Duyên Kỳ Ngộ
-
Chương 30: (tt)
An Thanh vương ngẫm nghĩ, bật cười: "Có phải chính là phân tách rượu nguyên chất?".
A La vỗ tay khen: "An Thanh vương thật anh minh, chính là thế, chúng ta thử xem sao".
An Thanh vương tươi cười nhìn A La, ánh mắt cực kỳ tinh anh: "A La nói đi, trong đầu con sao lại chứa nhiều thứ như vậy? Chưa bao giờ nghe nói, không tin được, ngay đến kiến giải của con về tiểu nhân cũng thật mới mẻ khiến lão phu sửng sốt bần thần!".
A La nghĩ, cáo già đã bắt đầu nghi ngờ. Nàng cười sảng khoái: "Theo đạo lý, tiểu nữ là tam tiểu thư của tướng phủ, được nuôi dưỡng ở chốn thâm khuê, không ra khỏi cửa ba bước, không thể biết những thứ không phù hợp với nữ nhi như vậy. Nhưng, lúc A La năm tuổi đã có một cuộc kỳ ngộ. Một người không biết tại sao bị thương, nhảy vào rừng trúc phía sau hậu viên tướng phủ, tiểu nữ cho ông ta ăn uống, cũng nhận lời giữ bí mật cho ông ta, cho nên hàng ngày ông ta dạy tiểu nữ tập võ công, còn kể cho tiểu nữ nghe bao nhiêu chuyện ly kỳ. Tiểu nữ cũng không biết thật giả thế nào, cũng chẳng có dịp nào để thử, bây giờ dần nhớ lại, một số điều cũng thấy có lý, một số điều cũng thấy có lợi ví như cách ủ rượu".
An Thanh vương mặt nghiêm túc: "Con cho ta là đứa trẻ lên ba hay sao?".
A La nghiêm mặt: "Khi chưa gặp lão vương gia, tiểu nữ còn hành sự tùy tiện, gặp rồi liền bỏ ý định. Lưu lạc ba năm bên ngoài, tiểu nữ đã không còn là tam tiểu thư yểu điệu yếu mềm. Vốn đã rất mệt mỏi, lẽ nào vương gia cho rằng tiểu nữ cố tình ra vẻ, đối phó với vương gia?".
Nói đến đây mắt nàng nhìn thẳng An Thanh vương. Phải hoàn toàn thu phục ông, để ông trở thành chỗ dựa của nàng ở Phong thành, không mạo hiểm dùng độc chiêu sao có thể đạt mục đích?
An Thanh cố bộc lộ uy vũ của một võ tướng nhiều năm cầm quân, nhưng nàng vẫn đứng thản nhiên, nụ cười tươi viên mãn như hoa: "Vương gia, tiểu nữ đã nói, tiểu nữ chỉ đang cố sức tự bảo vệ bản thân mình trong không gian hạn hẹp, chỉ cầu sống yên ổn như một tiểu nhân mà thôi".
An Thanh vương thu lại sát khí của một võ tướng, mắt chớp một cái, khẽ cười: "Nghe nói lúc đầu con tháo hôn, khiến con trai lão phu suýt chút nữa phát điên?".
A La chớp mắt: "Nghe đồn tiểu vương gia nói An Thanh vương phủ cha truyền con nối, cả đời chỉ lấy một vợ?".
"Con thích nó ở điểm này ư?". An Thanh vương không trả lời, hỏi lại.
"Không, không phải tiểu nữ chỉ thích tiểu vương gia ở điểm đó!". A La lắc đầu.
"Ồ, còn gì nữa?".
A La bỗng cười tươi: "Tiểu nữ còn thích tính quyết đoán của tiểu vương gia, nói được làm được, một lòng chân tình với tiểu nữ, quan trọng nhất là tiểu vương gia không chỉ là Bình Nam vương mà còn có một người cha lão luyện quyền thế, có thể làm được mọi chuyện như lão gia đây! Có hai vị vương gia làm chỗ dựa, món hời như thế ai chẳng muốn!".
An Thanh vương cười ha hả: "Bản vương rất thích tính cách bộc trực này của con!". Đột nhiên ông vỗ đầu,"Suýt thì quên, tiểu tử đó hình như còn gửi cho con một bức thư. Đi! Ta vào xem thế nào!".
Lòng A La ngọt ngào, nhưng mặt lại tỏ ra bất cần: "Không xem!".
An Thanh vương phấn khởi nhìn nàng, mặt A La ửng hồng vẻ e thẹn.
"Thế nào? E thẹn ư? Khi đến gặp ta, có thấy con e thẹn gì đâu?". Bạn đang xem tại TruyệnFULL.vn - www.TruyệnFULL.vn
A La cúi đầu ngồi im, lát sau mới nói: "Tiểu nữ vẫn chưa quyết lấy tiểu vương gia, việc gì phải hồi âm, cứ để vương gia sốt ruột".
"Ha ha, tốt, cứ để nó sốt ruột!". Nàng ta có kiến giải đặc sắc, ý chí vững như núi, khi yếu đuối khiến người ta thương cảm, lúc kiên quyết lại khiến người ta khâm phục. Kỳ nữ này, đừng nói tiểu tử ngốc kia, ngay lão gia ta cũng thật lòng thích thú.
"Cứ thử đọc xem sao!". A La chớp mắt, bỗng nảy ra ý nghĩ khác.
An Thanh vương cười đưa nàng vào thư phòng, trao cho nàng một phong thư. A La mở ra xem, bên trong chỉ có mấy chữ: "Vẫn còn giận phải không?". Ở giữa ép một bông hải đường.
A La nhìn An Thanh vương, cười ranh mãnh: "Lão vương gia, chúng ta bàn xem hồi âm thế nào để tiểu vương gia tức điên được không?".
An Thanh vương thầm nghĩ, tiểu tử ngốc, giấu ta ấn định hôn ước, may mà ta cũng thích con bé, nếu không, ta sẽ tức muốn chết. Tự dưng ông cũng nảy sinh tính trẻ con, cười: "Nên hồi âm thế nào?".
A La nghĩ một lát: "Tam tiểu thư tướng phủ đích thân đến phủ thoái hôn, đại sỉ đại nhục! Nếu còn nhắc lại chuyện này, lão phu đánh gẫy chân!".
An Thanh vương ngẩn người, nhe răng cười: "Tốt, cứ làm thế! Đợi tiểu tử ngốc về đây, xem nó cầu xin ta thế nào!".
A La cười khúc khích, chìa ngón tay ngoắc coi như thỏa thuận: "Đây là bí mật của hai chúng ta!"
An Thanh vương cười cũng chìa tay ngoắc, đột nhiên nói: "Nghe nói ngón đàn của con hơn cả tỷ tỷ?".
A La giật mình, chuyện này lão cáo già cũng biết sao! Nghĩ một lát trả lời: "Ý tứ tiếng đàn của tiểu nữ trội hơn, chứ không phải ngón đàn giỏi hơn!".
"Nhưng khúc "Thu thủy" lại khiến thái tử xiêu lòng! Có điều thái tử phi là người không đơn giản, thuở nhỏ đã tinh thông binh pháp, lão phu cũng rất mực khâm phục".
Đúng thế, Vương Yến Hồi đích thực là một người đàn bà lợi hại! A La nghĩ, thực ra mình hiểu binh pháp rất nửa vời. Ba mươi sáu kế nàng còn chưa thuộc hết, sực nhớ Lưu Giác đã nói, Ninh vương băng hà chàng sẽ dẫn quân về Phong thành, vậy An Thanh vương rút cục sẽ ủng hộ ai? Lại còn Tử Ly đang nắm binh quyền, ba năm đủ dài để chàng vạch xong mọi mưu kế. Về chuyện ai sẽ kế vị A La không nghĩ nhiều, dường như ai làm cũng không can hệ đến nàng, nhưng phủ An Thanh vương thì khác. Lão cáo già suy nghĩ thế nào chắc sẽ không nói với mình, bây giờ Lưu Giác ở Lâm Nam đang rất sốt ruột, vào lúc này lão cáo già hỏi đến chuyện đánh đàn là có ý gì?
"Ngày mai tiểu nữ vào cung thăm Thanh Lôi, vương gia có muốn dặn dò tiểu nữ điều gì chăng?".
"Chẳng phải đã nói sẽ viết thư cho tiểu tử nói là con đích thân đến phủ từ hôn rồi thôi, trò phải diễn đủ, tiểu tử đó mới không nghi ngờ!". An Thanh vương mặt tươi như hoa.
A La nghĩ, trong đầu "bung" một tiếng, tuyên bố như vậy mình sẽ sống ra sao? Không những Lý tướng sẽ đến tận Đường viên hỏi tội, thái tử, thái tử phi và Thanh Lôi cũng sẽ điên tiết, cái mạng nhỏ nhoi của mình liệu có giữ được không? Cây đại thụ An Thanh vương này chưa dựa được mấy ngày, ông đã đẩy mình vào vòng xoáy hay sao?
An Thanh vương vẫn cười nhìn nàng. A La lẩm bẩm: "Cha tiểu nữ sẽ đánh chết tiểu nữ mất! Không đùa nữa!".
An Thanh vương cười khà khà: "Tiểu nha đầu sợ rồi hả?".
"Đương nhiên, cái mạng nhỏ của A La phải thận trọng".
Đúng, đẩy A La vào vòng xoáy như vậy là hơi tàn nhẫn, An Thanh vương cũng thấy không nỡ, buột miệng nói: "Thoái hôn đâu có dễ thế? Nhưng con cũng không thích nó, tiểu tử nhà ta đâu có xứng với con!".
Ý ông thế nào? A La không hiểu. Nếu nàng nói không thích Lưu Giác... Nàng cười, nhìn An Thanh vương: "Vương gia đúng là cáo già! Ngay con trai mình mà cũng đưa vào toan tính!".
"Như con nói, ta đương nhiên là cáo già. Nhưng vị hôn thê của tiểu tử kia không thích nó, lại gây chuyện muốn thoái hôn, nó không sốt ruột sao được! Nếu nó sốt ruột, ha ha, người làm cha này, đương nhiên cũng đành bất lực!". An Thanh vương cười tỏ vẻ vô can.
A La kéo áo ông làm nũng: "Nếu cha tiểu nữ mắng tiểu nữ, chưa biết chừng tiểu nữ sợ quá bỏ trốn khỏi tướng phủ, lần này không biết đi đâu, lão vương gia nên chuẩn bị một sơn trang biệt uyển để cho tiểu nữ nương náu! Còn nữa, nếu Đông cung trở mặt với tiểu nữ, tiểu nữ tủi thân muốn ra phố mua sắm cho hả giận, không có bạc không xong!".
Nói mãi nói mãi hai người cười khe khẽ.
Lúc sắp rời phủ, An Thanh vương cho A La ba cây pháo hoa: "Nếu tâm trạng không vui, thì đốt pháo hoa mà chơi, đẹp lắm".
A La mỉm cười giơ tay đón nhận, ánh mắt lay động lóng lánh: "Một mình đốt pháo hoa thì buồn lắm, tiểu nữ thích chen trong đám đông xem pháo hoa, như thế mới vui".
Phong thành sắp tới chắc không bình yên, bản thân mình chắc cũng không tránh khỏi bị cuốn vào dòng xoáy, đã vậy phải khuấy cho đục ngầu mới không uổng sống một đời ở đây. Lưu Giác, hai cha con chàng là những con cáo thật sự, còn ta, nàng nghĩ, ta sẽ nhân cơ hội này chơi thỏa thích một trận. Có hai con cáo một già một trẻ bảo vệ tốt bao nhiêu. Sau khi A La đi khỏi, An Thanh vương trở về thư phòng, đi đi lại lại suy nghĩ, thái y mật báo, Ninh vương đã hoàn toàn tê liệt, có thể ra đi bất cứ lúc nào, ông nhẩm tính thời gian, lệnh cho thái y bất luận thế nào cũng cố duy trì mạng sống cho Ninh vương thêm nửa tháng nữa.
Ngay từ ba năm trước, khi Ninh vương triệu ông trở về Phong thành, ngài đã khẩn thiết nói với ông: "Vương đệ, Ninh quốc sóng yên biển lặng cả trăm năm nay, ta bản tính yếu mềm, lại bình yên ngự trị trên ngai. Nhưng họ Vương lòng lang dạ sói, thế lực ngoại thích đã len vào triều đình. Đệ ở xa mãi tận Biên thành, những năm qua Ninh quốc không xảy ra chuyện gì lớn, nhưng triều chính đa phần đều làm theo ý họ Vương, ta cũng đành mắt nhắm mắt mở cho qua. Thái tử vốn cũng rất tốt, nhưng nó rất thân với họ Vương, để nó kế vị e là thế lực vương tộc họ Lưu chúng ta ngày càng suy yếu. Nếu lúc thái tử chọn thái tử phi, hoàng hậu không một mực tiến cử con gái Vương thái úy thì ta cũng thôi, bây giờ nếu thái tử kế vị, lưỡng cung hoàng hậu đều do con gái họ Vương nắm giữ, ta thực lòng không yên. Ta cũng đã nghĩ đến chuyện phế thái tử, hiềm nỗi một là Lưu Giám cũng là con trai ta, nó không mắc sai sót lớn, không có cớ gì để phế truất; hai là, họ Vương nhất định không phục. Họ Vương nắm đại quyền thống lĩnh cánh quân phía đông, nếu dấy binh, Ninh quốc đại loạn, e là cơ nghiệp mấy trăm năm của tổ tiên hủy bại trong tay ta!".
An Thanh vương chứng kiến thái tử Lưu Giám và Ly Thân vương Lưu Phi từ nhỏ lớn lên. Hai vị hoàng tử đều là những người xuất sắc trong các vị hoàng tử, đều có khả năng kế vị. An Thanh vương hiểu, sau khi Trần hoàng hậu qua đời, Ninh vương rất lo lắng cho tứ hoàng tử, nhưng do thế lực họ ngoại rất lớn, đành lập Lưu Giám làm thái tử. Để bảo tồn thực lực của hoàng tộc, bản thân An Thanh vương đã nắm quyền cai quản Hữu quân đồn trú tận Biên thành xa xôi, coi như phân chia một phần binh lực, nhưng đại đa số quân quyền vẫn nằm trong tay Vương thái úy. Nếu thái tử kế vị, binh quyền, hoàng quyền họ Vương đều có, vận mệnh sau này của hoàng tộc họ Lưu rất khó lường.
An Thanh vương thận trọng lên tiếng: "Ý của vương huynh là...".
Ninh vương trịnh trọng lấy ra di chiếu, trao vào tay ông, lạy ông một lạy: "Để bảo vệ gia tộc họ Lưu, ta đã làm khó vương đệ rồi".
Khuôn mặt dày dạn gió sương của An Thanh vương trở nên cực kỳ trang nghiêm, ông quỳ xuống thề: "Quyết không phụ sự ủy thác của vương huynh!". Khi đứng dậy, một khí phách oai nghiêm dũng mãnh lạ thường toát lên từ con người ông.
Ninh vương khẽ than: "Nếu ngày xưa đệ dịu tính một chút, ngôi báu này do đệ làm chủ, Ninh quốc đâu có nhiều rắc rối như thế!".
An Thanh vương lắc đầu: "Câu này của vương huynh rất sai, đệ tính khí bạo liệt, không làm được đế vương, chính vương huynh nhẫn nhịn ôn hòa, đại độ khoan dung mới giữ Ninh quốc mấy chục năm phồn thịnh an khang. Phụ hoàng ngày xưa có con mắt tinh đời, đã sớm nhìn ra điểm yếu của đệ, đệ có thể nắm binh quyền trụ cột quốc gia, nhưng làm đế vương lại không xứng, cho nên phụ hoàng mới ban Xích long lệnh cho đệ".
Khuôn mặt gầy yếu của Ninh vương tỏ ra xúc động: "Huynh đệ chúng ta một lòng giữ vững cơ nghiệp của họ Lưu, không làm hổ danh tổ tiên! Nhưng e là ta không đợi được đến ngày đó, đành trao đống đổ nát này cho vương đệ. Chỉ mong Tử Ly sớm trưởng thành, không phụ kỳ vọng của ta, nghiền ngẫm mưu tính mấy năm này, chắc cũng đã có thể lẳng lặng quăng mồi thanh trừng ngoại thích, tránh cho triều đình khỏi nạn binh đao". Sau khi trở về Phong thành, An Thanh vương mới giật mình phát hiện cho dù trong tay ông nắm Xích long lệnh, có thể tiếp quản Phong thành lúc có nguy biến, nhưng thế lực họ Vương âm thầm xây dựng mấy chục năm, muốn suôn sẻ khống chế cục diện cũng không dễ. Dù Hữu quân hay Nam quân đều cách Phong thành quá xa, đáng ngại nhất là khi mọi mưu kế còn chưa hoàn tất, Ninh vương đã băng hà. Thái tử danh chính ngôn thuận kế vị, nếu không có sơ suất lớn, bản di chiếu của Ninh vương cũng khó thuyết phục được quần thần. Không có cớ động binh, tứ hoàng tử động binh là phạm tội mưu phản. Lúc đó triều đình sẽ chia thành hai phái, Ninh quốc đứng trước nguy cơ chia rẽ ly tán. Nếu Trần quốc dám dấy binh xâm lược tất sẽ liên minh với Hạ quốc, hơn nữa dã tâm của Khởi quốc đã rõ ràng. Khi Ninh vương lâm trọng bệnh, Trần quốc đang nôn nóng động binh, nếu lúc này hai vị hoàng tử tranh giành đế vị, sẽ là cơ hội hiếm có để mấy nước kia ra tay.
Ba năm nắm binh quyền vừa rồi, Tử Ly tất đã có chuẩn bị chu toàn, đã đến lúc cần trở về. Hiện giờ họ Vương đã có đề phòng, trong đại bản doanh ở ngoại ô phía đông cách Phong thành gần nhất, hai mươi vạn quân đã ém sẵn, mắt hau háu hướng về Phong thành, ông đã lệnh cho Lưu Giác không được khinh suất trở về Phong thành, chính là không cho họ Vương kia có cớ ngăn cản, để Lưu Giác hoàn toàn nắm chắc Nam quân trong tay. Còn bây giờ, từ Lâm Nam trở về, đi suốt ngày đêm cũng phải mất mười ngày, muộn hơn làm lỡ kế hoạch đã định thì quả thực có thể phải động binh đao.
An Thanh vương nhìn bức thư hồi âm viết theo ý A La, chợt nảy ra một ý, sửa lại: "Tam tiểu thư tướng phủ rất không hài lòng về con, làm loạn đòi thoái hôn, An Thanh vương phủ không biết giấu mặt vào đâu. Thái tử được tin lại muốn nạp nàng ta làm thứ phi, con không định để cha đi cướp vợ cho con chứ?".
Ông lại viết cho Tử Ly: "Nội trong vòng mười lăm ngày lập tức trở về Phong thành". Gắn si niêm phong xong, An Thanh vương cho gọi một tử sĩ Ô y kỵ đến truyền lệnh: "Xích Phong nghe đây, ngươi lập tức dẫn thêm ba người bí mật ra khỏi thành, nhất định phải trao tận tay Ly Thân vương. Nếu gặp cản trở, lập tức hủy thư. Dẫu chỉ còn một người cũng phải đích thân nói với Ly Thân vương, bản vương ra lệnh trong vòng mười lăm ngày phải gặp được thân vương!".
Xích Phong quỳ sụp xuống, trả lời dõng dạc: "Vương gia yên tâm!".
Xích Phong đi khỏi, An Thanh vương gọi: "Ám Dạ".
Một bóng đen bay vào thư phòng: "Xin vương gia sai bảo!".
"Ngươi có thân thủ tốt nhất trong Ô y kỵ, đây là ấn tín của bản vương, ngươi cầm thứ này đến gặp Ly Thân vương, nói là bản vương ra lệnh trong vòng mười lăm ngày dẫn quân trở về Phong thành. Còn lý do cứ nói là về phục tang phụ vương".
Ám Dạ hơi ngạc nhiên: "Vương gia không tin Xích Phong?".
"Không phải không tin, việc trọng đại, không thể sơ suất. Cho dù Xích Phong xảy ra chuyện, cũng phải đảm bảo Ly Thân vương được báo tin". An Thanh vương hạ giọng.
Ám Dạ không hỏi nữa, nhận ấn tín, lẳng lặng lui ra.
Khi Lưu Giác đi Lâm Nam mang theo tử sĩ của Huyền tổ và Minh tổ của Ô y kỵ, trong phủ hiện chỉ còn lại ba kỵ đội. An Thanh vương nhìn bức thư viết cho Lưu Giác, gọi một binh sĩ Cáp tổ: "Nội trong vòng ba ngày đưa thư này đến tay thiếu chủ".
Mọi việc xong xuôi, An Thanh vương có phần ngơ ngẩn, Phong thành mùa đông này cuối cùng đã nổi gió. Lại nghĩ đến Thanh La, nha đầu thông tuệ này ngay từ đầu đã hiểu ý của ông. Nhưng theo ông, Lý Thanh La mặc dù thích tiểu tử Lưu Giác, nhưng nàng gây sóng lớn như vậy cũng không hoàn toàn vì Lưu Giác. Ông đột nhiên cảm thấy thương cho con trai, nhưng rồi dường như hiểu ra, lại đắc ý: Cha si tình, con đương nhiên cũng thế.
Trở về tướng phủ, Lý tướng gọi A La vào thư phòng: "Đi gặp An Thanh vương thế nào?".
A La rất bình tĩnh trả lời: "Lão vương gia rất tốt với con, Bình Nam vương đúng là chỗ dựa tốt".
Nhìn vẻ mặt tươi cười của Lý tướng, A La chuyển hướng câu chuyện: "Có điều Ly Thân vương cũng không tồi!".
Lý tướng kinh ngạc, con bé này có quan hệ với Ly Thân vương từ bao giờ? Tư tưởng sớm nắng chiều mưa như thế nếu An Thanh vương biết, lão già đó dễ chừng dám đánh ông trước mặt quần thần lắm.
"Đừng quên, con đã định hôn với Bình Nam vương, đã ra khỏi khuê phòng, bị lỡ mất ba năm! Ngày mai ta sẽ đến bàn với An Thanh vương chọn ngày thành hôn!".
A La cười: "Cha à, cha hồ đồ hay sao? Ninh vương đang bệnh nặng, sao cha dám gả con vào lúc này?".
Đúng, vương thượng bệnh nặng, bây giờ mà gả con gái là không thỏa đáng. Lý tướng nghiến răng lẩm bẩm, đứa con gái này bỏ đi ba năm, khi trở về đã đã không còn nhút nhát như trước, lời lẽ xem chừng có ý từ hôn, nếu không sớm gả đi, đêm dài lắm mộng. Đầu ông lóe lên bao toan tính.
Nhìn ánh mắt liếc đảo bất định của Lý tướng, A La bồi thêm một câu: "Ly Thân vương nắm trọng binh trong tay, ngộ nhỡ...".
Lý tướng kinh ngạc, phải rồi, Ly Thân vương là cá trong ao, hai con hổ đấu nhau, bản thân mình quả thực đã đem châu báu đặt cả vào thái tử, nhưng nếu ngộ nhỡ? Đằng nào ba đứa con gái hy sinh đứa nào cũng không quan trọng, quan trọng là mình phải kín kẽ, không được phép sơ sẩy! Bình Nam vương cũng tốt, nhưng nếu Ly Thân vương chiến thắng thái tử, kế vị ngôi báu, gả A La cho y, mình chẳng phải càng hời hay sao? Nhưng nếu hủy hôn, mình biết ăn nói thế nào với lão già An Thanh vương? Lý tướng lại đau đầu.
"Cha khỏi cần phiền não, bây giờ con chưa đồng ý lấy ai là được chứ gì? Để mọi chuyện rõ ràng rồi tính cũng chưa muộn!".
Mặt Lý tướng tươi tắn lại ngay lập tức, nghĩ đến Bình Nam vương đang ở Lâm Nam chưa về, Ly Thân vương cũng ở tận Biên thành, lúc này chưa cần lo vội. Ông thầm khen A La mưu kế: "Ý hay lắm, thật không hổ là con gái ngoan của ta! Ngày mai vào cung thăm tỷ tỷ, con nhớ trang điểm thật đẹp đấy!".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook