Duyên Kỳ Ngộ
-
Chương 28
A La lặng lẽ ngắm nhìn khóm hải đường trước sân, những bông hoa trĩu nặng, nở đã lâu vậy mà vẫn đỏ tươi. Có thể chịu gió rét không chỉ có mai, phẩm chất "Khi rụng thành bùn hóa bụi bay, vẫn có hương như cũ"(16) không phải là nàng.
Sau khi sắp xếp xong cho thất phu nhân, nàng không còn lo lắng gì nữa. Lưu Giác đang ở Lâm Nam, chàng tất sẽ bảo vệ nàng. Theo hiểu biết của nàng về chàng, cho dù nàng làm ra những chuyện khiến chàng đau lòng, Lưu Giác cũng sẽ không làm khó thất phu nhân. A La bất giác bật cười, ở trong thế giới dị thường này mười năm, mình trở thành ngươi cổ đại thật rồi!
Người bỗng thấy ấm lên, Lưu Giác đã khoác lên vai nàng chiếc chiến bào, thấy nét mặt nàng bình thản, miệng mỉm cười, chàng nhướn mày: "Nàng không sợ trở về Phong thành nữa sao?".
Sợ gì chứ? Cũng không hoàn toàn là thế, chẳng qua là chán ghét không muốn nhọc công toan tính. Triều đình Ninh quốc chẳng liên quan đến nàng, ai làm vua cũng chẳng can gì. Nàng đến thế giới dị thường này, chỉ muốn có một cuộc sống bình yên. Những vấn vương đối với thất phu nhân là do mối thâm tình mười năm gắn bó, nàng không thể không quan tâm, không lo lắng. Những cái khác còn có gì? Bình Nam vương trẻ tuổi hào hoa tình sâu như biển, chàng đã làm nàng cảm động, khiến nàng có ý nghĩ muốn dựa vào chàng trong không gian xa lạ này, liệu có thể cùng chàng sống cuộc đời hạnh phúc yên ổn hay không? Chỉ có điều, hạnh phúc ấy xem chừng vẫn còn xa lắc. Chàng có những bổn phận của chàng, gia tộc của chàng, không cho phép chàng tùy tiện hành xử. Bạn đang đọc chuyện tại TruyệnFULL.vn
"Sợ thì sao? Chàng đâu dám kháng chỉ không cho thiếp về?".
Giọng nàng bình thản, nhưng lại tựa lưỡi dao đâm vào lòng Lưu Giác, trái tim bằng máu thịt trong lồng ngực như bị lôi ra, quăng lên, chơi vơi, rồi quật xuống, tơi bời trên mặt đất. "Nàng trách ta? Biết là nàng đã khổ công tìm cách chạy khỏi Phong thành, bây giờ lại đưa nàng quay về?".
Trách chàng ư? Có lẽ! Bởi vấn vương nên mới trách chàng. Bởi động lòng, cho nên mới trút giận. Biết rõ là không còn cách nào khác nhưng vẫn không kìm chế được, nên mới dùng những lời thản nhiên nhưng ngấm ngầm hờn trách nói với chàng, cái tính ngang bướng, bất chấp lễ nghĩa này cũng chỉ dám tỏ ra với chàng mà thôi. A La thở dài: "Chàng có thể giúp thiếp chăm sóc mẹ không? Còn Tiểu Ngọc, tuổi cũng đã lớn, thiếp thấy Lưu Anh người cũng tốt, liệu có thể tác thành cho bọn họ?".
Tại sao lời nói cứ như dặn dò chuyện hậu sự như vậy? Lưu Giác giật mình, giơ tay nắm vai nàng: "Nàng định làm gì?".
Nàng có thể làm gì? Trong mắt A La ánh lên vẻ buồn thảm, bây giờ không thể, không có nghĩa là sau này không thể. Nét mặt trở lại tươi cười: "Một mình mẹ ở đây, có chàng thiếp mới yên tâm. Tiểu Ngọc xem chừng cũng thích Lưu Anh, nàng ấy theo thiếp nhiều năm, không nên để nàng ấy lỡ làng tuổi xuân".
Lưu Giác vẫn hồ nghi, chàng luôn không dám tin A La chịu ngoan ngoãn quay về tướng phủ. Nếu trở về Phong thành, cho dù ở đó có lão gia của mình đầy quyền thế, nhưng nếu nàng không còn gì vấn vương lại bỏ chạy, chàng biết tìm ở đâu? Ý nghĩ vừa xuất hiện, chàng đã ra tay như gió điểm huyệt, đỡ người A La đang từ từ sụp xuống, "Ta không thể để nàng bỏ chạy biệt vô âm tín! Xin lỗi, A La! Nàng quá thông minh, biết mẹ ở đây đã có ta bảo vệ, không còn vấn vương, chuyện gì nàng cũng làm được. Ta không dám mạo hiểm".
Chàng - A La thầm than thở, chàng quan tâm mình vậy sao? Khống chế để mình không thể bỏ trốn. Lưu Giác ôm nàng vào phòng, ngồi trên giường nhìn nàng,"Nàng có giận, ta cũng làm như thế. Đưa nàng về Phong thành ta tất có suy tính chu toàn. Ta cho Lưu Anh và Tiểu Ngọc cùng về với nàng, từ giờ Lưu Anh sẽ là hộ vệ của nàng, không còn là Ô y kỵ nữa".
Tay nhẹ nhàng vén những sợi tóc vương trên trán A La, sao không thấy vẻ sợ hãi trong mắt nàng, không thấy nàng nổi giận mà lại bình thản như vậy? Lưu Giác đứng lên: "Nàng có giận ta không? Không ngờ ta khống chế nàng, không cho nàng cơ hội chạy trốn đúng không? Nhưng, A La nàng không hiểu. Lúc đầu tình cảm của ta với nàng không sâu nặng như vậy. Trong Đào hoa yến ta rung động bởi khúc "Bội lan" của Cố Thiên Lâm, ta vốn tưởng ta thích kiểu thục nữ thanh tao thoát tục như hoa lan. Nhưng trong bức vẽ chân dung nàng ta lại vẽ đôi mắt nàng, ta ngày đêm ngắm nhìn, về sau cũng không biết là ngắm nàng hay ngắm đôi mắt nàng trong đó. Ta thừa nhận, lúc đầu ta đã xen vào giữa nàng và Tử Ly, bám lấy nàng, là muốn trêu chọc, nhưng rồi về sau, ta dần dần si mê, không làm chủ được nữa".
"Không biết ta đã yêu vẻ láu lỉnh như con én nhỏ của nàng, tiếng đàn bi thương của nàng trong dạ tiệc ở Đông cung, hay vẻ bí hiểm không hợp lứa tuổi của nàng... Tất cả, trong lòng ta chỉ có nàng. Lâu dần, nỗi tức giận chuyển thành nỗi nhớ, từng nụ cười của nàng không chút nào phôi phai trong ta. A La dù nàng có giận ta bao nhiêu vì đã làm thế này với nàng, ta cũng sẽ không để nàng rời xa ta, nàng có thích hay không thì hãy cứ đợi ta quay về Phong thành. Đến lúc đó ta... ta sẽ chuộc tội với nàng được không?".
Hai hàng nước mắt A La trào ra, nàng thầm mắng chàng không cho nàng mở miệng, đáng ghét! Thấy chàng đưa tay lau nước mắt cho nàng, liền mở mắt nhìn, nét mặt chàng nghiêm nghị u buồn, nàng giận dỗi nhắm mắt.
Đột nhiên bị chàng xốc lên, chàng ôm nàng nói nhỏ: "Chờ ta trở về Phong thành lại ôm nàng, nàng đồng ý không?". Tay chàng bóp miệng nàng, đưa một vật gì có mùi thơm trượt vào cổ họng nàng: "Chỉ là để người nàng mềm một chút, nàng ngủ một giấc, tỉnh dậy đã ở trên đường rồi".
Nếu được tự do hành động, chắc nàng đã lao vào đánh chàng. Con người này đúng là tự làm tự chịu, tự chuốc khổ vào thân, A La rất muốn trong mắt mình có dao đâm muôn ngàn nhát vào chàng, nhưng chỉ trong chốc lát, ý thức nàng dần tan biến, bóng chàng mờ dần.
Khi tỉnh lại, cơ thể đang lắc lư, nàng thấy Tiểu Ngọc lo lắng nhìn mình. A La thở dài: "Đến đâu rồi?".
"Sắp đến Cốc thành rồi, tiểu thư".
A La cựa mình, cơ thể đúng là mềm oặt. Nàng dựa vào Tiểu Ngọc ngồi dậy, như là đang ốm nặng, toàn thân không còn sức lực. Cử động không có gì trở ngại, nhưng nếu giơ tay đánh chắc là Tiểu Ngọc cũng đỡ được. Lưu Giác này tệ thật! Sực nhớ ra Lưu Anh, liền hỏi: "Lưu Anh đâu?".
"Huynh ấy cưỡi ngựa đi bên ngoài". Mặt Tiểu Ngọc thoáng đỏ.
Tiểu Ngọc đúng là đã thích Lưu Anh. Cũng tốt, Lưu Anh rất được. Có điều, Tiểu Ngọc, ta đành có lỗi với em. A La vén rèm xe, Lưu Anh cưỡi ngựa hình như có gì không vui, nàng gọi: "Lưu Anh!".
"Tiểu thư, có việc gì?". Lưu Anh cung kính.
Tối qua Lưu Giác nói với y, y đã bị xóa tên khỏi Ô y kỵ, kể từ nay là hộ vệ của tam tiểu thư. Lưu Anh không kìm được hỏi: "Nếu là mệnh lệnh của chúa thượng, thuộc hạ sẽ hết lòng bảo vệ tiểu thư, nhưng tại sao nhất định phải xóa tên khỏi Ô y kỵ?".
Lưu Giác nhìn y: "Ta muốn ngươi sau này coi nàng ấy là chủ nhân của ngươi".
Mặc dù theo tam tiểu thư, chúa thượng có lẽ ngầm cho phép y ở bên Tiểu Ngọc, nhưng lòng Lưu Anh vẫn rất khó chịu.
"Ta đói rồi, nghe nói Cốc thành có món bánh hoa mai nổi tiếng, đằng nào cũng sắp tới Cốc thành, ngươi đi trước mua về cho ta! Để nguội ăn không ngon, nếu ngươi chê ngựa đi chậm, thì chạy bộ mà đi". A La thủng thẳng nói.
Lưu Anh trầm giọng: "Việc tiểu thư sai bảo thuộc hạ đã nhớ, bánh hoa mai mua về đến tay tiểu thư đảm bảo vẫn nóng". Y thúc ngựa phóng đi, nửa canh giờ sau, cung kính dâng lên bánh hoa mai.
A La ngó nhìn, cầm lên một miếng định đưa vào miệng, bỗng lại kêu "Ai da" như nhớ ra điều gì: "Nghe nói, ăn bánh hoa mai này phải uống với trà nhụy hoa ở đây mới hợp. Lưu Anh à, lại phiền ngươi đi một chuyến".
Lưu Anh không nói một câu, lại phi ngựa đi. Khi quay về, mở cái bọc ra, trà vẫn nóng, A La nhìn bình trà, trề môi: "Đói quá!". buông rèm đánh "xoạch", không buồn nhìn y.
Lưu Anh tức giận quay đầu, không nhìn cỗ xe nữa, tủi thân than thở: "Chúa thượng, nỗi phiền toái chúa thượng gây ra, bây giờ trút hết lên đầu tiểu nhân rồi!".
Cứ như vậy, A La hành hạ Lưu Anh suốt dọc đường, cuối cùng họ cũng bình an trở về bên sông Đô Ninh, Phong thành đã ở ngay trước mặt. Gió lạnh đem theo bụi tuyết, rơi ràn rạt trên áo bông. Lão Trương kéo chiếc mũ da dê đội lên đầu, thắt lại quai mũ, bịt chặt hai tai, hai tay giấu trong ống tay áo, xốc lại cái gùi trên vai tiến về phía dịch trạm. Trên mái ngói của các ngôi nhà ven đường, tuyết đọng thành những dải nhũ so le, cái dài cái ngắn rủ xuống, tuyết rơi xuống đường hòa với nước mưa và đất tạo thành lớp bùn nhão nhoét, khi ủng giẫm lên đường phát ra những tiếng lép nhép.
Trong thời tiết này, ngồi trong nhà uống chén rượu nóng mới phải. Nhìn sắc trời, lão Trương rảo bước, không lâu sau đã tới dịch trạm. Lão vén bức mành bằng vải bố dày, hơi nóng xông ra, lão rũ bụi tuyết dính trên bộ râu, nước rơi từng giọt, mặt ướt đẫm. Lão phủi bụi tuyết trên người, "Ai dà, thật biết hưởng thụ!".
Đám lính ở dịch trạm đang ngồi quây quần quanh đống lửa giữa phòng uống rượu, nghe tiếng nói, nhìn ra, có người cười xởi lởi: "Trương đại ca đã đến ư? Mau vào đây sưởi, làm chén rượu nóng! Thời tiết tệ quá!".
Lão Trương cũng không khách sáo, hình như đã quen nhau, lão bước đến, có người đứng dậy nhường chỗ. Rót một bát rượu, một hơi uống cạn, lão xoa râu cười: "Hôm nay ta dậy muộn, việc của vương gia không được chậm trễ. Đồ đâu?".
Dịch quan cười: "Vương gia nhà ông khẩu vị đến là quái, ngày nào cũng bắt lính vượt ngàn dặm mang đến món canh cải trắng! Ăn suốt ba năm vẫn chưa chán!".
Lão Trương cau mày, nói khẽ: "Câu này mà ngươi cũng dám nói bừa!". Vẻ hiền hậu ngay lập tức biến thành nghiêm khắc.
Dịch quan giật mình, vội chuyển câu chuyện, gọi to: "A Tứ, mau chuẩn bị đồ đưa cho lão Trương!", rồi lại tươi cười: "Uống thêm bát rượu nữa, vừa rồi tôi nói bừa, nói bừa!".
Lão Trương thở dài kéo y sang bên, nghiêm mặt nói: "Họa từ miệng mà ra, quản nghiêm thuộc hạ, đừng có nói bừa, vương gia nhà ta...". Ánh mắt lão đầy phân vân không biết là sợ hay là than vãn.
Dịch quan rụt cổ, trong phòng ấm áp, vậy mà lưng y toát mồ hôi.
Lão Trương nhìn cái bao A Tứ vừa đưa, bên trong lớp bọc bằng chăn dày có chục cây cải trắng tươi mơn mởn, xanh ngắt. Biên thành mùa đông rất hiếm rau xanh, chỗ cải trắng này ngày nào cũng chuyển đến, chưa từng gián đoạn, thực là kỳ công, trăm lạng bạc một cây cũng đáng, lão bỏ vào gùi, khoác lên lưng, chỉnh lại mũ áo, gật đầu cười chào mọi người, cắm cúi đi trong gió lạnh.
Hậu viên của soái phủ Hữu quân ở Biên thành, không khí vắng vẻ hiu quạnh, không hề thấy màu xanh, tuyết đọng dày từng lớp trên những hòn non bộ và cành cây khô, tuyết trùng trùng giăng khắp nơi, quả là một thế giới được tạo khắc từ băng tuyết. Người lính hầu thận trọng bê chiếc liễn có nắp bạc rẽ vào một hành lang, rảo bước về phía hậu thất. Vừa đến cửa, đã có người đứng chờ đón lấy cái liễn rồi vén rèm đi vào.
Bên trong mấy lò sưởi đang cháy, không khí ấm áp như mùa xuân, Tử Ly mình vận chiếc áo bông nhẹ, rộng rãi đang đọc thư tín vừa chuyển đến. Mỗi tháng, vương phi trong phủ Ly thân vương ở Phong thành đều viết thư đến, trong thư kể rõ tình hình vương phủ và những câu thăm hỏi đúng nghi thức. Tử Ly xem xong cười lớn, nhấc bút viết mấy chữ hồi âm. Gạt thư của Cố Thiên Lâm sang một bên, mắt chàng chuyển sang phong thư mật. Đây là tin mật thứ một trăm bảy mươi tư. Ba năm trước chỉ có mấy chục tin, hai tháng gần đây tăng đột ngột, ánh mắt u ám của chàng nhìn ra ngoài, tuyết đọng long lanh trên cành cây, một cảm xúc dịu nhẹ mơ hồ từ từ nhen trong lòng, chàng bất chợt lẩm bẩm: "Phong thành mùa đông chắc không lạnh thế này".
Người hầu thận trọng để chiếc liễn lên bàn, khẽ thưa: "Mời vương gia dùng bữa!"
Tử Ly quay đầu lại, nụ cười vẫn trên môi: "Không biết hôm nay mùi vị thế nào?". Rồi chàng thong thả đi đến ngồi bên bàn.
Người hầu múc một bát nhỏ, chìa trước mặt chàng. Tử Ly nhìn bát canh trong vắt, chàng múc một thìa nếm thử, vị thanh, ngọt, thơm mát, nuốt xuống cổ, lại như uống phải ngụm thuốc đắng, đắng đến mức bao tử như sôi lên.
Người hầu e ngại liếc nhìn chủ nhân, nụ cười vẫn còn nhưng đông cứng trên mặt như mọi khi, y bất giác thở dài, nấu canh cải trắng suốt ba năm, không lần nào khiến chúa thượng hài lòng, nhưng không ngày nào dám ngừng lại, khiến đầu bếp chạy như đèn cù. Bỏ bao nhiêu bạc thuê đầu bếp giỏi đến Biên thành, vẫn không nấu được mùi vị khiến chúa thượng hài lòng. Canh không ăn hết bê ra, có đầu bếp không nén nổi nếm thử, kinh gạc kêu lên: "Quả là ngon!". Nhưng không hợp khẩu vị của vương gia, thay loạt đầu bếp khác cũng vậy. Cũng không thấy chúa thượng nổi nóng, vậy là món canh cải trắng ngày nào cũng nấu.
Tử Ly lại tự tay múc một bát canh, người hầu ngạc nhiên quỳ sụp xuống: "Nô tài không chú ý, hầu hạ chúa thượng không chu đáo!".
"Đứng dậy đi, mùi vị rất ngon, từ nay không phải nấu món này nữa!". Tử Ly nheo mắt nói, không biết là chàng vui hay bực.
Người hầu thấp thỏm không yên. Sao đột nhiên lại ghét món canh đó? Nhưng y lại không dám hỏi, cúi đầu đi ra.
Sau bữa trưa, Tử Ly đĩnh đạc bước ra ngoài, người hầu vội khoác lên vai chàng chiếc áo lông chồn.
Tuyết rơi rất mau, lát sau trên vai chàng đã đọng lớp tuyết dày, chàng giơ tay phủi, không bao lâu tuyết lại rơi đầy. Nụ cười đau khổ hiện trên mặt chàng, Tử Ly lẩm bẩm: "Bên thềm tuyết bay như mai rụng, phủi vơi lại đầy". Thế giới băng tuyết lóng lánh như thủy tinh trước mặt bỗng khiến chàng mê đắm, một lúc sau, thoáng liếc thấy chóp mũi của thị vệ đứng gần đỏ ửng vì cóng, chàng mỉm cười: "Vào nhà đi, ta muốn nghỉ một lát".
Nhắm mắt, tâm tư chàng lại rối bời như mưa tuyết. Phụ hoàng e là khó qua khỏi. Đại thắng của Lâm Nam như liều thuốc kích thích khiến người muôn phần phấn chấn, lên điện dự được hai buổi chầu sớm, cơn phấn khích qua đi, bệnh càng trầm trọng. Tháng trước trong cung báo tin: "Bệ hạ uống một bát thuốc nhỏ, chỉ ăn đồ loãng". Mấy ngày sau lại báo: "Phải đổ từng thìa thuốc, không ăn được gì". Lòng chàng như lửa đốt, nhưng lại chỉ có thể ở yên tại Biên thành, không dám manh động. Công sức chuẩn bị ba năm, chỉ chờ đợi một đạo thánh chỉ.
Trước đây Cố tướng truyền tin nói, phương nam không có gì đáng ngại. Nhưng nửa năm nay, lại xuất hiện tình trạng lương thảo quân dụng không vận chuyển đúng thời hạn. Bộ binh viện lý do phương nam có chiến sự, lời lẽ giải trình rất khiêm nhường, đến khi bị hối thúc lại nói đang trên đường vận chuyển, dù sao cũng sẽ muộn vài tháng. Cố tướng nói với chàng, thượng thư bộ binh cáo bệnh nằm nhà, mọi công việc do Thành thị lang xử trí. Lòng chàng như bừng sáng, nhắm mắt thầm nghĩ, không lâu nữa là có thể trở về Phong thành rồi. Núi non hùng vĩ bao bọc chắn luồng khí lạnh từ phương bắc tràn về, gió tây bắc thổi đến dịu đi nhiều, cho nên Phong thành những ngày cuối đông vẫn có thể nhìn thấy sắc xanh trên cành cây. Một đoàn xe ngựa rầm rập tiến vào Phong thành, quan khâm sai tươi cười, tiến đến trước cỗ xe ngựa, giọng khẽ khàng: "Vương thượng đã có ý chỉ, tam tiểu thư đi đường vất vả, không cần vào cung tạ ơn. Lý tướng bấy lâu ngày đêm mong nhớ, nên sớm về tướng phủ đoàn tụ".
A La ngồi trong xe nhỏ nhẹ cảm tạ: "Đại nhân đi đường vất vả. Thanh La bái tạ ở đây".
Cỗ xe ngựa rẽ ở ngã ba đường, thị vệ của tướng phủ hộ tống cỗ xe đưa A La về phủ, lúc này nàng mới gọi: "Lưu Anh!".
"Tiểu thư có gì sai bảo?". Lưu Anh đi đến trước xe.
"Đến Phong thành rồi, thuốc giải đâu?".
Lưu Anh đỏ mặt lấy trong người ra một cái hộp bằng ngọc, dâng bằng hai tay. Rèm xe vén lên, Tiểu Ngọc liếc nhìn y với vẻ giận dỗi, đón chiếc hộp, đưa cho A La, khẽ quở trách: "Biết ngay là do chủ của huynh ấy mà! Hành hạ cho đáng đời!".
"Thôi, ta cũng không định chạy trốn, sau này sẽ hỏi tội bọn họ!". A La uống thuốc, một luồng hơi nóng lan tỏa đến tận tứ chi, khí lực dần dần khôi phục.
"Tiểu thư, ta quay về thế này, lão gia liệu có...". Tiểu Ngọc bắt đầu lo lắng.
Quay về phủ, Lý tướng sẽ thế nào? A La lơ đãng nghĩ, ông ta không nước mắt lã chã cũng sẽ hiền hậu ân cần. Ta bây giờ chẳng phải là vương phi mà Bình Nam vương Lưu Giác đã chọn hay sao, ông ta không đối xử tốt với ta sao được? Mắt liếc nhanh xung quanh, nàng nói nhỏ với Tiểu Ngọc. Mắt Tiểu Ngọc dần dần sáng lên, mặt đỏ hồng phấn khởi.
Cỗ xe ngựa từ từ dừng lại trước cổng tướng phủ. Khi A La ngẩng đầu đã thấy tấm biển cao ngất trên cổng, mặt nở nụ cười, đã có gia nô chạy vào trong nhà báo tin. Lý tướng và các phu nhân đã chờ từ lâu trong đại sảnh.
Lý tướng thật lòng khâm phục nha đầu này, chạy trốn ba năm vẫn khiến cho tiểu vương gia, à không Bình Nam vương hồn siêu phách lạc. An Thanh vương vừa trở về Phong thành đã cho mời ông ta đến vương phủ, lão vương gia cả đời trên lưng ngựa, tính tình cương trực, vuốt râu mắng ông: "Mau vẽ chân dung con gái ông đưa ta coi thử, xem mặt mũi thế nào mà khiến tiểu tử ngốc nhà ta si mê đến thế! Nhất định không được nói nó giống ông đấy nhé!".
Lý tướng dở khóc dở cười: "Tiểu nữ nhà hạ thần không có tranh họa, có điều, nhìn người cũng nhẹ nhõm hoạt bát, biết chơi đàn thổi sáo mà thôi".
Có lẽ An Thanh vương đang sốt ruột chờ đợi. Không ngờ đứa con gái thứ ba này lại hợp ý ông nhất. Bất luận thái tử hay tứ điện hạ ai lên ngôi, địa vị của An Thanh vương đều không suy chuyển, A La được gả vào đó, đảm bảo tướng phủ không có gì phải lo lắng. Chỉ có điều thất phu nhân đã xuất gia, hơi đáng tiếc, nhưng chỉ cần Thanh La quay về, chịu lấy chồng, ông cũng không tính toán làm gì.
Lý tướng ngồi giữa phòng lớn vừa cười ha hả vừa chờ A La, các bà phu nhân cũng dài cổ trông ngóng, không biết con bé ấy chạy trốn ba năm sẽ xuất hiện với diện mạo thế nào? Đang mải nghĩ, bên ngoài có tiếng ồn ào, mấy thị vệ cùng hai thân hình mảnh mai đi đến. Tiểu Ngọc thận trọng dìu A La bước qua bậc cửa, vừa vào trong, Tiểu Ngọc đã quỳ sụp xuống đất khóc lóc: "Xin lão gia trách phạt! Thất phu nhân một lòng thờ Phật, đã xuất gia rồi! Tiểu Ngọc có tội, không chăm sóc phu nhân chu đáo!".
A La quỳ lạy, mắt đỏ hoe: "Thưa cha, A La bất hiếu, ham chơi còn lừa đem mẫu thân đi, để bây giờ mẫu thân một mình cô đơn với ngọn đèn xanh".
Lý tướng và mấy phu nhân ngây ra nhìn, mỹ nhân này là A La sao? A La hôm nay toàn thân xiêm y trắng muốt, đầu tóc không trâm vàng thoa ngọc, mặt không son phấn, mộc mạc giản đơn mà đài các cao sang.
Hai người quỳ trước chính đường khóc thảm thiết, các phu nhân cũng không khỏi thở dài lau nước mắt. Con người ấy vừa đi, họ chẳng còn ai để so đo ghen ghét, bây giờ tam tiểu thư lại trở thành quả cân quan trọng của tướng phủ để ganh đua với thế lực triều đình, chỉ có thể nể trọng, không thể đắc tội. Không đợi Lý tướng mở miệng, họ đã ríu rít chạy lại, nhẹ nhàng dìu hai người đứng lên, than thở một thôi một hồi những là nhớ nhung lo lắng, mong ngóng thế nào. Đại phu nhân cười to: "Trở về là tốt rồi, Đường viên đã thu xếp đâu vào đấy, Tiểu Ngọc ngươi đi xem thế nào!".
Lý tướng lúc này mới bừng tỉnh, cười hiền hậu, nói: "Quay về là tốt, quay về là tốt". Mắt ông ta bất chợt liếc sang Lưu Anh.
Lưu Anh mỉm cười chắp tay cung kính: "Tiểu nhân là Lưu Anh trước đây là binh sĩ Ô y kỵ của vương phủ, nay phụng mệnh Bình Nam vương, bảo vệ tam tiểu thư, mong tướng gia chiếu cố".
Dùng tinh binh Ô y kỵ làm lính hộ vệ cho A La? Xem ra Bình Nam vương này đúng là chết mê chết mệt con bé rồi. Lý tướng cười ha hả: "Đứa con gái yêu của ta sau này phiền Lưu thị vệ trong nom. Để lão phu lệnh cho thị vệ bản phủ thu xếp chỗ ở, ngươi đi xem nếu thiếu gì cứ nói. Tướng phủ từ nay là nhà của ngươi".
Lưu Anh cười: "Vương gia đã có lệnh, tiểu nhân phải ở cận kề hộ vệ tam tiểu thư, tướng gia đã thương tình xin thu xếp cho tiểu nhân một phòng trong Đường viên". Nói xong nháy mắt với Lý tướng.
Lý tướng vỡ lẽ, thầm khâm phục Bình Nam vương suy tính chu toàn, có người của chàng bảo vệ, Thanh La còn chạy đi đâu? Cho dù có chạy, cũng không phải trách nhiệm của mình, vậy là ông ta lập tức tán thành.
Sau khi Lưu Anh và Tiểu Ngọc đi về phía Đường viên, Lý tướng cười khà khà vuốt râu nói với A La: "A La, đúng thật là con gái vừa tròn mười tám! Không ngờ con lưu lạc bên ngoài mà lại đẹp thế này, người làm cha đây cũng được an ủi lắm thay".
A La mắt đỏ hoe: "Con gái ngang bướng ham chơi, trốn khỏi nhà, để cha lo lắng. May có Bình Nam vương giúp đỡ, mới bình an trở về phủ". Nàng cười thầm trong bụng, diễn trò cha hiền con hiếu có gì khó, tôi còn muốn ăn hết tiêu hết sạch vốn liếng của ông cơ.
Lý tướng lại nhìn kỹ A La, thấy nàng không đeo đồ trang sức gì, than thở: "Ra ngoài sao bằng ở nhà, nhìn con kìa, thiên kim của tướng phủ mà lại ăn vận đơn sơ thế này! Đại phu nhân, bà sai quản kho đánh vài đồ trang sức, mấy bà cũng nên sắm cho con mấy bộ váy áo".
Đại phu nhân tươi cười: "Cái đó là đương nhiên. A La à, thái tử phi và đại tỷ của con đã hỏi thăm mấy hôm nay nói nhớ con lắm, nhắn là khi nào con về nhất định vào cung thăm họ".
A La cười thầm, sao mà nhanh thế! Nàng còn chưa có thời gian để thở, đã phải chạy khắp nơi thăm hỏi. Nàng mỉm cười nhẹ nhàng nói: "Mấy năm không gặp đại tỷ, A La cũng nhớ lắm".
Đúng lúc đó gia nhân mang vào một phong thư, Lý tướng mở xem, cười ha hả: "A La, con nghỉ ngơi đi, An Thanh vương mời con ngày mai vào phủ dự tiệc".
An Thanh vương? Cha của Lưu Giác? A La nghĩ thấy buồn cười, nàng đã trở thành bảo bối thật rồi, vừa về đến phủ ngồi chưa ấm chỗ, đã phải chạy khắp nơi phô trương. Nghe đồn An Thanh vương khí độ phi phàm, được trao giữ Xích long lệnh của tiên đế nắm trọng trách đảm bảo sự bình an của vương thất, thống lĩnh Hữu quân, uy danh vang khắp Biên thành, khiến mấy nước lân bang mấy chục năm không dám nhòm ngó Ninh quốc. Lưu Giác còn nói, cha chàng cũng là người rất si tình. A La cảm thấy tràn đầy hiếu kỳ đối với ông ta, An Thanh vương là người như thế nào?
Bất luận ông ta là người thế nào, Lưu Giác, chàng cứ đợi thiếp thu phục cha chàng, xem chàng hối hận như thế nào vì đã dám "giải" thiếp về đây.
Đường viên không thay đổi, khóm hải đường vẫn nhẫn nại trước sân, nhưng đồ đạc trong phòng đã được thay mới hết, bày biện toàn đồ dùng quý báu, không khó nhận ra ý đồ nịnh nọt lộ liễu của Lý tướng. Lưu Anh nhìn thấy khóm hải đường, ngẩn người nhìn A La, bụng nghĩ, thì ra là thế, rồi y cũng chẳng câu nệ phép tắc, tự chuyển về phòng mình. Tiểu Ngọc đuổi theo mắng: "Làm gì có chuyện nam nữ chẳng qua hệ gì lại ở chung nhà? Không biết xấu hổ!".
Lưu Anh cười hì hì: "Chúa thượng đã có lệnh, không được rời tam tiểu thư nửa bước. Có ta ở đây bảo vệ, cái sân này con ruồi cũng đừng hòng lọt vào".
A La cũng chẳng sợ mang tiếng, vẫn ở gian phòng cũ của mình, trong khu nhà vẫn còn hai gian bỏ trống, nàng cười: "Sống cùng nhà thích thật, tối nay chúng ta lại chơi bài".
Lưu Anh lòng lại bất yên, thầm nghĩ, chơi bài là trò gì? Chẳng lẽ tam tiểu thư vẫn đùa giỡn mình chưa đủ? Mặt y nhăn nhó khổ sở, khiến Tiểu Ngọc cười ngặt nghẽo, vỗ tay hoan hô: "Tốt quá, lâu lắm không chơi bài, em cũng đang muốn chơi. Ăn tối xong chúng ta bắt đầu nhé!". Nàng ta vừa cười khoái chí vừa liếc nhìn Lưu Anh.
A La mỉm cười nhìn hai người họ, nàng đẩy cửa vào phòng, chợt nhìn thấy trên chiếc bàn thấp để một cây đàn, nhìn kỹ đó chính là cây đàn mà nàng đã chơi khúc "Quảng lăng tán" ở Đông cung dạo nào. Nàng cau mày, ai đưa cây đàn đến đây? Lý Thanh Lôi ư? Có vẻ không phải. Nếu là Vương Yến Hồi đem tặng tất có ý nịnh nọt lôi kéo. Nàng ta biết bí mật đó hay sao? Sự việc này ngầm đánh tiếng Vương Yến Hồi đã biết bí mật đó hay là nịnh bợ nàng? Nếu là khả năng thứ nhất, mình nhất quyết không thừa nhận là xong, chơi đàn ư, chơi hay dở thế nào vẫn do mình quyết định. Nếu là khả năng thứ hai lại càng đơn giản, mọi chuyện cứ để Lưu Giác quyết.
Nhưng nếu là chủ ý của thái tử? A La nghĩ, bây giờ thái tử tuyệt đối không làm như vậy, thái tử vẫn còn nhiều việc cần dựa vào cha con An Thanh vương. Nghĩ đi nghĩ lại, A La cảm thấy ngày mai nhất định phải thể hiện thật tốt trước mặt An Thanh vương.
Chú thích:
16. Nguyên văn: "Linh lạc thành nè niễn tác trần, chỉ hữu hương như cố", trích trong bài Vịnh mai, điệu Bốc toán tử của Lục Du, bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo (BTV).
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook