Còn thuyền Hồng Bang đâu?” Cao Kính bình tĩnh hỏi.

“Bọn chúng dừng cách bờ hơn hai trăm thước, không cập bến cũng không chịu rời đi.”

Từ cảng, những tràng âm xả súng bạo liệt bùng nổ. Sắc mặt Đỗ Nguyệt Sanh xấu xí. Cao Kính chỉ cười, “Lúc này chính là thời điểm chúng tôi liên thủ cùng Đỗ gia đây.” Cậu ta thấy Đỗ Nguyệt Sanh đờ đẫn gật đầu, mới cười nhạt nói: “Đỗ gia à, Bến Thượng Hải này không có kẻ mạnh vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Sau này nói không chừng có khi chúng ta sẽ có lúc sóng vai chống địch.”

Ba người họ còn đang nói chuyện, từ mặt sông đã rền vang một tiếng còi đồng, thế rồi có một giọng nói mang theo tiếng cười vang lên: “Các vị bằng hữu trên đường, xin hãy nghe Phạm Cửu nói một lời!”

Cao Kính và Trần Hướng Đông chấn kinh ngước mắt nhìn nhau, lệnh cho đánh xe đến gần quan sát, đã thấy một ngọn đèn ***g sáng lập lòe trên mặt nước. Phạm Văn Cổ mặc trường bào màu nhạt đứng trên một chiếc thuyền con.

“Phạm Cửu tôi đa tạ các vị bằng hữu đường sá xa xôi đến tận đây nghênh đón, nếu bằng hữu có hứng thú với hàng hóa trên thuyền, tôi đây tuyệt đối không ngại…” Anh mỉm cười, “Hồng Bang chỉ phụ tránh việc vận tải số hàng này về đến Thượng Hải, còn về chuyện đến cuối cùng hoa rơi vào nhà ai, tôi không quan tâm. Một chiếc thuyền trong này là hai phần mười lượng hàng tính làm cước vận chuyển của Hồng Bang, vì huynh đệ chúng tôi kham khổ vất vả. Nếu các vị bằng hữu đây hạ thủ lưu tình, chỉ cần cho phép Phạm Cửu dỡ đi một phần mười hàng hóa, Phạm Cửu sẽ lệnh cho các anh em neo thuyền vào cảng, các vị đây có thể phân thắng bại rồi mang chiến lợi phẩm về. Còn nếu không…” Phạm Cửu cười nhạt, “Chúng tôi cũng chỉ còn cách đục chìm thuyền, mọi người đều ra về tay trắng!”

Toàn bộ cảng im phăng phắc hồi lâu. Trần Hướng Đông liếc nhìn Cao Kính, thấy cậu ta gật đầu. Gã ta liền xông ra khỏi xe giơ tay ra hiệu. Đỗ Nguyệt Sanh cũng phất tay làm hiệu lên bật đèn xanh. Phạm Cửu đạt được thỏa hiệp xong, từ trong đội thuyền một con thuyền nhỏ chậm rãi tiến vào bờ. Từ phía xa, một nhóm người kéo xe tay chạy đến, chỉ một lúc sau đội xe kéo kia liền mất hút vào phía xa xăm. Phạm Văn Cổ bước lên bờ, mỉm cười vái chào khắp xung quanh anh, cất lời: “Các vị bằng hữu, đội thuyền này là thuyền mà Hồng Bang mượn từ Đại công thương hội. Các vị bằng hữu dỡ hàng đi rồi, ngàn vạn lần xin hạ thủ lưu tình, đừng làm hỏng hóc thuyền của Phạm Cửu, đa tạ đa tạ!” Nói rồi, anh nói mấy lời hỏi thăm khách sáo, rồi ngồi vào chiếc ô tô đến đón, bỏ lại hơn mười chiếc thuyền hàng nghênh ngang đi mất.

Cao Kính riết róng quan sát nhất cử nhất động của Phạm Văn Cổ. Cậu ta đã nhìn thấy anh, cơ thể mảnh khảnh là vậy, nhưng sắc mặt anh tuyệt đối không mất đi bình tĩnh. Đôi mắt của anh trong ánh đèn đường tù mù vẫn trong suốt vẹn nguyên. Cậu ta không thể kềm được đôi tay mình nắm chặt, run giọng gằn ra hai chữ: Phạm Cửu.

Tiếp sau đó, thế trận nhanh chóng nghiêng hẳn về phe Hoa Hội Quảng Đông cùng Thanh Bang. Trần Hướng Đông cùng Cao Kính giữ chặt Đỗ Nguyệt Sanh chứng kiến từng bao súng trường được bốc dỡ chất lên xe hàng, không thể không lộ ra vẻ mặt vui mừng.

Đỗ Nguyệt Sanh thở dài, “Người ta vẫn nói Trường Giang sóng sau xô sóng trước, hai vị đây tuổi trẻ kiệt xuất, sau này xem ra lão già tôi đây còn phải trông cậy vào hai vị rồi.”

Cao Kính chỉ cười, “Đỗ gia sao có thể nói vậy được. Chúng tôi cũng chỉ là bất đắc dĩ phải làm, hai vạn đồng đại dương của Đỗ gia, ngày mai chúng tôi sẽ cho đưa đến quí phủ, và còn cả một phần mười số hàng xem như đền tội.”

Đỗ Nguyệt Sanh luôn miệng cảm tạ, lên xe, đợi sau khi xe nổ máy trườn đi, một người ngồi bên cạnh lão ta tức giận nói: “Đỗ gia, số súng kia chẳng lẽ là để hai thằng nhóc đó nuốt chửng hay sao?”

Đỗ Nguyệt Sanh ban đầu còn cười khùng khục, sau lại cười phá lên khanh khách. Một lúc sau, lão mới khoan thai nói: “Ta biết Phạm Cửu đã lâu như vậy còn chưa chiếm được của hắn ta một cái gì. Nếu hai thằng này có thể đạp đổ Phạm Cửu dễ dàng như vậy, Bến Thượng Hải này sớm muộn gì cũng thành thiên hạ của bọn chúng. Ta gấp gáp làm gì?”



Trần Hướng Đông và Cao Kính cùng nhau rà soát những bao bố, không kềm được hơi thở dồn dập kích động. Trần Hướng Đông cuống cuồng mở bao rút một khẩu súng ta ngoài, cẩn thận vuốt ve họng súng đen tuyền. Đột ngột ngón tay gã ta khựng lại. Cao Kính không thể không hỏi rằng đã xảy ra chuyện gì. Cậu ta cũng cầm lấy một khẩu súng nhìn qua phần báng phía sau, không khỏi ngơ ngẩn cả người.

Trần Hướng Đông nhếch môi, “Hóa ra Phạm Cửu lấy đi không phải một thuyền súng, mà là một thuyền chất đầy chốt súng[6]. Các đại bang phái trên cả Bến Thượng Hải này không ai nghĩ ra được, bọn chúng cứ giành giật đấu đá nhau mày chết tao sống, bất quá cũng chỉ là một vạn thanh củi nhóm lửa không có chốt khóa…” Gã ta thở dài một hơi, “Bất kể trên Bến Thượng Hải thằng nào sống chết, bất kể ai thắng ai thua, cuối cùng kẻ đó đều phải lẽo đẽo theo Phạm Cửu mà chung chi thành quả. Phạm Cửu nhà cậu quả thật là một kẻ thâm hiểm vô cùng!”

________________________________________

Chú thích

[1] Hàng Trĩ Anh (1901 – 1947): Ông là họa sĩ vẽ quảng cáo với phong cách tiên phong của Thượng Hải vào đầu thế kỷ 20. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học vấn ở Hải Ninh – Chiết Giang, Hàng Trĩ Anh đam mê hội họa từ nhỏ. Sự nghiệp của ông bắt đầu khi ông làm thợ phụ cho thư quán Thương Vụ Ấn. Chính từ nơi này, ông được đi du học ở Đức và Nhật Bản, tiếp thu trường phái hội họa của Phương Tây cùng cách vẽ quảng cáo tân kỳ, mặt khác vẫn nhuần nhuyễn kiến thức về tranh họa Trung Hoa cổ điển. Năm 1922, Hàng Trĩ Anh lập xưởng vẽ riêng, “Họa Thất Hàng Trĩ Anh” và trở nên nổi danh trong làng vẽ quảng cáo cho giới thương nghiệp của Thượng Hải phồn hoa thời bấy giờ. Với tính tình phúc hậu, tài năng xuất chúng, thuật dùng người khéo léo, ý tưởng kinh doanh sáng tạo và một hướng đi tân kỳ, Hàng Trĩ Anh là cái tên không thể không nhắc đến trong lịch sử quảng cáo của Trung Hoa.

Hàng Trĩ Anh đã tạo nên chuẩn mực mới của hình tượng “phái đẹp” của thành phố Thượng Hải. Sự nghiệp của Hàng Trĩ Anh trong lúc chói sáng nhất đã vươn xa đến nhiều lĩnh vực thiết kế công nghiệp khác. Tuy nhiên, ông vướng vào một vụ tai tiếng của việc ăn cắp hình tượng vẽ quảng cáo cho một công ty thuốc lá từ một bộ phim của nữ diễn viên Lữ Mỹ Ngọc. Cô là tình nhân của một quan chức của tô giới Pháp. Vụ kiện diễn ra trong 8 năm, khiến Hàng Trĩ Anh dù được tuyên thắng kiện vẫn nợ nần chồng chất. Tháng 9 năm 1947, vì lao lực quá độ, Hàng Trĩ Anh qua đời.

Nguồn: http://ad-museum.cn/mr11.html

Một vài tranh mỹ nữ của ông:

[2] Nguyên văn là “Giải xác hoàng” (Mai cua rán vàng). Nhìn hình thì thấy giông giống bánh tiêu và bánh cam của ta. Bánh có nhân ngọt, rắc mè lên mặt và rán vàng.

Ảnh:

[3] Ở đây Hương dùng chữ “Nhà”, mình nghĩ nó mang nghĩa Mafia, tựa như nhà Corleone và các nhà khác trong Bố Già ấy. Nhà, đồng nghĩa với phe phái băng đảng gangster nào đó, có tính chất gia truyền.

[4] Sáp hoàn: Các bạn có còn nhớ những viên thuốc bắc được đựng trong những hộp nhựa hình cầu nhỏ nhỏ không? Ừa, nó đó, ở đây loại hộp đựng thật nhỏ làm bằng sáp, để chứa mật thư.

[5] Thảo thuyền tá tiễn (草船借箭): Tạm dịch: Thuyền cỏ mượn tên. Xuất phát từ diễn biến của trận Xích Bích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Lưu Bị liên minh với Tôn Quyền đánh Tào Tháo. Chu Du lúc này vẫn chưa phục Gia Cát Lượng nên tìm cách loại trừ ông khỏi cuộc chiến. Chu Du muốn Gia Cát Lượng tìm về 100.000 mũi tên để chuẩn bị cho trận đánh. Gia Cát Lượng hẹn thời gian ba ngày. Hai ngày đầu ông ung dung. Ngày thứ ba sương mù dày đặc, Gia Cát Lượng cho quân trang bị những chiếc thuyền cỏ, trên thuyền dựng hình nộm đi giữa sương mù đến gần quân doanh Tào Tháo. Quân Ngụy tưởng bị tấn công nên bắn tên đáp trả. Số tên găm vào thuyền cỏ, mang về phe liên minh, đủ số 100.000 mà Chu Du thách thức.

[6] Chốt súng: Chốt an toàn của súng, súng không có chốt thì chẳng thể nào bóp cò được.

—————-

Thành phố không ngủ của tôi, ca hát dưới đèn màu rực rỡ, yên vui được bao lâu…

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương