Hướng Đông Lưu
-
Chương 27: Quyển 1 - Chương 26
HƯỚNG ĐÔNG LƯU - CHƯƠNG 26
Tác giả: Giang Nhất Thủy
Edit: Alex
_____________
Hai mươi hai tháng Giêng, ngoại thành Nguyên Châu, bờ Lương Thủy.
Cờ màu cắm đầy bên sông.
Hoa đào tươi mới rải trên linh cữu người đã khuất.
Thiếu Ty Mệnh Hạng Tư Niên tay cầm đèn trường minh, đi trước dẫn đường cho các Thái Nhất đạo nhân khiêng linh cữu về phía giàn củi thiêu đã dựng sẵn bên bờ.
Lễ tang ở Sở Quốc hai bên dòng Lương Thủy lúc nào cũng là hỏa táng bên bờ, sau đó rải tro ra giữa sông.
Người Sở tin rằng theo dòng nước chảy về hướng đông, hồn phách của tổ tiên hoặc sẽ đến được Quy Khư, hoặc là đáp thang mây trong lửa lớn mà bước lên Thần Quốc.
Đội ngũ đưa tang kéo dài đằng đẵng, do Nữ hoàng đi đầu, đích thân dẫn dắt văn võ bá quan tiễn đưa Đại Ty Mệnh.
Mà sau lưng các quan lại chính là đội ngũ đưa tiễn tự phát của dân chúng.
Sau lời tế ngắn ngủi, Thiếu Ty Mệnh đưa mũi tên đã châm thần hỏa vào tay Huyên Cảnh Thần.
Thần hỏa bừng bừng rực cháy trong gió.
Nữ hoàng cầm tên, gác lên dây cung, nhắm chuẩn vào linh cữu thần mộc đang được nâng mà bắn một mũi.
Ánh lửa bén vào thần mộc, lập tức bùng lên, chỉ thoáng chốc đã bao trùm toàn bộ linh cữu.
Tất cả mọi người chăm chú vào linh cữu đang từ từ sụp đổ trong lửa, lòng bi ai.
Nhìn Đại Ty Mệnh bị thần hỏa nuốt chửng, Thiếu Ty Mệnh giơ tay ra hiệu với những người thuộc Thái Nhất Môn đang đứng phía đông.
Một khúc "Như Gió" trầm trầm vang vọng, hòa với tiếng gió rít bên bờ Lương Thủy cùng lời tế của Thái Nhất đạo nhân, nghe sao não lòng.
Tan đi như gió, hoặc lên Thần Quốc, hoặc về Quy Khư.
Đây là khúc từ biệt cố nhân.
Bất chợt, một tiếng xích bát lẫn trong những lời ca xướng trầm thấp phiêu đến từ phía mặt sông.
Tiếng xích bát này nghe mát lạnh mà bao la, trong trẻo, hùng hồn như gặp được hươu giữa rừng sâu thăm thẳm, linh hoạt, kỳ ảo lại tự nhiên.
Các quan lại bị tiếng xích bát thu hút, bất giác trông về hướng mặt sông.
Chỉ thấy trên sông mênh mông sương khói, có chiếc thuyền con chậm rãi lướt qua.
Một người mặc áo khoác dài đang đứng thổi xích bát.
Gương mặt người nọ khuất trong sương mù, bất luận có nhìn thế nào cũng không thể thấy rõ.
Huyên Cảnh Thần nhìn người đứng trên mặt sông, nghe tiếng lửa ai điếu kêu gào trong gió rít, mơ hồ cảm thấy âm xích bát này có phần quen thuộc.
Thiếu Ty Mệnh bên cạnh đúng lúc giải thích: "Là bạn cũ của sư phụ đến tiễn đưa."
Huyên Cảnh Thần hiểu ý gật đầu, để mặc tiếng xích bát truyền từ mặt sông hòa cùng lời tế của các Thái Nhất đạo nhân thành khúc đưa hồn thê lương, thương cảm.
Tiếng xích bát kia mênh mông mà linh hoạt, kỳ ảo, như thể thổi cái lạnh đầu xuân vào trái tim, lại như gieo xuống sự ấm áp thúc giục vạn vật sinh sôi chính trong cái rét ấy.
Bước trên đường về lẻ loi, cô độc, đương nhiên là vô cùng lạnh lẽo.
Nhưng có thân hữu đưa tiễn, vẫn giữ được sự ấm áp từ kiếp trước.
Trong tiếng xích bát ấy, mọi người như thấy được Đại Ty Mệnh khoác tấm áo xanh, chắp tay bước lên thang mây hướng Thần Quốc.
Thần Quốc cao mà lạnh lẽo, lại có một tia sáng chiếu rọi xuống thang mây, chỉ dẫn cho hồn phách đi đến chốn về ấm áp.
Chẳng biết tự bao giờ, đã có không ít người ướt mi, phải vươn tay lau đi khóe mắt đẫm lệ.
"Thái tử điện hạ..."
Trong số các quan lại, có người không nhịn được mà thốt lên một câu như vậy.
Người nọ đúng là Trình Văn đang đứng trong hàng ngũ Hoằng Văn Quán.
Ông ta chính là Nhạc chính của Ty Nhạc thuộc Lễ bộ, vì tiếng đàn cao siêu cùng tài năng về khúc nghệ mà được Chiêu Đế phong thành Nhạc chính của Ty Nhạc Cục.
Âm cao trong khúc "Như Gió" này, giống hệt âm cao mà Chiêu Minh Thái tử sở trường nhất thổi ra.
Trình Văn đã nghe qua khúc của rất nhiều người, song về xích bát, ông ta lại cảm thấy đời này đã chẳng còn ai có thể sánh ngang Thái tử điện hạ.
Thê lương mà bát ngát, khúc do điện hạ thổi ra phóng khoáng, rộng rãi, lại có thể uyển chuyển, đa tình.
Bao nhiêu năm đắm chìm cùng khúc nghệ, Chiêu Minh Thái tử đã rót cả linh hồn mình vào chiếc xích bát trên tay.
Vậy nên mới có thể dùng âm thanh mà lay động lòng người.
Nghe đến đoạn thứ hai, lại càng cảm thấy giống khúc do Chiêu Minh Thái tử diễn tấu, Trình Văn không nhịn được mà bật thốt lên xưng hô ấy.
Ông ta vừa dứt lời, đồng liêu bên cạnh đã lập tức cất tiếng hỏi: "Thái tử điện hạ gì cơ?"
Trình Văn ngậm miệng, hốt hoảng nhận ra mình vừa thốt lên cái tên không nên gọi.
Nào ngờ, trong các quan viên, có người cũng từng được thưởng thức qua khúc của Thái tử, nghe tiếng gọi ấy mới chợt nhận ra, nói: "Là điện hạ."
Bọn họ đều suy nghĩ, phong cách khúc nhạc này tựa như người nào đó.
Còn tiếng xích bát của ai có thể khiến người ta ấn tượng sâu sắc như vậy cho được? Chẳng có ai ngoài Chiêu Minh Thái tử.
Lúc này, thế hệ người Sở Quốc cũ thờ phụng Đông Hoàng nghĩ đến thân phận đặc thù của Đại Ty Mệnh, một ý niệm kì lạ bất chợt hiện lên.
Chẳng lẽ là hồn phách của Chiêu Đế theo thuyền con từ Quy Khư đến tiễn đưa Đại Ty Mệnh?
Phải biết rằng năm xưa, Đại Ty Mệnh Thanh Lam đã từng ngợi khen nức nở tiếng xích bát của Chiêu Minh Thái tử.
Các quan viên Đại Sở rất mực tôn kính thần minh liếc mắt nhìn bóng dáng mơ hồ trên mặt sông, vừa kính vừa sợ.
Người trở về từ Quy Khư luôn mang theo sắc thái âm lãnh.
Thế nhân tránh còn không kịp.
Huống hồ Chiêu Đế chết trong lửa, cuối cùng vẫn không được rải tro xuống nước để rửa sạch oan khuất, nói không chừng đã trở thành ác hồn cũng nên.
Đối với quân chủ mất nước, thế nhân luôn có rất nhiều phỏng đoán không tốt.
Đủ loại suy đoán lan truyền từ chỗ các quan viên khiến Hộ bộ Thị lang Từ Nhân Thanh nghe mà cau mày, thầm nghĩ đám người bên dưới này nghĩ Chiêu Đế như vậy, nếu để bệ hạ nghe được, không biết sẽ có cảm tưởng gì.
Huyên Cảnh Thần suất lĩnh các quan viên, lại lâm vào nỗi miên man trong tiếng xích bát quen thuộc.
Nàng không phải đại sư khúc nghệ chuyên nghiệp như Trình Văn nhưng vẫn từ khúc âm ấy mà nghĩ đến một người từng thân thiết.
Giọng nói cùng dáng điệu của Chiêu Minh Thái tử vẫn in hằn trong tâm trí.
Huyên Cảnh Thần bất giác dừng mắt tại mặt sông, nhìn bóng người kia.
Rồi sương mù dần tan, một thanh niên với thân hình gầy gò, sắc mặt tái nhợt sờ sờ đứng ngay trên thuyền.
Chỉ một cái liếc mắt đã khiến tim nàng run rẩy.
Ký ức về gương mặt ấy hãy còn rất mới mẻ, đời này khó quên.
Đó là Chiêu Minh Thái tử, thê tử của nàng, một người đã khuất.
Trái tim như bị siết thật chặt.
Nhất thời, Nữ hoàng cảm thấy hô hấp dồn dập, đầu óc choáng váng.
Lại một cái chớp mắt, nàng đã không còn thấy rõ bóng dáng người trên thuyền nữa.
Tiếng xích bát vẫn ung dung, thê lương vang vọng bên bờ Lương Thủy.
Âm thanh quen thuộc đến cùng cực này vang bên tai, rơi vào lòng Nữ hoàng.
Nữ hoàng quay đầu, thấp giọng nói với Thống lĩnh Tô Ngạn Khanh đang hầu bên cạnh: "Phong tỏa bờ sông lại, nhìn xem người trên thuyền là ai.
Việc này chớ gây náo động."
Tô Ngạn Khanh cũng có ý đấy, bèn gật đầu, nhanh chóng nghe chỉ mà hạ lệnh cho các Kim Bào Vệ.
Chú ý đến tất cả những điều đó, Thiếu Ty Mệnh khẽ thở dài một tiếng, rồi chuyển mắt sang nơi các Thái Nhất đạo nhân đang quỳ.
Ở đó có một thiếu niên mặc đạo bào, chít khăn trắng, đang thổi xích bát, hết sức chuyên chú đưa tiễn cố nhân.
Người thổi lẫn ngay giữa các Thái Nhất đạo nhân chứ không phải trong con thuyền trên sông.
Chiếc thuyền con kia và cả người trên đó đều chỉ là ảo ảnh do xích bát Đại Ty Mệnh đưa tặng thổi ra.
Sẽ không ai có thể tìm được tung tích một người một thuyền ấy.
Đại Ty Mệnh đã bỏ công, tiêu tốn rất nhiều linh lực, chỉ để thiếu niên có thể an tâm thổi cho nàng một khúc.
Tuy không rõ xuất phát từ nguyên do gì nhưng khi biết sư phụ vẫn luôn rất mực che chở tiểu công tử tên Nhạc Chính Tố này, Thiếu Ty Mệnh Hạng Tư Niên cũng đã hạ quyết định.
Bất luận có như thế nào, nàng cũng phải bảo hộ thiếu niên này một đời trôi chảy.
Lễ tang Đại Ty Mệnh cử hành trong gió rét.
Gió thổi tro tàn của nàng ra giữa sông Lương Thủy, phần còn lại được người của Thái Nhất Môn thu lại, bỏ vào kim tháp, đặt trong Thái Nhất Quan cung phụng.
Sau khi tro tàn bay hết, Nữ hoàng dẫn các quan lại đi hướng Hoàng thành.
Chung Ly Sóc mặc đạo bào xanh lá đi cùng các Thái Nhất đạo nhân phía cuối hàng, nhìn cờ xí Khánh Quốc đỏ tươi phấp phới xa xa, nhớ đến cái nhìn lơ đễnh thoáng qua Hoàng hậu ban nãy, lòng lại càng than thở.
Đời người vô thường, đây là đạo lí nàng vẫn hiểu rất rõ.
Nàng không biết ngày nào sẽ là lúc biệt ly.
Tất cả những gì nàng có thể làm chính là sống cho trọn vẹn mỗi một ngày.
Chỉ là, đến khi nào mới có thể đến gần Hoàng hậu một lần nữa đây?
Chung Ly Sóc có phần tiếc nuối, vì lúc sinh thời đã không gần gũi Hoàng hậu hơn một chút.
Lòng vấn vương suy ngẫm, bước chân Chung Ly Sóc cũng dần trở nên chậm rãi, rồi tụt lại phía sau.
Thiếu Ty Mệnh vốn nên đi đằng trước, chẳng hay đã đến bên cạnh tự bao giờ.
Thấy bộ dáng nàng như vậy, Thiếu Ty Mệnh nhẹ giọng nói: "Hôm nay đa tạ Nhạc Chính công tử.
Không biết liệu công tử có nguyện vào Thái Nhất Môn của ta?"
"Hả?" Bị hỏi quá bất ngờ, Chung Ly Sóc ngẩng đầu, nhìn đôi mắt chân thành mà hồn nhiên của thiếu nữ, thoáng kinh ngạc.
Khi đó chỉ nghĩ là Thiếu Ty Mệnh thuận miệng hỏi một câu, nào ngờ chạng vạng hôm sau, vừa tan học về, Chung Ly Sóc đã gặp phải Thiếu Ty Mệnh mặc tế phục đỏ trắng của Giám Thiên Ty ở ngay trong nhà.
Hoàng hôn hôm ấy có phần vắng lặng.
Thiếu nữ ăn mặc chính thức ngồi trên vị trí dành cho khách trong chủ thính của Trấn Bắc Hầu.
Nhìn Trấn Bắc Hầu ngồi tại ghế trên, nàng nghiêm túc mà chân thành nói: "Trước lúc lâm chung, sư phụ có nói với ta.
Nhạc Chính sư huynh chính là đệ tử tục môn mà Nhẫm Nhiễm sư thúc nhận vào mười sáu năm trước.
Nàng nhập môn sớm hơn ta, cho nên ta phải gọi một tiếng sư huynh.
À, đúng hơn là sư tỷ."
"Nhẫm Nhiễm sư thúc đi sớm, sau cũng không có truyền nhân.
Ngày ấy gặp được Nhạc Chính công tử, sư phụ nhớ đến lời sư thúc tình cờ nói qua năm xưa, thế nên đã tặng một bình trân phẩm nhận đồ đệ thay cho sư thúc."
"Nhạc Chính tiểu sư huynh có duyên với Thái Nhất Môn ta, hơn nữa đạo căn còn sâu nặng.
Vào Thái Nhất ta thì cả đời có thể bình an trôi chảy." Thiếu nữ bày vẻ mặt nghiêm túc, thuật lại rất rõ những lời sư phụ đã dặn trước lúc lâm chung, cuối cùng thành tâm thành ý nói: "Hầu gia cũng hiểu quy củ của Thái Nhất Môn ta, cho dù cung phụng thần linh cũng có thể tự do gả cưới.
Đông Hoàng và các vị thần linh đều tự do, lãng mạn.
Thế nên Hầu gia không cần phải lo lắng chuyện chung thân đại sự của Nhạc Chính sư huynh."
"Vậy, xin hỏi liệu Hầu gia có cho phép Nhạc Chính tiểu sư huynh quy vào Thái Nhất Môn ta hay không?"
Thiếu nữ quyền cao chức trọng vừa nêu rõ mục đích đến đã khiến Trấn Bắc Hầu trở tay không kịp.
Phải biết rằng chỉ ít hôm nữa thôi thì thiếu nữ thoạt trông chỉ mới mười sáu tuổi hoa trước mắt sẽ trở thành Đại Ty Mệnh chấp chưởng trọng ty của triều đình.
Là sư huynh của Đại Ty Mệnh, dẫu chỉ trên danh nghĩa, Nhạc Chính Tố dù không nói đến vinh hoa phú quý thì ít nhất cũng được suôn sẻ một đời.
Nhưng điều Trấn Bắc Hầu cần không phải những thứ thân phận Thiếu Ty Mệnh mang đến mà là vào Thái Nhất Môn có thể khiến Nhạc Chính Tố khỏe mạnh.
Ông chỉ cầu hài tử có thể bình an.
Song, dù thiết tha hy vọng hài tử có thể vào Thái Nhất Môn nhưng phu thê Trấn Bắc Hầu thân làm cha mẹ vẫn giao quyền lựa chọn lại cho Nhạc Chính Tố: "Tố Nhi, con cảm thấy thế nào?"
Chung Ly Sóc còn có thể cảm thấy thế nào nữa? Từ hôm qua, khi Thiếu Ty Mệnh giao phong thư của Thanh Lam cho nàng thì Chung Ly Sóc cũng chỉ có thể làm theo lời Thanh Lam.
Thanh Lam nói vào Thái Nhất Môn có thể tránh được rất nhiều gian khổ.
Nếu đã vậy, nàng cứ nghe lời bạn cũ mà vào Thái Nhất Môn làm đạo sĩ thôi.
Vì thế, Chung Ly Sóc đáp: "Tố rất vui lòng."
Cuối cùng cũng có được sự đồng ý từ cha mẹ đối phương, Thiếu Ty Mệnh thở phào nhẹ nhõm, sau đó chuyển mắt sang Chung Ly Sóc, cười khẽ: "Như vậy tiểu sư huynh, từ nay về sau, giờ Dậu mỗi ngày, tiểu sư huynh tan học rồi ta sẽ đến Hoằng Văn Quán tìm ngươi, đích thân ta sẽ dạy "Thái Nhất Quyển Kỉ"."
Ngờ đâu Chung Ly Sóc lại lắc đầu, nói: "Không cần đâu.
"Thái Nhất Quyển Kỉ" ta đọc hết rồi."
Đâu chỉ là đọc hết.
Trước tám tuổi, chuyện mẫu thân ngày đêm kể và giải thích cho nàng nghe đều thuộc "Thái Nhất Quyển Kỉ".
Sau khi sống lại, thứ Nhạc Chính phu nhân đọc cho nàng vẫn là "Thái Nhất Quyển Kỉ".
Dựa theo bản lĩnh của nàng thì đã sớm thuộc làu.
Cho nên, có thể học cái khác.
_____________
Đại Ty Mệnh: Đồ nhi giao cho ngươi.
_____________
Nhẫm Nhiễm là người từng đi ngang Lan Châu phán phải nuôi Nhạc Chính Tố như nam thì mới có thể sống được á..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook